Sau khi phá giải những án mạng tinh vi gây chấn động khắp nước Nhật, thám tử Kindaichi Kosuke không khỏi nhức nhối vì bi an trần tục, nên quyết định tạm nghỉ một thời gian. Không muốn loanh quanh phố thị cho đời mỏi mệt nữa, anh chọn một nơi thật hẻo lánh, bình yên, dân phong chất phác, cốt để lắng nghe chim hót buổi sớm, ve kêu trưa hè, dế gáy đêm khuya cho thư thái. Nơi anh đến là một xóm núi cách biệt với xã hội loài người, giao thông bất tiện, vẫn còn dùng xe kéo. Kindaichi lắng nghe chim hót ve kêu chưa bao lâu thì ngay chỗ anh nghỉ có người bị giết trong tư thế quái lạ: phễu gang mồm. Dù chỉ đến để nghỉ, nhưng Kindaichi cũng không thể bình chân như vại được, đành bắt tay phá án. Tiếc nỗi làng xóm khuất nẻo, giao thông bất tiện, việc thu thập tin tức bị gián đoạn, tạo điều kiện để vụ giết người tiếp theo xảy ra, cuối cùng phát triển thành giết người hàng loạt. Khi án mạng đủ nhiều để nổi lên điểm chung, Kindaichi mới biết, những cái chết này đều liên quan đến một khúc đồng dao cổ người làng vẫn hát khi chơi tú cầu hồi xưa, nhưng giờ không ai còn nhớ nữa. Không ngờ nơi chất phác lại có kiểu án mạng của chất phác, Kindaichi buộc phải đào sâu lại lịch sử và chứng nhân của làng, chạy đua với ác quỷ trong bóng tối nhằm rút tỉa quy luật để cứu lấy nạn nhân tiếp theo.
Cũng như Đảo Ngục Môn, Rìu đàn cúc, KHÚC CA TÚ CẦU CỦA ÁC QUỶ là một tác phẩm nằm trong series phá án của thám tử Kindaichi Kosuke. Tác phẩm là sự đối đầu của âm mưu mang phong vị cổ xưa và kĩ thuật phá án đang bước vào bình minh phát triển.
***
Khúc ca tú cầu của ác quỷ (Yokomizo Seishi) – Khúc ca chết chóc vọng lên từ miền ký ức
By Mọt Mọt - April 30, 2021
Các thảm án liên hoàn xảy tới liên tiếp như đã bào mòn sức lực lẫn trí tuệ của thám tử Kindaichi Kosuke. Bởi vậy, anh quyết định dành cho bản thân một chuyến nghỉ dưỡng để khôi phục tinh thần tại một địa điểm cách xa thế giới con người. Theo gợi ý của chỉ huy Isokawa, Kindaichi đã tới làng Đầu Quỷ, ngôi làng hẻo lánh nằm án ngữ trên ranh giới giữa hai tỉnh Hyogo và Okayama song lại xa phủ xa tỉnh, gần như bị cô lập bởi núi non tứ phía. Nhưng thay vì có chuyến nghỉ ngơi đúng nghĩa, anh lại bị cuốn vào một thảm án liên hoàn khác. Không chỉ vậy, bức màn bí ẩn vốn bị phủ kín 20 năm trước, theo đó cũng dần lộ diện.
khúc ca tú cầu của ác quỷ yokomizo seishi
Những án mạng đậm màu nghi thức
Tạo dựng trên trang văn những án mạng đậm màu nghi thức gần như đã trở thành điểm chung, motif thường thấy ở cả series truyện về thám tử Kindaichi Kosuke của nhà văn Yokomizo Seishi. Từ tiếng đàn tranh nhức nhối trong tác phẩm đầu tay Cung đàn báo oán đến thảm sát trên Đảo Ngục Môn, tới những kí hiệu Rìu, đàn, cúc xuất hiện trong liên hoàn án tại gia tộc Inugami. Và cả các biểu tượng cho từng “hàng” đi liền với mỗi thi thể người con gái đẹp thuộc gia tộc ấy ở tiểu thuyết Khúc ca tú cầu của ác quỷ.
