Nguyễn Thanh Liêm
Văn học chữ Quốc Ngữ đã được thành hình ở Miền Nam ngay từ hạ bán thế kỷ XIX với Petrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của. Nhờ công của hai ông, chữ Quốc Ngữ bành trướng nhanh chóng trong dân gian. Với sự bành trướng của chữ Quốc Ngữ và phương tiện in ấn mới, phong trào đọc tiểu thuyết càng ngày càng lan rộng. Tiểu thuyết trở thành món tiêu khiển rất ăn khách ở Miền Nam vào đầu thế kỷ XX. Các báo chí, các nhà in, và nhà xuất bản đều đói tác phẩm tiểu thuyết. Khởi đầu là những tiểu thuyết dịch, phần lớn là truyện Tàu, rồi đến những sáng tác của người Việt. Một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng trong thời kỳ mở đầu này là Hồ Biểu Chánh. So với các tiểu thuyết khác cùng thời thì tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có tính cách mới mẻ hơn và hấp dẫn hơn.
Với tác phẩm đầu tiên, „U Tình Lục“, thành hình năm 1909 và xuất bản năm 1913, Hồ Biểu Chánh còn chịu ảnh hưởng truyện Nôm trong cách dùng thể văn lục bát trường thiên như Ðoạn Trường Tân Thanh hay Lục Vân Tiên. Tuy vậy mầm mới mẻ của tiểu thuyết của ông cũng đã khởi sắc qua bối cảnh (câu chuyện xảy ra ở Việt Nam, nhất là ở quê hương Gò Công của ông ở Miền Nam), qua cách dàn dựng cốt truyện (plot) cũng như qua văn tự (dùng chữ Quốc Ngữ). U Tình Lục chỉ củ ở thể văn (thể lục bát trường thiên) và ở một số các từ ngữ và lối diễn tả trong một số câu thơ mà nghe qua ta thấy tương tự như truyện Kiều, như trong hai câu sau đây:
„Cúc-Hương trở gót trướng hoa,
Ruột gò chín khúc, lụy sa đôi hàng.“
Nhưng đến tác phẩm „Ai Làm Ðược“, ra đời liền sau U Tình Lục, thì Hồ Biểu Chánh đã là một tiểu thuyết gia loại mới hẳn.
Ai Làm Ðược là quyển tiểu thuyết đầu tiên viết theo thể văn xuôi bằng chữ Quốc Ngữ. Bản thảo đã thành hình hồi năm 1912 lúc Hồ Biểu Chánh còn làm ký lục ở Cà Mau, nhưng phải đến năm 1922 tác phẩm tiểu thuyết đầu tay này mới chính thức ra đời sau khi đã được ông nhuận sắc. Ai Làm Ðược là tiểu thuyết viết theo kỷ thuật mới, nghĩa là viết theo cách viết tiểu thuyết của Pháp, chớ không viết theo kiểu truyện Tàu (chương hồi tiểu thuyết), hay kiểu truyện Nôm của các nhà nho Việt Nam xưa (viết theo thể lục bát trường thiên) như Nguyễn Du hay Nguyễn Ðình Chiểu. Hồ Biểu Chánh thành công ngay với tác phẩm đầu tiên theo loại mới này. Liền sau Ai Làm Ðược là một loạt 15 quyển tiểu thuyết khác của ông được xuất bản trong những năm kế tiếp trong thập niên1922-29. Ðiều này cho thấy độc giả rất ưa thích loại tiểu thuyết mới này của ông.
So với truyện Tàu còn rất ăn khách trong thời gian này thì Ai Làm Ðược tỏ ra mới lạ và hấp dẫn hơn nhiều. Trước hết là mới trong bối cảnh của câu chuyện. Ðây là câu chuyện xảy ra ở Miền Nam Việt Nam, ở ngay tại Cà Mau, chớ không phải ở một nơi xa xôi nào bên Trung Quốc. Và chuyện xảy ra ngay trong thời gian gần đây chớ không phải chuyện xảy ra hồi xửa hồi xưa nào, với những nhân vật là người Việt Nam, và những sinh hoạt quen thuộc trong xã hội Miền Nam (Nam Kỳ Lục Tỉnh) vào khoảng thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX. So với truyện Tàu dịch ra tiếng Việt, và với các truyện Nôm xưa, bối cảnh của Ai Làm Ðược hoàn toàn mới mẻ với tính cách phong tục (hay môi trường văn hóa/xã hội) của nó. Và đó là điểm hấp dẫn đầu tiên của quyển tiểu thuyết mới này.
