Nàng phù thủy thành Florence (Nguyễn Thị Hiền Thảo dịch - Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) là tiểu thuyết thứ tám của Salman Rushdie. Ông không chỉ được biết đến với giải Man Booker năm 1981 cho cuốn tiểu thuyết Những đứa trẻ lúc nửa đêm, mà còn nổi tiếng vì bị giáo chủ Iran Khomeini kết án tử hình vắng mặt, với lý do cuốn tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan (1988) của ông được cho là xúc phạm sâu sắc đến giới tăng lữ Hồi giáo.
Trong bài phỏng vấn được Lévai Balázs thực hiện, Salman Rushdie có nói rằng: “Tách câu chuyện ra khỏi văn học là một nhầm lẫn”, và “phản xạ đầu tiên của tôi là không làm cho độc giả chán” (Thế giới là một cuốn sách mở, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học). Có lẽ đối với ông, câu chuyện luôn nằm ở vị trí trung tâm của văn học. Ðiều này trái với xu hướng gạt bỏ vai trò trọng yếu của cốt truyện ra khỏi tác phẩm mà ta thường thấy trong tự sự hiện đại. Salman Rushdie không xây nên một cốt truyện mỏng mảnh, rồi bồi đắp cho tác phẩm bằng những miêu tả, ghi chép, bình luận phong phú, mà ông chủ trương chỉ kể những câu chuyện và từ đó tác phẩm ra đời. Cuốn Nàng phù thủy thành Florence có hàng chục câu chuyện lớn nhỏ như thế khác nhau, tạo nên một thế giới chuyện kể phong phú và huyền ảo, pha lẫn sắc màu Ðông - Tây.
Tự nhận là một nhà văn được cả hai thế giới Ấn Ðộ và Anh chấp nhận, Salman Rushdie dựng nên phông nền cho cuốn tiểu thuyết thứ tám của mình bằng chính chất liệu của hai thế giới ấy. Florence thời Phục hưng và đế chế Mughal nằm trên tiểu lục địa Ấn Ðộ thế kỷ thứ 16 - thời kỳ rực rỡ của văn học, nghệ thuật và tôn giáo.
Cuốn sách kể hai câu chuyện chính song song nhau, bên cạnh hàng loạt câu chuyện khác. Ðó là cuộc phiêu lưu của nàng công chúa Qara Köz thuộc vương triều Mughal. Ðó còn là cuộc sống của ba người bạn từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành tại Florence. Mỗi người mang một niềm tin khác nhau vào cuộc đời. Nổi bật và là yếu tố gắn kết hai câu chuyện là sức sống của nàng công chúa thất lạc Qara Köz. Nàng bắt đầu ra đi khỏi một vùng đất, chu du khắp nơi để rồi xuất hiện lại tại chính vương quốc mà nàng đã từ bỏ sau quãng thời gian dài, trong một hình thái khác. Song trong suốt cuộc hành trình đầy biến động đó, tâm trí nàng vẫn chỉ đắm chìm trong một thế giới khép kín, bất biến của tự do, tình yêu và sự khát khao nhục thể.
Sự xuất hiện của Niccolò Machiavelli (1469-1527) là một trong những chi tiết lịch sử có thật được nhắc tới trong cuốn tiểu thuyết này. Song ông không chỉ được nhìn nhận là một nhà ngoại giao, triết học chính trị, tác giả của cuốn sách Quân vương mà còn là một con người với những khát khao thông thường nhất. Ðiển hình là lòng ngưỡng mộ và tình yêu ông dành cho Qara Köz
Cùng với Haroun và biển truyện đã được xuất bản trước đây tại VN, Nàng phù thủy thành Florence một lần nữa chứng tỏ Salman Rushdie luôn là người biết kể những câu chuyện dài theo một cách rất đặc biệt, đầy hào hứng và tràn ngập bất ngờ..
