DIỆT VONG là tiểu thuyết cuối cùng và đen tối nhất của Thomas Bernhard. Xuyên suốt tác phẩm là tự sự của Franz-Josef Murau, con cừu đen trí thức trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Áo, bị ám ảnh bởi căn tính của mình, căm ghét gia đình mình, ghê sợ tôn giáo của mình, yêu quí đất nước Áo, nhưng lại căm thù nhà nước Áo, Murau đã phân tích thấu đáo thực trạng vừa giả tạo vừa đê tiện vừa phù phiếm của xã hội, nhưng bên cạnh đó là những nhận thức bản thể tự thân, ông lý giải về sự tồn tại của bản thân trong tâm trí chính chúng ta và sự tồn tại của chúng ta trong mắt tha nhân. Với một phong cách phóng túng cường điệu, lối kể chuyện tinh tế, tri kiến sâu rộng, cùng thủ pháp độc thoại monologue bậc thầy, Thomas Bernhard được coi là người khổng lồ hùng mạnh nhất của văn học Đức ngữ kể từ sau chiến tranh thế giới II.
--
“Với sự dữ dội ngạt thở… Qua tiếng nói của Murau, Thomas Bernhard tấn công thế giới hiện đại, được minh họa bởi nơi chôn rau cắt rốn của ông, nước Áo. ”
Chicago Tribune
"Sự tinh tế khác biệt của Diệt vong nằm ở sự mô tả ý thức trong hành động: Murau, hóa ra, có thể yếu đuối, đáng ngưỡng mộ, khó hiểu hoặc độc địa, nhưng tâm trí của anh ta, như được mô tả trên trang giấy, dường như hoàn toàn đúng với cuộc sống. "
- Washington Post Book World
“Không phải mọi kẻ điên đều là thiên tài. Nhiều người được gọi thế nhưng số người thực sự như vậy thì rất ít. Đó là một câu lạc bộ riêng biệt, nhưng Bernhard đã bước chân vào đó… Giống như Swift, Bernhard viết như một con quái vật thiêng liêng… Ông là một nghệ sĩ biểu diễn văn học xuất chúng: một người đi đến cực đoan bằng cách truyền sức sống cho ý thức của chúng ta về khả năng của con người, tuy nhiên lại mang tính phá hoại."
The Wall Street Journal
***
Với "Diệt vong", Thomas Bernhard viết ở một tầm cao khác, vượt xa những gì người ta có thể tưởng tượng, sống động và bất ngờ, điên rồ và tàn bạo, quái dị và phức tạp.
Khi Franz-Josef Murau nhận được tin cha mẹ và anh trai vừa chết trong một tai nạn xe hơi, ông biết ngay mình sẽ được thừa kế lâu đài - đất đai - tài sản của dòng họ để lại. Ông khởi sự viết một cuốn sách độc thoại dài gần 500 trang chỉ để trả lời cho câu hỏi: “Làm cách nào để thoát khỏi cái mớ bòng bong thừa kế tự nhiên rơi vào đầu như thế?”.
Để trả lời cho câu hỏi đó, ông liệt kê toàn bộ oán hận của mình với gia đình, với anh em họ hàng, và cả với đất nước của mình, và quá khứ phát xít của dân tộc Áo cũng được ông đưa ra để bình xét, không những thế ông tìm mọi chủ đề phê bình từ trí thức nhà thơ nhà văn đến người công nhân lao động bình thường, cả những thợ săn cho đến cô hầu gái, người phục vụ… cũng không thoát khỏi con mắt soi mói đầy phán xét của ông, tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích duy nhất: là chối bỏ thừa kế.
Dĩ nhiên những chủ đề ám ảnh như vậy đòi hỏi một hình thức cũng ám ảnh không kém. Trong cuộc đấu tranh để mô tả ý thức hành động, Thomas Bernhard mài giũa một liên minh tinh tế về cấu trúc và ý tưởng.
