Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

An Nam Chí Nguyên

Đây là một trong những cuốn sách có thẩm quyền để các nhà chép sử An Nam tham khảo. Do may mắn nên sách vẫn được bảo tồn, An Nam Chí Nguyên cung cấp cho ta nhiều tài liệu phong phú:

- An Nam Chí Nguyên bản dịch
- An Nam Chí Nguyên Quyển I
- An Nam Chí Nguyên Quyển II
- An Nam Chí Nguyên Quyển III

An Nam Chí Nguyên, tác phẩm địa lí lịch sử do Cao Hùng Trưng, người Trung Quốc, sống vào cuối thế kỉ 17, biên soạn trong thời gian làm quan ở Quảng Tây, gồm 3 quyển. Viết về hoàn cảnh địa lí, phân chia hành chính, phong tục tập quán, một số nhân vật tu tiên, tu phật của Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số văn bản của các tổng binh nhà Minh gửi lên Minh Thành Tổ trong thời gian quân Minh xâm lược và cai trị Việt Nam. Có nhiều tư liệu về xã hội Việt Nam từ đầu thế kỉ 15 trở về trước.

Tổng yếu: khái quát về lịch sử Việt Nam từ đời Thượng cổ đến triều Minh Thành Tổ

Q1: phủ; châu; địa giới; cương vực; địa lí; giao thông; thành trì; núi sông; phường quách; hương trấn; thổ sản.

Q2: thuế khoá; phong tục; hình thế; hộ khẩu; trường học; quân đội; công việc đánh dẹp; phòng ngự; nhà cửa; đàn tràng; phố xá; chùa quán; đền miếu; thành quách; cung thất; cửa ải; hang núi; vườn ao; đê đIều; cành vật; quan lại.

Q3: Các nhân vật nổi tiếng trong giới nhà sư; thơ; văn. Một số tài liệu về cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1407: chiếu, biểu, bảng văn, lộ bố văn…

***

Một văn bản quan trọng về lịch sử Việt Nam được rất ít người đọc – An Nam chí [nguyên]

By Le Minh Khai

Người dịch: Hoa Quốc Văn

Năm 1932, Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp xuất bản ở Hà Nội một văn bản gọi là An Nam chí nguyên/Annan zhiyuan 安南志原. Ấn bản này có một nghiên cứu dẫn nhập của Émile Gaspardone trong đó ông quy công trình này cho một học quan người Trung Quốc thế kỉ XVII có tên là Cao Hùng Trưng, Gao Xiongzheng 高熊徵 và cố gắng lí giải cái tên khó hiểu (Nguồn gốc của An Nam chí?)

Cuốn sách này xuất hiện ở các thư viện các nước phương Tây từ lúc bấy giờ, nhưng tôi thấy rất ít học giả dẫn dụng nó. Tôi biết rằng tôi đã thấy cả John Whitmore và Li Tana đều dẫn dụng nó, nhưng tôi không thể nhớ là đã thấy có học giả nào khác làm việc ở các nước phương Tây sử dụng công trình này (có lẽ có một hay hai người khác, nhưng không nhiều).

Điều tương tự cũng áp dụng cho các học giả Việt Nam. Mặc dù có nhiều bản thảo của văn bản này có ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ chỉ có một học giả tôi thấy có sử dụng là Tạ Chí Đại Trường, nhưng tôi không chắc liệu ông đã đọc nó trong khi ở Việt Nam hay khi ra nước ngoài (và một lần nữa, có thể có những người khác đã dẫn dụng nó, nhưng không nhiều).

Cũng như trong phạm vi tôi biết, văn bản này chưa bao giờ được dịch sang tiếng Việt hiện đại ngay dù nó là một trong những văn bản sớm nhất chúng ta có liên quan đến lịch sử Việt Nam.

Tôi từng hỏi một người nguyên nhân của thực trạng đó, và điều người ấy phản hồi là “Bởi vì nó là của Trung Quốc…”

Năm 1992, Trương Tú Dân Zhang Xiumin 張秀民công bố một tiểu luận viết về văn bản này trong đó ông cho rằng nó là sự kết hợp của 2 văn bản An Nam chí kỉ yếu Annan zhi jiyao 安南志既要 [Summary of the Treatise on Annan] và Giao Chỉ tổng chí Jiaozhi zongzhi 交阯縂志 [Comprehensive Gazetteer of Jiaozhi].