Nhưng trước tiên cần phải khẳng định rằng, bối cảnh xảy đến của Khúc ca tú cầu của ác quỷ khá đặc biệt. Khác nhiều sáng tác thuộc cùng series, Kindaichi đóng đúng vai “thám tử”, được đương sự, thân chủ mời tới hoặc nhờ ngăn chặn án mạng có thể xảy ra hay phá giải một vụ án hóc búa nào đấy. Còn ở Khúc ca tú cầu của ác quỷ, Kindaichi đặt chân tới vùng đất có tên Đầu Quỷ với tâm thế của một người đi du lịch, an dưỡng, nghỉ ngơi, tránh xa trần tục và nhất là những án mạng đã bào mòn anh suốt thời gian dài.
Vì thế, đối mặt với một ngôi làng tràn ngập những điều quái lạ cùng những con người cũng hết sức kì quái, sống trong hiện tại nhưng dường như luôn bị bóng đen quá khứ bao trùm, thời gian đầu Kindaichi vẫn quyết giữ thái độ lẳng lặng, trung dung hết mực, không để ý, không tìm hiểu, không can thiệp vào đời sống nơi đây, chỉ cốt tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ hiếm hoi. Cho nên, khi biến cố đầu tiên xảy ra, có thể nói, anh đã thật sự trở tay không kịp. Và cũng không thể không nói rằng, tâm lý muốn “nghỉ dưỡng” sau hàng loạt vụ án ly kỳ cũng khiến anh thêm phần chủ quan, kém nhạy bé. Dù rằng, chính anh cũng sớm nhận ra, thảm sát liên hoàn tại làng Đầu Quỷ, có nhiều nét tương đồng với chuỗi án mạng tại đảo Ngục Môn khi mang dáng dấp nghi thức rất rõ rệt.
Thật vậy, yếu tố nghi thức đã thấp thoáng thể hiện ngay trong không gian ma mị tựa bao phủ lên cả làng Đảo Quỷ: ngôi làng bị ngăn sông cách chợ bời núi non tứ phía cô lập; những ngôi nhà cách nhau cả quãng đường núi dài tít tắp hay ngôi nhà quan cai lọt bên bờ hồ đen kịt; chiều hoàng hôn đổ bóng lên thân thể con người lần dần đi trên sườn núi; đêm mưa chớp giăng đầy trời làm sạt núi, ngăn đường; buổi đón rước cô ca sĩ mới nổi Yukari và cả không gian thăm thẳm miền ký ức về án mạng xưa người dân vẫn vô tình, hay cố ý nhắc đến…
Để rồi, nghi thức được cụ thể hóa vào từng biến cố, án mạng xảy đến tại ngôi làng xa phủ, xa tỉnh này.
Ngay trong biến cố đầu tiên, sự mất tích của hậu duệ dòng dõi quan cai làng Đầu Quỷ, Tatara Hoan, sự sắp đặt của một nghi thức đã tràn ngập cả căn nhà sập xệ Hoan sống. Chiếc bàn ăn cơm bày biện đủ món, hai chiếc ghế đối diện nhau bên mâm cơm ăn dở, vệt máu trên sàn, lu chum sau nhà nhốt đầy lũ kì nhông sơn tiêu cùng vùng đầm lầy đen kịt xung quanh. Tất cả, cảnh còn, hiện trường còn, nhưng người đã không còn nơi đây. Chỉ để lại một không gian quái dị, như lời báo hiệu nghi thức báo tử đã chính thức bắt đầu.
Và cũng như Đảo Ngục Môn, thảm án liên hoàn tại làng Đầu Quỷ cũng là ba án mạng liên tiếp xảy tới với ba cô gái xinh đẹp trong làng. Đồng thời, hiện trường vụ án cũng được dàn dựng hết sức công phu với những kí hiệu hung thủ để lại, vừa như bước cuối cùng hoàn thiện nghi thức gây án, vừa như gợi ý hung thủ cố tình để lại nhằm thách thức người điều tra.