***
Nàng phù thủy đầy mê hoặc của Salman Rushdie
Một người đàn bà gần như không có thật nhưng lại mê hoặc được vị quân vương anh minh bậc nhất. Đôi khi một dung nhan tuyệt mỹ không tồn tại trong một hình hài cụ thể…
Tên sách: Nàng phù thủy thành Florence
Tác giả: Salman Rushdie
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Salman Rushdie đưa chúng ta đến vương triều Mughal - một vùng đất giàu có và quyền lực bậc nhất. Ở đó có Akbar đại đế, đấng minh quân được cả vương quốc tôn sùng. Ông là một vị vua luôn bị dằn vặt bởi những câu hỏi đầy triết lý của chính mình. Tâm trí Akbar luôn bị bủa vây bởi sự lo sợ về những tai ương sẽ xảy đến với một bậc quân vương. Nhưng sâu thẳm bên trong vị vua đầy quyền lực này là gì? Câu trả lời chỉ có một: sự cô độc.
Một người đàn ông có tất cả những vật chất xa hoa nhưng chẳng có lấy một ai để chia sẻ. Một người đàn ông có trong tay những người phụ nữ đẹp nhất nhưng chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Quyền lực đã trở thành một vật cản để Akbar mở lòng mình. Chính sự cô đơn trong hào nhoáng này đã khiến vị hoàng đế quyền uy phải tự thỏa mãn bằng một mỹ nhân do chính mình tưởng tượng ra. Đó chính là một người phụ nữ không chỉ có dung nhan xinh đẹp mà còn biết vẽ hình xăm, ca hát và nhảy múa… Người phụ nữ không chỉ làm cho Akbar mê đắm mà khiến cho tất cả đàn ông trên thế gian này đều phải khuất phục trước vẻ đẹp của nàng.
Bằng âm mưu đầu độc cả đoàn thủy thủ đến từ Anh Quốc, tên lừa đảo Niccolò Machivavell đã đến vương quốc Mughal với cái tên Mogor dell'Amore. Hắn là đứa con của thành Florence thời kỳ cực thịnh, một tên tinh ranh bậc nhất. Bất cứ điều dối trá nào cũng có thể được nói ra từ miệng của hắn. Đó là con người chỉ bằng khả năng ba hoa và lừa phỉnh của mình mà từ một đứa trẻ mồ côi bơ vơ đầu đường xó chợ leo lên được chiếc ghế cao quyền lực và làm cho kẻ khác phải điêu đứng. Đặc biệt hắn là kẻ dâm đãng điên cuồng. Hắn luôn bị ám ảnh bởi vẻ đẹp thể xác của phụ nữ, dẫu đó là một ả gái điếm trong nhà thổ. Do sự sắp đặt tài tình của thượng đế hay chỉ là điều tình cờ mà hai người đàn ông đã gặp nhau và kể cho chúng ta nghe câu chuyện về nàng phù thủy thành Florence.
Phù thủy thành Florence thực chất là ai? Mỹ nhân tuyệt sắc chính là sự pha trộn giữa La Fiorentina - ả gái điếm xinh đẹp nhất thành Florence và Qara Koz - nàng công chúa quyến rũ mang dòng dõi Thành Cát Tư Hãn đã bị thất lạc nhiều năm. Nhờ miệng lưỡi khôn lường của Niccolò mà hai người phụ nữ đã hợp thành một. Và mỹ nhân tuyệt sắc này đã xoa dịu trái tim cô đơn của hoàng đế, giúp một tên tha phương giảo hoạt nắm trong tay quyền lực.
Dù là vương triều Mughal, hay thành Florence thì đó đều là nơi đàn ông làm chủ. Ở đó, bề ngoài phụ nữ được yêu chiều, được ngưỡng mộ, được theo đuổi; nhưng thực chất họ chỉ bị sở hữu chứ không được yêu. Đàn ông chỉ coi phụ nữ là công cụ để thỏa mãn những đam mê thể xác và thói quen sở hữu của mình. Những người đàn ông luôn nghĩ họ có thể điều khiển được người phụ nữ. Nhưng họ đã nhầm! Những con người thông minh nhưng độc đoán ấy, đã lún quá sâu vào dục vọng không tưởng. Để rồi nàng phù thủy của thành Florence đã chế ngự họ một cách khéo léo. Những người đàn ông đã tự rơi vào cái bẫy do họ tự đặt ra mà vẫn tưởng rằng mình là người thắng cuộc.
body-2-9211-1396949276.jpg
Tác giả Salman Rushdie.
