Lấy bối cảnh Hà Lan đầu thế kỷ 19, Câu chuyện về lưỡi trượt băng bạc kể về cuộc đời cậu bé Hans Brinker, tuy sinh ra và lớn lên trong nghèo khó nhưng luôn giữ vững sự trung thực, tấm lòng ngay thẳng, sự tốt bụng và danh dự của tuổi trẻ theo cách mà ít ai có thể đạt được.
Được xuất bản lần đầu năm 1865, cuốn sách đã khiến biết bao thế hệ thanh thiếu niên say mê trong suốt hơn một trăm năm mươi năm qua. Câu chuyện không chỉ về một Hans Brinker trung thực mà còn đại diện cho cả một thế hệ trẻ người Hà Lan với tấm lòng bác ái, sự tốt bụng bao la đã giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh tìm thấy được hạnh phúc đích thực mà họ xứng đáng được nhận.
***
Mary Mapes Dodge (1831 - 1905) là một tác giả sách thiếu nhi và biên tập viên người Mỹ. Ngay từ thuở nhỏ, bà đã nhận được một nền giáo dục tốt từ gia sư riêng. Ở tuổi trưởng thành, Mary rất thành công ở vị trí biên tập viên đồng thời quản lý điều hành nhiều tạp chí lớn. Bà đã thuyết phục được nhiều nhà văn vĩ đại trên thế giới đóng góp cho tạp chí thiếu nhi của mình như Mark Twain, Louisa May Alcott, Robert Louis Stevenson, Tennyson, Longfellow, Bryant, Holmes, Bret Harte, John Hay, Charles Dudley Warner, Elizabeth Stuart Phelp…
Câu chuyện về lưỡi trượt băng bạc trở thành cuốn sách bán chạy nhất ngay khi được xuất bản và sớm được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan, tiếng Nga và tiếng Ý. Viện hàn lâm Pháp đã trao tặng cuốn tiểu thuyết giải thưởng Montyon.
***
Review sách Câu Chuyện Về Lưỡi Trượt Băng Bạc
Khanh Dang đã review 23 tháng 4, 2020
Câu chuyện về lưỡi trượt băng bạc vừa là một câu chuyện ấm áp giữa băng tuyết giá lạnh vừa là một cẩm nang du lịch, là một bách khoa thư về đất nước Hà Lan xinh đẹp. Đất nước Hà Lan có độ cao thấp hơn mực nước biển, nổi tiếng với những lằn đê kiên cố, vững chắc, nổi tiếng với những “gã khổng lồ” cối xay gió, chắc hẳn ai cũng đã biết. Còn có bao nhiêu những nét đẹp, phong tục, tập quán của con người, của các miền đất, của nghệ thuật, văn hóa Hà Lan mà ta chưa khám phá… Câu chuyện về lưỡi trượt bằng bạc sẽ giúp người đọc khám phá ngọn nguồn thông qua câu chuyện phiêu lưu đặc biết thú vị của những chàng trai trẻ, và phần này, có lẽ chiếm hơn 1 nửa nội dung của cuốn sách. Lối viết miêu tả đẹp, bay cũng những câu chuyện, thông tin thú vị đã khiến cuốn sách trở lên thật sống động.
Ở phần còn lại của câu chuyện, được coi là trung tâm của cuốn sách, ta bắt gặp một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, đẹp đẽ và ấm áp. Trong ngôi nhà xiêu vẹo kia, nơi trước kia trong veo, rạng rỡ tiếng cười, giờ ảm đạm và u buồn bởi bệnh tật của người cha và cái nghèo đói đeo đẳng. Sáng lấp lánh trong túp lều đó là một trái tim người mẹ cao cả, là sự hiếu thảo, tình cảm mến thương của 2 anh em. Chúng vui thích trượt băng bằng cái lưỡi gỗ tự tạo và mơ về đôi lưỡi trượt bằng bạc, quà tặng cho cuộc đua trượt băng sắp tới. Câu chuyện ngây thơ và đẹp đẽ về những đứa trẻ, sự diệu kỳ của tình yêu thương và cả của phép màu đã làm bừng lên sức sống, đem đến cái kết vẹn tròn.
