Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Yêu Trong Tỉnh Thức

Một chỉ dẫn “yêu không sợ hãi” đầy ngạc nhiên từ bậc thầy tâm linh Osho

Những người đói khát trong nhu cầu, những người luôn kỳ vọng ở tình yêu chính là những người đau khổ nhất. Hai kẻ đói khát tìm thấy nhau trong một mối quan hệ yêu đương cùng những kỳ vọng người kia sẽ mang đến cho mình thứ mình cần – về cơ bản sẽ nhanh chóng thất vọng về nhau và cùng mang đến ngục tù khổ đau cho nhau. Trong cuốn sách Yêu, Osho - bậc thầy tâm linh, người được tôn vinh là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20 – đã đưa ra những kiến giải sâu sắc về nhu cầu tâm lý có sức mạnh lớn nhất của nhân loại và “chỉ cho chúng ta cách trải nghiệm tình yêu”.

Trong Yêu - Yêu Trong Tỉnh Thức, Gắn Bó Trong Niềm Tin (Tựa gốc: Being in Love), Osho dẫn người đọc vào một hành trình tìm hiểu táo bạo và đầy sôi nổi về “hiện tượng bí ẩn” mang tên tình yêu. “Điều bạn cần làm không phải là học cách yêu, mà là loại bỏ những cách đánh mất tình yêu”, ông mở đầu. Trước tiên, Osho đưa ra một danh sách những điều “không phải là tình yêu”. Ông phân tích những nhu cầu đi kèm tình yêu thương đã phá hủy tình yêu ra sao, điều này diễn ra kể từ khi con người mới chào đời cho đến khi trưởng thành. Những thói quen đòi hỏi, mong muốn sở hữu người khác, kỳ vọng vào người khác… đều tạo nên sự hủy diệt và xung đột trong mọi mối quan hệ tình cảm, bao gồm cả tình yêu. Theo ông, tình yêu không bao gồm cảm giác ghen tuông, chiếm hữu, cạnh tranh, phụ thuộc, hay việc đòi hỏi người mình yêu phải hoàn hảo. Những điều trên đều khởi nguồn từ cái tôi, và Osho cho rằng: “Khi bạn thật sự yêu ai đó, cái tôi của bạn bắt đầu tan chảy và biến mất”.

Thông qua từng chương của cuốn sách, bạn đọc nhận diện những dấu hiệu của một tình yêu đích thực: Sự cho đi và không chờ đợi được nhận lại, sự trưởng thành cá nhân, đặc biệt là sự tỉnh thức khi yêu. “Việc tỉnh táo nhận biết về bản thể của mình là sự khởi đầu của hành trình hướng tới tình yêu”.

Trong phần trọng tâm của cuốn sách “Tình yêu là cơn gió mát lành” - Osho dành nhiều thời lượng bàn về những chỉ dẫn yêu đương, tinh tế, thấu cảm, hài hước và nhiệt tình chẳng kém gì một nhà tư vấn tâm lý hiện đại tài ba nhất. Ông hoá giải những trải nghiệm tệ hại mà ta gặp phải khi yêu: Sự hụt hẫng sau những phấn khích ban đầu hay thất vọng về tình dục. Hiếm có một bậc thầy tâm linh nào lại mang ánh sáng của thiền và đạo vào vấn đề tình dục, khoái cảm như Osho và ông đã kiến giải vấn đề này vô cùng uyên bác, thấu đáo và có tính giáo dục cao hơn bất cứ cuốn sách giáo dục giới tính nào trong vấn đề tình dục từng có. Osho cũng thẳng thừng gạt phăng những hiểu lầm, những “ý nghĩ vô nghĩa” về tình yêu như tư tưởng “yêu là đau khổ” hay phụ nữ không nên là người chủ động khi yêu.

Sau cùng, Osho đưa ra những “niềm tin mới”, cổ vũ bạn đọc dấn thân vào tình yêu đích thực, thứ tình yêu của những linh hồn trưởng thành để đem đến sự hạnh phúc, khai sáng và chữa lành cho tất cả. Osho cũng đưa ra nhiều lời khuyên đáng giá cho các cặp đôi đang yêu.

Chúng ta thường sợ hãi khi nghĩ về tình yêu, ta e ngại những nỗi đau lẫn rắc rối mà nó đem đến. Với “Yêu”, bằng giọng văn cá tính và cuốn hút đặc trưng, Osho đem đến sự thấu hiểu trọn vẹn về tình yêu, đồng thời truyền niềm tin và sự dũng cảm để bạn đọc bước vào trải nghiệm phức tạp này một cách mới mẻ trong thứ ánh sáng tỉnh thức của tâm linh. “Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu”, ông nói, “Có điều gì đó thật đẹp đang chờ bạn phía trước. Nếu bạn có thể chờ đợi, nếu bạn có đủ kiên nhẫn và có thể tin tưởng, nó sẽ đến”.