Nàng phù thủy thành Florence là một tiểu thuyết mang nhiều yếu tố tình dục nhưng không hề dung tục. Nó đưa người đọc vào sâu hơn nữa phần "người" trong mỗi chúng ta. Lấy bối cảnh là vương quốc Mughal của Ấn Độ và thành Florence của Italy - hai trung tâm tôn giáo lớn của đạo Hindu và đạo Thiên Chúa giáo. Tác phẩm đã tạo nên một không gian tôn giáo và văn hóa đa màu sắc. Tiểu thuyết là sự giao thoa không gian văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Ở đó, ta bắt gặp những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của Ấn Độ như: nghệ thuật dùng hương liệu, nghệ thuật vẽ hình xăm và những điệu múa đầy mê hoặc.
Lấy bối cảnh là hai "mảnh đất thánh", không gian truyện đậm màu sắc tôn giáo. Ta có thể cảm nhận được sự sùng kính của những con chiên ngoan đạo với Đức tin của mình. Được đặt trong một không gian văn hóa độc đáo nên những điều Salman Rushdie muốn chuyển tải đến độc giả không chỉ là nhục cảm bình thường.
Là một nhà văn tài năng, Salman Rushdie dám sống hết mình vì văn chương. Ông đã đoạt giải Booker của Anh vào năm 1981 cho tác phẩm Midnight's children (tạm dịch: Những đứa con của nửa đêm). Do quan điểm táo bạo về tôn giáo, ngày 14/2/1989 ông bị kết án tử hình vắng mặt. Rushdie được nước Pháp trao tặng Huân chương văn học nghệ thuật vào năm 1999 và Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vào tháng 6/2007 vì sự nghiệp văn chương. Tuy còn nhiều đánh giá trái chiều về đóng góp của ông cho văn học, nhưng không thể phủ nhận Rushdie là một trong những tác gia văn chương đáng kể hiện nay.
Quỳnh Anh
***
Trong tia sáng cuối cùng của ngày hôm ấy, mặt hồ lấp lánh dưới kinh thành như biển vàng nung chảy. Một lữ khách thả bước lối này trong hoàng hôn - lữ khách ấy, bấy giờ, thả bước lối này, dọc con đường ven hồ - tưởng đâu mình đang đến gần ngai vàng của vị quốc vương giàu có hoang đường đến mức có thể cho phép trút một phần kho báu của mình vào một cái hố khổng lồ trong lòng đất khiến cho khách khứa của ngài lóa mắt và kinh sợ. Lớn bằng cả một hồ vàng, nhưng chắc hẳn chỉ là một giọt nước nhểu ra từ biển của cải còn lớn hơn nữa - trí tưởng tượng của người lữ khách không thể nắm bắt được tầm vóc mẹ đại dương! Cũng không có người lính canh nào bên mé hồ nước vàng; phải chăng nhà vua hào phóng đến mức cho phép mọi thần dân của mình, có lẽ cả những người xa lạ và những vị khách như chính người lữ khách đây, được thoải mái múc lấy thứ tặng vật lỏng từ dưới hồ? Quả thật có một ông hoàng trong số mọi người, tên gọi là Prester John. Vương quốc của chàng nay đã mất, toàn những bài ca và truyền thuyết, hàm chứa những điều không thể tin được. Có lẽ (người lữ khách phỏng đoán) đài phun nước thanh xuân vĩnh cửu nằm bên trong những bức tường thành - hay biết đâu ngay cả cánh cửa trong truyền thuyết dẫn đến Thiên dường trên Mặt đất cũng ở đâu đấy cận kề tầm tay? Nhưng sau đó mặt trời lặn dưới chân trời, khối vàng chìm xuống dưới mặt nước, biến mất. Các nhân ngư và mãng xà lại canh gác nó cho đến khi ánh sáng ban ngày trở lại. Từ giờ cho đến lúc ấy, kho báu duy nhất mời gọi sẽ chỉ là nước hồ, tặng vật mà người lữ khách khát bỏng chấp nhận đầy biết ơn.
