Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Salam! Chào xứ Ba Tư

Salam!

Salam là câu chào cả khi gặp mặt lẫn khi chia tay. Rất ngắn gọn thì chỉ cần chào Salam. Câu đầy đủ và trịnh trọng thì phải là Salam Alaykum, có nghĩa là chúc cho bạn được bình yên. Đáp lễ, cũng đầy đủ và trịnh trọng như vậy, người kia sẽ đáp lại, đổi ngược trật tự câu chào: Alaykum Salam.

Salam đã trở thành lời chào phổ biến của người Hồi giáo trên khắp thế giới. Cách phát âm và phiên âm có phần hơi khác ở các nước khác nhau, nhưng về cơ bản, ta có thể coi như một câu chào thông thường, và chỉ cần ngắn gọn: Salam!

Kèm theo câu chào, giống như phần nhiều người Hồi giáo ở các nước, người Iran cũng bắt tay và ôm hôn nhau ba lần vào hai bên má, nhưng không thực hiện với người khác giới. Có khi chỉ bắt tay và ôm lưng nhau. Với người mới gặp, chỉ cần chào Salam và bắt tay là đủ, nhưng người đàn ông lưu ý không chủ động bắt tay phụ nữ.

***

Cùng với Namaska! Xin chào Ấn Độ, Salam! Chào xứ Ba Tư làm thành một bộ sách về hai nền văn hóa lâu đời nhất của nhân loại.

“Salam! Chào Ba Tư” giới thiệu với bạn đọc xứ sở Ba Tư xưa - nơi được biết đến từ những câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm và Nghìn lẻ một ngày. Chỉ là qua những dòng chữ thôi, nhưng bạn sẽ hiểu được tại sao xứ này lại nổi tiếng như thế, biết về ý nghĩa những hình ảnh, hoa văn dệt trên những bức thảm len từ lông cừu tuyệt mỹ, sẽ đắm chìm trong kiến trúc đền đài cung điện giáo đường khảm gốm sứ trên mái vòm và trang trí tường nhà tuyệt hảo, đặc biệt ghi dấu là nghệ thuật tranh tiểu họa, nghệ thuật thư pháp tinh xảo trong những bức tranh hoành tráng.

“Tất cả đều nhằm đem lại cho người đọc một ấn tượng gợi mở về Iran.” Cuốn sách phù hợp với đông đảo bạn đọc, đặc biệt là những người thích du lịch và làm về văn hóa.

***

Lời mở đầu

Xứ Ba Tư, khắc đi khắc đến

Đến được xứ Ba Tư không dễ, vào được nhà một người Ba Tư càng không dễ. Hãy tranh thủ cơ hội nếu được người Iran mời đến chơi nhà - với khách, đấy là một dịp may, một đặc ân, một niềm hãnh diện. Người Iran mến khách, nhưng phải đặc biệt quý mến người ta mới mời đến nhà. Thì ở nhiều nước khác cũng vậy thôi, trong thế giới hiện đại này, mọi việc làm ăn đã có văn phòng trụ sở, mọi cuộc chuyện trò riêng tư đã có quán cà phê tiệm ăn, ít ai mời ai đến nhà. Gọi là niềm hãnh diện thì tôi đã có được niềm hãnh diện bước chân vào nhà của nhiều bạn bè Iran. Năm 1994, tôi đến Iran lần đầu tiên, trong vòng một năm hai lần tháp tùng hai đại sứ ta sang làm việc. Đại sứ cũ sang chào tạm biệt kết thúc nhiệm kỳ. Đại sứ mới sang trình quốc thư. Tôi còn sang làm việc với Bộ Ngoại giao bạn như một hình thức đi tiền trạm, chuẩn bị cho đoàn chủ tịch nước sang thăm Iran. Lần ấy, ông đại sứ cũ được ông vụ trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương mời đến nhà. Chúng tôi ngồi ăn tối theo kiểu Ba Tư trên tấm thảm Ba Tư lộng lẫy, hoa văn tỉ mỉ tinh xảo trên nền đỏ rực. Tôi tưởng mình chỉ có một dịp may ấy thôi với đất nước Iran, khó có dịp trở lại lần nữa. Nhưng rồi dường như là duyên nợ, mười bảy năm sau, tôi đang hướng đến một chuyến trở về với Ấn Độ thì được điều sang Iran. Đang nghiên cứu về Ấn Độ mà chuyển sang Ba Tư thì cũng không quá mất công đổi chiều tiếp cận. Giữa hai nước có những điểm chung về văn hóa, lịch sử, thậm chí cả về chủng tộc. Trở lại Iran lần này, một chuyến đi lâu hơn nhiều so với gần hai chục năm trước, cũng hơn trước rất nhiều lần, tôi được bước chân vào nhà những người bạn Iran. Cảm nhận được nếp nhà gia phong truyền thống của người Ba Tư.