Kế đó và quan trọng hơn nữa là cách dàn dựng cốt chuyện của Hồ Biểu Chánh. Phần đông truyện Tàu đều theo mẫu dựng mấu chốt chung của câu chuyện tựa trên những thử thách (challenges) bên ngoài để cho người anh hùng (nhân vật chánh) phải đương đầu và vượt qua những thử thách đó. Thử thách càng nhiều, càng lớn thì sự chiến thắng của người hùng càng vẻ vang và câu chuyện càng lôi cuốn hấp dẫn. Kết thúc câu chuyện là sự chiến thắng của người anh hùng, của người quân tử, của lẽ phải và luân lý đạo đức, với sự thỏa mãn của đọc giả. Loại chuyện tạo xúc động tựa trên những thử thách bên ngoài đó (loại melodrama) có cái hay của nó nhưng chưa nói hết được tấn kịch sâu sắc của con người trong loại drama. Ở đây không những có thử thách bên ngoài mà còn có xung đột giữa những tính tình khác nhau của các nhân vật và những mâu thuẫn bên trong tâm lý của các nhân vật chính. Từ những xung đột, những mâu thuẫn đó câu chuyện thường ẩn chứa nhiều ngang trái, éo le, gây nhiều xúc động trong lòng độc giả. Cũng từ những xung đột, mâu thuẫn ngang trái, éo le đó mà câu chuyện xảy ra, và diễn tiến một cách hợp tình, hợp lý, đưa dần đến đỉnh cao nhất (climax) của câu chuyện để kết thúc. Mấu chốt của câu chuyện trong Ai Làm Ðược là những xung đột, mâu thuẫn đó, những xung đột, mâu thuẫn dẫn đến những éo le ngang trái trong đời. Xung đột giữa mẹ ghẻ độc ác và con chồng cương quyết trả thù cho mẹ ruột. Mâu thuẫn trong bổn phận làm con đối với cha và bổn phận trả thù cho mẹ. Xung đột giữa luân lý về danh dự, tiết hạnh và về chữ hiếu, v.v. . . Qua những mâu thuẫn, xung đột trong tâm lý nhân vật, Hồ Biểu Chánh đã khéo léo kích thích và gây nhiều cảm xúc mạnh trong lòng người đọc khiến họ bị lôi cuốn vào câu chuyện từ đầu đến cuối. Câu chuyện diễn tiến như sau:
Có một phú ông tên Bạch Khiếu Nhàn, nhà ở gần chợ Cà Mau, góa vợ, sống một mình trong ngôi nhà to lớn với mấy người gia nhân. Ông có một người con gái độc nhất đã gả cho ông Tri Phủ Lê Xuân Thới ở tại đó. Nhưng con gái ông không may đã lìa đời sau khi sinh được một cô con gái đặt tên là Bạch Tuyết. Ông Tri Phủ thì đã có thêm một người vợ lẽ là bà Nguyễn Thị Phường con của ông hương thân ở Ðầm Dơi trước khi mẹ Bạch Tuyết chết. Bạch Tuyết sống với cha là ông Tri Phủ và bà mẹ ghẻ bây giờ đã chính thức trở thành bà Tri Phủ sau cái chết của mẹ cô. Bà này có nhan sắc, lanh lẹ, ở với ông Tri Phủ có một đứa con trai tên là Lê Xuân Sắc. Bạch Tuyết thường hay qua lại nhà ông Bạch Khiếu Nhàn để thăm viếng ông ngoại.
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi chiều năm 1894 khi ông Nhàn vào quán cơm chú Lỳ ở chợ Cà Mau. Ở đây ông có dịp gặp một thanh niên, người ở Vĩnh Long, mồ côi cha mẹ, tên Phan Chí Ðại, người thông minh, có chút học vấn, nhưng nghèo khổ đang muốn tìm việc làm ở Cà Mau. Mến tài Chí Ðại và cũng thương cho tình cảnh của người thanh niên này, ông Nhàn đem Chí Ðại về ở nhà mình và xin cho Chí Ðại một chân thơ ký trong văn phòng ông con rể là quan Tri Phủ. Chí Ðại rất có tư cách, làm việc mẩn cán, được mọi người thương mến, kính nể. Ban ngày Chí Ðại đi làm bên phủ, buổi tối thì về ở nhà Bạch Khiếu Nhàn. Chí Ðại xem ông Nhàn như sư phụ của mình, còn ông Nhàn thì thương mến Chí Ðại như cháu ruột của ông.