Người khách lạ đi trên một cỗ xe bò, nhưng thay vì ngồi trên những tấm đệm xù xì trên xe, y lại đứng như một vị thần, một tay hờ hững bám vào tay vịn của khung gỗ mắt cáo chiếc xe. Chuyến đi bằng xe bò hoàn toàn không êm ả, cỗ xe hai bánh lắc lư xóc nảy theo nhịp bước của con vật, tùy theo cả sự thất thường của mặt đường phía dưới. Một kẻ đứng trên xe có thể dễ dàng ngã gãy cổ. Tuy nhiên, lữ khách vẫn đứng, vẻ bất cẩn và hài lòng. Người đánh xe từ lâu đã không còn quát tháo y nữa, ban đầu anh ta cho gã xa lạ này là kẻ gàn dở - nếu hắn muốn chết trên đường thì kệ hắn, chẳng người nào ở cái đất nước này thương tiếc! Tuy nhiên, không lâu sau, thái độ dè bỉu của người đánh xe nhường chỗ cho sự ngưỡng mộ đầy ác cảm. Người này có thể hơi ngốc nghếch thật, nhưng ta có thể nói mà không sợ quá lời rằng y có gương mặt gã khờ quá đẹp và mặc bộ quần áo gã khờ không phù hợp - một chiếc áo choàng chắp vá từ những mảnh da nhuộm màu hình quả trám, trong tiết trời nóng như thế! Nhưng tài giữ thăng bằng của y thì không chê vào đâu được, thật đáng kinh ngạc. Con bò đực bước đi khó nhọc, bánh xe va phải ổ gà, vào đá, vậy mà người đang đứng ấy hầu như không lắc lư, và bằng cách nào đó vẫn tỏ ra phong nhã. Một gã khờ phong nhã, người đánh xe nghĩ, hay có lẽ không khờ khạo chút nào. Có thể là kẻ nào đó đáng cho ta trông cậy. Giả sử y có lỗi, thì ấy là lỗi cố gắng không chỉ là chính y mà còn là màn trình diễn của y, vả chăng, người đánh xe nghĩ, xung quanh đây mọi người đều phần nào như thế, vì vậy suy cho cùng người này không hoàn toàn xa lạ với bọn ta. Khi lữ khách bảo rằng y khát, người đánh xe bỗng thấy mình đi đến bờ nước múc một cốc bằng quả bầu rỗng đánh bóng, đoạn giơ ra cho khách lạ uống, hệt như thể y là một quý tộc xứng đáng được người ta hầu hạ.
“Anh cứ đứng đó như ông lớn, còn tôi chạy nháo nhào theo yêu cầu của anh,” người đánh xe nhíu mày nói. “Tôi không hiểu sao mình đối xử tốt với anh vậy. Ai cho anh cái quyền ra lệnh cho tôi? Anh là ai nào? Không phải một quý tộc, cái đó thì chắc rồi, nếu không thì đã chẳng ở trên cỗ xe bò này. Nhưng vẫn có cái vẻ ta đây ở anh. Vậy có lẽ anh thuộc loại du côn du kề.” Người kia vục vào quả bầu để uống. Nước trào qua khóe miệng vương vào chiếc cằm cạo nhẵn giống như bộ ria bằng chất lỏng. Lúc lâu sau, y trả lại quả bầu rỗng, thở dài hài lòng, lau nước dính ở ria. “Tôi là ai?” y nói, như thể đang nói một mình, nhưng lại dùng ngôn ngữ của chính người đánh xe. “Tôi là người có một điều bí mật, và điều bí mật đó là gì, chỉ có tai của hoàng đế mới nghe thấy được.” Người đánh xe chắc mẩm: gã này khờ thật rồi. Không cần phải kính cẩn với y nữa. “Cứ giữ lấy bí mật của anh,” anh ta nói. “Chúng chỉ dành cho trẻ con, và gián điệp.” Người lạ xuống xe bên ngoài trạm nghỉ dành cho khách lữ hành, nơi mọi hành trình bắt đầu và kết thúc. Y cao đến lạ và xách theo một cái túi may bằng vải thảm. “Và cho các thầy phù thủy,” y nói với người đánh xe bò. “Cho cả các tình nhân. Và những vị vua.”
