Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Lính Bay Tập 1

Cả hai tập hồi ký “Lính Bay”, tác giả đã tái hiện lại những trận đánh của Không quân Việt Nam, trung thực, hoàn toàn không tô hồng, không “lên gân”. Trong các trang viết là ngồn ngộn những sự kiện chân thật mà bi tráng của lực lượng không quân Việt Nam non trẻ. Trong những chiến công ấy, hoàn toàn không có cảnh “đã xuất kích là chiến thắng”; đã đánh nhau là “ta thắng, địch thua” Những trang bi tráng rất chân thật ấy khiến bạn đọc càng tin yêu hơn những người lính không quân.

Người đọc cảm nhận và quý trọng những chi tiết được coi như “góc khuất” ít được đề cập đến. Lính bay, trong mắt bao người là những “người hùng”, có những “đặc quyền” riêng. Song, trong hồi ký của của Tướng Thái, phi công lái Mic cũng là những người lính như bao người lính trong các quân, binh chủng khác. Họ không phải là “lính cậu” được cưng chiều, vi phạm khuyết điểm là bị “cắt bay”. Trong thời gian bị “cắt bay”, ngoài việc phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, họ vẫn phải lao động, với những công việc nói chẳng ai tin như: đi hốt phân bò, lấy phân bắc để tăng gia sản xuất… Bản thân ông cũng đã từng trải qua những công việc như thế.

Tướng Thái đã khắc họa chân thật điều kiện sống, chiến đấu của những người lính không quân nói riêng, của quân đội Việt Nam nói chung, trong những giai đoạn khó khăn của đất nước.

***

Chuyện thật như cuộc đời
16 tuổi, chàng thanh niên Phạm Phú Thái được tuyển vào không quân. Gia nhập binh chủng hiện đại bậc nhất của quân đội ta khi mới học hết lớp 8, chỉ sau vài năm học lái cấp tốc Mig21 ở Liên Xô để về quần nhau với những phi công lão luyện của không quân Mỹ, tác giả không nén nổi niềm tự hào của người đã chiến đấu và chiến thắng. Có thể nói, cảm hứng tự hào chính là một âm hưởng thứ hai của bộ sách. Tự hào được tiếp nối thế hệ đàn anh, trước mình chỉ vài ba năm đã trở thành những huyền thoại của không quân Việt Nam, những Nguyễn Văn Bảy, Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh… Tự hào được sự chỉ huy của các thủ trưởng đáng kính, và cả đáng yêu nữa, như Trần Mạnh, Chu Duy Kính, Nguyễn Nhật Chiêu… Tự hào được chiến đấu bên cạnh những người đồng đội dày dạn kinh nghiệm và bề dày thành tích, như Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị… Tất cả đã làm nên một hào khí xuyên suốt cả ngàn trang sách. Nó mạnh đến mức mặc dù tác giả sớm bị bắn hạ, bị chấn thương, mặc dù ông đã phải tận mắt chứng kiến máy bay ta bị trúng đạn, đồng đội mình bị hy sinh, mặc dù ông cũng như nhiều đồng đội khác đều nghĩ rồi sẽ đến lượt mình, song không bao giờ các ông lo sợ, không bao giờ các ông lưỡng lự dù chỉ một giây trước khi lao vào chiến đấu với quân thù… Và điều tất yếu đã đến, tác giả bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên như một lẽ đương nhiên, một sự khởi đầu cho những chiến công khác nữa! Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì bộ sách của tác giả Phạm Phú Thái có lẽ đã không gây được tiếng vang lớn. Ngay khi mới ra tập 1 hồi ký đã được dư luận trong và ngoài quân binh chủng quan tâm tìm đọc. Chỉ sau một thời gian ngắn đã được nối bản, cùng với đó là sự mong chờ của đồng đội, bạn bè, người thân và bạn đọc nói chung đối với tập 2 mà tác giả đã hứa sẽ cố gắng cho ra. Điều làm nên thành công và sức hấp dẫn của bộ sách, trước hết là ở tính chân thực của tác phẩm. Bản thân tác giả cũng rất ý thức được điều đó, khi nhiều chuyện ông viết ra là những sự thực, có thể là trần trụi. Đọc Lính bay, ta mới biết rằng có khi cả một trung đoàn không quân của ta “chỉ còn một chiếc máy bay tốt” (ngày 23-2-1968). Ta mới vỡ ra rằng, không quân ta trong những năm tháng ấy luôn bị thiếu hụt, nếu không muốn nói là khủng hoảng, cả về máy bay và phi công… Cũng vậy, ta mới hiểu phi công của ta nhiều khi phải chiến đấu trong điều kiện khó khăn như thế nào, lâm vào những tình huống éo le ra sao. Chẳng hạn ở Mặt trận Khu 4, có trận máy bay ta bị hỏng tăng lực, có trận máy bay bị trục trặc ở hệ thống vũ khí, không bắn được quả tên lửa bên trái khi đã hai lần đưa được máy bay địch vào tầm ngắm! Đặc biệt, ta còn biết về những phi vụ đặc biệt của không quân Việt Nam khi sẵn sàng bay sang tận đất Lào để tiêu diệt quân Vàng Pao, hay xuất kích cảm tử để ngăn chặn máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Qua đó, người đọc có thể hiểu được những cái giá phải trả cho chiến thắng để càng thấy sự lớn lao của chiến thắng! Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả, thử thách mà một phi công chiến đấu như tác giả đã trải qua những năm tháng đó. Chỉ riêng việc trực chiến trên sân bay giữa mùa hè Khu 4 đã đủ một cực hình, khi mà bầu không khí như nung như nấu, sờ vào máy bay như phải bỏng, mà người phi công phải mặc sẵn bộ đồ bay kín mít để chờ có lệnh là cất cánh! Khi lên chiến đấu thì cũng lại cả một sự chênh lệch về tương quan lực lượng. Thường thì chỉ một đội hình hai chiếc hay hai cặp hai chiếc (cũng có khi ba nhưng đó là một thử nghiệm sau xét ra là không phù hợp). Thế nhưng các phi công ta luôn phải chiến đấu với đội hình máy bay đông đảo của địch, được trang bị vũ khí hơn hẳn và phương tiện chỉ huy tối tân, bài bản. Và chính ở đây đã cho thấy không chỉ sự dũng cảm mà cả tài trí của phi công Việt Nam, những người biết tìm cách lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, để đạt được mục tiêu chiến thuật. Trước hết là để ngăn chặn sự đánh phá của địch, ngăn chặn âm mưu địch dùng B-52 vào đánh ban ngày… Và sau nữa là bắn rơi máy bay Mỹ, điều khát khao của tất cả các mọi “lính bay”. Nhưng chắc chắn đó là điều không dễ, và người đọc có thể thấy được sự tôn trọng của tác giả khi viết về các đối thủ của mình- họ thực sự là những phi công thiện chiến, đã có hàng trăm, thậm chí cả nghìn giờ bay. Trong khi phi công ta vào năm tăng cường công tác huấn luyện mới đặt mức phấn đấu bay 60 giờ/năm!… Nếu như tính chân thực của tác phẩm khiến cho người đọc yên tâm khi đọc Lính bay, sự say sưa của tác giả khi kể lại quá trình được đào tạo thành phi công và các trận không chiến khiến cho cuốn sách đậm chất “chuyên môn”, thì những trang tự sự của ông về cuộc đời mình, từ tuổi thiếu niên đến khi tham gia quân ngũ, với những chuyện vui buồn của người lính và cả những xốn xang khi bắt gặp một ánh mắt “hút hồn” của người rồi sẽ là vợ mình, đã khiến cho cuốn sách của tác giả Phạm Phú Thái có nhiều tố chất của một tác phẩm văn học đích thực. Hay nói như một đồng đội đàn anh của ông, Trung tướng Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc, đó là “những trang viết rất chân thực nhưng cuốn hút như tiểu thuyết!”.

