Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Julie - Con Của Bầy Sói

Đóng góp kiệt xuất nhất cho nền văn học thiếu nhi, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1972.” - Ban Dịch vụ Thiếu nhi, Hiệp hội Thư viện Mỹ. “Một cuốn sách về những khía cạnh phi thời gian, và có lẽ thậm chí còn rất kinh điển. Cách kể chuyện tuyệt vời bao gồm cả những mô tả và các chi tiết chân thực về lối sống cùng những nghi lễ của người Eskimo. Cả cuốn sách có sự chân thực hiếm hoi, đậm nét mà họa sĩ đã tô đậm bằng những bức vẽ sinh động.” (Horn Book).
“Tác giả là một nhà tự nhiên học đã trực tiếp quan sát loài sói. Tiểu thuyết của bà thấm đẫm sự hiểu biết về loài sói, cách kể chuyện truyền tải được sự mênh mông vô tận của lãnh nguyên cũng như nhiều khía cạnh khác của Bắc Cực, cả xa xưa và hiện đại, động vật và con người.” - The New York Times

***

Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Julie và bầy sói hoang nơi Bắc Cực băng giá
Chủ nhật, 10/11/2019

"Julie con của bầy sói" được lấy bối cảnh ở Bắc Cực, xoay quanh chuyến phiêu lưu của cô gái trẻ tuổi Julie, cùng bầy sói hoang dã, với nhiều những chi tiết hấp dẫn, cảm động.

Julie con của bầy sói, là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của nhà văn Jean Craighead George, được xuất bản bởi Harper vào năm 1972, với những bức tranh minh họa của John Schoenherr.

Julie con của bầy sói là tập đầu tiên trong bộ truyện về Julie. Các tập tiếp theo là: Julie (tạm dịch: Chuyện Julie) 1994; Julie’s Wolf Pack (tạm dịch: Đàn sói của Julie) 1997; Nutik, the Wolf Pup (tạm dịch: Nutik, sói con) 2001; Nutik and Amaroq play ball (tạm dịch: Nutik và Amaroq chơi bóng), 2001.

Năm 1971, George và con trai bà, Luke đã đến Barrow, Alaska để nghiên cứu về những con sói cho một bài viết của Readers Digest. Tại phòng thí nghiệm nghiên cứu Barrow, George quan sát các nhà khoa học đang nghiên cứu loài sói và cố gắng phá vỡ mã liên lạc của chúng. Bản thân George trong thời gian ở Barrow từng giao tiếp thành công với chúng. Chính điều đó gợi ý tưởng George viết cuốn sách Julie con của bầy sói, kể về một cô gái trẻ sống sót trong vùng Bắc cực lạnh giá, bằng cách giao tiếp với những con sói. Nhân vật Julie được lấy hình mẫu dựa trên một người phụ nữ Eskimo tên Julian Sebevan, người đã dạy George “những phong tục của người Eskimo”.

Julie trong Julie con của bầy sói là một cô gái người Eskimo lớn lên giữa những giao thoa của một Alaska hiện đại với truyền thống Eskimo. Sau cái chết của mẹ, cô được nuôi dưỡng bởi cha Kapugen. Trong sự chăm sóc của ông, cô đã trở thành một cô gái Eskimo thông minh, và thấu hiểu những nét hoang dã, đẹp đẽ của vùng Bắc Cực lạnh giá. Cuộc sống tươi đẹp cho đến khi Julie được gửi đến sống với dì Martha, một người phụ nữ xa cách và lạnh lùng. Trong khi đó cha của cô mất tích trong một chuyến đi săn hải cẩu.

Cuộc sống buồn chán tại nhà dì Martha tưởng như sẽ chấm dứt khi lên 13 tuổi cô kết hôn với Daniel, theo tục lệ người Eskimo, và được phép rời khỏi nhà của dì. Nhưng rất nhanh chóng, Julie nhận ra rằng cuộc sống với gia đình Daniel còn tồi tệ hơn tại nhà dì Martha khi anh ta là người đàn ông thiểu năng, bạo lực.

Tình huống ấy đã thôi thúc Julie bỏ trốn. Ban đầu cô dự định sang San Francisco, California với người bạn thân mến của mình. Julie không ngờ rằng, hành trình ấy lại đưa cô vào một chuyến phiêu lưu kỳ diệu, dẫn lối cho cô trở về với ngôi nhà thực sự, tràn ngập tình yêu thương của chính mình.

