Minaduki từng trải qua một đời chồng, và dù đã chia tay nhưng cô vẫn nhớ nhung người chồng cũ, thậm chí vì yêu mà phạm tội với nhân tình của chồng cũ. Thế nhưng, khi gặp được nhà văn, diễn viên là thần tượng tuổi mới lớn một thời của mình, cô cũng hết lòng yêu thương tha thiết. Người nghệ sĩ đó, thần tượng của cô, cũng rất yêu cô nhưng trái tim của anh còn dành cho nhiều cô gái khác nữa, mặc dù anh đã có vợ, và tình yêu nào đối với anh cũng chân thành. Dù biết sự thật nhưng cô vẫn yêu sống yêu chết, thủy chung đến mức sẵn sàng làm mọi thứ để có được tình yêu. Thậm chí khi cô bị ruồng bỏ, cô vẫn không từ bỏ tình yêu của mình, cho nên mới nói cô bị “trúng độc yêu”. Cuối cùng họ chia tay nhau, nhưng thi thoảng lại gặp nhau, mối quan hệ đó không chấm dứt.
Bằng giọng văn giản dị, tác giả đã mang lại cho người đọc một cảm giác dễ chịu, thân thuộc. Vui vì niềm hạnh phúc của nhân vật, đau vì nỗi đau của nhân vật, để rồi tự nhận thấy mình cũng có một phần ở trong đó. Người ta nói yêu cũng như trúng độc vậy, ai đã trúng độc rồi thì khó thoát ra được. Tình yêu là một viên thuốc vừa đắng vừa ngọt nhưng ai cũng muốn được thử một lần trong đời và khi thử xong rồi thì muốn giữ mãi trong lòng.
Cuốn sách sẽ khiến cho bất cứ ai, những người đã yêu, đang yêu và muốn yêu đều không thể dứt ra được.
***
Chạm…
Tôi luôn có một cảm giác bị mắc lại ở một nơi nào đó trong thế giới văn chương của Fumio Yamamoto. Từ Bến bờ thơm mùi dứa, Trúng độc yêu, Xanh màu lá,… cho tới tập truyện ngắn mới nhất Trốn thoát khỏi thực tại. Thứ cảm xúc vừa rõ ràng vừa mơ hồ này đôi khi đầy lên thành một ám ảnh không hồi kết. Fumio Yamamoto đã lưu trữ mình một cách không rõ ràng như thế. Và có lẽ, vì không thể nói ra hết được tư cảm đang đầy lên này nên bà dồn hết vào chữ nghĩa. “Tôi ảm đạm vì không thể nói cười”, đó gần như là một diễn đạt khác về văn chương của người đàn bà ở xứ mặt trời mọc.
Văn Fumio Yamamoto không phải là thứ văn mỹ miều của những đường chữ đẹp, thơ mộng. Bà cũng không phải thuộc típ nhà văn nữ quyền để thỉnh thoảng gây hấn hoặc gây sốc. Văn mạch của bà điềm nhiên, có chỗ tỉnh queo, lúc lại sắc lạnh, thậm chí hơi gắt với nhiều câu trần thuật mộc mạc, ngắn gọn. Trong đó, có cảm giác, tác giả vừa muốn đi đến cùng để cắt nghĩa vùng u ám đó, lại như mặc kệ để nó diễn ra theo quy luật của “phi tiểu thuyết” hay những “tiểu tự sự” nhỏ vụn. Để rồi tất cả trống huơ hoắc trong một thế giới cô đơn, ít thấu hiểu và rời rạc. Để rồi, ở đó, những tự sự chồng lên nhau, lặp đi lặp lại một cách tầm thường, mòn vẹt và chán nản.
Hakura, cô gái mắc bệnh ung thư vú, tự xem mình có dáng dấp của đồ cặn bã, lười nhác, sống tầm gửi, tâm lý bất định, đầy nhạy cảm, chán nản và nếu có kiếp sau, cô muốn làm một con giun dẹp bởi “giun dẹp sống trong khe suối trong vắt nơi rừng sâu, có bị băm thành trăm mảnh cũng sẽ không chết”.
Izumi, người phụ nữ ngấp nhé tuổi 35, trải qua một đời chồng, đang sống trong một chung cư cũ kỹ và rơi vào khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, hay sầu muộn vô cớ, nhàn rỗi đến lạc lõng, không còn khái niệm thời gian rõ ràng, có thể làm tình và thỏa mãn ham muốn nhục dục với một cậu đồng nghiệp cũ kém cả tuổi mình.
Catherine, một bà nội trợ đúng nghĩa, có người chồng vừa bị mất việc nên ngoài công việc nhà ban ngày, cô làm nhân viên bán hàng cho một tiệm tạp hóa buổi tối để kiếm thêm tiền. Cuộc sống của cô cứ như một mớ bòng bong, quanh đi quẩn lại vì chồng, con cái, bố mẹ; lắm lúc mỏi mệt, khủng hoảng, cô đơn và trơ trọi ngay trong mái ấm gia đình mình.
