Đây là những câu chuyện thuyết phục nhất về con người và chiến tranh. Là tâm trạng của những người lính đã chiến đấu và bỏ mạng tại Anzio. Nhiệm vụ của họ là chiếm đồi Alban để tiến đến Rome cách đó bốn mươi dặm. Suốt hơn bốn tháng trời, họ chống chọi với bom đạn, bùn lầy và mùa đông giá rét để giữ mạng sống. Họ đã để lại một vết máu dài cùng nỗi thống khổ khôn tả trên bình nguyên Latium. Không có anh hùng, không có chiến thắng chỉ có bộ mặt chiến tranh khổng lồ, điên rồ và tàn khốc. Đây không chỉ là Abzio mà là bất cứ chiến trường nào nơi con người phải đối mặt với cái chết…
***
“Một cuốn sách đáng chú ý, cho chúng ta thấy rõ hơn bộ mặt khổng lồ và điên rồ của chiến tranh.”
J.B. Priesley
“Một trong những cuốn sách về chiến tranh gây xúc động nhất, vừa chân thực vừa giàu chất thơ.”
Times Literary Supplement
“Một kiệt tác… Xét một số khía cạnh cuốn sách này hay hơn cả cuốn Phía Tây không có gì lạ…”
Irish Times
“Tôi chưa từng đọc một cuốn sách nào về chiến tranh hay hơn cuốn sách này, một cuốn sách giàu tính nhân văn, hàm chứa sự thật đau thương đến nỗi khiến tôi lặng người…”
Time Out
***
Trước khi anh đặt chân đến cảng cá nhỏ bên bờ biển Tyrrhenian, trời đã ngả về cuối chiều. Ánh hoàng hôn vàng đượm bắt đầu chuyển thành màu xám. Dải đồi Alban đã choàng lên mình tấm khăn sương của đêm. Trên đỉnh đồi cao nhất một đống lửa lớn cháy lấp lánh. Một con bò đực trắng đã bị giết để tế thần. Đích thân Caesar chứng kiến lễ tế này. Thần Jupiter đã được dỗ yên. Tất cả những người đàn ông giờ đã có thể bước đi bên nhau trong hòa bình.
Người lữ hành nhìn thấy nước trước khi anh thấy bóng dáng của thị trấn. Antium nằm khuất sau một nếp gấp của bình nguyên Latium. Nhưng người lữ hành biết chỗ nào con đường bất ngờ dốc xuống biển. Chính nơi đây anh đã biết được câu chuyện về nữ thần Fortuna và chính nơi đây nhiều năm trước anh đã tiếp tục cuộc hành hương của mình. Anh bước đi dọc bờ biển, tiếng móng guốc của những con lừa vọng trên mặt đường trải sỏi, những con mòng biển sà xuống sát đầu anh bật lên những tiếng thét. Anh rẽ vào một cái sân hẹp. Anh quỳ xuống, cầu thánh thần phù hộ cho mình trở lại Antium bình an vô sự.
Sáng hôm sau, vừa tới đền thờ thần Fortuna, người lữ hành sửng sốt khi nghe một người đàn ông nói rằng Caear đã bị ám sát. Trong vài phút anh ngây người nhìn chằm chằm xuống con tàu bằng thủy tinh chứa những đồ cúng bé xíu của mình, con tàu trượt khỏi tay anh rơi xuống đất vỡ tan tành. Rồi anh bước vào điện thờ thần Fortuna, vị thần nắm giữ trong tay mọi hiểu biết về tương lai.
***
Một cuốn sách về chiến tranh được in khá đẹp với những lời ca ngợi rất “kêu” trên bìa lót, một trong số đó đã có ấn tượng đến mức tôi quyết định đọc thử :
“Xét một số khía cạnh cuốn sách này hay hơn cả cuốn Phía Tây không có gì lạ…” – Irish Times.
