Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Jude Kẻ Vô Danh

Một câu chuyện đời, cũng là một chuyện tình, rất đỗi đau thương. Jude làm tôi nhớ tới Kiếp người của Somerset Maugham. Nhưng Philip Carey rốt cuộc cũng tìm được hạnh phúc muộn màng, còn Jude cả đời phấn đấu, mà không vẫn hoàn không. Nada y pues Nada. Kính mừng hư vô toàn hư vô. Những nhà phê bình Anh Mỹ nói rất nhiều điều, nhiều khía cạnh về tác phẩm này, nhưng họ bỏ quên một điều: Ý nghĩa của Hư vô bàng bạc mênh mang trong Jude.

***

[Review sách hay] Jude – Kẻ Vô Danh: Cơ hồ một tình yêu lý tưởng
ELLE Team
Đăng ngày: 19/02/2020 15:00:54

Hiếm có một tình yêu nào vừa trong trẻo, vừa cuồng nhiệt, vừa đẫm bi kịch như mối tình của Jude Fawley và Sue Bridehead, hai nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng, “Jude – Kẻ vô danh” của tiểu thuyết gia kinh điển người Anh Thomas Hardy.

Không trái ngang vì gia đình như Romeo và Juliet, không dữ dội đầy hoang dã như Heathcliff và Catherine trong Đồi gió hú, không hề được một chút kết thúc có hậu như Elizabeth và Darcy trong Kiêu hãnh và định kiến, chuyện tình yêu của Jude và Sue, gần chạm đến mức lý tưởng, kể về hạnh phúc thoáng qua trong một chuỗi những khổ đau và dằn vặt của cặp đôi chống lại định chế xã hội thủ cựu và gia trưởng, để rồi bị chính thời đại đè bẹp.

Jude, một cậu bé mồ côi cha mẹ, được cô nuôi nấng lớn lên ở làng Marygreen, một làng cổ ở nước Anh thời Victoria. Tình cờ được một người thầy khai sáng về trường Đại học Christminter (mà nguyên mẫu vốn là Đại học Oxford), Jude đã mơ mộng dựng nên mục tiêu của đời mình là trở thành một vị giáo sư. Chính tại nơi mà từ bé đến lớn Jude vẫn luôn tự nhủ là nơi có cây tri thức mọc lên, Jude gặp Sue, cô em họ và tình yêu của đời mình.

Dẫu đã bị bà cô can ngăn và gièm pha từ đầu, Jude gần như rơi vào lưới tình với Sue ngay từ cái nhìn đầu tiên. Jude không chỉ bị choáng ngợp bởi vẻ ngoài xinh đẹp của nàng mà còn bị mê mẩn bởi sự độc lập và phóng khoáng của kiểu phụ nữ mới. Sue tự lao động để trang trải chi phí cho mình. Nàng nhạy cảm, bốc đồng, thoát tục. Nàng đòi hỏi và ích kỷ. Và trên hết, Sue với những tư tưởng khai phóng về hôn nhân và tín ngưỡng, như một cơn bão ập tới cuốn phăng tinh thần của Jude.

Mối tình tuyệt vọng mà Jude dành cho cô em họ sắc sảo và có phần tàn nhẫn trải qua muôn khúc thăng trầm. Nó hiện ra cực kỳ rõ nét dưới ngòi bút phân tích tâm lý bậc thầy của Hardy, mà đỉnh cao nhất có lẽ ở trường đoạn Jude với tình yêu thầm lặng, buộc phải chấp nhận lời yêu cầu của Sue: Đóng vai người cha của Sue trong hôn lễ để chúc phúc và trao tay nàng cho chồng nàng, chính là người thầy năm xưa đã khai sáng cho Jude về trường đại học, Richard Phillotson.

Bền bỉ, tận tụy, không đòi hỏi, lý tưởng hóa người yêu nhưng đồng thời lại chấp nhận mọi mặt tốt xấu của nàng, tha thứ cho mọi lỗi lầm trong quá khứ, là cách mà Jude yêu Sue. Và có lẽ đấy cũng là lý do vì sao mối tình của Jude được so sánh với khái niệm tình yêu thuần khiết.

Tình yêu của Jude và Sue tiến đến một bước ngoặt bất ngờ khi Sue nhận ra mình đã sai lầm thế nào khi đồng ý kết hôn, và xin phép chồng từ nay được sống với tình nhân là Jude. Công khai chống lại định kiến xã hội, chống lại mọi ràng buộc và nghĩa vụ về hôn nhân, đạo đức, tôn giáo, Sue muốn sống với tư cách nàng tự chọn, không phải tư cách mà xã hội hay bất cứ ai phân cho nàng. Hardy đã xây dựng một nhân vật nữ mang đầy cảm hứng nữ quyền, nơi người phụ nữ một mình chống lại cả xã hội nam quyền và không chịu bó buộc trong quy ước mà mọi người đều tuân thủ.

