Mặc dù được viết vào thời trẻ tuổi của tác giả và mặc dù tính cách mỏng mảnh của nó, Tonio Kroger - mà chúng tôi chuyển sang bản Việt văn với nhan đề TÌNH YÊU VÀ LÝ TƯỞNG - vẫn được hầu hết các nhà phê bình xem là một tác phẩm tiêu biểu cho trọn sự nghiệp của Thomas Mann. Hơn thế nữa, là một kiệt tác của nhà văn Đức, giải thưởng Nobel 1929 này, với những kích thước lớn lao chứa đựng những chủ đề trung kiên nhất của tác giả, cũng như với nghệ thuật hoàn hảo và đầy hàm súc của nó. Viết ở ngôi thứ ba, thiên truyện lại được xem là mang nặng tính cách tự thuật. Tiểu sử của Tonio Kroger, do đó, một phần nào, cũng chính là tiểu sử của Thomas Mann: một vận hành tri thức có tính cách quyết định của tác giả trong cuộc đi tìm ý nghĩa của đời sống và nghệ thuật, của thực tại và lý tưởng. Trong một bài viết vào cuối đời mình, năm 1953, Thomas Mann đã thú thật: “Nói thẳng ra là không có nhiều đức tin, nhưng tôi cũng không tin lắm vào đức tin; đúng ra, và còn hơn thế nữa, tôi tin nơi lòng tốt con người là điều có thể hiện hữu mà không cần tới đức tin và đúng ra là phát sinh từ sự hoài nghi… Nghệ sĩ là người sau cùng còn nuôi ảo tưởng về ảnh hưởng của mình trên định mệnh con người. Vốn khinh miệt cái xấu, hắn đã không bao giờ kéo ngừng lại được sự chiến thắng của cái xấu. Vốn quan tâm đến việc cống hiến một ý nghĩa, hắn đã không bao giờ kéo ngừng lại được những cái vô nghĩa đẫm máu nhất. Nghệ thuật không thiết lập nên một quyền lực, nó chỉ là một sự an ủi”.
Lời tự thú của một nhà văn ở cuối đời mình, về quyền năng và khả hữu tính của nghệ thuật, gói trọn ý nghĩa khốc liệt của một sự thức tỉnh nền tảng, lời tự thú đã từng được bộc lộ ngay trong Tonio Kroger, ra đời trước đó đúng nửa thế kỷ, năm 1903. Có thể xem đó chính là lời tự thú của chàng tuổi trẻ Tonio Kroger với tâm hồn nóng bỏng những ngọn lửa của trí tuệ và đam mê, luôn trên đường tìm kiếm cho đời mình và cho nghệ thuật, một sự cứu rỗi, một cách nào đó, tìm cách giải quyết mối phân ly tàn khốc nội tại nơi ý thức của con người sáng tạo. Chính Thomas Mann cũng đã nói: “Nghệ thuật có sứ mạng nhất thống”. Không mang nặng ảo tưởng, không ngụy tín, không ngộ nhận, nhà văn của chúng ta, sau một đoạn đường dài tìm kiếm, tư duy và sáng tạo, không ngừng nghỉ - đã trầm tĩnh nhìn nhận nghệ thuật sau cùng chỉ là một khả năng thống nhất, giải quyết những mối xung khắc làm nên yếu tính của chính mình. Có thể Thomas Mann bi quan - nếu không nói là tuyệt vọng, nhưng điều ta không thể phủ nhận được là bằng số lượng tác phẩm vô cùng phong phú của mình, ông đã “sống” trọn kinh nghiệm của một ý thức khốn khổ, bị kết án trong cô đơn, phải quờ quạng trong đêm tối mịt mùng của lịch sử (con người đã sống qua hai trận thế chiến), tìm đến một ý nghĩa, một giá trị giữa hư vô và tuyệt vọng bốn bề.
