NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ là câu chuyện đầy đau đớn, dữ dội về số phận của những người phụ nữ yếm thế trong xã hội Palestine. Họ không có tiếng nói ngay trong gia đình mình, lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ và chỉ quẩn quanh bên căn bếp, chăm lo con cái.
Xuyên suốt câu chuyện là sự câm lặng của ba thế hệ phụ nữ. Thế hệ đầu thoát khỏi sự chiếm đóng của Israel trong xung đột Palestine và Israel, chạy trốn đến nước Mỹ với mong muốn tránh khỏi cuộc sống ở trại tị nạn. Thế hệ thứ 2 đồng ý một cuộc hôn nhân sắp đặt với người Mỹ gốc Palestine với hi vọng đất Mỹ tự do thì tiếng nói của nữ giới sẽ được tôn trọng hơn trên đất Palestine. Thế hệ thứ 3, suýt nữa thì rơi vào bánh xe đổ của các thế hệ trước, nếu cô ấy không phát hiện ra bí mật kinh khủng của gia đình mình và số phận của người mẹ đáng thương… Mỗi thế hệ đều có giấc mơ và khát vọng về sự tự do và nữ quyền, nhưng không phải ai cũng có thể đấu tranh đến tận cùng.
Lấy bối cảnh ở một nước Mỹ đầy khát khao cùng những lời hứa hẹn rộng mở, để kể một nền văn hóa với hủ tục cực đoan, khép kín và kiểm soát đối người phụ nữ, NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ là một cái nhìn sâu sắc về sự tuyệt vọng, thống khổ của phụ nữ gốc Palestine. Dù vậy, ẩn chứa bên trong họ là sức mạnh phi thường, lòng dũng cảm để tìm lại tiếng nói và phẩm giá của mình.
Với những trang sách đầy mê hoặc, lôi cuốn và hấp dẫn đến phút cuối cùng, NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ đã được Amazon bình chọn là cuốn sách viết về phụ nữ hay nhất năm.
***
Review sách Những Người Đàn Bà
Tác giả: Etaf Rum
Đôi nét về tác giả:
Etaf Rum sinh năm 1989 là Một tiểu thuyết gia trẻ tuổi người Mỹ gốc Palestine. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Ả Rập truyền thống ở Brooklyn New York
Review sách:
Các vấn đề về con người vẫn luôn là đề tài để các tác giả khai thác, bởi có lẽ chẳng có gì phong phú, đẹp đẽ và xấu xa như con người. Chúng ta ngay cả sự sống, ngay cả bi kịch, cũng là thứ thôi thúc sự viết, sự tìm tòi. Trong đó đề tài “thân phận người phụ nữ” được đào sâu nhiều khía cạnh trong nhiều thời đại bối cảnh. Mình thường nói vui với bạn, cái gọi là “thân phận phụ nữ” sao mà phải viết nhiều thế. Nhưng có lẽ sự phân biệt giới tính đã làm cho phụ nữ trở nên khốn khổ, mà đặc biệt là những người phụ nữ sinh ra giữa chế độ hủ tục của tôn giáo, định kiến xã hội. Những người đàn bà là một cuốn sách như thế, khai thác đề tài thân phận người phụ nữ.
Cuốn sách “Những người đàn bà” Lấy bối cảnh ở một nước Mỹ đầy khát khao cùng những lời hứa hẹn rộng mở, để kể một nền văn hóa với hủ tục cực đoan, khép kín và kiểm soát đối người phụ nữ. Cuốn sách kể về câu chuyện đầy đau đớn, dữ dội về số phận của ba người phụ nữ, thuộc ba thế hệ khác nhau, mỗi người đều an bài cuộc đời mình cho những nỗi đau câm lặng trong xã hội Palestine. Họ luôn khao khát mưu cầu sự sống, tình yêu và hạnh phúc nhưng số phận đã bóp nghẹt họ, tước đi tất cả bao gồm cả sự sống. Họ không có tiếng nói ngay trong gia đình mình, lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ và chỉ quẩn quanh bên căn bếp, chăm lo con cái.