***

Phạm Phú Thái sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha anh là cụ Phạm Thuần, tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội năm 1927, Đảng viên năm 1930. Cụ từng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Thọ. Cụ đã từng bị Thực dân Pháp bắt giam và bị tù đày ở nhiều nhà lao lớn như Hoả Lò, Sơn La, Côn Đảo từ những năm đầu của cuộc cách mạng.

Về nước năm 1968, anh được làm phi công tiêm kích số 2 cho Đại đội trưởng Phạm Thanh Ngân, bay số1, (là AHLLVT, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN); còn vị trí số 3 trong phi đội chính là Đặng Ngọc Ngự (sau này cũng là AHLLVT).

Cuộc đời sự nghiệp của ông, nhiều người cứ ngỡ rằng chàng phi công đẹp trai, tài cao như Phạm Phú Thái sẽ tiến như diều do có "bệ phóng" của một gia đình truyền thống cách mạng từ những năm 1930. Nào ngờ về nước gần một năm, dù được bay ở vị trí phi công tiêm kích nhưng anh vẫn chỉ đeo lon binh nhất, rất khác mọi người bởi chí ít, lúc đó anh cũng đã có 3 tuổi quân kể từ ngày vào quân đội. Và có lẽ vì anh ra trường quá sớm so với bạn đồng khoá nên thủ tục thăng hàm lại cũng chưa làm luôn cho anh? Sau vài trận không kích, anh đã bị tên lửa địch bắn trúng và buộc anh phải nhảy dù.

Vị Huyện đội trưởng Thanh Chương ở Nghệ An khi làm biên bản đã hỏi tên, tuổi, cấp bậc, đơn vị… của anh sau khi anh nhảy dù xuống địa phận này, họ đã sững người vì thấy anh mở mắt ngồi dậy rồi báo cáo: "Tôi, Phạm Phú Thái, binh nhất, phi công tiêm kích!". Họ lại cứ tưởng anh giấu, không muốn lộ bí mật nên cứ "năn nỉ" thuyết phục anh trình báo thật về cấp bậc của mình để còn báo cáo về Hà Nội khiến anh bực mình và cũng không biết nói sao. Thế rồi anh Huyện đội trưởng nọ vẫn không tin, phải ghé tại hỏi thầm "Vậy là anh nói thật đấy à ?".

Và, sau khi một lần nữa khẳng định phi công Phạm Phú Thái đã nói đúng sự thực thì anh ta thốt lên: "Lạ thật, cầm cả cái tàu bay đắt tiền là thế, sao lại chỉ binh nhất được cơ chứ? Không thể tin được!". Cuối cùng thì viên Huyện đội trưởng cũng gật gù đỡ anh nằm xuống giường rồi nói: "Nếu đúng là như vậy thì Không quân Nhân dân Việt Nam anh hùng quá !"…

Sau trận đánh khiến anh bị thương và buộc phải nhảy dù. Khi nằm Viện Quân y 108, anh đã khẩn thiết "van vỉ "đề nghị bác sĩ đừng làm thủ tục thương binh cho anh để anh còn có cơ hội được trở về đơn vị tham gia chiến đấu …

Thật là thú vị với những trang viết chân thật nhưng lại đầy chất văn học từ một vị tướng đánh trận, rất đáng đọc!

Mời các bạn mượn đọc sách Lính Bay Tập 1 của tác giả Phạm Phú Thái.