(Tự bạch của nhân vật chính)
Tôi sinh ra vào thời kỳ đầu những năm 30 trong cuộc hỗn chiến quân phiệt. Vừa sinh ra cõi đời, tôi hoàn toàn không được lựa chọn, phải sống cảnh đói nghèo, khổ nạn và gian nguy.
Bảy tuổi mất mẹ, tôi thành cô nhi, chín tuổi bị bán vào công quán làm kẻ hầu hạ, mười tuổi lưu lạc làm ăn xin, mười một tuổi vào đại vũ đoàn Hóa Nghinh tập võ học kịch, mười hai tuổi làm con dâu, mười bốn tuổi bị người ta gạt bán vào kỹ viện làm kỹ nữ.
Tuy thân mang tuyệt kỹ, cũng từng thi triển võ công để phản kháng, nhưng tôi không thể thoát khỏi hắc động của xã hội ghê gớm đó.
Trong cuộc sống bán thân bán nụ cười, tôi bị người ta bán như bán súc vật, từ Thành Đô đến Bảo Kê, đến Lan Châu, chuyển bán qua ba thành phố lớn, bốn kỹ viện. Tôi, thân nô lệ phải theo họ của chủ nhân, từng có sáu cái tên: Lưu Hồng Chi, Khang Tiểu Muội, Tô Thu Chi, Điền Thanh Đệ, Mã Hương Ngọc, Thù Hương Ngọc. Trong sáu tên này, thời gian gọi tên Khang Tiểu Muội là dài nhất, vì lúc này tôi mười một tuổi tập võ học kịch, trưởng đoàn ban ân, cho tôi giả làm cháu của Khang Tử Lâm thuộc hàng thái sơn bắc đẩu của võ học Tứ Xuyên. Tôi từng tiếp khách là sĩ quan Mỹ, cũng từng tiếp qua nhân vật trọng yếu của Quốc Dân Đảng là Hồ Tông Nam, Mã Bộ Phương. Cuối cùng tôi theo Ngụy Sấu Bằng lớn hơn tôi ba mươi tám tuổi, là thư ký của tướng quân Phùng Ngọc Tường. Từ đó tôi thoát khỏi hầm chông sống đời hoàn lương.
Tháng 8 năm 1949, Lan Châu giải phóng, tôi bước lên bến bờ mới, làm lại con người mới, cũng từ đây tôi chính thức có một cái tên công dân thuộc về mình, trong nước Trung Quốc mới – Khang Tố Trân.
Nhớ lại chuyện cũ, những chị em trong thanh lâu đã tử nạn luôn sống trong lòng tôi. Tôi vừa học văn hóa, vừa tập luyện võ công, tôi muốn tra tìm hung phạm để báo thù cho chị em tử nạn, nhưng tâm nguyện lớn nhất của tôi chính là viết một quyển sách, đem những chuyện bi thảm của chị em chúng tôi viết ra, truyền lại đời sau.
Mùa xuân năm 1951, Sấu Bằng đi Tây An công tác, ông đưa tôi đến những nơi tôi từng chịu khổ: Bảo Kê, Thành Đô để khảo sát thực địa. Ở Tây An, tôi làm quen Điền Cửu Hồng là danh kỹ Tây An mà tôi gọi là cô cô. Cô cô giúp tôi tích lũy tài liệu phong phú hơn cho việc viết sách sau này.
Năm 1957, tôi từ biệt Tây Bắc, theo người chồng đã về hưu trở lại quê hương làng Mộc Điếm, huyện Thúc Lộc (nay là thành phố Tân Tập) tỉnh Hà Bắc.
Thoái ẩn điền viên, vốn muốn luyện võ viết sách, thay đổi nhanh chóng cuộc đời, tôi đến vùng đất công nghiệp Hải Hà, rèn luyện trong lao động gian khổ. Tôi dần mất đi hương thơm và dịu dàng của nữ tính, tay chân tôi trở nên thô kệch. Hàng ngày tôi cùng các dân công vật lộn trong con kênh mới đào, tôi có thể vật ngã hàng mấy thanh niên hai mươi mấy tuổi khỏe mạnh.