Trong hành trình ấy, khi phải sống những đêm lạnh giá của mùa đông Bắc Cực, khi không thể tìm được hướng đi đúng, Julie đã tìm thấy tình bạn ấm áp từ những chú con sói hoang.

Kinh nghiệm từ người cha đã cho cô biết rằng, nếu có thể giao tiếp được với chó sói, cô sẽ không sợ bị chết đói trong rừng. Nên khi gặp bầy sói hoang ở Bắc Cực, cô tin mình đã được cứu sống.

Ban đầu chúng hờ hững mặc cho cô tìm mọi cách để giao tiếp, nhưng Julie không bỏ cuộc. Cô lần lượt học theo những cử chỉ của các con sói, sau đó dần được những chú sói con yêu mến, và cô bắt đầu được ăn phần thịt từ chúng. Dưới ánh mắt quan sát của Julie, cách săn mồi, vờn mồi, canh giữ bầy đàn, cho đến cách loài sói chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ đồng loại, hay cái chết của con sói bầy đàn… đều là những hình ảnh được khắc họa sống động, vẽ nên một bầu không khí hoang dã, mênh mông của thiên nhiên Bắc Cực.

Cuộc sống của người Eskimo nơi Bắc Cực băng giá là nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết Julie con của bầy sói.
Theo chân Julie, độc giả sẽ được trải nghiệm cảm giác phiêu lưu đầy kỳ diệu, thích thú đồng thời đắm chìm trong bầu không khí thiên nhiên hùng vĩ của một miền Bắc Cực lạnh giá xa thẳm, vừa như thực vừa như hư trong màn băng tuyết trắng xóa.

Truyện Julie con của bầy sói dù được viết cho thiếu nhi nhưng cách kể chuyện nhiều ẩn dụ, không chỉ khắc họa sâu sắc sự gắn kết kỳ lạ của những người thân trong gia đình, mà từ cuộc phiêu lưu của Julie, tác giả George đồng thời đã làm bật lên cá tính yêu thích tự do, tâm hồn rộng mở, dũng cảm của trẻ thơ. Julie có thể xem là nguồn cảm hứng hay cũng chính là một phần hình ảnh ta có thể bắt gặp trong mọi đứa trẻ. Cũng chính bởi nguồn cảm hứng bất tận được gợi nên ấy, cuốn sách Julie con của bầy sói trở thành cuốn sách thiếu nhi được độc giả trên khắp thế giới yêu mến.

Tác giả Jean Carolyn Craighead Geogre là nhà văn người Mỹ với hơn 100 tác phẩm dành cho trẻ em và thanh niên, tập trung vào chủ đề môi trường và thế giới tự nhiên.

Sinh ra trong gia đình có nhiều người nghiên cứu về tự nhiên, bà tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh và khoa học tại Đại học Bang Pennsylvania năm 1940. Bà từng là phóng viên cho tờ The Washington Post, biên tập viên cho nhà xuất bản Readers Digest. Bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Vulpes the Red Fox năm 1948 cùng với chồng là John Lothar George và đích thân bà vẽ minh họa cho cuốn sách.

Với tiểu thuyết Julie con của bầy sói, George giành được Huy chương Newbery do Hiệp hội Thư viện Mỹ trao tặng năm 1973. Bà cũng đã dành giải thưởng Văn học Thanh niên Đức năm 1975 cho bản dịch tiếng Đức của tác phẩm này.

