Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Người Chuyển Tàu

Với NGƯỜI CHUYỂN TÀU, ngòi bút của nhà văn đã hóa thành dao trổ, Christopher Isherwood như một điêu khắc gia thuần thành giới thiệu với công chúng pho ngẫu tượng độc đáo bậc nhất trong bộ sưu tập nhân vật văn chương - ngài Arthur Norris: một Đảng viên cánh tả có nết khổ dâm; lịch lãm phong lưu nhưng lại là một tay lừa đảo thành thần; nợ nần chồng chất nhưng lại rất ưa hưởng thụ xa hoa.

***

Christopher Isherwood (1904-1986) là một tiểu thuyết gia lớn người Mỹ gốc Anh của thế kỷ 20, người có những đóng góp tích cực trong phong trào đấu tranh quyền lợi cho người đồng tính với hơn 40 tác phẩm được xuất bản rộng rãi trên toàn thế giới.

Các tác phẩm do Tao Đàn xuất bản:

- Người Chuyển Tàu

- Từ Biệt Berlin

- Hoa Tím Ngày Xưa

- Một Con Người

- Chuyện Ở Berlin

***

Ấn tượng đầu tiên của tôi là đôi mắt người lạ kia mang một sắc xanh nhạt bất thường. Chúng chạm ánh mắt tôi trong vài giây, trống rỗng, hoang hoải, rõ ràng là đang sợ hãi. Thảng thốt và ngây thơ vô số tội, chúng thoáng gợi nhắc tôi tới một sự kiện mà tôi không thể định rõ; một điều gì đó đã xảy ra lâu lắm rồi, mãi từ hồi học trung học. Chúng là đôi mắt của một cậu học sinh sửng sốt khi đã vi phạm nội quy. Rõ ràng, tôi chẳng bắt quả tang được ông điều gì ngoài chính những suy nghĩ của ông: có lẽ ông tưởng rằng tôi có thể nhìn thấu chúng. Bất luận thế nào thì có vẻ như ông đã không nghe thấy hoặc nhìn thấy tôi bước đến chỗ ông trên toa tàu, vì ông giật bắn mình khi vừa nghe giọng của tôi; dữ dội tới mức vẻ rúm ró lo lắng của ông dội ngược lại tôi như tiếng vọng. Theo bản năng, tôi lùi lại một bước.

Cảm giác giống hệt như thân thể chúng tôi vừa đụng vào nhau trên phố. Cả hai đều bối rối, cả hai đều sẵn sàng xin lỗi. Mỉm cười, lo lắng trấn an ông, tôi nhắc lại câu hỏi của mình: “Ngài có thể cho tôi châm nhờ điếu thuốc được chứ?”

Kể cả lúc này, ông cũng không trả lời ngay. Có vẻ như ông đang mải mê làm phép tính nhẩm nào đó, những ngón tay lo lắng giật liên hồi, nguệch ngoạc những đường tròn mông lung trên chiếc áo gi-lê. Thoạt nhìn, tựa hồ như ông chuẩn bị cởi áo, rút khẩu súng lục, hoặc đơn giản là muốn đảm bảo tôi đã không thó tiền của ông. Rồi giây phút kích động lướt khỏi ánh nhìn của ông, như gợn mây trôi, trả lại bầu trời quang đãng. Cuối cùng ông đã hiểu điều tôi muốn: “Vâng, vâng. Ờm - dĩ nhiên là được. Dĩ nhiên.”

Vừa nói ông vừa khẽ chạm đầu ngón tay vào thái dương bên trái, húng hắng rồi đột nhiên mỉm cười. Nụ cười của ông rất có sức hút.

“Dĩ nhiên rồi,” ông nhắc lại. “Rất hân hạnh.”

Một cách tao nhã, ông nhón tay lục tìm trong túi áo gi-lê của bộ vét xám phẳng phiu có vẻ đắt tiền, rút ra một chiếc bật lửa màu vàng. Đôi bàn tay của ông trắng, nhỏ và được tỉa móng gọn ghẽ.

Tôi mời ông thuốc lá.

“Ờm… cảm ơn cậu. Cảm ơn.”

“Mời ngài châm trước.”

“Ấy thôi, thôi. Mời cậu.”

