“Ba giờ đêm, dưới phố, lại lào xào một cuộc hành binh dài dặc, về làng… Tôi tỉnh giấc. Sứa nằm thiêm thiếp bên vai tôi. Tôi nghe tiếng Sứa thở. Tôi vuốt nhẹ, dọc cái lưng trần. Vuốt nhẹ. Tôi nhớ cặp đùi. Khi nãy, nó giãy. Nó giãy cuống quýt. Tôi đưa tay vuốt. Sứa vẫn thiêm thiếp. Tôi vuốt. Căn buồng đỏ mênh mông. Tôi vuốt sự ngây thơ rơm rớm. Con nai nằm nghiêng đùi hơi co. Tôi vuốt… Dưới phố, những ki lô mét hành quân… Tôi vuốt. Sứa tỉnh dậy. Sứa thẹn. Sứa co người lại. Tôi vuốt. Con nai ngây thơ của tôi ơi! Tôi vuốt con nai bị thương của tôi. Rơm rớm… Rơm rớm…”
Khi kiến Gầy phải lòng một cô gái vú vểnh, và sục sạo đến tận nhà của cô nàng, tức biệt thự Đá Đỏ, để tìm hiểu và tỏ tình, anh chàng không sao ngờ được cuộc chinh phục của mình lại có thể gian nan đến thế và nhất là, có thể bị chia cắt đến như vậy. Bởi cuộc chiến. Tình yêu của kiến Gầy, như của bao nhiêu người-kiến kiến-người khác, đã bị chiến tranh tràn qua, như một cơn hồng thủy.
Đêm núm sen, hơn cả một cuộc phiêu lưu vào một thế giới giả tưởng, nơi mà cuộc sống cá nhân, bị nghiền nát và cuốn đi bởi chiến tranh, bởi đời sống tập thể, trước hết, là một cuộc trình diễn ngôn ngữ của một tác giả mà từ vựng là của thi ca và cảm xúc là của thi sĩ. Ai có thể tả những phấp phỏng, thẹn thùng, nhớ nhung, đay khổ, say đắm như Trần Dần?
Ai có thể tả đêm núm sen phập phồng cảm xúc và sexy như Trần Dần? Với Đêm núm sen, sự viết của Trần Dần một lần nữa khẳng định rằng tiếng Việt đẹp thế nào và vì sao ông vẫn là một thành lũy vời vợ Chẳng phải vậy ư, khi những trang bản thảo ố vàng, tìm được đường trở lại sau hơn nửa thế kỷ bị cất giấu, bị gián nhấm và thất lạc, vẫn tỏa nguyên một “quyền lực man mác” lên chúng ta hôm nay.
***
Tác giả Trần Dần lựa chọn hình thức ngụ ngôn để viết Đêm núm sen, thay vì chọn bối cảnh thực như Những ngã tư những cột đèn. Hình thức ngụ ngôn khiến cho tiểu thuyết xa rời quy chiếu có tính hiện thực, tạo ra một không gian có tính ước lệ, biểu tượng. Câu chuyện làng Mận, cuộc chiến ở đây gần như là phản chiếu của rất nhiều cuộc chiến, của rất nhiều thân phận con người.
Nhà văn Trần Dần thường vượt qua cái khung một thể loại văn chương ở nhiều điểm. Với Đêm núm sen, Dương Tường gọi là một ngụ ngôn đen, giống như những ngụ ngôn đen của Gunter Grass thể hiện gương mặt bị lãng quên của lịch sử. Tác phẩm là một ngụ ngôn đen kể chuyện con vật, nhưng câu chuyện đi rất xa so với tác phẩm đồng thoại.
Ở đây, loài kiến không chỉ gợi ra ý niệm nhỏ bé, mà nó sống theo bầy. Khi nhìn kiến, ta chỉ có thể nhìn nó khi cúi thật thấp. Quan hệ của loài kiến là mối quan hệ giữa cá nhân và bầy đàn, mà cá nhân thường bị đẩy ra bên lề lịch sử.
