Kinh Nghĩa Túc – Đạo Bụt nguyên chất
Đạo Bụt Nguyên Chất là một cuốn sách gồm có 16 bài kinh rất nguyên chất, rất cổ xưa về văn và về nghĩa, được Bụt nói vào những năm đầu khi Ngài mới thành đạo. Những kinh này được dịch từ kinh Nghĩa Túc phẩm thứ tư của kinh tập (Sutta- Nipàta).
Nghĩa là ý nghĩa. Ý nghĩa ở đây là ý nghĩa của giáo lý Bụt dạy. Túc nghĩa là bàn chân, bước chân hay những câu thi kệ. Tiếng Phạn là Arthapada. Artha (Pali: Attha) là nghĩa. Pada (Pali cũng là Pada) là bàn chân, bước chân, hay câu thi kệ. Ta có thể định nghĩa: Nghĩa Túc là bước chân giáo nghĩa hoặc những câu thi kệ chuyên chở giáo nghĩa.
Kinh Nghĩa Túc hiện có mặt trong tạng kinh Pali và cũng có mặt trong tạng Hán. Năm 1916, một học giả tên A.F. Rudolf Hoernk khai quật được năm tờ kinh bằng tiếng Phạn của kinh Nghĩa Túc. Nơi mà giáo sư Hoernk khám phá được năm tờ kinh Nghĩa Túc bằng tiếng Phạn ấy là di tích một kiến trúc ở Khadalik bị chôn vùi trong cát của miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ (Eastern Turkestan). Các kinh điển lưu truyền dưới dạng thi kệ như kinh Pháp Cú và kinh Nghĩa Túc thường ngắn gọn súc tích, đòi hỏi công phu học hỏi và nghiên cứu. Vì muốn cho các kinh này bớt vẻ khô khan, các nhà dịch giả đã dịch và đưa vào những tài liệu và kinh điển xuất hiện sau đó để dựng nên bối cảnh cho các bài thi kệ. Những câu chuyện tiền thân hoặc những câu chuyện liên hệ tới cuộc đời Bụt đã được sử dụng dưới hình thức văn trường hàng (văn xuôi) để tạo thêm sự thích thú về phía người đọc kinh. Trong cả hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông, chuyện này đều đã xảy ra. Đó là trường hợp của các kinh Pháp Cú Thí Dụ và kinh Nghĩa Túc. Khi nghiên cứu và học hỏi ta phải thấy được sự ráp nối này thì ta mới tiếp thu được nghĩa lý của phần thi kệ mà không bị màu sắc truyền thuyết và tôn giáo của phần trường hàng ảnh hưởng. Có thể bản tiếng Phạn đã được dịch từ bản tiếng Prakrit. Và kinh Nghĩa Túc chữ Hán mà ta hiện có có thể đã được dịch từ bản tiếng Phạn này.
Bản dịch chữ Hán là công trình của một vị Phật tử cư sĩ tên là Chi Khiêm, thực hiện trong nửa đầu của thế kỷ thứ ba, có thể là tại chùa Kiến Sơ ở Kiến Nghiệp, tức là Nam Kinh ngày nay. Chùa Kiến Sơ là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được thiết lập tại nước Ngô, do một vị thiền sư người Việt tên là Tăng Hội. Thầy Tăng Hội sinh ở Giao Châu, cha là thương gia gốc nước Khương Cư miền bắc Ấn Độ, mẹ là người Việt. Đi xuất gia từ hồi 11 tuổi. Thành tài, thầy Tăng Hội đã tổ chức dịch kinh và hoằng pháp ở Luy Lâu (Giao Châu) trước khi qua nước Ngô để truyền bá chánh pháp. Thầy qua tới kinh đô Kiến Nghiệp năm 247.
