"Hoa Sen Trong Biển Lửa" vì nhu cầu đòi hỏi đã phải tái bản lần thứ tư bằng Việt ngữ. Bản Anh ngữ do hai nhà xuất bản khác nhau đã phát hành tại Anh và tại Mỹ, còn bản tiếng Đan Mạch đã phát hành tại Copenhague, còn bản Nhật ngữ và Ý ngữ đang in… Nhân dịp, chúng tôi muốn nêu một số nhận định để chúng ta có thể đồng thoại trong khi tham khảo cuốn sách này:
1- Lịch sử Việt cho thấy rằng đạo Phật đã du nhập vào những thời kỳ khổ đau nhất của dân tộc và luôn luôn có mặt ở mọi giai kỳ quật khởi. Chính nhờ khí chất của quần chúng cũng như của đạo Phật đã gặp nhau trong ý thức phục vụ và giải phóng con người. Phục vụ con người bằng cách đem lại một lối nhìn và lối sống hoàn toàn tự do và tự cường. Giải phóng con người khỏi những liên hệ giả tạo của nô lệ và khổ đau (ví như liên hệ giả tạo giữa thế lực xâm lược và thế lực dân tộc). Nhận định đưa tới ý thức cấp thiết về sứ mệnh của chúng ta trong hiện tại để phá đổ định mệnh hắc ám của chiến tranh. Vài mươi năm gần đây, người Phật tử Việt Nam đang sống lại quá trình của lịch sử ở một không gian, thời gian khác: thời kỳ huân tập chuẩn bị ý thức từ khi đạo Phật du nhập (thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ IX) là giai đoạn chấn hưng của phong trào Phật giáo từ năm 1930-1950; thời kỳ chủ động (qua năm thế kỷ từ thế kỷ IX đến XIV) là giai đoạn 1950 - 1963. Sau đó chúng ta rơi vào thế bị động. Bị động ở đây không có nghĩa là tê liệt, vì tiềm lực của ý thức và của quần chúng vẫn còn có đó. Tuy nhiên, chúng ta không bi quan. Kẻ bi quan chỉ nhìn thấy thành quả sau những lần và thắng lợi; trong khi sự thắng lợi nhất thời của bạo chính đã bao hàm thử thách, không nhận thức được rằng thất bại hàm chứa những nhân tố quật khởi những nhân tố thất bại.
2- Nhận định trên đưa tới ý thức quật khởi để giải quyết hiện trạng chiến tranh. Đối tượng cuốn sách này nằm ở đó. Hiện nay thế giới đang kết án tính cách vô nhân trong cuộc tham chiến của người Mỹ. Những phong trào hoà bình trên thế giới đều đứng sau lưng chúng ta, họ kết tội và chống đối kịch liệt chính sách Mỹ. Đây chính là lúc mà lực lượng thực sự dân tộc, lực lượng thứ ba, phải tận triển mọi khả năng bất khả để tạo thế chủ động, mở ra cục diện mới. Giữa hai khối Đế quốc và Cộng sản, một bên là vị kỷ chiếm hữu, một bên là độc tài đảng trị, chúng ta chỉ có hai con đường: làm tay sai cho một trong hai khối hoặc là đứng cả dậy dưới bóng mặt trời để hoàn tất sự nghiệp Việt nam. Chối bỏ quan niệm quốc gia cực đoan, nhưng chúng ta chủ xúy quyền tự quyết của dân tộc trong một thế giới thuận hảo, như con sông Cửu Long phải là con sông Cửu Long để có thể đưa nước về hoà đồng cùng biển. Quyền tự quyết bao hàm ý chí tự cung và tự chủ của dân tộc; nhờ tự cung - tự cung về ý thức cũng như về sở vật sinh tồn - mà khỏi cầu ngoại viện. Cầu ngoại viện mà không tự chủ sẽ thành vong nô. Đó là hiện trạng của chúng ta.