***

Trước tiên, Osho đưa ra một danh sách những điều không phải là tình yêu. Ông phân tích những nhu cầu đi kèm tình yêu thương đã phá hủy tình yêu ra sao, điều này diễn ra kể từ khi con người mới chào đời cho đến khi trưởng thành. Những thói quen đòi hỏi, mong muốn sở hữu người khác, kỳ vọng vào người khác… đều tạo nên sự hủy diệt và xung đột trong mọi mối quan hệ tình cảm, bao gồm cả tình yêu. Theo ông, tình yêu không bao gồm cảm giác ghen tuông, chiếm hữu, cạnh tranh, phụ thuộc, hay việc đòi hỏi người mình yêu phải hoàn hảo. Những điều trên đều khởi nguồn từ cái tôi, và Osho cho rằng:

Khi bạn thật sự yêu ai đó, cái tôi của bạn bắt đầu tan chảy và biến mất.

Thông qua từng chương của cuốn sách, bạn đọc nhận diện những dấu hiệu của một tình yêu đích thực: Sự cho đi và không chờ đợi được nhận lại, sự trưởng thành cá nhân, đặc biệt là sự tỉnh thức khi yêu.

Việc tỉnh táo nhận biết về bản thể của mình là sự khởi đầu của hành trình hướng tới tình yêu.

Trong phần trọng tâm của cuốn sách Tình yêu là cơn gió mát lành, Osho dành nhiều thời lượng bàn về những chỉ dẫn yêu đương, tinh tế, thấu cảm, hài hước và nhiệt tình chẳng kém gì một nhà tư vấn tâm lý hiện đại tài ba nhất. Ông hoá giải những trải nghiệm tệ hại mà ta gặp phải khi yêu: Sự hụt hẫng sau những phấn khích ban đầu hay thất vọng về tình dục. Hiếm có một bậc thầy tâm linh nào lại mang ánh sáng của thiền và đạo vào vấn đề tình dục, khoái cảm như Osho và ông đã kiến giải vấn đề này vô cùng uyên bác, thấu đáo và có tính giáo dục cao hơn bất cứ cuốn sách giáo dục giới tính nào trong vấn đề tình dục từng có. Osho cũng thẳng thừng gạt phăng những hiểu lầm, những “ý nghĩ vô nghĩa” về tình yêu như tư tưởng “yêu là đau khổ” hay phụ nữ không nên là người chủ động khi yêu.

Sau cùng, Osho đưa ra những niềm tin mới, cổ vũ bạn đọc dấn thân vào tình yêu đích thực, thứ tình yêu của những linh hồn trưởng thành để đem đến sự hạnh phúc, khai sáng và chữa lành cho tất cả. Osho cũng đưa ra nhiều lời khuyên đáng giá cho các cặp đôi đang yêu.

Chúng ta thường sợ hãi khi nghĩ về tình yêu, ta e ngại những nỗi đau lẫn rắc rối mà nó đem đến. Với Yêu, bằng giọng văn cá tính và cuốn hút đặc trưng, Osho đem đến sự thấu hiểu trọn vẹn về tình yêu, đồng thời truyền niềm tin và sự dũng cảm để bạn đọc bước vào trải nghiệm phức tạp này một cách mới mẻ trong thứ ánh sáng tỉnh thức của tâm linh.

Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu. Có điều gì đó thật đẹp đang chờ bạn phía trước. Nếu bạn có thể chờ đợi, nếu bạn có đủ kiên nhẫn và có thể tin tưởng, nó sẽ đến.

Về tác giả

Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.

Osho được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hoá nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền động của Osho (active meditation) giúp giải toả căng thẳng cho thân và tâm, giúp mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.

***

Tình yêu là gì?

Thật tiếc khi phải bắt đầu bằng câu hỏi này. Với những gì diễn ra trong cuộc sống, tưởng chừng như mọi người đều biết câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng trên thực tế, chỉ rất ít người biết rõ tình yêu là gì. Tình yêu trở thành một trong những trải nghiệm hiếm hoi nhất. Đúng vậy, người ta nói nhiều về tình yêu. Tình yêu được nhắc đến trong các bộ phim, trong những câu chuyện kể, trong các ca khúc, các chương trình truyền hình, radio, tạp chí – một ngành công nghiệp khổng lồ với vô vàn cách định nghĩa về tình yêu. Thậm chí nhiều người còn làm công việc hỗ trợ người khác hiểu tình yêu là gì. Nhưng tình yêu vẫn là một hiện tượng bí ẩn.

Nó gần giống như khi ai đó hỏi “Thức ăn là gì?”. Liệu bạn có bất ngờ khi ai đó đến hỏi bạn câu hỏi trên? Trừ khi người đó bị bỏ đói ngay từ đầu và chưa từng nếm qua mùi vị thức ăn, câu hỏi đó mới được xem là có liên quan. Trường hợp này cũng tương tự như câu hỏi “Tình yêu là gì?”.