Chùa Kiến Sơ được thiết lập với sự yểm trợ của vua Ngô Tôn Quyền. Khi thầy Tăng Hội qua tới thì chưa có vị xuất gia nào ở nước Ngô cả, và thầy là vị xuất gia đầu tiên xuất hiện ở nước Ngô. Cư sĩ Chi Khiêm lúc đó đang được vua Ngô Tôn Quyền mời làm thầy dạy học của Thái tử. Chi Khiêm là người gốc nước Nhục Chi (Indo-Scythe). Thầy Tăng Hội chắc chắn đã được vua Ngô Tôn Quyền giới thiệu với cư sĩ Chi Khiêm và hai người chắc hẳn đã làm việc tương đắc với nhau tại chùa Kiến Sơ, vì cả hai đều có ý nguyện dịch thêm kinh tiếng Phạn ra tiếng Hán. Trong kinh Lục Độ Tập của thầy Tăng Hội, có một chương của kinh Nghĩa Túc do cư sĩ Chi Khiêm dịch. Đây là một trong những bằng cớ về sự cộng tác thân thiết giữa hai người. Và ngôi chùa Kiến Sơ đã có thể là nơi mà hai người đã để rất nhiều thì giờ để đàm đạo và làm công việc dịch thuật.
Hồi ấy, bốn bộ kinh A Hàm còn chưa được dịch ra chữ Hán. Thầy Tăng Hội đến Kiến Nghiệp vào năm 247 mà mãi đến năm 397 nghĩa là 128 năm sau thầy Tăng Già Đề Bà (Sanghadeva) mới dịch các kinh Trung A Hàm và Tăng Nhất A Hàm. Sau đó đến năm 413 thì hai thầy Phật Đà Gia Xá (Buddhayasas) và Trúc Phật Niệm (Buddhasmrti) mới dịch kinh Trường A Hàm, và đến năm 435 thầy Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra) mới dịch kinh Tạp A Hàm.
Bốn bộ A Hàm dịch xong thì từ ngữ mới bắt đầu được chuẩn định. Nhưng trước đó, khi dịch các kinh như Lục Độ Tập và Nghĩa Túc, hai vị Khương Tăng Hội và Chi Khiêm chắc phải bàn luận với nhau nhiều về cách thức dùng chữ để dịch. Trước đó hai vị đã từng dịch kinh, nhưng trong thời gian làm việc với nhau, cả hai vị đều đã thay đổi cách dịch, và bắt đầu dịch nghĩa nhiều danh từ chung cũng như riêng chứ không dịch bằng cách phiên âm nhiều như trước. Cả hai vị đều thoải mái sử dụng những danh từ tôn giáo và triết học có sẵn từ đời Hán để dịch những danh từ Phật học bằng tiếng Phạn, vì vậy cho nên lời văn của cả hai người đều đã trở nên tự nhiên và điển nhã hơn trước đó rất nhiều.
Kinh Nghĩa Túc có một phần rất cổ và một phần mới biên tập sau đó nhiều trăm năm. Phần rất cổ ấy tương đương với phẩm Attha Vagga, phẩm thứ tư của Kinh Tập (Sutta-Nipàta) trong văn hệ Pali, được lưu truyền dưới hình thức các câu thi kệ, cho nên mới gọi là Túc (pada). Phần mới biên tập là phần trường hàng (văn xuôi) có mục đích là dựng lên khung cảnh cho phần thi kệ. Kinh điển truyền khẩu được bảo tồn dễ dàng hơn dưới dạng thi kệ (pada) vì dễ thuộc, dễ nhớ. Cho nên phần thi kệ trong các kinh thường là phần cổ nhất. Theo các công phu nghiên cứu cận đại thì kinh Nghĩa Túc là một kinh thuộc loại xưa nhất trong các kinh, đứng về phương diện văn cú cũng như đứng về phương diện giáo lý và hành trì. Đây là những giáo nghĩa Bụt dạy trong những năm đầu của sự nghiệp hoằng pháp của Ngài, khi Tăng đoàn còn thuần túy là những vị du sĩ không có chỗ ở nhất định. Sau đó nhiều năm mới bắt đầu có các tu viện Trúc Lâm, Kỳ Viên, v.v. Tuy Bụt và các thầy vẫn tiếp tục du hành để hóa độ và chỉ về cư trú tại các tu viện này mỗi năm ba tháng mùa mưa. Các học giả thường hay phân lịch sử Phật giáo thành ba thời kỳ: Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Bộ Phái và Phật Giáo Đại Thừa. Phật Giáo Nguyên Thủy bắt đầu từ khi Bụt thành đạo cho đến khi Tăng đoàn phân chia thành nhiều bộ phái. Chuyện này xảy ra vào khoảng dưới hai trăm năm sau ngày Bụt nhập diệt. Kinh Nghĩa Túc được nói ra trong những năm đầu sau khi Bụt thành đạo, có thể nói rằng kinh ấy đại diện cho giai đoạn đầu của đạo Bụt Nguyên Thủy, ta có thể gọi đó là Nguyên Thủy của Nguyên Thủy.