Bạch Khiếu Nhàn là người gốc ở Thừa Thiên. Từ ngày con gái chết ông buồn rầu không đi về Trung thăm mồ mả ông bà. Bây giờ có Chí Ðại ông muốn nhờ Chí Ðại trông coi nhà cửa để ông đi về nguyên quán chơi chừng vài tháng. Nhưng ông Tri Phủ Lê Xuân Thới thì đề nghị nên để Chí Ðại qua ở bên phủ trong thời gian ông Nhàn đi chơi, để tiện dạy thêm cho con trai ông chớ để Chí Ðại ở một mình bên đó thì buồn chết chịu gì nổi. Ông Nhàn chìu ý ông Tri Phủ và từ đó Chí Ðại sang ở luôn bên phủ. Chí Ðại thường thấy Bạch Tuyết nhưng không hề dám nhìn hay đến gần nói chuyện.
Bà Phủ là người tham lam, độc ác nhưng bề ngoài rất khôn khéo với chồng và con ghẻ. Bà luôn khéo léo chìu chuộng, phục vụ cho ông chồng ghiền thuốc phiện, và lúc nào cũng tỏ vẻ thương yêu lo lắng cho cô con gái con riêng của chồng. Bà thấy ngày nào ông Nhàn, ông ngoại Bạch Tuyết, chết đi thì gia tài đồ sộ của ông sẽ thuộc về Bạch Tuyết. Bà thèm muốn gia tài đồ sộ đó nên muốn xui chồng gả Bạch Tuyết cho cháu ruột của bà. Bà nhỏ nhẹ, thiệt hơn với chồng, khuyên chồng sớm làm theo ý muốn đó của bà. Bà muốn đặt ông Nhàn trước một sự đã rồi để khi trở về dù ông Nhàn có không bằng lòng đi nữa thì cũng không còn làm gì được. Ông Phủ nghe lời vợ, cho Bạch Tuyết biết là ông đã quyết định gả Bạch Tuyết cho anh Ðồ, cháu ruột của bà Phủ. (Câu chuyện trở nên gay cấn bắt đầu từ đây).
Bạch Tuyết mạnh dạn phản đối quyết định của cha, không chịu về làm vợ anh Ðồ, cô cũng nói rõ là cô chê chỗ đó. Thật ra thì Bạch Tuyết từ chối vì một lý do quan trọng hơn là chê chỗ đó nhưng mà cô không thể nói ra lý do đó được. Cô thầm biết âm mưu sang đoạt gia tài của người kế mẫu. Cô cũng biết là trước đây mẹ cô chết không phải vì bệnh mà là vì bị bà kế mẫu tráo thuốc độc giết chết. Việc ác độc này cha cô không hề hay biết gì cả. Cha cô lại rất thương yêu, rất nghe lời bà kế mẫu độc ác này. Cô ôm mối hận thù trong thâm tâm và quyết chí chờ cơ hội trả thù cho mẹ ruột. Ðó là lý do thầm kín quan trọng khiến cô cương quyết từ chối cuộc hôn nhân.
Thấy việc ép gả Bạch Tuyết chưa có kết quả tốt, bà phủ xoay qua cách khác. Bà nói với chồng là vì Bạch Tuyết đã có tư tình với người nào rồi nên mới từ chối cuộc hôn nhân do cha định đoạt. Bà tạo cơ hội để cho Bạch Tuyết phải có dịp đem thuốc cho Chí Ðại uống, và nói chuyện với Chí Ðại trước mắt đám gia nhân. Từ đó có tiếng xì xầm về việc Bạch Tuyết lo thuốc men cho Chí Ðại và hai người trò chuyện riêng với nhau. Chắc là họ có tư tình gì với nhau rồi. Từ tin đồn đó bà xui chồng đuổi Chí Ðại đi. Ông phủ lúc nào cũng thấy bà có lý, luôn nghe lời bà. Chí Ðại bị đuổi không một lời giải thích. Bị đuổi vô cớ, Chí Ðại sợ ở lại Cà Mau sẽ còn nhiều chuyện không hay nên biên thơ cám ơn Bạch Khiếu Nhàn và đi về Sài Gòn tìm việc làm. Chí Ðại đi là bà Phủ đã thành công một bước trong mưu tính của bà. Bà phải làm sao cho ông Phủ thấy là con gái mình đã bị hư và muốn che dấu sự hư hỏng đó để người ngoài đừng biết thì chỉ có cách là phải gả nó cho cháu bà càng sớm càng tốt. Chí Ðại đi rồi thì việc cho rằng Bạch Tuyết đã hư hỏng với anh chàng này càng được dễ dàng dựng nên. Ông Phủ liền nghe theo bà Phủ, chỉ thị thuộc hạ gắp rút chuẩn bị làm đám cưới cho Bạch Tuyết.