Trong chuyện trò thường ngày, khi đang làm việc trên đất nước Iran, chúng tôi vẫn thường đùa nhau rằng người Việt nào ham du lịch, giờ đây có thể dễ dàng theo một tua sang Mỹ, sang châu Âu, thậm chí sang Nam Phi, nhưng có tiền cũng khó mà du lịch được sang Iran. Nói thế để thấy mình đã làm được một việc khó. Mà cũng không hẳn là đùa. Vẫn chưa thiết lập được hai đầu cầu của các công ty du lịch đưa người sang thăm viếng xứ sở của nhau. Thiếu sự quảng bá, Việt Nam chưa được người Iran coi là điểm đến hấp dẫn, mặc dù lượng người Iran đi du lịch sang Thái Lan, Malaysia, Indonesia không phải là ít. Chỉ vì nghe thông tin sai lệch trên hệ thống thông tin đại chúng, người Việt lại nghĩ rằng Iran luôn ở trong tình trạng có chiến tranh, đã chiến tranh thì du lịch thăm thú cái nỗi gì. Chúng tôi, những người sống đời sống hàng ngày ở xứ Ba Tư phải nói lại rằng Iran vẫn thanh bình, an ninh xã hội đảm bảo, người dân thân thiện mến khách. Nhưng tiếng nói của mình vẫn là nhỏ bé giữa một dàn đồng ca thông tin đại chúng ồn ào từ nguồn Âu - Mỹ.

Vậy xin hãy đi cùng tôi trong cuốn sách này, chúng ta sẽ đến với xứ Ba Tư xưa, Iran nay. Chưa có được cơ hội thực sự đặt chân lên xứ sở Ba Tư, bạn hãy tạm du ngoạn qua những dòng chữ. Cũng chung một thiện ý như khi viết cuốn Namaskar! Xin chào Ấn Độ là đưa bạn đọc cùng bơi trên đại dương văn hóa Ấn Độ, ở cuốn sách này, tôi muốn đưa người đọc ngoạn du qua miền đất Tây Á bao la, cũng là một cái nôi văn minh nhân loại, xứ sở gợi cảm hứng cho nhiều câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm, đặc biệt là trong cuốn Nghìn lẻ một ngày. Ba Tư xưa (tên gọi là Persia, Pars, Fars…) với truyền thống dệt thảm mấy nghìn năm, chăn nuôi du mục mấy nghìn năm - từ chăn nuôi ấy mới ra lông cừu làm len để dệt thảm, ra nghề đồ da, ra ẩm thực thịt nướng kebab vang danh khắp gầm trời. Mấy nghìn năm luyện kim chế tác công cụ. Mấy nghìn năm tiếng Ba Tư phát triển rực rỡ, sinh ra những nhà khoa học, những triết gia, những nhà thơ lớn của nhân loại như Omar Khayyam, Saadi, Ferdosi, Rumi, Hafez… Đây cũng là nơi ra đời của tôn giáo lâu đời bậc nhất của nhân loại, Hỏa giáo, mà ảnh hưởng còn sâu đậm trong lễ tết và đời sống hàng ngày của người Iran. Zarathustra, triết gia sáng lập ra Hỏa giáo từng được triết gia người Đức Nietzsche ghi lại đầy cảm hứng trong cuốn Zarathustra đã nói như thế.

Nếu là người yêu mỹ thuật và kiến trúc, thì Ba Tư chính là nơi bạn sẽ sa vào, đắm chìm trong ấy mà ngẩn ngơ không muốn chia tay. Kiến trúc đền đài cung điện giáo đường với việc sử dụng nghệ thuật gốm sứ để khảm lên các mái vòm và gốm sứ trang trí tường nhà đã đạt đến độ tuyệt hảo. Nghệ thuật tranh tiểu họa, được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ li ti trong những bức tranh hoành tráng. Nghệ thuật thư pháp được phô diễn trên khắp những bức tường giáo đường hoặc cung điện đã đến độ như không còn là chữ nữa mà tưởng nhầm là những bức tranh lộng lẫy tinh xảo.

Trong cuốn sách này về xứ Ba Tư, tôi sử dụng cả hình thức khảo luận, cung cấp tài liệu, cả du ký về những chuyến đi qua các miền đất, cả những bài tổng hợp và bình luận về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa…Tất cả đều nhằm đem lại cho người đọc một ấn tượng gợi mở về Iran.

Giống như ngày xưa, Ba Tư gần như là điểm cực tây trên con đường tơ lụa, Iran hôm nay cũng là một điểm đến với một nền văn minh cổ chưa được khám phá cho cùng. Con đường tơ lụa xưa đo bằng bước chân ngựa và lạc đà. Con đường nay đo bằng những chuyến bay và các phương tiện giao thông của một thế giới phẳng. Khó khăn vẫn còn đó, nhưng một khi đã quyết tâm lên đường thì khắc đi khắc đến.

Đã đi là phải đến. Và bây giờ, ta đã bắt đầu bước chân đến xứ Ba Tư.

Tehran, tháng 6-2013

Mời các bạn mượn đọc sách Salam! Chào xứ Ba Tư của tác giả Hồ Anh Thái.