Theo Trương Tú Dân, Giao Chỉ tổng chí là một cuốn “địa phương chí” (difang zhi 地方誌) được viết vào đầu thế kỉ XV trong thời Minh thuộc. Theo đó, đây là một văn bản cực kì quan trọng khi mà nó chứa đựng một số thông tin sớm nhất được ghi chép về khu vực này.

Các học giả Việt Nam nghi ngờ những thông tin chép về khu vực này được lưu giữ ở “Trung Quốc”. Họ ngờ rằng thông tin này bị thay đổi cho mục đích chính trị.

Cá nhân tôi thấy những nghi ngờ như thế là rất khó chứng minh, và cũng rất khó tin. Trong khi đó, một trong những tài liệu giá trị nhất để tìm hiểu lịch sử Việt Nam vẫn chưa được đọc, chưa được dịch và chưa được nghiên cứu năm này qua năm khác.

Cho những ai đọc được tiếng Trung, tôi đính kèm tiểu luận của Trương Tú Dân dưới đây:

Zhang Xiumin

Phát hiện về Giao Chỉ tổng chí thời Vĩnh Lạc

Người dịch: Hoa Quốc Văn

Giao Chỉ tổng chí thời Vĩnh Lạc (3 quyển)[1], là cuốn địa phương chí [Giao Chỉ] (địa giới tương đương với miền Bắc của nước Việt Nam cộng hòa ngày nay) được tu soạn bởi Bố chính sứ ty mới được thiết lập sau năm Vĩnh Lạc thứ 5 thời Minh (1407). Sách không được chép trong thiên Nghệ văn chí của Minh sử. Trong nước, sách đã bị thất lạc hơn 500 năm. Năm 1932, khi xuất bản cuốn sách tại Hà Nội, Việt Nam, người Pháp đã ghi nhầm tên sách là An Nam chí nguyên [2]. Thư viện Bắc Kinh nhân tên cuốn sách bằng tiếng Pháp và nhân bài khảo cứu dài bằng tiếng Pháp, khi biên mục tên sách, đã biên vào thư mục sách tiếng Tây, các thư viện khác cũng ít có lưu tàng văn bản, do vậy mà rất ít người ở trong nước biết có văn bản này.

Sách vốn không đề tên họ tác giả. Gần đây có người căn cứ vào khảo cứu của người Pháp, cho sách do Cao Hùng Trưng người Quế Lâm thời Minh mạt Thanh sơ biên soạn. Xét ph “Tổng yếu” ở đầu sách, thì đó chính là sách “An Nam chí kỉ yếu” do vị Giáo thụ Nho học phủ Tư Minh, Quảng Tây thời Thanh là Cao Hùng Trưng soạn. Bài Tự tự của họ Cao nói nhân tổng hợp sách Tỉnh chỉ (tức Quảng Tây thông chí), và hai sách Minh sử kỉ sự bản mạt của Cốc Ứng Thái, Sứ sự kỉ yếu của Lí Tiên Căn mà soạn thành sách này; đề tên là An Nam chí kỉ yếu. Vì thế cuối sách vẫn phụ thêm nguyên văn sách của họ Lí và họ Cốc, mỗi sách một đoạn. Sách này tường thuật các sự kiện lịch sử quan hệ Trung Việt, dừng lại ở việc hòa giải tranh chấp giữa họ Lê và họ Mạc vào năm Khang Hi thứ 30 (1691). Nội dung giản lược, khỏi cần phải nói. Sách của họ Cao hiện này cũng ít truyền, duy thư viện Đại học Nam Kinh có lưu giữ một bản khắc thời Thanh. Bìa sách có 3 chữ to đề “An Nam chí”, đầu quyền đề “An Nam chí kỉ yếu” [3]. Quyển đầu có hai bài tựa “An Nam chí kỉ yếu” của họ Cao và Hoàng Lương Kí người đất Mân vào năm Khang Hi thứ 30, thứ đến là bài nguyên tự “An Nam chí” của họ Cao. Có lẽ sách của họ Cao nguyên tên là “An Nam chí”, sau đó đổi tên thành “An Nam chí kỉ yếu”. Bản Hà Nội hiện nay không có hai bài tựa “An Nam chí kỉ yếu” của họ Hoàng, họ Cao, chỉ chép bài nguyên tự An Nam chí. Nhà hán học Pháp, tác giả của cuốn Tần đại sơ bình Nam Việt khảo là L.Aurouseau và E. Gaspardone do đó đọc nhầm tên sách là An Nam chí nguyên. Không biết rằng mấy chữ “nguyên tự” An Nam chí tức bài tựa cũ của họ Cao, chứ không phải là bài tựa sách An Nam chí nguyên. Đọc sai tên sách, bèn thành chuyện cười. Và hoàng đế Vĩnh Lạc đã đổi tên An Nam thành Giao Chỉ, sách nhà nước hiển nhiên không thể lại xưng là An Nam, cũng có thể thấy người đổi tên không biết điều đó.

