(Tự bạch của nhân vật chính)
Tôi sinh ra vào thời kỳ đầu những năm 30 trong cuộc hỗn chiến quân phiệt. Vừa sinh ra cõi đời, tôi hoàn toàn không được lựa chọn, phải sống cảnh đói nghèo, khổ nạn và gian nguy.
Bảy tuổi mất mẹ, tôi thành cô nhi, chín tuổi bị bán vào công quán làm kẻ hầu hạ, mười tuổi lưu lạc làm ăn xin, mười một tuổi vào đại vũ đoàn Hóa Nghinh tập võ học kịch, mười hai tuổi làm con dâu, mười bốn tuổi bị người ta gạt bán vào kỹ viện làm kỹ nữ.
Tuy thân mang tuyệt kỹ, cũng từng thi triển võ công để phản kháng, nhưng tôi không thể thoát khỏi hắc động của xã hội ghê gớm đó.
Trong cuộc sống bán thân bán nụ cười, tôi bị người ta bán như bán súc vật, từ Thành Đô đến Bảo Kê, đến Lan Châu, chuyển bán qua ba thành phố lớn, bốn kỹ viện. Tôi, thân nô lệ phải theo họ của chủ nhân, từng có sáu cái tên: Lưu Hồng Chi, Khang Tiểu Muội, Tô Thu Chi, Điền Thanh Đệ, Mã Hương Ngọc, Thù Hương Ngọc. Trong sáu tên này, thời gian gọi tên Khang Tiểu Muội là dài nhất, vì lúc này tôi mười một tuổi tập võ học kịch, trưởng đoàn ban ân, cho tôi giả làm cháu của Khang Tử Lâm thuộc hàng thái sơn bắc đẩu của võ học Tứ Xuyên. Tôi từng tiếp khách là sĩ quan Mỹ, cũng từng tiếp qua nhân vật trọng yếu của Quốc Dân Đảng là Hồ Tông Nam, Mã Bộ Phương. Cuối cùng tôi theo Ngụy Sấu Bằng lớn hơn tôi ba mươi tám tuổi, là thư ký của tướng quân Phùng Ngọc Tường. Từ đó tôi thoát khỏi hầm chông sống đời hoàn lương.
Tháng 8 năm 1949, Lan Châu giải phóng, tôi bước lên bến bờ mới, làm lại con người mới, cũng từ đây tôi chính thức có một cái tên công dân thuộc về mình, trong nước Trung Quốc mới – Khang Tố Trân.
Nhớ lại chuyện cũ, những chị em trong thanh lâu đã tử nạn luôn sống trong lòng tôi. Tôi vừa học văn hóa, vừa tập luyện võ công, tôi muốn tra tìm hung phạm để báo thù cho chị em tử nạn, nhưng tâm nguyện lớn nhất của tôi chính là viết một quyển sách, đem những chuyện bi thảm của chị em chúng tôi viết ra, truyền lại đời sau.
Mùa xuân năm 1951, Sấu Bằng đi Tây An công tác, ông đưa tôi đến những nơi tôi từng chịu khổ: Bảo Kê, Thành Đô để khảo sát thực địa. Ở Tây An, tôi làm quen Điền Cửu Hồng là danh kỹ Tây An mà tôi gọi là cô cô. Cô cô giúp tôi tích lũy tài liệu phong phú hơn cho việc viết sách sau này.
Năm 1957, tôi từ biệt Tây Bắc, theo người chồng đã về hưu trở lại quê hương làng Mộc Điếm, huyện Thúc Lộc (nay là thành phố Tân Tập) tỉnh Hà Bắc.
Thoái ẩn điền viên, vốn muốn luyện võ viết sách, thay đổi nhanh chóng cuộc đời, tôi đến vùng đất công nghiệp Hải Hà, rèn luyện trong lao động gian khổ. Tôi dần mất đi hương thơm và dịu dàng của nữ tính, tay chân tôi trở nên thô kệch. Hàng ngày tôi cùng các dân công vật lộn trong con kênh mới đào, tôi có thể vật ngã hàng mấy thanh niên hai mươi mấy tuổi khỏe mạnh.
Ngày tháng sau này là thời kỳ khốn khó: lũ lụt dìm huyện Thúc Lộc, thiên tai vừa qua, lại gặp phải cách mạng văn hóa.