‘Nơi tôi sinh ra, vô thanh là một trạng thái đặc biệt của nữ giới, thường tình như một bộ ngực nở nang và cần thiết như chúng tôi mang trong mình sự sinh sôi cho những thế hệ sau này”
Họ là những người phụ nữ Palestin ngoài việc sinh nở và ở nhà chăm con,thì gần như đánh mất hoàn toàn chức năng của bản thân mình. Dưới một đời sống không lối thoát được truyền từ đời này sang đời khác, cuốn sách này mang lại nhiều sự u tối về số phận con người. Không chỉ người phụ nữ, ngay cả những người đàn ông, những người tưởng chừng được làm mọi thứ cùng tràn ngập bế tắc. Bởi họ phải gồng gánh trên vai hàng ngàn gánh nặng về cơm áo gạo tiền.
Từ ngay trong những tác phẩm văn học trong quá khứ mà chúng ta đã từng được tiếp xúc, “bị kịch cự tuyệt quyền làm người” đã được nhắc tới, và có lẽ là thứ bi kịch đau khổ và tuyệt vọng vô cùng. Xuyên suốt câu chuyện là sự câm lặng của ba thế hệ phụ nữ.
Thế hệ đầu thoát khỏi sự chiếm đóng của Israel trong xung đột Palestine và Israel, chạy trốn đến nước Mỹ với mong muốn tránh khỏi cuộc sống ở trại tị nạn. Thế hệ thứ 2 đồng ý một cuộc hôn nhân sắp đặt với người Mỹ gốc Palestine với hi vọng đất Mỹ tự do thì tiếng nói của nữ giới sẽ được tôn trọng hơn trên đất Palestine. Thế hệ thứ 3, suýt nữa thì rơi vào bánh xe đổ của các thế hệ trước, nếu cô ấy không phát hiện ra bí mật kinh khủng của gia đình mình và số phận của người mẹ đáng thương Mỗi thế hệ đều có giấc mơ và khát vọng về sự tự do và nữ quyền, nhưng không phải ai cũng có thể đấu tranh đến tận cùng.
Những người đàn bà là một cái nhìn sâu sắc về sự tuyệt vọng, thống khổ của phụ nữ gốc Palestine. Dù vậy, ẩn chứa bên trong họ là sức mạnh phi thường, lòng dũng cảm để tìm lại tiếng nói và phẩm giá của mình
Với giọng văn mô tả thực và sống động, Etaf Rum đã mang lại cả nền văn hoá Ả rập đến cho người đọc. Một nền văn hoá cổ hủ không chút giấu diếm, truyền thống trọng nam khinh nữ được bộc lộ một cách khéo léo khiến bản thân dễ dàng cảm thấy đồng cảm được với mỗi nhân vật trong truyện. Một chút thương xót, một chút ngưỡng mộ, có đôi khi thấy hơi bất lực và khó chịu với sự nhu nhược của người phụ nữ thế hệ xưa. Cũng không phải tự nhiên Amazon lại cho rằng đây là tác phẩm hay nhất của năm viết về người phụ nữ hay nó thuộc trong những cuốn New York Times best seller. Có thể khi đọc tác phẩm này chúng ta sẽ vẫn thấy được phảng phất đâu đó sự đồng điệu và quen thuộc, vì chính tại Việt Nam này cũng đã và vẫn đang tồn tại cái nền văn hoá, truyền thống cổ hủ đấy.