Ngọn lửa bé xíu trên chiếc bật lửa chập chờn giữa chúng tôi, mong manh như bầu không khí khách sáo quá đỗi giữa đôi bên. Chỉ cần một hơi thở nhẹ cũng đủ làm dập tắt thứ này, chỉ một cử chỉ hay câu từ xuề xòa cũng có thể phá tan thứ kia. Cả hai điếu thuốc giờ đã được châm. Chúng tôi ai lại về chỗ nấy. Người lạ kia vẫn đang ngờ vực tôi. Ông vẫn đang băn khoăn liệu mình đã đi quá trớn, đã tự đẩy mình về phía một gã nhàm chán hoặc một tay lừa lọc. Tâm hồn rụt rè của ông chực chờ ngơi nghỉ, về phần mình, tôi chẳng có gì để đọc. Tôi tiên lượng một hành trình câm lặng tột cùng kéo dài bảy, tám tiếng. Tôi quyết tâm nói chuyện.

“Ông có biết khi nào chúng ta tới biên giới không?”

Nhìn lại đoạn hội thoại, câu hỏi này với tôi dường như chẳng hề có chút bất thường. Đúng là tôi chẳng quan tâm tới câu trả lời; tôi chỉ đơn thuần muốn hỏi một cái gì đó có thể mào đầu cuộc tán gẫu, và đồng thời không quá thóc mách hay sỗ sàng. Tác động của câu hỏi lên người lạ kia thật đáng kể. Chắc hẳn tôi đã khiến ông hứng thú. Ông liếc nhìn tôi hồi lâu, vẻ cổ quái, khuôn mặt ông dường như căng cứng đôi chút. Đó là cái nhìn của tay chơi bài xì tố đột nhiên phán đoán đối thủ của gã đang nắm tay bài thùng phá sảnh* và rằng gã tốt hơn hết là nên cẩn thận. Hồi lâu ông mới đáp lời, từ từ và thận trọng: “Tôi e là tôi không thể nói cho cậu chính xác được. Khoảng một giờ nữa, tôi nghĩ thế.”

Ánh mắt của ông, trong giây lát trống rỗng, lại trở nên mù mịt. Một suy nghĩ khó chịu dường như đang trêu chọc ông như con ong vò vẽ; ông khẽ nghiêng đầu tránh nó. Rồi ông nói thêm, u ám đến bất ngờ: “Mấy cửa khẩu kiểu này… đúng là phiền toái kinh khủng.” Tôi không chắc nên đón nhận lời này như thế nào. Tôi chợt nghĩ có lẽ ông là một người theo chủ nghĩa quốc tế ôn hòa; một thành viên của Hội Quốc Liên*. Tôi đánh liều: “Chúng nên bị dẹp bỏ.”

“Tôi khá nhất trí với cậu. Thực sự nên thế.” Rõ ràng ông ta đang tỏ ra thân thiện. Ông có chiếc mũi tròn ủng và một chiếc cằm có vẻ bị lệch, giống như cái đàn concertina bị hỏng. Khi ông nói, nó giật dúm lại vô cùng kì quặc và vết cằm chẻ sâu hoắm như một vết thương đột nhiên xuất hiện lệch một bên. Phía trên gò má đỏ lựng của ông, vầng trán trắng loáng góc cạnh như đá cẩm thạch. Tóc mái màu muối tiêu cắt lem nhem vắt ngang, gọn, dày và nặng. Sau một hồi ngắm nghía, tôi nhận ra, với niềm hưng phấn cao độ, rằng ông ta đang đội tóc giả.

“Nhất là ba cái trò hành chính quan liêu,” tôi tiếp bước thắng lợi, “kiểm tra hộ chiếu, đại loại thế.”

Nhưng không. Câu này không ổn. Tôi ngay lập tức nhận ra từ vẻ mặt của ông rằng mình vừa gẩy một nốt nhạc chối tai. Chúng tôi đang nói thứ ngôn ngữ na ná nhưng khác biệt. Vậy mà lần này phản ứng của người lạ kia lại không phải là ngờ vực. Ông hỏi, với vẻ thẳng thắn khó hiểu và tò mò không giấu diếm: “Đã bao giờ cậu gặp vấn đề ở đây chưa?” Bản thân câu hỏi không khiến tôi thấy kì lạ bằng chính giọng điệu hỏi của ông. Tôi mỉm cười giả lả. “Ô không. Ngược lại thì đúng hơn. Thường họ đâu có thèm mở cái gì, còn hộ chiếu của ông họ chẳng thèm nhìn qua.”