Diệt vong trở thành một cuộc độc thoại liên tu bất tận, cả cuốn sách gần năm trăm trang chỉ chia làm hai đoạn, những dòng chữ chảy tràn, không một ngắt đoạn, không xuống dòng, những câu văn dường như vô tận, kéo dài từ chủ thể này sang chủ thể khác mà không cần tạm dừng để thở, người đọc như bị kéo vào hình thức tàn bạo đặc biệt. Và điều đó làm tổn thương mọi cảm xúc từ sự trầm ngâm đến sự cuồng loạn.
Người ta cảm giác người kể chuyện Franz-Josef Murau, con cừu đen trí thức trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Áo, đang bị mắc kẹt trong tâm tưởng của mình, mắc kẹt trong những lời chỉ trích của chính mình, ý thức về sự giả dối và xấu xa của bản thân, nhưng ông không muốn và không chịu nhìn nhận một cách khách quan.
Thomas Bernhard là bậc thầy trong việc phát triển độc thoại. Ông dựng nên những nghịch cảnh, và đặt người ta vào những biên cảnh ngặt nghèo, để khám phá sự khác biệt của mọi người ở mọi hoàn cảnh, tận hưởng niềm vui khi có tin xấu, tận hưởng hạnh phúc trong hoàn cảnh tồi tệ.
Ông theo đuổi chủ nghĩa duy mỹ, phương châm của ông là châm biếm và trả thù, ông thích để con người chống lại con người, đẩy con người đến điểm cực hạn cho tới khi người ta phải bật trở lại. Ông giống như một nghệ sĩ cường điệu, đẩy mọi ý tưởng đến cùng cực, đòi hỏi một dạng chủ nghĩa cực đoan tương tự.
Người ta bảo Thomas Bernhard bạo lực ngôn ngữ cũng không có gì sai, câu châm ngôn nổi tiếng của Wittgenstein “giới hạn ngôn ngữ của tôi là giới hạn thế giới của tôi” rất đúng với trường hợp của ông, Bernhard đã cố gắng mở rộng giới hạn bên ngoài của ngôn ngữ của mình đến mức nó có thể bao gồm cả những hình thái cực đoan nhất trong trải nghiệm của con người.
Thomas Bernhard viết ở một tầm cao khác, vượt xa những gì người ta có thể tưởng tượng, sống động và bất ngờ, điên rồ và tàn bạo, quái dị và phức tạp, tất cả đã tạo nên một cuốn Diệt vong tối thượng ảm đạm.
Tác giả Thomas Bernhard là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Áo. Ông được coi là tác gia Đức ngữ quan trọng nhất thời hậu chiến. Được đánh giá cao ở nước ngoài nhưng tại Áo, ông lại bị chỉ trích là kẻ “vạch áo cho người xem lưng” khi các tác phẩm của ông thẳng thắn chỉ ra và cay nghiệt phê phán các thói tật của quê hương, bao gồm của quá khứ Quốc xã.