Ở trạm nghỉ, đâu đâu cũng ồn ào, náo nhiệt. Gia súc được chăm sóc: ngựa, lạc đà, bò đực, lừa, dê, trong khi thú hoang chưa thuần thì chạy loạn xạ: bọn khỉ kêu choe chóe, lũ chó chẳng phải thú cưng của ai. Đám vẹt la hét inh tai bay ùa ra như pháo hoa xanh trên bầu trời. Thợ rèn đang làm việc, cả thợ mộc cũng thế, còn trong các cửa hàng tạp hóa khắp bốn phía quảng trường rộng lớn, những người đàn ông chắc nịch lực lưỡng tính toán trù liệu hành trình, mua tích trữ đồ tạp hóa, nến, dầu, xà phòng, dây thừng. Những anh cu li đội khăn xếp mặc áo đỏ đóng khố dhoti không ngừng chạy tới lui đây đó, với những bó to không hiểu nổi và nặng trĩu trên đầu. Nhìn chung là rất nhiều hàng lên hàng xuống. Giường nghỉ qua đêm ở đây hẳn rẻ, những chiếc giường căng dây khung gỗ trải đệm lông ngựa chăn bông, sắp hàng như đội hình nhà binh trên mái những tòa nhà một tầng vây quanh cái sân lớn mênh mông của khu nhà trạm, những chiếc giường nơi người ta có thể nằm ngửa mặt lên trời mà tưởng tượng mình là thiên sứ. Xa hơn, về phía Tây, là doanh trại rì rầm của các đoàn quân của hoàng đế mới từ chiến trận trở về. Quân đội không được phép vào khu vực cung điện mà phải ở lại đây dưới chân ngọn đồi hoàng gia. Một đội quân thất nghiệp, mới từ chiến trường về, phải được đối xử cẩn trọng. Khách lạ nghĩ đến La Mã cổ đại. Một hoàng đế không tin người lính nào trừ vệ sĩ của mình. Người lữ khách biết rằng câu hỏi về lòng tin chính là câu hỏi y sẽ phải trả lời thật thuyết phục. Bằng không, y sẽ sớm mất mạng.
Cách không xa khu nhà trạm, một ngọn tháp tua tủa những ngà voi đánh dấu cổng vào cung điện. Mọi con voi đều thuộc về hoàng đế, và việc trang trí tháp bằng ngà voi thể hiện quyền lực của ông. Hãy cẩn thận! ngọn tháp cảnh báo. Ngươi đang bước vào địa phận của Vua Voi, vị quốc chủ sở hữu nhiều giống vật da dày này đến độ có thể hoang phí răng nanh của hàng nghìn con thú khổng lồ chỉ để trang trí cho tôi đấy. Qua cách phô trương sức mạnh của tháp, người lữ khách nhận thấy cũng cái tính chất phô trương ấy nóng bỏng trên trán y như một ngọn lửa, hay dấu ấn của Quỷ dữ; nhưng người làm ra ngọn tháp này lại chuyển thành sức mạnh cái phẩm tính mà ở người lữ khách thường được xem như một nhược điểm. Quyền lực có phải là lý do duy nhất biện minh cho một cá tính hướng ngoại? lữ khách tự hỏi và không trả lời được, song tự thấy mình hy vọng rằng vẻ đẹp có thể là một lý do nữa, bởi y chắc là mình đẹp, và biết rằng dáng vẻ ngoài của y cũng có sức mạnh riêng.
