Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mười Hai Sứ Quân Toàn Tập

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Mười Hai Sứ Quân Toàn Tập của tác giả Vũ Ngọc Đĩnh.

Cuối thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba, Ngô Quyền ở Đường Lâm hưng binh rửa hận cho nhạc phụ là Dương Diên Nghệ, giết phản tướng Kiều Công Tiễn, thừa thắng nương vào sóng nước Bạch Đằng giang mà phá tan quân Nam Hán, mở ra cho “nước ta” thời đại tử chủ đầu tiên. Vận nước vừa mới sáng đã lại mờ, Ngô Vương ở ngôi chỉ được 6 năm, qua đời năm Giáp Thìn (944), để lại đằng sau Vương cả một thời đại hỗn loạn.

Năm sau, Ất Tỵ (945), Giao Châu thực sự đại loạn. Khắp nơi giặc cướp nổi lên, cường hào chiêu mộ binh lính mạnh ai người ấy chiếm giữ một vùng. Lớn và mạnh hơn cả có mười hai nhân vật xưng hùng, sử gọi là “Mười Hai Sứ Quân”, trong số đó có cả Tướng cũ của Triều Ngô, và một “vị Vua” bỏ triều đình cùng với thiên hạ tranh hùng. Loạn Mười Hai Sứ kéo dài đến 23 năm mới cáo chung (Mậu Thìn, 968) với những trận đại thắng của “Động chúa Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh”.

Thời đại này, cách đây trên một nghìn ba mươi năm về trước, mờ mịt với những biến động hết sức khốc liệt, nhưng sử tích lại hết sức hiếm hoi coi như chẳng còn gì. Hai mươi ba năm đại loạn, Giao Châu mù mịt lầm than, các sứ quân tranh hùng xâu xé nhau, một thời gian khá dài mà ta chẳng thấy mối nguy phương Bắc nhòm ngó tới Giao Châu, ấy là một điều thật may mắn, vì đâu có cái may ấy, và cái may này sẽ bền được bao lâu? Ta cần nhìn qua tình hình phương Bắc.

Sau khi họ Khúc (Thừa Mỹ) nhận chức Tiết Độ Sứ của nhà Lương, không thần phục nhà Nam Hán, thì năm Quý Mùi (923) Hán chúa sai Đại Tướng Lý Khắc Chính đem quân Nam phạt, bắt Khúc Thừa Mỹ, sai Lý Tiến giữ chức Thứ Sử Giao Châu, cuộc nội thuộc Bắc phương xem ra chưa có gì là vượt thoát được. Phải đợi đến chín năm sau, Tân Mão 931, tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Diên Nghệ hưng binh đuổi Lý Tiến và Lý Khắc Chính; rồi đến Ngô Quyền phá Nam Hán năm Mậu Tuất 938, mới kết thúc được lần Bắc thuộc thứ ba.

Sau khi Ngô Quyền lên ngôi, các biến động ở Giao Châu chưa phải là hết hẳn; ngược lại, mọi biến động càng xảy ra thật dồn dập, nhưng phương Bắc vẫn không điều binh đánh chiếm phương Nam nữa, ấy cũng bởi nước Tàu hồi ấy còn đang rối bời với loạn Thập quốc đời Ngũ Đại: Dương Hành Mật dựng nước Ngô; Vương Tiến dựng Tiền Thục; Tiền Cù dựng Ngô Việt; Mã Ân dựng Sở; Vương Trần Tri dựng mân; Lưu Ẩn dựng Nam Hán; Cao Bảo Dung dựng Nam Bình; Mạnh Tri Tường dựng Hậu Thục; Lưu Sùng dựng Bắc Hán. Mười nước đánh nhau liên miên, sau có Triệu Khuông Dẫn lật đổ được Đại Lương lập ra nhà Tống, lên ngôi báu xưng là Thái Tổ, ra tay quét sạch Thập Quốc thì nước Tàu mới dần dần tạm yên. Nhờ các biến động nội bộ khốc liệt, mà phương Bắc không nhòm ngó Giao Châu. Thời Giao Châu có loạn Mười Hai Sứ là thế!