Chắc cũng khó có ai có thể tưởng tượng được cái sự thật trần trụi ấy lại được tái hiện lại qua giọng văn trẻ như vậy. So với một tác phẩm đầu tay thì Etaf Rum đã thực sự làm nên một điều kì diệu, văn phong tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có một chút tính toán. Để mà đánh giá thì mình thấy đây là một tiểu thuyết hay với nội dung cuốn hút người đọc, những cú plot twist và sự bất ngờ sẽ đến với các bạn từ phần nọ sang phần kia. Nhằm muốn bộc lộ rõ được bản chất của những câu chuyện đáng khinh bỉ ấy, nhà văn đã vẫn giữ nguyên một số từ ngữ đặc trưng của nơi đây. Một cuốn tiểu thuyết thực sự mang lại thật nhiều suy nghĩ cho người đọc.
***
Tôi sinh ra đã thiếu đi giọng nói, trong một ngày lạnh lẽo, u ám ở phố Brooklyn, New York. Không ai nhắc đến tình trạng của tôi. Tôi không biết mình bị câm cho đến nhiều năm về sau, khi tôi mở miệng xin điều mình muốn, để rồi nhận ra không ai có thể nghe thấy mình. Nơi tôi sinh ra, vô thanh là một trạng thái mặc định của nữ giới, thường tình như một bộ ngực nở nang và cần thiết như việc chúng tôi mang trong mình sự sinh sôi của những thế hệ sau này. Nhưng tất nhiên, chúng tôi sẽ không bao giờ tiết lộ cho bạn điều đó. Ở nơi tôi sinh ra, phụ nữ chúng tôi đã học cách che giấu đi những trạng thái của mình. Chúng tôi được dạy phải im lặng và chỉ có sự im lặng mới cứu được chúng tôi. Phải đến tận bây giờ, sau rất nhiều năm, tôi mới nhận ra điều này là sai lầm. Phải đến tận bây giờ, khi viết ra câu chuyện này, tôi mới cảm nhận được giọng nói của chính mình.
Bạn chưa bao giờ nghe về câu chuyện này. Dù bạn có đọc bao nhiêu sách, hay biết bao nhiêu chuyện trên đời thì tôi vẫn tin chưa có ai kể cho bạn nghe một câu chuyện như thế. Ở nơi tôi sinh ra, chúng tôi giữ những câu chuyện cho riêng mình. Kể những câu chuyện ấy cho thế giới bên ngoài là một điều mà chưa ai dám làm bởi nó vừa nguy hiểm vừa đáng hổ thẹn.
Nhưng, bạn đã thấy chúng tôi. Hãy dạo bước trong thành phố New York vào một chiều nắng đẹp. Đi xuống Manhattan*cho đến khi những con phố bắt đầu cong lại và rối rắm như những con phố ở Cựu Lục Địa*. Rẽ sang phía Đông, đi qua cầu Brooklyn*, khi ngoái lại, bạn sẽ thấy đường chân trời mỏng tang của Manhattan đang ở ngay phía sau mình. Phía bên kia, giao thông vẫn đang ùn tắc. Vẫy một chiếc taxi vàng và đi xuống đại lộ Flatbush, tuyến đường huyết mạch chính của Nam Brooklyn, bạn tiếp tục hướng Nam cho tới đại lộ số Ba. Nhà ở đây nhỏ hơn, chỉ xây ba hoặc bốn tầng, với những kiến trúc xưa cũ. Cây cầu Verrazano hẹp lửng lơ giữa tâm nhìn như một chú hải âu khổng lồ, hai cánh dang rộng, ở phía xa xa chân trời Manhattan hiện lên lờ mờ như một ảo ảnh. Hướng về phía Nam một lúc, qua những kho hàng cũ tân trang lại thành những quán cà phê và những quầy bán hàu thời thượng, những cửa hàng kim khí tư nhân nhỏ đã có ở đó hằng bao nhiêu thế hệ. Khi những quán cà phê kiểu Mỹ bắt đầu thưa thớt dần, bạn biết là mình đã gần tới nơi. Đi chéo qua phía Đông hai dãy nhà đến đại lộ số Năm, ở đây, bạn sẽ thấy khu Bay Ridge. Cái khu phố rộng ba dặm của chúng tôi là điểm hội tụ văn hóa của Brooklyn. Trên những dãy phố của chúng tôi, bạn sẽ gặp những người Mỹ Latin, Trung Đông, Ý, Nga, Hy Lạp và gốc Á, tất cả đều nói tiếng mẹ đẻ và gìn giữ truyền thống văn hóa của riêng mình. Tranh tường và graffiti*phủ đầy trên tường. Những lá cờ sặc sỡ màu sắc treo trên các ô cửa sổ và ban công. Mùi thơm ngọt ngào của bánh rán churros*, trộn lẫn với mùi thịt xiên nướng shish kebab* và mùi hoa khô trộn - tất cả tạo nên một món hầm hợp chủng. Bước ra khỏi góc phố cắt giữa đường Bảy Mươi Hai và đại lộ số Năm, bạn sẽ thấy xung quanh mình nào là tiệm bánh, những quầy bar hookah*và những chợ thịt của người Hồi giáo. Tiếp tục đi xuống hàng cây đường Bảy Mươi Hai cho đến khi bạn tới một căn nhà cũ trông không có gì khác với những căn còn lại với gạch đỏ phai màu, cửa nâu bụi bặm, số 545. Đây là nơi mà gia đình tôi sống.