Cũng như Thomas Mann đã thừa hưởng hai bản tính xung khắc, một của cha, đại diện cho tinh thần trưởng giả, một của mẹ, với dòng máu lai Nam Mỹ, đại diện cho tinh thần nghệ sĩ đa cảm và phóng khoáng, Tonio Kroger là hiện thân của một mối xung khắc thuộc huyết thống. Cậu là con trai của vị lãnh sự Kroger, thuộc dòng họ Kroger quyền quý, nhưng tâm hồn cậu cũng nghiêng về mẹ, một người mẹ “nồng nàn và thâm u”, chơi dương cầm và măng cầm tuyệt vời. Từ sự xung khắc nội tại đó, chàng tuổi trẻ kia cảm thấy mình xung khắc với tất cả mọi người: bạn, thầy, những người chung quanh. Và vượt lên trên tất cả những xung khắc, đó là sự xung khắc giữa đời sống và nghệ thuật không ngừng đốt cháy tâm hồn chàng. Chính Tonio Kroger đã thú thật với Lisaveta Iwanowna, cô bạn nghệ sĩ Nga của chàng: “Tôi được đặt để vào giữa hai thế giới, không một nơi nào cho tôi cái cảm tưởng là mình đang sống dưới mái ấm của mình, vì thế mà đối với tôi, cuộc sống có phần vất vả”.
Tonio Kroger hay là thảm kịch của sự phân ly. Ngay từ những ngày tuổi nhỏ, chàng đã sống trong tận cùng da thịt mình, sự phân ly với đời sống. Phân ly với đời sống. Tại sao? Tại vì chính chàng đã ngoảnh mặt trước đời sống hay ngược lại chính đời sống đã làm chàng thất vọng, đã ngăn chặn, đã cấm đoán chàng tìm đến với nó? Chỉ cần đọc những trang đầu tiên, người đọc nhận ra ngay một khuynh hướng tình cảm có phần trái ngược của chàng: chàng đam mê chống lại chính đam mê của mình.
Những đối tượng tình cảm của Tonio Kroger chính là những cực đối nghịch với chàng. Chàng kết thân với Hans Hansen, một đứa trẻ hồn nhiên, thích thể thao và tầm thường. Chàng đem lòng yêu Ingeborg Holm, cô gái có mái tóc vàng nâu, vui tính, thích trò chuyện; trong khi đó thì Tonio lại là một tâm hồn đầy u uẩn, chỉ thích sống với nội giới của mình, luôn say mê những lý tưởng mà mọi nguời đều lấy làm dửng dưng, không ngó ngàng tới. Phải chăng đó chính là những cố gắng đầu tiên của một tâm hồn thuần khiết, muốn tham dự vào đời sống, muốn hòa hợp với tha nhân, bằng một cách thế đau đớn nhất: một cách nào đó, phủ nhận chính mình. Nhưng Tonio Kroger đã thất bại trong nỗ lực thỏa hiệp đầu tiên của chàng với đời sống, trong nỗ lực san bằng sự ly cách giữa chàng với đời sống. Bởi đời sống đã khước từ. Bởi sự xung khắc không chỉ hiện hữu nơi chàng, nó còn hiện hữu nơi đời sống. Những tâm hồn chàng yêu dấu, ngưỡng vọng đã chỉ đáp lại chàng bằng sự lạnh nhạt và sự đần độn. Cậu đón nhận kinh nghiệm đớn đau đầu tiên của sự thỏa hiệp: “Kẻ thường yêu nhiều nhất là kẻ yếu đuối nhất và phải chịu nhiều khổ sở. Tâm hồn non dại của một cậu thiếu niên mười bốn tuổi đã học được bài học đơn giản và nghiệt ngã kia của cuộc đời”. Chàng đã khước từ chính mình một cách sung sướng, để được yêu, được thỏa hiệp, nhưng chính đời sống đã xua đuổi chúng, đã đào sâu thêm cuộc phân ly. Đã đẩy chàng vào chính thế giới nội tâm đìu hiu quen thuộc của mình, với những khát vọng man rợ, ngông cuồng: “(Chàng) làm thơ và không dám nói đến ngay cả việc cậu mong mình trở thành cái gì mai sau”.