Tình yêu là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn, nhưng bạn đã bị bỏ đói. Tâm hồn bạn không nhận được tình yêu, cho nên bạn không biết được mùi vị của nó. Cơ thể nhận thức ăn nên cơ thể được duy trì sự sống; còn tâm hồn chưa nhận được thức ăn nên tâm hồn đã chết, hoặc chưa được sinh ra, hoặc luôn ở ngưỡng cửa của cái chết.

Ngay từ khi chào đời, chúng ta đều được trang bị khả năng yêu và được yêu. Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều chan chứa tình yêu và biết rõ tình yêu là gì. Bạn không cần phải dạy đứa trẻ tình yêu là gì. Nhưng vấn đề nảy sinh bởi vì bố mẹ chúng không biết tình yêu là gì. Đứa trẻ không được chọn người cha, người mẹ xứng đáng với nó – không đứa trẻ nào có được diễm phúc đó; những người cha, người mẹ kiểu đó không tồn tại trên trái đất này. Và vào thời điểm khi trở thành cha, thành mẹ, đứa trẻ cũng đánh mất khả năng yêu.

Tôi có nghe kể về một thung lũng nhỏ, nơi những đứa trẻ đều trở nên mù lòa sau khi chào đời được ba tháng. Đó là một cộng đồng nhỏ, vắng vẻ, nơi có một loại bệnh truyền từ ruồi gây mù mắt, do đó cả cộng đồng đều bị mù. Mỗi đứa trẻ tại đây đều chào đời với cặp mắt bình thường, nhưng chỉ tối đa ba tháng, chúng đều bị mù bởi những con ruồi truyền bệnh. Đến một ngày nào đó, hẳn những đứa trẻ này sẽ hỏi: “Mắt là gì? Bạn có thể cho biết nghĩa của từ mắt? Thị lực là gì? Nhìn thấy là gì?”. Khi đó câu hỏi mới có liên quan. Những đứa trẻ này được sinh ra với thị lực bình thường, nhưng thị lực đó đã bị mất đi trong quá trình trưởng thành của chúng.

Đó là những gì đã xảy ra với tình yêu. Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra với tình yêu chan chứa, tràn đầy, nhiều hơn mức chúng có thể đón nhận. Một đứa trẻ chào đời chính là kết quả của tình yêu; đứa trẻ được tạo thành từ những thứ được gọi là tình yêu. Nhưng cha mẹ không biết trao đi tình yêu. Họ đang chịu đựng dư vị khó tiêu của mình – cha mẹ chúng không bao giờ yêu chúng. Cha mẹ chỉ giả vờ yêu thôi. Họ có thể nói về tình yêu. Họ có thể nói: “Ta yêu con rất nhiều”, nhưng trên thực tế họ không yêu đứa con của mình. Cách họ hành xử, cách họ đối xử với đứa trẻ gây ra cảm giác xúc phạm; không hề có sự tôn trọng nào. Cha mẹ không tôn trọng đứa trẻ. Ai lại đi tôn trọng một đứa trẻ? Một đứa trẻ không được như một con người. Đứa trẻ là vấn đề. Nếu im lặng, nó là đứa trẻ ngoan; nếu nó không la hét hay khiến người lớn khổ sở, tốt; nếu nó không cản trở cha mẹ của nó, càng tốt. Đó là những điều nên có ở một đứa trẻ. Nếu thế thì không có sự tôn trọng và không có tình yêu.

Cha mẹ chúng không biết tình yêu là gì. Người vợ không yêu chồng, người chồng không yêu vợ. Giữa họ không tồn tại tình yêu – thay vào đó là sự chi phối, chiếm hữu, ghen tuông, và đủ kiểu độc dược hủy hoại tình yêu. Giống như loại độc dược phá hủy thị giác, độc dược mang tên sự chiếm hữu và ghen tuông cũng sẽ hủy hoại tình yêu.

Tình yêu là một bông hoa mong manh. Nó cần được bảo vệ, được chăm bón; chỉ có như vậy nó mới trở nên mạnh mẽ. Tình yêu của đứa trẻ cũng rất mong manh, bởi vì đứa trẻ mong manh, nên cơ thể nó mong manh. Bạn nghĩ liệu đứa trẻ sẽ tồn tại nếu bị bỏ mặc một mình ư? Hãy nghĩ xem một đứa trẻ bơ vơ như thế nào – nếu bị bỏ mặc một mình, đứa trẻ gần như không thể sinh tồn được. Nó sẽ chết – và đó là điều đang xảy ra với tình yêu. Tình yêu bị bỏ mặc, không ai chăm sóc.

