NGƯỜI GIAO SỮA - TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI MAN BOOKER 2018
Hội đồng giám khảo giải Man Booker (một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh) đã nhận định: "Vừa gây sợ hãi lại vừa truyền cảm hứng, Người giao sữa là tác phẩm có phong cách tuyệt đối riêng biệ Một câu chuyện hoàn toàn độc đáo về Ireland vào thời kỳ Nhiễu nhương qua trí óc của một cô gái trẻ Một tác phẩm choáng váng"
TÓM TẮT:
Trong một thành phố không tên, một cô gái mười tám tuổi bị rình rập bởi một kẻ được gọi là Người giao sữa. Cô không chỉ phải trốn tránh hắn, mà còn phải đối phó với những đơm đặt đàm tiếu từ chính gia đình và cộng đồng của mình.
Người giao sữa là cái nhìn của một cô gái trẻ về thời kỳ Nhiễu nhương ở Ireland với những xung đột tôn giáo và chính trị len lỏi vào mọi ngõ ngách trong đời thường, chắp cánh cho những thù hằn, tị hiềm, ác ý hèn lạ lan tràn tạo nên một bầu không khí ngột ngạt, sợ hãi và cũng không kém phần nực cười. Bằng văn chương lạnh lùng và châm biếm, Anna Burns đưa người đọc đi xuyên qua một cuộc sống u ám trĩu nặng thứ lịch sử đầy mất mát và nghi kỵ, nơi mỗi hành động dù nhỏ nhất đều kéo theo một mê cung bất tận những nguy cơ và chằng chịt những hậu quả khôn lường.
Người giao sữa là cuốn tiểu thuyết phi thường về sự trưởng thành của con người trong một thế giới đã trở nên ngập tràn cạm bẫy.
***
[Review sách hay] Người giao sữa và thời kỳ ngột ngạt
ELLE Team
Đăng ngày: 14/07/2020
Năm 2018, lần đầu tiên một tác giả người Bắc Ireland được trao giải Man Booker – Anna Burns – với cuốn sách “Người giao sữa”.
Cuộc đời Burns có đầy đủ các chi tiết để biến bà thành huyền thoại: Bà viết cuốn sách Người giao sữa khi toàn thân đau đớn vì một ca phẫu thuật hỏng, và từ sau khi hoàn thành nó đến nay bà không thể viết tiếp được gì; bà sống nhờ trợ cấp, cụ thể là ngân hàng lương thực; bà sung sướng hân hoan vì có thể dùng tiền thưởng để giúp mình sạch nợ.
Dường như có một khoảng cách khủng khiếp giữa hai thời điểm: lúc bản thảo cuốn sách Người giao sữa bị hàng loạt nhà xuất bản từ chối, và lúc toàn bộ thành viên ban giám khảo nhất trí chọn trao giải Man Booker cho nó. Người giao sữa kể về một cô gái 18 tuổi không tên bị một gã đàn ông trung niên rình mò ở một thành phố không tên, tại một đất nước không tên. Là một cuốn tiểu thuyết cực kỳ khó đọc, được viết với phong cách văn chương lạ lùng, với giọng kể độc nhất vô nhị, Người giao sữa là tiếng nói nữ quyền về thân phận người phụ nữ trong thời kỳ loạn lạc.
Câu mở đầu ấn tượng của Người giao sữa gần như thâu tóm được toàn bộ không khí đầy đe dọa của tác phẩm: “Ngày Ai Đó McAi Đó kê súng vào ngực mà gọi tôi là đồ đĩ rồi dọa bắn cũng là ngày người giao sữa chết”. Cô gái bị dọa bắn ấy có thói quen vừa đi vừa đọc sách, một thói quen bị mọi người gièm pha và phản đối, bởi ở xã hội nơi cô sống thì hành động xách thuốc nổ dẻo Semtex đi quanh được coi là bình thường còn đọc Jane Eyre trước mắt mọi người lại là bất bình thường.