Những bài thi kệ của kinh Nghĩa Túc chữ Hán có số lượng và nghĩa lý tương đương với Attha Vagga, phẩm thứ tư của kinh Tập (Sutta Nipàta). Bản Hán văn này có thể đã được dịch từ một bản tiếng Phạn của bộ phái Sarvastivada (Hữu Bộ) hay một bản tiếng Pali của bộ phái Tamrasatiya (Xích Đồng Diệp Bộ). Xích Đồng Diệp Bộ là bộ phái đã gửi một phái đoàn hoằng pháp xuống tận Tích Lan, sau này không sử dụng tên Đồng Diệp Bộ nữa mà lấy lại tên gốc ngày xưa là Thượng Tọa Bộ (Theravada). Ngoài kinh Nghĩa Túc, cư sĩ Chi Khiêm cũng còn dịch kinh Pháp Cú của Xích Đồng Diệp Bộ, một ít kinh trong các bộ A Hàm, và một số kinh Đại Thừa như kinh Duy Ma Cật, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã.
Đạo Bụt của kinh Nghĩa Túc, nghĩa là thời Nguyên Thủy của Nguyên Thủy, không phải là một tôn giáo, không mang tính chất tín mộ, không vướng vào nghi lễ và giới cấm, tuy nhiên sự hành trì rất nghiêm túc. Đây là đạo lý của sự buông bỏ: buông bỏ ái dục, buông bỏ giáo điều, buông bỏ lý luận, buông bỏ tranh chấp, buông bỏ nhận thức lưỡng nguyên, buông bỏ lễ nghi và cấm giới, buông bỏ mọi kiến thức, mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, buông bỏ mọi tìm cầu và mọi dự án. Buông bỏ như vậy để đạt tới thảnh thơi và an lạc.
Đức Phật của kinh Nghĩa Túc không phải là một vị giáo chủ, một vị thần linh, mà chỉ là một bậc đạo sĩ tĩnh lặng, gọi là mâu ni. Mâu ni có nghĩa là một ông thầy tu tĩnh lặng, không có cơ sở, không có sự nghiệp, không có tổ chức, không có giáo quyền. Nếu có ai muốn theo học với vị ấy có thể thấy nơi vị mâu ni ấy một người anh, một người thầy trên con đường tu tập, trên con đường tâm linh. Nếu nói đến quyền lực thì vị mâu ni không có quyền lực gì cả, hiểu theo nghĩa cơ sở, sự nghiệp và giáo quyền. Nếu có quyền lực thì đó là đức độ, đó là từ bi, là trí tuệ tỏa chiếu từ vị mâu ni. Đó là thứ quyền lực xuất thế gian, một quyền lực thuần túy tâm linh. Kinh Nghĩa Túc có rất nhiều bài thi kệ nói về bản chất, giá trị và cách hành trì của một vị mâu ni, một người xuất sĩ tĩnh lặng. Một vị xuất sĩ là một người đã từ bỏ nếp sống thế gian, nếp sống gia đình để trở thành một vị đạo sư tĩnh lặng.