Mido, cô gái trẻ 25 tuổi rơi vào “thế lưỡng nan của tù nhân”, đã có người yêu hơn 7 năm nhưng vẫn ngủ với những người đàn ông khác. Ngày ngày trôi trong nhịp sống tùy tiện, không buồn không vui, nhiều hồ nghi và vô nghĩa của mình.
…Cứ thế, mỗi nhân vật của Fumio Yamamoto là một phần nứt toác của vỏ đương đại có vẻ bằng phẳng, đẹp đẽ đó. Họ là những con người đáng thương bị rớt lại trong đời sống nhộn nhạo, trôi tuột này. Những con người ấy từng xót thương cho người khác nhưng rồi chính họ, cũng không biết từ bao giờ, lại bước vào hoàn cảnh tương tự. Và bao nhiễu nhương, tù đọng và cô đơn vây bủa đó làm họ thỏa hiệp, thây kệ rồi trở nên nhàm chán, chết dần chết mòn.
Và lửng lơ, và ám ảnh…
Qua những mẩu chuyện nhỏ của những con người không liên quan đến nhau ấy, Fumio Yamamoto đã vẽ nốt những vệt màu còn khiếm khuyết trong bức tranh Nhật Bản hiện đại bằng ngôn ngữ. Một vệt màu trầm cảm triền miên. Một “sự tự sát” từ những vô định không có lời đáp. Bà đưa những người phụ nữ nhỏ bé, những người sống bên rìa xã hội vào vị trí trung tâm và để họ kể những câu chuyện của riêng mình. Kế thừa đặc điểm truyền thống của văn học Nhật nên không quá ngạc nhiên khi văn của Fumio Yamamoto mang đậm tính nữ. Bà đi vào ngóc ngách tâm lý li ti của phụ nữ bằng trải nghiệm và sự đồng cảm của một trái tim nhiều thổn thức. Bà để nhân vật nói những tiếng nói tự do nhất mà trong đời sống đôi lúc họ không có quyền lên tiếng hoặc chán phải lên tiếng. Bà tham dự vào những câu chuyện đó như một người có mặt và vắng mặt. Để rồi, mảng hiện thực của đời sống vừa quen vừa lạ ấy khoét vào ta những vết thương tỉnh thức, về một băn khoăn, bối rối đương đại.
Cho đến khi gấp cuốn sách lại, tôi vẫn còn nguyên đó một lưỡng lự. Sự dở dang khó hiểu này rốt cuộc là gì? Vẫn còn một điều mơ hồ nào đó, tôi chưa hiểu lắm. Có khi nào, đó là những điều Fumio Yamamoto không muốn người khác chạm vào chăng? Hay thực ra, nó cũng trống rỗng hết thảy – như những nhân vật của bà cất tiếng. Nó khiến tôi bỗng dưng nhớ đến Woman in the Dunes (tạm dịch: Người đàn bà trong cồn cát) của đạo diễn Nhật sinh năm 1964 – Hiroshi Teshigahara – viên ngọc quý của lịch sử điện ảnh thế giới, sinh muộn hơn bà hai năm. Yamamoto ẩn mình trong “cồn cát” ngôn ngữ để nói về thế giới nội tâm sâu thẳm của người Nhật Bản hôm nay nói riêng và những người phụ nữ đâu đó trên khắp thế giới này. “Vì không nói ra được nên đã mang một nỗi buồn ảm đạm. Tôi ảm đạm vì không thể nói cười”.
Năm 1999, Yamamoto đã vinh dự nhận được giải thưởng văn học Yoshikawa Eiji lần thứ 20 dành cho các tác phẩm mới xuất sắc và hiện là một trong những nhà văn đương đại có tác phẩm được đón chờ không chỉ trong phạm vi nước Nhật.
***
Tình yêu có thể hủy hoại con người. Đó là điều tôi ngộ ra được một cách sâu sắc sau lần nhảy việc này.
Không những thế, thứ mà tình yêu hủy hoại không phải chỉ có con người. Sau bao lần tranh cãi không điểm dừng, không biết bao nhiêu chiếc đồng hồ báo thức, bao nhiêu chiếc cốc cà phê đã bị đập vỡ; rồi những lúc tôi không có nhà, không biết đã có bao nhiêu chiếc áo vest và áo sơ mi bị băm nát. Để thoát khỏi sự đeo bám của cô ta, tôi đã phải lặng lẽ chuyển nhà, đánh mất lòng tin của cấp trên và rất nhiều đồng nghiệp, thậm chí tôi đã phải xin nghỉ việc. Thế nhưng, thứ thực sự bị hủy hoại có lẽ không phải là cuộc sống của tôi mà chính là cuộc sống của cô ta. Vì tùy tiện nghỉ làm quá nhiều nên cuối cùng cô ta bị mất việc; vì chậm đóng tiền nhà quá lâu nên cuối cùng cũng mất luôn cả chỗ ở. Và cô ta còn mất một thứ không thể nào bù đắp được, đó chính là tôi, mặc dù nói như vậy có vẻ hơi ngạo mạn.