Thế giới văn hóa [Review sách hay] Ngàn cánh hạc: Độ tối của thân phận, độ sâu của tội lỗi
Chính vì sống ở một thời kỳ quái đản như vậy mà một sự việc đáng lo ngại xảy đến với cô lại bị gạt đi một cách nhẹ bẫng: Cô bị một người đàn ông trung niên, mà cô gọi là người giao sữa, đeo bám, gạ gẫm. Hắn tỏ ra quen biết cô, rành rõi chuyện gia đình cô, hắn đe dọa giết bạn trai của cô. Hành động quấy rối ngày một leo thang: Hắn rình rập cô khắp mọi nơi, thuộc lịch làm việc và học hành của cô. Sinh ra trong một gia đình có mười một anh chị em, với các chị lớn đã đi lấy chồng, các anh trai đã bỏ đi hoặc chết vì theo phe ly khai, với một ông bố chết vì trầm cảm, với một bà mẹ ngoan đạo dằn vặt cô vì mãi chưa chịu lấy chồng, cô không có cách nào tự phòng vệ. Cô không biết tâm sự cùng ai, mà cũng không biết làm cách nào đáp trả những hành vi quấy rối của gã giao sữa. Ấy vậy mà, cô bị chính người trong gia đình của mình quy kết là đang có quan hệ tình cảm với người giao sữa. Bị anh rể thêu dệt đời tư, bị hàng xóm đồn thổi, bị cả cộng đồng xa lánh, cô rơi vào một tin đồn hiểm ác mà không thể rửa sạch.
Bằng câu chuyện rõ ràng về tình trạng dễ tổn thương không nơi bấu víu của một cô gái say mê sách vở, Burns dần làm sáng tỏ tại sao cô gái 18 tuổi ấy lại lạc lối trong cái thời đại mình đang sống. Chính trị thấm đẫm trong mọi cuộc chuyện trò, mọi hành động, mọi suy nghĩ của các nhân vật trong cuốn sách. Lớn lên ở Belfast trong giai đoạn xung đột vũ trang ở Bắc Ireland giữa phe ly khai và phe chính phủ, Burns chứng kiến và không thôi bị ám ảnh bởi chính những bạo lực ấy.
Nhân vật “chị tư” của bà sống trong một cộng đồng phân rã và xung đột vì chính trị, nơi sự phe phái phân chia rạch ròi rõ nét giữa “ta và họ”, nơi mọi sự hớ hênh vi phạm phạm vi cũng có thể dẫn đến cái chết, nơi đánh bom và bắn súng diễn ra hằng ngày, nơi tang tóc diễn ra ở mọi nhà. Nhưng Burns chọn một lối đi riêng, như chính bà đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn: “Tiểu thuyết của tôi viết về cả một xã hội bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong một quãng thời gian dài dặc và tồn tại dưới sức ép căng thẳng. Nó viết về cách mà các xã hội cùng với cá nhân phản ứng và phân rã khi mỗi ngày đều phải sống trong sợ hãi xen lẫn hoang tưởng và về những con người phải khốn khổ vì những tổn thương ở cả ý thức lẫn tiềm thức lén lẩn vào từng sợi từng thớ trong bản thể của họ”.
Burns đã chọn một cách vô cùng độc đáo khi tạo ra các nhân vật của mình: tuyệt đối không đặt tên. Nhân vật chính được gọi là “chị tư”, cô gọi các chị của mình theo thứ tự “chị đầu, anh rể đầu, chị hai, anh rể hai”. Cô đặt biệt danh cho những người xung quanh: “bạn trai hờ”, “thằng bé hạt nhân,” “đứa con gái hạ độc”. Sự phiếm chỉ ấy được tác giả áp dụng cả cho thời gian câu chuyện này xảy ra, “giai đoạn nhiễu nhương” (mà chỉ một đôi lần nhân vật chính có nhắc đến thoáng qua là thập niên 70), cho cả vùng đất nơi Anh được gán cái tên “đất nước bên kia biển”, còn Ireland thì trở thành “bên kia ranh giới”.
Được viết bằng thứ ngôn ngữ hòa trộn giữa lời ăn tiếng nói hằng ngày với văn chương tinh hoa và những pha chơi chữ tài tình, dòng tự sự thì miên man những suy nghĩ, những câu chuyện bên lề, cuốn sách Người giao sữa được nhiều nhà phê bình so sánh với thứ văn chương dòng ý thức bất tận. Tù túng, bi kịch xen lẫn hài hước, đây là một tác phẩm độc đáo khai thác cách bạo lực bị bình thường hóa đã tác động lên cách sống của cá nhân và cả xã hội. Nó cũng là một tiếng chuông vang vọng về cảnh huống con người bị giám sát, bị đưa vào vòng vây của tin đồn trong một cộng đồng bị kìm nén ngộp thở mà không thể nào tự cất tiếng giải thích.