Với nạn nhân đầu tiên là Yasuko, xác cô đi liền với phễu và hũ; với nạn nhân thứ hai tên Fumiko, hung thủ lại giắt trên thắt lưng cô cái cân và một nhành bỏng gạo; còn nạn nhân cuối cùng, Satoko không những bị lột trần mà bên người cô, còn có một ổ khóa cùng một chùm chìa khóa không vừa ổ.
Nhưng nếu ở đảo Ngục Môn, hung thủ dùng hiện trường để mô phỏng lời thơ, thì nghi thức diễn ra ở làng Đầu Quỷ lại dùng hiện trường để tái hiện một khúc ca chơi tú cầu rất xa xưa, vốn như đã thất lạc trên mảnh đất này. Để rồi, khi những thanh âm của khúc ca ấy vọng lên giữa bầu không gian tang tóc, bí ẩn nghi thức dần hé lộ, cũng là lúc người đọc nhận ra, văn hóa truyền thống Nhật Bản tại những mảnh đất bị cô lập vẫn đang chảy theo một mạch ngầm xuyên suốt series thám tử Kindaichi Kosuke.
khúc ca tú cầu của ác quỷ review
Đọc thêm:
Đảo Ngục Môn – Vụ án mạng trên đảo địa ngục
Cung đàn báo oán (Yokomizo Seishi) – Tập truyện mở đầu của series thám tử Kindaichi Kosuke
Án nằm trong án và bi kịch tình yêu truyền kiếp
Trong tiểu thuyết trinh thám từ cổ điển tới hiện đại, một khi hung thủ gây án đã tạo dựng hiện trường như một nghi thức đầy công phu thì mục đích hắn hướng tới, hầu như không đơn thuần chỉ là sự đánh đố, thách thức người điều tra. Mà sâu xa hơn, nghi thức chính như một cách hung thủ gửi gắm một câu chuyện, ẩn ức gã vẫn luôn giấu kín. Hàng loạt án mạng xuất hiện trên trang viết của Yokomizo Seishi cũng thế, và Khúc ca tú cầu của ác quỷ cũng phải ngoại lệ.
Ngay từ lời dẫn truyện, có lẽ độc giả đã sớm biết cấu trúc tiểu thuyết Khúc ca tú cầu của ác quỷ được Yokomizo tiên sinh xây dựng theo lối án lồng trong án: thảm án hôm nay, liên đới tới vụ án năm xưa. Hay nói cách khác, vụ án năm xưa là nguyên nhân và thảm án năm nay là kết quả của cả một chuỗi bi kịch kéo dài truyền kiếp.
Vụ án năm xưa, chính là cái chết bí ẩn 20 năm trước của người đàn ông tên Genjiro, chồng Rika, bà chủ Nước nóng Kame, người đã cho Kindaichi tá túc ở trọ những ngày anh sống tại làng Đầu Quỷ. Mà hung thủ, vẫn luôn được mọi người đinh ninh rằng gã đàn ông lừa đảo tên Onda. Tuy nhiên, thi thể trong vụ án này lại là “tử thi không mặt”, gương mặt đã bị hủy hoại tới mức không ai có thể nhìn rõ. Sự bí ẩn ấy, không khỏi dấy lên nỗi nghi vấn trong lòng chỉ huy Isokawa về việc đổi vai giữa nạn nhân và hung thủ.
Nhưng có là nạn nhân hay hung thủ, thì cả Genjiro lẫn Onda đều đã để lại những giọt máu rơi vương vất ở làng Đảo Quỷ. Kẻ chẳng còn trên cõi đời, lại gieo rắc nợ đào hoa khắp chốn. Kẻ thuộc về dĩ vãng 20 năm trước, dấu ấn lại vẫn hiện diện mọi ngõ ngách trên ngôi làng hoang vắng.
