Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Đúng Việc - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh của tác giả Giản Tư Trung.
Nhiều năm trước, tôi có dịp lang thang trên quảng trường Trafalgar ở thủ đô London của nước Anh. Đây là quảng trường được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của hải quân Anh trong trận chiến Trafalgar lừng danh do Đô đốc Nelson chỉ huy. Nằm ngay vị trí trung tâm của quảng trường là một chiếc cột cao 52 mét mà ở trên đỉnh cột là bức tượng vị đô đốc tài ba đứng sừng sững giữa trời. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất không phải là bức tượng sừng sững đó, mà là một dòng chữ ở tấm điêu khắc gần chân cột: “England expects that every man will do his duty”. (Tạm dịch: Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn công việc/ bổn phận của mình)
Đó chính là lời hiệu triệu nổi tiếng mà đô đốc Nelson đã gửi cho hạm đội của mình trước trận Trafalgar. Nhưng tôi nghĩ, chọn khắc dòng chữ này ở một trong những vị trí được xem như “trái tim” của nước Anh; người Anh không chỉ đơn thuần muốn kỷ niệm một trận chiến mà có lẽ muốn gửi gắm vào đó nhiều thông điệp hơn thế.
Mỗi công dân Anh (và cả những người không phải là người Anh) khi đứng trước những dòng chữ này hẳn sẻ ít nhiều suy tư về những “công việc” hay “bổn phận” của mình: chúng là những gì, và mình đã làm chưa; nếu đã làm thì đã làm đúng và làm tốt những công việc ấy hay chưa?
“Công việc của mình” – Mấy chữ trên tấm phù điêu về trận chiến Trafalgar năm ấy cũng đã ít nhiều bắt đầu gợi lên và gieo vào trong tôi những suy tư về mình, về thời cuộc, và đặc biệt là về những “trận chiến” diễn ra ở ngay xử sở của mình. Những suy tư đó đã thực sự thôi thúc tôi muốn viết một điều gì đó về “công việc”, về làm đúng và làm tốt “công việc”, về những “trận chiến” liên quan đến bản chất và chân giá trị của mọi vấn đề.
Đó không phải là những trận chiến hữu hình giữa người với người, giữ gươm với súng như trong quá khứ; mà là những trận chiến giữa cái đúng và cái sai, giữa khai minh và vô minh, giữa cõi phàm và cõi thiêng, giữa cái cao đẹp và cái thấp hèn của con người. Những cuộc chiến vô hình ấy cũng khốc liệt và có sức tàn phá khủng khiếp không kém bất kỳ cuộc chiến hữu hình nào: Các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn; con người bị cuốn vào những vòng xoáy hỗn mang, nghi ngờ chính những điều đã từng được coi là chân – thiện – mỹ; công việc nào, lĩnh vực nào, ngành nghề nào, vấn đề nào cũng có những vấn đề được xem là “vấn nạn chưa có lời giải”.
Bất kỳ ai chứng kiến và cảm nhận những điều đó hẳn cũng sẽ đau đáu một câu hỏi nhân sinh như tôi: Căn nguyên của những gì đang diễn ra trong xã hội này, căn nguyên của những vấn đề con người ngày nay đang gặp phải là gì và do đâu?
Có rất nhiều lý do! Mỗi người sẽ chọn một cách lý giải, một cách giải mã riêng, tùy theo góc nhìn của mình. Và “đúng việc”, “sai việc”, cũng như chuyện định nghĩa lại mọi thứ và trả lại chân giá trị cho mọi vấn đề là góc nhìn và cách tiếp cận mà tôi chọn cho mình trong cuốn sách này.
Tôi cho rằng, những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội là bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại chân giá trị vốn có của nó và có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình. Vậy đâu là chân giá trị của mọi vấn đề, đâu là những “công việc” quan trọng nhất và nếu những “công việc” đó được hiểu đúng và làm tốt thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn và xã hội cũng sẽ được vận hành một cách văn minh”
Những “công việc” quan trọng nhất mà ai cũng phải làm trong đời, chính là: làm người, làm dân và làm việc. Khi mà những “công việc” này không được coi trọng và có quá nhiều người không làm đúng việc của mình (tức là làm sai việc) thì những gì mà chúng ta đang chứng kiến (như dân gian vẫn thường nói vui là “người không phải người, dân không phải dân, lãnh đạo không phải lãnh đạo, thầy không phải thầy, nghệ sĩ không phải nghệ sĩ, trí thức không phải trí thức, doanh nhân không phải doanh nhân, hay đại học không phải đại học, hiệp hội không phải hiệp hội…”), âu cũng là chuyện không đáng ngạc nhiên mấy!