Kinh Nghĩa Túc dạy về sự thực tập chánh niệm, về sự thực tập giới định và tuệ nhưng luôn luôn nhắc ta đừng bị vướng vào lễ nghi, giới cấm, cái thấy cái hiểu của mình và nhất là cái nhìn lưỡng nguyên về tâm và vật, về thế giới và con người. Kinh Nghĩa Túc có nói tới Niết Bàn, nhưng chưa phân biệt Niết Bàn hữu dư y và vô dư y. Kinh Nghĩa Túc có nói tới Bờ Bên Kia, nhưng chưa nói tới lục Ba La Mật hay thập Ba La Mật. Kinh Nghĩa Túc nói tới nhân duyên, danh sắc, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, nhưng chỉ đề cập tới sáu nhân duyên chứ chưa đi tới mười hai nhân duyên.
Kinh Nghĩa Túc đã bắt đầu dạy về không, vô tướng, vô nguyện và bất khả đắc. Kinh Nghĩa Túc có những hình ảnh rất đẹp về một vị mâu ni thành đạt. Một bông sen không dính bùn, một con thiên nga bay cao, một dòng nước trong sáng, một làn gió không bị bất cứ một chiếc lưới nào bắt giữ được, một con sư tử không biết sợ hãi một âm thanh nào. Kinh Nghĩa Túc có những hình ảnh rất cụ thể về tình trạng của những người đang bị hệ lụy: hình ảnh của ái dục như một cơn lũ lụt có thể kéo ta đi, hình ảnh của hận thù như một mũi dao nhọn nằm sâu trong tâm ý, hình ảnh của khổ đau ràng buộc như một con cá sống trong tình trạng càng ngày nước càng khô cạn, hình ảnh của tai nạn do ái dục đem tới như một chiếc thuyền vỡ trên đại dương.
Giáo nghĩa của kinh Nghĩa Túc có lúc đi tới chỗ rất uyên thâm, uyên thâm đến độ có những học giả đã nói tới tính cách thần bí (mysterious) trong kinh Nghĩa Túc. Nếu ta biết bỏ cái nhìn nhị nguyên, nếu ta tập nhìn theo cái thấy phá chấp, phi giáo điều, bất khả đắc và bất nhị, nếu ta thấy được sự nối kết liên tục giữa thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế, nếu ta không bị kẹt vào khái niệm và chữ nghĩa thì ta có thể đi vào những chỗ thâm uyên ấy không khó khăn gì. Chính trong kinh Nghĩa Túc Bụt đã nói: giáo pháp này không có gì là bí hiểm, không có gì là sứt mẻ… Không sứt mẻ có nghĩa là toàn vẹn, không mâu thuẫn, nhưng đi sâu vào thì ta sẽ thấy được tính cách nhất trí. Giữ giới mà không bị kẹt vào giới điều là một ví dụ. Hành cái vô hành là một ví dụ khác. Mong cầu cái không mong cầu lại là một ví dụ khác nữa.
Kinh Nghĩa Túc được nói trong thời gian Bụt còn dưới 40 tuổi. Những người theo học với Bụt hồi đó đã khá đông, mà phần lớn là những người trẻ. Chỉ có vài người lớn tuổi hơn Bụt, đó là ba anh em thầy Ca Diếp. Năm vị đã từng tu khổ hạnh với Bụt trong đó có thầy Kiều Trần Như và thầy Mã Thắng tuổi suýt soát của Bụt. Hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng còn dưới tuổi 40. Tất cả còn lại đều là những người trẻ. Họ đều có ước muốn làm những vị mâu ni, những người xuất sĩ tĩnh lặng. Họ có niềm vui khi sống đời du hóa, ăn mỗi ngày một bữa, bước đi những bước chân tĩnh lặng, chỉ giữ có ba y và một bát, có thể nghỉ đêm bất cứ ở nơi nào.
