Ít ai biết được rằng ở Matxcơva, trong vẻ huy hoàng lộng lẫy của thành phố này, kể cả vào ban đêm, lại có biết bao chuyện kỳ lạ xảy ra, phía trên mặt đất và sau một tầng thế giới khác nữa thường được bóng u minh bao phủ.
Tuần Đêm - tiểu thuyết giả tưởng, pha một chút kinh dị lại mang rất nhiều yếu tố của trinh thám hình sự, đưa người đọc lạc vào thế giới của những-người-khác mà Lukianenko đã vẽ nên bằng trí tưởng tượng tuyệt vời của mình qua một loạt những cuộc phiêu lưu trong không gian lạ, để bạn nhìn thấy chính mình trong cái gọi là cuộc chiến giữa Thiện và - Ác, cảm nhận nỗi hoang mang khi đứng giữa lằn ranh mong manh của Ánh sáng và Bóng tối.
Cuốn sách có triết lý lạnh lùng, lại được viết bằng ngòi bút sắc sảo của một nhà văn từng là bác sĩ tâm thần: cái Thiện, cái Ác trong thế giới này thậm chí đã nương vào nhau mà song song tồn tại, cái Thiện có thể thắng nhưng không thể triệt tiêu cái Ác, những con người của cái Thiện đôi khi cũng cần đến những thủ đoạn không được trong sạch lắm để giành phần thắng – để làm việc thiện, đôi lúc cũng phạm tội ác!
***
Đầu năm 2010, tạp chí Expert đã công bố danh sách 10 nhà văn Nga đương đại nổi tiếng nhất theo bình chọn của tạp chí và độc giả. Sergey Lukianenko đứng thứ năm, được Expert đánh giá là “nhà văn vừa giữ được những giá trị truyền thống của văn học Nga, lại là một trong những tác giả thời thượng hiếm hoi của Nga theo đuổi thành công thể loại giả tưởng”.
Sergey Lukianenko (bìa phải) trong một buổi chuẩn bị ra mắt phim Tuần đêm tại Saint Petersburg - Ảnh: barros.rusf.ru
Ông được công nhận là nhà văn có tác phẩm được điện ảnh hóa nhiều và nhanh nhất từ trước đến nay. Ba cuốn sách của ông đã được chuyển thể thành phim (Tuần đêm, Tuần ngày và Hôm nay, mẹ ạ). Trong tương lai gần người ta đang chuẩn bị khai thác thêm một vài kịch bản phim nữa và đưa ra những phiên bản game online Tuần đêm ngày càng phức tạp, hoàn thiện.
Vì sao có khi tội ác không bị trừng trị?
Với nhân vật chính là Anton Gordetsky, một công dân bình thường của thủ đô nước Nga, câu chuyện Tuần đêm xoay quanh cuộc sống của anh ta giữa những nhân vật kỳ bí: ma cà rồng, người sói, những phù thủy tà giáo, minh giáo nhiều phép thuật, những con người biết biến hình vào những tầng lớp hiện thực được gọi là những tầng U Minh, công lực càng cao càng xuống được sâu hơn, nơi thế giới không còn màu sắc nhưng lại có những phép biến ảo kỳ lạ làm thay đổi hành vi đời sống…
Thế nhưng, sức hấp dẫn của Tuần đêm quyết không phải ở những pha gay cấn, kinh dị hay huyền ảo ma quái (chất này so với phim Mỹ thì chưa “đủ đô”!), mà ở chỗ Tuần đêm đưa ra một cách lý giải thế giới độc đáo, bất ngờ không kém phần thuyết phục. Chẳng hạn, những bất hạnh, buồn khổ của con người do chính con người tạo ra cho nhau, bằng những lời nguyền rủa hoặc được thốt lên một cách độc địa, hoặc âm thầm tàn hại người ta. Hiện thân của những lời tàn ác ấy là những chiếc phễu đen xoay chầm chậm trên đầu…
Từ đó mà xảy ra chiến tranh, thiên tai và những điều tồi tệ khác… Rồi những quầng sáng trên đầu mỗi người mà chỉ những người khác mới nhìn thấy được, chính là một dạng “chứng minh thư” trong đời, vừa làm nên khác biệt của con người trong đám đông, lại cho một hình dung rõ nét về bản chất và số phận của người.
Đọc Tuần đêm, bạn đọc sẽ có cho mình lời đáp của một loạt câu hỏi: Vì sao đôi khi tội ác không bị trừng trị? Vì sao trong nhiều trường hợp, người ta không thể tùy tiện làm điều thiện mà tất cả đều phải tuân theo những nguyên tắc khắc nghiệt của một bản đại giao ước giữa ánh sáng và bóng tối? Hai thế lực tưởng chừng đối lập nhau hoàn toàn về lợi ích lại có thể đi đến những thỏa hiệp gì để giữ gìn sự cân bằng của thế giới?