Tôi và Sấu Bằng cùng chịu đả kích trở thành phản cách mạng, bị nhốt vào chuồng bò. Hơn một trăm ảnh của chị em mà tôi trân quí cất giấu gần như toàn bộ bị Hồng Vệ binh lục xét tịch thu, coi là văn hóa phẩm độc hại, thảy vào lửa đốt. Sấu Bằng bị đàn áp đến nhảy giếng tự tử. Tôi cũng ba lần cải giá, từ Mộc Điếm đến Hình Gia Trang đến Quách Tây. Tôi chịu khổ tận cùng bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Sau đó, tôi kiên quyết ly hôn, may là cán bộ của Quách Tây cho tôi con đường sống, cho tôi làm cấp dưỡng của đội sản xuất, chuồng bò trở thành nhà chính thức của tôi… Mãi đến sau đại hội toàn Tam Trung, tôi mới được giải phóng lần thứ hai. Ngày giờ vừa thong thả, giấc mộng cao xa mà tôi chôn vùi bao năm nay dần dà sống lại trong lòng tôi. Đúng lúc này, tôi nghe người ta đồn rạp phim Tân Tập đang chiếu bộ phim “Vọng hương”, tả lại cuộc sống của kỹ nữ, thế là tôi xin nghỉ phép một ngày vào thành phố xem phim. Quyết tâm viết sách lại sôi sục như núi lửa phun trào, tôi nghĩ rằng chuyện của tôi và các chị em so với “Vọng hương” của Nhật Bản phong phú hơn nhiều lắm, màu sắc hơn nhiều lắm. Người ta có thể quay thành phim, tôi không thể viết một quyển sách sao?
Sau khi về làng, tôi lập tức đến quầy hàng mua giấy bút. Nửa đêm ở trong chuồng bò, bên cạnh ánh đèn dầu leo lét và đám bò ngựa hiền hòa, tôi âm thầm viết lại cuộc đời mình: Tôi không biết viết tiểu thuyết, chuyện xưa theo máu và nước mắt của tôi và các chị em mà chảy ra, khóc khóc viết viết, viết viết khóc khóc. Mặc dù viết đầy chữ sai tôi cũng viết xong mấy quyển lớn. Tôi nhảy lên xe đạp, đạp cả hai mươi lăm cây số, giao bản thảo cho Phòng Văn hóa huyện. Sau đó tôi biết bản thảo ấy như muối liệng vào biển. Tôi lại lần nữa chết cả lòng…
Tháng 5 năm 1985, Liên hiệp Văn hóa thành phố được thành lập (năm 1986 Tân Tập được nâng thành thành phố cấp huyện). Đảng và Chính phủ giúp tôi cầm lại bút. Cấp trên cử người giúp tôi chỉnh bản thảo thành tiểu thuyết. Sự tích tôi “viết sách” từng vang dội một thời và việc người khác chỉnh lý bản thảo giúp tôi biên tập thành tiểu thuyết cũng gây xôn xao mấy năm. Nhưng khi đó tôi không xác định được rốt cuộc ai có thể đem cuộc đời truyền kỳ của tôi viết thành một bộ toàn tập có phong cách thống nhất, chân thực, cảm động lòng người. Mãi đến năm 1995, tôi mới biết hai bộ “Thanh lâu hận” và “Thanh lâu hận tục tập” có ảnh hưởng tương đối lớn. Vương Diên Niên là tác giả chấp bút cho tôi hoàn thành bộ tiểu thuyết này. Tuy ông đã chuyển sang viết trường thiên tiểu thuyết khác nhưng tôi nghĩ mình không thể mất đi người này. Tôi kiên trì trong một tháng viết cho ông ba bức thư. Tôi muốn ông tiếp tục viết toàn tập cho tôi. Đáng tiếc, tôi khổ nhọc viết mười năm, gần hai trăm quyển viết tay của tôi thất lạc trong dân gian tìm lại không được.