Cha mẹ không biết yêu, họ không biết tình yêu là gì, họ chưa bao giờ ngụp lặn trong tình yêu. Hãy nghĩ về cha mẹ của bạn, và hãy nhớ, tôi không nói rằng họ phải chịu trách nhiệm. Họ cũng là nạn nhân giống như bạn; cha mẹ của họ cũng tương tự như cha mẹ của bạn. Lời đe dọa luôn có ở đó, và cha mẹ luôn đe dọa tống cổ con cái ra ngoài. “Nếu không nghe lời, nếu không hành xử cho đúng, con sẽ bị đuổi ra khỏi nhà”. Lẽ dĩ nhiên, đứa trẻ lo sợ. Bị ném ra khỏi nhà ư? Phải bước vào giông bão cuộc đời ư? Đứa trẻ bắt đầu thỏa hiệp. Đứa trẻ dần dần bị uốn nắn, và nó bắt đầu chơi trò gian lận. Đứa trẻ không muốn cười nhưng nếu muốn uống sữa khi ở cạnh người mẹ, nó sẽ mỉm cười. Giờ thì đây chính là sự bày mưu tính kế – sự khởi đầu, bài học vỡ lòng của cuộc chiến quyền lực.

Tận sâu trong lòng, đứa trẻ bắt đầu ghét cha mẹ bởi vì nó không được tôn trọng; tận sâu trong lòng, đứa trẻ bắt đầu cảm thấy thất vọng bởi nó không được yêu thương như vốn có. Nó được kỳ vọng phải làm những việc nào đó, và chỉ nhờ làm vậy, nó mới được yêu thương. Tình yêu có điều kiện; nó không xứng đáng như vốn có. Đầu tiên, nó phải trở nên xứng đáng, chỉ khi đó nó mới có được tình yêu của cha mẹ. Cho nên, để trở nên xứng đáng, đứa trẻ bắt đầu giả tạo; nó đánh mất cảm nhận về giá trị thật của mình. Nó cũng đánh mất luôn cả sự tự tôn, và dần dần nó bắt đầu cảm thấy rằng mình có tội.

Nhiều ý nghĩ chợt thoáng qua trong tâm trí đứa trẻ: “Liệu đây có phải cha mẹ thật của mình không? Có khi nào mình là con nuôi? Có lẽ họ đang lừa dối mình bởi vì dường như không có tình yêu”. Ngàn lẻ một lần đứa trẻ nhìn thấy sự giận dữ trong mắt cha mẹ, những biểu hiện xấu xí trên khuôn mặt họ, và những điều nhỏ nhặt đến mức đứa trẻ không thể hiểu được sao họ có thể trở nên giận dữ như thế. Chỉ vì những điều rất nhỏ mà đứa trẻ nhìn thấy cơn thịnh nộ của cha mẹ – nó không thể tin được, điều đó thật vô lý và không công bằng! Nhưng đứa trẻ phải đầu hàng, phải cúi đầu, phải chấp nhận chuyện này như một lẽ tất yếu. Dần dần, khả năng yêu thương của nó bị hủy diệt.

Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu. Tình yêu cần có một môi trường yêu thương để nảy nở – đó là nền tảng cơ bản nhất cần phải ghi nhớ. Chỉ ở trong môi trường yêu thương thì tình yêu mới phát triển; nó cần nhịp đập, sự rung động tương tự xung quanh. Nếu người mẹ yêu thương, người cha yêu thương – không chỉ đối với đứa trẻ mà họ còn yêu thương nhau, nếu ngôi nhà tràn ngập bầu không khí yêu thương – đứa trẻ sẽ bắt đầu hành xử như là một người có tình yêu, và nó sẽ không bao giờ đặt câu hỏi “Tình yêu là gì?”. Ngay từ đầu, đứa trẻ sẽ biết tình yêu là gì và tình yêu đó trở thành nền tảng của nó.

Nhưng điều đó không xảy ra. Thật tiếc khi phải nói điều này nhưng nó không xảy ra cho đến tận ngày nay. Và trẻ con học theo cách của cha mẹ – cằn nhằn, chì chiết, xung đột. Cứ tự mình quan sát đi. Nếu bạn là phụ nữ, hãy nhìn xem, bạn có thể đang lặp lại, gần như giống hệt cách mẹ bạn từng hành xử. Hãy quan sát khi bạn ở cạnh bạn trai hoặc chồng – Bạn đang làm gì? Bạn không lặp lại cùng một kiểu ư? Nếu bạn là đàn ông, hãy nhìn xem – Bạn đang làm gì? Liệu bạn không hành xử giống như cha của bạn? Bạn sẽ không làm những việc vô nghĩa như ông ấy từng làm? Đã từng có lúc bạn ngạc nhiên tự hỏi: “Sao cha mình có thể làm điều này?”, và giờ bạn đang làm giống hệt ông ấy. Mọi người cứ mãi lặp lại, mọi người đều là những kẻ bắt chước. Bạn cứ lặp lại hành động của cha mình, của mẹ mình, và bạn cần phải từ bỏ điều đó. Chỉ khi đó bạn mới biết tình yêu là gì, bằng không, bạn sẽ mãi biến chất.

