Trong cuốn hồi ký "Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương", tác giả Phan Văn Trường với vai trò tự nhận mình là một người quan sát, đã nhanh chóng thấy được những bất công mà người Pháp đem lại cho người An Nam.
Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương (tên gốc: Une Histoire de Conspirateurs Annamites à Paris ou la Vérité sur L’Indo-chine) mới ra mắt tại Việt Nam là một trong hai tác phẩm nổi bật nhất của luật sư – Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường.
Cuốn hồi ký này từng được xuất bản nhiều kỳ trên tạp chí La Cloche Fêlée (Chuông rè hay Chuông nứt) từ số ra ngày 30/11/1925 đến số ra ngày 15/3/1926. Năm 1928, tác phẩm được tổng hợp và xuất bản thành sách bởi nhà in Đông Pháp – Ng. kim-Dinh, Gia Định, sau đó được Nhà xuất bản L'insomniaque của Pháp in lại năm 2003. Bản tiếng Việt được dịch dựa trên bản in năm 1928 của nhà in Đông Pháp và cũng là cuốn sách tiếp theo trong Tủ sách Pháp ngữ – Góc nhìn sử Việt của Omega+.
Phan Văn Trường là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong số những trí thức An Nam từng có cơ hội sang Pháp, khi nhắc đến Phan Văn Trường, tầm ảnh hưởng của ông không kém những chí sĩ yêu nước như Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành.
Tuy ít được nhắc đến, nhưng ông là người sớm nhìn ra tình cảnh khốn khổ của nhân dân An Nam khi là thuộc địa của Pháp, và chính ông cũng trải qua tình cảnh khổ đau, khốn khó và bị áp bức ngay trên đất Pháp. Khi ta đọc về tiểu sử của Phan Văn Trường sẽ thấy ông là một người con của đất Việt, một người được thừa hưởng truyền thống nho học của gia đình nhưng đã sớm tiếp thu tinh thần cách mạng dân chủ. Hay câu chuyện rằng Phan Châu Trinh, người bạn đồng chí đã cùng ông sát cánh vượt qua những khổ ải tù đày khi đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân An Nam.
{keywords}
Vào cuối thế kỷ thứ 19, khi sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc và chế độ thuộc địa đã kéo dài một thời gian, các nước thực dân liên tiếp dùng chiêu bài "civiliser" (khai hoá văn minh) để thực hiện các cuộc xâm lược và bóc lột thuộc địa. Lúc này những người tự cho mình là khai hoá văn minh sử dụng các chính sách thuộc địa để dựng lên những vở bi hài kịch về chính trị.
Trong cuốn hồi ký của mình, Phan Văn Trường với vai trò tự nhận mình là người quan sát, đã nhanh chóng thấy được những bất công mà người Pháp đem lại cho người An Nam, họ tự nói và viết về những khuyết điểm của người An Nam, còn mang đến những thứ văn minh phương Tây theo cung cách của những kẻ ban ơn.
Thế nhưng bản thân Phan Văn Trường là một người chính trực, và ông đã thẳng tay vạch mặt âm mưu nhồi sọ của thực dân Pháp qua chương VI và chương VII của cuốn sách Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương. Cuốn sách được ra đời nhằm mục tiêu chống lại thực dân Pháp và đòi quyền lợi cho dân An Nam ngay trên đất Pháp, mà cụ thể là Paris.
Trong cuốn sách, tác giả Phan Văn Trường có nhắc tới nhiều vấn đề khiến bản thân ông và những người đồng chí hết lần này tới lần khác bị cản trở trong sự nghiệp, hoặc bị rơi vào vòng lao lý. Thế nhưng tính cách Phan Văn Trường là người hướng nội và thật khó cho ông để thực hiện những ý tưởng cách mạng của mình. Không tham gia vào các đảng phái, các cuộc bạo động, Phan Văn Trường dành hầu hết thời gian trong sự nghiệp của mình để làm trợ giảng cho môn tiếng An Nam tại ĐH Đông Phương của Pháp và theo học bằng Tiến sĩ Luật.
Ông sống tại Paris để tiếp xúc nhiều hơn và thấu hiểu chính quyền thuộc địa và cũng là cơ hội để ông gặp gỡ những chí sĩ khác như nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp cùng Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành. Ông là một trong bốn người ký tên bản "Revendications du peuple annamite" ("Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam" hay còn gọi là "Yêu sách của nhân dân Việt Nam") năm 1919 và được coi là "kiến trúc sư" của văn bản này..
Dù khi ấy ông đã tìm thấy được những người cùng chí hướng, thực hiện một vài phong trào ngay trong chính lòng của thực dân Pháp. Thế nhưng Phan Văn Trường không thực sự thành công với điều ấy, thời gian ở Paris ông thường xuyên bị bắt bớ, tra hỏi vô cớ và bị mật thám theo dõi. Đỉnh điểm là năm 1914 cho tới 1915, ông bị bắt giam vì tội "phá hoại an ninh nước Pháp", nhưng do không đủ bằng chứng để kết tội, thực dân Pháp phải thả và buộc ông phải về làm thông ngôn tại Toulouse.
Cả một đời Phan Văn Trường sống trong sự liêm khiết và tinh thần bất khuất, dù mang quốc tịch Pháp nhưng lòng ông vẫn hướng về quê hương mình. Ông tin tưởng và theo đuổi cách mạng dân chủ mà bị chế độ thực dân vô cùng căm ghét. Ông dám mạnh dạn tuyên bố rằng ngay ở nước Pháp, xứ sở của tự do dân chủ mà ông còn bị bắt oan, vậy thì ở những vùng đất thuộc địa như An Nam, nằm dưới vòng sinh sát của nước Pháp thì tiếng kêu khóc lầm than của người dân oan nơi đó còn tới mức nào.
