Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Con Rồng Trong Bể Kính

Một chàng trai trẻ bị đâm đến chết vì những con cá quý giá của mình. Một ông trùm châu Á mua con cá rồng độc nhất vô nhị với giá 150.000 đô la. Một thám tử đuổi theo những kẻ buôn lậu thú cưng qua đường phố New York… Cuốn sách Con rồng sau bể kính kể chuyện lại những câu chuyện phi thường về nỗi ám ảnh, sự hoang tưởng và những tên tội phạm liên quan đến một loài cá không giống bất kì loài vật nào khác: một động vật ăn thịt hung dữ xuất hiện từ thời kỳ khủng long còn tồn tại trên trái đất.
"Một cuốn sách có tính khai mở lạ kì." - The New York Times
"Mang màu sắc căng thẳng của một tiểu thuyết trinh thám, Voigt đã vẽ nên một thế giới sống động của những vụ giết người, buôn bán chợ đen và việc hủy hoại môi trường sinh tồn của một loài cá mà trớ trêu thay, nó lại được coi là biểu tượng của may mắn và sức cuốn hút." - Discover
"Một câu chuyện vô cùng ấn tượng, đầy bất ngờ và hồi hộp… Mọi thứ bỗng trở nên kì dị." - The Wall Street Journal

(Con rồng sau bể kính kể về hành trình nữ nhà báo Emily Voigt đi tìm cá rồng hoang dã - loài cá cảnh đắt nhất thế giới. Hành trình này đã đưa cô đi khắp toàn cầu, theo chân những người nuôi cá cảnh kì lạ đến các khu rừng xa xôi nhất hành tinh để lần theo dấu vết của cá rồng tự nhiên.)

***

Một pho kiến thức sâu rộng và đồ sộ đến đáng sợ! Tác giả Emily Voigt đã phải tham khảo và tìm tòi rất lâu để có tư liệu viết lên cuốn sách này, chỉ nhìn vào phần Lời kết và Lưu ý tham khảo cuối sách là đủ thuyết phục người đọc, đặc biệt là những người thích tìm hiểu một thế giới nửa thực nửa hư - săn tìm loài cá còn tồn tại từ thời khủng long với "chức năng" mà người châu Á vẫn hay nói - gánh "hạn" cho chủ nhân, điều truyền tai nhau này đã đẩy giá cá rồng lên cao và kéo theo đó là những tay thợ săn bậc nhất. Điều đặc biệt là Emily đã viết truyện này theo hơi hướng trinh thám, nghĩa là các chương truyện được đặt tên và triển khai như một cuốn trinh thám bí ẩn thực thụ. Từng bước tìm kiếm loài cá này đều rất cuốn hút người đọc không kém gì theo đuổi những vụ án của Sherlock Holmes!

***

Thực ra chúng ta chưa bao giờ chinh phục được thế giới, chưa bao giờ hiểu rõ; chỉ là chúng ta nghĩ chúng ta có quyền kiểm soát thế giới. Thậm chí ta còn không biết vì sao mình lại phản ứng theo một cách nhất định trước các tổ chức sinh vật khác, và tha thiết cần chúng theo nhiều cách khác nhau đến thế.

- Edward O. Wilson, Biophilia*

Nhà sinh vật học, tác giả cuốn sách BIOPHILIA xuất bản năm 1984. Thuật ngữ biophilia được ông giới thiệu mang ý nghĩa “thúc đẩy mối liên kết với các dạng sống khác.”

***

TAIPING, MALAYSIA, THÁNG 11 NĂM 2004

Chan Kok Kuan vẫn chưa về. Lo lắng đến mất ngủ, cha anh - ông Chan Ah Chai - đứng bên cửa sổ nhìn đăm đăm ra bên ngoài, mong thấy một dấu hiệu của cậu con trai qua màn mưa trắng xóa. Cơn mưa bắt đầu từ lúc nửa đêm và đến bốn giờ sáng vẫn còn đang trút ào ào xuống mặt đất - làm nước ngập hết đường phố và tràn ngập các hồ trong các vườn hoa công cộng, nơi những cây còng* trăm tuổi tỏa tán lá khổng lồ trên đường Residency.

Còn gọi là cây muồng tím, muồng ngủ, me tây…, ở các nước khác được biết đến là cây saman, rain tree, monkey pod.v.v…

Chàng thanh niên Chan ba mươi mốt tuổi, thân hình dẻo dai và tính tình cởi mở vốn không phải kiểu người ra ngoài lúc tối muộn mà không gọi về. Anh đã về nhà ăn tối như thường lệ sau khi làm việc cả ngày ở cửa hàng cá cảnh do anh tự mở từ mấy năm trước. Ngay từ khi còn nhỏ anh đã luôn yêu thích những thứ có vây. Giờ thì anh đã trở thành chuyên gia về một giống loài cụ thể: cá rồng châu Á, loài cá nhiệt đới đắt đỏ nhất thế giới.

Ở Trung Quốc sinh vật này được gọi là long ngư - cá rồng, vì thân hình dài uốn lượn với những cái vẩy lớn lấp lánh và tròn như đồng xu của nó. Vào độ trưởng thành, loài cá ăn thịt này có thể dài bằng một thanh gươm của samurai, khoảng sáu mươi đến chín mươi centimet, với đủ loại ánh màu. Cặp râu mọc ra từ môi dưới và hai cái vây ngực mỏng tang khỏa nước từ hai bên thân gợi dáng hình của một chú rồng đang bay lượn. Sự tương đồng này khiến người ta tin tưởng rằng loài cá này sẽ mang lại thịnh vượng và may mắn, đồng thời đóng vai trò như một thứ bùa bảo vệ để xua đuổi tà ma và tai ương.