Nhưng thực ra mà nói, câu chuyện của chúng tôi không bắt đầu từ phố Bay Ridge. Để tới đó, chúng ta cần lật về trước khi tôi tìm thấy giọng nói của mình, trước cả khi tôi được sinh ra. Chúng tôi chưa ở căn nhà trên đường Bảy Mươi Hai, chưa ở Brooklyn, chưa ở Mỹ. Chúng tôi còn chưa lên máy bay từ Trung Đông tới vùng trời mới này, chưa bay qua Đại Tây Dương, chưa biết một ngày chúng tôi sẽ có chuyến đi này. Ấy là năm 1990 và chúng tôi đang ở Palestine. Đó là khi câu chuyện bắt đầu.
***
Isra
(BIRZEIT*, PALESTINE)
Mùa xuân năm 1990
Ngày nào cũng vậy, suốt phần lớn mười bảy năm của cuộc đời mình, Isra đều nấu ăn với mẹ. Cô thường cuộn từng lá nho trong những buổi chiều ấm áp, hay nhồi mì bí ngòi hoặc ninh những nồi súp đậu láng khi trời mát mẻ và vườn nho ngoài hiên trở nên trống không. Trong kia sẽ là mẹ cô tất tả với căn bếp, như thể cả hai đang thủ thỉ một bí mật gì đó. Hơi nước quẩn quanh hai mẹ con, cho tới khi hoàng hôn buông những vệt nắng màu cam qua cửa sổ. Nhìn ra ngoài, từ đỉnh núi, gia đình Hadid có thể ngắm nhìn quang cảnh của cả miền quê - những triền đồi bao phủ bởi những mái nhà gạch hoa đỏ, tươi sáng, dày dặn và có nét gì đó hoang dại. Isra hay mở toang cửa sổ vì cô yêu mùi của quả vả và hạt hạnh nhân ùa vào mỗi sáng, cả tiếng sột soạt từ nghĩa địa râm ran mỗi tối.
Tối đã muộn và tiếng gọi lời cầu nguyện maghrib* đã đến gần, nghĩa là chuyện bếp núc cũng sắp phải xong. Isra và mẹ sẽ đi vào nhà vệ sinh, xắn tay áo lên và rửa đi chút nước sốt đỏ còn dính lại trên ngón tay của mình. Isra đã bắt đầu quỳ xuống cầu nguyện bên cạnh mẹ từ nầm cô lên bảy, năm lần mỗi ngày. Gần đây, cô bỗng mong chờ tới những lần cầu nguyện này hơn, để được đứng bên cạnh mẹ, vai chạm vai, chân sượt qua chân mẹ. Đây là thời gian duy nhất trong ngày mà Isra được cảm nhận sự tiếp xúc của con người. Cô nghe thấy tiếng adhan* đặc sệt gọi họ đến để cầu nguyện.