Tình yêu của họ mạnh mẽ, lý tưởng là vậy, nhưng liệu họ có vượt qua được thực tế xã hội khắc nghiệt với những lời chỉ trích, những lần bị đuổi việc, bị đuổi khỏi nhà cho thuê chỉ vì lối sống quá khác? Sự chuyển mình từ xã hội Victoria đầy những quy tắc lỗi thời về đạo đức sang một xã hội hiện đại phóng khoáng hơn được ghi chép lại đầy tỉ mỉ trong Jude – Kẻ vô danh. Dẫu bị các nhà phê bình tấn công kịch liệt lúc mới ra đời, giờ đây, Jude – Kẻ vô danh luôn nằm trong danh sách các tác phẩm kinh điển bắt buộc phải đọc. Nó bao chứa không chỉ những chủ đề lớn của văn chương Anh thời Victoria mà còn nêu cao hình tượng người phụ nữ mới và phê phán những định kiến bóp nghẹt tình yêu và ước vọng.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn

***

VỀ TÁC GIẢ

Thomas Hardy (02/6/1840 - 11/01/1928) - tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh - chào đời tại làng Higher Bockhampton, một trong những làng quê xa xôi hẻo lánh nhất của hạt Dorset, nước Anh. Ông là con cả trong số bốn người con của Thomas Hardy, một thợ xây, và Jemima, một thôn nữ có học thức. Ông lớn lên trong một ngôi nhà tranh nằm biệt lập ở rìa một cánh đồng thạch nam. Những trải nghiệm đầu đời của ông về đời sống nông thôn, với nhịp điệu theo mùa và nền văn hóa dân gian truyền khẩu, là nền tảng cho phần lớn các tác phẩm sau này của ông. Ông được mẹ dạy học tại nhà cho tới năm tám tuổi; sau một năm học ở trường làng, ông chuyển tới trường học ở Dorchester, một thị trấn gần đó. Tại đây ông đã tiếp thu được một nền tảng vững chắc về toán học và tiếng La-tinh. Năm 1856, ông trở thành người học việc của John Hicks, một kiến trúc sư địa phương; năm 1862, ông chuyển tới London và trở thành chuyên viên bản vẽ kỹ thuật trong văn phòng của Arthur Blomfield, một kiến trúc sư nổi tiếng. Do sức khỏe kém, năm 1867 ông trở về Dorset, lại làm việc cho Hicks và sau đó cho kiến trúc sư G.R. Crickmay ở thị trấn Weymouth.

Dù nghề kiến trúc mang lại cho Hardy sự thăng tiến ở cả hai mặt kinh tế và xã hội, giữa những năm 1860, sự thiếu thốn tài chính và sự sụt giảm niềm tin tôn giáo buộc ông phải từ bỏ khát vọng học đại học và trở thành một linh mục. Ông bắt đầu tập trung vào sáng tác thơ, nhưng do các tác phẩm này bị từ chối xuất bản, ông miễn cưỡng quay sang sáng tác văn xuôi.

Trong hai năm 1867-1868, ông viết tiểu thuyết đầu tay Gã nhà nghèo và nàng tiểu thư (The Poor Man and the Lady). Dù được ba nhà xuất bản ở London xem xét với sự cảm thông, tác phẩm này không bao giờ được xuất bản và thất lạc luôn. Sau đó, theo lời khuyên của George Meredith, một người điểm sách của nhà xuất bản, ông viết Các liệu pháp tuyệt vọng (Desperate Remedies - 1871), một tác phẩm chịu ảnh hưởng của dòng tiểu thuyết “cảm giác” của Wilkie Collins. Tuy nhiên, trong tác phẩm tiếp theo, Dưới tán cây xanh (Under the Greenwood Tree - 1872), Hardy đã tìm thấy giọng điệu riêng biệt của chính mình.

Tháng 3/1870, Hardy được cử đến để trùng tu ngôi nhà thờ St. Juliot đổ nát ở Cornwall. Ông đã gặp Emma Lavinia Gifford, người trở thành vợ của ông bốn năm sau đó. Bà đã tích cực khuyến khích và hỗ trợ ông trong những nỗ lực văn chương, và cuốn tiểu thuyết kế tiếp của ông, Mắt biếc (A Pair of Blue Eyes - 1873), được viết dựa trên chính những trải nghiệm lãng mạn trong mối tình giữa ông và Emma.