Và tất cả, đã biến thành tấn thàm kịch của 20 năm sau, với chuỗi án mạng liên hoàn được tạo dựng như một nghi thức phỏng theo khúc ca tú cầu thất truyền. Một nghi thức vừa nhằm tái hiện quá khứ đầy nhục dục dẫn tới hiện thực trái ngang, vừa nhằm khắc họa nỗi hận thù vẫn âm ỉ cháy, thiêu đốt trong lòng hung thủ suốt bao năm, lại vừa như lời cáo chung của chính hung thủ, muốn tận diệt mọi thứ sau 20 năm đằng đẵng.
Khúc ca tú cầu của ác quỷ, cuốn tiểu thuyết là sự kết hợp của hai thể loại trinh thám vẫn thường thấy: án mạng trong phòng kín khi cả làng Đẩu Quỷ tựa căn phòng kín khóa trái, bị cô lập với cuộc sống bên ngoài cùng hiện trạng tử thi không mặt trong vụ án xưa kia. Và nói truyện nằm trong truyện, án nằm trong án xuất phát từ bi kịch tình yêu, bi kịch gia đình, bi kịch của nhục dục truyền kiếp 20 năm trên trang văn Khúc ca tú cầu của ác quỷ chính là vì thế.
khúc ca tú cầu của ác quỷ
*Cre: Page IPM
Đọc thêm: Rìu, đàn, cúc (Yokomizo Seishi) – Bi kịch từ những yêu thương lạc lối
Khúc ca tú cầu, khúc ca chết chóc vọng lên từ miền ký ức
Bên cạnh chữ bi bao trùm cả câu chuyện, thì có thể nói, Khúc ca tú cầu của ác quỷ còn là cuốn tiểu thuyết như được tạo tác từ cả miền ký ức thăm thẳm.
Căn nguyên mọi chuyện, bắt nguồn từ quá khứ. Quá khứ rất xa xưa tại mảnh đất Đầu Quỷ còn nhiều lạc hậu với sự phân chia giai tầng, đẳng cấp sâu sắc. Quá khứ đậm màu nhục dục của 20 năm trước với đủ những toan tính trả thù, lừa đảo, phản bội. Và cả quá khứ về những lời ca tưởng đã thất truyền như tái hiện lên cả câu chuyện lịch sử đẫm máu về ngôi làng Đầu Quỷ tồn tại lâu đời nhưng vẫn luôn bị cô lập với cuộc sống bên ngoài.
Vì thế, có thể nói chăng, không chỉ những vụ án mạng xuất hiện trên trang viết của Yokomizo tiên sinh mới được tạo dựng như một nghi thức mô phỏng, mà cả tiểu thuyết Khúc ca tú cầu của ác quỷ, vốn đã là một trước tác đậm sắc nghi thức trên mọi phương diện. Như toàn bộ tác phẩm, là một khúc ca lớn, cáo chung cho những bi kịch kéo dài không dứt trên mảnh đất tác biệt trước cuộc đời.
Khúc ca tú cầu của ác quỷ, cuốn trinh thám cổ điển viết năm 1957 của Yokomizo Seishi, vẫn còn rất thô sơ trên khía cạnh suy luận phá án của người điều tra hay phần tâm lý hung thủ. Nhưng cuốn sách ấy, vẫn là một tạo tác đầy ma mị từ không gian lịch sử, không gian văn hóa truyền thống, không gian nghi thức, không gian tâm địa bàng bạc phủ khắp câu chuyện.
Tựa tới tận cùng, tiếng ngâm hát, tiếng đập tú cầu cùng nụ cười tủm tỉm như có như không của cụ bà hơn 80 tuổi nhà Yura, vẫn văng vảng đâu đây.
Mọt Mọt
***
Trong các tạp chí mà bạn bè tôi tham gia xuất bản, có một ấn phẩm khổ nhỏ gọi là Điển tích dân gian. Tuy gói gọn trong 64 trang A5 và chỉ in với số lượng có hạn phục vụ hội viên, nhưng đọc cũng khá thú vị.