Bạch Tuyết cương quyết từ chối thì bị ông Phủ đánh cho một trận đòn đích đáng về tội hư hỏng. Bạch Tuyết không cách gì minh oan dược. Nhờ bà mẹ ghẻ can thiệp, xin cho cô, ông Phủ mới không đánh nữa. Bạch Tuyết chẳng những không mang ơn bà mẹ ghẻ mà còn căm hận nhiều hơn. Bạch Tuyết khổ sở quá mà không biết làm sao, không còn biết cầu cứu với ai được. Cô định tự tử, nhưng nghĩ lại nếu chết rồi thì còn ai để lo trả thù cho mẹ. Cô nghĩ đến việc thà trốn đi theo trai, thà mang tiếng xấu mà còn có thể trả thù được chớ ở lại đây thì chắc sẽ chết vào tay bà mẹ ghẻ mà thù nhà không trả được. Nhân một hôm ông bà Phủ đi xa, cô lén trốn nhà ra đi. Trước khi đi cô có qua nhà ông ngoại định viết thơ để lại nhưng chỉ mới viết có mấy chữ ông ngoại rồi bỏ dở. Nhưng cô đã có cơ hội đọc thơ Chí Ðại để lại cho Bạch Khiếu Nhàn. Qua thơ này cô biết Chí Ðại đi về đâu, và do đó cô quyết lòng đi theo Chí Ðại.
Bạch Tuyết tìm gặp được Chí Ðại ở Sài Gòn. Cô kể rõ tình cảnh đớn đau, nguy hiểm, cô đơn, bơ vơ của cô cho Chí Ðại nghe, cô nói cho Chí Ðại biết tâm sự thầm kín của cô trong vấn đề trả thù cho mẹ, cô mong ước được sự giúp đỡ của Chí Ðại. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo này cô chỉ còn biết trông cậy vào Chí Ðại mà thôi, và cô mong được sống chung với Chí Ðại. Thương cho thân phận của Bạch Tuyết lại đã từng mang ơn Bạch Khiếu Nhàn, tất nhiên Chí Ðại phải hết lòng lo cho Bạch Tuyết nhưng để cho Bạch Tuyết đi theo ở chung với mình thì thật là khó coi nếu không nói là tội lỗi. Chí Ðại phân tích lợi hại, tốt xấu cho Bạch Tuyết nghe và khuyên nàng nên trở về Cà Mau để bảo toàn danh tiết. Nhưng Bạch Tuyết quả quyết thà tự tử chết chớ không thể về Cà Mau được. Cuối cùng Chí Ðại đành phải để Bạch Tuyết theo, sống chung với mình. Hai người sống với nhau và trở thành vợ chồng dù không chánh thức cưới hỏi. Nhưng cuộc sống của hai người vô cùng khổ cực. Chí Ðại không tìm được việc làm vững chắc, vợ chồng thiếu trước hụt sau, nợ nần không trả nổi. Bạch Tuyết có thai, sinh con, nhưng con đau và chết đi vì không tiền thuốc thang chạy chửa. Hoàn cảnh của họ thật vô cùng bi đát.
Sau gần bốn tháng đi chơi ở Huế, Bạch Khiếu Nhàn trở về Cà Mau mới hay việc Chí Ðại bị đuổi và Bạch Tuyết đã trốn đi rồi. Ông đọc thơ Chí Ðại và Bạch Tuyết và nghĩ có thể Bạch Tuyết đã theo Chí Ðại lên Sài Gòn thành ra ông vội vã đi ngay lên Sài Gòn tìm cháu. Sau một thời gian khó nhọc tìm kiếm ông đã đến được chỗ ở đậu tồi tàn của hai người. Ông cho tiền trả nợ, mua sắm áo quần, giúp hai người làm hôn thú, rồi đưa hai người về Cà Mau. Ông hùn vốn với một người khách trú mua tàu lớn sang Ấn Ðộ Dương vớt ngọc điệp đem về bán ở bên Trung Quốc. Ông cho Chí Ðại theo tàu điều hành công việc để Chí Ðại có cơ hội gầy dựng sự nghiệp. Còn Bạch Tuyết thì ở nhà với ông. Nhưng bà Phủ đâu có để yên, bà lại xúi ông Phủ sang xin cho Bạch Tuyết về ở với ông bà. Trước lời cầu xin tuy hợp tình hợp lý của ông Phủ, ông Nhàn vẫn chưa chấp thuận. Nhưng Bạch Tuyết lại sợ rồi đây thế nào bà kế mẫu độc ác kia cũng tìm mọi cách ám hại nàng cho nên nàng phải một lần nữa trốn lên Sài Gòn để xa lánh bà mẹ ghẻ độc ác này.
