Trong cuộc đời, ai cũng có cho mình một mảnh đất thiêng liêng. Và những cậu con trai phố Pál cũng thế, các cậu có một mảnh đất dịu hiền mang tên Khu đất trống. Nơi ấy trong con mắt người lớn chỉ là miếng đất khô cằn, gồ ghề nằm trong thủ đô, bị thu hẹp bởi hai ngôi nhà cao lớn, nhưng với các cậu đó là “một vùng vô tận, là niềm tự do mà buổi sáng là đồng cỏ châu Mỹ, buổi chiều là bình nguyên Hung trong mưa, là biển mùa đông, là cực Bắc”. Ở nơi đó có trò bắn bi, chơi bóng, đánh trận giả; có pháo đài, hào lũy; có chủ tịch, đại tướng, thượng úy và độc nhất một “chú lính trơn”. Trong cái thế giới mà trẻ thơ nấn ná trên ngưỡng cửa trở thành người lớn ấy, các cậu con trai phố Pál đã chiến đấu với tất cả trí thông minh, lòng dũng cảm, vị tha và ngay thẳng để bảo vệ Khu đất trống khỏi bị xâm chiếm; biến trò chơi con trẻ thành bài học để trưởng thành.
Với nội dung trong sáng, dung dị nhưng giàu ý nghĩa và tính hiện thực, Những cậu con trai phố Pál, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Hungary Molnár Ferenc, đã được đón nhận nồng nhiệt tại quê nhà. Tác phẩm được chuyển thể nhiều lần lên sân khấu kịch, màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng; được đưa vào chương trình học phổ thông và trở thành tựa sách thiếu nhi kinh điển ở nhiều nước như Nhật Bản, Italy, Israel… Tại Việt Nam, Những cậu con trai phố Pál được xuất bản lần đầu năm 1984, qua bản dịch trong sáng và trìu mến của dịch giả Vũ Ngọc Cân – người mang nặng tình cảm với đất nước Hungary. Sau gần bốn thập kỷ, nay một lần nữa Đông A đưa tác phẩm này trở lại với những độc giả đang và đã từng là trẻ thơ, bằng bản dịch đã gắn liền với các thế hệ và nhiều minh họa đẹp, gần gũi với thiếu nhi.
Molnár Ferenc là một nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch Hungary gốc Do Thái – Đức. Từ khi còn trẻ, ông đã viết cho nhiều tờ báo danh tiếng rồi tiếp tục dấn thân làm phóng viên chiến trường trong Thế chiến I. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu sắc kèm chút châm biếm, ông nhanh chóng chinh phục được độc giả, không những vậy, ông còn thể hiện sự đa tài ở nhiều lĩnh vực như kịch nghệ, văn chương. Vào cuối những năm 1930, chạy trốn khỏi sự hằn thù Do Thái của phát xít Đức, ông sang Pháp, Thụy Sỹ rồi định cư tại Mỹ. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, mặc dù không chỉ một lần đối mặt với trầm cảm, ông vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, gửi gắm sự thấu cảm sâu sắc nơi ngòi bút. Các tác phẩm của ông được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là tiểu thuyết Những cậu con trai phố Pál (A Pál utcai fiúk, 1907), vở kịch Chàng Liliom (Liliom, 1909) và truyện ngắn Những kẻ ăn cắp than (Széntolvajok, 1918). Năm 1952, ông từ giã cõi đời vì căn bệnh ung thư.
PGS.TS Vũ Ngọc Cân sinh tại Hà Nam, bút danh Vũ Thanh Xuân. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (Hungary) ngành Ngữ văn Hung – Pháp, rồi trở thành giảng viên tiếng Hung, ngôn ngữ học, Việt ngữ học và lịch sử văn minh thế giới tại Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Từ đó, ông gắn bó với nghề giáo ở cả Việt Nam lẫn Hungary. Song song đó, ông còn là một dịch giả thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm tiếng Hung sang tiếng Việt và ngược lại. Các dịch phẩm tiêu biểu của ông như: Những cậu con trai phố Pál (1984, 2010), Cái chết của ông bác sỹ (1987), Dạ, thưa thầy (2010), Ba nhà thơ vĩ đại của Hungary (2010), 65 bài thơ tuyển đại thi hào Hungary Arany János (2017)…
***
Sự trở lại của 'Những cậu con trai phố Pál'
Không chỉ là cuốn sách dành cho trẻ em trai, tác phẩm còn là ký ức của những người đàn ông thực thụ.
