Lời Bộc Bạch Của Một Thị Dân, cũng như cuốn hồi ký nổi tiếng Thế giới những ngày qua của Stefan Zweig, mang đến bầu khí quyển của không gian văn hóa Áo-Hung vô cùng đặc thù vào thời điểm bước ngoặt đầu thế kỷ 20. Và nếu Zweig tự nhìn nhận như một “người châu Âu” thì Márai Sándor khẳng định mình là một đại diện cho tầng lớp thị dân đang hình thành; ông đã đi vào ngóc ngách đời sống tinh thần của một giai tầng, ca ngợi những phẩm chất nhưng không quên chế giễu những điều nực cười của môi trường sống xung quanh. Stefan Zweig cũng xuất hiện thoáng qua trong cuốn hồi ký sâu sắc và đặc biệt của Márai Sándor.
Không chỉ có thành phố nhỏ Kassa quê hương và thủ đô Budapest, Márai Sándor còn dẫn dắt chúng ta đi qua những đất nước ông từng có thời gian gắn bó: Đức, Pháp, Ý và Anh, với những nhận xét đằm thắm, sâu sắc nhưng cũng có lúc tinh quái đến gây sửng sốt. Chặng đời của ông cũng gắn liền với con đường trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Hungary. Đọc cuốn hồi ký này, ta càng hiểu rõ con đường ấy nhiều chông gai đến mức nào.
Lời Bộc Bạch Của Một Thị Dân đặc biệt hơn cả chính ở sự phô bày đầy chân thực và can đảm một tâm hồn phức tạp, không một chút toan tính giấu giếm hay “tô hồng” nào. Tính trung thực này khiến cuốn sách trở thành một hậu duệ xứng đáng của một dòng “bộc bạch” hay “tự thú” lừng danh trong lịch sử văn chương phương Tây, từ Thánh Augustin cho tới Jean-Jacques Rousseau, rồi Lev Tolstoy.
Về Tác Giả:
Márai Sándor họ Grosschmid, sinh ngày 11.4.1900, tại Kassa, Hungary, nay là Kocise thuộc nước Cộng hòa Slovakia. Năm 1923, Márai sang Paris, lưu lại năm năm. Năm 1926 ông bắt đầu hành trình dài ngày tìm hiểu vùng Cận Đông và viết cuốn Theo dấu chân các bậc thánh (Istenek nyomában), xuất bản năm 1927. Thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Márai là khoảng từ năm 1928 đến năm 1948, khi ông trở về sinh sống tại Hungary cùng vợ. Ông làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch thuật, viết kịch bản và để lại gần một trăm đầu sách, trong đó có những tiểu thuyết nổi tiếng như Casanova ở Bolzano, Di sản của Eszte, Những ngọn nến cháy tàn, Nhật ký, Lời bộc bạch của một công dân… Márai cũng là bậc thầy của thể đoản văn, những suy niệm của ông bao giờ cũng mang âm hưởng triết lý, cô đọng. Márai được bầu là Viện sĩ Thông tấn năm 1942 và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary năm 1945. Từ 1948, ông sống lưu vong tại Ý và Mỹ. Tác phẩm của Márai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và ông được xếp trong số những nhà văn lớn nhất của châu Âu thế kỷ XX.