Đọc kinh Nghĩa Túc, ta có cơ hội thở được không khí lành mạnh và thông thoáng của nếp sống tâm linh không giáo điều, không cấm giới, không tế lễ, không phù chú, không pháp thuật, không giáo quyền, không giáo phẩm. Chỉ có tình thầy trò, chỉ có tình huynh đệ, chỉ có sự thực tập bi trí, chỉ có chí nguyện giúp đời bằng sự thực tập và giáo hóa của mình. Không có dự án tổ chức, xây cất, lập hội, gây vây cánh, tạo ảnh hưởng. Trong sách Đường Xưa Mây Trắng, ta thở được một phần nào cái không khí lành mạnh đó. Đây chính là đạo Bụt thuần túy, là tình yêu đầu, là nước đầu của thang thuốc bổ mới sắc, là nước rượu đầu mới cất, là nước mắm nhĩ, là nước trà được rót ra chén trà lần đầu. Giáo lý của kinh Nghĩa Túc đủ để cho ta thực tập cả đời. Và ta có thể tiếp tục đọc thiên kinh vạn quyển khác mà vẫn thấy tất cả đều là những dòng sông bắt nguồn từ con suối Nghĩa Túc.
Kinh Nghĩa Túc được truyền thừa bởi cả hai dòng Bắc Tông và Nam Tông, và trong thời gian truyền thừa, trước là khẩu tụng sau là nghi chép, thế nào cũng có sự rơi rụng và sai sót. So sánh hai bản Pali và Hán, ta thấy mỗi truyền thống đều có rơi rụng và sai sót. Một số những rơi rụng của truyền thống này lại không bị rơi rụng trong truyền thống kia, đó là một sự may mắn, và nhờ đó ta có cơ hội tái tạo được một văn bản gần với văn bản nguyên thủy nhất. Đó là niềm vui mà sự so sánh nghiên cứu hai văn bản có thể đem lại cho ta.
Ngay trong việc sao chép cũng đã có những rơi rụng đáng kể. Trong Bộ Lục Độ Tập kinh của thiền sư Tăng Hội, có một chương của kinh Nghĩa Túc, đó là kinh Kính Diện Vương. Trong tạng Pali, đó là kinh Chân Đế (Paramatthaka Sutta). Đó là kinh thứ năm của Nghĩa Túc kinh chữ Hán và cũng là kinh thứ năm của phẩm Atthakavagga, phần thứ tư của Kinh Tập (Sutta-Nipàta) chữ Pali. Cả hai truyền bản, mỗi truyền bản đều có tám bài kệ. Trong tạng kinh chữ Hán, như vậy là có hai bản kinh Kính Diện Vương, một bản trong kinh Nghĩa Túc, một bản trong kinh Lục Độ Tập. Đem so sánh hai bản chữ Hán, ta thấy bản của Nghĩa Túc Kinh có nhiều chữ chép sai hơn bản của Lục Độ Tập kinh. Có thể là các đệ tử của thiền sư Tăng Hội sao chép cẩn thận hơn những người sao chép kinh Nghĩa Túc. Chỉ có tám bài thi kệ mà đã có tới trên mười chữ chép sai. Như chữ ý (意) thì chép thành chữ cảnh (境), chữ chúng (衆) thì chép thành chữ chung (终), chữ trì (持) thì chép thành chữ đãi (待), chữ vọng (望) thì chép thành chữ dâm (婬), v.v. Đã thế cách dùng chữ lại rất xưa và rất vắn tắt, thành ra nếu không tham cứu kinh bản Pali thì có nhiều lúc không biết làm sao mà dịch cho đúng chân nghĩa của kinh.
