Thà chết chìm còn hơn làm thằng ngốc
Nếu không ngốc thì đâu có chìm.
Bức điện của bố chỉ vỏn vẹn hai dòng. Thế nghĩa là gì nhỉ? Có phải lũ trẻ đã được bố ngầm cho phép cắm trại trên hoang đảo? Có phải chúng sắp được tự do nhóm lửa dựng lều, câu cá nấu cơm, lên hải trình, lập hải đồ, căng buồm tung hoành ngang dọc, sống của đời của những nhà thám hiểm thực thụ? Ôi, cả lũ tha hồ háo hức chộn rộn trước viễn cảnh quá đỗi huy hoàng ấy. Trong giấc mơ hoang đường nhất, chẳng đứa nào ngờ rằng kẻ thù đang đợi chúng ngoài kia, và không chỉ có một…
Chim Én và Amazon như những cánh buồm dong ta trở về với cái thời mà trẻ con hồn nhiên hơn, vô tư hơn, còn cuộc sống và cả thế giới thì ôi sao trong lành và đầy rẫy những trò phiêu lưu. Ngợi ca quyền năng của trí tưởng tượng và hấp lực bất diệt của thế giới tự nhiên, cuốn sách này, vì thế, thật gần với một điều kỳ diệu.
***
“Cuốn sách này là hiện thực lấp lánh ánh bạc và quá khứ huy hoàng ánh kim. Tất cả những gì chán ngắt ủ rũ hão huyền đều tan biến giữa ánh dương của cuốn sách, như mây tan trong bầu không dịu mát của một ngày hè.”
– Saturday Review
***
Arthur Ransome là nhà văn người Anh, nổi tiếng với bộ truyện Chim Én & Amazon gồm 12 tập. Mùa hè trên hoang đảo là tập truyện đầu tiên được xuất bản năm 1930, và cũng là câu chuyện đầu tiên trong chuỗi những chuyến phiêu lưu mùa hè thú vị sau đó.
Cuốn tiểu thuyết đã nhanh chóng nhận được sự yêu mến của độc giả trên khắp thế giới và được đài BBC xếp thứ 57 trong top 100 cuốn sách Anh được yêu thích nhất mọi thời đại.
***
Như một người bạn của Muỗng đã nói, cuốn sách này tuyệt nhất khi đọc vào mùa hè. Series Chim Én & Amazon (bộ 12 cuốn, ở Việt Nam mới xuất bản tập đầu tiên) được viết dựa trên cảm hứng của Ransome vào một mùa hè khi tác giả dạy cách lái thuyền cho những đứa con của bạn ông. Ngoài ra, theo một số thông tin thì nhân vật Jim Turner – thuyền trưởng Flint được xây dựng dựa trên chính hình tượng của tác giả. Bộ truyện kể về quá trình trưởng thành của anh chị em nhà Walker và Blackett trong những chuyến phiêu lưu như những thủy thủ thực sự. Chim Én & Amazon – Mùa Hè Trên Hoang Đảo của tác giả Arthur Ransome sẽ làm bạn nhớ lại những ký ức tuổi thơ ngông cuồng, vô ưu mà rộn ràng ngày nào.
Sau khi đọc những bức thư nài nỉ của lũ con về việc trở thành một đoàn thủy thủ nhí trong kỳ nghỉ hè, thuyền trưởng Walker chỉ gửi một bức điện tín ngắn gọn ghi:
“Thà chết chìm còn hơn làm thằng ngốc
Nếu không ngốc thì đâu có chìm.”