“Và đến giây phút cuối cùng, cho tới khi còn được cầm bút viết nên con chữ, tôi muốn làm chứng rằng: đã có một thời và vài thế hệ mà ở đó trí tuệ đã ca khúc khải hoàn trước bản năng, và tin vào khả năng phản kháng của tinh thần… tôi đã thấy và đã nghe châu Âu, đã nghiệm sinh một nền văn hóa… liệu tôi có thể nhận được gì hơn từ cuộc đời?” - Márai Sándor
Lời khen tặng dành cho tác phẩm:
“Đây là cuốn tiểu thuyết về thế giới thị dân, nhưng cũng là tiểu thuyết gia đình. Nó là khúc tưởng niệm về một gia đình, gia đình nhà văn, và cũng là về giai tầng xã hội của gia đình ông. Nhưng đồng thời nó là tấm gương của sự trăn trở sâu sắc ở nhà văn […] để biến cải quá khứ và truyền thống gia đình theo “hình ảnh” của riêng mình. Vì thế nó cũng là một tiểu thuyết tâm lý, vì nó cho cảm nhận một cách trung thực quá trình đau đớn vật vã để đi tìm bản ngã, những cột mốc của sự khổ ải tâm hồn có vẻ như không thể giải thích nổi liên quan tới quá trình này. Nó cũng là sự thay đổi nội tâm liên quan tới sự tách rời khỏi gia đình, tới sự nổi loạn, sự phát triển cá tính…” - Dober Valéria
“Cuốn tiểu thuyết của Márai Sándor đơn giả là hoàn hảo. Nó đưa ra những lý thuyết, những quan điểm để có thể mô hình hóa đúng thế giới, hơn nữa chúng có thể hiểu được, chấp nhận được đối với những người bình thường, cả đến hôm nay, tám mươi năm sau khi nó ra đời.” - Oláh Tibor
***
Tiếp nối dòng “bộc bạch” hay “tự thú” lừng danh trong lịch sử văn chương phương Tây, cuốn tiểu thuyết “Lời bộc bạch của một thị dân” là một trong những tác phẩm được đánh giá là quan trọng nhất của nhà văn Hungary vĩ đại thế kỷ XX - Márai Sándor. Cuốn tiểu thuyết khắc họa thế giới thị dân giai đoạn mới hình thành với những chệch choạc ban đầu cùng không ít điều nực cười.
“Lời bộc bạch của một thị dân “vừa là tiểu thuyết vừa có thể coi là một cuốn hồi ký của Márai Sándor. Ông viết về cuộc sống ở thành phố nhỏ Kassa của Hungary vào giai đoạn giai cấp tư sản thị dân bắt đầu hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ, với cả những chệch choạc của những bước tiến ban đầu và không ít điều lố lăng, nực cười. Nói như nhà phê bình văn học Hungary Oláh Tibor thì tác phẩm đã “đưa ra những lý thuyết, những quan điểm để có thể mô hình hóa đúng thế giới”.
Cuốn sách dành một dung lượng lớn cho thời thơ ấu của nhân vật “tôi”, với những miêu tả cặn kẽ, sát thực; ẩn trong đó còn là cả những câu chuyện về các trạng thái tâm lý. Márai Sándor không bỏ qua cả những gì sâu kín, thậm chí là những suy nghĩ xấu xa.
Cậu bé trong truyện lớn lên trong một gia đình tư sản gốc gác Saxon (Đức), có bố làm ngân hàng, khá sung túc. Gia đình cậu sống trong khu nhà xây để cho thuê đầu tiên tại thành phố, nơi cậu gắn bó máu thịt, trong tâm trí cậu chỉ có tòa nhà cho thuê này mới là “nhà mình”.
Cậu bé có một tinh thần không yên ổn, có lúc bùng phát khiến cậu bỏ nhà đi không nguyên cớ. Sau đó, gia đình gửi cậu bé lên học nội trú ở thủ đô Budapest. Từ đây mở ra những miêu tả vô cùng chân thực về cuộc sống trong các trường học thời kỳ Áo-Hung, vừa nghiêm túc trang trọng vừa hà khắc và che giấu rất nhiều bí mật giữa thầy giáo và học trò, giữa người thế tục và các tu sĩ.
Nhân vật trong cuốn sách lớn lên rồi ra nước ngoài, bắt đầu cuộc phiêu lưu đầy hoang mang của anh tại Đức rồi Pháp. Anh viết báo, đi làm phóng sự, giao tiếp với giới thượng lưu nhiều nước, quen biết nhiều nhân vật quan trọng, từng lâm vào cảnh túng bấn, khó khăn cùng cực, vợ anh từng lâm bệnh hiểm nghèo ở Paris trong cảnh quẫn bách.
Sau những tháng ngày lênh đênh ở Ý và Anh, đến một ngày anh bỗng cảm thấy thôi thúc trở về cố hương, sống tại quê nhà, và khi ấy không điều gì có thể ngăn cản anh trở về. Dù vẫn vật lộn trong mớ bòng bong đầy hoang mang, nhưng giờ đây trong lòng anh đã dần hình thành một hướng đi, anh đã lờ mờ cảm thấy mình sẽ làm gì và sống ra sao tại quê hương.
Márai miêu tả quá cụ thể nhiều con người, nhất là lại đưa ra nhiều nhận xét và chi tiết liên quan đến tôn giáo, chính trị nên Lời bộc bạch của một thị dân từng bị kiện, ấn bản chính thức sau này bị cắt đi không ít đoạn so với các ấn bản trước.