Ngày tháng sau này là thời kỳ khốn khó: lũ lụt dìm huyện Thúc Lộc, thiên tai vừa qua, lại gặp phải cách mạng văn hóa.
Tôi và Sấu Bằng cùng chịu đả kích trở thành phản cách mạng, bị nhốt vào chuồng bò. Hơn một trăm ảnh của chị em mà tôi trân quí cất giấu gần như toàn bộ bị Hồng Vệ binh lục xét tịch thu, coi là văn hóa phẩm độc hại, thảy vào lửa đốt. Sấu Bằng bị đàn áp đến nhảy giếng tự tử. Tôi cũng ba lần cải giá, từ Mộc Điếm đến Hình Gia Trang đến Quách Tây. Tôi chịu khổ tận cùng bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Sau đó, tôi kiên quyết ly hôn, may là cán bộ của Quách Tây cho tôi con đường sống, cho tôi làm cấp dưỡng của đội sản xuất, chuồng bò trở thành nhà chính thức của tôi… Mãi đến sau đại hội toàn Tam Trung, tôi mới được giải phóng lần thứ hai. Ngày giờ vừa thong thả, giấc mộng cao xa mà tôi chôn vùi bao năm nay dần dà sống lại trong lòng tôi. Đúng lúc này, tôi nghe người ta đồn rạp phim Tân Tập đang chiếu bộ phim “Vọng hương”, tả lại cuộc sống của kỹ nữ, thế là tôi xin nghỉ phép một ngày vào thành phố xem phim. Quyết tâm viết sách lại sôi sục như núi lửa phun trào, tôi nghĩ rằng chuyện của tôi và các chị em so với “Vọng hương” của Nhật Bản phong phú hơn nhiều lắm, màu sắc hơn nhiều lắm. Người ta có thể quay thành phim, tôi không thể viết một quyển sách sao?
Sau khi về làng, tôi lập tức đến quầy hàng mua giấy bút. Nửa đêm ở trong chuồng bò, bên cạnh ánh đèn dầu leo lét và đám bò ngựa hiền hòa, tôi âm thầm viết lại cuộc đời mình: Tôi không biết viết tiểu thuyết, chuyện xưa theo máu và nước mắt của tôi và các chị em mà chảy ra, khóc khóc viết viết, viết viết khóc khóc. Mặc dù viết đầy chữ sai tôi cũng viết xong mấy quyển lớn. Tôi nhảy lên xe đạp, đạp cả hai mươi lăm cây số, giao bản thảo cho Phòng Văn hóa huyện. Sau đó tôi biết bản thảo ấy như muối liệng vào biển. Tôi lại lần nữa chết cả lòng…
Tháng 5 năm 1985, Liên hiệp Văn hóa thành phố được thành lập (năm 1986 Tân Tập được nâng thành thành phố cấp huyện). Đảng và Chính phủ giúp tôi cầm lại bút. Cấp trên cử người giúp tôi chỉnh bản thảo thành tiểu thuyết. Sự tích tôi “viết sách” từng vang dội một thời và việc người khác chỉnh lý bản thảo giúp tôi biên tập thành tiểu thuyết cũng gây xôn xao mấy năm. Nhưng khi đó tôi không xác định được rốt cuộc ai có thể đem cuộc đời truyền kỳ của tôi viết thành một bộ toàn tập có phong cách thống nhất, chân thực, cảm động lòng người. Mãi đến năm 1995, tôi mới biết hai bộ “Thanh lâu hận” và “Thanh lâu hận tục tập” có ảnh hưởng tương đối lớn. Vương Diên Niên là tác giả chấp bút cho tôi hoàn thành bộ tiểu thuyết này. Tuy ông đã chuyển sang viết trường thiên tiểu thuyết khác nhưng tôi nghĩ mình không thể mất đi người này. Tôi kiên trì trong một tháng viết cho ông ba bức thư. Tôi muốn ông tiếp tục viết toàn tập cho tôi. Đáng tiếc, tôi khổ nhọc viết mười năm, gần hai trăm quyển viết tay của tôi thất lạc trong dân gian tìm lại không được.