Đương nhiên đúng cả dậy đặt lại vấn đề đoàn kết. Đoàn kết giữa mọi thành phần tôn giáo chính trị của lực lượng dân tộc. Đoàn kết cho đến nay chỉ có nghĩa là đoàn kết để chia ăn. Đảo chính và thay đổi ở miền Nam có nghĩa là đảo chính để chia ăn, thay đổi nhóm chia ăn. Chưa có đoàn kết dân tộc cùng một niềm tin và truyền thống, dù niềm tin và truyền thống có sẵn: niềm tin Việt và truyền thống tự quyết, tự cường để phục vụ con người. Ấy chỉ vì lực lượng dân tộc đông đảo đã khoanh tay cho những kẻ chia ăn thao túng. Ấy chỉ vì lực lượng tôn giáo lớn đã không lồng tính chất của giáo lý mình vào mọi hoạt dụng cộng đồng, nhất là trong hoạt dụng chính trị, mà chỉ hoạt động (cố ý hay vô ý) trên căn bản gây bề thế cho đạo mình. Do đó gây ra tình trạng căng thẳng nội bộ. Sự mâu thuẫn nội bộ này ảnh chiếu đường lối phục vụ khác nhau của cấp lãnh đạo, mà nguyên nhân phát từ sự lìa xa chân lý diệt khổ của tứ diệu đế để thể nhập vào quyền lợi cục bộ.
Đoàn kết trước hết đòi hỏi tiêu chuẩn: đừng gây khổ cho người thân, khiến kẻ thù thích khoái (vô sử thần thông cừu khoái). Và đoàn kết phải thực hiện trong tin thần phân công hợp tác. Mà phân công hợp tác chỉ có giá trị, khi mỗi bộ phận cơ bản được quy nội tiềm lực để chủ lực hoá tiềm lực mình, thay vì quá hướng ngoại để lôi kéo quần chúng vào một thứ biểu dương chủ nghĩa vội vã hời hợt.
Lực lượng dân tộc chúng ta đã nhiều lần tranh đấu khổ nhọc và trung kiên từ ba năm nay, huy hoàng nhất vào đầu năm 1966. Sự đàn áp và khủng bố sở dĩ được thao túng, là bởi chúng ta chưa đặt rõ vai trò quân đội trong lực lượng dân tộc. Chúng ta đã quá cậy nhờ vào một thiểu số tướng lãnh mà quên đi thành phần ưu tú nằm trong hạ tầng chủ lực của quân đội. Sự tiến nghạch lên cấp tướng ở Việt Nam thường không đi đôi với tác phong đạo đức dân tộc người sĩ quan.
Quân đội là sinh mệnh của mọi lực lượng cách mạng bạo động, hoặc thế lực xâm lăng. Ngày nay thế lực quân phiệt đã biến tướng quân đội theo tiền án Quân Quyền. Có quân tức có quyền, nghĩa là có thể giết chóc bừa bãi, đàn áp thẳng tay. Lý luận chỉ được rút tỉa sau mỗi bận bạo hành để biện chính, chứ lý luận không đề ra cương lĩnh lãnh đạo cho mọi hành động. Hiện trạng ở miền Nam là như thế. Vị tỉnh trưởng đồng thời là một sĩ quan. Cho nên quyền ở trong quân và quân dễ hoá nên bạo. Không ai kiểm soát được ai. Phần lớn của mấy chục đảng phái chính trị, gọi là quốc gia của chúng ta, vì không có quần chúng làm hậu thuẫn nên phải dựa vào thế lực quân phiệt để mưu chức vị, quyền hành. Họ tự hỏi : "Làm sao tranh thủ được quần chúng?" nhưng vẫn không biết quần chúng muốn gì, và quần chúng là ai? nên dần dần bị tan rã hoặc biến thành những nhóm chính trị cơ hội, hoạt đầu.
Không có đảng nào thắc mắc : "Làm sao theo được quần chúng?" nghĩa là đáp ứng đúng ngưỡng vọng quần chúng. Ngưỡng vọng ấy ngày nay là:
Đòi hỏi chính phủ Mỹ ngưng tức khắc những cuộc oanh tạc trên toàn cõi Việt Nam.
Đòi hỏi chính phủ Mỹ chấm dứt chính sách can thiệp vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Đòi hỏi lực lượng thứ ba có người đại diện, lực lượng dân tộc của những người khước từ chủ nghĩa đế quốc cũng như khước từ chủ nghĩa Cộng Sản.
Lực lượng dân tộc phải đấu tranh cho những ngưỡng vọng trên thì mới được quảng đại quần chúng ủng hộ, chứ không phải dựa tìm quân đội để cướp chính quyền và ly khai quần chúng đau khổ là đối tượng của chính trị.
Nói vậy lực lượng dân tộc xem thường quân đội chăng? Không. Quân đội là một hiện hữu không thể chối cãi. Nhưng yếu tố chính của quân đội là tự bảo vệ quần chúng và dân tộc. Do đó, quần chúng là đối tượng của quan đội, của tất cả chúng ta. Cho nên, vai trò của quân đội là vai trò hoàn thành nhanh chóng giai đoạn chuyển thời giữa nô lệ sang chế độ tự do dưới sự lãnh đạo của quần chúng - nghĩa là tuỳ thuộc vào ngưỡng vọng thâm thiết của quần chúng khổ đau. Chúng ta không thể tách rời, hay độc tôn quân đội, vì quân đội là một bộ phận của lực lượng dân tộc, từ lực lượng dân tộc mà ra và phục vụ cho lực lượng dân tộc đó.