“Lời cầu maghrib hôm nay phải chờ sau mất rồi!” - Mẹ của Isra nói bằng tiếng Ả Rập, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ bếp: “Khách của chúng ta đã tới.”
Vừa nghe thấy tiếng gõ cửa, bà chạy vội đến bồn rửa, rửa tay thật nhanh và lau khô tay bằng một cái giẻ sạch. Đi ra khỏi bếp, bà cuốn chiếc áo choàng màu đen quanh vóc dáng bé nhỏ của mình và đội một cái khăn hijab* cùng màu để che đi mái tóc đen dài. Dù mẹ chỉ mới ba mươi lăm tuổi nhưng Isra nghĩ bà trông già hơn thế nhiều, bởi những nếp nhăn của một đời lao động vất vả hằn trên gương mặt.
Mẹ nhìn thẳng vào mắt Isra: “Đừng có quên rửa tay cho sạch mùi tỏi trước khi ra chào khách.”
Isra rửa tay cố không làm dính bẩn vào bộ váy choàng kaftan* màu hồng mà mẹ đã chọn cho cô.
“Trông con có được không mẹ?”
“Trông được.” - Mẹ nói, quay mặt chuẩn bị đi: “Nhớ cài hijabcẩn thận không tóc lại hở ra đấy. Nhà ta không muốn khách có ấn tượng không tốt đâu.”
Isra làm theo những gì cô được bảo. Từ sảnh, cô đã nghe thấy tiếng cha mình, ông Yacob, lặp lại tiếng chào salaam*thường lệ khi ông dẫn khách vào phòng khách. Ngay sau đó, ông vội xuống bếp để hỏi xin nước và cô sẽ với lấy ba cái tách thủy tinh từ chạn bát để chuẩn bị cho ông. Những vị khách sẽ thường ca thán về sườn đồi dốc dẫn đến nhà của họ, nhất là trong những hôm như thế này, khi bầu không khí ngày càng nóng, cảm giác như nơi này chỉ cách mặt trời có vài phân. Isra sống tại một trong những ngọn đồi dốc nhất ở Palestine, trên một mảnh đất mà Yacob thường khoe là ông mua vì nó có tầm nhìn đẹp và điều đó khiến cho ông thấy mình thật là oai, cứ như là một ông vua vậy. Isra cứ lặng lẽ nghe ông phán đủ điều. Cô không bao giờ dám nói với Yacob rằng, nhà họ thực ra chẳng có gì oai cả. Sự thật là, gia đình Yacob đã bị sơ tán khỏi căn nhà ven biển ở Lydd khi ông mới mười tuổi, trong thời gian Israel chiếm đóng Palestine. Đây là lý do tại sao họ sống ở ngoại ô Birzeit, trên một ngọn đồi dốc nhìn ra hai bãi tha ma - bên trái là nghĩa địa của người Kitô giáo còn bên phải là nghĩa địa của người theo đạo Hồi. Nó là một miếng đất mà không ai muốn ở và cũng là miếng đất duy nhất mà họ có thể chi trả được.
Dù sao chăng nữa, Isra vẫn thích nhìn quang cảnh từ đỉnh đồi ở Birzeit. Nhìn qua hai khu nghĩa địa, cô có thể thấy ngôi trường nữ sinh của mình, một tòa nhà bốn tầng chằng chịt những dây nho và chéo sang một chút, cách một cánh đồng cây hạnh nhân, là ngôi đền mosque* mái vòm màu xanh mà ông Yacob và ba người anh em của ông hay cầu nguyện, trong khi cô và mẹ cầu nguyện ở nhà. Nhìn ra ngoài cửa sổ, Isra cảm thấy vừa khát khao, lại vừa sợ. Vượt ra ngoài rìa làng cô liệu có những gì? Cô vừa muốn đi ra ngoài kia và khám phá thế giới, vừa muốn sống trong sự yên ổn và an toàn, bao bọc bởi những thứ mà cô đã biết. Và câu nói của mẹ lại vang lên trong tâm trí cô: Chỗ của người phụ nữ là ở nhà! Ngay cả khi Isra muốn bỏ đi, cô cũng không biết đi đâu.
