Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Người Đến Từ Mariupol

Trong bức ghép hình mang tên châu Âu thế kỷ 20, có một mảnh sử rời không ai muốn nhắc. Một mảnh sử rời chính người trong cuộc cũng muốn xóa đi. Đó là là lịch sử của hơn năm triệu lao động cưỡng bức người Đông Âu trong Thế chiến II. Thân phận của họ trở thành một vết nhơ mà quốc gia nào cũng muốn chối bỏ. Cố quốc coi họ là kẻ phản bội, cúi đầu đi làm nô lệ cho kẻ thù. Nước Đức, quốc gia trở nên hùng mạnh một phần nhờ mồ hôi và máu của “đám công nhân Miền Đông,” chỉ coi họ là những con vật người, sinh ra để bị bóc lột sức lao động đến hơi thở cuối cùng, trong điều kiện không hơn gì trại tập trung. Người đến từ Mariupol là khúc bi ca về một cuộc chiến nhỏ đã bị nhấn chìm trong cuộc chiến lớn: cuộc chiến giành lấy sự sống và đòi lại quyền được làm người.

***

Câu chuyện hấp dẫn bởi tác giả Natascha Wodin như kéo độc giả cùng tham gia một cuộc thám hiểm trong thế giới Internet, cùng lần mò với bà từ những đầu mối mong manh về người mẹ của nhân vật xưng tôi Natalia Nikolajevna. Mẹ của bà, người phụ nữ Ukraina, một nạn nhân chiến tranh bị dồn đuổi đến Đức, bị cưỡng bức lao động và sống một cuộc đời lưu lạc. 11 năm sau Thế chiến 2, bị "bỏ quên" tại vùng đất thuộc Tây Đức, sống trong một khu vực dành cho những người lưu vong đầy cô độc, người mẹ ấy đã gieo mình xuống sông Regnitz ở tuổi 36 chẳng để lại gì ngoài cái tên Jevgenia Jakovlevna Ivashtschenko, đến từ vùng Mariupol.

Nhân vật tôi đã lần lại gốc tích của mẹ mình khi thử gõ tên bà trên Internet mà chính bà cũng nghĩ rằng “gõ cho vui vậy thôi”. Sau đó tình cờ, bà được một người đàn ông chuyên kết nối các hồ sơ sau chiến tranh của vùng Mariupol nơi mẹ bà ra đi, có tên Konstantin, giúp đỡ. “Trong trí nhớ tôi, mẹ chỉ thấp thoáng như một cái bóng, như một cảm giác mơ hồ thì đúng hơn là một kỉ niệm”. Nhưng qua từng trang sách, sự mơ hồ ấy dần được hiện hình, dù ngoài họ tên mẹ, bà chẳng biết gì thêm về người sinh ra mình. Vùng đất Mariupol trong những biến động thăng trầm của lịch sử đã được tái hiện trong kí ức của từng nhân vật thân nhân mà Natalia Nikolajevna tìm thấy trong quá trình lần về nguồn cội. Câu chuyện cứ nở ra dần, mở ra dần, từ chỗ tưởng như vô vọng, bằng một cách kì diệu đã từ từ sáng rõ. Dòng họ Jakovlevitsch Ivashtschenko khi xưa tan tác với những số phận bị cơn địa chấn long trời trước Thế chiến trong cơn vặn mình từ chế độ quân chủ đi lên Chủ nghĩa xã hội đánh bật đi muôn nơi, trải dài khắp dải đất Xô viết rộng lớn, đến những đất nước xa xôi, và đặc biệt là trong lòng nước Đức, kẻ thù trong chiến tranh với Liên Xô, đất nước thuộc phe phát xít bị thua sau Thế chiến. Câu chuyện bắt đầu từ những năm nội chiến trên lãnh thổ Liên bang Xô Viết, cụ thể tại đất nước Ukraine với những thế hệ trước của người mẹ nhân vật. Trong những đối cực chính trị, những xoay chiều đổi thế tại thị trấn nhỏ Mariupol khiến các giá trị, những đúng sai lộn nhào, và mỗi phận người như gió bụi, có những thân phận rơi vào cảnh lạc lõng giữa hai chiến tuyến, ở tình thế này có thể đang là người may mắn, nhưng ngay sau đó, khi chính trị đổi ngôi thì lập tức lại thành những tội phạm chiến tranh, kẻ thù của dân tộc phải xử tử hoặc lưu đày. Tiếp đó những nhân vật bị cuốn vào Thế chiến 2. Một trong những nhánh rẽ của dòng xoáy ấy với một số người là lựa chọn lưu vong cay đắng nơi đất khách quê người, như mẹ của Natalia Nikolajevna.