Mùa đông năm 1996, tôi u uất thành bệnh. Tôi dự cảm mình sắp làm “láng giềng” của Diêm vương rồi. Tối rất sợ một khi tôi xuôi tay nhắm mắt thì chuyện kể đầy lòng của tôi sẽ chui vào quan tài. Thời gian không cho phép chậm trễ, tôi lập tức nhờ chồng sau của tôi là Dã Hoài Khởi gửi thư cho Vương Diên Niên mời ông đến giường bệnh của tôi. Tôi đem một phần hình ảnh tư liệu quý giá cất giấu bấy lâu giao hết cho ông, ủy thác ông viết toàn tập cho tôi, tuy bản thảo viết tay thất lạc khó tìm lại được nhưng chuyện kể chân thật nhất nằm trong tim tôi. Đối diện với Vương Diên Niên cũng bằng như đối mặt với hàng ngàn hàng vạn độc giả trên xã hội, tôi muốn tố cáo với mọi người, muốn đem cả cuộc đời mình dùng chân tình, dùng nước mắt kể ra, khóc ra, ngâm ra, hát ra…
Mở đầu của câu chuyện chính là năm đại tai nạn mà tôi ra đời.
***
Năm 1931, huyện An Nhạc, tỉnh Tứ Xuyên lại hạn hán mất mùa. Đời sống của nông dân quá khó khăn, cha mẹ tôi phải rời quê nhà ở làng Hoàng Giác đi bộ đến Thành Đô, sống nhờ vào ông nội và bác tôi. Khi đó tôi còn nằm trong bụng mẹ.
Ông nội và bác tôi bán đậu hủ ở Hậu Tể Môn, mua gánh bán bưng nên nuôi không nổi một nhà ba miệng ăn chúng tôi (sắp thành bốn miệng). Cha mẹ tôi lưu lạc đến kênh Đại Dương. Kênh Đại Dương là khu dân nghèo nổi tiếng ở Thành Đô, một con kênh nước đen hôi thối dài 1,5 cây số. Trên mặt nước đen lềnh bềnh rêu xanh. Suốt ba mùa xuân, hạ, thu ruồi muỗi ken dày. Có ba cây cầu ván bắc qua kênh. Hai bên bờ là những dãy nhà được dựng lên bằng cỏ sơ sài. Bảo trưởng Phan Điền Hải chuyên cho người nghèo chạy nạn thuê phòng, cũng chính mùa đông năm này mẹ sinh ra tôi trong một gian nhà cỏ. Vừa đến thế giới hắc ám, ác ôn, hôi thối này tôi liền nếm đủ mùi bần cùng đói rét khủng khiếp. Tôi chưa từng biết đường có vị ngọt, thịt là thơm. Mẹ tôi giặt quần áo cho Phan bảo trưởng, cha tôi thì kéo xe cho nhà Trần dinh trưởng. Cha mẹ làm việc quần quật nhưng chúng tôi vẫn thường chịu đói rách. Tôi nhớ lại, hưởng thụ lớn nhất là tết mỗi năm mẹ tôi bẻ mấy cây mía lau từ vùng ven về cho chúng tôi nhai nhóp nhép. Những ngày đông giá là những ngày tháng hành hạ chúng tôi khổ sở nhất, gió bấc lùa qua khe ùa vào nhà tranh, cả nhà bốn người đắp chung chiếc mền bông rách vá chằng vá đụp. Tôi lớn được năm sáu tuổi vẫn phải ở trần không có áo mặc. Ban ngày để lưng trần đen thui, cầm cái kẹp sắt nhỏ đi theo anh lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm để bới rác, lượm thức ăn giống như hai con chó hoang nhỏ.
