Chuyển chỗ ở chẳng khi nào dễ dàng. Nhất là khi bạn mới chỉ là một cô bé chín tuổi. Nhất là khi quê hương bạn rời bỏ đang u ám trước bóng đen phát xít kinh hoàng. Nhất là khi đó là một cuộc di cư thiên lý đến hẳn một châu lục khác. Và đặc biệt là khi bạn vụng về, xấu xí bên cạnh các ông anh bà chị hoàn hảo tót vời, luôn miệng gọi bạn bằng cái tên “Anna Ấm Ớ”.
Ai có thể không cảm động trước những nỗ lực âm thầm mà dữ dội của Anna để hòa nhập với cuộc sống mới, làm quen với một ngôn ngữ mới, và trên hết, để khe khẽ mở lòng, rụt rè thu lại những chiếc lông gai góc em đã xù lên với đời, với người bấy lâu. Trên đất nước Canada, nơi em phát hiện ra sự vụng về của mình có một lý do, thế giới của em bắt đầu thay đổi, một cách giản dị mà đáng kinh ngạc, xao xuyến và ấm lòng.
Từ Anna là một trong những tiểu thuyết được yêu mến nhất của nhà văn thiếu nhi gạo cội Jean Little, một điều kỳ diệu nho nhỏ chắc chắn sẽ thắp sáng tâm hồn mọi người đọc.
Nhận xét:
“Một lần nữa Jean Little lại tạo ra những nhân vật đầy hiện thực với những tương tác biến cuốn sách này thành một câu chuyện cảm động mà các bạn nhỏ có thể dễ dàng nhận ra mình trong đó.” – School Library Journal
***
TỪ ANNA và cách dễ nhất để huỷ hoại một đứa trẻ
Khi đọc xong cuốn sách này, mình thực sự hiểu rằng cách dễ nhất để huỷ hoại một đứa trẻ là luôn luôn gạt nó ra bên lề và nói rằng nó không đủ tốt.
Anna Elisabeth Solden đã có một tuổi thơ “không đủ tốt” như thế. Môi trường nuôi dưỡng Anna là một môi trường độc hại. Em bị bắt nạt cả ở trường và ở nhà, nơi đáng lẽ nên là chốn ôm ấp vỗ về tâm hồn em. Mẹ luôn thất vọng và hiếm khi nào gọi em là “đứa con yêu quý nhất” (*) của mẹ; anh chị em trêu chọc gọi em là Anna Ấm Ớ và hầu như không quan tâm em trong mọi cuộc chơi. Ở trường, Anna luôn là mục tiêu bị giễu cợt của giáo viên vì em không thể đọc, và em không hề có bạn (có lẽ người bạn duy nhất của Anna là Gerda - người chỉ tâm sự với em vì em không phải kẻ ngồi lê đôi mách).
Trong lòng nước Đức bao la có biết bao nhiêu là người, nhưng người duy nhất luôn nắm lấy tay em và mở rộng lòng với Anna bé bỏng là Papa em. Người luôn lắng nghe Anna, luôn chú ý tại sao các anh chị không để em chơi cùng chứ không phải tại sao em không chơi cùng anh chị? Papa cũng là người biết Anna có khả năng đọc và nói tiếng Anh giỏi hơn những gì em thể hiện nhiều. Papa là người nuôi dưỡng tâm hồn Anna khỏi nguy cơ vụn vỡ khi xung quanh em có quá nhiều sự phủ nhận.
Ông Solden là một trong những nhân vật mình mến nhất. Mình ê ẩm hết cả mũi khi nghe ông nói với vợ mình về kế hoạch đưa cả nhà rời khỏi nước Đức - không chỉ do cuộc Đại khủng hoảng hay bóng tối của quân phát xít, mà còn do lời hứa của ông với Anna: “Anh nói với con bé rằng nó sẽ lớn lên ở nơi những suy nghĩ được tự do”. Tim mình ấm sực lên khi ông nhìn Anna bước vào phòng khám với bác sĩ Schumancher và nhoẻn miệng cười: “Vậy là một người khác đã phát hiện ra cách để đến gần Anna của ông!”. Rồi mình cũng xúc động biết bao nhiêu khi ông nói với gia đình - lúc ấy đã ở Canada, rằng thi thoảng họ có thể nói tiếng Đức ở nhà. Ông không muốn mất đi ngôn ngữ mẹ đẻ. Thật may làm sao khi Anna bé bỏng có một người cha tuyệt vời như vậy.