Đó là điểm khởi đầu của một cuộc đoạn tuyệt đớn đau. Tonio Kroger rời bỏ những tâm hồn yêu dấu, những người bạn nhỏ, những khung cảnh thần tiên của tuổi niên thiếu, tất cả làm nên quá khứ chàng. Chàng rời bỏ không luyến tiếc để dấn thân vào cuộc đày ải, không, vào cuộc phiêu lưu đầy gian nguy và kỳ thú. Bởi đó là cuộc đày ải tự nguyện của một con người sau khi đã “thức tỉnh trước chính mình” và “lấy làm mai mỉa trước cuộc hiện sinh trì độn và ti tiện” đã giam giữ đời mình trong tù ngục tối tăm, mê muội.
Thế rồi Tonio Kroger rời bỏ thành phố chôn nhau cắt rốn của mình, lăn xả trọn vẹn vào một thứ quyền lực vô song, hứa hẹn những chân trời kỳ tuyệt, “đó là quyền lực trí tuệ và của lời nói vừa chế ngự vừa tươi cười trên cuộc sống vô thức và lặng câm”, đó là quyền lực của sáng tạo đã từng nung nấu tâm hồn thiếu niên của cậu. Chàng hiến trọn đời mình cho nghệ thuật, trong tư cách một con người sáng tạo thật sự, tự giam hãm đời mình trong niềm đơn độc tuyệt đối, hầu “sản xuất nên những tác phẩm tuyệt vời bằng cái giá của những nỗi xao xuyến khốc liệt”. Nhưng rồi cũng chính những tháng năm miệt mài trong sự sáng tạo đó đã cho chàng biết rằng “người ta phải chết đi mới thật sự là một con người sáng tạo”. Điều mà Tonio Kroger bắt gặp, trên đường tìm kiếm lý tưởng, đó vẫn là sự phân ly, sự phân ly giữa đời sống và nghệ thuật: “Nếu trọn thế giới đã được diễn tả, thì trọn thế giới đã được giải quyết, phóng thích, hủy hoại… Tốt lắm! Tuy nhiên tôi không phải là một người theo chủ nghĩa hư vô…” cho nên kinh nghiệm của Tonio Kroger mãi mãi còn là kinh nghiệm tan nát, hãi hùng của sự xung khắc, của sự mâu thuẫn hệ tại ngay trong tâm thức chàng. Chàng đoạn tuyệt với quá khứ, nhưng chỉ để sau đó trở về với thành phố chôn nhau cắt rốn của mình, bị thúc đẩy bởi một tình hoài hương tiềm tàng, ray rứt. Chàng nhận ra điều này, mặc dù đã cương quyết đoạn lìa, tâm hồn chàng vẫn còn rung động với từng hình ảnh, từng âm thanh của quá khứ. Chặng đường sau cùng của cuộc hành trình đã đưa chàng trở về, trở về với nguồn cội thân yêu mà chàng đã từng quay lưng, chối bỏ. Phải chăng đó là một thất bại của chàng, kẻ vô vọng thỏa hiệp và đồng thời vô vọng đoạn tuyệt với cội nguồn, gốc gác? Phải chăng chính vì thế mà Lisaveta Iwanowna, một tâm hồn bạn của chàng, đã phát biểu về chàng: “Anh là một chàng trưởng giả dấn thân vào một con đường lầm lỡ, Tonio Kroger à, một chàng trưởng giả lạc đường”.
Nhưng điều may mắn là chàng trưởng giả lạc đường đó còn biết, một lần nữa, thức tỉnh một chân lý thật tầm thường và cũng thật cao cả: “Chính cái bình thường, cái hợp lý, cái đáng yêu, đời sống trong vẻ tầm thường, quyến rũ của nó, chính tất cả những thứ đó tạo nên thứ vương quốc mà những ước vọng của ta dẫn về”.
Nhưng có thật là Tonio Kroger đã thất bại, trong sứ mạng nghệ thuật cũng như trong công trình hiện hữu của chàng? Và cuộc hành trình của chàng đã kết thúc ra sao? Nhưng làm gì có sự kết thúc với con người sáng tạo. Cuốn sách đã xếp lại, nhưng nhân vật tiểu thuyết của chúng ta vẫn còn đang trên đường. Hơn ai hết, Tonio Kroger biết rằng mình còn phải sáng tạo nên “những tác phẩm khá hơn”, như chàng đã hứa với Lisaveta. Nhưng đồng thời, chàng cũng biết rằng “tình yêu sâu xa nhất và bí ẩn nhất của (chàng) thuộc về những người có mái tóc vàng nâu và đôi mắt xanh lơ, những tâm hồn trong sáng và sống thật, những tâm hồn diễm phúc, những tâm hồn đáng yêu, những tâm hồn rất mực thường tình”.