“Thật mừng khi cậu nói thế.”

Ông chắc hẳn đã đọc thấy trên mặt tôi những gì tôi đang nghĩ, vì ông vội vã tiếp lời: “Có thể tôi hơi nực cười, nhưng tôi rất ghét bị quấy rầy và làm phiền.”

“Dĩ nhiên. Tôi hiểu.”

Tôi nhe răng cười, bởi tôi vừa đi đến một lời giải thích thỏa đáng cho hành vi của ông ta. Ông bạn già này đang dính vào một phi vụ buôn lậu nho nhỏ vô hại. Có lẽ là một mảnh lụa cho vợ hoặc một hộp xì gà cho bạn. Và dĩ nhiên, ông đang bắt đầu thấy sợ. Rõ ràng nom ông dư sức trả bất kì khoản thuế nào. Đám nhà giàu quả là có những sở thích lạ lùng.

“Vậy là ông chưa bao giờ đi qua cửa khẩu này?” Tôi cảm thấy bản thân tử tế, bảo bọc và trịch thượng. Tôi sẽ động viên ông, và nếu tình hình tệ quá thì phím trước cho ông mấy lời nói dối hợp lý để làm mềm lòng nhân viên hải quan.

“Mấy năm gần đây thì không. Tôi thường di chuyển nội trong nước Bỉ. Vì nhiều lý do. Vâng.” Ông lại có vẻ mơ hồ, im tiếng, và nghiêm trang gãi cằm. Đột nhiên, có thứ gì đó dường như thôi thúc ông nhận thức sự có mặt của tôi: “Có lẽ theo thủ tục thì tôi nên tự giới thiệu. Arthur Norris, người Gent. Tôi sống tự lập, nhờ vào thu nhập từ bất động sản.” Ông cười khúc khích vẻ lo lắng, rồi đột ngột thốt lên cảnh báo. “Xin đừng đứng dậy.”

Nếu muốn bắt tay mà không di chuyển thì xa quá. Chúng tôi đành thỏa hiệp bằng một cái cúi người lịch sự từ chỗ ngồi.

“Tôi là William Bradshaw,” tôi nói.

“Ôi trời, đừng nói cậu là người nhà Bradshaw ở Suffolk đấy nhé?”

“Tôi đồ rằng đó chính là nhà chúng tôi. Trước Chiến tranh*, chúng tôi sống ở Ipswich.”

“Thế bây giờ thì sao? Cậu còn sống ở đấy không? Có lần tôi từng sống cùng với một bà tên là Hope-Lucas. Bà ấy có ngôi nhà đáng yêu gần Matlock. Bà ấy mang họ Bradshaw trước khi kết hôn.”

“Vâng, đúng vậy. Đó là bà dì Agnes của tôi. Bà mất bảy năm trước rồi.”

“Vậy sao? Ôi, ôi. Tôi rất lấy làm tiếc… Dĩ nhiên, tôi quen bà từ khi tôi còn là thanh niên; lúc đó bà ấy đã trung niên rồi. Với lại nhắc cho cậu khỏi quên, tôi đang nói hồi năm 98* ấy.”

Từ nãy đến giờ tôi ngấm ngầm soi xét mái tóc giả của ông. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mái tóc giả nào được làm khéo đến thế. Phía sau gáy, nơi tóc giả tóc thật được chải lẫn với nhau, trông thật hài hòa. Chỉ có phần rẽ ngôi là khiến nó bại lộ, mà thực ra nhìn từ cách xa ba, bốn mét thì cũng không quá kệch cỡm.

“Thật là…” Ông Norris trầm tư. “Ôi chao, đúng là trái đất tròn.”

“Chắc ông chưa từng gặp mẹ tôi? Hay cậu tôi, ngài đô đốc?”

Lúc này tôi đành hạ cố chơi bài quan hệ. Nó tẻ nhạt nhưng thư giãn, lại có thể kéo dài hàng giờ. Chưa gì tôi đã thấy cả chuỗi những nước đi ngon ăn phía trước - các cậu, các dì, anh em họ, đám cưới của bọn họ, gia tài của bọn họ, thuế thừa kế, tài sản thế chấp, doanh số. Rồi tới trường tư thục và đại học, so sánh về đồ ăn, trao đổi giai thoại về những chuyên gia, các trận đấu nổi tiếng và những cuộc đua thuyền trứ danh. Tôi biết đích xác chủ đề nào phải nói bằng giọng lưỡi nào.