Thủy Nguyệt

***

AMAROQ - SÓI ĐẦU ĐÀN

MIYAX ĐƯA TAY HẤT MŨ TRÙM CỦA CHIẾC ÁO parkaw[1] da hải cẩu ra phía sau rồi ngước nhìn mặt trời Bắc Cực. Lúc này trông nó như một cái đĩa bằng vàng lơ lửng trên nền trời màu vàng chanh; vậy là đã sáu giờ chiều, đàn sói sắp đi kiếm mồi rồi đây. Cô nhẹ nhàng đặt cái nồi xuống rồi bò lên đỉnh một ụ tuyết thoai thoải, xung quanh có vô số những ụ tuyết nhấp nhô trong cái lạnh cắt thịt của mùa đông Bắc Cực. Với tư thế nằm sấp, cô đưa mắt nhìn khắp cả vùng mênh mông cỏ và rêu rồi chăm chú quan sát đàn sói cô bắt gặp hai đêm trước. Chắc chúng vừa mới thức dậy, đang âu yếm vẫy đuôi và nhìn ngó nhau. Hai tay cô run lên và tim đập thình thịch - cô thấy sợ nhưng không phải sợ đàn sói, loài thú vốn không mấy dạn người và lại là những tay thợ săn lão luyện; cô sợ hãi trước tình trạng bi đát của mình lúc này. Miyax đang bị lạc. Đã nhiều ngày nay cô bị lạc ở vùng dốc Bắc Alaska mà lại không có lương thực. Vùng dốc cằn cỗi trải dài ba trăm dặm từ vùng Brooks tới tận bờ Bắc Băng Dương và hơn tám trăm dặm từ Chukchi tới biển Beaufort. Chẳng có đường xá chạy qua vùng này, cả vùng đất mênh mông chỉ có lác đác vài cái hồ. Gió gào thét suốt ngày đêm, nhìn mọi phương hướng đều như nhau, không tài nào phân biệt được. Miyax đang ở một nơi nào đó trong khu vực mênh mông vô tận này và sự sống trong người cô muốn tồn tại được thế thì phải dựa hoàn toàn vào đàn sói kia. Nhưng cô không dám chắc chúng có chịu giúp đỡ cô hay không? Miyax chăm chú nhìn con sói lông đen tuyền có dáng vẻ đầu đàn với hy vọng đón bắt được ánh mắt nó. Dù thế nào cô cũng phải nói với nó rằng cô đang đói và xin nó thức ăn. Cô biết có thể làm được điều đó vì cha cô, một thợ săn Eskimo, đã từng làm vậy.

Có một mùa săn, ông cắm trại gần hang một bầy sói. Một tháng trôi qua, ông ăn hết sạch số thịt thú săn được, ông bèn nói với con sói đầu đàn rằng ông đói và cần có thức ăn.

Đêm hôm sau, con sói đã gọi ông từ xa, ông lần tới đó và tìm thấy một con tuần lộc bị giết chết và vẫn còn ấm nóng. Rủi thay, cha của Miyax chưa kịp cho cô biết ông đã làm cách nào để nói cho con sói những điều ông muốn. Chẳng bao lâu sau dạo đó, ông lại tới vùng biển Bering săn hải cẩu bằng con thuyền kayak[2]của mình và không thấy quay về nữa.

Cô đã theo dõi đàn sói hai ngày rồi để nghiên cứu xem chúng thể hiện thiện chí tình bạn bằng những tiếng kêu và động tác nào. Hầu hết các loài vật đều có những tín hiệu đó. Loài sóc đất vùng Bắc Cực đập đập đuôi về một bên thể hiện thiện chí với đồng loại. Miyax đã nhiều lần nhử được một chú sóc leo lên bàn tay cô bằng cách dùng ngón trỏ bắt chước động tác đó. Nếu cô biết được những động tác tương tự của loài sói, cô sẽ có thể kết bạn với chúng và ăn chung thức ăn của chúng dù chỉ là một con chim hay một con cáo.

Chống tay lên đỡ cằm, cô chăm chú nhìn con sói đen, cố gắng đón được ánh mắt nó. Cô đã chọn nó vì nó to hơn hẳn những con khác và trông tư thế rất giống cha cô, Kapugen, cũng ngẩng cao đầu, ngực ưỡn căng về phía trước. Con sói đen rất khôn, cô nhận thấy điều đó rất rõ. Đàn sói luôn nhìn nó mỗi khi gió đưa lại những mùi lạ hay những tiếng chim kêu. Nếu nó cảnh giác, chúng sẽ cảnh giác. Nếu nó bình tĩnh, chúng sẽ bình tĩnh.

Mấy phút đằng đẵng trôi qua, con sói đen vẫn không nhìn thấy cô. Nó phớt lờ cô ngay từ hai đêm trước khi cô gặp đàn sói lần đầu tiên. Quả thật, cô di chuyển hết sức chậm và nhẹ nhàng để tránh gây kinh động cho nó nhưng cô lại mong nó sẽ nhận thấy sự thân thiện trong ánh mắt cô. Nhiều loài vật có thể phân biệt sự khác nhau giữa thợ săn hiếu sát và những con người hiền lành bằng cách nhìn thẳng vào mắt họ. Nhưng con sói đen to lớn này thậm chí chẳng thèm liếc mắt đến cô.

Mời các bạn đón đọc Julie - Con Của Bầy Sói của tác giả Jean Craighead George & Nguyễn Xuân Hồng (dịch).