Tôi không thể định nghĩa tình yêu là gì bởi vì không có định nghĩa về tình yêu. Nó là một trong những thứ không thể định nghĩa được giống như sự chào đời, cái chết, Thượng đế, thiền. Nó là một trong những thứ không thể định nghĩa được – tôi không thể định nghĩa được nó. Tôi không thể nói rằng “Đây là tình yêu”, tôi không thể chỉ ra cho bạn thấy. Nó không phải là một hiện tượng hữu hình. Nó không thể được mổ xẻ, phân tích, nó chỉ có thể được trải nghiệm, và chỉ bằng trải nghiệm, bạn mới biết tình yêu là gì. Nhưng tôi có thể chỉ cho bạn cách trải nghiệm tình yêu.

Bước đầu tiên là từ bỏ tiếng nói của cha mẹ vang vọng bên trong bạn, chương trình bên trong bạn, những cuộn băng ghi âm bên trong bạn. Hãy xóa bỏ chúng, bạn sẽ được tự do. Lần đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được lòng trắc ẩn dành cho cha mẹ mình; bằng không, bạn sẽ mãi oán giận họ.

Mọi người đều có lúc cảm thấy oán giận cha mẹ của mình. Làm sao bạn lại không oán giận khi họ đã làm quá nhiều điều sai trái với bạn? Nhưng họ đâu chủ ý làm hại bạn – họ chúc bạn có được những điều tốt đẹp, họ muốn làm mọi thứ vì hạnh phúc của bạn. Họ có thể làm gì nữa đây? Bạn không thể khiến điều gì đó xảy ra chỉ bằng cách mong muốn có nó. Những lời cầu chúc tốt đẹp sẽ chẳng khiến cho điều gì xảy ra. Họ là những người giỏi cầu chúc, đó là sự thật. Không có gì phải nghi ngờ. Mọi cha mẹ đều muốn con cái mình có được mọi niềm vui trong cuộc sống. Nhưng họ có thể làm gì? Bản thân họ cũng chưa nếm trải được niềm vui nào. Họ là những con rô-bốt, và dù vô tình hay cố ý, họ sẽ tạo ra một bầu không khí khiến con cái của họ sớm muộn gì cũng biến thành những con rô-bốt.

Nếu bạn muốn trở thành con người chứ không phải một cỗ máy, hãy thoát khỏi tiếng nói của cha mẹ vang vọng bên trong bạn. Và bạn phải thận trọng. Đó là một việc khó khăn, gian khổ; bạn không thể làm được điều đó ngay lập tức. Bạn sẽ phải rất cẩn thận trong hành vi của mình. Hãy quan sát và chờ xem khi nào mẹ của bạn ở đó, đang hành xử thông qua bạn, hãy dừng ngay lập tức, thoát khỏi nó. Hãy làm điều gì đó hoàn toàn mới mẻ mà mẹ của bạn thậm chí không thể hình dung nổi. Chẳng hạn như, bạn trai của bạn đang nhìn một người phụ nữ khác với ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ. Giờ thì hãy xem bạn sẽ làm gì. Bạn sẽ hành xử như cách mẹ của bạn đã làm khi cha của bạn chiêm ngưỡng người phụ nữ khác? Nếu làm điều đó, bạn sẽ không bao giờ biết được tình yêu là gì, bạn sẽ chỉ đang lặp lại một câu chuyện. Đó sẽ là hành động được diễn bởi nhiều người khác nhau, chỉ có thế; cùng một hành động tồi tệ nhưng được lặp đi lặp lại. Đừng là người bắt chước, hãy thoát khỏi nó. Hãy làm điều gì đó mới mẻ. Hãy làm điều gì đó mà mẹ của bạn không thể tưởng tượng được. Hãy làm điều gì đó mới mẻ mà cha của bạn không thể hình dung được. Sự mới mẻ này phải được mang đến bản thể của bạn, khi đó tình yêu của bạn mới bắt đầu tuôn tràn. Do đó, việc cần làm đầu tiên là thoát khỏi tiếng nói của cha mẹ vang vọng bên trong bạn.

Còn đây là việc cần làm tiếp theo. Mọi người cho rằng họ chỉ có thể yêu khi tìm thấy được người xứng đáng – thật vô nghĩa! Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy người đó. Mọi người nghĩ rằng họ sẽ chỉ yêu khi tìm thấy một người đàn ông hoàn hảo, hoặc một người phụ nữ hoàn hảo. Thật vô nghĩa! Bạn sẽ không tìm thấy bởi vì người đàn ông hoàn hảo và người đàn bà hoàn hảo không tồn tại. Nếu tồn tại, họ sẽ không bận lòng về tình yêu của bạn. Họ sẽ không quan tâm.

