Sinh hài linh, tránh dương quan. Thai đủ tháng, đặt hối danh. Mười hai tháng, cống nến hương, đỡ âm linh!…
Tôi kế thừa truyền thống từ bà nội, trở thành thầy đỡ âm linh.
Truyện kể lại những câu chuyện ma quái kì dị mà tôi đã gặp trong những năm qua.
Mỗi người đều vẫn hay tò mò về những câu chuyện bí ẩn ma quái không có lời giải. Thế giới được gọi là âm giới luôn chỉ tồn tại trong tưởng tượng của mọi người. Đã có ai thực sự hiểu qua nơi được gọi là thế giới bên kia chưa?
Nơi dành cho những người sau khi chết, đằng sau mỗi cái chết đều là một câu chuyện riêng. Có người chỉ đơn thuần là bệnh chết, chết già, hay là vì tai nạn không may mà qua đời, nhưng cũng có người là bị ám hại, là những cái chết oan ức. Có những cái chết oan có thể được đưa ra ánh sáng, nhưng có những cái chết lại bị ém đi. Mà có một số người sinh ra, đã mang trong mình số mệnh làm sáng tỏ những điều bị giấu kín đi đấy. Những bí ẩn mà đến những vị cảnh sát giỏi nhất cũng không thể làm rõ được.
‘Nhân Gian Ngụy Văn Thực Lục’ là một tác phẩm với chủ đề linh dị, được tác giả vẽ ra một thế giới cõi âm đầy huyền bí. Qua câu chuyện mà tác giả xây dựng, người đọc có thể tự hình dung ra được thế giới bên kia là như thế nào, những câu chuyện về những người sau khi chết đi họ sẽ ra sao? Những kiến thức mà tác giả lồng ghép vào khiến người đọc cảm thấy vô cùng chân thực, cứ như đang dõi theo câu chuyện của một người trong nghề kể lại.
Nhân vật chính của tác phẩm tên ‘La Thập Lục’, ngày cậu ra đời cũng là ngày mà mẹ cậu chết vì khó sinh. Bà nội vốn là một bà đỡ đẻ âm linh (đỡ đẻ cho người chết), vốn tưởng rằng mẹ cậu chết cậu cũng chết theo nhưng lúc đó cha cậu đột nhiên thấy bụng vợ mình động đậy nên đã kịp cứu sống cậu.
Đứa trẻ được sinh ra từ bụng người chết còn được gọi là âm sanh tử, sẽ luôn có vong hồn người mẹ đi theo. Vì thế từ nhỏ đến lớn không ai trong xóm dám trêu chọc cậu, cũng không dám lại gần. Nhưng có duy nhất một lần, trong xóm có một nhà kia có đứa con bắt nạt La Thập Lục, cả nhà họ không tin rằng vong hồn mẹ cậu đi theo bảo vệ, còn khắp nơi chửi bà cậu lừa đảo và luôn chèn ép nhà Thập Lục. Đến khi cả nhà tên đó bị sát hại dã man thì người trong xóm lại càng sợ hãi không dám bắt nạt Thập Lục. Mà cũng trải qua chuyện này lại càng khiến cho La Thập Lục tin hơn vào cái gọi là ma quỷ ở cõi âm.
Đứa trẻ âm sanh tử, đến tuổi hai mươi hai sẽ trải qua ‘khám dương quan’, trừ âm khí, có thể cắt đứt với linh hồn người mẹ đeo bám. Cứ tưởng cuộc đời của La Thập Lục sẽ thoát khỏi những chuyện quỷ quái này, nhưng đại nạn ập tới, cha cậu té sông chết ngay trong đêm cậu tròn hai mươi hai tuổi. Cả thôn làng lại nhìn cậu với ánh mắt căm thù dù trước đây mọi người chỉ là sợ hãi cậu, không phải thù hằn gì cả. Cũng sau ngày ấy, La Thập Lục bắt đầu phát hiện hình như có bí mật gì đó mà bà cậu đã luôn giấu cậu. Những người trong thôn cũng bắt đầu tỏ rõ thái độ không ưa gì cậu cùng bà nội, hai người đã cùng với một người chuyên vớt xác tên Lưu Văn Tam rời khỏi cái xóm này. Bà nội cũng vì tương lai mà bắt đầu dạy cậu hành nghề đỡ âm linh.