Theo hành trình tìm kiếm của nhân vật tôi, mỗi mảnh vụn thân phận của dòng họ năm xưa văng đến những phương trời mang theo những kí ức của chung, của riêng. Người bác Sergey là nghệ sĩ phục vụ trong Hồng quân Liên Xô, bác Lidia làm giáo viên, từng bị kết án trong một vụ án chính trị. Con cái của họ mỗi người đã tiếp nhận và "thừa kế" những di chứng của thế hệ trước. Sau cuộc chiến, họ như những miệng núi lửa đã ngưng hoạt động, trên bề mặt lạnh lùng sần sẹo là những kí ức bị kẹp chì bởi lí do chính trị: “Hồi ấy, cũng như cả hàng chục năm về sau, có họ hàng với một người như mẹ tôi là rất nguy hiểm, với một người rất có thể đã tình nguyện để bị bắt lùa sang Đức, hoặt chí ít cũng đã không tìm cách trốn, thậm chí cùng đường còn phải tự sát - như Stalin vẫn đòi hỏi những người ái quốc chân chính phải tự hi sinh như thế - để dứt khoát không sang Đức làm nô dịch cho quân thù. Hồi ấy, người ta tránh không cho con cái mình biết đến những bà con thân thích bị liệt vào hạng phản quốc như mẹ tôi, bởi vì, ai mà muốn con cái mình mang vạ vào thân chứ”. Bởi thế mà những kí ức về những người thân như cha mẹ của Natalia Nikolajevna thường bị chôn kín hoặc đứt gẫy với các thế hệ sau. Phần lớn trong số họ cho đến thời điểm câu chuyện được dựng lại đã mang những bí mật về thế giới bên kia.

Bảy mươi năm sau Thế chiến thứ 2, những nạn nhân chiến tranh đã lùi dần vào dĩ vãng, những người thuộc thế hệ thứ hai cũng đã đi đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, nhưng những tổn thương thì dường như vẫn âm ỉ cháy đâu đó trong mỗi gia đình, mỗi phận người. Họ đã ở lại như những nhân chứng cuối cùng, ghi lại những tiểu biên bản, bổ sung vào bộ dữ liệu khổng lồ về chiến tranh bằng những số phận con người. Người mẹ của nhân vật Natalia Nikolajevna, người đã buộc phải li hương đầy cay đắng, chắc hẳn đã nghĩ về nơi cội rễ với những ám ảnh kinh hoàng, và dù cuộc chiến tranh thế giới đã kết thúc cũng không có nghĩa là sự lưu lạc dừng lại, bởi bà không còn có thể cũng như không có lí do để quay về, như sự ngộ ra bi kịch thê thảm của mẹ mình của nhân vật tôi, cũng là tác giả: “Cuộc đời của một kẻ lạ trên đất Đức có lẽ không có gì là mới mẻ đối với mẹ tôi, mà đúng ra, chỉ là sự kéo dài thêm kiếp đời bà từng nếm trải mà thôi. Hóa ra, tự bao giở bao giờ đến nay tôi đã hiểu sai về mẹ tôi. Mẹ vốn không phải là người bị bẩy rễ khỏi quê hương, mà ngay từ đầu bà đã là kẻ vô quê hương, không gốc nguồn, không cội rễ, một kẻ tha hương ngay từ lúc mới mở mắt chào đời”.

Bìa sách đề thể loại là tiểu thuyết, nhưng câu chuyện và những bức ảnh các nhân vật sau đề mục bắt đầu mỗi phần đều cho thấy đó là một câu chuyện có thật. Một tiểu thuyết phi hư cấu thành công, như con đường mà một nữ tác giả khác cũng thuộc Liên bang Xô viết trước đây, Liên bang Nga sau này, Svetlana Alexievich, người Belarus, đã đi và giành được vinh quang văn chương với giải Nobel 2015, tác giả của Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ, Những nhân chứng cuối cùng. Ở Natascha Wodin, bà đã đi xa hơn Svetlana Alexievich khi đã xử lí tư liệu một cách nhuần nhuyễn trong một câu chuyện miên viễn trải dài trong một không gian rộng lớn, thời gian kéo dài gần cả trăm năm. Điều thú vị là song song với tư liệu, tác giả đã để nhân vật thả trí tưởng đi xa nhất trong những hình dung, dự đoán về mẹ, tự vẽ ra, tự suy đoán, đưa ra những giả thuyết về cuộc đời của mẹ mình cùng những người thân của bà, mà những giả thuyết, suy đoán, những tình huống ấy chắc hẳn có thể đúng với nhân vật, hoặc đúng với bất kì một phận người nào trong cơn lốc xoáy của chiến tranh trong số hàng triệu công nhân miền Đông trên đất Đức.