***
trên đồi Pincio nhằm khớp lịch học tháng Năm với anh học trò Gambetti của tôi, một thanh niên mà trí thông minh tuyệt vời vẫn làm tôi phải kinh ngạc ấy - ông Franz-Josef Murau viết - lòng tôi trở nên khoan khoái và vui vui cùng ý nghĩ, mình quả thực đã sống từ lâu ở Rome rồi chứ không còn ở Áo nữa, niềm vui làm tôi phấn chấn đến mức trái thói quen thường ngày, tôi không đi ngay qua phố Condotti để về nơi tôi ở tại Piazza Minerva nữa, mà vòng qua ngả Flaminia và Piazza del Popolo, đi dọc cho hết cả dãy đại lộ Corso mới về tới căn hộ tôi ở, là nơi khoảng hai giờ trưa tôi nhận được bức điện tín báo tin về cái chết của bố mẹ và ông anh trai Johannes. Bố mẹ và anh Johannes bị tai nạn chết. Caecilia, Amalia, cầm bức điện trên tay, đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, tôi bình thản bước đến bên cửa sổ phòng làm việc nhìn xuống Piazza Minerva vắng tanh không một bóng người. Tôi đã đưa Gambetti năm quyển sách mà tôi tín chắc là trong mấy tuần tới sẽ có ích và cần thiết cho anh ta, đồng thời yêu cầu anh ta đọc hết sức cẩn thận, cũng có nghĩa là thật thong thả, cả năm quyển sách đó: Luật sư Siebenkäs của Jean Paul, Vụ án của Franz Kafka, Amras của Thomas Bernhard, Người đàn bà Bồ Đào Nha của Musil, Gã Esch hay chủ nghĩa vô chính phủ của Broch, và bây giờ, sau khi mở toang cửa sổ cho dễ thở, tôi nghĩ tôi đã quyết định đúng khi đưa đúng năm quyển ấy, chứ không phải quyển nào khác cho Gambetti, bởi năm quyển ấy sẽ mỗi lúc một quan trọng hơn trong quá trình học, rằng tôi đã rất kín đáo mách khéo, lần tới tôi sẽ cùng anh ta phân tích mổ xẻ cuốn Tình đầu ý hợp chứ không bàn đến cuốn Thế giới như là ý chí và biểu tượng. Chuyện trò với Gambetti đối với tôi cũng lại là một hứng thú lớn, sau bấy nhiêu cuộc trò chuyện nặng nề, khó nhọc, loanh quanh độc những nhu cầu thường nhật, hết sức riêng tư và tầm thường với gia đình tôi ở Wolfsegg. Từ ngữ tiếng Đức như những quả cân bằng chì treo vào ngôn ngữ Đức, tôi đã bảo Gambetti vậy, và chắc chắn sẽ đè tư duy xuống một bình diện vốn rất có hại cho chính tư duy ấy. Cả tư duy Đức lẫn tiếng nói Đức đều bị tê liệt rất nhanh dưới sức nặng phi nhân của ngôn ngữ Đức, một gánh nặng đè bẹp mọi ý nghĩ ngay trước khi chúng được phát ngôn thành lời, như lịch sử hàng trăm năm lao tâm khổ tứ của dân Đức đã cho thấy. Do bị nằm đè dưới ngôn ngữ ấy, nền tư tưởng Đức dường như đã rất khó phát triển và không bao giờ có thể bột phát toàn diện, ngược hẳn nền tư tưởng Roman dưới ngôn ngữ Roman. Mặc dù tôi đánh giá tiếng Tây Ban Nha cao hơn, có lẽ chỉ vì tôi thạo nó hơn chăng, nhưng buổi sáng hôm đó Gambetti đã lại cho tôi một bài học quý giá về tính nhẹ nhàng, thanh thoát lẫn sự linh hoạt vô cùng tận của tiếng Ý. Đem thứ tiếng này so với tiếng Đức cũng giống như đem so một đứa trẻ hoàn toàn tự do lớn lên trong một gia đình khá giả và hạnh phúc với một đứa trẻ xuất thân từ gia đình nghèo khó, bần cùng, bị đè nén, bị đánh đập mà đâm ra lươn lẹo. Bởi thế, càng