Truyện được chia làm hai giai đoạn: Khi nhà Anna vẫn đang ở Đức và khi họ phải chuyển đến Canada vì tình hình thời buổi quá nhiễu nhương - ảnh hưởng từ cuộc Đại khủng hoảng và biến động chính trị. Chuyển tới một đất nước xa lạ và nói một thứ ngôn ngữ xa lạ hẳn nhiên là khó khăn, ấy là chưa nói đến Anna có thị lực kém, hay bị trêu chọc vì vụng về. Nhưng sau cùng, Anna lại thích khó khăn này hơn bất kì ai (em gọi nó là thử thách). Và cũng chính thử thách này đã thắp sáng cuộc đời Anna theo cách mà không ai có thể ngờ.
Từ Anna không phải một cuốn sách thiếu nhi quá êm ái, ngược lại thì mình đã trải qua cảm giác giận dữ khá nhiều khi đọc nó, đặc biệt là khi chứng kiến người thân của Anna cứ gạt em ra ngoài và phủ nhận tất cả mọi thứ từ em. Điều khiến mình ngạc nhiên và thích thú khi đọc cuốn sách này là cách Jean Little tìm kiếm, thúc đẩy sự phát triển của một con người thông qua năng lượng từ bên ngoài. Đó là một vị bác sĩ người Đức xa lạ đã giận dữ biết nhường nào khi phát hiện Anna bị cận một thời gian rất dài mà không được chú ý để đeo kính; đó là cô giáo William thật tinh tế và nhẹ nhàng xiết bao với những mầm non bé nhỏ đặc-biệt như Anna; đó là Isobel, là Benjamin, là anh Benard đã kiên nhẫn và đối xử xiết bao dịu dàng với Anna mặc cho khoảng cách ngôn ngữ của họ. Anna chưa bao giờ nói tiếng Anh thành tiếng ở nhà, nhưng ở trường thì em có thể nói tiếng Anh toàn thời gian, thậm chí là đọc thơ nữa! Rồi sau đó, Anna đã lấy lại được tự tin của mình và từng chút một mang sự tự tin ấy về nhà.
Từ Anna - khi đọc tựa đề cuốn sách này, mình tự hỏi nó có nghĩa là gì? Và sau khi đọc đến những trang cuối, mình đã biết đó là một thứ năng lượng tốt đẹp mà chúng ta đón nhận được từ-Anna, một cô bé rất đỗi bình thường, thị lực kém và hay bị trêu chọc, nhưng sự cố gắng và tình yêu thương trong em khi nào cũng như một nụ hoa đang chờ cơ hội bung nở. Một khi bông hoa trong lòng Anna nở ra, mọi người sẽ cảm nhận được hương thơm và ánh sáng tốt đẹp nơi em.
Một câu chuyện khiến mình cảm động và (hơi nhiều) giận dữ. Một câu chuyện thiếu nhi không hề êm ái, nhưng vẫn luôn có yêu thương len lỏi qua từng trang sách và chực chờ bừng lên. Jean Little đã viết về sự bắt nạt, ghét bỏ lẫn tình yêu thương, và cuối cùng là cách chúng ta có thể nuôi dưỡng một tâm hồn đang đóng chặt vì quá nhiều tổn thương: Hãy bao dung và nhân hậu.
Đánh giá cá nhân: 5/5.
(*) Mẹ Anna luôn nói bà yêu thương tất cả như nhau, song đôi khi bà sẽ gọi đứa này đứa kia là “đứa con yêu quý nhất” của mẹ. Nhưng với Anna, em chỉ được mẹ âu yếm gọi là “đứa con người Đức duy nhất” của mẹ trong giai đoạn cả nhà phải tập nói tiếng Anh, bởi khi ấy Anna vẫn chưa thực sự nói được tiếng Anh.
***
CẦU TRỜI ĐÓ ĐÚNG LÀ PAPA, Anna khẩn thiết cầu xin trong lúc kéo mở cánh cửa trước to đùng. Cầu trời mình đúng.