Trong phần cuối cùng của cuốn sách, Phan Văn Trường thẳng tay tuyên bố, chính quyền thực dân sợ những bài báo tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân chứ không phải chống lại người Pháp, bởi vì xuyên suốt cả cuốn sách, chính ông cũng nhận ra rằng, ngay cả ở An Nam cũng có những người Pháp tốt, và ngay ở Paris, thủ đô của nước Pháp không phải ai cũng là thực dân.
Vũ Vương
***
Cuốn hồi ký từng được xuất hiện nhiều kỳ trên tạp chí La Cloche Fêlée (Chuông rè) từ số ra ngày 30.11.1925 đến số ra ngày 15.3.1926. Năm 1928, tác phẩm được tổng hợp và xuất bản thành sách bởi nhà in Đông Pháp - Ng.kim-Dinh, Gia Định; sau đó được một NXB của Pháp in lại năm 2003. Bản tiếng Việt này được dịch dựa trên bản in năm 1928 của nhà in Đông Pháp và cũng là cuốn sách tiếp theo trong Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt của OMEGA+.
Tác giả Phan Văn Trường (1876 - 1933) được xem là một trong những luật sư đầu tiên của Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong kết hợp nghề luật và nghề báo. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là Pháp luật lược luận (nhà in Xưa - Nay, Sài Gòn, 1926). Trong tác phẩm Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương, tiến sĩ luật Phan Văn Trường thuật lại tỉ mỉ câu chuyện về những trí thức Việt Nam từng bôn ba ở “mẫu quốc” Pháp để tìm đường hướng mới cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ 20. Đi theo mạch nhiều câu chuyện của luật sư Phan Văn Trường - người chí sĩ đã sát cánh cùng nhiều nhân vật cách mạng hoạt động đấu tranh qua báo chí, độc giả thời hiện đại sẽ hiểu rõ hơn hành trạng của một số nhân vật lịch sử đầu thế kỷ 20, cũng như phần nào thấu suốt được lý do vì sao công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc phải chuyển sang một giai đoạn mới, qua các tư liệu chân thật và sinh động nhất.
***
Lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX đứng trước một bước ngoặt then chốt: Lựa chọn con đường giải phóng dân tộc nào cho phù hợp với xứ sở và bối cảnh lịch sử thế giới lúc bấy giờ.
Để phần nào hiểu được những gì đã xảy ra trong quá khứ, để có thể lý giải những lựa chọn mà tiền nhân của đất nước đã phải thực hiện, chúng ta cần truy lại dấu chân của người đương thời, mà cụ thể là những trí thức Việt Nam từng bôn ba ở ngay chính mẫu quốc Pháp để tìm tòi những đường hướng đấu tranh giải phóng dân tộc. Bởi lẽ, bối cảnh của buổi đầu thế kỷ XX đó chính là sự lụi tàn của phong trào Cần Vương, cùng với đó là sự lỗi thời không thể chối cãi của đường hướng đấu tranh chống ngoại xâm như cha ông từng thực hiện chống lại các thế lực phương Bắc. Thực dân phương Tây không phải là các triều đình Trung Hoa quân chủ khi xưa, và do vậy phương hướng đấu tranh của người Việt cũng phải có sự điều chỉnh cho bắt kịp với thời đại, để thích nghi với đối thủ mới có trong tay sự vượt trội về khoa học-kỹ thuật-vũ khí.
Phương hướng mới đó khởi từ lớp thanh niên trẻ sẵn sàng dấn thân chu du, học hỏi ở ngay chính quốc Pháp. Và một trong những tài liệu hữu ích để tìm hiểu hành trình này của thế hệ trẻ Việt Nam thời bấy giờ chính là Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương, hồi ký của Luật sư-Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường, người được xem như luật sư đầu tiên của Việt Nam.
Phan Văn Trường (1878-1933) sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học ở Đông Ngạc, Hà Nội. Kể từ khi sang Pháp học Luật năm 1908 cho đến năm 1923 khi trở về Tổ quốc, ông đã không ngừng trau dồi học hỏi nhằm tự trang bị cho mình hai “vũ khí” quan trọng là kiến thức về luật pháp và quốc tịch Pháp; có thể nói, đó chính là những công cụ hữu ích để ông tiến hành cuộc đấu tranh dài lâu bên những người đồng chí như Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền… hòng vận động, đòi hỏi quyền lợi cho người dân An Nam và các xứ thuộc địa, đấu tranh đòi quyền lợi giáo dục cho người dân bản xứ, cũng như chống lại những sách nhiễu của mật thám Pháp và trò vu khống của chính quyền thuộc địa…
Hiểu được tầm quan trọng về mặt tư liệu của Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương, OMEGA+ trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn hồi ký của Luật sư Phan Văn Trường, cũng là cuốn sách tiếp theo trong “Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt”. Tuy nhiên, hiểu rõ được khoảng cách thời đại lên đến gần một thế kỷ có thể ít nhiều gây khó khăn cho chúng ta trong việc thấu hiểu một số quan điểm và cách nhìn nhận của cha ông khi xưa, OMEGA+ đã có những chú thích kỹ lưỡng ở những chi tiết này. Mong rằng tác phẩm sẽ góp phần giúp quý độc giả khám phá những chi tiết và sự kiện quan trọng của một thời, cũng như quan điểm của người trong cuộc, để ta có thể thấu suốt hơn những gì đã xảy ra, và cũng để hiểu cho người xưa.
Trân trọng,
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH OMEGA VIỆT NAM
Mời các bạn mượn đọc sách Chuyện Những Người An Nam Ở Paris Hay Sự Thật Về Đông Dương của tác giả Phan Văn Trường & Sity Maria Cotika (dịch) & Huỳnh Mai (dịch).