Lần này thì Bạch Tuyết phải sống một mình ở Sài Gòn, nhưng cũng may là cô có mang theo được chút ít tiền và cô đã biết rành cuộc sống ở đây. Lần này cô cũng có cơ hội quen biết và giúp đỡ cho hai người bạn mà sau này họ sẽ trở thành đôi vợ chồng. Họ là những người bạn rất thân của cô, hết lòng giúp đỡ cô trong cơn hoạn nạn về sau. Một người là Băng Tâm, một cô gái quê ở Vĩnh Long, nghèo khổ, bơ vơ lần đầu đến Sài Gòn, và một người là Lý Trường Khanh, nhà giàu có, và là chỗ quen biết với chồng cô từ trước. Cuộc sống của Bạch Tuyết ở Sài Gòn lần này tuy có đỡ hơn lần trước nhưng cũng vẫn rất khổ cực. Cô lại bị đau yếu phải nhờ đến sự chăm sóc tận tụy của Băng Tâm và Trường Khanh. Bà Phủ thì không bao giờ chịu để cho Bạch Tuyết yên thân. Cái gia tài đồ sộ của ông Nhàn lúc nào cũng ám ảnh bà. Không cưới được Bạch Tuyết cho cháu bà thì phải làm sao giết được Bạch Tuyết để may ra ông Phủ và con trai bà còn được hưởng phần nào cái gia tài đồ sộ đó. Bà đích thân lên Sài Gòn tìm gặp Bạch Tuyết, dùng lời ngon ngọt dụ Bạch Tuyết về Cà Mau sống với ông bà. Bạch Tuyết nhất định không chịu. Bà Phủ lật đật về Cà Mau xúi ông Phủ lên Sài Gòn bắt Bạch Tuyết về. Biết thế nguy, Bạch Tuyết nhờ Trường Khanh tìm chỗ ở khác để trốn lánh. Nhưng Trường Khanh chưa tìm được chỗ thì ông Phủ đã lên tới. Lúc này Bạch Tuyết đau nhiều. Ông Phủ thuê ghe đưa Bạch Tuyết về Cà Mau với ông. Bạch Tuyết không trốn tránh nữa được, đành phải để cho ông Phủ bắt về thôi. Sợ Bạch Tuyết bị hại nên Băng Tâm nài nỉ xin được theo bên cạnh để săn sóc cho Bạch Tuyết. Bà Phủ không thích nhưng cũng không làm sao ngăn cản được. Khi Bạch Tuyết và Băng Tâm theo ông bà Phủ đi rồi thì Trường Khanh cũng hối hả xuống Cà Mau tìm gặp ông Nhàn để thông báo mọi việc.
Ông Nhàn và Trường Khanh hết sức lo lắng cho số phận của Bạch Tuyết. Trường Khanh nghĩ kế đem Bạch Tuyết ra khỏi nhà ông bà Phủ, nhưng mưu kế bị bại lộ. Bà Phủ biết được bèn tương kế tựu kế cho gia nhân bao vây bắt Trường Khanh và Băng Tâm, vu cáo cho hai người thông đồng ăn trộm đồ nhà bà, kêu ông Phủ phải làm tờ trình gắp rút giải họ lên tòa để Bạch Khiếu Nhàn không kịp can thiệp, giúp đỡ. Giải quyết được Băng Tâm và Trường Khanh, bà Phủ bây giờ đã có đủ điều kiện và cơ hội để giết Bạch Tuyết. Bà tráo thuốc độc cho Bạch Tuyết uống cũng như bà đã làm trước đây cho mẹ ruột Bạch Tuyết. Biết thuốc của bà Phủ bưng vào là thuốc độc nên Bạch Tuyết không chịu uống. Bà Phủ bèn đóng chặt cửa phòng, đè Bạch Tuyết xuống, định đổ thuốc vào miệng. Bạch Tuyết chống cự mãnh liệt nhưng vì đau yếu lâu ngày thành ra không chống nổi sức mạnh của bà Phủ. Nhưng vừa lúc bà Phủ đè được Bạch Tuyết để sắp sửa đổ thuốc vào thì có người tông mạnh cửa phòng, nhào tới kéo bà Phủ ra, giải thoát cho Bạch Tuyết. Người đó là Chí Ðại, vừa về kịp đúng lúc để cứu Bạch Tuyết. Chí Ðại không quên giữ kỷ chén thuốc độc để làm tang chứng tố cáo bà Phủ.