Nhận định về tác phẩm này, nhà ngôn ngữ học Hungary Dober Valéria cho rằng: “Đây là cuốn tiểu thuyết về thế giới thị dân, nhưng cũng là tiểu thuyết gia đình. Nó là khúc tưởng niệm về một gia đình, gia đình nhà văn, và cũng là về giai tầng xã hội của gia đình ông. Nhưng đồng thời nó là tấm gương của sự trăn trở sâu sắc ở nhà văn để biến cải quá khứ và truyền thống gia đình theo “hình ảnh” của riêng mình. Vì thế nó cũng là một tiểu thuyết tâm lý, vì nó cho ta cảm nhận một cách trung thực quá trình đau đớn vật vã để đi tìm bản ngã, những cột mốc của sự khổ ải tâm hồn có vẻ như không thể giải thích nổi liên quan tới quá trình này. Nó cũng là sự thay đổi nội tâm liên quan tới sự tách rời khỏi gia đình, tới sự nổi loạn, sự phát triển cá tính…”/.
***
Đây được coi là một cuốn sách kinh điển, theo lẽ dĩ nhiên mình sẽ đánh giá nó là một quyển sách kinh điển. Những giá trị to lớn của nó sẽ không được mình nói ra, vì mình đâu có đủ trình độ thâm sâu đó. Sau đây là vài ý kiến cá nhân về tác giả, nhắc lại là cá nhân. Mà xét cho cùng, đâu ai đọc ngoài mình.
Mình thích cách tác giả nhìn nhận về quá khứ thời niên thiếu, tức là quyển I, với những hồi ức, sự quan sát tỉ mỉ, toàn diện và vô cùng chân thực về thời đại và tầng lớp của ông. Mình thích mọi thứ ở chương I, con người, số phận, những câu chuyện, ngôi nhà, những lời thú nhận phũ phàng. Và óc quan sát ấy làm mình khâm phục. Mình không thể nhớ được mình ăn cái gì hồi bé, nó chỉ như những mảnh ghép chắp vá của kỷ niệm. Thế nên khi Marai Sandor vẽ ra một thời kỳ chi tiết đến kinh ngạc về những con người xung quanh ông, thậm chí từ việc đi vệ sinh cho đến những quyển sách họ vẫn hay đọc, rồi ngôi nhà ngày bé, cha mẹ ông, gia phả nhà ông, rồi câu chuyện bỏ nhà trốn đi khi mới lớn,… mình đã rất vui khi được đọc nó.
Nhưng chương II là một câu chuyện khác, đó là khi tác giả đã bắt đầu lớn hơn với một thế giới rộng lớn hơn các thành phố nhỏ thơ ấu, những quan sát, vốn sống, những nhận xét sắc sảo về các thành phố, con người, dân tộc khác ở châu Âu vẫn rất đáng để đọc. Cái mà mình không thích chính là tác giả, tính cách, con người, nội tâm tác giả (nếu đây được coi là một quyển hồi ký), mình không thích con người đó.
Mình chưa thấy ai lại vô lý như vậy. Anh ta thà ăn ở một nhà tế bần với những người nghèo khổ khác (cho dù gia đình anh ta cũng thuộc dạng trung lưu có tiền) còn hơn ăn chung với những người lao động ở khách sạn nơi ông bác làm việc. Anh ta không chịu đựng được việc mình bị phân chia cùng hạng với những người làm thuê, coi đó như một sự xúc phạm. Và anh ta đổ lỗi cho giai tầng của mình.
Anh ta nói ghét những người người suốt ngày la cà ở những quán café, trong khi chính bản thân cũng là một người như thế. Trong quyển II, phân nửa những gì tác giả làm là đi vào một quán café văn chương, đốt tiền bạc, đọc báo và chẳng làm gì hết.
Anh ta không bao giờ thừa nhận sự quan trọng của tiền bạc, đúng là suy nghĩ của những người sung túc và không chịu cúi mình mà thực tế lấy một ngày. Thậm chí khi đói kém, anh ta đi ăn ở một nhà tế bần, anh ta nhờ vả gia đình, thậm chí là để vợ nuôi. Mình không thích kiểu người đó. Với mình, tác giả chỉ cố gắng làm ra vẻ thoát tục, anh ta không chịu tầm thường bản thân bằng việc chịu sự chi phối của tiền bạc. Nghệ thuật và tài năng quan trọng hơn.