Cuốn tiểu thuyết tư liệu pha trộn yếu tố trinh thám này đã khiến độc giả hồi hộp cùng tác giả lần theo cây phả hệ của gia tộc bên ngoại của nhân vật tôi với những kịch tính nhẹ nhàng. Tưởng như vô tăm tích bởi sự lưu lạc theo dòng cuốn tàn khốc của chiến tranh, thế nhưng sự bám víu theo những thông tin mơ hồ trong tiện ích công nghệ của thời đại, khi mà mọi thứ được hòa mạng Internet, câu chuyện được bóc tách, hé lộ từng lớp trên một lối đi chênh vênh giữa khoa học và tâm linh, giữa lí trí và tình cảm, giữa sự mù mờ và sáng rõ.

Chiến tranh không ở phía những người ra trận cũng tàn khốc và làm biến dạng biết bao cuộc đời, bẻ lái biết bao số phận. Natascha Wodin đã trả được món nợ quá khứ của mẹ bà, chạm vào trái tim của người đọc với sự đồng cảm sâu sắc. Giống như bác Lidia của bà, người đã vượt qua tất cả những cực hình nơi nhà lao, sự cưỡng bức, hãm hiếp, những hình phạt lao động khổ sai nơi rừng thiêng nước độc, đã vẫn sống, sống để làm nhân chứng cho những gì đã trải qua. Năm mươi năm sau, khi đã ở tuổi tám mươi, bà Lidia đã viết lại những gì đã trải dưới dạng hồi kí vào hai tập vở. Để rồi như một dự báo, nó tưởng như đã bị chôn vùi, quên lãng thì người cháu từ nước Đức sau khi tìm kiếm, chắp nối các mối quan hệ rời rã phập phù đã lần ra manh mối, có được chúng để dựng lại câu chuyện về một góc tối tăm của Đế chế Nga trước đây trong cơn vặn mình lịch sử với những vinh quang và đớn đau của một dân tộc vĩ đại.

Với giọng văn nữ tinh tế cùng thái độ khách quan với lịch sử, có thể nói Natascha Wondin đã bay lượn đầy cảm xúc trên nền tư liệu, dung hòa giữa lí trí và tình cảm để gọi hồn cuộc chiến, gọi tên những khuất lấp lịch sử. Có lẽ đây là lí do khiến các nhà phê bình và những người tổ chức hội sách Leipzig tại Đức đã coi cuốn sách này là "một cuốn tiểu sử có những yếu tố của sự hư cấu nghệ thuật". Đọc Người đến từ Mariupol thấy rằng, điều tệ hại nhất của chiến tranh là nó đã bóp chết tâm hồn con người một cách vĩnh viễn. Hoá ra cuộc chiến ấy, sau gần tám mươi năm vẫn còn những sợi dây kết nối đâu đó ở những người của hôm nay, mơ hồ hay hiện hữu là do cách mà mỗi người ứng xử với nó mà thôi.

“Nhiều năm nay rồi, tôi bỏ công cố tìm một cuốn sách nào đó viết về những công nhân dạo xưa từng bị cưỡng bức lao động, tức là cố tìm cho ra một tiếng nói văn học về họ để bấu víu dựa dẫm, nhưng đều vô ích. Nạn nhân sống sót từ các trại tập trung trở về đã viết nên hàng loạt các tác phẩm văn chương mang tầm quốc tế, sách họ viết về nạn diệt chủng đối với người Do Thái xếp đầy các thư viện, thế nhưng, những công nhân không phải Do Thái hồi đó bị bắt đi cưỡng bức lao động lại im lặng, chẳng ai viết lách gì”, đó là một đoạn tự sự của nhân vật Natalia Nikolajevna trong tác phẩm và có lẽ cũng là của tác giả. Phải chăng đó cũng là lí do mà Người đến từ Mariupol khi ra đời đã được đánh giá cao tại Đức. Cuốn sách đã giành được một số giải văn chương tại đất nước này như Giải thưởng văn học Alfred Döblin, Giải thưởng Hội chợ sách quốc tế tại Leipzig (CHLB Đức) năm 2017.