Nhưng, ngạc nhiên thay, rốt cuộc ông Norris không có vẻ muốn chơi trò này. Ông vội vã đáp lời. “Tôi e là không. Không. Kể từ cuộc chiến, tôi mất liên lạc với kha khá bạn bè người Anh. Vì công chuyện làm ăn nên tôi đi nước ngoài suốt.”

Cụm từ “đi nước ngoài” khiến cả hai chúng tôi tự nhiên ngó ra ngoài cửa sổ. Hà Lan đang trôi qua tầm nhìn của chúng tôi êm đềm như cơn mơ sau bữa tối: một vùng đất lầy bình lặng, bao quanh là tuyến xe điện chạy dọc bờ đê.

“Ông biết đất nước này rõ không?” Tôi hỏi. Kể từ khi nhận ra bộ tóc giả, tôi nhận thấy không thể nào tiếp tục gọi ông là ngài. Vả lại, nếu ông ấy có đội nó lên để nom trẻ trung hơn thì cũng thật vô ý vô tứ khi cứ cố chấp nhấn mạnh sự chênh lệch tuổi tác giữa chúng tôi.

“Tôi biết Amsterdam khá rõ,” ông Norris len lén gãi cằm. Ông có cái kiểu vừa gãi vừa hé môi như thể đang cau có bất mãn, nhưng lại không hung bạo, tựa như con sư tử già trong chuồng. “Khá rõ, đúng thế.”

“Tôi cũng muốn đến đó lắm. Chắc hẳn rất tĩnh lặng và yên bình.”

“Trái lại, tôi có thể đảm bảo với cậu rằng đó là một trong những thành phố nguy hiểm nhất châu Âu.”

“Thật sao?”

“Đúng thế đấy. Gắn bó sâu đậm với Amsterdam, tôi vẫn luôn cho rằng nó có ba điểm trừ chí mạng. Thứ nhất, cầu thang trong nhiều ngôi nhà quá dốc đến mức phải là một tay leo núi chuyên nghiệp mới có thể leo thang mà không bị trụy tim hoặc gãy cổ. Thứ hai, đám đi xe đạp. Bọn này hăm hở đạp khắp thành phố rồi lấy đó làm tự hào mà không thèm quan tâm tới mạng người. Mới sáng nay thôi tôi vừa thoát chết trong gang tấc. Và thứ ba, kênh đào. Vào mùa hè, cậu biết không… hôi thối không chịu được, ôi, thối đến phát mửa. Có kể cả ngày cũng chẳng hết. Hàng tuần giời không lúc nào tôi không đau họng.”

Đến lúc chúng tôi tới Bentherim, ông Norris đã trình bày hẳn một bài diễn thuyết về những bất lợi của hầu hết các thành phố lớn ở châu Âu. Tôi kinh ngạc khi biết ông đã chu du nhiều đến thế. Ông đã chịu đựng bệnh thấp khớp ở Stockholm và hạn hán ở Kaunas; ở Riga ông buồn chán, ở Warsaw ông bị đối xử khiếm nhã tột cùng, ở Belgrade ông không thể mua được nhãn hiệu kem đánh răng ưa thích. Ở Rome ông bị côn trùng quấy phá, ở Madrid ông bị ăn xin vòi vĩnh, ở Marseilles ông khó chịu vì tiếng còi xe taxi. Ở Bucharest ông đã có trải nghiệm vô cùng khó chịu với cái cầu tiêu. Ở Constantinopole ông thấy xa xỉ và nhạt nhẽo. Hai thành phố duy nhất ông cực kì khen ngợi là Paris và Athens. Đặc biệt là Athens. Athens là thánh địa của ông.

Tới giờ, con tàu đã dừng lại. Những người đàn ông mập mạp tái nhợt trong bộ đồng phục xanh dương đi tới đi lui trên sân ga với vẻ nhàn nhã có phần thâm hiểm, làm nên phong thái quan chức ở các ga cửa khẩu. Họ chẳng khác gì những kẻ giám ngục. Tựa hồ như chúng tôi không một ai được phép đi xa hơn.

Mời các bạn đón đọc Người Chuyển Tàu của tác giả Christopher Isherwood & Ngô Hà Thu (dịch).