Cái ác được cấp “giấy phép” dưới hình thức nào và ai cầm cân nảy mực để những môn đồ thiện - ác hành động theo giao ước đã được đặt ra? Ngọn nguồn của lòng hận thù, sự lãnh đạm và cả tình yêu… - những vấn đề gần gũi của cuộc sống lẫn những biến động to lớn của lịch sử được tác giả Sergey Lukianenko bình thản cắt nghĩa bằng giọng văn khá trầm tĩnh, không chạy theo tốc độ, nhưng với cách cắt đặt lớp lang khéo léo không lộ ý, nhà văn từng là bác sĩ tâm thần này đã luôn khiến người đọc chấn động khi những câu chuyện nhỏ của Tuần đêm khép lại trang cuối cùng.
Điều thú vị ở truyện kỳ ảo của Sergey Lukianenko chính là tính logic chặt chẽ trong thế giới tưởng chừng không có thật, nhưng lại được lý giải một cách khoa học, dễ chấp nhận về cả lý và tình. Tác giả khiến ta hiểu rằng tiểu thuyết kỳ ảo không phải là thể loại khoa học viễn tưởng với những tưởng tượng táo bạo về tương lai có thể một lúc nào đó sẽ trở thành sự thật. Ở đây, thế giới được giải mã thông qua diễn biến tâm lý nhân vật. Những triết lý về cuộc sống của những người khác góp phần làm sáng tỏ cách sắp đặt thế giới ngày càng đảo điên của những người thường.
Sergey Lukianenko, sinh năm 1968, là một trong những cây bút ăn khách và có sức viết hàng đầu của nền văn học đương đại Nga thế kỷ 20-21, tác giả của một loạt tiểu thuyết, truyện vừa và kịch bản điện ảnh thể loại giả tưởng. Bắt đầu từ truyện ngắn đầu tay Hành vi xấu (1988), cho đến nay trung bình mỗi năm Lukianenko cho ra đời hai cuốn tiểu thuyết và đều được đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài cuốn Tuần đêm, Lukianenko đã từng đến với bạn đọc Việt Nam qua Mê cung ảnh (NXB Lao Động, Phương Hoài dịch) cách đây năm năm.
Là bác sĩ tâm thần, những tiểu thuyết kỳ ảo của ông đặc biệt có tác động mạnh đến cảm nhận tâm lý của người đọc. Ông là “hot blogger” với trang blog nổi tiếng “doctor-livsy”, nhưng trang blog này đã phải đóng cửa sau một entry “nhạy cảm” về nước Mỹ và những vấn đề xung quanh chuyện người nước ngoài nhận con nuôi người Nga.
***
Thang cuốn bò một cách chậm chạp, thẳng căng. Ga cũ rồi mà, biết làm sao. Ngược lại, gió thả sức thổi cuộn lên trong đường ống bê tông, vò rối tóc người, kéo xếch mũ áo khoác, luồn dưới khăn quàng và đẩy người xuống phía dưới.
Gió không muốn Egor đi lên.
Gió đòi người quay bước.
Lạ thật - tuồng như chung quanh không một ai nhận ra sự hiện diện của gió cả. Bấy giờ ở đây cũng chẳng có mấy người - nhà ga về nửa đêm đã vắng. Dăm người đi ngược chiều, còn cùng phần thang với Egor hầu như chẳng có ai: một người đứng trước, hai hay ba người phía sau. Hết.
Nếu không tính đến một nhân vật nữa - là gió!
Egor đút tay vào túi, ngả người về phía sau. Khoảng hai phút từ lúc mới bước ra khỏi tàu, cái cảm giác có ánh mắt người lạ không rời cậu. Không hiểu sao hoàn toàn không phải cảm giác hãi sợ, mà nó phê phê, cảm giác, nhoi nhói lên như mũi tiêm.
Ở đầu thang cuốn, nơi bắt đầu thang lên, có một người đàn ông mặc đồng phục. Không phải công an, mà là quân nhân. Tiếp đó là một phụ nữ đi cùng bé con ngái ngủ, bám vào tay mẹ. Nữa là một thanh niên trẻ, mặc áo khoác màu cam sặc sỡ, đeo tai nghe. Có vẻ như anh ta cũng ngủ trên đường.
Không có gì đáng ngờ cả. Kể cả đối với một cậu bé đương về nhà vào giờ quá muộn. Một lần nữa, Egor lại nhìn lên trên - thấy một chú công an dựa người vào thanh vịn sáng loáng, rầu rĩ soi giữa đám hành khách xem có con mồi dễ vồ nào không.
Chẳng có gì đáng sợ.