Hai phần truyện bổ trợ cho nhau để tạo thành một cuốn sách mới lạ và hấp dẫn./.
***
Review sách Câu Chuyện Về Lưỡi Trượt Băng Bạc
Binh Boog đã review 14 tháng 8, 2019
Khi đọc xong quyển này Boog đã không ngần ngại nhắn tin cho bạn bảo quyển này hay thế. Một câu chuyện thật đẹp, tình cảm, cảm động, nhân văn, đáng yêu. Đây là sách văn học thiếu nhi mà Boog đề cử nha.
Sau khi trộm mộ ở dưới hàng trăm thước đất thì một phát Boog sang tận đất nước Hà Lan xa xôi luôn. Hà Lan trong câu chuyện này ở vào giai đoạn đầu thế kỷ 19.
Chắc hẳn ai cũng biết Hà Lan là đất nước có phần lớn diện tích thấp hơn mặt nước biển nên được bao bọc bởi những con đê chắn sóng biển. Nhưng nguy cơ ngập lụt khi vỡ đê cũng rất nguy hiểm. Là đất nước nhiều nước nhưng lại thiếu nước. Bởi nước biển mặn thì nhiều nhưng nước ngọt thì lại vô cùng khan hiếm. Ngoài những chiếc cối xay gió vĩ đại được tận dụng vào nhiều việc hữu ích thì Hà Lan còn là đất nước với nhiều điều thú vị. Tác phẩm nhỏ này là sự kết hợp giữa một cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch và sự hấp dẫn của một câu chuyện cổ địa phương.
Có thể nói Boog như lạc vào khung cảnh đẹp đẽ của đất nước Hà Lan trong câu chuyện. Đọc xong cũng muốn đến thăm đất nước xinh đẹp này luôn. Vốn thích tuyết, ao ước một lần được chạm vào những bông tuyết trắng xốp lạnh giá, được ngắm khung cảnh trắng xoá, mênh mông bao la của tuyết Boog càng yêu khung cảnh trong câu chuyện này. Càng yêu cảnh nhộn nhịp, vui vẻ, những khuôn mặt ửng hồng của các cô bé cậu bé háo hức, hứng khởi trong ngày vui thi thố trượt băng.
Boog càng yêu hơn những con người cần cù lao động, chân chất, tốt bụng cùng tinh thần đoàn kết gắn bó, yêu nước của con người đất nước Hà Lan.
Boog thật sự rất yêu cậu bé Hans Briker. Cậu sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó. Sống trong căn nhà lụp xụp. Hai anh em luôn sống trong cảnh thiếu thốn, quần áo không đủ ấm, luôn có những mảnh vá. Gia cảnh cậu càng trở nên khó khăn hơn khi ba cậu trong một lần ngăn đê chắn biển bị tai nạn. Từ một lao động chính ông lại trở thành một người ngớ ngẩn, thành nỗi lo cho gia đình. Nhưng cậu bé Hans thật dũng cảm. Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cậu luôn hiếu thảo, yêu thương chăm sóc người em. Cậu luôn ngay thẳng, trung thực, tốt bụng với mọi người. Boog thực sự rất thương cậu bé khi cậu phải bán đi lưỡi trượt yêu thích của mình ngay khi ngày thi trượt băng gần kề để mua đồ bồi dưỡng cho cha.
Boog cũng sung sướng hân hoan cùng cậu bé Hans khi cha cậu sau 10 năm trời ngớ ngẩn, mất trí nhớ như một phép màu đã được vị bác sĩ tuy có vẻ khó gần nhưng tốt bụng đã phẫu thuật giúp cha cậu phục hồi sức khoẻ. Càng vui mừng khi số tiền tiết kiệm của cha mẹ cậu tưởng chừng bị mất sau 10 năm cũng đã
tìm lại được, giúp nhà cậu bớt khó khăn phần nào. Trong căn nhà nhỏ bé của Hans luôn ngập tràn tình thương yêu.