Mùa đông năm 1996, tôi u uất thành bệnh. Tôi dự cảm mình sắp làm “láng giềng” của Diêm vương rồi. Tối rất sợ một khi tôi xuôi tay nhắm mắt thì chuyện kể đầy lòng của tôi sẽ chui vào quan tài. Thời gian không cho phép chậm trễ, tôi lập tức nhờ chồng sau của tôi là Dã Hoài Khởi gửi thư cho Vương Diên Niên mời ông đến giường bệnh của tôi. Tôi đem một phần hình ảnh tư liệu quý giá cất giấu bấy lâu giao hết cho ông, ủy thác ông viết toàn tập cho tôi, tuy bản thảo viết tay thất lạc khó tìm lại được nhưng chuyện kể chân thật nhất nằm trong tim tôi. Đối diện với Vương Diên Niên cũng bằng như đối mặt với hàng ngàn hàng vạn độc giả trên xã hội, tôi muốn tố cáo với mọi người, muốn đem cả cuộc đời mình dùng chân tình, dùng nước mắt kể ra, khóc ra, ngâm ra, hát ra…
Mở đầu của câu chuyện chính là năm đại tai nạn mà tôi ra đời.
***
Thảm nạn thình lình của danh hoa Tiền Cửu Hồng tức thời lôi bảng hiệu của Hồng Lâm đảo xuống theo. Mà không chỉ riêng Hồng Lâm đảo, cả con đường Trung Châu cũng trở nên tiêu điều ảm đạm.
Khi thấy Tiền Cửu Hồng bị hủy hoại dung nhan, trong nỗi kinh sợ, cảm thương trong tôi còn tiềm ẩn một cảm giác khoái trá, thích thú. Tôi cho rằng một khi hồng cô nương đứng đầu ngã rồi tất sẽ đến phiên Điền Thanh Đệ tôi làm vua một cõi, phất riêng ngọn cờ độc tôn. Nhưng qua mấy ngày vắng teo khách, tôi mới sâu sắc ngộ ra rằng tôi vĩnh viễn không làm được hồng cô nương hạng nhất. Trước kia, tôi toàn “dựa hơi, ăn theo người ta” để tôn uy phong của mình. Cây đại thụ Cửu Hồng đột ngột trốc gốc, cành nhánh mà tôi bám vào không còn thì tôi chẳng khác chú chim non trong đêm đen ủ rũ tìm tổ, tìm một cây ấm áp để trú thân.
Mấy ngày nghiền ngẫm, hối hận, tôi cảm thấy chị Điền Thanh Hà là người đáng yêu, đáng kính, đáng gần gũi biết bao. Chị có tính cách của người mẹ cao cả, vĩ đại. Chị giống như thứ đất ấm màu mỡ chân chất ở đại bình nguyên Hà Bắc của chị, cung cấp dưa ngọt quả thơm, cao lương, đậu đen, thu nạp hết những ai bỏ ác tùng thiện không chốn dung thân. Điền Thanh Hà chính là quê hương của tâm linh tôi. Trước đây tôi làm nhiều điều có lỗi với chị. Chị không những không báo thù mà khi tôi nhận lỗi chị vẫn coi tôi như đứa em gái ruột thịt. Càng thân thiện tôi càng hiểu Thanh Hà thêm. Chị không phải không có khí chất tốt đẹp. Sở dĩ chị dựa dẫm vào Điền Trưởng Tam vì trong hoàn cảnh ác liệt như vậy có thể nương tựa vào sự bảo hộ của đại thụ này thì có thêm được chút tự do, giữ gìn được bản sắc lương thiện chất phác của bản thân.
Ngày ngày, mỗi sáng sớm, tôi và Thanh Hà một lớn một nhỏ đứng ở ngạch cửa để mong ngóng giùm má Điền, mong chờ Điền Trưởng Tam trở về, nhưng chúng tôi chỉ trông thấy khắp đường bầy quạ đen bay lên đáp xuống tìm thức ăn.