Chuyện tình giữa tôi và cô ta, nếu đem quay thành một bộ phim dài tập thì e rằng quá vô vị và nhàm chán. Thế nên, tôi chưa từng nghĩ sẽ kể cho bất cứ ai nghe chuyện của chúng tôi, vì quả thực, nó quá đỗi tầm thường.
Thấm thoát, tôi đã nhảy việc được hai tháng. Với công việc mới ở một phòng biên tập nhỏ, tôi lao đầu vào làm việc hết sức chăm chỉ, chăm chỉ một cách chưa từng thấy. Công việc đòi hỏi tôi phải thường xuyên đi tiếp khách và nhậu nhẹt, hơn nữa, ngày nào cũng có không ít những cô gái trạc tuổi tôi đi ra đi vào, thậm chí có những nàng còn chủ động hẹn hò hoặc dụ dỗ tôi lên giường. Nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ khoảng cách nhất định với tất cả, điều này đã làm xuất hiện những lời đồn đại kiểu như “Iguchi là gay”. Tôi đã không còn uống rượu đến sáng như trước kia nữa mà hôm nào cũng đi làm rất sớm, thường xuyên là người đầu tiên đến văn phòng, làm việc hết sức nghiêm túc.
Nhưng hôm nay, nhất định tôi phải đặc biệt cẩn thận. Mới sáng sớm, tôi đã đứng ngồi không yên, đi đi lại lại trong văn phòng. Vốn dĩ hôm nay tôi không định đến công ty, nhưng thật không may cuộc hẹn bàn công việc đã bị huỷ, và tổng biên tập đột nhiên thông báo sẽ họp vào ba giờ chiều – cái giờ lửng lơ chẳng sớm cũng chẳng muộn.
Hôm nay là sinh nhật lần thứ hai mươi lăm của tôi. Ba tháng trước, vì muốn thoát khỏi cô bạn gái lằng nhằng nhất quyết không chịu chia tay, tôi đã phải xin nghỉ việc ở công ty cũ, lặng lẽ biến khỏi tầm nhìn của cô ta, và từ đó đến nay, chúng tôi cũng không hề liên lạc với nhau. Tôi đã thay số điện thoại di động, nơi ở mới cũng không lắp điện thoại cố định. Nhưng nếu cô ta thực sự muốn biết thì chắc chắn sẽ tra ra được số của bộ phận biên tập nơi tôi đang làm. Tôi không thể nào yêu cầu tất cả người quen của mình không được tiết lộ thông tin về tôi. Vậy nên nếu muốn liên lạc với tôi, nhất định cô ta sẽ liên lạc trong ngày hôm nay. Bình thường tôi làm việc rất chăm chỉ, nếu hôm nay có giả vờ ốm xin nghỉ thì cũng chẳng có vấn đề gì, có điều nếu làm như vậy thì cảm thấy quá là hèn nhát. Không thể cứ lẩn trốn mãi được. Tôi cũng không muốn phải thay đổi chỗ làm thêm một lần nào nữa chỉ vì một đứa con gái!
Quyết định vậy đi!
Rõ ràng là đã quyết tâm thế rồi, vậy mà khi đến công ty, tôi vẫn không thể nào bình tâm được. Cứ chốc chốc lại chạy đi photocopy, pha cà phê, rồi còn hì hục cọ rửa khay đựng bình nước nóng. Trong lúc đó, có mấy lần điện thoại đổ chuông. Mỗi lần nghe thấy tiếng gọi “Iguchi, điện thoại” là tôi lại giật bắn mình.
“Tại sao hôm nay cậu không nghe điện thoại?”
Sau khi kết thúc cuộc điện thoại với bên in ấn, cô Minaduki quay sang hỏi tôi với giọng đầy vẻ băn khoăn.
“À, chả là… tôi xin lỗi.”
Trong khi tôi còn đang ấp a ấp úng thì cô ấy đã chêm vào một câu “cũng chẳng có vấn đề gì”, rồi lại quay mặt vào màn hình máy tính, bộ dạng không một chút quan tâm đến chuyện của tôi, rồi bắt đầu gõ lạch cạch trên bàn phím. Ngoài tôi ra, những cuộc điện thoại gọi từ bên ngoài vào chủ yếu đều do cô ấy nghe. Những người khác vẫn chưa đến, chi bằng nhân cơ hội này nói thẳng với cô ấy xem sao:
“Ừmm… Cô Minaduki này…”
Mời các bạn mượn đọc sách Trúng Độc Yêu của tác giả Fumio Yamamoto & Trương Thị Hảo (dịch).