Cuộc sống khốn khổ đã thế mà cha tôi lại lao vào hút thuốc phiện, tiền kéo xe kiếm được càng lúc càng ít đem về nhà. Về sau hiếm hoi ông mới về nhà, nếu có về thì cũng say bét nhè, vừa đặt chân vào cửa đã nổi cơn ghiền, bắt buộc mẹ đưa tiền. Mẹ khóc lóc chống đối thì bị cha đánh đập, cuối cùng ông cũng giật nốt chút xíu tiền trong nhà rồi bỏ đi. Trước nay tôi không nhớ cha quan tâm tôi như thế nào.
Những năm tháng đó, chết chóc là chuyện bình thường, cái chết như hình bóng bám sát con người, đặc biệt là người nghèo. Lũ quỷ Nhật xâm chiếm hơn phân nửa Trung Quốc, móng vuốt ma quỷ của chúng tuy chưa thò đến Thành Đô nhưng máy bay của giặc Nhật thường quần đảo trên không, ném bom xuống Thành Đô. Tôi nhớ có một chiều thu, tôi theo anh đi đường Nam Phủ lượm rau vụn. Cảnh báo vang lên, đông đảo người đi đường nhốn nháo cuống cuồng như chim sợ ná. Chớp mắt, máy bay địch quần đảo giống như bầy diều hâu hung hăng thả bom xuống liên hồi. Tiếng nổ ầm đùng vang không ngớt, khói bụi mịt mù, đất đai rung chuyển, tường ngã nhà sập. Tôi và anh kinh sợ chui vào trong một cái hầm chờ chết, cảm thấy lục phủ ngũ tạng sắp bị xé toang ra. Sau oanh tạc, không gian yên tĩnh khoảnh khắc rồi khắp đường phố vang rân tiếng khóc la. Tôi và anh từ trong hầm bò lên, đường Nam Phủ đã hoàn toàn biến dạng. Trong hố bom chằng chịt là ngổn ngang thi thể không toàn vẹn, đầy máu, trên cây cháy nám treo lòng thòng ruột người, trên tường đổ nát dính máu thịt óc của người, thật thê thảm! Không lâu, chính phủ Quốc Dân phái người tới, hai chiếc xe hơi xuyên qua đám cảnh sát da vàng chạy đến hiện trường. Họ đào từ một hầm phòng không đã bị sập bịt kín, lôi ra từng xác chết ngộp, lột tiền bạc, đồng hồ, dây chuyền… những vật đáng tiền trên thi thể cho vào một bao tải ném lên xe rồi chạy mất.
Giữa ranh giới của sự sống và cái chết đó, tôi lây lất đến bảy tuổi. Con gái phải có áo che chỗ xấu hổ. Một tối, mẹ tôi gương mặt tiều tụy ôm tôi vào lòng, vuốt lưng trần của tôi, nói:
— Tiểu Muội, con ráng lượm ve chai nhiều nghe, bán có tiền mẹ mua cho con một cái áo đầm bông.
Tôi mừng nhảy tưng tưng như gặp chuyện vui nhất trong đời. Tôi muốn có áo đầm bông mới để mặc, thế là tôi cố sức lượm ve chai, tôi thức dậy sớm hơn cả anh mình.
Chạng vạng hôm đó tôi vác một bao tải hí hửng đi về nhà. Đến kênh nước thối, xa xa nhìn thấy cửa nhà đông người chen chúc, tôi đoán trong nhà đã xảy ra chuyện lớn vội xoải bàn chân đen thui loạng choạng chạy vào nhà cỏ. Mẹ nằm trên giường, gương mặt trắng nhợt, mắt nhắm nghiền, miệng rên nho nhỏ, thân dưới của bà máu tuôn dầm dề. Anh đang ở bên cạnh mẹ khóc nức nở. Hàng xóm tốt bụng đứng chung quanh chắt lưỡi hít hà. Tôi ngơ ngác không biết đã xảy ra chuyện gì.