Thế là dưới sự đồng ý của người bố và ủng hộ của mẹ, con thuyền Chim Én đã được hân hạnh ra mắt những người thổ dân, những kẻ đi biển và độc giả vào hè năm ấy. Chim Én được chỉ huy dưới quyền của thuyền trưởng John Walker, thuyền phó là cô Susan Walker, thuyền viên Titty Walker và cậu bồi tàu Roger Walker. Cả bọn dự định sẽ dành những ngày hè để dong thuyền và cắm trại qua đêm tại một đảo hoang trên vùng hồ gần nhà. Nhưng những ngày vui vẻ của các thủy thủ tàu Chim Én đã hết khi phải đối mặt với hai kẻ thù khó chơi là thuyền trưởng Flint khét tiếng (cùng con vẹt của hắn) và hai tên cướp biển thuyền Amazon tinh quái. Liệu những thủy thủ nhí kiêm nhà thám hiểm này sẽ xử lý những khó khăn này như thế nào đây? Làm sao để chứng minh cho người khác rằng chúng không phải là kẻ ngốc? Nhất là khi chúng nhận ra mình còn quá non nớt và thiếu hiểu biết so với đối thủ, rồi cả khi thiên nhiên cũng không hòa thuận với những vị thủy thủ bằng những ngày bão hay lặng gió…
Tớ rất thích nhân vật người mẹ trong truyện, ngầu mà dễ thương lắm, lại còn vô cùng tâm lý và tin tưởng con mình nữa chứ. Cậu con cả John dù đồng giữ chức lớn là thuyền trưởng như Nancy, song John còn chưa đủ quyết đoán và kinh nhiệm nên có phần lép vế so với cô nàng. Thuyền phó thuyền Chim Én là Susan tỉ mỉ, điềm đạm đã làm rất tốt vai trò của mình, chăm lo cho sức khỏe của các thuyền viên. Cô thuyền viên Titty tinh nghịch nhưng lại rất đỗi thông minh đã góp phần không nhỏ vào chiến công của thuyền Chim Én. Cậu bồi tàu bé nhỏ Roger cũng đã rất cố gắng để theo kịp anh chị, sự cố gắng này cũng được đền đáp khi cậu bé được trao những nhiệm vụ quan trọng không kém ai. Hai cô cướp biển Amazon là Nancy và Peggy thì Muỗng thấy nhiều lúc cư xử thiếu lễ phép vì có lẽ ở nhà được chiều hư, nhưng với bạn bè thì cực kỳ biết trân trọng, dẫu sao thì vẫn là trẻ con nên thôi bỏ qua. Nhiều lúc cũng thấy thương ông chú Jim Turner tội nghiệp bị hai cô cháu gái quấy rầy suốt cả hè ghê :))
Đọc Chim Én & Amazon làm tớ nhớ lại những trò chơi hoang đường mà đầy vui thích, khát vọng được khám phá thế giới của tuổi thơ, khi ấy người ta đâu cần gì nhiều ngoài óc tưởng tượng vô bến bờ cùng độ liều lĩnh, hồn nhiên và những người bạn không toan tính. Muỗng rất thích đoạn tụi trẻ cùng nhau cắm trại, thám hiểm, mở tiệc trà, tưởng tượng ra một cuộc giao chiến cam go trên mặt biển và cùng liên minh chống lại “tên cướp biển Flint xấu xa”.
Ôi, Chim Én và Amazon muôn năm!
• Rate: 4,5/ 5
***
oger, bảy tuổi, cũng không còn là con út ít trong nhà nữa, chạy qua chạy lại thành đường chữ chi rộng, băng qua cánh đồng dốc chạy từ hồ lên Holly Howe, là nông trại mà cả nhà ở trọ một thời gian trong những kỳ nghỉ hè. Thằng bé chạy cho đến khi gần sát mé bờ rào bên lối đi, rồi quành lại chạy tiếp đến gần bờ rào bên kia cánh đồng. Đoạn nó quay đầu chạy băng qua cánh đồng lần nữa. Cứ mỗi lượt băng đồng như thế nó lại đến gần nông trại hơn. Gió thổi ngược hướng thằng nhỏ, nên nó chạy vát lách gió mà đến nông trại, mẹ nó đang nhẫn nại chờ bên cổng. Nó không đâm đầu chạy ngược gió được vì nó đang là thuyền buồm mà, một con thuyền buồm ba cột buồm tên là Cutty Sark. Sáng nay John anh trai nó mới bảo rằng tàu chạy bằng hơi nước chỉ là những cỗ máy trong mấy cái hộp thiếc. Buồm mới ngon, và vì thế, dù là mất nhiều thời gian hơn, nhưng Roger vẫn đi ngược lên cánh đồng theo những đường chữ chi dài.