Là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng ở Hungary, cũng như toàn thế giới, Những cậu con trai phố Pál của Molnar Ferenc được xuất bản lần đầu năm 1907. Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành sách giáo khoa của Hungary, đồng thời được chuyển thể thành phim và kịch nhiều lần ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, cuốn sách được ra mắt lần đầu tiên năm 1984, do PGS.TS Vũ Ngọc Cân (Vũ Thanh Xuân) chuyển ngữ. Năm nay, nó được Đông A cùng NXB Dân Trí tái bản với bìa cứng, tranh minh họa màu sinh động, mang tính mỹ thuật cao.
Nội dung hấp dẫn và phi thời đại
Cuốn truyện kể về cuộc chiến kịch tích giữa hai nhóm nam sinh thủ đô Budapest, Hungary: Phe phố Pál và phe Áo đỏ tranh giành chỗ chơi bóng ở một nơi gọi là "Khu đất trống giữa lòng thủ đô".
Khu đất trống trong con mắt người lớn chỉ là miếng đất hoang ngổn ngang phế liệu. Nhưng trong mắt các cậu bé, đó là “một vùng vô tận, niềm tự do mà buổi sáng là đồng cỏ châu Mỹ, buổi chiều là bình nguyên Hung trong mưa, là biển mùa đông, là cực Bắc” với đầy đủ thế giới các trò chơi bi bóng, trận giả; đại úy và lính trơn; pháo đài, bom cát và hào lũy như Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Và như chiến tranh thực sự, nhiều tổn thương và mất mát xảy ra để bảo vệ cho điều mình yêu thương và tin tưởng. Trò chơi con trẻ đã thành bài học để trưởng thành.
Nhóm trẻ phố Pál được ẩn dụ với màu sắc quốc gia của Hungary (lá cờ riêng màu đỏ, trắng, xanh lá cây) do Boka làm thủ lĩnh, đã tổ chức một “trận chiến” quy mô trên khu đất trước những kẻ xâm lăng Áo đỏ (vì chúng thần tượng Garibaldi - anh hùng dân tộc Italy) đứng đầu là Áts Feri.
Cuốn sách được viết vào năm 1907, cách đây hơn một thế kỷ, nhưng vẫn luôn có giá trị phi thời gian, mặc dù Nemecseck về nhà bằng chiếc xe ngựa chạy quanh Budapest thay vì xe bus, hay những lọ mực kiểu cũ luôn bị đổ trong túi Boka.
Hai nhóm nam sinh khi tuyên bố tiến hành "chiến tranh" đã sử dụng tất cả thuật ngữ của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa dân tộc đầu thế kỷ 20. Cuốn sách cũng được xuất bản ngay trước khi Đảng Quốc xã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đức. Tuy nhiên, đây là một cuốn sách có giá trị phi thời đại.
Dàn nhân vật nam đặc sắc
Những cậu con trai phố Pál sở hữu một dàn nhân vật tuyệt vời, những cá tính đa dạng và phức tạp một cách đáng ngạc nhiên đối với cuốn sách cho trẻ em.
Được coi là băng đảng “phản diện”, Áts Feri và chiến hữu của cậu ta không bị “xấu xa hóa”, họ đủ đàng hoàng. Cũng như các chàng trai phố Pal của chúng ta còn lâu mới được coi là hoàn hảo.
Boka - chủ tịch khu đất trống - dũng cảm, sáng suốt, trung thực, đúng đắn, biết cách đưa ra quyết định, đúng mẫu “con đực đầu đàn”. Các cậu trai khác nhìn thấy ở Boka một hình mẫu đàn ông để noi theo.