Thì ra cha tôi lại về nhà, cha và mẹ gây một trận um sùm rồi cha gom đi hết hai đồng cuối cùng của mẹ. Mẹ không trả được tiền nhà tháng này cho Phan bảo trưởng. Phan bảo trưởng mang đôi giầy bốt màu đen, đội nón sa đen, giắt bên mình cây côn màu đen, đến nhà đòi nợ. Mẹ tôi nhỏ nhẹ xin khất. Phan bảo trưởng nổi lòng tà dâm, thô bỉ trêu chọc, mó máy tay chân nhưng mẹ tôi hết sức phản kháng. Phan bảo trưởng thẹn quá hóa giận giơ chân mang đôi giầy bốt đá vào bụng hơi nhô lên của mẹ khiến mẹ ngất xỉu tại chỗ, hạ bộ chảy đầy máu.
Nhìn thấy mẹ gặp thảm cảnh như vậy nhưng tôi không khóc cũng không bi thương vì tôi cho rằng mẹ sẽ mau chóng mở mắt ra gọi tên tôi, mẹ đã hứa mua áo đầm mới cho tôi mà! Lúc này người tôi hận nhất chính là cha, chính cha đã gây nên đại nạn như vậy cho cả nhà, không biết cha lại chui vào tiệm hút nào nữa rồi?
Mẹ rên rỉ hấp hối đến nửa đêm thì chết thật! Trong chiếc quần tuôn đầy máu, còn đẻ non một bé gái mới thành hình, nó là em gái của tôi. Khi tôi biết mẹ thật sự bỏ chúng tôi đi rồi, tôi mới bật gào khóc, thạm chí phát điên!
Hôm sau, ông nội, bác trai, bác gái tôi đều đến. Ông nội và bác muốn tìm Phan bảo trưởng nói lý lẽ, muốn thưa kiện tên ác ôn này. Hàng xóm vừa nghe có thưa kiện ai nấy len lén tản đi, ngay cả thím Lưu nhân chứng cũng không thấy bóng dáng. Bác gái khẽ giật chéo áo bác trai ngăn cản:
— Ôi, có bầu trời không có mặt trời, cáo trạng, nha môn chỉ mở ra cho kẻ có tiền! Chỉ nội hai con chó lông vàng to như trâu của nhà họ Phan thôi, anh cũng đừng mơ bước được vào cửa, trước mắt lo chuyện chôn người kìa!
Bác trai thở dài ai oán, ông nội trợn mắt nhìn trời, miệng run run phún máu tươi. Ông nội kéo tôi và anh dập đầu với những chòm xóm nghèo xin giúp đỡ. Làng xóm giúp chúng tôi chôn mẹ trên một bãi tha ma phía tây bắc kênh nước thối. Gió thu hiu hắt thổi mấy tờ giấy tiền bị đốt bay lên trời. Tôi mơ hồ nhớ năm đó mẹ khoảng hai mươi tám tuổi, đôi má đầy đặn đôi mắt to vô cùng xinh đẹp.
Tôi và anh từ đó thành cô nhi. Cùng lúc này chú họ từ quê hương chạy nạn cũng đến Thành Đô, vừa thấy tình cảnh trước mắt chú họ quyết định đến Trùng Khánh, đồng ý mang anh theo. Tôi bảy tuổi chỉ còn nước theo nội và bác. Bác gái mặt không vui, giật mạnh vạt áo bác trai một cái đề nghị cho tôi cùng đi Trùng Khánh, nhưng ông nội giữ tôi lại, ông đưa bàn tay thô ráp như cây táo già ôm tấm lưng trần của tôi, hai mắt đầy nước mắt, kiên quyết nói:
— Cháu ngoan, cháu sẽ chẳng đi đâu, có gì ăn ông cháu ta cùng ăn.
Anh ôm tôi khóc lóc đau khổ một hồi rồi thiểu não đi Trùng Khánh.
Tôi theo ông nội, lần đầu giống một con người, mặc được bộ đồ vải thô mà ông mua cho tôi trong tiệm cầm đồ, chân cũng được mang đôi giày cỏ.