Gió xô Egor lần cuối và lặng đi - dường như đã cam chịu, đã hiểu rằng gắng đấu sức cũng hoài công. Cậu bé lại nhìn về sau rồi bắt đầu chạy theo những bậc thang đang cuốn nhàu đi dưới chân. Lẽ ra phải rảo bước lên mới đúng. Không hiểu tại sao lại phải thế. Một lần nữa cậu lại bị chích nhói vào người, một cách vô lý và bất an, luồng khí lạnh lướt ngang qua cổ.
Vẫn là gió.
Egor co giò phóng qua cánh cửa mở hé, và cái lạnh sắc ngọt ào vào cậu với một sức mạnh mới. Mái tóc hãy còn ẩm sau khi đi bơi - cái máy sấy lại hỏng - lập tức đông đá. Egor kéo sụp cái mũ áo khoác xuống thấp hơn, chạy một mạch ngang qua mấy sạp hàng, hụp ngay xuống đường ngầm. Trên mặt đất, người đông hơn nhiều, nhưng nỗi lo ngại không hết được. Thậm chí cậu còn ngoái lại, chân vẫn không chậm bước - nhưng không ai theo dõi cậu cả. Người phụ nữ đi với con đang hướng về phía bến tàu điện, thanh niên đeo tai nghe dừng lại bên những ki-ôt, ngắm nghía hàng chai lọ, đồng chí quân nhân thì vẫn chưa bước ra khỏi metro.
Cậu bé đi dọc đường ngầm, càng lúc càng rảo chân và rảo chân hơn nữa. Có tiếng nhạc từ đâu đó vang lên - khe khẽ, khó nghe, nhưng dễ chịu kỳ lạ. Giọng thanh thanh của ống tiêu, tiếng lao xao của dây đàn ghi-ta, âm rung lanh lảnh của bộ đàn gõ. Tiếng nhạc mời gọi, tiếng nhạc giục giã.
Egor tránh nhóm người đi ngược chiều, đuổi kịp một người đàn ông vui nhộn say liêng biêng, lê bước chậm chạp. Mọi suy nghĩ tuồng như bay hết ra khỏi đầu, cậu đã gần như chạy.
Tiếng nhạc đang gọi.
Giờ trong nhạc đã có lời quện vào… dẫu còn lơ mơ chưa rõ tiếng, quá khẽ, nhưng lại gọi mời đến thế. Egor nhảy ra khỏi đường ngầm, dừng lại một giây nuốt một ngụm khí lạnh. Vừa lúc chiếc xe điện bánh hơi cũng lướt đến bến. Nó đợi vài giây, các cửa lên xuống mở toang, rồi khép lại, rời bến. Egor lờ đờ nhìn theo dấu chiếc xe - tiếng nhạc càng lúc càng vang lên to hơn, tràn ngập cả thế giới, từ cái khách sạn cao tầng hình bán nguyệt cho đến “cái hộp có chân” thấp thoáng không xa - nhà của cậu. Tiếng nhạc rủ cậu đi bộ. Dọc theo đại lộ được chiếu sáng rỡ, nơi tận giờ này vẫn có không ít người đi lại. Chỉ cần độ năm phút để đến chân cầu thang.
Còn để đến với tiếng nhạc lại cần ít phút hơn.
Egor cũng kịp đi được quãng trăm mét cho đến lúc tòa nhà khách sạn thôi không che gió cho cậu được nữa. Luồng băng giá quật vào mặt, gần như át hẳn tiếng nhạc mời gọi. Cậu lắc lư người, dần dừng lại. Trạng thái mông lung ma mị tan biến, song cái cảm giác về ánh mắt người lạ lại trở về - lần này thì cảm giác ấy còn quyện chặt với nỗi hãi hùng. Cậu ngoảnh lại - thêm một chiếc xe điện bánh hơi đang trờ về bến. Và trong ánh sáng của đèn đường thấp thoáng bóng áo màu cam sặc sỡ. Gã thanh niên đã đi lên cùng cậu trên thang cuốn, giờ theo sát gót. Mắt vẫn cứ khép hờ, nhưng gã đột nhiên đi nhanh và gắng sức hơn - như thể nhìn thấy Egor.
Cậu bé bỏ chạy.
Tiếng nhạc lại vang lên với sức ngân mới, xuyên thủng màn gió. Cậu đã có thể phân biệt được lời hát… cậu có thể, nhưng không muốn.
Bây giờ chuẩn nhất là đi dọc theo đại lộ, ngang qua những cửa hiệu đóng cửa nhưng sáng đèn, đi sát những khách bộ hành đêm muộn, để lộ mình ra trong ánh đèn những chiếc ôtô đang phóng trên đường.
Nhưng Egor lại rẽ vào một cái ngách cổng. Tiếng nhạc gọi cậu đến đó.