Như ta đã biết, kinh Nghĩa Túc có phần thi kệ rất cổ và phần trường hàng biên tập sau đó nhiều trăm năm để tạo ra một bối cảnh cho phần thi kệ. Phần trường hàng, có nhiều màu sắc tôn giáo và thần thoại, bởi vì đã được trích dẫn từ những kinh nghiệm xuất hiện sau đó có thể là nhiều trăm năm. Sự khác biệt của hai phần được nhận thức dễ dàng. Có khi phần trường hàng có vẻ ăn khớp với phần thi kệ, nhưng có khi cũng có vẻ rời rạc và giả tạo. Điều này không làm hại đến nghĩa lý của kinh văn nếu ta đã có ý thức lịch sử về kinh văn. Ta đừng để cho phần trường hàng bao phủ lấy phần thi kệ, vốn là tinh yếu của kinh.
Các kinh điển lưu truyền dưới dạng thi kệ như kinh Pháp Cú vì kinh Nghĩa Túc thường ngắn gọn súc tích, đòi hỏi công phu học hỏi và nghiên cứu. Vì muốn cho các kinh này bớt vẻ khô khan, các nhà dịch giả đã dịch và đưa vào những tài liệu và kinh điển xuất hiện sau đó để dựng nên bối cảnh cho các bài thi kệ. Những câu chuyện tiền thân hoặc những câu chuyện liên hệ tới cuộc đời Bụt đã được sử dụng dưới hình thức văn trường hàng để tạo thêm sự thích thú về phía người đọc kinh. Trong cả hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông, chuyện này đều có xảy ra. Đó là trường hợp của các kinh Pháp Cú Thí Dụ và kinh Nghĩa Túc. Khi nghiên cứu và học hỏi ta phải thấy được sự ráp nối này, thì ta mới tiếp thu được nghĩa lý của phần thi kệ mà không bị màu sắc truyền thuyết và tôn giáo của phần trường hàng ảnh hưởng. Tuy gọi là phần trường hàng, nhưng kỳ thực ngoài những bài thi kệ của kinh Nghĩa Túc, phần trường hàng kia cũng có trích dẫn một số thi kệ khác từ các nguồn Pháp Cú, Vô Vấn Tự Thuyết, Như Thi Ngữ, Bản Sinh v.v. Những truyện tích trong kinh Lục Độ Tập của thầy Tăng Hội cũng lấy từ cùng một nguồn tài liệu ấy. Ở đây chúng ta chỉ có bản dịch đầy đủ của các thi kệ thuộc kinh Nghĩa Túc, tương đương với phẩm Attha Vagga của Kinh Tập (Sutta-Nipàta).
Trong sách này, phần trường hàng chỉ được tóm tắt, chỉ có phần thi kệ là được dịch đầy đủ. Phần thi kệ là trái tim của kinh. Vì vậy ta có thể đặt tên kinh này là Trái Tim Nghĩa Túc. Hoặc kinh Đạo Bụt Nguyên Chất. Đọc kinh, xin nhớ là phần trường hàng đã được thêm vào nhiều trăm năm sau. Chúng ta cũng có thể dịch Arthapada Sutra (Nghĩa Túc Kinh) bằng những cái tên khác. Artha (Attha) nghĩa chính là ý nghĩa, (the meaning). Nhưng Artha cũng có nghĩa là lợi ích, là nhu yếu, và có khi cũng có nghĩa là quê nhà. Như mặt trời ban ngày đi ngang không gian bao la nhưng buổi chiều lúc nào cũng về ngủ ở chân trời phương Tây. Phương Tây là nhà của mặt trời. Vậy ta cũng có thể dịch Arthapada là Kinh Về Nhà cũng được.
Thiền sư Nhất Hạnh
***
Tóm tắt
Đạo Bụt Nguyên Chất là cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, gồm 16 bài kinh được dịch từ kinh Nghĩa Túc, phẩm thứ tư của Kinh Tập (Sutta-Nipàta) trong văn hệ Pali.
Kinh Nghĩa Túc được nói bởi Đức Phật trong những năm đầu sau khi Ngài thành đạo. Đây là những giáo nghĩa Bụt dạy trong giai đoạn đầu của đạo Bụt Nguyên Thủy, ta có thể gọi đó là Nguyên Thủy của Nguyên Thủy.