Tác phẩm được viết với nhịp độ nhanh, mạnh, gấp gáp, mang hơi thở trên từng bề mặt câu chữ. Tác giả Trần Dần trong những nhật ký có nói ý chiến tranh không cho phép người ta nghĩ được nhiều. Trong cuộc chiến, mọi thứ diễn ra quá nhanh, tất cả câu chuyện dù lớn lao hay nhỏ bé, chiến tranh không làm cho người ta nghĩ.
Đêm núm sen dưới lớp vỏ nhanh, gấp gáp, các sự kiện liên tục diễn ra, các nhân vật liên tục xuất hiện, nhưng trong cái cách hối hả đó là sự suy nghĩ thật chậm, thật sâu vào chiến tranh. Tất cả những câu đối thoại ngắn gọn, những nhịp đi gấp gáp trong sách được nhà văn tính toán kỹ lưỡng để người đọc buộc phải suy nghĩ.
Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn thừa nhận “Tôi không đủ sức để đuổi theo hết ý tưởng của Trần Dần. Cuốn sách này làm cho ta ngỡ ngàng về tính hiện đại. Đọc nó, cho tôi những cặp tri nhận khác nhau: chiến đấu – lao động, tình yêu – sự thù oán, đau khổ – hèn nhát, mộng tưởng – tuyệt vọng…"
Những cặp cảm giác mà Mai Anh Tuấn nêu ra trong sách không chỉ đúng với con người ở một thời đại, mà đúng với chúng ta ở thời đại ngày hôm nay. Chính vì thế, độc giả hôm nay khi chạm đến cặp cảm giác đó có vẫn có thể tìm được tiếng nói chung ở tác phẩm. Và cũng vì thế, mà tác phẩm dẫu được viết ra từ hơn nửa thế kỷ trước, tới nay vẫn phù hợp và mới mẻ.
***
TRẦN DẦN sinh ngày 23.8.1926 trong một gia đình khá giả tại phố Năng Tĩnh, thành phố Nam Định. Ông học trung học tại Hà Nội, đậu tú tài Pháp và bắt đầu làm thơ. Năm 1946, Trần Dần lập nhóm thi sĩ tượng trưng cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương… Cũng trong năm này, tạp chí Dạ Đài ra số 1, đăng bản tuyên ngôn của phái Tượng trưng do Trần Dần chấp bút. Năm 1954, Trần Dần viết Người người lớp lớp, cuốn tiểu thuyết duy nhất của văn học Việt Nam thời kỳ đó về Điện Biên Phủ. Sau đó Trần Dần viết Nhất định thắng (thơ, 1955); Đi! Đây Việt Bắc (trường ca, 1957), Cổng tỉnh (thơ, 1960); Đêm núm sen (tiểu thuyết, 1961), Jờ Joạcx (thơ, 1963), Mùa sạch (thơ, 1964) Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết, 1964)… Năm 1976, Trần Dần và Dương Tường thử nghiệm Thơ thị giác. Năm 1980, Trần Dần viết bộ tam 36 thở dài - Tư Mã dâng sao, năm 1987 viết Thơ mini…
Trần Dần mất ngày 17 tháng 1 năm 1997 tại Hà Nội. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Một số tác phẩm khác của Trần Dần được Nhã Nam xuất bản:
— Trần Dần thơ
— Đi! Đây Việt Bắc
— Những ngã tư và những cột đèn
***
"Mỗi lần đứt tay… lại đau một lần.” Mỗi lần đau, lại một lần thấy có "nhiều im-lặng biết nói”, cùng “nhiều câu nói không-nói-gì”. Đấy là những nỗi đau lặp lại. Đấy là thân phận của một nhân vật kiến, của nhiều nhân vật kiến của cả loài kiến. Đấy là ngôn từ, chẳng thể chỉ dành riêng cho một người, cho nhiều người hoặc cho cả loài người.