Cũng bắt đầu từ khi tiếp xúc đến phương diện kì bí quỷ quái này, La Thập Lục lại càng gặp phải nhiều câu chuyện. Những điều cấm kỵ trong đỡ âm linh, những sự thật đằng sau những cái chết của những phụ nữ có thai chết đi. Có khi tưởng chừng đã giải quyết xong mọi chuyện, nhưng sau đó lại sinh ra sai sót khiến người chết biến thành quỷ trở về đòi nợ. Là người đã đỡ âm linh, đã hứa sẽ cho mẹ con họ an táng đàng hoàng, đến cuối cùng lại khiến họ càng rơi vào thảm cảnh, đó chính là một cái nợ. Mà với một người vẫn luôn có linh hồn của mẹ đeo bám như nam chính, khi gặp phải chuyện nguy cũng đã được mẹ mình bảo vệ. Cũng từ đó, câu chuyện trước kia về gia đình cậu cũng được hé lộ dần ra. Bà cậu cũng bắt đầu cho cậu biết được một số tin tức, về đại nạn trong kiếp số của cậu, về những việc làm từ thời ông nội cậu cùng với âm mưu đằng sau việc dân làng chỉ trong một đêm lại thù hằn với nhà cậu như vậy. Mà con đường hóa giải kiếp nạn vốn có của La Thập Lục, hay việc làm sáng tỏ những âm mưu bị che giấu kia cùng với những câu chuyện của những cái xác sau những lần hành nghề của cậu đều được tác giả xây dựng một cách ly kỳ và cuốn hút. Câu chuyện đan xen yếu tố nhân quả báo ứng, yêu ma quỷ quái cùng âm mưu cần được phá giải rất hợp lý. Những kiến thức về tâm linh cũng được tác giả miêu tả rất chân thực.
Còn chờ gì nữa mà không cùng nhau tìm hiểu những âm mưu ly kỳ và điều ma quái tại link truyện: ‘Nhân Gian Ngụy Văn Thực Lục’
***
Tác phẩm: “Dân gian ngụy văn thực lục”
Là một tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của La Kiều Sâm cho tới thời điểm hiện tại, được đăng đầu tiên tại nền tảng qimao, liên tục thống trị top 1 về độ hot, lượng fan và lượng donate của app này trong nhiều tháng. Cốt truyện mới mẻ, tình tiết cao trào dồn dập, mắt xích này nối tiếp mắt xích khác một cách logic không phản cảm.
Nhân vật chính của truyện, La Thập Lục, là một ‘Âm sanh tử’ - đứa trẻ sinh ra từ bụng người chết. Mở đầu câu chuyện là cái chết đầy bí ẩn của bố cậu, và hành động nhanh chóng đưa cháu rời đi như chạy trốn của bà nội, cùng việc truyền nghề cho cháu một cách gấp rút của bà nội khiến La Thập Lục luôn trong tình trạng căng như dây đàn, luôn đau đáu về nguyên nhân cái chết của bố. Trong quá trình học và hành nghề của bà nội, La Thập Lục kết giao với người vớt xác Lưu Văn Tam, người dẫn đường âm Trần mù, cùng trải qua nhiều sóng gió nguy hiểm, dần vén màn cái chết của bố, của ông nội, và thậm chí là cả những mưu đồ toan tính thù oán từ đời trước để lại.
Khắc họa nhân vật của truyện rất thực tế, nhân vật chính vì hoàn cảnh sống từ bé nên tính cách ban đầu khá nhút nhát ngây thơ, trải qua quá trình trưởng thành dần biết nhìn mặt đoán ý người khác, che dấu nội tâm, gài bẫy kẻ thù, nhưng vẫn giữ được cái tâm tình cảm trượng nghĩa ban đầu. Tuyến nhân vật phụ mỗi người đều được khắc họa rất đặc trưng rõ nét, từ đạo sĩ chính phái nhưng cứng đầu cố chấp, từ kẻ tiểu nhân nhưng mang lốt cao nhân đắc đạo, đến người vốn tạo phúc bách tính vì cầu trường sinh mà thành kẻ gây họa một phương, tất cả đều gần gũi với thực tế và hợp tình hợp lý.
Hệ thống lĩnh vực tâm linh được nhắc đến trong truyện ngoài những nghề nghiệp đã được nói đến nhiều trong các truyện tâm linh như đạo sĩ trừ tà, âm dương tiên sinh, phong thủy tiên sinh, thần bà ( hay vu sư ), người vớt xác, người đuổi xác… thì còn có một nghề mới là bà đỡ âm linh. Đặc biệt, các kiến thức hay thông tin về phong thủy trong truyện đều được tác giả tham khảo và lấy từ các sách cổ phong thủy nổi tiếng như Táng Kinh, Hám Long Kinh, Thủy Long Kinh… nên khiến độc giả ngoài việc đọc truyện cũng có thể học thêm được nhiều kiến thức phong thủy.
***
[[Tác giả: La Kiều Sâm ------ Dịch: Phong Lăng]]
Tết trung thu từ cổ đến nay đều là ngày trăng tròn hoa thắm, cả nhà đoàn tụ.
Có một câu nói rằng mười lăm trăng sáng mười sáu trăng tròn, rất nhiều người đều lý giải thành ngày 16 tháng 8 là ngày trăng tròn, nhưng thực tế không phải vậy.
Người xưa dùng mười hai canh giờ để tính thời gian, trung thu là ngày nguyệt doanh, nguyệt thuộc âm, doanh là đầy đặn, giờ tý âm khí ngút trời, đây mới thực sự là lúc trăng tròn.