Sách Tổng yếu dẫn dụng trước tác của người đời Thanh, lại gọi triều Thanh là “bản triều”. Mà cả sách lại đều gọi triều Minh là “quốc triều”, quân đội Minh là “quan quân”, triều Nguyên là “tiền Nguyên”. Nếu quả là do một tay họ Cao viết, thì trước sau không thể có mâu thuẫn như thế. Sau nguyên văn của Cốc Ứng Thái, tiếp liền là “Kiến Xương phủ”, chẳng có thứ tự gì, khí văn đứt đoạn, khiến độc giả thấy quái lạ, qua nghiên cứu kĩ, mới biết từ phần Kiến Xương phủ trở đi, là tổng chí các phủ huyện ở Giao Chỉ được ghi chép thời Minh sơ. Đại khái chính là “Giao Chỉ quận chí” được ghi chép trong Bình định Giao Nam lục của Khâu Tuấn [4]. Khảo Văn Uyên các thư mục thời Minh có hai dạng Giao Chỉ tổng chí, Thông chí, mà bản này mấy lần dẫn dụng Giao chỉ thông chí, biết rằng tên sách này hẳn là Giao chỉ tổng chí mà không phải là An Nam chí nguyên.

Năm Vĩnh Lạc thứ 10 (1412) và thứ 16 (1418), từng 2 lần ban bố “Tu chí phàm lệ” [5]. Do Giao Chỉ mới được sáp nhập vào bản đồ Trung Quốc, nên cũng vâng mệnh tu chỉnh. Nay nội dung bản này chia làm 12 loại “kiến trí duyên cách, phận dã, cương vực, thành trì, sơn xuyên, phường quách trấn thị, thổ sản, cống phú, phong tục, hộ khẩu, học hiệu, quân vệ, quận huyện giải xá, tự quán từ miếu, kiều lương, cổ tích, hoạn tích, nhân vật, Tiên Thích, tạp chí, thi văn”, cùng với phàm lệ năm thứ 16 hoàn toàn giống nhau. Chẳng qua phần “kiến trí duyên cách”, trước phần Kiến Xương phủ, quyển đầu bản này, đã bị khuyết đi một ít. Trong đó loại “cổ tích”, thì phàm lệ năm thứ 10 lại chia nhỏ ra làm “thành quách cố chỉ, cung thất, đài tạ, lăng mộ, quan tái, nham động, viên trì, tỉnh tuyền, pha yển, cảnh vật”, so với bản này cũng tương đồng; duy chỉ thiếu “đài tạ, lăng mộ” mà thêm “tân độ”, lại đổi “quan tái” thành “quan ải”. Trong sách mấy lần nói đến việc “kính cẩn theo phàm lệ”… Vì vậy thể chế sách này hoàn toàn căn cứ theo phàm lệ được ban bố hai lần đương thời; chẳng qua sau phần “quân vệ” có thêm phần “chiến phạt huân tích, thủ ngự huân tích” mà thôi. Trong sách 2 lần dẫn dụng “Vĩnh Lạc ngũ niên tu tri sách”, kể việc đến năm Vĩnh Lạc thứ 17 (1419) thì dừng lại. Như thế biết rằng việc tu soạn trong khoảng năm thứ 17, có lẽ là từ bàn tay của bọn Hoàng Phúc ở Bố Chánh sứ ti và Án sát sứ ti Giao Chỉ mà ra. Trong sách phần lớn dẫn dụng báo cáo điều tra, hồ sơ của 17 phủ, châu, huyện ở đó đương thời. Vì vậy phía trên trang đầu của bản tiếng Pháp ghi “Collection de texts et Documents sur L’ Indo-chine – Ấn Độ Chi Na chính văn dữ đương án vựng tập”. Ở giữa đề là “Ngan-nan Tche Yan – An Nam chí nguyên”. Một họ Cao sau 200 năm, vốn là một giáo quan bình thường, há có thể nhòm được những hồ sơ, văn thư thời Minh kiểu như thế ư? Sách này tư liệu phong phú, là cuốn sách không thể thiếu để nghiên cứu các phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, kiến trúc của đất Giao Chỉ thời Minh sơ. Như: thiết lập 837 nha môn lớn nhỏ, 19 thành, 20 đồn, 161 trường học (trong đó phủ 14 trường, châu 34 trường, huyện 113 trường, 374 “cấp đệ phô” (dịch trạm) ; 335 cầu, 861 chùa, quán, đền, miếu. Quay trở lại hai bên bờ Đông Tây của sông Lô ở Đông Quan, thuyền bè đầy bến, thường bị cản trở bởi sóng gió, Anh Quốc công Trương Phụ mới sáng kiến ra cầu nổi để tiện cho giao thông. Lại phụ thêm cách loại văn kiện đương thời như văn lộ bố, bảng văn, có mấy bài mà Vĩnh Lạc thực lục không chép, đều là những tư liệu cực kì có giá trị bậc nhất.