Anh ta còn là một kẻ vô trách nhiệm hiếm thấy. Mình không thấy anh này mảy may hối hận về tuổi trẻ bồng bột khi anh ngủ với nhiều cô gái, thậm chí là dắt họ trốn khỏi chồng rồi bỏ rơi họ. Rồi anh ta lấy vợ, một người cùng giai tầng với mình, anh ta có lẽ cũng chẳng yêu cô ta. Những gì mình thấy khi họ miêu tả cuộc hôn nhân là sau một vài nỗ lực làm người chồng có trách nhiệm trong một thời gian ngắn, anh này tiếp tục bỏ đi café, bỏ đi nơi khác vài tháng, vài năm, bỏ về nhà trong khi vợ vẫn đang ở Paris. Khi cuộc hôn nhân ở bên bờ vực phá sản, anh ta để vợ về nhà và cho cô tự quyết định lấy, không thèm níu kéo, không hỏi thăm, không một lời nào hết, anh để cô đi, kết quả ra sao cũng được. Anh ta đi khắp nơi, từ châu Âu đến Trung Đông, nói là vì trách nhiệm của người chồng là viết văn kiếm tiền. Tất cả chỉ là ngụy biện, anh ta chỉ quan tâm đến sở thích, đến mơ ước của bản thân, còn cuộc sống nghèo khổ của vợ, mong muốn của cô ta, nó đâu có ý nghĩa như mong muốn của anh. Mình thấy tội cho cô vợ, nhưng cô này tự chọn lựa việc gắn bó với tác giả đến cuối đời nên mình không dám ý kiến nữa.
Mỗi khi tác giả làm một việc gì sai, anh ta thường đổ lỗi cho bệnh tâm thần và sự cô đơn cần thiết của một nhà văn. Rõ ràng anh ta nhận thức được mình là một người chồng không ra gì nhưng anh ta không đủ dũng cảm để nhận trách nhiệm. Là một người Việt Nam, mình thấy khó thông cảm cho những con người phương Tây cố gắng đổ lỗi cho mọi thất bại của họ cho những bệnh tâm lý nào đó mà chỉ có Sigmund Freud mới hiểu được. Nào đó tâm thần, nào là những vết thương thời thơ ấu, họ đốt cả đống tiền cho bác sỹ tâm lý và chẳng làm điều gì để thay đổi nó hết.
Tác giả viết rất nhiều về trách nhiệm của nghề báo, về người cầm bút và trách nhiệm của bản thân, điều này làm mình khá nực cười. Mình đoán là tác giả là một nhà văn có đạo đức, dù gì ông cũng là người nổi tiếng và những tác phẩm của ông đều chỉn chu và phô diễn một tài năng không thể phủ nhận. Nhưng cái cách tác giả bỏ nhà đi mà không thăm hỏi những người anh bỏ lại, cách anh ta bỏ rơi những cô gái, những bạn bè của anh, anh đi xa vợ, anh ta thích cô đơn, anh ta là kẻ không có quyền nói về trách nhiệm của con người.
Với mình, quyển I là vàng, quyển II là sự thất vọng.
Cá nhân mình thích những con người tài năng và kiêu ngạo chút cũng không sao, như Mourinho chẳng hạn. Nhưng tài năng của Marai Sandor không thể che lấp một cá nhân yếu đuối, ích kỷ, hoang tưởng và thậm chí nhẫn tâm của ông. Nhưng ít nhất đây là một "lời bộc bach", mình đoán tác giả không cần một đứa như mình nhận xét tiêu cực và cách làm người của ông, người ta đã là một tác giả tầm vóc thế giới. Cái ông ta đưa ra là một góc nhìn từ cuộc sống và cho dù góc nhìn ấy đúng hay sai, nó cũng đặc biệt. Chỉ là mình không thích những người như vậy và mình chưa đủ chín chắn để giữ nó trong lòng.
Và còn cả tính khoe mẽ từ những từ nước ngoài chen vào một câu văn nữa.
Mời các bạn đón đọc Lời Bộc Bạch Của Một Thị Dân của tác giả Márai Sándor & Giáp Văn Chung (dịch).