Xã hội ngày nay, chính khắc giờ tý vừa đúng 0 giờ, cũng là ngày 16!
Tôi là La Thập Lục … ! ( tức La Mười Sáu )
Hồi năm 95, nhà nghèo, không có tiền đi viện, mẹ sinh tôi tại nhà!
Vỡ ối từ lúc chính ngọ, khó sinh cho đến hơn 11 giờ đêm, cho đến khi mẹ tắt thở, tôi vẫn chưa ra.
Bà đỡ nói hết cách rồi, một xác hai mạng, chỉ còn cách mời bà Lưu đến đỡ âm linh…
Bà Lưu là bà nội tôi, là bà đỡ âm linh nổi tiếng khắp vùng.
Những năm trước không đủ điều kiện đi viện, phụ nữ sinh con tại nhà, chuyện một xác hai mạng thường xuyên xảy ra.
Chết vì khó sinh, sản phụ căm hận không cam lòng, đứa trẻ oán hận ngút trời, xử lý không đúng cách là thành mẫu tử sát (hung thần mẹ con) gây họa một phương.
Đỡ đẻ cho người chết, được gọi là đỡ âm linh.
Bà nội kể, phải đợi đến lúc trời sáng mới đỡ âm linh cho mẹ tôi.
Giờ tý ngày trung thu, âm khí ngút trời, đỡ đẻ cho đứa trẻ ra, bà không trấn áp nổi! Tôi sẽ thành quỷ!
Bố tôi vừa lau nước mắt, vừa mặc quần cho mẹ.
Kết quả bố nhìn thấy da bụng mẹ đụng đậy!
Bà nội lập tức quả quyết cầm dao rạch bụng mẹ, lôi tôi ra từ giữa đống máu me be bét!
….
Từ nhỏ đến lớn, tôi đều không được người khác chào đón.
Tôi là đứa trẻ được đỡ âm linh từ bụng người chết, được gọi là âm sanh tử!
Tuổi thơ của trẻ con nông thôn, là kết bè kéo đảng lên núi xuống sông, móc trứng chim, bắn súng cao su.
Còn tuổi thơ của tôi, là núp sau bờ tường gốc cây, thèm thuồng nhìn những đứa trẻ khác chơi đùa.
Có điều, không ai dám bắt nạt tôi!
Có duy nhất một lần, hồi năm tuổi, tôi ra đầu thôn mua xì dầu, bị thằng con nhà thợ mổ lợn trong thôn đuổi đánh sưng đầu, máu mũi chảy ròng ròng!
Bà nội đến cổng nhà thợ mổ lợn, bảo cả nhà đấy ra quỳ lạy tạ lỗi.
Một con gà đền ba giọt máu, nên còn phải giết đủ một trăm con gà, một con lợn cho tôi mới đủ để bảo toàn mạng sống của cả nhà đấy!
Thằng mổ lợn ngày nào cũng dao dính máu, người khác sợ bà nội tôi chứ nó không sợ! Nó cầm dao kề cổ bà nội, bảo bà cút!
Đừng nói là một trăm con gà, đến một cái lông gà cũng không cho!
Nó còn nói từ sau thằng con nó gặp tôi một lần là tẩn tôi một trận, tẩn cho tôi nát mặt nát mông luôn!
Bà nội tím mặt đi về!
Vừa đi vừa gân cổ hét, có đứa muốn chết, thì không chết không được!
Mười mấy hai mươi năm trước địa vị của bà nội ở trong thôn rất cao. Bà đỡ âm linh mà, mọi người vừa sợ vừa nể.
Đã năm 2000 rồi, cơ bản đều đủ điều kiện đi viện, cả năm không có nổi một ca đỡ âm linh, người trong thôn bắt đầu ngăn chặn bà!
Nói bà là tàn dư của xã hội phong kiến, là thứ mê tín chưa bị phá bỏ của tứ cựu ( tứ cựu gồm tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ)
Thậm chí, thằng con trai nhà mổ lợn còn lẻn vào vườn nhà tôi, hắt tôi ướt nguyên cả người toàn máu lợn!
Còn bảo cho tôi từ từ mà bổ máu!
Bà nội không nói câu nào, lẳng lặng đuổi nó đi.
Bảo rằng nhà nó làm thế là rước họa vào thân!
Thằng mổ lợn không những không sợ, còn ngày nào cũng dắt thằng con ra đái bậy ở cổng nhà tôi.
Gặp ai cũng bảo, tôi là âm sanh tử, là thằng con hoang đáng chết!
Hồi đó bố tôi đi làm xa, nhà không có đàn ông, thế nên bị người ta đè đầu cưỡi cổ cũng không có cách phản kháng.
Ngày nào tôi cũng trốn trong nhà khóc.
Mời các bạn mượn đọc sách Dân Gian Ngụy Văn Thực Lục của tác giả La Kiều Sâm.