Tiếng tăm của giống cá này nổi lên vào cùng khoảng thời gian Chan Kok Kuan từ bỏ công việc thợ hàn để theo đuổi ước mơ bán cá cảnh của mình. Thiên hạ đồn rằng một chú cá rồng quý hiếm đã được người mua Nhật Bản trả tới 150 ngàn đô la. Tuy Chan không phục vụ nhóm khách quý tộc đó, nhưng anh có tài chọn những con cá khỏe mạnh không bệnh tật, với màu ánh kim được yêu thích và dữ tướng. Cửa hàng của anh lúc nào cũng duy trì tới năm mươi cá thể, được nhốt trong những cái bể riêng để ngăn chúng khỏi đánh nhau đến chết. Hầu hết chúng là cá non, chỉ to bằng cỡ lòng bàn tay hay đế giày của Chan là cùng, và được bán với giá tới 1.500 đô một con cho những tay chơi ở địa phương và các đại lý phân phối sẽ mang chúng đi khắp thế giới.

Một trong những doanh nhân kiểu đó đã gọi tới đây hồi chiều nay, hỏi mua hết chỗ cá còn lại trong cửa hàng. Cha anh, lúc đó cũng đang phụ giúp ở cửa hàng như mọi ngày, đã nghe lỏm được cuộc trò chuyện và cảnh báo con trai chỉ nên chấp nhận tiền mặt. Bây giờ, trong lúc nhìn ra ngoài cửa sổ vào màn mưa như thác đổ, ông già Chan tự hỏi có phải con trai mình đã trở lại cửa hàng sau bữa tối để gặp người mua này và quyết định ở lại tránh bão luôn hay không. Khoảng gần sáu giờ sáng, ngay khi cơn mưa tạnh hẳn, người cha liền trèo lên chiếc xe máy và lái vào thị trấn.

Sáng hôm ấy trời rất đẹp. Bầu không khí mang mùi đất ẩm và đường phố đều đen bóng và trơn trượt, những vũng nước nhỏ lấp lóa ánh vầng dương vừa nhô ra khỏi các đám mây. Vẻ bình yên của thị trấn làm ông Chan Ah Chai trấn tĩnh lại. Ông đã sống ở Taiping suốt sáu mươi tư năm cuộc đời mình, quê hương ông trước đây từng là một điểm nghỉ dưỡng trong chế độ thực dân còn ngày nay nổi tiếng trong giới những người về hưu muốn tìm kiếm một cuộc sống bình lặng. Sau ba thập kỉ làm việc quần quật trong một nhà máy cao su, giờ đây ông dành hết những tháng ngày còn lại của cuộc đời với việc cho cá ăn, thay nước và đóng gói các đơn hàng cùng con trai.

Rẽ vào một dãy các cửa hàng quen thuộc trên Jalan Medan Bersatu, ông trông thấy ngay cửa hàng cá cảnh Kuan vẫn còn đang đóng cửa. Nhưng ngay khi xuống khỏi xe máy và tiến lại gần cửa, ông phát hiện ổ khóa đã biến mất. Nâng tấm phên cửa lên, ông thận trọng bước vào không gian nhỏ hẹp, tối om với nhiều bể cá đang hắt ra ánh sáng mờ mờ từ những ngọn đèn neon. Khi mắt đã làm quen với bóng tối, ông trông thấy cửa hàng vẫn gọn gàng ngăn nắp, cá vàng và cá bảy màu vẫn lờ lững bơi trong bể của chúng.

Thế nhưng khi bước tiếp, giày của ông giẫm lên lớp kính vỡ lạo xạo. Ông nhìn xuống và trông thấy một vệt thẫm đỏ trên sàn bê tông. Vệt máu này lại dẫn tới những vệt máu to hơn, dường như có một con thú bị thương đang cố trốn thoát bằng cả bốn chi. Điều mà người cha này tìm thấy ở cuối con đường ghê sợ này sẽ in dấu trong tâm trí ông và làm ông giật mình tỉnh giấc giữa đêm trong suốt phần đời còn lại: Cậu con trai yêu quý của ông đang nằm nát bấy trên mặt đất, bị đâm đến mười nhát. Anh đã chết - do bị chém một cách tàn bạo, cổ anh bị cứa đứt sâu đến nỗi đầu gần lìa hẳn ra.

Ông già bắt đầu run rẩy không kiểm soát nổi trong lúc lảo đảo lao ra ngoài cầu cứu. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Cảnh sát chẳng tìm thấy hung khí hay một dấu vân tay nào. Ví của nạn nhân vẫn còn nguyên trong túi quần, không mảy may mất gì. Chỉ duy nhất một thứ đã bị mất. Phía trên thân thể vô hồn của Chan Kok Kuan, những bể cá rồng trống trơn. Hơn hai mươi con cá rồng đã biến mất.

Mời các bạn mượn đọc sách Con Rồng Trong Bể Kính của tác giả Emily Voigt & Orkid (dịch).