Khi đến gần mẹ thì Roger nhìn thấy mẹ đang cầm trong tay một bì thư đỏ và mẩu giấy trắng, một bức điện tín. Nó biết ngay đấy là gì. Trong một thoáng nó những muốn chạy ù đến chỗ mẹ. Nó biết điện tín chỉ có thể là từ bố thôi, và bức điện tín này hẳn là để trả lời lá thư mẹ gửi, và cả những bức thư của John, Susan, Titty và của nó nữa, tất thảy đều xin một chuyện, nhưng theo nhiều cách khác nhau. Thư của nó thì ngắn cũn. “Bố ơi, bố, cho cả con nữa, nhé? Yêu bố lắm ạ. Roger.” Thư của Titty thì dài hơn nhiều, dài hơn cả thư của John. Susan, dù lớn hơn Titty, nhưng chị không viết riêng một thư gì cả. Chị chỉ để tên mình cùng tên John vào cuối thư anh ấy, thế là hai anh chị gửi chung một thư thôi. Thư của mẹ là dài nhất, nhưng Roger không biết mẹ nói gì trong thư. Tất cả các bức thư được gửi đi cùng một lượt, gửi đi xa lắm, đến tay bố, thuyền của bố đang neo lại Malta nhưng mà đang theo lệnh đi đến Hong Kong. Và kia, trong tay mẹ, là chiếc bì thư màu đỏ đem về câu trả lời. Trong một thoáng nó chỉ muốn chạy bổ đến mẹ. Nhưng buồm mới là quan trọng, không phải hơi nước, nên nó lại tiếp tục tiến đến theo hình chữ chi, có lẽ là phải đâm đầu vào gần gió hơn một chút. Cuối cùng nó đâm thẳng vào cơn gió, di chuyển mỗi lúc một chậm hơn, rồi dừng lại bên mẹ, lùi lại, rồi chồm tới hơi xóc một tí, thả neo, và cập cảng.
“Phải câu trả lời không mẹ?” Roger hổn hển, hụt hết cả hơi sau cả đỗi chạy ngược gió. “Bố có bảo được không ạ?”
Mẹ mỉm cười, rồi đọc lớn bức điện:
THÀ CHẾT CHÌM CÒN HƠN LÀM THẰNG NGỐC
NẾU KHÔNG NGỐC THÌ ĐÂU CÓ CHÌM.
“Thế nghĩa là được ạ?” Roger hỏi.
“Mẹ nghĩ là thế.”
“Nghĩa là cả con nữa phải không ạ?”
“Ừ, nếu John với Susan chịu đem con theo cùng, với điều kiện con hứa là anh chị bảo làm gì thì con phải nghe.”
“Hoan hô,” Roger hét oang, nhảy cỡn lên, trong một chốc quên béng mình là con tàu, đang neo trong bến cảng bình yên.
“Anh chị con đâu rồi?” mẹ hỏi.
“Ở Darien ấy ạ,” Roger đáp.
“Ở đâu?”
“Trên mỏm ấy mà mẹ. Titty gọi thế đấy. Từ trên ấy bọn con nhìn thấy được hòn đảo đấy nhé.”
Phía dưới nông trại Holly Howe cánh đồng đổ dốc xuống một con vịnh nhỏ có một cái nhà thuyền cùng cầu tàu. Nhưng hồ nước thì bị che khuất gần hết không thấy được, do hai bên bờ vịnh đều có doi đất cao. Một lối đi từ nông trại xuyên qua cánh đồng xuống nhà thuyền. Giữa lưng chừng cánh đồng là cánh cổng, và từ cổng này lại có một đường mòn khác dẫn thẳng vào rừng thông bao doi đất cao hơn ở mạn Nam. Con đường mòn ngay sau đấy cụt mất chẳng dẫn đến đâu, nhưng ngay đêm đầu tiên đến đây, cách nay hai tuần, lũ trẻ đã tìm được đường đi xuyên qua khu rừng để đến được đầu kia doi đất, ở đấy doi đất đổ dốc xuống hồ như vách đá. Đứng trên đỉnh doi đất lũ trẻ trông ra mặt nước mênh mang len lỏi qua những cụm đồi thâm thấp về phía Nam rồi luồn lách lên những cụm đồi cao cao phía Bắc, đến đấy thì cả bọn chẳng nhìn thấy được gì nhiều nữa. Và chính lúc ấy, lần đầu tiên lũ trẻ đứng trên vách đá mà nhìn ra hàng dặm dài những nước là nước, thì Titty đã đặt cho nơi này một cái tên. Con bé đã được nghe đọc bài thơ này ở trường, rồi quên tuốt hết trừ hình ảnh những nhà thám hiểm nhìn ra Thái Bình Dương lần đầu tiên. Con bé gọi doi đất đó là Darien. Lũ trẻ đã dựng trại trên đỉnh cao nhất của doi đất, và Roger đã bỏ mọi người lại nơi ấy mà len qua rừng cây ra đến ngoài đồng, rồi trông thấy mẹ ngay cổng, nên nó bắt đầu hành trình về nhà.