Lòng tốt mà Thomas Mann đã nói (được trích dẫn trên đầu bài viết này) đã gặp gỡ, hòa hợp với tình yêu thốt từ miệng Tonio Kroger. Phải chăng hơn ai hết, con người sáng tạo hiểu rõ rằng hắn không có quyền hy sinh đòi sống cho nghệ thuật, tình yêu cho lý tưởng, đạo đức cho thẩm mỹ? Và phải chăng vấn đề sau cùng phải là giải quyết mối xung đột hay sự thất bại nền tảng của mình bằng một sự chọn lựa mà trái lại, bằng sự chấp nhận: “Đừng chê thách thứ tình yêu đó, Lisaveta à, nó tốt đẹp và bổ ích, nó được tạo nên từ những hoài bão khốn khổ, từ ước muốn sầu muộn, từ một chút khinh miệt, và từ một niềm diễm phúc, thật trắng trong, thuần khiết…”.
Nhà văn, Dịch giả
Huỳnh Phan Anh
Nguyên bản TONIO KROGER
***
Tóm tắt
Cuốn tiểu thuyết Tình Yêu và Lý Tưởng kể về cuộc đời của Tonio Kroger, một nghệ sĩ trẻ với tâm hồn đa sầu đa cảm. Chàng mang trong mình dòng máu lai, một nửa là dòng máu trưởng giả, một nửa là dòng máu nghệ sĩ, điều này đã khiến chàng luôn cảm thấy mình lạc lõng, không thuộc về bất cứ nơi nào.
Thuở nhỏ, Tonio Kroger là một đứa trẻ nhạy cảm, khác biệt với những đứa trẻ khác. Chàng thường cảm thấy mình là kẻ ngoại đạo, không hòa nhập được với đám bạn cùng trang lứa. Chàng yêu thích những điều cao quý, thanh nhã, nhưng những người xung quanh chàng lại chỉ quan tâm đến những điều tầm thường, phù phiếm.
Khi trưởng thành, Tonio Kroger quyết định rời bỏ quê hương để tìm đến một nơi khác, nơi mà chàng có thể được là chính mình. Chàng đến với nghệ thuật, nơi mà chàng có thể tự do thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình. Tuy nhiên, Tonio Kroger cũng nhận ra rằng nghệ thuật không thể giải quyết được những mâu thuẫn nội tại trong tâm hồn chàng. Chàng vẫn cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn, thậm chí là bị cô lập.
Cuối cùng, Tonio Kroger quyết định quay trở về quê hương. Chàng nhận ra rằng mình vẫn yêu những người thân yêu, những người bạn cũ, và chàng vẫn yêu những điều bình dị, giản đơn trong cuộc sống. Tonio Kroger đã tìm được sự hòa hợp giữa bản thân và thế giới xung quanh, giữa nghệ thuật và đời sống.
Review
Tình Yêu và Lý Tưởng là một tiểu thuyết xuất sắc của Thomas Mann, thể hiện những trăn trở, suy tư sâu sắc của nhà văn về nghệ thuật và đời sống. Cuốn tiểu thuyết đã khắc họa chân thực tâm hồn đa sầu đa cảm của Tonio Kroger, một nghệ sĩ trẻ luôn khao khát được tìm kiếm sự hòa hợp giữa bản thân và thế giới xung quanh.
Tiểu thuyết được viết theo lối tự sự, với nhân vật chính là Tonio Kroger. Cốt truyện của tác phẩm xoay quanh cuộc đời và những trải nghiệm của Tonio Kroger. Tác phẩm được chia thành ba phần, mỗi phần thể hiện một giai đoạn trong cuộc đời của Tonio Kroger.