Bởi lẽ, lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng “công việc” ấy sẽ làm nên chính họ, cũng như làm nên xã hội mà họ sinh sống. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ hay con người công cụ; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; ca sĩ thì khác với thợ hát; nghệ sĩ thì khác với chiến sĩ; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với hồi bút; sử gia thì khác với sử nô; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…
Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa các lựa chọn đó? Làm sao có thể làm “đúng việc” khi chưa biết đâu là cái “đúng”? làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết “đâu là mình”…
Đó chính là những trăn trở đã dẫn đến những nội dung bàn trong cuốn sách này. Tuy vậy, cần làm rõ ràng, mục đích của cuốn sách này là để gợi mở và tranh luận chứ không phải để kết luận và thực hiện, để đặt vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề, để đặt ra các câu hỏi nhằm tìm kiếm câu trả lời chứ không phải là để khẳng định một chân lý (bởi lẽ không ai được phép độc quyền chân lý).
Vì với một đề tài quá rộng và quá lớn như vậy, làm sao có câu trả lời nào có thể gói gọn được tất cả? cũng như làm sao có một định nghĩa về “đúng” vừa vặn với tất cả mọi người, mọi thời và mọi nơi? Nhưng ít nhất, bằng việc đặt ra những câu hỏi nhân sinh và liên tục, tra vấn mình về nó, ấy là lúc chúng ta có thể tiến gần hơn đến với câu trả lời, đến với việc tìm ra điều gì là “đúng” cho riêng mình, cho xứ sở của mình và cho thế gian này. Và đây chính là hành trình đi tìm chân lý, đi tìm chân giá trị và cũng là hành trình của muôn đời.
Có người bạn hỏi tôi, có bao nhiêu là việc cần phải làm, vì sao lại ngồi lọ mọ viết cuốn sách này. Tôi trả lời rằng, tôi muốn viết cuốn sách này trước hết và chủ yếu là vì tôi thích “thích chia sẻ, bàn luận và học hỏi về việc “đúng việc”, về bản chất và chân giá trị của những vấn đề căn cốt của cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội).
Bên cạnh đó tôi cũng cho rằng, thay đổi đến từ “TÔI” của mỗi người là con đường tốt nhất dẫn đến sự thay đổi chung của xã hội, đúng như tuyên ngôn bất hủ của bậc hiền triết Mahatma Gandhi: “You must be the change you wish to see in the world” (Tạm dịch: “Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời”). Nghĩa là, khi mỗi người (trong chúng ta) tự thay đổi chính bản thân mình trước, tự làm đúng và làm tốt “công việc” của mình, thì xã hội sẽ thay đổi theo chứ không trông chờ vào ai cả. Với quan điểm này, chúng ta có thể thấy rằng hành trình “tự lực khai hóa” (theo cách nói của nhà canh tân văn hóa Phan Châu Trinh) của mỗi người chính là con đường tốt nhất để mình tốt hơn, đồng thời cũng góp phần đổi thay xã hội mà mình đang sống. Do vậy, cũng có thể xem “Đúng việc” như là một người bạn đồng hành của tôi trên hành trình “Tự lực khai hóa” của mình.
Ngoài ra, như rất nhiều thành viên khác của cộng đồng, tôi cảm thấy mình còn có trách nhiệm công dân trong việc cất lên một tiếng nói, góp vào một giải pháp để thúc đẩy nhanh hơn hành trình tìm kiếm những cái đúng, tìm kiếm một “hệ điều hành” ưu việt hơn không chỉ cho riêng mình mà còn cho xứ sở của mình. Với riêng tôi, ngoài sở thích cá nhân, hay sự thôi thúc bởi trách nhiệm công dân, đó còn là trách nhiệm làm nghề (của một người làm giáo dục) nữa.
Cuốn sách này đã được viết với tâm thế ấy, và với ý niệm rằng công việc quan trọng nhất (và có thể nói là công việc/ nghề nghiệp duy nhất) của mỗi người trên cõi đời này, không gì khác chính là “nghề làm người”, như nhà tư tưởng vĩ đại thời khai minh Jean Jacques Rousseau từng khẳng định. Có thể tiếp tục chi tiết hóa “nghề làm người” này bằng nhiều mảng việc nữa, mà trong đó “làm dân” và “làm việc” là hai phần việc quan trọng bậc nhất. Đó cũng là lý do vì sao mà ba chương chính của cuốn sách sẽ xoay quanh những câu chuyện “đúng việc” về “Làm người”, “Làm dân” và “Làm việc”. Tôi cũng dành riêng một chương thứ tư để bàn về việc “Làm giáo dục”, không chỉ bởi đó là công việc hay mối quan tâm của riêng tôi; mà còn bởi vì tính ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục đến con người ấy được thụ hưởng hay bị “nhào nặn”. Phần cuối cùng chính là Lời kết cho những gì mà tôi đã chia sẻ.