phải đánh giá cao công sức của các triết gia và văn sĩ của chúng tôi, tôi bảo Gambetti vậy. Mỗi một từ tức khắc sẽ níu suy nghĩ của họ xuống, câu nào cũng đè ý nghĩ của họ xuống đất, bất kể họ dám nghĩ điều gì, và như thế bao giờ cũng có nghĩa là đètất tật xuống đất. Chính vì thế mà triết lý của họ, cũng như những gì họ sáng tác ra, đều như thể bằng chì hết cả. Tự dưng tôi xướng to để Gambetti nghe một câu của Schopenhauer trích từ Thế giới như là ý chí và biểu tượng, bằng tiếng Đức trước, tiếng Ý sau, nhằm thử minh họa cho anh ta, Gambetti, thấy bên tay trái tôi, tượng trưng cho đĩa cân đặt tiếng Đức bị vít thấp xuống đến mức nào, trong khi tay phải tượng trưng cho đĩa cân bên đặt tiếng Ý được hất cao bổng lên ra sao. Trong sự khoái chí của tôi lẫn của Gambetti, tôi nói vài câu của Schopenhauer bằng tiếng Đức trước, rồi bằng tiếng Ý do chính tôi dịch ứng khẩu, đoạn đặt chúng lên hai đĩa cân ở hai bên tay tôi ấy cho toàn thể thiên hạ, nhưng trước hết là cho Gambetti, nhìn rõ điều đó; rồi dần dần nó biến thành mộttrò chơi mà tôi đẩy lên đến tột đỉnh, một trò chơi rốt cuộc kết thúc bằng các câu nói của Hegel và cách ngôn của Kant Thật đáng tiếc, tôi bảo Gambetti, không phải những từ ngữ nặng nề bao giờ cũng thuyết phục nhất đâu, y hệt các câu nặng nề không phải bao giờ cũng thuyết phục nhất. Trò chơi này chẳng mấy chốc làm tôi kiệt sức. Đứng dừng lại trước khách sạn Hassler, tôi kể Gambetti nghe ngắn gọn về chuyến đi Wolfsegg, nhưng càng về cuối, tôi lại càng thấy câu chuyện đâm ra chi li đầy đủ quá, vâng, thậm chí ba hoa quá. Tôi định dọn chỗ, đặt anh ta trước một buổi cân đong, so sánh giữa hai gia đình, đặt yếu tố Đức của gia đình tôi ở bên này, đối diện với yếu tố Ý trong gia đình anh ta ở bên kia; song, rốt cuộc tôi lại để gia đình tôi đối đầu với gia đình anh, khiến câu chuyện tôi kể bị méo mó, và làm Gambetti, thay vì được dạy dỗ, được khai minh chỗ này điều nọ, chắc lại bị quấy rầy khó chịu lắm. Gambetti là người rất biết lắng nghe và có đôi tai thật thính, lại được tôi dạy thêm thủ thuật nghe sàng lọc về nội dung sự thật cũng như về tính nhất quán của bất cứ một cuộc thuyết trình nào. Gambetti là học trò của tôi, nhưng ngược lại, tự tôi cũng là học trò của Gambetti. Ít ra tôi cũng học được ở Gambetti bấy nhiêu bài học, ngang đúng số bài Gambetti học được ở tôi. Quan hệ giữa hai chúng tôi là quan hệ lý tưởng, bởi lần này tôi là thầy của Gambetti và anh ta là trò của tôi, lần sau Gambetti là thầy, tôi là trò, và một tình huống rất hay xảy ra là cả hai chúng tôi đều không biết lúc ấy Gambetti là trò, tôi là thầy, hay ngược lại. Đó chính là lúc tình huống lý tưởng nảy sinh. Nhưng đằng thẳng ra thì bao giờ tôi cũng là thầy học của Gambetti vì tôi được Gambetti, hay nói đúng hơn là được ông bố giàu có của Gambetti trả công dạy học. Hai ngày sau khi trở về từ đám cưới của Caecilia em gái tôi với tay chủ xưởng sản xuất nút chai vang ở Freiburg, tức là chồng nó, bây giờ thành em rể