Căn cứ vào phân tích ở trên, có thể biết cái tên “An Nam chí nguyên” ở bản Hà Nội, thực chất là do hai sách đính kèm với nhau mà thành. Phần “Tổng yếu” gồm hơn 13.000 chữ, đều là nguyên sách An Nam chí kỉ yếu của họ Cao. Còn lại 3 quyển với hơn 50.000 chữ, đều là Giao Chỉ tổng chí. Sách của họ Cao là sách do tư nhân làm ra, so với Giao Chỉ tổng chí là sách của nhà nước, tính chất khác nhau, nội dung cũng khác. Rồi bị thay hoa đổi cây, đem hai sách gượng ghép lại, mà 2 thành 1, thật là mắt cá lẫn với hạt châu. Có lẽ do sách gốc vốn là bản sao, người sao chép đem hai sách chép làm một mà thành một sách. Vì thế nên đem 1 chia làm 2, nên chia nó ra làm 2 sách, để mà trả lại khuôn mặt thật của Lư Sơn.

Sách Văn Uyên các thư mục do Dương Sĩ Kì biên định vào năm Tuyên Đức thứ tư (1429) thời Minh, ở nhóm thư mục thứ 3 mới được ghi phiên hiệu là “Vãng”(*), có biên chép Giao Chỉ thông chí, Giao chỉ tổng chí [6] và “phủ chí” của 16 phủ ở Giao Châu (trong 17 phủ khuyết mất “Lạng Sơn phủ chí”). Nếu [các phủ] có tư liệu tương đối ít thì gộp 2,3 phủ thành một thiên, như “Kiến Xương, Trấn Man nhị phủ chí”, “Phụng Hóa, Kiến Bình nhị phủ chí”, “Tân Bình, Thuận Hóa, Thăng Hoa tam phủ chí” là 1 sách; lại có “Quảng Oai, Gia Hưng, Quy Hóa, Tuyên Hóa, Diễn Châu ngũ châu chí” là 1 sách. Các sách này không biết số quyển, người tu soạn và ván khắc, có khả năng là nguyên bản hoặc bản sao. Thời Tuyên Đức và Vĩnh Lạc rất gần nhau, vì vậy gọi là “tân chí”, bản cũ tàng trữ ở Đại nội Bắc Kinh đều sớm bị thất lạc, thật là đáng tiếc. Phương chí đời Vĩnh Lạc thời Minh sơ, còn ở trong nước rất ít. Duy chỉ có Giao Chỉ tổng chí, tuy bị người nước Pháp sửa đổi tên gọi, nhờ may mắn mà vẫn còn, thực là lông phượng sừng lân, bản quý hiếm có vậy.