Tôi không phải là kiểu người chọn sách dựa trên những lời khen in bìa như thế, đôi khi còn ác cảm nữa kia. Nhưng lần này lại khác, bởi trong lời nhận xét ấy có nêu đối tượng so sánh cụ thể là kiệt tác của Remarque. Bình thường người ta có thể tung hô thoải mái song khi đã đặt lên bàn cân một cái tên lừng lẫy như vậy hẳn nhiên phải có ít nhiều cơ sở.
.
Mạch buồn là một tiểu thuyết chiến tranh, thuật lại cuộc chiến của quân Đồng minh tại Anzio, chiếm Rome, vào chiến tranh thế giới lần thứ II. Bản thân William Woodruff đã trực tiếp tham gia chiến dịch này, ông còn là một nhà sử học vì vậy cuốn sách này hết sức trung thực về mặt tư liệu. Cần nói rằng, nhà văn đã chọn cho mình một lối viết khá lạ, khi không chọn ra tuyến nhân vật nào cho tác phẩm. Mạch buồn là một tiểu thuyết không có nhân vật cụ thể mà thay đổi liên tục theo dòng sự kiện, khi là một anh hạ sĩ, khi là một lính Đức, lúc lại là một đứa trẻ bản xứ… Nhân vật duy nhất cố định xuyên suốt tất thảy là chiến tranh.
Đã có không ít sách viết về chiến tranh, nhưng William Woodruff đã đạt được một thành công khác biệt bởi chiến tranh trong sách của ông không hề bị giới hạn trong không gian. Góc quan sát trong truyện liên tục thay đổi, thậm chí nhiều lúc còn không có một dấu hiệu chuyển góc nhìn rõ ràng, những quang cảnh chiến đấu, mất mát, bom đạn… đổ tràn trên trang giấy từ rất nhiều góc độ tại cùng một mốc thời gian. Chính thủ pháp này đã khiến Mạch buồn có một cái nhìn toàn diện, khách quan hiếm có của một sử liệu ở một tác phẩm văn học. Cũng có ý kiến cho rằng tác giả đã ca ngợi chủ nghĩa anh hùng tập thể chứ không phải xây dựng hình tượng anh hùng cá nhân tương tự một số tiểu thuyết khác. Tôi không đồng ý lắm. Trong cuốn sách này, tôi đã không hề thấy chất anh hùng. Dường như anh hùng là một khái niệm quá màu mè, hoa mỹ khi dùng để nói đến một tác phẩm giàu chất hiện thực đến kinh ngạc như vậy.
Chiến tranh trong Mạch buồn không có kẻ chiến thắng, không có niềm vinh quang, chẳng có thất bại và có lẽ cũng không có cả sự đau khổ. Nó là một thứ gì đó vượt qua mọi giới hạn của nhận thức thông thường, đưa tất cả về những giá trị cơ bản nhất : sống – chết. William Woodruff, cũng như Remarque, không viết về cuộc chiến dưới cái nhìn của một người đứng về một bên chiến tuyến, ông viết nó dưới tư cách của một con người bình thường, phản ánh nên một hiện thực khốc liệt, soi rọi nhiều số phận nhỏ bé đã bị vinh quang của lịch sử lấp nhòa. Có lẽ chính cái nhìn khách quan mà vẫn thấm đẫm tính người ấy đã đưa Mạch buồn trở thành một điểm sáng trong dòng chảy tiểu thuyết cùng loại.
Đọc xong Mạch buồn, tôi chợt hiểu rằng, một cuốn tiểu thuyết chiến tranh xuất sắc cũng chính là một tác phẩm phản chiến gây ấn tượng nhất. Trong chiến tranh, không có kẻ nào thực sự chiến thắng. Đó là điều văn học có thể chỉ ra cho ta thấy, còn lịch sử thì không.
chiemphong
Mời các bạn mượn đọc sách Mạch Buồn của tác giả William Woodruff & Nguyễn Bích Lan (dịch).