Em muốn chạy xuống nhưng thềm nhà bậc cao bậc thấp, mà em thì đã từng ngã lộn cổ ở đó trước đây rồi. Đó không phải là cách để gặp Papa, hạ cánh dưới chân cha với chân lộn lên đầu cùng một mớ vết bầm tím mới. Dù vậy, ngay khi chân vừa đặt xuống đất bằng, em liền chạy. Rồi em đến đủ gần để biết chắc - và em đã đúng.
“Papa, Papa!” em reo lên sung sướng, vung tay ngang người cha và ôm cha thật chặt. Ngay sau đó em cố buông ra. Em, Anna, chưa bao giờ vồ vập người khác như thế, lại còn ở ngay ngoài đường nơi ai cũng có thể trông thấy. Nhưng Papa đã buông rơi chiếc cặp và ôm lại em chặt đến mức ta có thể đoan chắc rằng nếu cả thế giới có đang nhìn thì ông cũng không quan tâm.
“Dừng lại, dừng lại! Cha làm gãy hết xương con bây giờ,” cuối cùng Anna hổn hển nói.
Cười ha hả, cha buông em ra. Ngay lập tức, em nhấc chiếc cặp lên, lấy vạt váy lau sạch và đưa lại cho cha. Em cúi gằm mặt để cha không nhận thấy em đang vui sướng vì là người đầu tiên gặp cha, vì đã được nhận một cái ôm tuyệt vời, vì mọi thứ. Nhưng Papa đoán được. Cha với xuống nắm lấy tay em và đung đưa nó trong tay cha khi họ cất bước về phía ngôi nhà.
“Những người khác đâu rồi?” cha hỏi.
Anna xị mặt ra. Sao bốn anh chị bao giờ cũng quan trọng đến vậy? Và đương nhiên là cha sẽ hỏi rồi. Em không nhớ nổi trước đây có lúc nào em là người duy nhất gặp cha không nữa. Luôn luôn là chị Gretchen hoặc anh Rudi, anh Fritz hay chị Frieda, hay thậm chí cả bốn, cũng có mặt ở đó.
“Mấy anh chị đang bận cãi nhau về chuyện xảy ra ở trường hôm nay ạ,” em giải thích. “Nhưng con đã ngồi trên bậu cửa sổ ngóng cho đến khi thấy cha về.”
Lúc này em đang chậm chạp lê từng bước. Em thật muốn cha là của riêng mình thêm một lúc nữa.
“Ở trường có chuyện gì?” cha hỏi. Cha buông tay em ra, và cả hai cha con đều dừng bước khi cha đợi nghe chuyện. Trong vô thức, Anna đưa tay lên giật giật một bím tóc mỏng của mình. Đây là thói quen của em những khi bất an.
“Đừng làm thế, Anna,” Papa cảnh báo. “Nó sẽ bung ra mất.”
Cha đã nói quá muộn. Anna thất thần nhìn xuống dây ruy băng nhàu nhĩ trong tay mình. Đã bao nhiêu lần Mama xin em để yên cho tóc của mình. Cũng chừng ấy lần em quên béng đi mất.
“Có khi cha sửa lại được,” Papa nói. “Dù sao cha cũng cứ thử xem.”
Anna quay lưng lại và đưa dây ruy băng qua vai cho cha. Một cách vụng về, cha túm những lọn tóc lòa xòa lại thành một dải. Mẹ đã đúng khi nói rằng việc này rất khó. Những mớ tóc cứ tuột khỏi tay cha. Nhưng cuối cùng thì, trong khi Anna giữ chặt đuôi tóc, cha cũng cột được một cái nơ xiên xẹo quanh đoạn giữa. Cha cau mày nhìn. Cha không hề cố gắng tết lại và trông tóc em chẳng ra đâu vào đâu. Cũng như cha, Anna biết trông nó như thế nào, nhưng em tự nhủ rằng mình không quan tâm. Ngay cả khi vừa được chính Mama tết, nó cũng chẳng bao giờ ổn, không như những bím tóc dày dặn bóng mượt của chị Gretchen.
“Về trường học ạ, Papa,” em quay người lại, nhắc cha.