Chí Ðại lên tòa giải oan cho Trường Khanh và Băng Tâm, và nhờ trạng sư đầu đơn tố cáo bà Phủ. Bà Phủ bị tòa tuyên án 8 năm cấm cố về tội giết người. Tri Phủ Trần Xuân Thới thì bị bắt phải về hưu sớm. Ông hết sức ăn năn. Chí Ðại đã thành công lớn lao trong chuyến đi vớt ngọc điệp ở Ấn Ðộ dương. Bạch Khiếu Nhàn vô cùng mừng rỡ. Trường Khanh và Băng Tâm làm lễ thành hôn ở đây với sự giúp đỡ của ông Nhàn. Chí Ðại và Bạch Tuyết vui mừng sum họp, nhưng niềm vui chưa trọn thì Chí Ðại bỗng thấy bức thơ tuyệt mạng của vợ viết cho mình mà chưa ký tên. Ðọc thơ xong Chí Ðại sợ quá nhưng may mà Bạch Tuyết chưa kịp tự tử. Chí Ðại phải hết lời khuyên giải, cắt nghĩa thiệt hơn, Bạch Tuyết mới bỏ ý định đó. Câu chuyện kết thúc ở đây với cảnh mọi người vui vẻ sống hạnh phúc bên nhau.
Ngoài sự hấp dẫn của câu chuyện, tâm lý các nhân vật cũng được khéo léo xây dựng để góp phần quan trọng vào tính logic của câu chuyện. Bà Phủ đẹp đẽ, lanh lợi, rất khéo léo bên ngoài nhưng bên trong vô cùng thâm độc, lúc nào cũng mưu tính giết người, đoạt của. Bên ngoài bà là người vợ hiền thục, hết sức lo lắng, chìu chồng, là người mẹ ghẻ tốt lúc nào cũng để ý lo lắng cho con riêng của chồng, nhưng bên trong bà là người hết sức tham lam và vô cùng ác độc, có thể mưu tính làm bất cứ cái gì, kể cả giết người, để đoạt lấy sự sản gia tài của người khác. Ông Phủ thì hiền từ nhưng lôi thôi, chỉ biết hưởng thụ (hút thuốc phiện), lúc nào cũng nghe lời bà Phủ, không hề biết những mưu toan và hành động gớm ghê của vợ. Vì chỉ biết nghe theo bà Phủ nên ông không biết được những đớn đau, khổ sở của con gái, ông không thấy và cũng không ngờ được sự nguy hiểm đến tính mệnh của Bạch Tuyết trước mưu toan hiểm độc của bà Phủ. Lại là người có học, biết trọng đạo lý Nho giáo nên ông phải nghe lời vợ mạnh dạn trừng trị đứa con gái bất hiếu, không nghe lời cha dạy lại mang tiếng hư hỏng, tư tình với trai.
Bạch Khiếu Nhàn là người giàu có, rất thương con cháu, nhất là thương Bạch Tuyết và sau này thêm Chí Ðại. Ông cũng biết con gái ông bị bà Phủ thuốc chết nhưng ông không nuôi ý định trả thù mà lại muốn tha thứ hết. Khi Bạch Tuyết bày tỏ với ông ý muốn trả thù cho mẹ ruột của cô thì ông cũng khuyên nên tha thứ chớ không tích cực giúp Bạch Tuyết trong vấn đề này. Ông rất thương yêu cháu ngoại và cũng rất thương Chí Ðại. Thấy Chí Ðại có học, có tài, có đức, nhưng không gặp thời ông đem về ở nhà, giúp Chí Ðại tìm việc, và có ý thầm muốn gả Bạch Tuyết cho Chí Ðại nhưng chưa tiện nói ra. Khi gặp được Chí Ðại và Bạch Tuyết ở Sài Gòn, ông không hề có một lời trách móc hay phê phán gì về hành động của hai người. Ông lại vui vẻ, hết lòng giúp đỡ hai người. Sợ Chí Ðại có mặc cảm nghèo khó trước cô vợ giàu ông tìm cách giúp Chí Ðại lập nên sự nghiệp. Chỉ tiếc là ông quá nhân từ và không có đủ thủ đoạn để giúp cháu ngoại đương đầu với mẹ ghẻ độc ác, tội lỗi. Bạch Tuyết, nhân vật chính của truyện, là một thiếu nữ thông minh, khá trí thức, biết lễ nghi, đạo lý, có ý thức và rất có ý chí. Biết mẹ bị dì ghẻ giết, cô âm thầm mang mối thù trong tâm, quyết chí tìm cơ hội trả thù. Cô không độc ác, không đủ bản lĩnh làm chuyện hung