Sách này xuất bản ở Hà Nội, vì vậy trong các học giả Việt Nam, nhiều người được thấy nó, nhưng đến ngay những học gia Việt Nam trứ danh gần đây vẫn tin vào sự khảo đính của Gaspardone, cho đó là sách của Cao Hùng Trưng. Điều này hiển nhiên là sai lầm. Vả lại còn nói rằng “An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng thời Minh, thành sách vào thời Thanh Sơ”. Họ Cao làm quan vào cuối đời Khang Hi, cách thời điểm nhà Minh diệt vong đến sáu bẩy mươi năm, há có thể gọi là người thời Minh? Hơn 40 năm nay, học giả trong và ngoài nước trước sau đều không rõ bản chất của sách này, lấy ngoa truyền ngoa, vì thế nói Minh nói Thanh loạn lên là tất yếu. Lại nghe nói ở Hà Nội vẫn còn có cuốn Giao Châu chí không rõ soạn giả, là sách đã thất truyền ở Trung Quốc, không biết với sách Giao Châu tổng chí này có khác nhau gì không. Tiếc rằng không có cơ duyên đến Long Biên (Hà Nội) để tìm hiểu khảo đính, nghiên cứu so sánh.

Hiện tại những người nghiên cứu Việt Nam, tất cả đều cảm thấy sự khuyết thiếu các sách chuyên đề (sử địa) có tính hệ thống. Từ Hán Đường đến Tông Nguyên các trước tác của nước ta ghi chép về lịch sử địa lí Giao Châu nhiều đến hơn 40 tựa; nhưng dường như đã thất tán hết. Hiện tại cuốn An Nam chí lược (20 quyển) của Lê Tắc lưu truyền khá rộng, là bản in chì của Lạc Thiện Đường ở Thượng Hải vào năm Quang Tự Giáp Thân đời Thanh (1884) của một người Nhật Bản, sai ngoa rất nhiều. Mà bản Tứ khố toàn thư tại Văn Tân các, sai lầm mất mát còn đến mức hoang đường. Trong đời Gia Tĩnh nhà Minh, cuốn danh tác Việt Kiệu thư (20 quyển) của Lý Văn Phượng người Quảng Tây, trước sau cũng không có bản khắc in trong nước, chỉ có bản sao lưu luyền, sai lầm không ít. Cùng với bản Giao Chỉ tổng chí đời Vĩnh Lạc này, chúng là ba bộ sách tham khảo quan trọng nhất của những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Trong khi tiến công vào văn hoá khoa học, các mặt đều cần kíp tư liệu, hi vọng giới xuất bản có thể chỉnh lí và công bố rộng rãi các văn bản này.

Chú thích:

1) Tháng 7 năm 1949, mượn được một bản An Nam chí lược của Thư viện Bắc Kinh, nhờ đồng chí Thịnh Triệu Mẫn sao lục cả sách, bao nhiêu năm qua chỉ biết tư liệu trong sách đó rất quý giá, không biết rằng nó là cuốn Giao Chỉ tổng chí.

2) Tên bằng tiếng Trung của sách có 4 chữ lớn “An Nam chí nguyên”, bên cạnh có dòng chữ “Hà Nội Tây lịch 1931 phát hành”, bên dưới có dòng chữ “Pháp Quốc Viễn Đông học viện đính san” (2 hàng nhỏ). Trang ghi tên bằng tiếng Pháp ghi 1932.

3) “An Nam chí” (An Nam chí kỉ yếu) của họ Cao”, năm 1963, được một ông bạn già là đồng chí Giám đốc Thư viện Đại học Nam Kinh là Thi Diên Dung nhờ đồng chí Vương Thụ Đàm sao lại. Sách bị nghi là bản nguyên khắc đời Khang Hi thời Thanh và đếm được 13154 chữ, đầu sách phụ thêm địa đồ.