Buổi tối, hai chị em tôi cũng đứng trên ngạch cửa mong ngóng khách đến. Cửu Hồng vừa ngã quỵ, đám khách quý đó liền như bóng chim tăm cá, vắng bặt không còn một người. Những người buôn bán nhỏ trên đường rất ít ai lên dốc bán. Hai chị em tôi đứng thẫn thờ nhìn con đường quạnh quẽ, nhìn lầu cao im lìm mà cảm thấy ảo não. Nhớ lại một năm trước, khi Nghiêm Mạc Lợi, Uyển Ngọc còn sống, mỗi tối Mạc Lợi đứng trước cửa Dao Nguyệt đình cách chỗ này không xa nghêu ngao mấy bài hát dâm đãng, cười lẳng lơ, quậy tưng bừng cả nửa con đường. Hồng Lâm đảo càng nhộn nhịp. Xe hơi sang trọng thường đậu trước cửa. Trên lầu tiếng cười nói, ăn uống rôm rả. Cửu Hồng đàn hát thì mọi người trên con đường đều nghiêng tai lắng nghe, chít lưỡi khen hay. Còn có Uyển Ngọc linh lợi, thơ ngây thường lén chạy đến Trưởng Tam hành viện tìm Thanh Hà. Nó bị uất ức thì đến tìm người chia sẻ; vui vẻ nó cũng đến; không có chuyện gì nó cũng thích đến. Bây giờ, Mạc Lợi, Uyển Ngọc đều đã đến thế giới khác. Hồng Lâm đảo cũng tối đèn không sáng lại nổi nữa. Tôi đau lòng rớm nước mắt. Chị Thanh Hà cũng đưa tay áo lau mắt. Cũng buổi tối này, hai chị em tôi đang lặng lẽ đau lòng rơi nước mắt, bất chợt tôi nhìn thấy dưới dốc có một người mặc quân phục cũ trông như thổ phỉ xăng xái đi về phía bọn tôi.
— Không xong, khâu bát lại đến rồi. – Tôi giật tay Thanh Hà một cái.
Thanh Hà giật mình nhìn vào người đó, bóp chặt bàn tay tôi nho nhỏ trấn an:
— Đừng sợ, có lẽ chỉ có một tên.
Tôi ngầm nắm chặt nắm đấm.
Khâu bát đó đi đến trước mặt bọn tôi thì đứng lại nhưng không lên tiếng. Đôi con ngươi vàng lườm lừ lừ quan sát bọn tôi. Tôi bất giác cảm thấy chán ghét tên này, ngẩng đầu lớn gan nhìn chằm chằm hắn. Tên này thật quá xấu xí. Cái đầu hắn hình tam giác, mặt gầy ốm dài, vóc dáng giống cái thuổng, người ngợm đen đúa, dơ bẩn. Tôi vừa nhìn đã biết hắn không phải người tốt. Thanh Hà cũng chẳng thèm nhìn gã. Trái lại gã đưa đôi mắt mèo nhìn Thanh Ha chăm chú.
Lúc này Cao Bộ Hoa bước xuống lầu vừa thấy người khách này cũng giật thót người, vội đon đả nói:
— Quý khách lần đầu đến đây à? Anh chấm cô nương nào? Đây là Điền Thanh Hà con gái lớn của tôi.
Đây là Điền Thanh Đệ con gái nhỏ của tôi. Chúng nó…
“Cái thuổng” khoát tay, toét hàm răng vàng ệch cười nói:
— Khỏi giới thiệu. Đêm nay tôi mua suất của Điền Thanh Hà.
Tôi vừa thấy nhẹ nhõm vừa bực dọc, không rõ là may mắn hay là đố kị. Cao Bộ Hoa tính tiền suất xong mặt mày tươi rói:
— Hà nhi, còn không đỡ vị huynh đệ này lên lầu.
Thanh Hà thò cánh tay ra. “Cái thuổng” này rất cổ quái xoay người tự mình nghênh ngang bước lên lầu.
Ông khách này quả thật làm người ta chán ghét, người xấu xí mà ra vẻ cao quý. Vừa vào phòng, hắn ngồi lên giường, bắt chéo chân:
— Thuốc đâu?
Thanh Hà lấy trong hộc bàn ra hộp thuốc lá ném cho hắn ta. Hắn cầm thuốc ngước mắt nhìn lên, trong con ngươi đầy vằn đỏ, trán nhăn hằn rãnh sâu. Mày mắt vừa sụp xuống, trán tam giác cũng bằng phẳng. Hắn rút một điếu thuốc cắm vào đôi môi dày khô nứt nẻ:
— Lửa.
Thanh Hà lại ném hộp diêm cho hắn. Hắn bật lửa đốt thuốc rít mấy hơi, kèm theo một cơn ho khùng khục. Cái mặt dài đỏ lừng, ra lệnh:
— Trà, trà đâu?
— Có ngay, có ngay. – Cao Bộ Hoa vội nhấc bình trà.