dữ, không dự tính hại bà Phủ bằng những hành vi ám muội. Cô chỉ mong có cơ hội đưa vấn đề ra trước pháp luật để luật pháp trừng trị tội phạm một cách công minh. Nhưng điều kiện sinh sống của cô không cho phép cô làm theo như cô muốn. Ngược lại cô bị đặt trong hoàn cảnh thật éo le ngang trái. Cô bị bắt buộc phải sống dưới bàn tay vô cùng độc ác của bà Phủ. Là người sẽ có gia tài đồ sộ, cô là miếng mồi ngon của bà mẹ ghẻ tham lam. Hằng ngày sống bên cạnh bà Phủ chẳng khác nào sống dưới tay tử thần. Ai có thể bảo vệ được cho cô? Người thứ nhất là ông ngoại cô. Ông rất thương cô nhưng ông không ở cạnh bên, không có quyền gì đối với ông bà Phủ, lại quá nhân từ, không có đủ thủ đoạn để đối phó, đương đầu với một người khôn lanh độc ác như bà Phủ. Người thứ nhì là cha cô. Cha cô chắc cũng thương cô nhưng lại rất nghe lời bà Phủ. Ở gần bên nhưng thật sự rất cách xa. Ông cha này không hề hiểu biết gì về cô thành ra vô tình ông trở thành đồng lõa với bà Phủ trong kế hoạch hãm hại cô. Tệ hơn nữa vì quá nhu nhược trước bà Phủ, ông bị bà biến thành một công cụ trong mọi dự tính thực hiện ý định độc ác của bà. Vô cùng cô đơn trước những hiểm nguy, Bạch Tuyết phải vớ vào cái phao cuối cùng là Chí Ðại. Theo trai là hư hỏng, là mất danh tiết, nhưng đó là con đường sống sót còn lại cho người thiếu nữ này. Theo trai để không chết, để còn có thể có cơ hội trả thù cho mẹ. Nàng là đứa con có hiếu, nhưng không phải vì thế mà dễ dàng để cho cha mẹ sai khiến lẽ nào cũng được. Ðặt trong cảnh ngặt nghèo nàng dám liều. Nàng chống lại quyết định của cha. Nàng quyết định trốn ra khỏi nhà. Nàng liều lĩnh ra đi, phiêu lưu chẳng kể, miễn sao tránh được bàn tay ác độc của bà mẹ ghẻ. Khi gặp Chí Ðại nàng liều lĩnh bày tỏ ý muốn sống với Chí Ðại một cách không mấy ngại ngùng. Thật ra Bạch Tuyết không mù quáng, điên rồ khi quyết định theo sống với Chí Ðại. Nàng cũng không phải chỉ có ý định dùng Chí Ðại như một công cụ hay một phương tiện để trả thù nhà. Trong thâm tâm, Bạch Tuyết rất kính nể mến yêu Chí Ðại. Có thể là cô thầm yêu Chí Ðại. Khi trở thành vợ Chí Ðại nàng là người hết sức lo lắng thương yêu chồng. Con người liều lĩnh này vẫn trọng danh tiết cho nên mới có cái màn viết thơ tuyệt mạng để lại cho chồng trong phần kết thúc. Cô định tự tử để chứng tỏ rằng cô là người trọng danh dự, muốn bảo toàn danh tiết chớ không phải là người theo trai hư hỏng. Sở dĩ cô phải theo Chí Ðại là vì mối thù phải trả mà thôi. Bây giờ thù đã trả xong cô muốn tự tử chết đi để chứng tỏ lòng trọng danh tiết của cô. Chí Ðại rất xứng đáng là người yêu, là người chồng lý tưởng của Bạch Tuyết. Có học thức, rất đạo đức, có khả năng, làm việc tận tụy, rất trung thành, ngay thẳng, Chí Ðại là một chàng trai lý tưởng trong xã hội bấy giờ. Nghèo nhưng không bao giờ ham muốn nhận tiền của của người khác, dù đó là của vợ hay của bên vợ. Gặp cơn túng thiếu thì làm bất cứ việc gì dù là những nghề tay chân cực khổ bị người ta coi thường hay khinh khi, miễn có chút tiền nuôi vợ con. Chí Ðại rất xứng đáng với tình thương của Bạch Khiếu Nhàn, và càng xứng đáng hơn nữa với tình yêu và sự trao thân gởi phận của Bạch Tuyết.