Giả sử, loạn Mười Hai Sứ ở Giao Châu tiếp tục kéo dài thêm nữa, không có “chàng mục đồng ở Động Hoa Lư” vốn mang trong người sẵn máu “anh hùng thủa nhỏ” đứng lên quét sạch, thì làm gì còn có việc Lý Nhân Tông sai hai tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản mang binh đánh Tống (Ất Mão 1075) được nữa? Mười Hai Sứ tranh hùng, quả thật đã đưa Giao Châu vào cái thế nguy hiểm vô cùng, mà việc Bộ Lĩnh đứng lên tiêu diệt được cả cũng lại là một kỳ tích của Sử nước ta.

Đinh Bộ Lĩnh mất cha từ nhỏ, lang thang trong đám mục đồng, lấy rong chơi làm lẽ sống, tại sao lại có được cái chí “khuất phục chúng anh hùng trong thiên hạ”, tại sao lại có được hành vi tráng liệt “phất cờ dựng nước”, một tay mục đồng tại sao lại có thể có được cái kho hùng tài thao lược ở trong lòng để mà ra binh dàn trận, tung hoành như ở chỗ không người giữa Mười Hai Sứ có đủ binh tướng cầm cự với nhau lâu đến như vậy được? Một trí óc mục tử, tại sao lại có thể thực hiện được lần đầu tiên trong lịch sử nước ta một “quốc gia” thực sự với những triều nghi triều chính?

Đằng sau kỳ mục tử ấy, tất phải có người đại tài phù trợ. Nhìn lại lịch sử nước ta, ta thấy: bên cạnh một cánh tay kiệt hiệt giỏi nghề cầm gươm cưỡi ngựa, bao giờ cũng có ít ra là một “văn quan” giúp đỡ cho việc về “trí óc”. Có những cuộc phối hợp văn – võ vẹn toàn mới thành công, mới làm nên sự nghiệp.

Với trường hợp Đinh Bộ Lĩnh cũng thế, không thể không có một “văn sĩ” bày mưu tính kế giúp cho Bộ Lĩnh thấy được cái thế của đất Giao Châu, nhìn rõ được vị trí của mỗi Sứ Quân, dàn xếp mọi việc tiến thoái, biến cải thiên nhiên sông núi cỏ cây trở thành nhân tố để tạo thành Thế, dựng thành Thời, đổi mọi hoàn cảnh không ghi dấu vết gì của con người ấy, kể cả dấu vết của Công Dự, ngưới chú tài trí hơn người của Đinh Bộ Lĩnh.

Về Mười Hai Sứ Quân, giòng dõi vương giả thì có Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh, tướng cũ của triều Ngô có Đỗ Cảnh Thạc, phú hào thì như Trần Lãm, Phạm Phòng Át,… những người ấy cầm cự với nhau lâu như vậy ắt hẳn cũng có tướng tài giúp sức, mưu sĩ túc trí phụ trợ. Lịch sử cũng lại chẳng còn dấu vết gì của Mười Hai Sứ sinh hoạt ra sao, đánh nhau thế nào, rồi mỗi Sứ quân kết thúc ra sao, chính sử cũng không ghi chép chút nào.

Lịch sử chỉ ghi thật vắn tắt:

“… Lúc bấy giờ, trong nước có cả thảy mười hai Sứ Quân, gây ra cảnh nội loạn kéo dài đến hơn hai mươi năm. Mười Hai Sứ Quân là:

- Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều;

- Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang;

- Trần Lãm, xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu;

- Kiều Công Hãn, xưng là Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu;

- Nguyễn Khoan, xưng là Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái;

- Ngô Nhật Khánh, xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm;

- Lý Khuê, xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại;

- Nguyễn Thủ Tiệp, xưng là Nguyễn Lịch Công, giữ Tiên Du;

- Lữ Đường, xưng là Lữ Tá Công, giữ Tế Giang;

- Nguyễn Siêu, xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt;

- Kiều Thuận, xưng là Kiều Lịch Công, giữ Hồi Hồ;

- Phạm Bạch Hổ, xưng là Phạm Phòng Át giữ Đằng Châu”.