Nhà ông nội lại thêm một miệng ăn, chân mày bác gái rõ ràng càng nhíu chặt. Bác gái là một phụ nữ thấp bé, chân nhỏ nhanh nhẹn, trên gương mặt nhỏ trắng trẻo suốt ngày giống như phủ lớp băng, trong đôi mắt to khá đẹp giống như có băng tuyết lấp lánh. Cứ nhìn sắc mặt và ánh mắt của bác gái là tôi liền luống cuống.
Từ khi có tôi, ngày ngày cứ nửa đêm là đã nghe giọng nói lanh lảnh của bác gái dội vào cái ổ nhỏ của tôi:
— Thức dậy! Thức dậy làm đậu hủ! Đông người ăn cơm như vậy ông trời không có rớt bánh, xuống đâu.
Tôi đang mơ mơ màng màng vội dụi hai mắt, mặc đồ vào đi giúp ông nội, bác trai nấu đậu hủ. Bận rộn cho đến khi nấu đậu hủ thành hai sọt lớn, thừa lúc còn nóng ông nội và bác trai mỗi người gánh một gánh, trời còn tờ mờ phải đến được đại lộ Hậu Tể Môn, gõ thanh tre rao bán. Còn tôi ư, cũng bắt đầu đi lượm rau cải vụn, lượm ve chai.
Con không mẹ muốn đáng thương cỡ nào thì có đáng thương cỡ đó, bác gái keo kiệt rất ghét tôi. Bà thường giấu đồ ăn chỉ cho tôi một ít nước rau, lại hay dùng ánh mắt sắc lạnh lườm nguýt tôi, riết róng:
— Trong bụng mầy bộ có máy xay hả? Nhỏ mà không làm chỉ có nước ăn xin!
Bác trai tốt bụng nhưng không dám hó hé với bác gái, có thể thương yêu tôi chỉ có ông nội. Tôi thường thấy đói, ông nội mò trong ngực áo lấy ra khi củ khoai lang, khi cái bánh nướng nóng mua trên chợ mang về lén lút giấm giúi vào tay tôi. Chưa bao lâu, một tai nạn lại rơi vào gia đình này cướp đi người thân duy nhất của tôi. Ông nội bị người ta đánh! Hai cảnh sát của Hậu Tể Môn lấy mấy miếng đậu hủ của ông nội mà không trả tiền. Chúng dùng báng súng đập ông một trận tàn nhẫn. Ông nội hơn bảy mươi tuổi được người ta cõng về nhà, nằm sóng soài trên giường. Ông vừa tức vừa giận thổ ra máu tươi, không mấy chốc ông nhắm mắt từ bỏ thế giới bất công này.
Không có ông nội việc mua bán đậu hủ càng sa sút, bệ rạc. Bác gái đối với tôi càng thêm vô tình. Chúng tôi chịu đựng qua mùa đông khắc nghiệt. Đến năm sau, mùa xuân ấm áp hoa nở có người tìm được công việc lao công trong phi trường cho bác trai, bác gái, thế là tôi đi theo bác trai, bác gái dời đến một nơi gọi là Sa Hà Phố. Nơi đó có một khoảng rừng trúc nhỏ, trong rừng trúc có mấy căn nhà tranh. Đến hoàn cảnh mới, bác gái giỏi tính toán tuyệt đối không nuôi tôi ăn cơm suông, bảo bác trai làm một cái chuồng thỏ đặt chỗ râm mát trong vườn, mang về hai mươi thỏ con, tiếp theo ném cho tôi một cái liềm nhỏ, sầm mặt ra lệnh:
— Cắt cỏ đi, hai mươi con thỏ này giao mầy nuôi. Thỏ no thì mầy no, đừng có làm biếng!
Thân thể gầy gò của tôi vác cái sọt tre to đùng đi ra vùng ven trong ngày xuân. Trước kia, cắt rau dại chỉ cần dùng cái dao nhỏ, cắt cỏ phải dùng liềm. Đây là lần đầu tôi sử dụng liềm. Tôi cắt xuống dưới, cái liềm cắm vào trong đất giật lên trên, lưỡi liềm lướt trên rễ ngọn cỏ mà không cắm xuống dưới nên cứa vào ngón tay tôi, máu tươi chảy tuôn ra. Tôi đau quá gọi:
— Mẹ ơi!