Nhóm thực hiện
Bài: Zét Nguyễn
***
Ngày Ai Đó McAi Đó kê súng vào ngực mà gọi tôi là đồ đĩ rồi dọa bắn cũng là ngày người giao sữa chết. Hắn bị một đội đặc nhiệm của nhà nước bắn nhưng tôi không để tâm đến chuyện người này bị bắn. Nhưng người khác lại để tâm, và những người này, như thành ngữ nói, “chỉ nhìn mặt tôi mà bắt hình dong” và tôi đang bị thiên hạ bàn tán vì có tin đồn do họ khơi mào, có lẽ đúng hơn là do người anh rể đầu khơi mào, rằng tôi đang có quan hệ tình cảm với người giao sữa này và tôi mới mười tám còn hắn bốn mươi mốt. Tôi biết tuổi hắn, chẳng phải vì hắn bị bắn rồi truyền thông đưa tin, mà bởi, nhiều tháng trước vụ ám sát, những đảng ngồi lê đôi mách đã bàn tán, rằng bốn mươi mốt với mười tám thì thật khó coi, rằng hai mươi ba tuổi chênh lệch thì thật khó coi, rằng hắn có vợ rồi và đâu thể để tôi lừa phỉnh, bởi lẽ có nhiều người trong bóng tối âm thầm theo dõi. Dường như vụ dan díu với người giao sữa này cũng là lỗi của tôi. Nhưng tôi đâu có dan díu với người giao sữa. Tôi không ưa người giao sữa và đã hoảng sợ và rối trí khi hắn đeo bám và thử gạ gẫm tôi. Tôi cũng không thích ông anh rể đầu. Gã thèm khát dựng chuyện về đời sống tình ái của mọi người. Về đời sống tình ái của tôi. Khi tôi còn nhỏ, khi tôi mười hai, gã xuất hiện đúng lúc chị cả tôi vực lại tinh thần sau khi bỏ bạn trai lâu năm vì không chung thủy với chị, người mới này làm chị có thai nên họ cưới nhau ngay tắp lự. Gã nói với tôi những câu dâm dật về tôi từ phút đầu gặp tôi — về cái hĩm của tôi, trôn tôi, bím tôi, nường tôi, húm tôi, lỗ tôi, lá đa tôi, thè le tôi — và gã dùng những từ, những từ gợi dục, mà tôi không hiểu. Gã biết tôi không hiểu nhưng cũng đủ sức đoán ra những chữ đó là tục tĩu. Cái đó khiến gã khoái trá. Gã ba mươi lăm tuổi. Mười hai với ba mươi lăm. Đó cũng là hai mươi ba tuổi chênh lệch.
Vậy là gã cứ nói những câu đó và thấy có quyền nói những câu đó còn tôi thì không nói gì vì tôi không biết phải phản ứng trước người này ra làm sao. Gã chưa từng nói câu nào như vậy khi có mặt chị tôi. Lần nào cũng vậy, cứ chị rời phòng là như có cái công tắc bật lên trong gã. Được cái tôi không phải sợ gã xâm hại thể xác. Thời ấy, nơi ấy, bạo lực là tiêu chí chính để đánh giá những người xung quanh và tôi thấy ngay rằng gã không thuộc loại đó, gã không có cái thái độ đó. Dẫu vậy đi nữa, bản chất săn mồi của gã lần nào cũng dồn tôi đến chỗ sợ chết trân. Gã là hạng rác rưởi còn chị hồi ấy thì khổ sở vì dính bầu, vì còn yêu người đã yêu bao năm và không chịu tin những gì anh ta làm với chị, không chịu tin anh ta giờ chẳng hề thương nhớ chị, vì quả anh ta không nhớ. Giờ anh ta tếch theo người khác rồi. Chị không thực sự hiểu người đàn ông này, cái gã lớn tuổi hơn mà chị đã cưới khi chị còn quá trẻ, quá buồn khổ, và quá lụy tình — chỉ là không phải lụy tình vì gã — nên mới dính vào gã. Dù chị buồn nhưng tôi không đến thăm nữa vì tôi không chịu nổi lời lẽ và bản mặt gã. Sáu năm sau, khi gã tìm cách mon men đến tôi và hai chị kia, và ba chị em tôi — trực tiếp, gián tiếp, lịch sự, huỵch toẹt — cự tuyệt gã, thì người giao sữa, cũng là kẻ không mời mà tới nhưng đáng sợ hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều, không biết từ đâu xuất hiện.
