Sau hơn năm năm thai nghén bản thảo, Những người nuôi giữ bồ câu là tiểu thuyết giàu tham vọng nhất và đáng kinh ngạc nhất của Alice Hoffman. Đó là cuộc trình diễn ngoạn mục của trí tưởng tượng và tài nghiên cứu của tác giả, dựng nên một câu chuyện đầy mê hoặc trên bối cảnh nước Israel cổ đại.
Năm 70, chín trăm người Do Thái trong nhiều tháng ròng đã cố thủ tại Masada, một ngọn núi thuộc sa mạc Juda, kháng cự lại chiến đoàn Roma. Theo sử gia cổ đại Josephus, hai người phụ nữ và năm đứa trẻ đã sống sót.
Dựa trên sự kiện lịch sử bi tráng này, cuốn tiểu thuyết của Alice Hoffman là câu chuyện đầy ám ảnh về bốn người phụ nữ mạnh mẽ, giàu sức sống và nghị lực phi thường; mỗi người bị số phận đưa đẩy đến Masada theo những con đường khác nhau.
Mẹ của Yael mất khi sinh cô; cha của Yael, một sát thủ chuyên nghiệp, không bao giờ tha thứ cho cô về cái chết đó.
Revka, vợ một người thợ làm bánh trong làng, tận mắt chứng kiến quân lính Roma đã tàn bạo giết chết con gái của mình; bà dẫn hai đứa cháu trai thơ dại đến Masada, lũ trẻ đã bị câm vì những điều kinh hoàng diễn ra trước mắt.
Aziza, con gái của một chiến binh, được nuôi dạy như con trai, cô trở thành một kỵ sĩ ngang tàng, một cung thủ cự phách và đem lòng yêu một đồng đội.
Shirah, sinh trưởng ở Alexandria, am hiểu sâu sắc về những phép thuật và phương thuốc cổ đại, một người phụ nữ trác việt và có nội lực mạnh mẽ đến khó hiểu.
Cấu trúc của Những người nuôi giữ bồ câu gồm bốn phần chính, được kể qua giọng của bốn nhân vật nữ chính trên.
- Phần 1: Mùa hè năm 70. Con gái người sát thủ.
- Phần 2: Mùa hè năm 71. Vợ người thợ làm bánh.
- Phần 3: Mùa xuân năm 72. Người yêu của chiến binh.
- Phần 4: Mùa đông năm 73. Phù thủy xứ Moab.
(Kết) Alexandria năm 77.
Nhận định:
“Cuốn tiểu thuyết lịch sử hạng nhất, bản anh hùng ca về chiến tranh, đam mê và bản năng sinh tồn kỳ diệu của con người, đặc biệt là người phụ nữ”
(Tạp Chí People)
***
"Những người nuôi giữ bồ câu" là cuốn tiểu thuyết viết về một câu chuyện đầy mê hoặc trên bối cảnh nước Isarel cổ đại của tác giả Alice Hoffman.
Alice Hoffman sinh năm 1952 tại New York, Mỹ; năm 1974, bà tốt nghiệp khoa Viết văn (Viết sáng tạo) của Đại học Stanford và là một trong những tiểu thuyết gia Mỹ đương đại xuất sắc nhất, hiện bà sống tại Boston.
Những người nuôi giữ bồ câu là tiểu thuyết giàu tham vọng nhất và đáng kinh ngạc nhất của bà sau hơn 2 năm thai nghén bản thảo.
Cuốn sách gồm 4 phần với lời kể lần lượt của 4 nhân vật nữ chính: Yael, Revka, Aziza và Shirah
Phần 1: Mùa hè năm 70. Con gái người sát thủ.
Phần 2: Mùa hè năm 71. Vợ người thợ làm bánh.
Phần 3: Mùa xuân năm 72. Người yêu của chiến binh.
Phần 4: Mùa đông năm 73. Phù thủy xứ Moab.
Kết: Alexandria năm 77.
Alice Hoffman đã bỏ qua cách phân chương thông thường mà chia cuốn tiểu thuyết khá dày của bà thành bốn phần liền mạch qua lời kể của bốn người phụ nữ chăm lo cho khu chuồng nhốt bồ câu của pháo đài như bốn khúc quanh hợp thành một dòng sông lớn.
Vượt qua một khuôn khổ cụ thể về không gian, thời gian, Những người nuôi giữ bồ câu là khúc tráng ca về sự bất diệt của tình yêu trong con người dưới mọi cung bậc: tình yêu nam nữ, tình mẫu tử, tình yêu quê hương, tình yêu tự do ngay cả trong những hoàn cảnh tàn khốc ảm đạm nhất.