Xa hơn tòa tháp ngà voi là một cái giếng to đại, bên trên nó là một hệ thống cấp nước phức tạp đến không sao hiểu nổi phục vụ cung điện nhiều mái vòm trên đỉnh đồi. Không có nước, chúng ta chẳng là gì, người khách nghĩ. Thậm chí một hoàng đế không có nước cũng sớm thành tro bụi. Nước là đấng quân vương đích thực và tất cả chúng ta là nô lệ. Một lần ở nhà tại Florence y đã gặp một người có thể làm cho nước biến mất. Pháp sư này đổ nước đầy đến miệng bình, lẩm nhẩm câu thần chú, lật ngược cái bình, thế là thay vì nước, vải vóc tuôn ra, một dòng những khăn lụa nhiều màu xối xả. Đó chỉ là mẹo lừa, tất nhiên, và chưa hết ngày hôm đó người khách đã moi được bí mật của gã phù thủy và cất đi cùng những bí mật khác của mình. Y là một người có nhiều điều bí mật, nhưng chỉ có một điều xứng cho một vị vua.
Con đường dẫn đến tường thành bỗng nhiên dốc hơn và trong khi leo dốc, y nhìn thấy tầm cỡ của cung điện nơi mình đến. Rõ ràng nó là một trong những thành phố lớn trên thế giới, theo quan sát của y, lớn hơn Florence, Venice hoặc Rome, lớn hơn bất kỳ thành phố nào mà lữ khách từng thấy. Y đã thăm Luân Đôn một lần; nó cũng nhỏ hơn nơi này. Khi ánh sáng nhạt nhòa đi, thành phố dường như lớn hơn lên. Những khu dân cư đông đúc chen chúc bên ngoài tường thành, thầy tu báo giờ từ trên những tòa tháp giáo đường, và từ xa, y nhìn thấy ánh sáng của những điền trang lớn. Lửa bắt đầu cháy trong ánh chiều chạng vạng, như những lời cảnh báo. Từ trên mái vòm tối đen của bầu trời xuất hiện ánh sáng hồi ứng của những vì sao. Như thể trái đất và thiên đường là những đội quân sắp xung trận, y nghĩ. Như thể doanh trại của hai bên ém mình trong đêm chờ đợi trận chiến của ban ngày nổ ra. Và trong tất cả những đường ngang ngõ tắt này, trong tất cả những ngôi nhà của kẻ quyền thế kia, xa hơn nữa, trên các cánh đồng, sẽ không người nào nghe nói đến tên y, không ai tin được câu chuyện mà y sắp kể. Nhưng y vẫn phải kể. Y đã vượt qua cả thế gian để làm điều đó, và y sẽ làm.
Y sải những bước dài và cuốn theo nhiều ánh mắt tò mò, vì mái tóc vàng cũng như chiều cao, mái tóc vàng và phải thừa nhận là bẩn thỉu của y xõa quanh khuôn mặt giống như mặt nước bằng vàng trên hồ. Con đường mòn thoai thoải đi qua tòa tháp ngà voi, dẫn đến cổng đá bên trên có phù điêu hai con voi quay mặt vào nhau. Qua cái cổng để ngỏ vọng đến tiếng người đang vui chơi, ăn uống, tiệc tùng. Có những người lính đứng gác ở cổng Hatyapul, nhưng tư thế của họ thoải mái. Những rào cản thực còn ở phía trước. Đây là nơi công cộng, một chốn dành cho việc họp hành, mua bán và giải trí. Người ta vội vã đi qua trước mặt khách lữ hành, bị thôi thúc bởi cái đói và cơn khát. Ở cả hai bên con đường lát đá giữa cổng bên ngoài và bên trong là những nhà trọ, quán rượu, tiệm ăn, cả người bán hàng rong đủ loại. Công việc mua bán muôn đời chính là đây. Quần áo, đồ bếp núc, đồ trang sức rẻ tiền, vũ khí, rượu rum. Chợ chính nằm ở phía dưới cổng thành nhỏ hơn về phía Nam. Cư dân trong thành thường mua bán ở đó mà tránh nơi này, vốn chỉ dành cho những người mới đến ngờ nghệch không biết giá thật của các thứ. Đây là chợ của những kẻ bịp bợm, chợ của kẻ cắp, những kẻ giọng khàn, nói thách và bần tiện. Song những khách lữ hành mệt mỏi, không rành địa bàn thành phố, bao giờ cũng ngại, không muốn đi bộ vòng quanh bức tường thành bên ngoài để đến khu chợ lớn giá cả phải chăng hơn, nên họ không còn cách nào ngoài giao dịch ngay với các thương gia ở cổng voi. Nhu cầu của họ thường khẩn và đơn giản.