Boog càng yêu cậu bé tốt bụng hơn khi trong cuộc thi đã nhường dây dày trượt băng của mình cho bạn, góp phần giúp
bạn chiến thắng trong cuộc thi trượt băng. Và còn rất nhiều, rất nhiều những tấm lòng bác ái, sự tốt bụng bao la đã giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh tìm thấy được hạnh phúc đích thực mà họ xứng đáng được hưởng.
Cảm động và cực kỳ nhân văn nhất là đoạn kết thực sự hạnh phúc, tốt đẹp của câu chuyện. Boog tin vào sự bác ái, tốt bụng, nhân hậu sẽ được đền đáp trong cuộc sống.
Nếu hiểu biết về đất nước Hà Lan thì bạn sẽ dễ cảm nhận về đoạn miêu tả khung cảnh cũng như lịch sử hào hùng của dân tộc Hà Lan của tác giả. Tuy nhiên vì sự hiểu biết có hạn nên đoạn đó hơi khó cảm nhận đối với Boog. Chính dịch giả cũng than rằng quyển này thật sự khó dịch nhất là đoạn đó. Tuy nhiên Boog lại biết thêm nhiều điều về đất nước Hà Lan xinh đẹp trong tác phẩm này.
Có lẽ cũng nhờ sự cố gắng của dịch giả đã đem lại một tác phẩm đẹp, tình cảm, đáng yêu vì Boog đọc thấy mượt, dễ đọc, không có trúc trắc gì cả.
Boog đề cử quyển này cho bạn nào thích văn học thiếu nhi nha.
***
Tác phẩm nhỏ này là sự kết hợp giữa một cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch và sự hấp dẫn của một câu chuyện cổ địa phương. Trải đều khắp các trang sách là những dòng mô tả con người Hà Lan, phong tục tập quán và những đức tính chung của họ được nhìn nhận qua lăng kính chân thực. Nhiều sự kiện trong đây được lấy cảm hứng từ thực tiễn, câu chuyện của Raff Brinker cũng được xây dựng gần sát dựa trên sự kiện có thực.
Vốn hiểu biết của tôi có chút hạn hẹp về những tác gia nổi tiếng viết về lịch sử Hà Lan, cả nền văn học và nghệ thuật của họ, thế nên tôi chân thành biết ơn những người bạn Hà Lan của mình, với lòng nhiệt tình vô hạn, đã thay tôi tìm hiểu về hình ảnh quê hương của họ hai chục năm về trước, ngày mà mái nhà của Brinker vẫn còn đứng khép nép dưới ánh nắng và trong bóng tối.
Hy vọng lời nói đầu ngắn gọn này sẽ đưa đến cho các bạn độc giả trẻ tuổi hình ảnh chân thực nhất về tài nguyên và đất nước Hà Lan, tái hiện lại chân thực những người dân chất phác và cuộc sống hàng ngày của họ, thoát khỏi những định kiến xưa cũ, hiểu về những con người đáng quý và tài ba như họ. Nếu được vậy thì tôi đã đạt được mục đích chính của mình rồi.
Dù cho cuốn sách có giúp một trái tim thêm tin tưởng vào lòng tốt và tình thương của Chúa, hay hướng dẫn cho bất kỳ mảnh đời nào đang tìm lối vượt qua những khó khăn chướng ngại, sợi chỉ vàng sẽ không bao giờ bị mài mòn hay đứt đoạn, và lời nguyện cầu nơi sợi chỉ bắt đầu và kết thúc sẽ được hồi đáp.