“Cái thuổng” đưa tay ngăn lại:
— Bảo cô ấy châm.
Cao Bộ Hoa cười giả lả:
— Được, được, hai người vui vẻ. Hà nhi tiếp đãi khách tử tế. – Nói xong bước xuống lầu.
Điền Thanh Hà như cái máy châm trà cho người khách. Đôi mắt mèo rừng lom lom nhìn vào gương mặt đẹp đẽ của Thanh Hà, tủm tỉm cười. Hắn nhấp một ngụm trà, lại cười cười, lại nhấp một ngụm trà. Thanh Hà cúi đầu ngồi trước mặt hắn, bực bội chịu đựng cái nhìn soi mói đó.
— Này, sao cô không cười? Đại ca này đến đây cô phải vui vẻ đón tiếp. Cười cho tôi xem.
Thanh Hà thấy chán ghét nhưng sợ đắc tội với khách thì mang họa nên cố nhẫn nhịn, lạnh nhạt nói:
— Tôi không biết cười.
“Cái thuổng” lại nhướng đôi mày xám lên, chảy xệ gương mặt dài:
— Ê, trên đời có ai mà không biết cười?
— Tôi không biết. – Thanh Hà đáp.
“Cái thuổng” như trâu rồn rột rồn rột uống sạch tách trà. Hắn đưa móng tay dài dài búng lách cách vào tách, đùa cợt:
— Cô nàng xinh đẹp như vậy mà không biết cười. Hỏng bét! Hôm nay đại ca này phải dạy cô cười. Tôi có thuốc tiên để cười, cô tin hay không?
Thanh Hà cũng muốn trêu lại, ngẩng mặt lên nói:
— Vậy tiên sinh bảo tôi cười thử xem.
— Được. – “Cái thuổng” đặt tách trà xuống, đứng lên nói – Tôi niệm chú, chỉ nói hai tiếng thì cô sẽ cười.
Thanh Hà có hứng thú, truy hỏi:
— Nếu tôi không cười thì sao?
“Cái thuổng” móc ra mấy tờ tiền giấy ném lên giường, nói:
— Nếu cô không cười được thì tiền này của cô. Tôi lập tức đi ngay.
Thanh Hà cũng đứng phắt dậy, nói:
— Tốt, một lời đã định, vậy chúng ta thử xem.
— Thử, thử, trước tiên cô đừng quấy rối tôi. Tôi niệm mấy câu thần chú sẽ nói hai tiếng đó. – “Cái thuổng” quay người qua, giơ một bàn tay đặt trước ngực, miệng lầm rầm không biết lẩm nhẩm cái gì.
Thanh Hà bình thản ngồi xuống, lòng nghĩ: Khâu bát bọn bây khiến người ta căm hận muốn chết, còn muốn làm người ta cười sao?
“Cái thuổng” chậm rãi lầm rầm niệm. Hắn đứng như tượng gỗ một lát, đột nhiên quay cái đầu tam giác qua:
— Hồng Bảo!
Thanh Hà giật mình, đứng bật dậy lắp bắp:
— Ông… ông gọi ai?
Đôi mắt mèo rừng nhìn chằm chằm:
— Tôi gọi cô, Hồng Bảo.
— Ai la Hồng Bảo?
— Cô, Hồng Bảo của Yến Tử Nhai, Hà Bắc.
Thanh Hà vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, hỏi:
— Ông là ai tại sao biết tên tộc của tôi?
“Cái thuổng” cười lớn rồi sầm mặt ngồi xuống, nói:
— Cô cười cho tôi, gọi tôi một tiếng Cảnh đại ca tôi mới nói cho cô biết.
Tim của Thanh Hà bắt đầu đập loạn. Chị nhìn Cảnh đại ca, cảm thấy ông ta biến thành đẹp trai: mái tóc hung hung đó biến thành bồng bềnh, cái mặt hình tam giác thô đen đó biến thành chất phác cương liệt, đôi mắt mèo vàng biến thành đặc biệt, nói năng thô kệch là đùa cợt sảng khoái. Chị bật cười, cười rất đẹp, mắc cỡ gọi:
— Cảnh đại ca.
Mời các bạn mượn đọc sách Thanh Lâu - Tập 2 của tác giả Vương Diên Niên.