------------------------------------ ∞ ------------------------------------

Tôi được nghe kể về một người đàn ông suốt đời cô độc bởi vì ông ta vẫn luôn tìm kiếm người phụ nữ hoàn hảo. Ở tuổi bảy mươi, ông ấy được hỏi: “Ông đã đi khắp nơi, đã tìm kiếm khắp nơi, từ New York đến Kathmandu, từ Kathmandu đến Rome, từ Rome đến Luân Đôn. Ông vẫn không thể tìm thấy được người phụ nữ hoàn hảo? Không một người nào ư?”.

Người đàn ông buồn bã nói: “Có, tôi đã tìm thấy. Vào một ngày cách đây đã lâu, tôi tình cờ gặp một người phụ nữ hoàn hảo”.

“Thế điều gì đã xảy ra? Vì sao ông không đến với người đó?”

Người đàn ông rầu rĩ đáp: “Biết làm sao đây? Cô ấy cũng đang tìm kiếm một người đàn ông hoàn hảo”.

------------------------------------ ∞ ------------------------------------

Hãy nhớ, khi hai người đều hoàn hảo, nhu cầu đối với tình yêu của họ không giống với nhu cầu đối với tình yêu của bạn. Nó chứa đựng một đặc tính hoàn toàn khác biệt.

Bạn thậm chí không hiểu được kiểu tình yêu có thể xảy ra với bạn, nên bạn sẽ không thể nào hiểu được tình yêu xảy ra với Đức Phật, hay tình yêu chan chứa mà Lão Tử dành cho bạn, bạn sẽ không thể nào hiểu được.

Trước hết, bạn phải hiểu rằng tình yêu là một hiện tượng tự nhiên. Bạn phải hiểu cái tự nhiên, rồi sau đó mới đến cái siêu vượt.

Điều thứ hai cần ghi nhớ là đừng bao giờ tìm kiếm một người đàn ông hoàn hảo hay một người phụ nữ hoàn hảo. Ý tưởng đó cũng được gieo vào đầu bạn, rằng chừng nào chưa tìm thấy được người đàn ông hoàn hảo hay người phụ nữ hoàn hảo, bạn sẽ không thể hạnh phúc. Do đó, bạn cứ mãi tìm kiếm, và vì không tìm thấy nên bạn bất hạnh.

Để dâng tràn và trưởng thành trong tình yêu, bạn không cần đến sự hoàn hảo. Tình yêu không liên quan đến điều gì khác. Một người đang yêu chỉ đơn giản là yêu thôi, giống như một người đang sống sẽ hít thở, ăn, uống và ngủ vậy. Bạn không thể nói: “Tôi sẽ không thở chừng nào không khí chưa trong lành”. Bạn vẫn thở dù là ở Los Angeles, hay Mumbai. Bạn không ngừng thở cho dù không khí có bị ô nhiễm, nhiễm độc khắp nơi. Bạn vẫn tiếp tục thở! Bạn không thể ngừng thở chỉ vì không khí không được trong lành. Nếu đói, bạn sẽ ăn vì đói, bất kể là gì. Ở sa mạc, nếu sắp chết khát, bạn sẽ uống bất cứ thứ gì. Bạn sẽ không khăng khăng chỉ uống Coca-Cola, bất cứ thứ gì cũng được, mọi loại đồ uống, chỉ cần là nước, cho dù là nước bẩn.

Con người thậm chí còn uống cả nước tiểu của mình. Khi sắp chết khát, anh ta sẽ không bận tâm đó là nước gì, anh ta sẽ uống bất cứ thứ gì để thỏa cơn khát. Con người đã giết cả lạc đà trên sa mạc để lấy nước, bởi vì lạc đà tích trữ nước bên trong cơ thể. Lúc này, tình huống trở nên nguy hiểm, bởi vì giờ đây người đó sẽ phải đi bộ hàng dặm. Nhưng vì khát đến mức họ chỉ nghĩ đến những gì trước mắt – nếu không có nước, họ sẽ chết. Không có nước, cho dù lạc đà còn sống thì họ sẽ đi đâu? Lạc đà sẽ phải mang xác chết đi bởi vì họ sẽ chết vì thiếu nước.

Một người còn sống và đang yêu chỉ đơn giản yêu thôi. Tình yêu là một chức năng tự nhiên.

Do đó, điều thứ hai cần ghi nhớ là đừng đòi hỏi sự hoàn hảo, bằng không bạn sẽ không tìm thấy chút tình yêu nào tuôn chảy trong bạn. Ngược lại, bạn sẽ trở thành người không có tình yêu. Những người đòi hỏi sự hoàn hảo là những người loạn thần kinh chức năng, không có tình yêu. Cho dù có tìm thấy một người yêu hoàn hảo như họ muốn thì tình yêu ấy cũng sẽ bị hủy hoại bởi vì sự đòi hỏi kia.