tôi, tôi lại phải xếp lại chỗ quần áo tôi vừa bỏ ra, mới hôm qua chứ đâu, chưa kịp dọn, còn nằm ngổn ngang trên chiếc ghế bành kê cạnh bàn làm việc của tôi vào túi xách du lịch và quay lại Wolfsegg - cái chốn từ mấy năm trở lại đây tất tật mọi thứ thật sự trở nên ít nhiều đáng ghê tởm đối với tôi, tôi nghĩ bụng, lúc vẫn đang đứng bên cánh cửa sổ mở toang nhìn xuống Piazza Minerva không một bóng người - vì một duyên cớ lúc này không còn nực cười và lố bịch nữa, mà là một duyên cớ thật kinh khủng. Thay vì được ngồi chuyện trò với Gambetti về Luật sư Siebenkäs và Người đàn bà Bồ Đào Nha, tôi sẽ phải nộp mình cho hai con em gái đang đợi tôi ở Wolfsegg, tôi tự nhủ, thay vì được trao đổi với Gambetti về Tình đầu ý hợp, tôi sẽ phải bàn chuyện với hai đứa chúng nó về chuyện chôn cất bố mẹ và ông anh, cũng như về tài sản họ để lại. Thay vì được cùng Gambetti đi qua đi lại trên đồi Pindn, tôi sẽ phải lui tới văn phòng Thị trưởng, ra vào nghĩa địa hay nhà thờ rồi cãi nhau với hai con em gái về việc thu xếp đám tang. Trong lúc xếp số quần áo hôm qua tôi vừa lôi ra vào túi, tôi cố hình dung xem các hậu quả sinh ra từ cái chết của bố mẹ tôi cùng cái chết của anh trai tôi sẽ như thế nào, nhưng chẳng hình dung được gì. Song, tất nhiên tôi rất hiểu cái chết của ba người, mà chí ít xét trên giấy tờ, cũng là gần gũi nhất với tôi ấy, sẽ đòi hỏi những gì ở tôi: tức là toàn bộ sức lực, toàn bộ sức mạnh ý chí của tôi. Sự bình thản trong tôi lúc tôi lần lượt nhồi nhét các thứ cần thiết cho chuyến đi vào túi xách, cũng như sự bình thản trong lòng tôi lúc suy tính đến tương lai bị rung chuyển ngay sau tai nạn chắc chắn là kinh khủng đó, mãi một lúc lâu, sau khi đã đóng túi lại, tôi mới thấy là kỳ quái. Cái câu hỏi, liệu tôi có thương yêu bố mẹ và anh trai không, tuy bị ngay cái từ dĩ nhiên gạt đi - không những chỉ là chung chung, mà nói cho đúng - vẫn chưa được trả lời. Đã từ lâu rồi, cả đối với bố mẹ lẫn đối với ông anh trai, tôi không còn có mối liên hệ nào gọi là tốt đẹp nữa cả, mà phải gọi là căng thẳng thì đúng hơn, và dần dần, cho đến những năm gần đây, trở nên hờ hững. Tôi chẳng thiết gì đến Wolfsegg, như thế cũng có nghĩa là không thiết gì đến bố mẹ và ông anh tôi nữa, thì ngược lại, bố mẹ và ông anh cũng chẳng thèm quan tâm gì đến tôi nữa; đó là sự thật. Xuất phát từ một nhận thức như thế, các mối liên hệ của chúng tôi chỉ còn được đặt trên một nền tảng ít nhiều đủ để gọi là có nữa mà thôi. Tôi nghĩ, hai chục năm trước ông bà già mày không những để mày tuột khỏi Wolfsegg, là nơi ông bà định buộc xích vào chân mày suốt đời, mà ông bà mày còn để mày tuột hẳn khỏi lòng dạ ông bà nữa kia. Ông anh tôi ghen tị khôn nguôi với tôi suốt hai chục năm trời ấy, vì tôi đã bỏ đi, vì tính tự lập đầy hoang tưởng của tôi, như gã có lần đã đốp thẳng mặt tôi như thế, vì các đòi hỏi được tự do đến độ tàn nhẫn của tôi; tóm lại, gã căm ghét tôi. Còn hai con em gái tôi chỉ dành cho tôi mối nghi ngờ bao giờ cũng lớn hơn