Nội dung sâu sắc, lôi cuốn của câu chuyện đã đem đến cho người đọc hưng phấn rất lớn để vào cuộc, nhập tâm vào dòng chảy tự sự lúc bạo liệt, lúc trầm tư của bốn người kể chuyện, du hành ngược thời gian trở về một thời đại xa xưa, lạ lẫm nhưng hiện lên thật sống động, rõ ràng qua những chi tiết được tác giả tái hiện đầy màu sắc, âm thanh và rung động.
***
Bạn đọc thân mến,
Một lần trong đời, tác phẩm có thể đến với người viết như một món quà bất ngờ. Những người nuôi giữ bồ câu, đối với tôi, là một tác phẩm như thế. Đó là món quà từ các cố bà của tôi, những người phụ nữ có dòng gốc Israel xa xưa, lần đầu tiên trò chuyện cùng tôi khi tôi đặt chân tới pháo đài Masada. Khi kể lại câu chuyện về những mất mát và yêu thương của họ, tôi cũng kể lại câu chuyện của chính mình. Sau ba mươi lăm năm cầm bút, sau hơn ba mươi tác phẩm được xuất bản, tôi có được câu chuyện mà tôi cần phải kể lại.
Những người nuôi giữ bồ câu là cuốn tiểu thuyết dựng trên bối cảnh trong và sau khi Jerusalem thất thủ (năm 70), trải ra bốn năm khi người Roma tiến hành tấn công pháo đài Do Thái ở Masada, nơi có một nhóm chín trăm người nổi dậy và gia đình họ cố thủ. Câu chuyện được lấy cảm hứng từ sử gia Josephus, người đã ghi lại bản tường thuật duy nhất về cuộc vây hãm, trong đó ông cho biết có hai phụ nữ và năm đứa trẻ sống sót sau cuộc tàn sát xảy ra vào đêm những người Do Thái chấp nhận tự sát hàng loạt thay vì khuất phục chiến đoàn Roma. Chính những người sống sót này đã thuật lại câu chuyện với người Roma, và qua đó, với cả thế giới.
Tôi được truyền cảm hứng từ chuyến thăm Masada đầu tiên của mình, một trải nghiệm tâm linh thật sâu sắc và cảm động, đến mức tôi cảm thấy như thể những cuộc đời từng tìm đến nơi này hai nghìn năm trước vẫn còn tươi mới, sống động. Những sự kiện bi thảm của quá khứ và sự hy sinh kỳ lạ diễn ra tại pháo đài này dường như vẫn hiển hiện trong không khí trong trẻo. Dường như những người từng sống ở đó, và chết tại đó, mới chỉ ra đi vài giờ trước.
Trong bảo tàng Yigal Yadin tại Masada có thể tìm thấy rất nhiều di vật được nhắc đến trong tiểu thuyết này: một mảnh vải thổ cẩm thuộc về một người lính của chiến đoàn bị bắt sung quân từ xứ Wales; đôi xăng đan và tóc của một phụ nữ trẻ có hài cốt được tìm thấy cạnh một đài phun nước, cạnh hài cốt của một chiến binh trẻ và một cậu bé, xung quanh họ là những mảnh áo giáp vảy cá bằng bạc. Một tấm bùa được trưng bày trong một bảo tàng tại Wales chính là tấm bùa được trao cho người nô lệ phương Bắc, còn những chiếc bát phù chú, những tấm bùa và sách phù chú trong tiểu thuyết có thể tìm thấy trong các bảo tàng ở châu Âu, Israel và Ai Cập. Những cái tên tìm thấy trên mảnh gốm vỡ, cũng có thể là những lá thăm mà các chiến binh cuối cùng rút được, ở Masada - trong đó có Yoav, Người Từ Thung Lũng, và Ben Ya’ir, thủ lĩnh của cuộc nổi dậy - cũng đang được trưng bày tại Masada. Một số hài cốt đã được tìm thấy trong hang núi phía dưới pháo đài, và mặc dù không ai có thể biết liệu những người Essene có mặt ở Masada hay không, nhiều bản thảo của họ đã được khai quật tại đó. Phép màu là một nỗ lực bí mật, nhưng thường xuyên nhất có thể, tôi đã đan cài các phát kiến khảo cổ vào câu chuyện của Những người nuôi giữ bồ câu.
Tôi mang ơn không chỉ câu chuyện kể của Josephus, mà cả Yigal Yadin, nhà khảo cổ học phụ trách dự án Masada, tác giả của Masada,một câu chuyện đầy cuốn hút về quá trình khai quật pháo đài. Cho dù vẫn có những tranh luận liên quan tới lịch sử và kết quả khảo cổ, tôi luôn dựa vào những khám phá ban đầu và những suy đoán tại thực địa.