Khi một người đàn ông yêu một người phụ nữ hoặc một người phụ nữ yêu một người đàn ông, những đòi hỏi sẽ lập tức xuất hiện. Người phụ nữ bắt đầu đòi hỏi rằng người đàn ông phải hoàn hảo, chỉ vì anh ta yêu cô ta. Như thể anh ta đã mắc tội! Giờ thì anh ta phải hoàn hảo, giờ thì bỗng nhiên anh ta phải bỏ hết những mặt hạn chế của mình, chỉ vì người phụ nữ này ư? Giờ đây, anh ta không thể là con người ư? Anh ta hoặc phải trở thành siêu nhân hoặc phải trở thành kẻ lừa dối.

Dĩ nhiên là rất khó để trở thành siêu nhân, do đó con người trở thành những kẻ lừa dối. Họ bắt đầu giả vờ, đóng kịch và sử dụng chiêu trò. Nhân danh tình yêu, họ chỉ đang sử dụng chiêu trò. Do đó, điều thứ hai cần ghi nhớ là đừng bao giờ đòi hỏi sự hoàn hảo. Bạn không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì từ ai. Nếu ai đó yêu bạn, hãy cảm thấy biết ơn nhưng đừng đòi hỏi gì cả, bởi vì người kia không có nghĩa vụ phải yêu bạn. Nếu được yêu, đó là một điều kỳ diệu. Hãy để tim bạn rung lên bởi sự kỳ diệu đó.

Nhưng con người không rung động. Vì những việc nhỏ nhặt, họ sẽ hủy hoại mọi khả năng yêu thương. Họ không quan tâm nhiều đến tình yêu và niềm vui của tình yêu. Họ quan tâm đến hành trình của cái tôi hơn.

Hãy quan tâm đến niềm vui của bạn. Hãy hết lòng quan tâm đến niềm vui của bạn, chỉ quan tâm đến niềm vui của bạn. Mọi thứ khác không quan trọng. Hãy yêu – như là một chức năng hoạt động tự nhiên, giống như hít thở vậy. Và khi bạn yêu một người, đừng đòi hỏi; bằng không, ngay từ đầu, bạn đang đóng các cánh cửa lại. Đừng kỳ vọng bất cứ điều gì. Nếu điều gì đó xảy ra như bạn mong muốn, hãy cảm thấy biết ơn. Nếu không có gì xuất hiện, nó không cần phải xuất hiện, không cần thiết. Bạn không thể kỳ vọng về nó.

Hãy quan sát mọi người, nhìn cách họ coi nhau như là điều tất yếu. Nếu người vợ chuẩn bị thức ăn cho bạn, bạn không bao giờ cảm ơn cô ấy. Tôi không nói rằng bạn phải nói ra lời cảm ơn của mình, mà nó cần được thể hiện qua ánh mắt. Nhưng bạn không bận tâm, bạn cho đó là điều hiển nhiên – đó là việc của cô ấy. Ai nói với bạn thế?

Nếu người chồng đi làm kiếm tiền, bạn không bao giờ cảm ơn anh ta. Bạn không cảm thấy biết ơn. “Đó là việc mà một người đàn ông nên làm”. Vậy thì làm sao tình yêu có thể phát triển? Tình yêu cần một bầu không khí yêu thương, tình yêu cần một bầu không khí của lòng biết ơn. Tình yêu cần một môi trường không đòi hỏi, không kỳ vọng. Đây là điều thứ hai cần ghi nhớ.

Và điều thứ ba là, thay vì nghĩ cách để yêu, hãy bắt đầu cho đi. Nếu cho đi, bạn sẽ nhận về. Không có cách nào khác. Nhưng mọi người quan tâm nhiều đến cách lấy về và nhận về. Mọi người đều muốn nhận về, dường như không ai thích cho đi. Mọi người cho đi một cách miễn cưỡng – nếu phải cho đi, họ cho đi để nhận về, và việc đó gần giống như một thương vụ. Đó là một cuộc mặc cả.

Họ luôn theo dõi để đảm bảo rằng mình nhận về nhiều hơn là cho đi, khi đó nó sẽ là một cuộc mặc cả tốt, một thương vụ hời. Và người khác cũng sẽ làm điều tương tự.

Tình yêu không phải là một cuộc đổi chác, do đó đừng xem nó như là một thương vụ. Bằng không, bạn sẽ bỏ lỡ cuộc đời mình và tình yêu của mình, đó là tất cả những gì tuyệt đẹp của cuộc sống, bởi vì tất cả những gì xinh đẹp đều không phải là thương vụ. Kinh doanh là thứ xấu xa nhất trên thế giới này – một sự xấu xa cần thiết, nhưng sự hiện hữu không biết gì về kinh doanh. Cây ra hoa, đó không phải là kinh doanh; các vì sao tỏa sáng, đó không phải là kinh doanh, và bạn không phải trả tiền cho nó, không ai đòi hỏi điều gì ở bạn. Một con chim bay đến đậu ở cửa nhà bạn và hót, con chim đó không đòi bạn cấp giấy chứng nhận hay khen ngợi nó. Nó ríu rít rồi hạnh phúc bay đi, không để lại dấu vết nào.