Nemecsek bé nhỏ, cậu lính trơn duy nhất của khu đất, lại là một định nghĩa khác của người đàn ông đích thực, tuy vụng về yếu ớt, thường bị bạn bè coi thường nhưng lại là người can đảm, hy sinh bản thân vì đồng đội, vì những giá trị thiêng liêng mà cậu coi trọng.
Phía bên kia chiến tuyến, thủ lĩnh phe Áo đỏ Áts Feri cũng có nét tương đồng với Boka, mạnh mẽ, táo bạo, lại rất hào hoa đẹp trai. Hoàn toàn không phải là “phản diện” kinh điển, Feri tôn trọng kẻ thù, đánh giá cao sự dũng cảm của Nemecsek.
Và sau đó là Gereb - một cậu bé phố Pál đầy tham vọng, đố kỵ với Boka, trở thành kẻ phản bội khi về phe Áo đỏ. Nhưng rồi cậu đã nhận ra sai lầm, cư xử tuyệt vời trong trận chiến, giành lại được tình bạn với Boka.
Các nhân vật đều có đầy đủ tính khí trẻ con, nhưng đều sở hữu một loạt giá trị: Cao thượng, dũng cảm, ngay thẳng, tự trọng. Tất nhiên, có những nhân vật tiêu cực, nhưng họ cũng vẫn có phẩm giá và danh dự. Cũng có thể đó chính là điều tác giả muốn nói rằng, ở trẻ em, chúng ta có thể tìm thấy những phẩm chất mà chính chúng ta đã đánh mất khi lớn lên.
Nỗi buồn làm nên sự trưởng thành trong cuộc sống
Nếu là người lớn, việc đọc cuốn sách này có thể gợi những liên tưởng sâu xa hơn. Với bối cảnh vào đầu những năm 1900, khi châu Âu bị giằng xé và chia cắt bởi nhiều cường quốc, chúng ta có thể thấy sự tương đồng giữa việc bảo vệ sân chơi của trẻ em với việc bảo vệ tổ quốc của một dân tộc.
Những ẩn dụ ấy thể hiện qua sự tổ chức quân đội quy củ của lũ trẻ, chủ nghĩa anh hùng và việc lên án hành động “phản quốc” của Gereb.
Thông qua đó, người đọc mọi lứa tuổi sẽ có thể cảm nhận được một câu chuyện xúc động về tình chiến hữu và lòng trung thành, nỗi khát khao và trách nhiệm chiến đấu vì một mảnh đất nhỏ bé nhưng tự do - những giá trị rất cần đến tận ngày nay.
Câu chuyện phố Pál cũng có thể được đọc như một sự tiếc thương cho chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu đầu thế kỷ 20 trước thềm Thế chiến thứ nhất, khi các chàng trai nhỏ đưa ra nhiều tuyên ngôn mang tính dân tộc, quyết liệt bảo vệ “quê hương” trước kẻ thù.
Cuối cùng, “quê hương” của các chàng trai đã biến thành khu nhà cao tầng trong quá trình đô thị hóa, bất kể những hy sinh đã được thực hiện để cứu mảnh đất nhỏ bé. Một kết thúc nhiều đắng cay và đầy trăn trở nghẹn ngào.
Cũng có một số ý kiến của các bậc cha mẹ cho rằng không thấy bóng dáng phụ huynh trong khi hai lũ trẻ đánh nhau kịch liệt, trong khi đáng lẽ chúng cần phải có sự trợ giúp của người lớn để tránh khi mọi việc vượt quá tầm kiểm soát.
Boka đã rất tuyệt vọng, không chỉ vì những điều đã xảy ra với Nemecsek, mà còn vì ngay sau chiến thắng cậu phát hiện ra những điều mà những người trưởng thành đã làm ở khu đất trống thiêng liêng của lũ trẻ các cậu.
Cậu hiểu rằng trận chiến của họ cuối cùng đã thành vô ích. Niềm an ủi duy nhất của Boka là biết rằng ít nhất Nemecsek sẽ không bao giờ phải biết tới điều đó.
Ngoài đời, tác giả Molnár Ferenc từng là người ủng hộ Đế chế Áo - Hung với tư cách phóng viên chiến trường trong Thế chiến thứ nhất.