Đêm núm sen là cuốn sách như thế về một xã hội côn trùng khép mình trong lịch sử của chính nó, một xã hội có thừa đau thương đến nỗi chỉ có thể an bình mà chịu kiếp cô lập, bởi vì mọi lối ra bên ngoài lại chính là những lối vào của nguy hiểm và chiến tranh. Một xã hội mà ở đấy lũ kiến yêu thích giả buồn để mua vui, để sau đó lại “không nên đùa với cái buồn”.
Đêm núm sen là cuốn tiểu thuyết về một cộng đồng nhân loại mà ở đấy có “sáng tác tập thể”, có “những tác giả nặc danh của chiến thắng”, có “quá nhiều nước mắt”, có những bữa tiệc mà mỗi lần “đi dự tiệc, cứ phải ngâm thơ”, có diễn thuyết, có những thở dài vì “ai có thể cãi được với tin đồn?”
Đêm núm sen cũng là một bài trí sân khấu khổng lồ để đưa khán giả vào những “ki lô mét nhớ”, vào “những ngã tư, cột điện lằng nhằng”, vào phố Bồ Đào, phố Gầm Cầu, phố Xu Xê, phố Hoa Mười Giờ, đại lộ Mùa Thu, chẳng hề tồn tại ở bất cứ nơi nào… rồi vào những phố Hy Lạp, những xóm La Tinh… rồi tới phố Hàng Gà và phòng tuyến Chèm là những địa danh có thật ở Hà Nội.
Nhưng trên hết, Đêm núm sen chính là tình yêu, là cuộc đi tìm tình yêu. Và bởi vì tình yêu mà lũ kiến có thể hóa thân thành người hoặc ngược lại con người sẵn sàng mang kiếp của kiến. Nhưng thực ra kiếp người hay kiếp côn trùng, đâu có khác gì nhau. Những loại chủng này bao giờ cũng lủng củng yêu thương, ngay cả khi chiến tranh ập đến, ngay cả khi chúng bị cuốn vào đau thương và mất mát. Cái còn lại chỉ là tình yêu. Và quan niệm về tình yêu thì làm sao thay được. Đấy là khi anh kiến Gầy thổ lộ lời yêu với nàng kiến: “Sứa có tin là tôi yêu Sứa thế này, tức là tôi chỉ yêu độc có mình tôi thôi không?”
Đấy cũng là lúc mà kiến Gầy trong những khổ sở vì tình yêu, bất chợt quên cả tổ tiên và nguồn gốc mà than thở, rằng ở nơi mà lũ kiến đang sống “mỗi người là một tiểu thuyết”. Ngôn từ này của anh kiến Gầy, kéo dài trong những độc thoại cùng đối thoại, có đôi chút ngây ngô cụt lủn và kém văn học của loài kiến, có không ít nhạy cảm và phức tạp của loài người, để không thể không nhắc tới chàng trai trẻ của Cổng tỉnh năm 1960, và Trần Dần trong những bài thơ lẻ 1963. Chàng trai tỉnh lẻ, nhà thơ, và anh kiến, cả ba chia nhau cùng những từ vựng, cùng một tình yêu phố phường, cùng một cảm thụ một cảm xúc thẩm mỹ. Chính vì vậy mà đâu đó trong suốt chiều dài lời kể chuyện vụng dại của kiến, thể nào cũng lấp lánh những ngôn từ thô tục mà chỉ Trần Dần mới chắp lại được thành thơ.
Viết năm 1961, Đêm núm sen cũng như nhiều tác phẩm khác của cùng tác giả, phải đợi nhiều thập niên mới đến được với công chúng. “Có cần kể nữa không?” câu hỏi chẳng biết trả lời ra sao của anh kiến Gầy, khi mà 56 năm đã qua kể từ khi Trần Dần hoàn thành bản thảo, khi mà Đêm núm sen đã được gấp rút biên soạn trong những ngày đầu năm 2017. Vào đúng lúc mà 20 năm về trước nhà thơ đã vội vã ra đi. Một lần cho mãi mãi. 1
TRẦN TRỌNG VŨ
Mời các bạn đón đọc Đêm Núm Sen của tác giả Trần Dần.