Tôi xé một miếng vạt áo quấn ngón tay. Ngón tay bị thương làm việc không tiện, đến trưa về nhà chỉ cắt được một lớp cỏ. Bác gái thấy thế, miệng ngoác ra cười mỉa mai, oang oang nói:
— Ồ, giỏi quá nhỉ! cắt thật không ít, đủ nuôi cào cào rồi. Ra công không chịu ra sức, mầy nói bữa cơm này mầy ăn thế nào đây?
Tôi nín thinh gục đầu ôm ngón tay bị đứt, nước mắt rơi lộp độp. Bác trai ra mặt giải vây cho tôi:
— Được rồi, được rồi, nó mới tám tuổi, lại chưa làm qua chuyện này, vào nhà ăn cơm, chiều cắt thêm.
Vì để không bị mắng, vì để được ăn cơm no, tôi gắng sức tìm kiếm khắp nơi để cắt cỏ, cỏ cắt càng lúc càng nhiều nhưng tôi vẫn thường bị đói. Bác gái bủn xỉn luôn luôn tiếc không cho nhiều cơm. Tôi ăn cơm bằng một chén gỗ nhỏ, không chờ tôi ăn xong một chén bác gái đã giật lấy bới thêm cơm, cơm còn lại trong nồi thì vét hết cho bác trai, khi tôi muốn ăn thêm trong nồi chỉ còn một lớp nước cơm. Từ từ tôi tìm được một cách, lần đầu tôi chỉ bới nửa chén, ăn nhanh cho xong rồi mới bới đầy chén, chỉ có ăn cơm no mới có đủ sức cắt cỏ nhiều.
Sáng hôm nay, tôi cắt được đầy một sọt cỏ non xanh mướt, lưng đẫm mồ hôi vác nó về nhà. Nhưng chờ đón tôi là hai cánh cửa tre đan mắt cáo đã đóng chặt, được khóa bằng ống khóa lớn. Lúc này tôi mới hay trời đã quá trưa, bác gái chắc đi đưa quần áo cho phi trường rồi. Không có chìa khóa tôi không vào nhà được, bụng đói cồn cào, thế là tôi quyết định nhấc cánh cửa lên. Tôi đặt sọt xuống, nhấc trục cánh cửa lên, quả nhiên mở được một cánh. Tôi vào nhà, trước tiên chạy đến chuồng thỏ, hai mươi con thỏ như nước lũ tràn ra giành ăn cỏ xanh tôi đổ xuống. Tôi không màng rửa tay chạy ngay vào nhà bếp giở nắp nồi lên. Tôi chưng hửng, trong nồi trông trơn không còn một hột cơm. Tôi bất giác tức uất đến ngực đập thình thịch, bác gái nhẫn tâm không chừa cho tôi một chút cơm. Sục sạo khắp nơi cũng không tìm được chút thức ăn, cuối cùng tôi lôi ra được một cái khạp nhỏ cạnh bàn, bên trong còn phân nửa gạo trắng. Người đói khát cái gì cũng ăn được, tôi bốc gạo sống trong khạp nhét vào miệng giống như súc vật nhai nhóp nhép. Chạng vạng bác gái phát hiện trong khạp mất gạo, bà dằn mạnh nắp khạp, rít giọng:
— Ồ… hay quá nhỉ… Gạo trong khạp đãi chuột rồi, một con chuột to!
Bác trai nghe vậy hỏi thẳng tôi:
— Cháu à, là cháu làm à?
Tôi cũng tình thực kể buổi trưa tôi không có cơm ăn. Lần này chọc giận bác gái, đôi chân nhỏ của bác từ trong ngạch cửa nhảy phóc một cái xông tới mặt tôi xỉa xói:
— Mầy là đứa mất dạy chết mẹ. Mầy dám nói dóc nói láo, nói tao không cho mầy ăn cơm, mầy ói đồ ăn ra đây xem, mầy ói ra đây cho mau!