“Đi pha một ấm chai* đi!” - Yacob nói khi ông bước vào bếp và Isra đưa cho ông cốc nước. Ông nói: “Nhớ bỏ vài lá bạc hà vào nữa.”
Isra không cần ông phải nhắc, cô đã thuộc lòng những tục lệ này. Cô đã xem mẹ cô phục vụ và tiếp đãi khách từ khi cô bắt đầu có thể nhớ. Mẹ luôn để một hộp sô-cô-la Mackintosh ở trên bàn cà phê trong phòng khách khi nhà có khách và bà luôn mời họ hạt dưa rang trước khi dọn ra bánh baklava*. Ngay cả đồ uống cũng phải mang ra theo thứ tự: Đầu tiên là trà chai bạc hà và cuối cùng là cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Mẹ bảo, đảo lộn trật tự là một sự xúc phạm. Isra đã từng được nghe một người phụ nữ kể chuyện về lần bà ấy được nhà hàng xóm tiếp bằng một tách cà phê Thổ Nhĩ Kỳ: “Tôi bước ra ngoài cửa ngay lập tức…” - Người phụ nữ kể lại: “Như thế có khác nào họ đuổi tôi đâu.”
Isra vừa với lấy bộ tách sứ màu đỏ vàng, vừa để ý tiếng mẹ ngoài phòng khách. Cô có thể nghe thấy tiếng Yacob đang bật cười và sau đó là tiếng cười của những người đàn ông khác. Isra tự hỏi điều gì khiến họ cười.
Vài tháng sau đó, vào tuần ngay trước khi Isra sang tuổi mười bảy, lúc Isra đi học về, cô thấy Yacob ngồi trong phòng khách với chàng trai trẻ và cha mẹ của anh ta. Mỗi lần nhớ lại ngày hôm đấy, ngày mà cô được cầu hôn lần đầu tiên, điều mà cô nhớ nhất là lúc Yacob mắng chửi mẹ cô thậm tệ sau khi khách về. Ông tức giận vì bà không mời khách chai bằng bộ tách chén cổ mà họ dành riêng cho những dịp đặc biệt. “Bây giờ thì người ta biết là nhà mình nghèo!” - Yacob hét lên, lòng bàn tay ông quặp chặt lại. Mẹ không nói gì cả, lẳng lặng lủi vào bếp. Cái nghèo chính là lý do tại sao Yacob lại sốt sắng trong việc gả cưới Isra. Mấy đứa con trai giúp ông cày cấy ruộng đồng, kiếm đồng ra đồng vào. Một ngày nào đó, chúng nó sẽ nối dõi dòng họ của gia đình. Con gái chỉ như một người khách vãng lai, lặng lẽ chờ đợi một người đàn ông đến và rước đi, cùng với tất cả những gánh nặng tài chính mà cô đặt lên vai cả gia đình.
Từ dạo đấy đã có hai người đàn ông cầu hôn Isra - một anh thợ bánh mì ở Ramalah và một anh lái taxi ở Nablus - nhưng Yacob từ chối cả hai. Ông không thể ngừng nói về một gia đình từ Mỹ đến thăm để tìm con dâu và bây giờ thì Isra hiểu tại sao ông lại từ chối hai người kia: Ông đang mong đợi một lời cầu hôn khác.
Isra không chắc mình cảm thấy thế nào về việc di cư sang Mỹ, một nơi mà cô chỉ biết qua những bản tin, hay đọc qua trong thư viện ở trường. Từ những gì cô tìm hiểu, văn hóa phương Tây có vẻ không hà khắc như văn hóa của cô. Điều này khiến cô vừa phấn khích vừa sợ hãi. Cuộc đời cô sẽ thế nào nếu cô chuyển đến Mỹ? Một cô gái cổ hủ như cô sẽ thích nghi như thế nào ở một nơi cấp tiến như Mỹ?
