Màu Của Nước là cuốn tự truyện của nhà văn Mỹ James McBride viết để tưởng nhớ người mẹ của mình, một phụ nữ gốc Do Thái da trắng kết hôn với những người đàn ông da đen. Vượt lên bi kịch cá nhân, sự thiếu thốn về vật chất, sự ngược đãi về tinh thần và mọi sự phân biệt đối xử, bà đã nuôi dạy mười hai đứa con trở thành các bác sĩ, giáo sư, giáo viên, nhà khoa học. Đó cũng là câu chuyện về hành trình đi tìm cội nguồn, cái tôi, sự tự tin và ý nghĩa cuộc sống của một đứa con lai da đen, đại diện cho hàng triệu người da đen ở Mỹ.
Màu Của Nước ra mắt bạn đọc lần đầu vào năm 1995, trở thành một hiện tượng xuất bản với kỷ lục nằm trong danh sách Sách bán chạy nhất của New York Times trong 100 tuần (hơn 2 năm) , được coi là tác phẩm văn học kinh điển của Mỹ, từng được trao các giải thưởng Anisfield-Wolf Book Award năm 1997 cho tác phẩm văn học xuất sắc, và là cuốn sách về người mẹ mà Amazon khuyên mọi độc giả nên đọc.
- Trích từ bài giới thiệu của dịch giả Nguyễn Bích Lan.
***
'Màu của nước' - sách về nạn phân biệt chủng tộc
Tự truyện của nhà văn Mỹ James McBride do dịch giả Bích Lan chuyển ngữ vừa ra mắt bạn đọc trong nước.
Nhà văn Mỹ James McBride mất 14 năm để "khai quật chuyện đời lạ lùng của mẹ" - con gái một giáo sĩ Do Thái chính thống kết hôn với một người đàn ông da đen vào năm 1942 ở Mỹ.
Vượt lên thiếu thốn về vật chất, sự ngược đãi về tinh thần và mọi phân biệt đối xử, bà đã nuôi dạy 12 người con trở thành các bác sĩ, giáo sư, giáo viên, nhà khoa học. Cuốn sách là câu chuyện về hành trình đi tìm cội nguồn, sự tự tin và ý nghĩa cuộc sống của một đứa con lai - đại diện cho hàng triệu người da đen ở Mỹ.
Màu của nước được kể với giọng tự sự chân thực, hóm hỉnh, giản dị và không kém phần sâu sắc. Qua đó, tác giả gửi gắm ước mơ xóa nhòa ranh giới phân biệt chủng tộc. Theo James McBride, mỗi con người dù có màu da và xuất thân khác nhau đều cần được đối xử công bằng. Mọi phân biệt, kỳ thị không thể ngăn cản nhân loại chia sẻ tình yêu thương, lòng trắc ẩn.
Theo tờ Wall Street Journal, "cuốn sách nói cho chúng ta về sự yếu kém liên quan đến vấn đề chủng tộc của quốc gia và về những khả năng vượt lên sự yếu kém đó". Trang Publisher Weekly đánh giá tác phẩm là tiểu thuyết có cốt truyện hấp dẫn, "bất cứ ai mang màu da nào, theo tôn giáo nào cũng nên đọc cuốn tự truyện cảm động và khó quên này".
Màu của nước ra mắt bạn đọc năm 1995. Tác phẩm nằm trong danh sách "Sách bán chạy nhất" của tờ New York Times suốt 100 tuần, từng được trao giải thưởng Anisfield-Wolf Book Award năm 1997 cho tác phẩm văn học xuất sắc. Đến nay, tác phẩm bán được 2,5 triệu bản trên toàn thế giới, cuốn sách được dịch ra 16 thứ tiếng và xuất bản ở 20 nước.
James McBride sinh năm 1957 tại New York, Mỹ. Ông là nhà báo, nhạc sĩ, nhà văn nổi tiếng. James từng đoạt giải National Book Award (Giải thưởng sách Quốc gia Mỹ năm 2013 với tác phẩm The Good Lord Bird (Con chim đầu đàn).
Vĩ Thanh
***
Khi còn nhỏ tôi không biết gì về xuất thân của mẹ mình - Tôi không biết mẹ sinh ra ở đâu, ông bà ngoại của tôi là ai. Khi tôi hỏi về gốc gác của mẹ, mẹ nói: Chúa sinh ra mẹ. Khi tôi hỏi mẹ có phải là người da trắng không, mẹ nói: “Da mẹ sáng màu, rồi lập tức chuyển chủ đề. Mẹ nuôi mười hai đứa con da đen của mẹ, cho tất cả học đại học và hầu như tất cả đều tốt nghiệp đàng hoàng. Các con của mẹ trở thành bác sĩ, giáo sư, nhà hóa học, giáo viên - Tuy nhiên cả mười hai anh chị em chúng tôi không ai biết họ tên thời con gái của mẹ cho đến khi chúng tôi trở thành người lớn. Tôi phải mất tới mười bốn năm khai quật chuyện đời lạ lùng của mẹ - chuyện về con gái của một giáo sĩ Do Thái chính thống kết hôn với một người đàn ông da đen vào năm 1912 - và mẹ tiết lộ chuyện đời mình như một đặc ân dành cho tôi hơn là muốn ngược dòng thời gian trở về quá khứ. Đây là câu chuyện cuộc đời mà mẹ kể cho tôi nghe, và xen kẽ giữa những trang viết về cuộc đời của mẹ, các bạn cũng sẽ tìm thấy những trang kể về cuộc đời tôi.