Ngoài ra, không còn gì ghi trong chính Sử nói về Mười Hai Sứ này nữa.

Vậy thì, bây giờ muốn lấy lịch sử để viết tiểu thuyết, vận dụng văn nghệ để làm cho văn hóa phải hiện lên rõ ràng, biết dựa vào đâu?

Chúng tôi đã bỏ ra nhiều năm, trước hết là đi tìm một tấm bản đồ cũ, đem đối chiếu với các bản đồ hành chính, giao thông, chính trị, xã hội quân sự của thời Pháp thuộc, rồi lục tìm trong các cổ thư để lấy lại các tên cổ địa danh và giới hạn các vùng đất ấy, đinh lại trên bản đồ vị trí giang sơn của Mười Hai Sứ.

Chúng tôi lại nhờ các cổ thư, như Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Ngoại Kì) của Ngô Sĩ Liên và các Sử thần đời Lê, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chi phần các tỉnh liên hệ đến thời Mười Hai Sứ, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ, Quốc Hiệu Nước Ta của Bửu Cầm, Connaissance du VietNam của Pierre Huard et Maurice Durand, Tableau Chronologique des Dynasties của L.Cardiere, đặc biệt trong tài liệu của trường Viễn Đông Bác Cổ, các tài liệu nghiên cứ của Societe Des Etudes Indochinoises. Với các tài liệu ấy chúng tôi tìm lại được các tên cũ của địa lý, biết được khá nhiều về các chi tiết hoạt động cửa Mười Hai Sứ, như cái chết của Sứ quân Kiều Công Hãn, Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, việc Phạm Phòng Át đầu hàng, Ngô Nhật Khánh bại binh bị nhục khiến sau mới có việc Ngô Nhật Khánh đưa quân Chiêm về phục hận. Ngô Xương Xí tan rã… như thế nào.

Các thành quách, hồ lạch, cầu đò, cùng một lúc được nghiên cứu đến mức cuối cùng của “khả năng có thể” của chúng tôi, cốt trình bày cho được sự sống động của những gì có thật. Khía cạnh địa lý nhân văn, khí hậu và các đặc tính hoạt động của từng địa phương (về khía cạnh nhân chủng học) cũng được theo dõi luôn luôn để cho sự thật không bị sai lạc, thể hiện được nét đặc biệt của địa phương.

Các nguyên tắc về quan sát thiên văn hiện đại, được vận dụng phối hợp với quan niệm thiên thượng nhìn theo kinh nghiệm của tổ tiên ta, để giúp cho các nhân vật trong truyện có điều kiện dàn xếp lợi dụng các yếu tố thiên nhiên để vào cuộc tranh hùng nơi chiến địa.

Trên lãnh vực Y học, các nguyên tắc căn bản của Bệnh Lý Y học hiện đại được trộn lẫn với các phương pháp định bệnh và chữa thuốc cổ truyền theo kinh nghiệm của tổ tiên ta. Một vài hình thức huyền bí Đông Phương chúng tôi cũng giữ lại cho phù hợp với tâm hồn và phép hành xử của người xưa…

Dĩ nhiên là các sách về lịch sử chúng tôi cũng chú trọng rất nhiều, chú trọng để đối chiếu giữa các thời đại của nước ta với nước Tàu, mong tìm ra căn bản cho mọi biến động, với việc đối chiếu sử và tìm căn bản biến động này, chúng tôi không đồng ý với một vài Sử gia, đem cái quan điểm của mình mà biện giải biến động lịch sử xa xưa; chúng tôi cũng lại không đồng ý về điểm “Lịch sử lên xuống, hết trị tới loạn” của một vài người để giải quyết hiện tượng lịch sử. Chúng tôi nhận thấy: từ thời Hồng Bàng khởi đi (2879 - 258 trước Tây lịch), nước ta chưa bao giờ có được một khoảng thời gian thái bình lâu dài để mà nỗ lực tạo dựng cho mình “một cái gì riêng biệt”. Sự lập quốc của tổ tiên ta triền miên trong thế chống trả họa diệt vong từ phương Bắc đổ xuống, vài ba lần bị các lực lượng không phải Bắc phương tiến đánh, rồi cận đại lại phải liên tục chống trả Tây phương. Trong suốt chiều dài ấy, cuộc đấu tranh của dân tộc ta nhất định là phải hùng liệt vô cùng, những vẻ vang chiến thắng ngoại xâm đối với một dân tộc nhỏ bé và lận đận như dân tộc ta, thật chưa một nước nào trên thế giới có được!