4) Họ Khâu nói: “Tôi nhân khảo những bảng văn, lộ bố trong sách Giao Chỉ quận chí,… cho là cuốn ghi chép này”. Nay ở phần thi văn của sách này, có chép: bảng văn của bọn Chu Năng, bài văn lộ bố Bình định An Nam của Quan Tổng binh là Tân Thành hầu Trương Phụ, và bài văn lộ bố Bình An Nam hiến phu, rồi biểu văn Tiến hạ bình định An Nam. Thứ đến là 2 văn kiện: chiếu thư về việc bắt đầu đặt Giao chỉ tam ti và Quân dân nha môn, bảng văn Thân minh giáo hoá; bài biểu Tiến hạ Giao Chỉ thái bình của Hoàng Phúc; đều là những tư liệu cực kì quý giá, có mấy bài là: Vĩnh Lạc thực tế, sách Việt kiệu thư của họ Lí không chép. Họ Khâu nói sách Giao Chỉ quận chí chép các bài lộ bố và bảng văn. Nay bản này có lộ bố và bảng văn, vậy có thể nói Quận chí thực tế chính là Tổng chí. Hoặc ngờ rằng Giao Chỉ quận chí chỉ là tên gọi khác của Giao Chỉ phủ chí, lệ thường thời Minh Thanh chỉ có 1 phủ, 1 châu mới có thể gọi là một quận. Xét tên quận chí mà họ Khâu dùng, có thể chỉ tên quận cũ theo nghĩa rộng, như Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận. Văn Uyên các thời Minh có chép Giao Chỉ thông chí, Tổng chí, lại có Giao Châu phủ chí mà không có Giao Chỉ quận chí. Vì vậy cái gọi là “quận chí” của họ Khâu, hẳn chỉ “tỉnh chí”, mà không phải là “phủ chí”.

5) Đại Minh Vĩnh Lạc năm thứ 10, ban hành phàm lệ, xem Thọ Xương huyện chí thời Gia Tĩnh. Phàm lệ năm thứ 16, xem bài tựa Thiên Nhất các phương chí mục của Phùng Trinh Quần.

6) Ông bạn là Giáo Sư Đàm Kì Tương hoài nghi Giao Chỉ thông chí, Giao Chỉ tổng chí thực ra chỉ có 1 sách. Ông nói: “Tu soạn phương chí một tỉnh, là một sự kiện tương đối quan trọng. An Nam được sáp nhập vào bản đồ Trung Quốc chỉ có 20 năm (Vĩnh Lạc năm thứ 5 đến Tuyên Đức năm thứ 2, tức 1407 – 1427), theo lẽ thường tình, không thể tu soạn xong 1 lần, lại làm một lần nữa, vì vậy có khả năng trên thực tế chỉ có một loại sách. Khi sao truyền tên sách không còn giữ nguyên, khi Văn Uyên các sao chép, chỉ căn cứ vào tiêu đề, nên liệt kê làm 2 mục khác nhau, chưa bao quát được nội dung của chúng”. Lời nói ấy có vẻ cũng có lí. Chẳng qua ông nói bản Hà Nội “chỉ có 3 quyển, là tổng chí của một tỉnh, không thể giản lược như thế, vì vậy sách này nhiều khả năng là một bản trích sao bản thông chí hoặc tổng chí”. Ấy là mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau. Văn Uyên các chép địa phương chí Giao Chỉ, đều không có số quyển. Bản Hà Nội ghi 3 quyển, ấy là nguyên bản hay người đời sau phân chia, vẫn chưa thể khảo được. Khi tu soạn địa phương chí Giao Chỉ, nhân khuyết thiếu sách vở để tham khảo, tài liệu tự nhiên sẽ không quá nhiều, vì vậy có chỗ 2,3 phủ hợp thành một sách. Nay cuốn tổng chí này, cả sách có hơn 50.000 chữ, không thể cho là quá giản lược, hơn nữa không tìm thấy vết tích của việc trích sao.

(Mùa xuân năm 1975, viết tại Chiêm Sơn, huyện Thặng, làm thành bài bạt, chép sau bản sao sách Giao Chỉ tổng chí. Mùa xuân năm [19]78, có tu sửa một chút, đổi tên như hiện nay).

[Tạm dịch]

Mời các bạn mượn đọc sách An Nam Chí Nguyên của tác giả Cao Hùng Trưng & Hoa Bằng (dịch).