Cô thường thức cả đêm suy nghĩ về tương lai của mình, nóng lòng không biết cuộc đời mình sẽ ra sao khi cô bước ra khỏi nhà Yacob. Liệu sẽ có một người đàn ông yêu cô? Cô sẽ có bao nhiêu đứa con? Cô sẽ đặt tên cho chúng là gì? Có những đêm, Isra mơ rằng cô sẽ cưới được người đàn ông mà mình yêu và họ sẽ sống trong một căn nhà nhỏ trên đỉnh đồi, với cửa sổ rộng mở và mái nghiêng màu đỏ. Những đêm khác, cô lại mơ thấy khuôn mặt của những đứa con mình, hai trai hai gái. Chúng ngước lên nhìn cô và chồng cô, nom như một gia đình hạnh phúc mà cô vẫn thường đọc trong sách. Nhưng rồi những hy vọng ấy chẳng đến với cô nữa. Cô chưa bao giờ tưởng tượng ra cuộc sống ở Mỹ. Cô không biết từ đâu để bắt đầu nữa. Và nhận ra điều này khiến cô sợ hãi.
Cô ước mình có thể mở miệng để nói với cha mẹ mình rằng: Không! Đây không phải là cuộc sống mà con mong muốn. Nhưng Isra đã học được từ nhỏ rằng, biết vâng lời là cách duy nhất để thể hiện sự yêu thương. Vì thế mà cô chỉ dám thách thức một cách vụng trộm, phần lớn là với những cuốn sách. Mỗi buổi tối khi đi học về, sau khi đã ngâm gạo và đi phơi quần áo cho những người anh trai của mình, dọn bữa tối ra sufra* và đi rửa bát, Isra sẽ lặng lẽ rút về phòng và đọc cạnh khung cửa sổ mở tung, dưới ánh trăng mờ mờ soi sáng từng trang sách. Đọc sách là một trong rất nhiều điều mà mẹ cấm cô làm nhưng cô không bao giờ nghe lời.
Cô nhớ có lần đã nói với mẹ rằng, cô không thể tìm được quả dâu tằm nào trên cây nhưng thực ra cô dành cả buổi chiều đọc sách trong khu mộ. Tối đấy, Yacob đã đánh cô hai lần, như một hình phạt cho sự coi thường luật lệ. Ông gọi cô là sharmouta*, đồ con đĩ. Ông nói ông sẽ cho cô thấy chuyện gì xảy ra nếu bọn con gái không biết vâng lời, rồi ông xô cô vào tường và cầm thắt lưng đánh cô. Căn phòng bỗng trở nên trắng bệch. Mọi thứ trông nhợt nhạt. Cô nhắm mắt lại cho đến khi cơ thể tê lại, cho đến khi cô không thể di chuyển nổi nữa. Nhưng nghĩ lại giây phút đó, khi nỗi sợ dâng lên, cô còn cảm thấy một điều gì nữa từ sâu bên trong. Một sự can đảm lạ lùng.
Isra sắp xếp những cái chén bốc hơi lên khay và bước vào phòng khách. Mẹ nói có một mẹo để giữ thăng bằng, đó là đừng bao giờ nhìn vào hơi nước bốc lên nên thay vào đó, cô nhìn xuống đất. Trong phút chốc, Isra ngừng lại. Từ khóe mắt, cô có thể nhìn thấy những người đàn ông và đàn bà ngồi đối diện nhau ở trong phòng. Cô hé lên nhìn trộm mẹ, bà ngồi thu mình như thường lệ: Đầu bà cúi xuống và mắt bà dán vào tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ màu đỏ trước mặt. Isra liếc nhìn họa tiết trên thảm. Nào là xoắn ốc, nào là xoáy, cả hai thứ cuộn tròn chung một kiểu, cái này nối đuôi cái kia. Cô quay mặt đi. Cô nóng lòng muốn lén nhìn chàng trai trẻ nhưng cô cảm giác Yacob đang theo dõi mình và cô có thể nghe thấy tiếng ông vang lên bên tai: Một người con gái đúng mực không bao giờ nhìn chằm chằm vào một người đàn ông nào cả!