Ngay từ cái tít Điển tích dân gian và tít phụ “Làng quê và tập tục dân gian”, có thể thấy ấn phẩm này tập hợp các truyện dân gian, điển tích truyền miệng, phong tục tập quán kì lạ trên khắp đất Nhật.
Bên cạnh số ít tác giả đã thành danh, đa phần bài viết ở đây đều do những cây bút vô danh gửi tới. Dù cách hành văn đôi khi non nớt, nhưng nội dung lại thú vị dị thường, đem lại nhiều kiến thức mới cho người đọc.
Thú vui của tôi là sưu tầm các số của ấn phẩm này, đóng thành tập để lấy ra đọc những lúc nhàn rỗi. Nhờ đó, gần đây tôi đã phát hiện ra một bài viết hết sức hấp dẫn mà khi trước từng bỏ sót.
Bài viết có tên “Đôi dòng suy nghĩ về khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ”. Bài này đăng trên số tháng Chín năm 1953, đề cập đến khúc đồng dao khi chơi tú cầu gần như đã bị lãng quên ở một địa phương nọ. Tác giả là Tatara Hoan, ngoài tên không có thông tin cụ thể gì khác.
Đây có lẽ cũng là một trong nhiều cây bút vô danh đóng góp bài viết cho tạp chí.
Khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ đóng vai trò then chốt trong câu chuyện đáng sợ, mà tôi sắp kể sau đây (với sự cho phép của thám tử Kindaichi Kosuke). Thế nên tôi mạn phép trích dẫn bài viết của Tatara Hoan kèm theo một vài ý kiến cá nhân.
Tôi tin rằng việc lướt qua đôi dòng này trước khi bước vào câu chuyện sẽ không hề lãng phí đâu.
Lạc đề một chút thì, tên làng lẽ ra phải là Đồ Quỷ, nhưng thường bị đọc chệch thành Đầu Quỷ.
Bản thân khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ vẫn còn những lời khác, nhưng Tatara Hoan chỉ đề cập tới ba đoạn dưới đây.
Theo tác giả này, các bài đồng dao hát khi chơi tú cầu đa phần theo thể thức hát đếm hoặc nối âm, thường triển khai dựa vào liên tưởng, ít khi có nội dung hay khuôn khổ nhất quán.
Tuy nhiên khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ lại khiến người ta cảm thấy tính nhất quán thấp thoáng tồn tại trong lời hát. Tatara Hoan nhận định, nhiều khả năng nông dân địa phương đã lồng vào khúc ca này những cảm nhận về cách chấp chính của lãnh chúa trong vùng.
KHÚC CA TÚ CẦU LÀNG ĐẦU QUỶ
Ở khu vườn sau nhà, ba chú sẻ nghỉ cánh
Chú đầu tiên cất tiếng, ta là lãnh chúa trong biệt phủ
Rất thích săn bắn, rượu chè, gái gú
Đằm thắm vô cùng con gái hàng hũ
Quán xá chỉn chu nhưng nát rượu quá chừng
Đong rượu bằng hũ rồi uống bằng phễu
Suốt ngày chìm đắm trong hơi men
Vẫn không thỏa mãn nên bị đuổi về, bị đuổi về.
Chú thứ hai tiếp lời, ta là lãnh chúa trong biệt phủ
Rất thích săn bắn, rượu chè, gái gú
Đằm thắm vô cùng con gái hàng cân
Quán xá chỉn chu nhưng tằn tiện vô ngần
Đếm củ dưa hành đo lọ nước mắm
Suốt ngày chỉ thiết tha tính toán
Ngủ cũng chi li nên bị đuổi về, bị đuổi về.
Chú thứ ba góp chuyện, ta là lãnh chúa trong biệt phủ
Rất thích săn bắn, rượu chè, gái gú
Đằm thắm vô cùng con gái hàng khóa
Quán xá chỉn chu nhưng lãnh cảm chán đời
Là khóa hỏng chẳng chìa nào tra nổi
Khóa không đúng chìa nên bị đuổi về, bị đuổi về.