Như vậy thời lịch sử còn non trẻ ấy, việc Mười Hai sứ quân nổi lên, nên được xem là nguyên nhân và cơ hội để cho dân tộc ta bừng tỉnh, đứng dật lập quốc đúng với những đòi hỏi của một dân tộc còn đang ở chặng đầu dựng nước. Mười Hai Sứ tiêu biểu cho sự khắc khoải, ôm ấp giấc mộng độc lập của dân tộc ta, nhưng giấc mộng ấy mới chỉ tượng hình chứ chưa có hướng đi nhất định, và sự loanh quanh đã làm cho dân tộc ta lầm than một phần tư thế kỷ, sau mới tiến tới được cái thế hợp quy.

Sự hợp quy này, chính là trọng điểm của lịch sử dân tộc, chỉ bao giờ nó thể hiện được thì lúc ấy dân tộc ta mới toàn thắng. Chiều dài lịch sử nước ta, vô cùng súc tích với những thăm trầm làm rung động lòng người.

Ngày nay, chúng tôi viết Mười Hai Sứ không ngoài mục đích khơi động các nỗ lực hùng liệt của dân tộc. Chỉ khi nào mỗi người dân nước ta đều thuộc làu lịch sử, hiểu rõ được cuộc đấu tranh vĩ đại và liên tục của tổ tiên ta, dù chỉ được hiểu bằng tiểu thuyết, thì lúc ấy mới hi vọng đem được tinh thần yêu nước đánh lui được hết thảy mọi hiện tượng vong thân, nô lệ.

Chúng tôi lấy văn nghệ để thể hiện văn hóa, đem lịch sử để dựng thành tiểu thuyết, cố gắng đưa sử tích vào các sự việc tưởng tượng, bám vào căn bẩn lịch sử để cho tiểu thuyết không thành hoang đường mị hóa. Như thế, thì cái “không có” vẫn chứa đựng “những cái có thật”, sự kê cứu lịch sử giúp chúng tôi có yếu tố để làm việc, đồng thời giúp chúng tôi vượt thoát những khó khăn đòi hỏi chỉ dành riêng cho các Sử gia.

Ở đây, chúng tôi làm công việc viết tiểu thuyết trên căn bản của việc xưa, vì vậy cũng lại không thể đem văn mới mà thuật việc ngàn năm trước được. Ở khía cạnh ngôn ngữ học, chúng tôi không thể vận dụng đến danh từ, dụng từ địa phương để diễn đạt lời lẽ của mỗi nhân vật trong truyện, vì như thế e làm hỗn loạn tính chất đồng nhất của ngôn ngữ nước ta, làm khó cho người đọc tìm hiểu nghĩa. Chính nhà viết tiểu thuyết lịch sử Pháp Alexandre Dumas, cũng đã phải cố tránh điểm này, và ông nói: “Lấy kim văn để thuật cổ sự, là một điều chướng tai, nhưng chồng chất các tiếng cổ địa phương cũng lại làm người đọc vất vả chán nản…”.

Tất cả những gì chúng tôi làm để viết Mười Hai Sứ Quân, là như vậy. Những khiếm khuyết chúng tôi hy vọng được lượng thứ.

Vũ Ngọc Đĩnh

—ooOoo—

Mời các bạn mượn đọc sách Mười Hai Sứ Quân Toàn Tập của tác giả Vũ Ngọc Đĩnh.