Tôi đã tìm kiếm tư liệu cho Những người nuôi giữ bồ câu trong nhiều năm, nhưng tôi không phải là nhà sử học hay học giả về tôn giáo. Là một tiểu thuyết gia, tôi làm tốt nhất có thể trong khuôn khổ của thực tế. Cho dù một số nhân vật dựa trên các nhân vật lịch sử, những câu chuyện về phụ nữ thường trôi qua mà không được ghi chép lại, vàNhững người nuôi giữ bồ câu là nỗ lực của tôi để hình dung ra những câu chuyện đó. Hy vọng của tôi là khi làm vậy, tôi có thể đem lại tiếng nói cho những người đã phải giữ im lặng quá lâu.
Tôi muốn cảm ơn những độc giả đầu tiên của mình, Maggie Stern Terris, Daniel Terris, Pamela Painter và Sue Standing vì những nhận xét sâu sắc và vô giá của họ, vì tình bạn và sự ủng hộ của họ trong quá trình viết cuốn sách này. Tôi cũng muốn cảm ơn tới hai bác tôi, Ashley và Harriet Hoffman, cũng là những độc giả ban đầu, vì lòng tốt họ dành cho tôi trong cả công việc viết văn và ngoài đời thực. Xin cảm ơn Mindy Givon, em dâu tôi, vì đã là một độc giả luôn cổ vũ nhiệt thành từ lúc ban đầu, vì đã cùng đi khắp Israel với tôi, vì đã là một người bạn tuyệt vời. Tôi xin bày tỏ sự biết ơn tới Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ ở Brandeis vì đã chỉ định tôi làm học giả khách mời, kèm theo lời cảm ơn đặc biệt tới Shulamit Rheinharz, và tới người sinh viên nghiên cứu tuyệt diệu của tôi, Deborah Thompson.
Xin cảm ơn Susan Brown vì quá trình sao chép vừa chu đáo vừa rộng lượng. Xin cảm ơn Gary Johnson và Julia Kenny tại đại diện Markson Thoma vì sự ủng hộ liên tục của họ, cũng như tới Paul Whitlatch tại Scribner vì sự giúp đỡ trong quá trình xuất bản cuốn sách này. Lời cảm ơn của tôi xin dành gửi tới Camille McDuffie vì tình bạn và lòng tốt của cô trong quá trình thực hiện nhiều cuốn sách. Xin gửi lời biết ơn chân thành tới Joyce Tenneson, bức ảnh lộng lẫy của ông đã đem đến cảm hứng cho tôi như một biểu tượng về lòng can đảm và sự duyên dáng của những người phụ nữ trong thế giới cổ đại.
Tôi mang ơn anh rể tôi, Menachem Givon, người đã làm hướng dẫn viên cho tôi ở Israel, những hiểu biết của anh là vô giá với tôi trong quá trình đọc thử bản thảo kỹ lưỡng anh đã thực hiện. Tôi đã không thể nào tìm ra được tất cả những gì anh biết thuộc lòng và vui lòng chia sẻ với tôi. Tôi cũng mang nợ rất nhiều từ Richard Elliott Friedman, một nhà văn và học giả xuất chúng, quá trình đọc thử sáng suốt và cẩn thận ông dành cho cuốn sách là vô cùng hữu ích, những nhận định sâu sắc về thế giới của Kinh Thánh vừa đáng kinh ngạc vừa vô giá. Cảm ơn cả hai người vì đã là những người thầy thật rộng lượng, kiên nhẫn.
Tôi đặc biệt muốn cảm ơn Elaine Markson, người đại diện và người bạn tuyệt vời của tôi; cô đã đặt niềm tin vào cuốn sách này ngay từ đầu, và đã luôn tin vào tôi. Xin cảm ơn rất nhiều tới người đại diện lâu năm, người bạn thân thiết Ron Bernstein của tôi vì những lời khuyên sáng suốt của ông trong những năm qua. Tôi không biết dùng từ nào để diễn tả lòng biết ơn của mình khi được làm việc với Nan Graham, biên tập viên, và Susan Moldow, người phụ trách xuất bản của tôi. Cả họ cũng đã tin vào tôi và cuốn sách này, đã đón nhận nó từ khi nó chưa được định hình. Khi làm thế, họ đã thay đổi số phận của tôi. Tôi cũng xin cảm ơn Carolyn Reidy vì lòng tốt và sự ủng hộ của bà.
Tôi mang ơn chồng tôi, Thomas Martin, người đã cùng đi vào sa mạc với tôi, bất chấp những nỗi buồn chúng tôi gặp phải.
Cuối cùng, món nợ lớn nhất của tôi là với mẹ tôi, Sherry Hofflan, người tôi vẫn nhớ mỗi ngày. Con hy vọng mẹ đã tha thứ cho con, cũng như con đã từ lâu tha thứ cho mẹ.
Trân trọng,
ALICE HOFFMAN
Mời các bạn đón đọc Những Người Nuôi Giữ Bồ Câu của tác giả Alice Hoffman & Lê Đình Chi (dịch).