Đó là cách tình yêu phát triển. Cho đi, và đừng chờ đợi xem bạn có thể nhận về bao nhiêu. Đúng vậy, nó sẽ đến, nó đến gấp ngàn lần nhưng đến một cách tự nhiên. Tự nó xuất hiện, bạn không cần phải đòi hỏi. Khi bạn đòi hỏi, nó sẽ không bao giờ đến. Khi đòi hỏi, bạn đã giết chết nó. Vậy nên hãy cho đi. Hãy bắt đầu cho đi.

Ban đầu, việc này rất khó, bởi vì cả cuộc đời mình, bạn đã được dạy bảo là không cho đi mà nhận về. Ngay từ đầu, bạn sẽ phải chiến đấu với chiếc áo giáp của mình. Cơ bắp của bạn đã trở nên khô cứng, trái tim bạn đã trở nên băng giá. Ngay từ đầu, đây là việc khó khăn, nhưng mỗi bước đi sẽ dẫn bạn đến một bước đi xa hơn, và dần dần dòng suối bắt đầu tuôn chảy.

Đầu tiên, hãy thoát khỏi tiếng nói của cha mẹ vang vọng bên trong bạn. Khi thoát khỏi tiếng nói ấy, bạn sẽ thoát khỏi xã hội; khi thoát khỏi tiếng nói ấy, bạn sẽ thoát khỏi sự văn minh, giáo dục, mọi thứ – bởi vì cha mẹ là đại diện cho tất cả những điều đó. Bạn sẽ trở thành một cá thể độc lập. Lần đầu tiên, bạn không còn thuộc về đám đông, bạn có cá tính độc lập của riêng mình. Bạn được là chính mình. Đây chính là sự trưởng thành. Đây chính là những gì một người trưởng thành cần có.

Người trưởng thành là người không cần ai để neo bám hoặc dựa dẫm. Người trưởng thành là người hạnh phúc trong chính sự cô độc của mình – sự cô độc của người đó là một ca khúc, là một sự ăn mừng. Người trưởng thành là người có thể tự mình hạnh phúc. Sự cô độc của người đó không phải là sự đơn độc, sự cô độc của người đó là tĩnh lặng, là thiền.

Một ngày nào đó, bạn phải bước ra khỏi tử cung của người mẹ. Nếu ở trong đó lâu hơn chín tháng, bạn sẽ chết – không chỉ bạn mà mẹ bạn cũng chết. Một ngày nào đó, bạn phải bước ra khỏi tử cung của người mẹ; rồi một ngày nào đó, bạn phải bước ra khỏi môi trường gia đình – một loại tử cung khác – để đến trường. Rồi một ngày nào đó, bạn phải bước ra khỏi trường học để đi vào thế giới rộng lớn hơn. Nhưng tận sâu trong lòng, bạn vẫn là một đứa trẻ. Bạn vẫn ở trong tử cung! Hết lớp tử cung này đến lớp tử cung khác và tử cung đó cần phải bị phá vỡ.

Người phương Đông gọi đó là sự chào đời lần thứ hai. Khi đạt đến sự chào đời lần thứ hai, bạn hoàn toàn thoát khỏi dấu ấn của cha mẹ. Và cái đẹp nằm ở chỗ chỉ người như thế mới cảm thấy biết ơn cha mẹ. Nghịch lý là chỉ người như thế mới có thể tha thứ cho cha mẹ của mình. Anh ta cảm nhận được lòng trắc ẩn và tình yêu dành cho cha mẹ, anh ta cảm nhận một cách vô cùng sâu sắc bởi vì họ cũng đã chịu đựng như những gì anh ta chịu đựng. Anh ta không giận dữ, không giận một chút nào. Anh ta có thể khóc nhưng không giận dữ, và anh ta sẽ làm mọi cách để giúp cha mẹ mình đạt đến trạng thái cô độc đó, tầm cao cô độc đó.

Hãy trở thành những cá thể độc lập, đó là việc đầu tiên. Việc thứ hai là đừng kỳ vọng sự hoàn hảo và đừng yêu sách, đòi hỏi. Hãy yêu những con người bình thường. Không có gì sai với những người bình thường. Những người bình thường chính là những người phi thường! Mỗi con người đều là một cá thể độc nhất; hãy tôn trọng tính độc đáo đó. Thứ ba là hãy cho đi, và cho đi một cách vô điều kiện, khi đó bạn sẽ biết tình yêu là gì.

Mời các bạn đón đọc Yêu Trong Tỉnh Thức của tác giả Osho & Lâm Đặng Cam Thảo (dịch).