mối nghi ngờ thường có giữa anh chị em, chúng nó dõi theo tôi với những cặp mắt hằn học, ngay từ thời điểm tôi quay lưng lại với Wolfsegg để ra đi, cũng là lúc quay lưng lại với chúng nó. Đó là sự thật. Tôi nhấc cái túi xách lên, như mọi khi, nó nặng trình trịch, quá nặng, tôi nghĩ bụng, mà thật ra thì nó cũng chẳng để làm gì, vì ở Wolfsegg tôi có đủ mọi thứ kia mà. Tha nó theo làm quái gì chứ? Tôi quyết định không mang túi về Wolfsegg nữa và lôi các thứ trong túi ra xếp lại vào ngăn kéo. Chúng ta vẫn thường thương yêu bố mẹ một cách tự nhiên, và vẫn thường thương yêu các anh chị em chúng ta, cũng một cách tự nhiên như thế - tôi tự nhủ, lúc tôi lại đến đứng bên cửa sổ nhìn xuống Piazza Minerva vẫn không một bóng người ở dưới kia - mà không nhận thấy rằng, đến một thời điểm nhất định nào đó, ta bắt đầu căm ghét họ, hoàn toàn trái với ý muốn của chính ta, nhưng cũng hoàn toàn tự nhiên y như lúc trước đó ta yêu thương họ vậy, xuất phát từ tất cả những nguyên do mà phải nhiều năm sau, thường là hàng chục năm sau, ta mới vỡ nhẽ. Ta không thể xác định được chính xác cái thời điểm từ đó trở đi ta không còn yêu thương bố mẹ và anh chị em ta nữa mà xoay ra căm ghét họ là lúc nào, và chúng ta cũng không còn cất công tìm cho ra cái thời điểm ấy nữa làm gì, vì xét cho cùng, ta rất sợ tìm ra nó. Những ai đã trái ý nguyện người thân để từ bỏ họ ra đi, thêm vào đó, lại ra đi theo một cách hết sức ác độc như tôi đã ra đi, thì tất phải tính đến lòng căm ghét của họ, và tình thương yêu trước đó dành cho ta lớn lao bao nhiêu thì bây giờ, khi ta đã hoàn thành những gì ta đã định, sự căm ghét của họ càng sâu sắc bấy nhiêu. Hàng chục năm trời tôi từng đau khổ vì bị người nhà căm ghét, giờ đây tôi tự nhủ, song những năm gần đây, chẳng còn chút đau đớn nào nữa cả, tôi quen bị căm bị ghét rồi và không còn vì thế mà bị tổn thương nữa. Lòng căm ghét mà cả nhà đổ lên đầu tôi ấy, không thể tránh khỏi, đã đương nhiên khơi dậy trong tôi sự căm ghét dành cho cả nhà. Và, từ mấy năm gần đây, cũng chẳng ai còn đau khổ vì bị tôi căm ghét nữa. Cả nhà khinh bỉ cái thằng thành Rome, cũng như tôi coi thường bọn Wolfsegg vậy, và nói cho cùng, chẳng ai nhớ đến tôi, cũng như tôi không mấy khi nhớ đến ai trong nhà. Cả nhà chỉ toàn gọi tôi là thằng bịp bợmhay thằng ba hoa, một kẻ ăn bám cả gia đình lẫn thiên hạ. Còn tôi, tôi chỉ còn mỗi một từ lũ đần độn để gọi mọi người trong nhà. Cái chết của cả ba người, chắc chỉ có thể là do tai nạn xe hơi mà thôi ấy, tôi tự nhủ, chẳng mảy may làm thay đổi sự thật đó. Tôi chẳng hề lo ngại tôi sẽ vì thế mà sinh ra đa sầu đa cảm. Đôi tay tôi thậm chí còn chẳng run rẩy chút nào khi cầm đọc bức điện tín, thân thể tôi chẳng mảy may rung động, dù chỉ một phút giây ngắn ngủi. Tôi sẽ báo tin để Gambetti biết, bố mẹ và anh trai tôi đã chết, nên tôi phải bỏ qua vài buổi dạy, tôi nghĩ thầm, chỉ vài ngày thôi, bởi tôi sẽ chẳng lưu lại Wolfsegg lâu hơn vài ba ngày; cùng lắm chỉ một tuần là đủ, ngay cả