Tuy nhiên, ông đã phải rời xa Budapest thân yêu, di cư đến Mỹ để thoát khỏi sự đàn áp người Do Thái Hungary trong Thế chiến thứ hai, rồi qua đời trong bệnh tật và trầm cảm.
Tuy nhiên, ở Budapest, bức tượng tái hiện cảnh lũ trẻ phố Pál chơi đùa vẫn còn đó để tôn vinh một tác phẩm yêu thích của nhiều thế hệ, một niềm tự hào của nền văn học Hungary.
***
Molnár Ferenc sinh ngày 12 tháng 1 năm 1878 tại Budapest, trong một gia đình tư sản gốc Do Thái - Đức nhưng đã nhiều đời sống ở Hungary. Bố là bác sỹ Neumann Mór (1848 - 1907) làm việc tại một nhà máy lớn ở thủ đô. Thuở thiếu thời ông đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt về văn học và báo chí. Cuối thời trung học ông đã tham gia viết báo và đổi họ cũ Neumann thành họ hoàn toàn như người Hung là Molnár.
Năm 1896, sau khi tốt nghiệp trung học, do áp lực của gia đình ông theo học khoa luật của một trường đại học ở Genève, Thụy Sỹ. Được một năm thì ông bỏ về Tổ quốc học tiếp ở thủ đô Budapest. Tuy nhiên giữa chừng ông đi làm phóng viên cho tờ Nhật ký Budapest và nhiều tờ báo danh tiếng khác ở thủ đô. Nhà báo trẻ Molnár Ferenc nhanh chóng nổi tiếng với phong cách nhẹ nhàng, tài quan sát sắc sảo và giọng điệu khôi hài, châm biếm.
Trong Thế chiến I (1914 - 1918) ông làm phóng viên mặt trận, tham gia viết bài từ chiến trường Galicia ở Tây Ban Nha. Những năm sau đó ông trở về nước và tiếp tục sáng tác. Năm 1922, ông lấy vợ lần thứ hai, nhưng cũng giống như cuộc hôn nhân lần thứ nhất vào năm 1906, họ mau chóng ly hôn. Những sáng tác của ông thời gian này tập trung vào thể loại kịch nhiều hơn. Năm 1937, ông đã cùng người vợ thứ ba chạy trốn khỏi sự hằn thù Do Thái của chủ nghĩa phát xít Đức, đầu tiên sang Pháp, rồi Thụy Sỹ, sau đó hai năm thì tìm cách sang New York (Mỹ) định cư và cũng qua đời tại đây vào năm 1952.
Những tác phẩm văn xuôi đầu tiên mà Molnár Ferenc công bố là tập truyện ngắn Magdolna và những chuyện khác (1898) và Đêm của những cái hôn (1899), sau đó ông bắt đầu viết cả tiểu thuyết và kịch. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên ông cho in vào năm 1901 là Thành phố đói phơi bày những mâu thuẫn của thế giới tư sản bằng một giọng điệu trào phúng sâu cay. Năm sau, vở hài kịch Ngài đốc tờ nội dung đề cập đến mối quan hệ làm ăn phi pháp lố bịch giữa một luật sư với một băng đảng trộm cắp được đưa lên sân khấu biểu diễn, được hoan nghênh nhiệt liệt.
Từ đó ông liên tục - kể cả thời gian sinh sống ở Mỹ - cho ra mắt các tác phẩm xuất sắc của mình. Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động văn học, ông đã cho in 13 tập truyện ngắn, 10 tiểu thuyết, 23 vở kịch và hàng trăm bài báo. Với nhiều tác phẩm được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, nhiều vở kịch hiện nay vẫn được công diễn ở nhiều quốc gia, ông đã trở thành một trong số các nhà văn Hungary nổi tiếng nhất cả trong nước lẫn trên thế giới. Ở các lĩnh vực văn xuôi khác nhau ông đều để lại những tác phẩm kiệt xuất như vở kịch Chàng Liliom(1909), truyện ngắn Những kẻ ăn cắp than (1918) và đặc biệt là tiểu thuyết Những cậu con trai phố Pál (1907) - một tác phẩm nằm trong chương trình học phổ thông của Hungary, một số nước Đông Âu và cả ở Nhật Bản.