Trong phần đầu tiên, Tonio Kroger là một đứa trẻ nhạy cảm, khác biệt với những đứa trẻ khác. Chàng cảm thấy mình là kẻ ngoại đạo, không hòa nhập được với đám bạn cùng trang lứa. Chàng yêu thích những điều cao quý, thanh nhã, nhưng những người xung quanh chàng lại chỉ quan tâm đến những điều tầm thường, phù phiếm.
Trong phần thứ hai, Tonio Kroger quyết định rời bỏ quê hương để tìm đến một nơi khác, nơi mà chàng có thể được là chính mình. Chàng đến với nghệ thuật, nơi mà chàng có thể tự do thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình. Tuy nhiên, Tonio Kroger cũng nhận ra rằng nghệ thuật không thể giải quyết được những mâu thuẫn nội tại trong tâm hồn chàng. Chàng vẫn cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn, thậm chí là bị cô lập.
Trong phần thứ ba, Tonio Kroger quyết định quay trở về quê hương. Chàng nhận ra rằng mình vẫn yêu những người thân yêu, những người bạn cũ, và chàng vẫn yêu những điều bình dị, giản đơn trong cuộc sống. Tonio Kroger đã tìm được sự hòa hợp giữa bản thân và thế giới xung quanh, giữa nghệ thuật và đời sống.
Tình Yêu và Lý Tưởng là một tác phẩm giàu ý nghĩa nhân văn. Tác phẩm đã đề cập đến những vấn đề quan trọng trong cuộc sống, như sự xung đột giữa bản thân và thế giới xung quanh, giữa nghệ thuật và đời sống. Cuốn tiểu thuyết cũng thể hiện niềm tin của Thomas Mann vào khả năng hòa hợp giữa bản thân và thế giới, giữa nghệ thuật và đời sống.
Tác phẩm được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Thomas Mann đã sử dụng ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc để khắc họa tâm hồn đa sầu đa cảm của Tonio Kroger. Cốt truyện của tác phẩm được xây dựng chặt chẽ, logic, mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm sâu sắc.
***
Thomas Mann sinh năm 1875 tại Lübeckvà mất năm 1955 tại Zürich (Thụy Sĩ). Sự nghiệp văn học lẫy lừng của ông mang dấu ấn dân chủ, chống phát xít, mang những nét tư tưởng đặc trưng của dân tộc Đức.
Trong cuốn “Truyện ngắn đặc sắc các tác giả đoạt giải thưởng Nobel Văn học” do nhà xuất bản Văn học ấn hành, có truyện ngắn “Ngài Friedemann bé nhỏ” của Thomas Mann khá ám ảnh. Câu chuyện kể về nhân vật Johanes Friedemann khi nhỏ bị rơi từ bàn quấn tã xuống, khi mới sinh được khoảng một tháng, lỗi do chị vú em bất cẩn.
Sau cú rơi nghiêm trọng đó, cậu bé Friedemann đã mang thương tật suốt đời, mà Thomas Mann miêu tả cậu có “bộ ngực nhô cao và nhọn hoắt, tấm lưng khuỳnh khuỳnh, hai tay khẳng khiu dài quá cỡ và nhanh nhẹn hăng hái tách hạt dẻ, nom thật hết sức kỳ dị”.
Cậu bé thích những quyển sách có những hình vẽ đẹp, và có chút dấu hiệu của tự kỷ. Lớn lên một chút, cậu Friedemann cũng biết rung động như các bạn cùng trang lứa. Cậu cũng biết ghen tuông, khi cậu thấy cô gái mà cậu thích ngồi cạnh một chàng thanh niên tóc đỏ cao lên nghêu.
Thomas Mann mô tả về thái độ ấy: “Được, ta sẽ chẳng bao giờ thèm để tâm đến tất cả những cái đó nữa. Chuyện ấy mang lại cho người khác hạnh phúc và niềm vui, còn ta, ta chỉ chuốc lấy dằn vặt và khổ đau. Ta không muốn liên quan đến cái trò ấy nữa. Đối với ta, thế là xong. Chẳng bao giờ nữa”.