Phần đông người ta đọc tiểu thuyết là để được thích thú với câu chuyện, để quên cuộc sống thực tế mệt nhọc của mình trong phút chốc. Ðọc tiểu thuyết là để tiêu khiển, để „mua vui một vài trống canh“ như một nhà văn xưa đã nói. Thành ra tiểu thuyết phải có câu chuyện, và câu chuyện càng gay cấn, càng có nhiều động tác (actions) thì tiểu thuyết càng hấp dẫn đối với phần đông đọc giả. Câu chuyện phải có phần tưởng tượng ly kỳ nhưng cái ly kỳ tưởng tượng đó đừng quá xa cuộc sống thực tế. Câu chuyện phải có những bất ngờ mà người đọc không quá dễ dàng đoán trước sự việc, nhưng những bất ngờ đó đừng trái ngược tính hợp tình, hợp lý hay logic ở đời. Và câu chuyện phải sít sao với tâm lý các nhân vật, những động tác không trái ngược với tâm lý nhân vật. Phần đông độc giả đều có ý hướng đạo đức, phần đông đều mong đến một kết thúc có hậu, ơn đền oán trả, thiện thắng ác, người ngay/người tốt được thưởng, kẻ ác/kẻ gian phải bị trừng trị. Cái ý hướng luân lý đó thiếu thì đa số đọc giả sẽ rất phiền, sẽ ngại đọc những tác phẩm khác nữa của tác giả, nhưng nếu luân lý đó được đặt lên hàng đầu để buộc câu chuyện phải uốn nắn theo, thì câu chuyện sẽ trở nên nhàm chán, không còn đủ lôi cuốn, hấp dẫn. Câu văn cầu kỳ, khó hiểu cũng không mấy hấp dẫn đối với đa số độc giả, nên giản dị, nên nói cái ngôn ngữ của người đọc để cho họ dễ đọc. Ðó là những điều kiện để tiểu thuyết được nhiều người ưa thích. Ai Làm Ðược và nhiều tiểu thuyết khác của Hồ Biểu Chánh có đủ những điều kiện đó, ông đã đáp ứng đúng nhu cầu đọc tiểu thuyết để tiêu khiển của đa số độc giả Miền Nam trong các thập niên 1920- 1940 của thế kỷ XX.
***
Tóm tắt
Câu chuyện kể về cuộc đời của Bạch Tuyết và Chí Đại, hai nhân vật chính trong tiểu thuyết "Ai Làm Được" của Hồ Biểu Chánh. Bạch Tuyết là con gái của ông Tri Phủ Lê Xuân Thới và bà vợ cả, nhưng sau khi mẹ cô mất, bà Phủ, vợ lẽ, đã giết mẹ cô để chiếm đoạt gia tài. Bạch Tuyết ôm mối hận thù, quyết tâm trả thù cho mẹ.
Chí Đại là một thanh niên nghèo, mồ côi cha mẹ, được ông Tri Phủ nhận về làm thơ ký. Chí Đại và Bạch Tuyết gặp nhau và yêu nhau, nhưng bà Phủ tìm cách chia rẽ hai người. Bà vu oan cho Bạch Tuyết hư hỏng và ép ông Tri Phủ đuổi Chí Đại đi. Bạch Tuyết đau khổ, bỏ nhà theo Chí Đại.
Hai người sống với nhau ở Sài Gòn, nhưng cuộc sống rất khó khăn. Bà Phủ tiếp tục tìm cách hãm hại Bạch Tuyết. Bà dụ Bạch Tuyết về Cà Mau, rồi cho thuốc độc giết cô. Chí Đại kịp thời ngăn cản, cứu sống Bạch Tuyết.
Cuối cùng, bà Phủ bị bắt vì tội giết người. Chí Đại và Bạch Tuyết đoàn tụ, sống hạnh phúc bên nhau.
Review
Tiểu thuyết "Ai Làm Được" được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Hồ Biểu Chánh. Tác phẩm có nhiều điểm hấp dẫn, trong đó có thể kể đến:
Cốt truyện của "Ai Làm Được" được xây dựng chặt chẽ, hợp lý, có nhiều tình tiết bất ngờ, gây cấn, hồi hộp. Câu chuyện xoay quanh những xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống của các nhân vật, đặc biệt là xung đột giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa.
Các nhân vật trong "Ai Làm Được" được xây dựng sinh động, có tính cách riêng, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bà Phủ là nhân vật phản diện điển hình, với những thủ đoạn độc ác, mưu mô. Ông Tri Phủ là một người hiền lành, nhưng nhu nhược, dễ bị bà Phủ lừa gạt. Bạch Tuyết là một cô gái xinh đẹp, có cá tính mạnh mẽ, quyết tâm trả thù cho mẹ. Chí Đại là một chàng trai hào hoa, phong nhã, có tình yêu thủy chung, son sắt.
"Ai Làm Được" là một tác phẩm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tác phẩm lên án những thế lực tàn ác, độc ác, đồng thời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người như lòng yêu thương, sự kiên cường, ý chí trả thù.
Kết luận
Tiểu thuyết "Ai Làm Được" là một tác phẩm văn học có giá trị, góp phần làm phong phú thêm nền văn học Việt Nam. Tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.