Trong quá trình tích lũy nhận thức và phát kiến ý tưởng của riêng mình về những vấn đề trên, tôi có chịu sự ảnh hưởng và học hỏi của nhiều nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu, học giả … của thế giới cũng như của Việt Nam mà độc giả có thể bắt gặp xuyên suốt cuốn sách này. Nếu một ý tưởng, luận điểm, câu chữ… nào đó của cuốn sách có sự tương đồng với ý tưởng, luận điểm, câu chữ của một ai khác mà tên nhân vật đó không được dẫn như ở những phần khác, mong quý vị hãy hiểu rằng đó là một sơ suất không cố ý, một sự trùng hợp tình cờ hoặc một sự nhập tâm một cách vô thức của tôi và thứ lỗi cho sơ suất đó. Tôi cũng rất mong nhận được những sẻ chia, những góp ý, những ý kiến bàn luận của quý vị để câu chuyện “Đúng việc” có thể được hoàn thiện hơn và được tiếp nối ngoài khuôn khổ của cuốn sách.
Cũng nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức đã xuất bản cuốn sách, cảm ơn những bậc thức giả mà tôi rất kính trọng đã chia sẻ, ủng hộ và góp ý với tôi để hoàn thiện cuốn sách này, trong đó đặc biệt là cảm ơn những chia sẻ kiến thức hết sức quý báu của Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn và những góp ý vô cùng quý giá của Giáo sư Nguyễn Văn Trọng về bản thảo.
Và tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới bạn Nguyễn Thúy Uyên Phương, một người cộng sự lâu năm mà tôi vô cùng quý mến đã giúp tôi lược đi và biên tập một số phần của cuốn sách này. Có thể nói, trong những ngày tháng bộn bề công việc, nếu không có sự hỗ trợ của bạn thì tập sách này khó có thể ra đời như tôi mong muốn. Tôi cũng cảm ơn những người đồng nghiệp đã cùng tôi san sẻ công việc của cơ quan để tôi có đôi chút tĩnh lặng cho chuyện viết lách.
Và đặc biệt, xin cám ơn quý vị đã đón nhận những chia sẻ của tôi. Quá trình viết cuốn sách này đã cho tôi cơ hội nhìn lại chính tôi và thế giới quanh tôi. Và tôi hy vọng rằng quý vị cũng sẽ tìm thấy đâu đó trong những câu chuyện chung mang tên “Đúng việc” này một câu chuyện riêng của chính mình.
***
“Đúng việc-Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” đã đồng hành sâu sắc cùng hành trình tự vấn của mỗi người, dù đó là ai trong suốt chặng sống của mình. Đúng như tác giả bày tỏ, “mục đích của cuốn sách này là để gợi mở và tranh luận chứ không chứ không phải để kết luận và thực hiện, để đặt vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề, để đặt ra câu hỏi nhằm tìm kiếm câu trả lời chứ không phải để khẳng định một chân lý…”
Và bằng cách đặt ra câu hỏi “trúng”, câu hỏi trọng tâm cho hành trình của đời người trong tất thảy những vai trò ta mang, trong mối quan hệ với chính bản thân, với gia đình, đất nước…, tác giả để người đọc tự mình tìm, thấy và lựa chọn cho mình cách sống với một nguyên tắc giản dị: “Đúng việc”.
Sách có 4 phần: Làm người; Làm dân; Làm nghề; Làm giáo dục. Mỗi phần có những mục nhỏ đi thẳng vào những vấn đề thiết thực quanh trục chính thế nào là “đúng việc”. Đó là “Làm người là… làm gì?”, “Làm thế nào để có được năng lực làm người?”, “Tại sao phải bàn về làm dân?”, “Làm việc cũng là làm người”, “Nhà trường”, “Nhà giáo”, “Gia đình”, “Người học”…
“Ta là sản phẩm của chính mình”
Cuốn sách mở đầu bằng những câu chuyện quanh việc “làm người”-điều tưởng hiển nhiên với những ai đã được sinh ra trên đời. Tác giả cũng không đi vào cung cấp một định nghĩa toàn vẹn mà hướng vào trọng tâm của ý nghĩa làm người, từ đó chỉ ra một trong những điều giúp cho con người trở nên khác biệt chính là “lẽ sống”, và sau nữa có một “lẽ” khác chỉ có con người mới hiểu và mới chiến đấu vì nó, đó là “lẽ phải”. Để có được giá trị xuyên suốt, vượt thời gian này và làm người đúng nghĩa thì cần trang bị cho mình “túi văn hóa” và “túi chuyên môn” bên cạnh “túi vật chất” (dường như đang trở thành túi tham, vô độ).