Mùa hè năm 1872, Hardy dứt khoát từ bỏ sự nghiệp kiến trúc và toàn tâm theo đuổi văn chương khi tạp chí Tinsley ký kết hợp đồng sử dụng Mắt biếc trong 11 kỳ đăng mỗi tháng. Sau đó, Cornhill, một tạp chí có uy tín hơn nhiều mời ông cung cấp một tác phẩm đăng nhiều kỳ. Kết quả là tác phẩm Xa đám đông điên loạn (Far From the Madding Crowd - 1874) ra đời, giới thiệu cái tên Wessex lần đầu. Và cũng từ đây trở đi, hầu hết các tác phẩm của ông đều có bối cảnh nền là Wessex, vốn là một vương quốc của người Anglo-Saxon ở miền nam đảo Great Britain từ năm 519 cho tới đầu thế kỷ 10, khi vua Æthelstan của người Anglo-Saxon thống nhất nước Anh; với Hardy, địa danh Wessex bao gồm các hạt ở vùng tây nam nước Anh hiện nay.

Tháng 9/1874, Hardy kết hôn với Emma Gifford, bất chấp sự phản đối của gia đình cả hai bên. Trong thời gian đầu, họ liên tục di chuyển, khi sống ở London, khi ở Dorset. Trong thời gian này ông viết tiểu thuyết Bàn tay của Ethelberta (The Hand of Ethelberta - 1876); tác phẩm này được đón nhận khá thờ ơ và không phổ biến mấy. Bù lại, tiểu thuyết Trở lại cố hương (The Return of the Native -1878)[1] ngày càng được nhiều người hâm mộ do bối cảnh nổi bật của Egdon Heath, dựa trên vùng hoang địa ảm đạm và khắc nghiệt mà ông từng biết hồi thơ ấu.

Cái chết của đột ngột của Emma vào năm 1912 kết thúc hai mươi năm sống chung với nhau trong tình trạng xa lạ, nhưng nó cũng khơi gợi lại những tháng ngày tươi đẹp trong mối tình của họ, và là nguồn cảm hứng để ông hoàn thành một số tác phẩm thơ xuất sắc. Năm 1914, Hardy kết hôn với Florence Emily Dugdale, trẻ hơn ông 38 tuổi. Dù đôi khi người vợ thứ hai này gặp khó khăn, vì Hardy quá nặng lòng với những hoài niệm về người vợ cũ, bà vẫn toàn tâm chăm sóc cho sức khỏe tuổi già của ông cho tới lúc ông qua đời vào tháng 11/1928. Tro cốt của ông được đặt trong “Góc của các nhà thơ” (Poets’ Corner) tại Tu viện Westminster, còn quả tim được chôn cất chung một nấm mộ với Emma tại nghĩa trang giáo xứ Stinsford.

Trọn đời văn nghiệp, Thomas Hardy đã sáng tác tổng cộng 14 tiểu thuyết (các tác phẩm nổi bật nhất là Far From the Madding Crowd, The Return of the Native, The Major of Casterbridge, Tess of The d’Urbervilles,Jude the Obcure), hàng trăm truyện ngắn, hai vở kịch và chín tập thơ. Ông được công nhận rộng rãi là một nhà văn lớn của thế kỷ 19 và nhà thơ lớn của thế kỷ 20. Năm 1910, ông được tặng thưởng Huân chương Công trạng (Order of Merit)[2]. Ngoài ra, ông được vinh hạnh đề cử cho giải Nobel Văn chương nhiều lần (1910 - 1914, 1920, 1923 - 1927).

Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim như Tess of The d’Urbervilles (1913; 1979; 1998, 2008), The Return of the Native (1994), Jude the Obscure (1996), The Mayor of Casterbridge(2000, 2003), Under the Greenwood Tree (2005), Far From the Madding Crowd (2015).

Nhiều nhà văn trẻ hơn, bao gồm D. H. Lawrence, John Cowper Powys và Virginia Woolf rất hâm mộ các tác phẩm của ông. Một số nhà soạn nhạc nổi tiếng, bao gồm Gerald Finzi, Benjamin Britten và Gustav Holst đã lấy thơ của ông để phổ nhạc. Holst cũng soạn bản giao hưởng dựa trên chủ đề của tiểu thuyết The Return of the Native nhan đề Egdon Heath; A Homage to Thomas Hardy vào năm 1927.

Mời các bạn đón đọc Jude Kẻ Vô Danh - Thomas Hardy & Nguyễn Thành Nhân (dịch).