Papa cũng quên luôn chuyện tóc tai của em.
“Đã có chuyện gì?”
Trong phút chốc, Anna do dự. Thật ra đó là chuyện của chị Gretchen, không phải chuyện của em. Nhưng chị Gretchen và các anh chị khác lúc nào cũng có chuyện để kể. Còn em, Anna, thì chẳng bao giờ có chuyện gì để kể về những ngày chật vật trong lớp của Frau[2] Schmidt. Mà dù sao thì, ai bảo chị Gretchen không chờ đón Papa cơ chứ!
“Tất cả tụi con đang ở hội trường,” Anna bắt đầu tuôn ra. “Chúng con luôn có giờ tập trung ở hội trường trước khi vào lớp và lúc đó chúng con hát. Chúng con phải chọn vài bài hát. Các học sinh lớp lớn hơn, ý con là thế. Sáng nay đến lượt chị Gretchen và chị yêu cầu bài ‘Die Gedanken sind frei’. Toàn trường đều biết bài đó trừ học sinh lớp nhỏ. Con là người duy nhất trong lớp con biết tất cả các bài.”
Anna ngừng lời, tự hào về kiến thức của mình và nhớ lại cái ngày Papa dạy em bài hát đó, khi em chỉ mới có năm tuổi. Cha đã giải thích từng từ từng chữ đầy hào hùng cho đến khi em hiểu được chúng, và rồi họ vừa cùng nhau diễu hành vừa cất tiếng hát. Die Gedanken sind frei. Câu đó có nghĩa “tư tưởng là tự do”.
“Vậy rồi có chuyện gì?” Papa hỏi lại.
“Dạ, Herr Keppler… Cha biết đó, Papa, thầy ấy là hiệu trưởng mới do chính phủ cử đến sau khi Herr Jakobsohn đi.”
Papa gật đầu, và khuôn mặt cha tối sầm lại. Cha và Herr Jakobsohn là bạn bè. Họ chơi cờ với nhau. Nhưng nhà Jakobsohn đã đi Mỹ từ ba tuần trước.
“Herr Keppler chỉ nói, ‘Chúng ta sẽ không hát bài hát đó ở trường này một lần nào nữa.’ Fraulein[3] Braun đã bắt đầu chơi đoạn dạo đầu để bắt nhịp cho chúng con hát rồi và không ai biết phải làm gì. Chị Gretchen vẫn đang đứng, chị đỏ hết cả mặt và nói lớn, ‘Tại sao ạ?’ Chị ấy thật dũng cảm, Papa. Mọi người đều sợ Herr Keppler chết khiếp. Khi anh Rudi nói là ảnh không sợ, ảnh đang xạo đó ạ.”
“Herr Keppler đã trả lời chị Gretchen thế nào?” Papa nói.
Giọng cha nghe có vẻ tức giận, cứ như thể cha đã biết.
“Thầy ấy hoàn toàn không trả lời chị,” Anna nói. Em vẫn còn ngạc nhiên khi nghĩ lại chuyện đó. “Ý con là, thầy ấy không nói lý do là gì. Thầy ấy chỉ nhìn chị và nói, ‘Ngồi xuống.’ “Mệnh lệnh phát ra đanh thép từ miệng Anna khi em bắt chước ông hiệu trưởng.
“Anh Rudi nói có lẽ chỉ là Herr Keppler không thích bài hát ấy và chuyện đó không có ý nghĩa gì đặc biệt…” giọng em nhỏ dần, có vẻ không chắc chắn.
“Vậy thay vào đó các con đã hát bài gì?” Papa hỏi, một lần nữa bắt đầu đi chầm chậm về phía căn nhà. Khi họ bước đi, cha không nhìn em mà nhìn xuống đất.
“ ‘Deutschland, Deutschland über alles[4].’ ”
Họ đã đến bậc cấp. Thời gian được ở riêng cùng nhau đã sắp hết. Vai Anna rũ xuống.
Rồi bất thình lình, Papa hất đầu ra sau, đứng sững lại, và cất tiếng hát.
Die Gedanken sind frei,
Tư tưởng của tôi tự do đơm hoa.
Die Gedanken sind frei,
Tư tưởng của tôi cho tôi sức mạnh.