Cậu rất yêu âm nhạc và dành nhiều thời gian cho nó, cậu chơi khá về Violon. Khi trưởng thành hẳn, Mann gọi cậu là ngài. Với thân hình dị dạng của mình, nhưng trong sâu thẳm của Friedemann vẫn mang những rung cảm mạnh mẽ trước sức hút của phái đẹp. Ngài đã mê mẩn trước nhan sắc của một phu nhân. Ngài bị ám ảnh khủng khiếp bởi nhan sắc tuyệt diệu ấy. Bao nhiêu cung bậc cảm xúc diễn biến trong trái tim của ngài. Sau bao dằn vặt, đấu tranh tư tưởng, suy nghĩ vụn vặt khi cảm giác như bị phu nhân hắt hủi, ngài đã nhảy xuống nước tự tử. Cái kết câu chuyện đóng lại ở đó, Thomas Mann đã khiến người đọc ám ảnh bởi những suy nghĩ, tâm tư, thổn thức yêu đương nơi cõi lòng của một người tàn tật. Một cái kết đầy nỗi buồn.
“Ngài Friedemann bé nhỏ” là truyện ngắn được coi là đầu tay của Thomas Mann, khi ông mới 23 tuổi. Năm 1901, Mann xuất bản tiểu thuyết đầu tiên Buddenbrooks - Verfall einer Familie (Gia đình Buddenbrook) - kể về sự suy sụp của một gia đình ba đời buôn bán ở Lübeck trong bối cảnh cạnh tranh của chủ nghĩa đế quốc. Bộ tiểu thuyết đặc sắc này đã mang lại cho ông giải Nobel năm 1929.
Mann tập trung miêu tả quá trình suy sụp của giai cấp tư sản với một ngòi bút hiện thực, mỉa mai, chú trọng phân tích tâm lý, đi sâu vào các khía cạnh bệnh hoạn, cái phù du và cái chết. Những áng văn của ông thể hiện hiểu biết uyên bác của ông trên nhiều lĩnh vực: triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, y học, xã hội học, phân tâm học…
Năm 1905, Thomas Mann cưới vợ, sinh 6 người con (trong đó có ba người sau này cũng trở thành nhà văn). Cuộc hôn nhân không phải là cách giải quyết cho ông về vấn đề đồng tính luyến ái. Đó cũng là một đề tài mà Mann say mê thể hiện trong sáng tác của mình, tiêu biểu là Der Tod in Venedig (Chết ở Venice, 1913) - một trong những truyện dài xuất sắc nhất của văn chương thế giới.
Sau Thế chiến thứ nhất, ông hoàn thành một trong những đỉnh cao sáng tác của mình là Der Zauberberg (Núi thần).
Một số tác phẩm của Thomas Mann:
Der kleine Herr Friedemann (Ngài Friedemann bé nhỏ, 1898), tập truyện
Buddenbrooks - Verfall einer Familie (Gia đình Buddenbrook, 1901), tiểu thuyết
Tristan (1903), tập truyện
Tonio Kröger (1903), truyện
Fiorenza (1905), kịch 1 hồi
Der Tod in Venedig (Chết ở Venice, 1913), truyện ngắn
Betrachtungen eines Unpolitischen (Những suy ngẫm ngoài chính trị, 1918), tập kí
Von deutscher Republik (Nền dân chủ Đức, 1922), tiểu luận
Goethe und Tolstoi (Goethe và Tolstoi, 1923), tiểu luận
Der Zauberberg (Núi Thần, 1924), tiểu thuyết
Mario und der Zauberer (Mario và người phù thủy, 1929), truyện
Joseph und seine Brüder (Joseph và những người anh em), bộ tiểu thuyết, 4 tập
Die Geschichten Jaakobs (Những câu chuyện của Jaakobs, 1933)
Der junge Joseph (Joseph trẻ tuổi, 1934)
Joseph in Ägypten (Joseph ở Ai Cập, 1936)
Joseph, der Ernährer (Joseph, người nuôi sống, 1943),
Lotte in Weimar (Lotte ở Weimar, 1939), tiểu thuyết
Doktor Faustus (Bác sĩ Faustus, 1947), tiểu thuyết
…
Mời các bạn mượn đọc sách Tình Yêu và Lý Tưởng của tác giả Thomas Mann.