***

Được giới thiệu là cuốn sách về thân phận 5 triệu người Đông Âu bị biến thành lao động cưỡng bức ở nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ II nhưng mảng truyện hấp dẫn hơn, bi thương hơn, chiếm nhiều trang sách hơn lại là viết về họ dưới một thể chế toàn trị. Là lao động cưỡng bức, họ bị phát xít bóc lột, tra tấn, tàn sát, sự ghê rợn cả thế giới đều biết từ lâu. Nhưng ngay trong và sau chiến tranh, họ bị cố quốc coi là kẻ phản bội, hợp tác với quân thù. Rồi sau chiến tranh, phải cư trú ngay trong lòng nước Đức thua trận, họ còn bị người Đức bản địa kỳ thị, tẩy chay, bức hại, vì bị coi là thuộc phía kẻ thù gây ra thảm họa.
Nhưng cuộc sống ngục tù trần gian còn xảy ra trước cả khi họ bị lừa phỉnh trở thành người lao động, phải rời bỏ quê hương để sang nước Đức phát xít. Một lịch sử đau thương được gỡ dần ra ở Ukraine, trải dài từ sau cách mạng, sang nội chiến ở Liên Xô, cho đến khi bị phát xít Đức bao vây trong Chiến tranh thế giới thứ II. Như đã nói, đây là mảng truyện lôi cuốn nhất, được đào xới sâu sắc nhất và lay động tâm can nhất.

Đọc Người đến từ Mariupol, người ta cùng lúc nhớ đến hai tác giả đoạt giải Nobel văn chương. Đặt bên Aleksandr Solzhenitsyn (Nobel 1970), câu chuyện của Người đến từ Mariupol sâu đậm hơn và gây chấn động hơn nỗi trần ai ở quần đảo Gulag. Đặt bên những thiên phóng sự của Svetlana Alexievich (Nobel 2015, Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ, Những nhân chứng cuối cùng), vốn là những bản gỡ băng phỏng vấn được sắp xếp có hàm ý, thì khả năng tổng hợp và chọn lọc tư liệu của Natascha Wodin gây ấn tượng hơn. Tác giả thể hiện một phương pháp điều tra báo chí rất tinh xảo và chính xác, đồng thời bộc lộ trí tưởng tượng phong phú trên nền tư liệu. Câu chuyện của đại gia đình, từ ông bà cha mẹ, chú bác cô dì cho đến những người em, đứa cháu, chỉ từ tư liệu mà được trí tưởng tượng của tác giả tái hiện và bóc gỡ đến tận cùng.

Phương pháp điều tra, trí tưởng tượng cộng với nhập thân hết mình vào nhân vật là những yếu tố nổi bật ở tác giả, khiến người đọc có lúc say mê đến mức thấy mình có thể đồng nhất và rung cảm với những số phận trong sách. Tác phẩm đã tạo ra một sự kiện văn chương ở CHLB Đức, đoạt giải thưởng của Hội chợ sách quốc tế Leipzig năm 2017 và Giải thưởng văn học Alfred Döblin…

Hồ Anh Thái

***

Nữ nhà văn Natascha Wodin sinh ra tại Fürth, bang Bayern CHLB Đức, trong một gia đình hai vợ chồng người Ukraine (thuộc Liên bang Xô viết trước đây) bị bắt sang Đức quốc xã làm nhân công lao động cưỡng bức năm 1944. Một năm sau, năm 1945 - cũng là năm kết thúc Thế chiến thứ 2 - Natascha Wodin được sinh ra. Bà lớn lên trong các trại dành cho người di cư trước khi chuyển vào ở nội trú tại một trường nữ sinh trực thuộc Giáo hội Thiên chúa giáo cho đến khi trưởng thành. Bà sinh sống và làm việc tại Đức. Sau khi tốt nghiệp trường chuyên ngữ, bà chuyển sang viết văn và biên dịch. Người đến từ Mariupol xuất bản bởi Nxb Hội Nhà văn, Tao Đàn phát hành, tác phẩm do Hoàng Đăng Lãnh dịch.

Mời các bạn mượn đọc sách Người Đến Từ Mariupol của tác giả Natascha Wodin & Hoàng Đăng Lãnh (dịch).