***
Chết
Con muốn mẹ kể về gia đình của mẹ, mà đối với cái gia đình ấy mẹ đã chết từ năm mươi năm trước rồi. Hãy để mẹ yên. Đừng làm phiền mẹ. Gia đình mẹ không muốn có mẹ chút nào và mẹ cũng chẳng hề muốn có họ. Có hỏi thì hỏi nhanh lên rồi kết thúc mau đi. Mẹ muốn ngắm Dallas. Mà này, nếu con là một phần của gia đình ấy, con sẽ không có thời gian dành cho điều vớ vẩn này đâu, không có thì giờ để nghĩ về gốc gác của con đâu. Thà con đi xem phim “Ba Chàng Ngốc” còn hơn là hỏi họ, hỏi cha đẻ của mẹ chẳng hạn, quên chuyện đó đi. Nếu ông ngoại của con gặp con, ông sẽ lên cơn đau tim. Dẫu sao ông cũng chết rồi, nếu không thì bây giờ ông đã một trăm năm mươi tuổi rồi.
Mẹ sinh ra là một người Do Thái chính thống vào ngày 1 tháng 4 năm 1921, đúng vào ngày Cá tháng Tư ở Ba Lan đấy con ạ. Mẹ không nhớ tên của cái thị trấn nơi mẹ chào đời, nhưng mẹ còn nhớ tên Do Thái của mình: Ruchel Dwajra Zylska. Ông bà ngoại của con đã xóa cái tên đó khi họ đến Mỹ và đổi tên mẹ thành Rachel Deborah Shilsky, và chính mẹ đã tống khứ cái tên ấy ra khỏi cuộc đời mình khi mẹ mười chín tuổi, không bao giờ sử dụng nó nữa sau khi mẹ đi khỏi Virgina năm 1941 mà không bao giờ quay trở lại. Đối với mẹ, Rachel Shilsky đã chết. Cô ta chết để mẹ, phần còn lại của mẹ, được sống.
Khi mẹ lấy cha của con, gia đình mẹ than khóc vật vã. Họ đọc Kinh kaddish và ngồi shiva[1]. Đó là cách người Do Thái chính thống khóc người thân qua đời. Họ cầu nguyện, úp các tấm gương xuống, ngồi trên những cái hộp trong bảy ngày và dùng khăn trùm đầu. Nó có tác dụng thật đấy và có lẽ đó là lý do tại sao giờ đây mẹ không còn là một người Do Thái nữa. Có quá nhiều luật lệ phải tuân theo, quá nhiều điều cấm kỵ và quá nhiều những điều “Mày không thể làm” và “Mày không được phép làm”, nhưng có ai nói họ yêu thương mẹ không nhỉ? Không, trong gia đình của mẹ không ai nói thế với ai. Gia đình mẹ không nói thế. Mọi người nói với nhau những lời đại loại như “Liệu hồn đấy,” hoặc ông ngoại con sẽ nói, “Hãy im miệng trong lúc tao ngủ.”
Tên ông ngoại của con là Fishel Shilsky và ông là một giáo sĩ Do Thái chính thống. Ông đã trốn khỏi trại của quân Nga, lẩn sang biên giới Ba Lan và cưới bà ngoại của con trong một cuộc hôn nhân sắp đặt. Ông thường nói rằng khi ông chạy trốn ông phải chạy dưới những làn đạn và khả năng lẩn trốn những gì không tốt cho bản thân tồn tại cùng ông từ khi mẹ biết ông. Bọn mẹ gọi ông là Tateh. Trong tiếng Do Thái “Tateh” có nghĩa là cha. Ông là một con cáo, nhất là trong chuyện tiền bạc. Ông có dáng người thấp, nước da sẫm màu, râu tóc rậm và là người cộc cằn, lỗ mãng. Ông mặc sơ mi trắng, quần đen, quấn một chiếc tallis[2], và những thứ đó giống như đồng phục của ông. Ông mặc cái quần đen đó hoài cho tới khi nó nhẵn bóng và cứng queo đủ để tự đứng được bằng chính hai ống của nó mà không cần xỏ chân, nhưng chỉ Chúa Trời mới có thể cứu con nếu như con đụng phải cái quần đó trong lúc vội, bởi ông ngoại của con không phải là người để đùa giỡn. Ông khó tính lắm.
Bà ngoại của con tên là Hudis và bà trái ngược hoàn toàn với ông, rất dịu dàng và nhu mì. Bà sinh năm 1896 ở thị trấn Dobryzn, Ba Lan, nhưng nếu bây giờ con hỏi thông tin thì không ai còn nhớ gia đình bà nữa bởi vì bất cứ người Do Thái nào không rời khỏi đó trước khi quân Hitler tràn vào Ba Lan cũng đều bị giết hại trong cuộc tàn sát người Do Thái rồi. Bà có khuôn mặt xinh xắn, mái tóc đen, gò má cao nhưng bà bị bại liệt. Chứng bệnh đó làm bà bị liệt nửa người bên trái và khiến sức khỏe của bà không được tốt. Tay trái của bà không sử dụng được. Nó bị khòng khèo ở cổ tay và nó cong lên gần đến ngực. Mắt trái của bà gần như bị mù và bà đi cà nhắc, kéo lê cái chân trái bị liệt. Bà là một người phụ nữ ít nói, Mameh yêu quý của mẹ. Đó là lý do tại sao bọn mẹ gọi bà là Mameh. Bà là người mà trong cõi đời này mẹ đã đối xử không tốt khi…
Mời các bạn mượn đọc sách Màu Của Nước của tác giả James McBride & Nguyễn Bích Lan (dịch).