“Con có muốn chuyển câu trả lời cho anh chị không?”
“Và nói với anh chị là con cũng được phép nữa hả mẹ?”
“Ừ. Con phải đưa bức điện cho John. John phải thấy rằng các con không phải đồ khờ.”
Mẹ bỏ bức điện vào trong phong bì đỏ, rồi đưa cho Roger. Mẹ hôn nó, khi nó đang còn neo đấy, rồi mẹ bảo, “Ăn tối lúc bảy rưỡi, không được trễ một phút đâu đấy, với lại nhớ là khi vào nhà các con đừng làm Vicky thức giấc đấy.”
“Vâng thưa thuyền trưởng,” Roger vừa đáp vừa thoăn thoắt hai tay kéo mỏ neo. Nó quay đầu lại, và bắt đầu chạy vát xuống cánh đồng, vừa đi vừa nghĩ xem mình nên báo tin bằng cách nào đây.
Mẹ bật cười.
“Ơi thuyền ơi!” mẹ gọi.
Roger dừng phắt, quay nhìn lui.
“Hồi nãy lúc chạy ngược lên đồng con đã đi ngược gió rồi mà,” mẹ bảo. “Còn bây giờ thì gió xuôi chiều chứ. Con không cần phải chạy vát cả hai chiều đâu.”
“Ừ nhỉ,” Roger nói, “đuôi thuyền không có gió. Con là thuyền buồm dọc. Con có thể căng ngang buồm, mỗi bên một buồm.” Nó dang hai tay ra làm buồm, rồi chạy thẳng xuống cánh đồng đến cánh cổng dẫn vào rừng thông.
Khi chạy hết cánh đồng, sắp vào rừng thì Roger thôi không làm thuyền buồm nữa. Chẳng ai lại dong buồm đi qua rừng thông được. Nó đã thành nhà thám hiểm, bị cả đoàn bỏ lại sau, nên phải lần theo dấu vết của đoàn xuyên qua khu rừng, đồng thời phải cảnh giác cao độ quan sát xung quanh phòng khi bị một tên mọi nào đó nấp sau thân cây bắn cho mũi tên tẩm độc. Nó lặn lội xuyên rừng lên đến đỉnh doi đất. Cuối cùng nó cũng ra khỏi rừng cây mà đến một khoảng đất trống nho nhỏ chỉ toàn đá tảng trơ trụi cùng cây thạch nam. Đây là mỏm Darien. Quanh đấy toàn là cây, nhưng xuyên qua đó ta có thể thấy ánh lấp lánh sáng chói của mặt hồ. Một đống lửa nhỏ đang tí tách trong hố đắp bằng đá. John đang nhóm lửa. Susan đang phết bánh mì với mứt cam. Titty, ngồi giữa hai cây sát rìa vách đá trên hồ, cằm tì trên hai đầu gối co lên, vừa canh gác vừa ngắm nhìn hòn đảo.
John ngước lên trông thấy bức điện. Cậu nhảy đứng phắt dậy.
“Điện tín hả?” cậu hỏi.
“Là lời đáp đấy,” Roger trả lời. “Trả lời là được, cho cả em nữa, nếu em nghe lời, và nếu anh với chị Susan chịu dẫn em theo. Mà nếu em được thì cả Titty cũng phải được luôn.”
John cầm lấy bức điện. Titty lồm cồm ngồi dậy, chạy bổ đến. Susan cầm con dao có mứt bên trên bánh mì để không rơi rớt chút mứt nào, nhưng cô bé đã ngừng tay. John mở phong bì, lấy ra mảnh giấy màu trắng.
“Đọc lớn lên đi,” Susan bảo.
John đọc:
THÀ CHẾT CHÌM CÒN HƠN LÀM THẰNG NGỐC
NẾU KHÔNG NGỐC THÌ ĐÂU CÓ CHÌM.
ĐIỆN TÍN
“Hoan hô bố!” cậu gào lên.
“Thế nghĩa là gì kia?” Susan hỏi.
“Nghĩa là được,” Titty đáp.
“Nghĩa là bố nghĩ bọn mình sẽ không đứa nào chết chìm cả đâu và nếu mà có đứa nào chìm thì cũng đáng đời,” John giải thích.