Kinh Nghĩa Túc không phải là một tôn giáo, không mang tính chất tín mộ, không vướng vào nghi lễ và giới cấm, tuy nhiên sự hành trì rất nghiêm túc. Đây là đạo lý của sự buông bỏ: buông bỏ ái dục, buông bỏ giáo điều, buông bỏ lý luận, buông bỏ tranh chấp, buông bỏ nhận thức lưỡng nguyên, buông bỏ lễ nghi và cấm giới, buông bỏ mọi kiến thức, mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, buông bỏ mọi tìm cầu và mọi dự án. Buông bỏ như vậy để đạt tới thảnh thơi và an lạc.
Kinh Nghĩa Túc dạy về sự thực tập chánh niệm, về sự thực tập giới định và tuệ nhưng luôn luôn nhắc ta đừng bị vướng vào lễ nghi, giới cấm, cái thấy cái hiểu của mình và nhất là cái nhìn lưỡng nguyên về tâm và vật, về thế giới và con người.
Giáo lý của kinh Nghĩa Túc có lúc đi tới chỗ rất uyên thâm, uyên thâm đến độ có những học giả đã nói tới tính cách thần bí (mysterious) trong kinh Nghĩa Túc. Nếu ta biết bỏ cái nhìn nhị nguyên, nếu ta tập nhìn theo cái thấy phá chấp, phi giáo điều, bất khả đắc và bất nhị, nếu ta thấy được sự nối kết liên tục giữa thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế, nếu ta không bị kẹt vào khái niệm và chữ nghĩa thì ta có thể đi vào những chỗ thâm uyên ấy không khó khăn gì.
Kinh Nghĩa Túc được truyền thừa bởi cả hai dòng Bắc Tông và Nam Tông, và trong thời gian truyền thừa, trước là khẩu tụng sau là nghi chép, thế nào cũng có sự rơi rụng và sai sót. So sánh hai bản Pali và Hán, ta thấy mỗi truyền thống đều có rơi rụng và sai sót. Một số những rơi rụng của truyền thống này lại không bị rơi rụng trong truyền thống kia, đó là một sự may mắn, và nhờ đó ta có cơ hội tái tạo được một văn bản gần với văn bản nguyên thủy nhất.
Review
Đạo Bụt Nguyên Chất là một cuốn sách rất đáng đọc đối với những ai muốn tìm hiểu về đạo Bụt, đặc biệt là đạo Bụt Nguyên Thủy. Cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, nhưng vẫn truyền tải được những giáo lý sâu sắc của đạo Bụt.
Một điểm đặc biệt của cuốn sách là phần trường hàng được tóm tắt, chỉ có phần thi kệ là được dịch đầy đủ. Điều này giúp người đọc tập trung vào phần tinh yếu của kinh, đó là những bài thi kệ.
Các bài thi kệ trong kinh Nghĩa Túc là những bài thơ ngắn, súc tích, giàu hình ảnh, dễ nhớ và dễ thuộc. Những bài thi kệ này đã truyền tải được những giáo lý của đạo Bụt một cách sinh động và hấp dẫn.
Một số bài thi kệ trong kinh Nghĩa Túc mà tôi tâm đắc là:
**Ai có thể tìm thấy sự an lạc, **Trong khi thân thể còn đầy những ham muốn? **Như ngọn gió không thể nắm bắt, Sự an lạc cũng không thể nắm bắt.
**Ai có thể thấy được bản chất của ngã, **Người ấy sẽ không còn sợ hãi. **Như khi nhìn thấy một sợi tóc trong chén sữa, Sợ hãi sẽ tan biến.
**Ai có thể sống trong hiện tại, **Người ấy sẽ không còn khổ đau. **Như khi nước chảy qua khe đá, Khổ đau sẽ trôi qua.
Đọc kinh Nghĩa Túc, tôi cảm thấy được sự bình an và an lạc trong tâm hồn. Tôi cũng học được nhiều điều về đạo Bụt, về cách sống một cuộc đời an lạc và hạnh phúc.