Không học giả nào có thể ghi lại.
Không thợ săn nào có thể giam cầm.
Không người nào có thể phủ nhận.
Die Gedanken sind frei.
Làm sao mà Herr Keppler lại có thể không thích những lời như thế này? Hay giai điệu này? Nó vang lên trên con phố vắng lặng. Anna hòa giọng trong đoạn thứ hai. Em hát hết mình, y như cách Papa hát, như thể mỗi cụm từ đều quan trọng.
Nên tôi suy nghĩ như tôi muốn
Và thấy thật hạnh phúc làm sao;
Lương tâm bên trong tôi ra lệnh
Quyền này đáng trân quý xiết bao;
Hát đến đó, Anna nghe thấy tiếng họ đến - anh Rudi nhảy xuống cầu thang hai bậc một, chị Gretchen vội vã chạy theo anh, anh chị sinh đôi xô đẩy phía sau hai người. Cửa bật mở. Bốn người họ giương mắt nhìn em gái và cha. Rồi, cùng nhau, tất cả đồng thanh hát.
Tư tưởng của tôi sẽ không phục địch
Cho công tước hay kẻ độc tài,
Tư tưởng của tôi tự do tung cánh.
Die Gedanken sind frei.
“Papa, có phải Anna đã kể với cha…?” chị Gretchen cắt ngang. Nhưng Papa đã dẫn đầu đi vào nhà, vẫn không ngừng tiếng hát. Các em đi theo sau lưng cha như thể cha là Người thổi sáo thành Hamelin[5], và tất cả bọn họ cùng hòa ca trong khúc nhạc cuối tuyệt vời.
Và nếu phường bạo chúa bắt tôi
Và ném tôi vào chốn ngục tù,
Tư tưởng của tôi sẽ vùng thoát,
Như những chùm hoa nở đúng mùa.
Những nền móng sẽ vỡ tan.
Thành trì kia sẽ lụi tàn.
Và người tự do sẽ hô vang,
“Die Gedanken sind frei!”
Họ kết thúc bài hát tại sảnh dưới chân cầu thang. Mama nhô đầu ra từ trên đầu cầu thang và nhìn xuống bọn họ.
“Ernst, anh mất trí rồi à?” mẹ nghiêm giọng. “Trudi Grossman bé nhỏ đã bệnh cả ngày và Minna vừa mới dỗ con bé ngủ được xong. Anh nghĩ sao mà làm ầm ĩ lên như vậy hả?”
Lúc này họ đã đi lên đến chỗ mẹ. Papa ôm eo và hôn mẹ khiến mẹ đỏ cả mặt. Cha cười ha hả, dù cũng thấy áy náy vì có lẽ đã quấy rầy em bé. Nhưng không có tiếng khóc do bị đánh thức nào vọng lên từ căn hộ dưới nhà, nên có lẽ mọi chuyện đều ổn.
“Một cú chót thôi, Klara,” cha nói với mẹ. “Một bài hát cho Herr Keppler, người chưa thể ngăn anh ca hát cùng các con của anh.”
“Vớ vẩn!” Mama chế giễu, đẩy cha ra.
“Đúng là Anna đã nói với cha!” chị Gretchen kêu lên.
Anna nhìn xuống chân. Nhưng em vẫn mừng vì em chính là người đã nói cho Papa biết toàn bộ sự việc.
“Đúng. Anna đã kể cho cha.” Giọng Papa đột nhiên trở nên nặng nề và mệt mỏi. Cuộc vui đã kết thúc.
“Nhưng chuyện đó không có nghĩa gì cả, phải không, Papa?” anh Rudi hỏi. Trước đó anh đã rất chắc chắn, nhưng giờ giọng anh có vẻ run rẩy.
“Em bảo là có đấy.” Chị Gretchen, thường rất điềm đạm, đang chực khóc. “Không phải chỉ là cái cách thầy ấy nói với em đâu. Lẽ ra anh nên thấy ánh mắt thầy ấy nhìn Fraulein Braun. Tay cô ấy bắt đầu run lên. Em thấy mà. Em còn tưởng cô ấy sẽ không thể đàn bài quốc ca nữa cơ.”