“Nhưng ngốc nếu không ngốc là sao?” Susan hỏi.
“Có phải thế đâu,” Titty bảo. “Bức điện nói rằng nếu bọn mình ngốc thì thôi cứ chết chìm đi cho đáng kiếp. Câu đó ngừng rồi nói tiếp rằng bọn mình không ngốc…”
“Nếu chứ,” John xen vào.
“Nếu chúng ta không ngốc thì sẽ chẳng chìm đâu.”
“Bố viết thế để an ủi mẹ thôi mà,” Susan phán. Cô bé lại tiếp tục phết mứt.
“Bọn mình khởi hành ngay nào,” Roger đề nghị, nhưng ngay lúc đó ấm nước sôi réo lên. Ấm nước đã lục ục nãy giờ rồi, nhưng giờ thì nó cứ kêu xèo xèo liên tục, và một tia hơi nước dài từ vòi ấm phụt ra. Nước đang sôi. Susan nhấc ấm nước khỏi đống lửa rồi dốc một túi trà nho nhỏ vào ấm.
“Mà gì thì tối nay mình cũng không khởi hành được đâu,” cô bé bảo. “Thôi uống trà đi, rồi mình sẽ lập danh sách những thứ mình cần.”
“Tụi mình ra ngồi uống trà ở chỗ nhìn thấy hòn đảo đi,” Titty nói.
Bọn nhỏ mang theo cốc cùng ấm nước và đĩa thiếc chất những lát bánh mì nâu dày cộp phết mứt ra đến rìa vách đá. Hòn đảo nằm cách đấy chừng một dặm về đầu hồ phía Nam thấp hơn, cây cối trên đảo soi bóng trên mặt nước sáng loáng như gương. Cả bọn ngắm nghía hòn đảo này mười ngày nay rồi, nhưng bức điện tín đã khiến cho hòn đảo còn gần gụi đời thực hơn bao giờ hết. Từ trên Mỏm của Titty nhìn xuống trong đêm cái hôm cả nhà đến nông trại mà mẹ thuê, chúng đã thấy hồ nước như một vùng biển ăn vào đất liền. Và trên hồ nước ấy chúng nhìn thấy hòn đảo. Cả bốn anh chị em tức thì có cùng một ý nghĩ. Đấy không chỉ là hòn đảo. Đấy chính là hòn đảo ấy, đang chờ đợi cả bọn. Là đảo của chúng. Với một hòn đảo như thế ngay trong tầm mắt, ai lại cam chịu sống trên đất liền và đêm đến ngủ trên giường cơ chứ? Bọn trẻ đã về nhà kể cho mẹ nghe phát hiện của mình, rồi nài nỉ cả gia đình rời nông trại ngay ngày hôm sau, mà đến cắm trại trên đảo kia vĩnh viễn. Nhưng mà còn có bé Vicky, em bé mập ú, như ảnh của Nữ hoàng Victoria khi về già, cần đủ thứ. Mẹ chẳng thể đưa Vicky cùng vú em đến cắm trại trên những hòn đảo hoang dù có tuyệt diệu đến mức nào đi nữa. Cũng không thể để cả bọn tự đi, nếu chưa được bố cho phép. Và mặc dù John và Susan đều giỏi điều khiển thuyền buồm, nhưng Titty và Roger thì chỉ mới học lái thuyền buồm khi bố về phép một năm trước. Trong nhà thuyền bên dưới nông trại có Chim Én,một chiếc thuyền buồm, nhỏ xíu thôi, với cả một chiếc thuyền chèo to nặng nữa. Nhưng ai đã từng điều khiển thuyền buồm rồi thì chẳng muốn chèo nữa đâu. Nếu như không có đảo điếc, không có thuyền buồm thuyền biếc gì hết, và nếu hồ không rộng đến vậy thì chắc chắn là lũ trẻ đã vui vẻ mà khua chèo khuấy nước trong con vịnh gần nhà thuyền. Nhưng với một hồ nước to gần như vùng biển nhỏ, rồi chiếc xuồng dài cả bốn thước với cánh buồm nâu đang chờ trong nhà thuyền, cùng hòn đảo nhỏ rợp cây đang đợi những nhà thám hiểm, thì dường như chẳng còn gì đáng để nghĩ đến ngoài một chuyến hải trình khám phá.
Mời các bạn đón đọc Mùa Hè Trên Hoang Đảo của tác giả Arthur Ransome & Meil G. (dịch).