Cũng đã muộn rồi, hãy dừng ở đây thôi.
Giờ thử tìm hiểu một chút về địa hình làng Đầu Quỷ xem sao.
Nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Hyogo và Okayama, cách biển nội địa Seto chưa đến ba mươi cây số, đây là một thung lũng vùng cao đúng nghĩa, bị cô lập bởi núi non tứ phía và cũng không có tuyến đường quan trọng nào chạy qua. Quan sát trên bản đồ thì dù xét theo địa hình hay giao thông, nơi này cũng nên được sáp nhập vào tỉnh Hyogo mới phải. Tuy nhiên, thật kì lạ là nó lại được phân về tỉnh Okayama, có lẽ do cùng đơn vị hành chính từ thời Mạc phủ.
Đặc điểm đó đã gây trở ngại lớn cho việc điều tra mỗi khi có vụ án xảy ra. Do chướng ngại địa lý và một số nguyên nhân khác, làng Đầu Quỷ bị cảnh sát tỉnh Okayama coi như con ghẻ. Còn cảnh sát Hyogo thuận tiện đi lại thì luôn viện cớ nằm ngoài địa bàn phụ trách để ngó lơ trị an ở đây. Ngay trong vụ án mà tôi sắp kể, không thể phủ nhận rằng chính điều này đã gây hại không nhỏ cho quá trình điều tra.
Về mặt sử liệu, Đầu Quỷ vốn là lãnh địa của nhà Ito, trấn thủ Shinano. Danh sách võ gia vào năm Minh Trị nguyên niên[1] ghi rõ: trấn thủ Shinano[2] Ito, gian Yanagi[3], triều tán đại phu, 10.343 thạch[4]. Đây là mức bổng lộc thuộc hàng thấp nhất trong số các lãnh chúa, nên thái ấp Đầu Quỷ của dòng họ Ito cũng chỉ là một biệt phủ chứ không phải thành quách tráng lệ gì cho cam.
Vì vậy, vị “lãnh chúa trong biệt phủ” mà khúc ca tú cầu nhắc đến nhiều khả năng là một trong các tổ tiên nhà Ito. Theo Tatara Hoan thì đó chính là Ito Sukeyuki, đương chủ thời Thiên Minh[5], một bạo chúa háo sắc dâm loạn. Hắn thường lấy danh nghĩa săn bắn để dạo quanh lãnh địa, bắt mọi cô gái vừa mắt, không kể già trẻ chồng con thế nào. Đến khi no xôi chán chè, chỉ cần cô gái kia phạm phải lỗi nhỏ là hắn vịn vào đó để xử tử.
Xoay quanh cái chết đột ngột của Sukeyuki vào khoảng những năm cuối Thiên Minh đầu Khoan Chính[6], Tatara Hoan cho rằng hắn đã bị hạ độc. Còn đoạn điệp khúc “bị đuổi về, bị đuổi về” trong khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ thật ra phải là “bị giết đi, bị giết đi” để đúng với những hành vi bạo ngược của Ito Sukeyuki.
Bên cạnh đó, hàng hũ hàng cân hàng khóa xuất hiện trong bài hát không hẳn là nghề nghiệp của mỗi cô gái, mà là tên hiệu các thường dân không họ dùng để phân biệt lẫn nhau dưới thời Mạc phủ. Từ thời Minh Trị, sau khi thường dân có quyền đặt họ, người cao tuổi thỉnh thoảng vẫn quen xưng hô bằng tên hiệu này.
Trên đây là đôi dòng giới thiệu về nguồn gốc của khúc ca tú cầu làng Đầu Quỷ mà tôi phát hiện được từ tạp chí Điển tích dân gian. Mong rằng chút thông tin dự bị này sẽ giúp các bạn sẵn sàng hơn để bước vào vụ giết người hàng loạt tại làng Đầu Quỷ.
Mời các bạn mượn đọc sách Khúc Ca Tú Cầu Của Ác Quỷ của tác giả Seishi Yokomizo & Mentaiko (dịch).