Ở đây gần như tối hoàn toàn - chỉ có ở bên tường hai bóng đen lay động. Egor nhìn thấy chúng như nhìn qua màn sương mù, như thể chúng được chiếu hắt lên bởi một thứ ánh sáng xanh lè chết chóc. Một thanh niên và một thiếu nữ, còn trẻ, mặc rất mỏng, cứ như ngoài trời không phải âm hai mươi độ vậy.
Tiếng nhạc lại dội lên lần cuối - chói óc và đắc thắng. Rồi im bặt. Egor có cảm giác toàn thân mềm nhũn. Người cậu ướt đẫm mồ hôi, chân đứng không vững, chỉ muốn ngồi bệt xuống vỉa hè trơn chuội vì phủ một lớp bùn đóng đá.
- Trông ngon đấy… - đứa con gái khẽ nói. Cô ta có gương mặt thanh mảnh, má hóp, nước da tai tái. Mỗi đôi mắt là có vẻ sống động - đen, to và cuốn hút.
- Để lại tí chút chứ… - gã thanh niên bảo. Mỉm cười. Hai người giống nhau như hai anh em ruột - không phải giống ở nét mặt mà ở một thứ gì đó khó nắm bắt, cùng chung cho cả hai, bao trùm lên họ từ bên trên, như thể một tấm voan bụi mờ ảo.
- Để cho anh á? - Trong một thoáng, cô nàng rời mắt khỏi Egor. Trạng thái đờ đẫn hơi hẫng đi, song nỗi sợ hãi lại ập đến. Cậu bé mở miệng - nhưng bắt gặp ánh mắt của gã kia, và không thể nào kêu lên được. Cậu như bị quấn chặt bằng một tấm cao su lạnh.
- Ừ. Giữ nó đi!
Đứa con gái phì cười giễu cợt. Chuyển ánh nhìn sang Egor, chúm môi lại như đang hôn gió. Ả cất giọng khẽ phát ra những từ giờ đã thành quen thuộc - những lời từng quện vào tiếng nhạc gọi mời.
- Lại đây… lại đây với ta…
Egor đứng như trời trồng. Không đủ sức chạy nữa, dù cậu đang sợ phát khiếp, tiếng thét trong cổ vụn vỡ và nghẹn tắc. Cậu chỉ có thể đứng sững yên một chỗ.
Một người đàn bà dắt hai con bec-giê to khỏe đi ngang qua ngách cổng. Chầm chậm, gò bước, như thể cử động dưới nước, như thể đang hiện đến trong một giấc mơ hãi hùng. Egor liếc thấy hai con chó vùng vằng, cố sấn đến phía ngách cổng - và trong lòng cậu bùng lên hy vọng mãnh liệt. Hai con chó gầm gừ, nhưng có vẻ không tự tin sao đó, vừa căm giận vừa hoảng sợ. Người đàn bà dừng lại một thoáng, nghi ngờ nhìn khe cổng. Egor bắt được ánh nhìn của bà ta - ánh nhìn của người không nhìn thấy gì, dường như xuyên qua một khoảng trống.
- Đi thôi! - bà ta kéo dây xích, và lũ chó nhanh nhảu lùi về phía chân bà.
Gã trai cười khẽ.
Người đàn bà bước dấn lên, và đi khuất.
- Thằng oắt kia, anh nhìn kìa, nó không đi! - đứa con gái nhõng nhẽo kêu lên - Nó đứng yên kìa!
- Mạnh hơn lên, - gã trai nói ngắn gọn. Cau có - Học cách đi.
- Lại đây! Lại đây với ta! - đứa con gái nói giọng căng thẳng. Egor đứng cách cô ta độ hai mét, nhưng có vẻ như cô nàng rất cần thấy cậu tự đi qua khoảng cách ấy.
Rồi Egor hiểu ra rằng mình không còn sức chống cự nữa. Ánh mắt cô gái giữ nguyên, dính chặt vào sợi dây trói cao su vô hình, lời cô ta kêu gọi, và cậu bé chẳng thể nào điều khiển nổi mình. Biết là không nên bước - nhưng vẫn bước. Cô gái mỉm cười - hàm răng trắng đều sáng lóe lên. Nói:
- Tháo khăn quàng ra.
Cậu đã không còn cưỡng lại nổi. Đôi tay run rẩy gỡ chiếc mũ áo khoác, giằng chiếc khăn mà không tháo vòng cuốn. Bước đến trước đôi mắt đen đang gọi.
Có điều gì đó xảy ra với gương mặt đứa con gái. Hàm dưới trễ ra, răng nghiến trèo trẹo. Những chiếc răng nanh dài, đã không còn là răng người nữa, sáng lóa.
Egor bước thêm bước nữa.
Mời các bạn mượn đọc sách Tuần Đêm của tác giả Sergey Lukianenko & Thụy Anh (dịch).