Mắt Isra dán xuống đất nhưng cô vẫn cho phép mình liếc sang phía bên kia sàn. Cô để ý đôi tất của anh chàng, xám sọc hồng với những đường khâu trắng ở phía trên. Nó khác với những gì cô thường thấy trên đường phố Birzeit. Cô cảm thấy như có gì đang châm chích da mình.
Làn hơi nước bốc lên từ khay chén bao phủ khuôn mặt Isra. Cô nhanh chóng đảo quanh phòng cho đến khi cô đã mời nước tất cả những người đàn ông. Tiếp đến, cô mời nước người mẹ của chàng trai. Isra để ý hình như cái khăn hijab màu xanh dương đậm của bà ấy bị rơi ra, để lộ mái tóc nhuộm henna* của bà. Isra chưa bao giờ thấy một người phụ nữ Hồi giáo nào đội hijab kiểu này ngoài đời cả. May ra chỉ có ở trên tivi, trong những bộ phim Ai Cập đen trắng mà Isra và mẹ hay xem cùng nhau, hay những video ca nhạc từ Lebanon*, với những người phụ nữ ăn mặc khêu gợi nhảy múa, hay phần minh họa trong cuốn sách yêu thích của Isra, Nghìn lẻ một đêm, tuyển tập truyện cổ tích Trung Đông ở thời Trung Cổ. Nhưng chưa bao giờ cô thấy thế này ở Birzeit.
Khi Isra cúi người, cô có thể thấy mẹ chàng trai đang quan sát mình. Bà có dáng người đầy đặn, lưng khom, cười hơi méo. Đôi mắt hình hạt hạnh nhân của bà nheo lại ở phía đuôi. Từ vẻ mặt bà, Isra đoán chắc bà không hài lòng với ngoại hình của cô lắm. Dù gì thì mẹ cũng hay nói rằng cô là một cô gái mờ nhạt - khuôn mặt đù đờ như bột mì và mắt thì đen như than chì. Điểm nổi bật nhất của Isra có lẽ là mái tóc, đen và dài như dòng sông Nile. Tiếc là không ai có thể thấy điều đó dưới lớp khăn hijab cô đội trên đầu. Mà kể cả có đi chăng nữa cũng chẳng làm nên điều gì khác biệt, Isra nghĩ. Cô là một cô gái tầm thường.
Suy nghĩ ấy khiến cô nhói đau. Đứng trước mặt mẹ chàng trai, cô thấy môi mình đang run lên. Cô bước về gần phía bà, tay cô giữ chặt cái khay. Cô có thể cảm thấy Yacob đang lườm cô, cô có thể nghe thấy cả tiếng ông hắng giọng. Hình như, cô thấy cả mẹ ấn ngón tay vào đùi cô. Nhưng Isra vẫn ngả về phía người phụ nữ, cái chén sứ trong tay cô rung lên và cô hỏi: “Bác có muốn dùng cà phê Thổ Nhĩ Kỳ không ạ?”
Nhưng câu hỏi của cô chẳng có hiệu quả gì. Những vị khách từ Mỹ chả buồn để ý rằng cô mời họ cà phê trước. Sau đó, gia đình nhà trai đã đưa ra lời cầu hôn và Yacob đồng ý ngay lập tức, khuôn miệng ông nở rộng, đó là nụ cười tươi nhất của Yacob mà Isra chưa từng thấy từ trước tới nay.
Mời các bạn đón đọc Những Người Đàn Bà của tác giả Etaf Rum & Nguyễn Minh Anh (dịch).