Lũ gà sống, kêu ầm ĩ vì hoảng sợ, bị treo ngược đầu, đập cánh loạn xạ, hai chân bị trói vào nhau, chờ nồi nước sôi. Đối với người ăn chay thì có thứ khác, những cái nồi yên ả hơn; rau cỏ không kêu gào. Và có phải người khách nghe thấy trong gió tiếng những người đàn bà đang kêu réo, đùa bỡn, chào mời, cười cợt những người đàn ông vô hình? Có phải đó là những người đàn bà mà y ngửi thấy mùi trong gió chiều? Dù sao thì cũng đã quá muộn, không thể đi tìm hoàng đế đêm nay được. Khách có tiền trong túi và đã trải qua một hành trình dài, vòng vo. Con đường y đi như thế này: tiến đến đích một cách gián tiếp, với nhiều lần tạt ngang, thơ thẩn. Kể từ đặt chân đến Surat, y đã đi qua Burhanpur, Handia, Sironj, Narwar, Gwalior và Dholpur cho đến Agra, rồi từ Agra đến đây, kinh đô mới này. Bây giờ y muốn có một cái giường thật tiện nghi, và một người đàn bà, tốt nhất là không có ria, và cuối cùng là một lượng lãng quên, trốn chạy khỏi chính mình nhất định, thứ không bao giờ tìm thấy được trong vòng tay đàn bà mà chỉ có trong cơn say đến độ.
Sau đó, khi những khát khao được thỏa mãn, y lăn ra ngủ trong một nhà chứa nồng nặc, ngáy ầm ĩ bên một gái điếm bị mắc chứng mất ngủ, và mơ. Y có thể mơ bằng bảy thứ tiếng: Ý, Tây Ban Nha, Ả Rập, Ba Tư, Nga, Anh, Bồ Đào Nha. Y nhặt được các thứ tiếng này dọc đường đi theo cách giống như hầu hết cánh thủy thủ nhiễm bệnh vào người; ngôn ngữ là bệnh lậu của y, bệnh giang mai của y, bệnh xcobuýt của y, bệnh truyền nhiễm của y. Ngay khi y thiếp đi, một nửa thế giới bắt đầu thì thào trong óc y, kể những câu chuyện của những lữ khách phi thường. Trong thế giới mới được khám phá nửa vời này, mỗi ngày đều mang đến tin tức về những phép màu mới. Bài thơ-giấc mộng thấu thị và khai ngộ của cái hằng ngày hãy còn chưa bị nghiền nát bởi thực tế buồn tẻ, bị che đậy. Bản thân y, một người kể chuyện, bị những câu chuyện kỳ thú đưa chân ra khỏi nhà, một trong số đó có thể đem lại cho y một gia tài hoặc khiến y phải trả giá bằng sinh mạng.
Mời các bạn mượn đọc sách Nàng Phù Thủy Thành Florence của tác giả Salman Rushdie & Nguyễn Thị Hiền Thảo (dịch).