Ban đầu Molnár viết tác phẩm này theo yêu cầu của tờ tạp chí Báo Học trò, do thầy giáo ông là Rupp Kornél (1865-1900) sáng lập từ năm 1894. Năm 1905, ông bắt đầu cho đăng từng kỳ ở tạp chí này. Hằng ngày ông ngồi ở một góc quán cà phê gần nhà viết các chương tiếp theo và đăng đều đặn cho đến hết vào năm 1906. Năm sau, tác phẩm được in thành sách, rồi đến đầu những năm 1910 thì được dịch sang tiếng Anh, Đức, và từ đó đến nay sang rất nhiều thứ tiếng khác trên thế giới. Còn ở trong nước cho đến nay tác phẩm đã được tái bản gần 50 lần.
Những cậu con trai phố Pál phản ánh cuộc sống của thiếu niên Hungary những năm 90 của thế kỷ 19. Truyện kể về hai nhóm trẻ sống ở Budapest, học ở hai trường khác nhau: bọn con trai do Áts Feri cầm đầu thì chiếm giữ Vườn cỏ, còn những cậu con trai phố Pál do Boka làm chủ tướng thì đóng đô ở Khu đất trống. Bọn Áts Feri rắp tâm đánh chiếm Khu đất trống để làm sân đá bóng. Những cậu con trai phố Pál thì dũng cảm chiến đấu bảo vệ Khu đất trống không khác gì bảo vệ Tổ quốc của mình. Thông qua cuộc chiến đó, tác phẩm đã phản ánh toàn bộ thế giới trẻ thơ, nói chính xác hơn là thế giới của tuổi dậy thì như ước muốn tự do, sự anh dũng quả cảm, lòng trung thành, sẵn sàng hy sinh… Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp đó, tác giả cũng khéo léo đề cập đến những cái xấu xa của con người như là sự phản bội, sự ghen ghét đố kỵ, tính ăn cắp, thói quan liêu cứng nhắc… Nói cách khác, Những cậu con trai phố Pál là cuốn sách có giá trị giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc cho trẻ em, và đọng lại nhiều dư vị cho người lớn.
Một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn, chân thật cho tác phẩm chính là bối cảnh, nhân vật được rút tỉa từ chính ký ức và đời sống của tác giả. Thế giới trong truyện là có thực. Đó là vùng phụ cận với nhà số 83 đại lộ József nơi nhà văn ở. Ba địa điểm xuyên suốt câu chuyện là trường học Lónyay, Vườn cỏ và đặc biệt là Khu đất trống. Ngày nay, Vườn cỏ vẫn còn giữ lại một phần của Khu Nhà thương trên đường Üllői; còn tòa nhà 3 tầng, mà cái nền của nó là Khu đất trống, vẫn nằm ở góc phố Mária và phố Pál. Phố Rákos thì không còn, nhưng ngôi nhà của gia đình Nemecsek trên đó thì có thể ở gần Viện bảo tàng Mỹ thuật Công nghiệp bây giờ. Các nhân vật trong truyện cũng là những con người có thật: đó là những bạn học, những thầy giáo của Molnár ở trường Trung học Cải lương Lónyay.
Có thể nói, Những cậu con trai phố Pál không chỉ là một trong những cuốn sách hay nhất của nền văn học thiếu nhi Hungary mà còn của cả thế giới. Đây là một tác phẩm khó quên nếu không muốn nói là không thể quên với những ai đã từng đọc một lần. Sau khi đọc xong dòng cuối, từ từ gấp cuốn sách lại, độc giả không thể không dành tiếp thời gian luyến tiếc, khâm phục và bùi ngùi nhớ đến các nhân vật trong truyện.
Khương Đình, đầu xuân năm Canh Tý 2020
PGS. TS. VŨ NGỌC CÂN
Mời các bạn đón đọc Những Cậu Con Trai Phố Pál của tác giả Molnár Ferenc & Vũ Ngọc Cân (dịch).