Lịch sử và hiện trạng thế giới đâu đâu cũng đầy dẫy những tranh chấp bạo động. Và sau mỗi lần tàn sát khốc liệt, tan hoang, người ta bỗng tin vào sự giải quyết thần thánh bằng chính sách ngoại giao hoá trang cho hình thức tránh miếng, dừa việc, lần lữa, đội thời. Căn bản nhận thức thực tại của thế giới đã bị sai lạc từ đầu rồi! Liên hệ nhân duyên của con người và thế giới, khiến chúng ta không thể đứng từ hải đảo này sang hải đảo kia mà nhận thức. Chúng ta phải có một nhận thức toàn bộ về thực tại, để căn cứ vào đó hành động của chúng ta thoát khỏi tình trạng bị động. Cuộc tranh đấu cho hoà bình của chúng ta từ ba năm nay thường phát nguyên theo nhận thức phải ứng giai đoạn, song chưa được khai triển tới cực độ của nhận thức của toàn bộ thực tại trên căn bản tứ diệu đế. Chính vì chỉ phản ứng khi cần thiết và tuỳ thời nên chúng ta không bao giờ chủ động được tình thế. Ngày xưa, khi Đức Phật muốn xoá bỏ giai cấp cùng đinh (intouchable), Ngài không thoả hiệp, không chờ đợi, Ngài đến nắm tay cùng đinh và dẫn vào hàng ngũ mình. Chúng ta khoan hồng với kẻ gây ra đau khổ, thoả hiệp đối thoại với họ, nhưng phải minh bạch đấu tranh đến kỳ cùng.
Đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ, để tìm một đường lối chấm dứt hiện trạng chiến tranh vô nhân này, đồng thời bày ra quan điểm giải quyết mới cho thế giới. Dĩ nhiên suy nghĩ cũng như hành động của chúng ta không xây trên căm thù ác bạo, mà ở sự nổ lực xuất trí, thứ nổ lực kéo cây ra lửa, trổ sen trên bùn.
Chúng tôi hy vọng rằng "Hoa Sen Trong Biển Lửa" của thượng toạ Thích Nhất Hạnh do hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại xuất bản hôm nay đã nói lên tiếng nói trung thực của lương tâm hầu tiếp nối con đường đấu tranh cho hoà bình mà quảng đại quần chúng quốc nội cũng như hải ngoại đã kiên trì tranh thủ từ ba năm nay, và đánh móc cho sự mở ra một cục diện mới cho nền trung lập chân chính và đích thực của tổ quốc chúng ta.
Paris, ngày 26.01.1967
VÕ VĂN ÁI - Tổng Thư Ký Ban Chấp Hành Trung Ương Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại
***
Tóm tắt
Cuốn sách "Hoa Sen Trong Biển Lửa" của Thích Nhất Hạnh được viết vào năm 1967, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam đang diễn ra ác liệt. Cuốn sách là một bản tuyên ngôn hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và xây dựng một nền hòa bình bền vững cho Việt Nam.
Cuốn sách được chia thành hai phần chính:
Phần này nêu ra những nhận thức của tác giả về thực trạng chiến tranh ở Việt Nam và những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh. Tác giả cho rằng chiến tranh là một hiện tượng phi lý, gây đau khổ cho con người và làm tổn hại đến môi trường. Chiến tranh là kết quả của những nhận thức sai lầm về thực tại, của lòng tham, sân hận và si mê.
Phần này đề ra những giải pháp để chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình. Tác giả cho rằng con đường hòa bình phải dựa trên những nguyên tắc của đạo Phật, đó là lòng từ bi, trí tuệ và chánh niệm.
Review
Cuốn sách "Hoa Sen Trong Biển Lửa" là một tác phẩm có giá trị cả về mặt tư tưởng và thực tiễn. Về mặt tư tưởng, cuốn sách đã cung cấp cho người đọc những nhận thức sâu sắc về chiến tranh và hòa bình. Về mặt thực tiễn, cuốn sách đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam và trên thế giới.
Cuốn sách có một số điểm nổi bật sau:
Cuốn sách "Hoa Sen Trong Biển Lửa" là một tác phẩm có giá trị và có ý nghĩa sâu sắc. Cuốn sách đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam và trên thế giới.