Nhưng hành trình làm người là hành trình tự vấn không ngừng nghỉ và cuộc sống loài người là cuộc sống cũng đầy những mâu thuẫn, giằng xé. Bằng ngòi bút sẻ chia và cái nhìn đa chiều, giàu tương tác, nhà giáo Giản Tư Trung dẫn dắt câu chuyện cơ bản “Làm người” tới việc nhận ra “Ta là sản phẩm của chính mình”. Trong đó mô hình quản trị cuộc đời ta có 5 cấu phần: Tìm ra chính mình; Khai phóng bản thân; Giữ được chính mình; Sống với chính mình, Làm ra chính mình.
Trong sự vận động nhanh chóng và dữ dội của đời sống, con người không khỏi hoang mang vì ý nghĩa sự sống và việc lựa chọn cách sống của mình để có được hai chữ “hạnh phúc”.
Cuốn sách này chỉ ra một cách giản dị lối ra cho những loay hoay vốn thấy của đời người: “Làm cho ra người, làm cho ra việc rồi thì sẽ ra tiền”. Và “khi làm ra tiền thì có hạnh phúc cấp độ 1, khi làm ra việc thì được quý trọng, có hạnh phúc cấp độ 2, còn khi làm cho ra người thì được là chính mình, đó là hạnh phúc cấp độ 3”.
Đọc kỹ phần “Làm người” rồi thì các phần sau đều có sự sáng tỏ, đó là “Làm dân”, “Làm nghề”, “Làm giáo dục”. Trên cái nền của việc biết “làm người”, thì những “vai” khác ta mang về thực chất đều là sự phóng chiếu của việc “làm người”. Vì thế, “Một con người tự do và một công dân có trách nhiệm của một xã hội văn minh sẽ sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm tự thân của mình mà không cần biết là người khác có yêu cầu hay ghi nhận gì không…”.
Cũng từ đây, tác giả đưa ra nhiều nội dung liên quan chặt chẽ khác để hướng đến việc làm người, làm dân trọn vẹn như mối quan hệ “dân trí”, “dân quyền”, “dân sinh”…
Với tác giả thì “Không có ý niệm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bởi công việc chính là cuộc sống và làm cũng là sống.”
Từ đây trong phần “Làm nghề”, tác giả phân tích những nghề nghiệp cụ thể với cách đặt vấn đề đối trọng. Đó là Quản trị hay cai trị?; Doanh nhân, trọc phú hay con buôn?; Trí thức hay trí nô?; Ca sĩ hay thợ hát?… Những câu chuyện làm nghề cụ thể, thiết thực được đặt ra trong phân tích đa chiều. “Vậy thì quan chức, công chức nên là gì trong mối quan hệ với dân?”.
Nhiều thí dụ thực tế từ đời sống, cùng những chia sẻ của nhà giáo Giản Tư Trung thực sự khiến mỗi người có thêm dữ liệu để tự mình làm một cuộc tổng hợp, cho ra lựa chọn của riêng mình.
Và rằng: “Suy cho cùng, cái tên chỉ là cái tên. Dù được gọi bằng cái tên gì-người đày tớ, người phục vụ, người bán hàng…, tất cả cũng như trở thành vô nghĩa nếu như người công chức không cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng trong công việc phục vụ nhân dân của mình….”.
“Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh": Hành trình tự vấn để làm người ảnh 4
Nói về trí thức, nhà giáo Giản Tư Trung thẳng thắn: “Có thể hình dung ba điều kiện để hình thành một con người trí thức, đó là (1) “sự hiểu biết” (có trí); (2) thức tỉnh xã hội”; và (3) “vì mục đích cao quý” (hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp, hướng xã hội đến cái chân-thiện-mỹ”. Nếu không hội đủ ba điều kiện này thì hoặc là “trí ngủ”, hoặc là “trí dỏm”, hay “trí gian”…
Nhiều nghề khác cũng được đề cập dưới góc nhìn sắc sảo của tác giả, để đôi khi nhận thấy những điều tưởng như nghịch lý: “Nhưng không phải lúc nào người cảnh sát, công an làm đúng việc của mình cũng được thương, được quý”.
Và cuối cùng công việc của người cảnh sát theo tác giả là phải trả lời cho câu hỏi bảo vệ “cái gì”?. Ở đây chính là bảo vệ pháp luật, với tinh thần “trọng luật mà có tình” chứ không phải là “trọng tình mà phá luật”…
Nhiều thí dụ thực tế từ đời sống, cùng những chia sẻ của nhà giáo Giản Tư Trung thực sự khiến mỗi người có thêm dữ liệu để tự mình làm một cuộc tổng hợp, cho ra lựa chọn của riêng mình. Sau cùng là từ sự thấu hiểu đó mà kiên định cách sống làm người, làm dân, làm nghề, làm giáo dục đúng đắn mà mình được chọn.
Mời các bạn mượn đọc sách Đúng Việc - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh của tác giả Giản Tư Trung.