“Và em đã cố nói với mọi người bao nhiêu lần rằng đó không phải là điều tồi tệ nhất xảy ra hôm nay,” anh Fritz thốt lên. “À thì, chắc là chuyện này cũng không phải xảy ra vào đúng hôm nay - nhưng cha của Max Hoffman đã biến mất rồi! Bốc hơi luôn! Chú ấy đã biệt tăm ba ngày rồi.”
Anh đợi mọi người há hốc mồm khi nghe tin đó. Với Fritz, cái tin ấy phấn khích đấy, nhưng có cảm giác không thật. Chính anh vẫn chưa đích thân nói chuyện với Max. Một nam sinh khác đã kể với anh. Nhưng Anna thì đã nói chuyện với Gerda, em gái của Max. Em đứng đó hồi tưởng lại khuôn mặt của Gerda, sưng lên vì khóc.
“Con đang nói nhà Hoffman nào thế?” Mama nói trong khi quay trở lại chỗ bếp lò. “Chẳng có người nào chúng ta biết lại làm một việc như thế với gia đình của mình. Điều đó thật đáng hổ thẹn.”
“Nhưng chú ấy không…” Anna mở miệng, bỗng quên mất rằng em là người nhỏ nhất nhà, mà chỉ nhớ đến đôi mắt bị tổn thương của Gerda. “Ý con là, chuyện không phải như thế. Gerda đã kể cho con nghe.”
“Ô, Anna Solden, nhìn tóc con kìa!” Mama ngắt lời.
Tâm trí em vẫn còn mải nghĩ về Gerda, Anna không hề chú ý. Em phải làm cho họ thấy, khiến cho họ hiểu. Rồi sau đó có lẽ Papa sẽ giúp được gì đó.
“Gia đình Hoffman đang đợi ăn tối. Thậm chí đã ngồi vào bàn rồi. Và họ đợi mãi mà Herr Hoffman vẫn không thấy về. Và khi Frau Hoffman đi báo, cảnh sát thậm chí còn không buồn nghe, Gerda đã nói như thế. Họ bảo bạn ấy cứ đi về nhà và giữ mồm giữ miệng về chuyện đó.”
Papa thật sự đã lắng nghe em. Trông cha cũng bận lòng như em vậy. Nhưng Mama lại cười thành tiếng.
“Cảnh sát biết là những chuyện như thế vẫn xảy ra mà,” bà nói. “Mẹ không nghĩ cô ấy là bà vợ đầu tiên đến chỗ họ để tìm ông chồng bỏ nhà đi đâu. Nhưng thật sự thì, có thể có chuyện gì xảy ra với anh ta chứ? Anh ta có thể về nhà nếu muốn - trừ phi bị tai nạn hay đau tim gì đấy. Mẹ cho là cô ấy đã kiểm tra các bệnh viện rồi chứ?”
“Con đoán vậy,” Anna lầm bầm.
Em biết quá ít, thực sự là thế.
“Chú ấy đã biến mất ba ngày rồi,” em nói thêm.
“Anh vừa nói đó,” Fritz nói.
“Vậy thì không phải là tai nạn,” Mama kết luận cho xong chuyện. Bà đặt món ăn bốc khói đang cầm trên tay xuống bàn.
“Thôi nào. Quên Herr Hoffman đi trong khi thức ăn còn đang ngon lành và nóng hổi,” mẹ nói với cả nhà. “Anh ta có lẽ đang ăn một bữa tối ngon lành ở đâu đó. Để yên cho cái nơ đó đi, Anna. Lát mẹ sẽ sửa lại sau.”
Papa ngồi xuống chiếc ghế lớn của cha. Những người khác ngồi xuống chỗ của mình. Tất cả mái đầu đều cúi xuống để cầu nguyện. Rồi, ngay khi họ nghĩ cha đã xong, ông nói thêm, “Và, thưa Đức Chúa Cha, xin hãy rủ lòng nhân từ với gia đình Hoffman tối nay, với đất nước đang gặp nhiều tai ương này và… với tất cả trẻ nhỏ, nhân danh Chúa Jesus, Amen.”
Mời các bạn mượn đọc sách Từ Anna của tác giả Jean Little & Lưu Chi (dịch).