Bác gái gầm lên, ánh mắt lạnh băng, thuận tay chụp cây sào bên cửa đuổi đánh tôi, vừa đánh vừa rít:
— Mầy ăn không ăn ói ra cho tao coi…
Bác trai chạy qua giật lấy “hung khí” của bác gái, hét vào bộ mặt giận dữ của bác gái:
— Bà không được đánh nó. Nó là đứa con mất mẹ.
Bác gái lại nghiến răng ken két nói:
— Không mẹ nhưng nó có cha, bảo nó đi tìm cha nó đi!
Bác trai xuống giọng:
— Thôi dừng gây nữa, không sợ người ngoài cười sao?
Bác gái càng rống lên tru tréo:
— Cười hả? Đứa nào cười đứa đó là con hà mã. Hỏi trời này, hỏi đất này, hỏi lương tâm của nó, hồi mẹ nó còn nó có được mặc áo không? Nó có được một ngày ăn ba bữa cơm không? ông thử thịt trên người nó là mập hay ốm? Được, tôi không thèm quản nữa, máu thịt họ Khang ông thì ông thương đi tôi không quản nữa.
Bác gái quay ngoắt người phe phẩy đi ra trước cửa nhà ngồi phịch trên ngạch cửa, bù lu bù loa kể lể. Bảc trai vừa gấp vừa giận vừa bó tay đi loanh quanh hai vòng, cố gắng dằn cơn giận, lựa lời khuyên giải bác gái.
Tôi âm thầm chảy nước mắt, căm hận người cha hút thuốc phiện của tôi. Vì để nuôi được bản thân, tôi chỉ đành nhẫn nhịn đi cắt cỏ nuôi thỏ.
Có một ngày vì đói quá tôi cắt cỏ không nhiều về đến nhà ánh mắt lạnh băng của bác gái chiếu vào sọt tre của tôi mấy lượt, hừ một tiếng, cố ý không nói, liếc bác trai ra dấu xử lý tôi. Bác trai đang ngồi hút thuốc trước cửa sổ quả nhiên lên tiếng:
— Cháu à, sao cắt ít cỏ vậy, ham chơi phải không?
Tôi không dám nói đói, mím miệng cúi gục đầu. Bác gái trái lại giả làm người tốt:
— Bỏ đi, ngày mai cắt nhiều một chút, chắc đã đói rồi mau ăn cơm thôi. Cháu nè, bưng cơm trên lò ra bàn đi.
Tôi vừa nghe bác gái nói, nhất thời có vẻ được thương yêu mà hết hồn vội chạy thẳng vào lò mà bưng cơm. Cơm trong nồi đất chỉ là cơm cháy mà bác gái đem từ nhà ăn phi trường về, thêm nước nấu thành một nồi lớn. Tôi dùng sức bưng mép nồi đi ra ngoài bàn, chợt phát giác nồi cháo quá nóng giống như bưng phải sắt nung đỏ, tôi mau chân bước, cháo trong nồi sóng sánh trào ra hai lưng bàn tay đau như bị đốt, tôi giật mình “Cảng” nồi cháo rớt xuống đất bể tan tành thành đông vụn. Lần này bác gái nhảy nhổm lên:
— Coi kìa, coi kìa, mầy làm chút việc cũng hư hỏng! Tụi tao hôm nay ngán đến tận cổ rồi.
Bác trai lần đầu nổi giận, mặt hầm hầm xông vào tôi quát:
— Làm gì vậy hả? Mầy thật không nên thân!
Bác gái ở bên cạnh “đổ thêm dầu vào lửa” nói:
— Hôm nay rớt nồi, ngày mai đập nồi. Tao có được cơm này dễ lắm hả? Tao phải dày mặt gọi người ta bằng ông bằng bà mới xin về đó…
Mời các bạn đón đọc Thanh Lâu - Tập 1 của tác giả Vương Diên Niên.