Tôi không biết hắn giao sữa cho nhà nào. Hắn không giao sữa cho nhà tôi. Tôi nghĩ hắn không giao sữa cho ai cả. Hắn không nhận đặt hàng sữa. Hắn chẳng liên quan gì đến sữa. Hắn chưa bao giờ đi giao sữa. Còn nữa, hắn không lái xe tải chở sữa. Thay vì vậy hắn lái xe hơi, các loại xe khác, thường là xe bóng lộn, dù hắn thì lại không bóng lộn. Ấy vậy mà tôi chỉ nhận thấy hắn và mấy xe hơi của hắn khi hắn bắt đầu chui vào mấy xe đó trước mặt tôi. Rồi còn chiếc xe van đó nữa — nhỏ, màu trắng, không có gì nổi bật, luôn thay hình đổi dạng. Thỉnh thoảng cũng thấy hắn lái chiếc xe van đó.
Một ngày nọ, khi tôi đang vừa đi vừa đọc Ivanhoe thì hắn xuất hiện, lái một trong số những cái xe của hắn chạy lại. Thường thì tôi vẫn vừa đi vừa đọc. Tôi thấy chuyện này chẳng có gì sai nhưng người ta cũng gộp nó vào những bằng chứng chống lại tôi. “Vừa đi vừa đọc” nhất định là nằm trong danh sách.
“Cô em là cô gái ấy ấy, phải không nào? Ông gì gì đấy là bố của cô em, đúng không? Mấy anh trai cô, cậu ấy, cậu kìa, cậu kia, cậu nọ, từng chơi trong đội hurley nhỉ? Lên đi. Tôi cho cô em đi nhờ.”
[] Một môn bóng chơi bằng gậy cong ở Ireland.
Câu này được nói rất thản nhiên, cửa bên phía khách đã mở rồi. Tôi đang đọc thì giật mình. Tôi không nghe thấy tiếng xe này chạy lại. Người đàn ông ở ghế lái, cũng chưa từng thấy bao giờ. Hắn nghiêng người qua, nhìn tôi, tươi cười thân thiện kiểu sốt sắng. Nhưng mà giờ, ở tuổi mười tám, “tươi cười, thân thiện, sốt sắng” luôn khiến tôi tức thì cảnh giác. Không phải chuyện cho đi nhờ xe. Ở đây người có xe thường dừng xe và ngỏ lời cho những người đang ra vào khu này đi nhờ. Ngày ấy xe hơi không nhiều, còn phương tiện vận tải công cộng, vì báo động có bom và trưng dụng xe, cứ ít lâu lại bị thu hồi. Rà xe kiếm gái, từ này có lẽ mọi người ở đây biết, nhưng xảy ra ngoài thực tế thì chưa thấy bao giờ. Tất nhiên tôi chưa từng gặp vụ đó. Dẫu sao tôi cũng không muốn đi nhờ xe. Đó là nói chung chung. Tôi thích đi bộ — vừa đi vừa đọc, vừa đi vừa nghĩ. Còn nói cụ thể, tôi không muốn ngồi chung xe với người đàn ông này. Thế nhưng tôi không biết phải nói thế nào, bởi hắn không thô lỗ mà hắn lại biết gia đình tôi vì hắn đã kể tên đàn ông trong gia đình tôi để làm chứng, nên tôi không thô lỗ được vì hắn không thô lỗ. Thế nên tôi ngập ngừng, hay đứng trơ trơ, làm thế thật bất lịch sự. “Tôi đang đi bộ,” tôi nói. “Tôi đang đọc,” rồi tôi giơ cuốn sách lên, cứ như Ivanhoe giải thích được chuyện đi bộ, tính thiết yếu của việc đi bộ. “Cô em ngồi trên xe đọc cũng được kia mà,” hắn nói, và tôi không nhớ mình đáp trả ra sao. Rốt cuộc hắn cười và nói, “Thôi khỏi. Cô em đừng lo. Cứ đọc đi,” rồi hắn đóng cửa xe và phóng đi.
Mời các bạn đón đọc Người Giao Sữa của tác giả Anna Burns & Thiên Nga (dịch).