khi có bao nhiêu thủ tục rắc rối không lường trước được cũng vậy thôi. Tôi đã thoáng có ý nghĩ, hay là đưa Gambetti đi theo, bởi tôi cảm thấy e ngại trước số đông vượt trội của đám người ở Wolfsegg và muốn có lấy ít nhất một người về phe mình, một người có thể giúp tôi đủ sức chống đỡ cuộc tấn công ồ ạt của đám người Wolfsegg, một con người, một đồng đội tương ứng với tôi trong tình thế có thể sẽ là vô vọng ấy, nhưng tôi lại gạt ngay ý nghĩ đó đi, vì tôi muốn tránh cho Gambetti cuộc đối mặt với Wolfsegg. Bởi có thể anh ta sẽ thấy tất cả những gì suốt mấy năm qua tôi nói với anh ấy về Wolfsegg thật là vô hại so với sự thật và thực tế mà anh ta sẽ được chứng kiến, tôi nghĩ bụng. Lúc nãy tôi vừa định kéo Gambetti đi cùng, lúc sau lại thôi, không đưa anh ta theo nữa. Rốt cuộc tôi nhất quyết không đem anh ta theo. Mang Gambetti theo, tôi tự nhủ, thể nào tôi cũng gây nhiều ồn ào ở Wolfsegg và nhất là gây một vố náo động giật gân mà đối với tôi, nói chung, chắc chắn sẽ rất đáng ghê tởm. Một người như Gambetti, đám Wolfsegg sẽ không bao giờ hiểu nổi. Ngay cả với những người lạ hết sức hiền lành, bọn họ ở Wolfsegg bao giờ cũng đón tiếp một cách ghê tởm và hằn học, tất tật những ai lạ mặt đều bị họ khước từ, họ không bao giờ hành động như tôi, vốn vẫn quen trong chớp mắt đã có thể sà ngay vàotìm hiểu một cái gì đó lạ lẫm hay làm quen với một người lạ mặt nào đấy. Đưa Gambetti về Wolfsegg sẽ có nghĩa là cố tình đối xử bất nhã với anh, và nói cho cùng, là xúc phạm anh ta một cách nặng nề. Đến chính tôi còn chưa đủ sức thanh toán xong mọi sự với Wolfsegg, huống hồ một con người đầy cá tính như Gambetti. Sự đối đầu giữa Gambetti với Wolfsegg biết đâu sẽ dẫn tới một tai họa thật sự, tôi nghĩ bụng, và nạn nhân không chừng sẽ chẳng là ai khác ngoài Gambetti. Lẽ ra tôi đã có thể đưa Gambetti về thăm Wolfsegg một lần rồi đấy, tôi thầm nghĩ, nhưng rồi tôi lại thôi, mặc dù tôi vẫn thường tự bảo, sẽ đưa Gambetti về Wolfsegg chơi, may ra, không những sẽ chỉ có lợi cho tôi, mà còn có lợi cho cả Gambetti nữa. Các câu chuyện tôi thuật về Wolfsegg lẽ ra sẽ nhờ đó, nhờ thông qua con mắt tinh tường của chính Gambetti, mang một tính xác thực không thể đạt tới bằng bất cứ cách nào khác. Tôi quen Gambetti, tính đến giờ đã mười lăm năm, nhưng tôi chưa đưa anh về thăm Wolfsegg lấy một lần, tôi nghĩ bụng. Rất có thể Gambetti suy nghĩ về việc đó khác tôi, giờ đây tôi tự nhủ, bắt nguồn từ sự bất thường cũng rất chi là tự nhiên ấy rằng, tôi, trong suốt mười lăm năm trời ấy, không mời và không đưa theo, dù chỉ một lần, con người mà mười lăm năm ròng rã tôi đã ít nhiều trở nên thân thiết ấy, về một nơi vốn là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Tại sao suốt mười lăm năm ấy tôi đã không để Gambetti ngó vào lá bài quê hương của tôi nhỉ? - tôi tự hỏi. Bởi vì tôi đã luôn luôn e sợ, và cho đến tận bây giờ vẫn còn e sợ điều đó.
Mời các bạn đón đọc Diệt Vong của tác giả Thomas Bernhard & Hoàng Đăng Lãnh (dịch).