***
Amsterdam, ngày 30 tháng 7 năm 1873
Thân gửi các cậu bé và cô bé đang ở nhà,
Giá mà các cháu có thể ở bên ta ngày hôm nay, chúng ta sẽ có khoảng thời gian vui vẻ biết bao để cùng nhau dạo quanh thành phố xinh đẹp ở đất nước Hà Lan này! Chúng ta sẽ trầm trồ ngắm nhìn những căn nhà xiêu vẹo quay lưng lại mặt phố; những chiếc gương nhỏ nghiêng nghiêng treo ngoài cửa sổ; những đôi hài gỗ và những cỗ xe chó kéo; những chiếc cối xay gió ở tận phía xa bên cạnh nhà kho lớn; những con kênh mang cả hai nhiệm vụ: vừa là con sông với dòng chảy hiền hòa, lại vừa là con đường giao thông qua lại; những hàng cây và cột buồm xen lẫn nhau có thể trông thấy được từ mọi hướng. Ôi, sẽ thật là dễ chịu biết bao! Nhưng giờ ta đang ngồi đây, trong một khách sạn tuyệt vời, ngắm nhìn tất cả những thứ mới lạ ngoài kia, ta hiểu được rằng các cháu chẳng thể vượt ngược dòng thời gian để về đây, kể cả có được thần linh Hà Lan – một thứ toàn năng – trợ giúp đi chăng nữa. Tuy vậy, cũng là một sự thoải mái cho ta khi đi quanh thị trấn tuyệt vời ở Hà Lan này mà không có các cháu, thật đáng sợ nếu chẳng may có ai đó ngã xuống dòng kênh hay dưới những bánh xe to oành của chiếc xe ngựa kềnh càng nơi đây. Ta biết làm gì nếu có cháu nào ngã xuống bên dưới chúng chứ? Hơn nữa, lỡ may có cậu cháu nghịch ngợm nào động chân động tay vào một con cò thì sao, rồi cả đất nước Hà Lan sẽ chĩa gươm vào chúng ta mất! Không, cứ thế này là tốt nhất. Rồi thời gian trôi qua, các cháu sẽ lần lượt tự đặt chân tới đây và tự mình chứng kiến tất cả.
Hà Lan vẫn tuyệt vời như hơn hai mươi năm trước, khi Hans và Gretel còn trượt băng trên nhánh Y đóng băng. Thật ra, nó còn tuyệt vời hơn thế bởi điều kỳ diệu rằng nó ngày càng được bồi đắp thêm thay vì bị biển sóng dữ dội cuốn trôi đi mất. Các thành phố phát triển dần lên, nhiều nét đặc trưng đã biến mất khi được hội nhập với các nền văn hóa khác; nhưng Hà Lan vẫn, và sẽ mãi đầy ắp điều diệu kỳ, lòng dũng cảm và sự chăm chỉ – một đất nước nhỏ bé mà can trường nhất thế giới. Ta sẽ không kể về các phong tục, thành phố, những tòa lâu đài, những mái nhà thờ, các phòng triển lãm tranh và viện bảo tàng trong bức thư này – bởi tất cả đều hiện diện trong cuốn sách rồi – nhưng ta đảm bảo với các cháu rằng chúng vẫn ở đây thôi, đẹp đẽ như hồi năm 1873, bởi hầu như ta đã ghé thăm tất cả chỉ trong một tuần.
Hôm nay, ta cùng một cậu bé người Mỹ ghé thăm một căn nhà cổ ở khu thương nghiệp của Amsterdam, hãy đoán xem chúng ta thấy gì nào? Một bà lão bán nước nóng và lửa giữa mùa hè! Bà cụ kiếm sống bằng nghề đó. Cả ngày dài, bà ngồi trông chừng đống lửa lớn đốt bằng than bùn và giữ cho chiếc bình đồng sáng choang lúc nào cũng đầy nước nóng. Những đứa trẻ đến và đi, mang theo cái thau đá lạ mắt đựng ấm nước sôi sục cùng những mẩu than bùn cháy. Chúng đưa bà cụ một đồng Hà Lan để trả cho những thứ đó, một đồng ấy cũng chẳng bằng một nửa đồng tiền của chúng ta. Nhờ thế mà những người không thể giữ lửa cháy liên tục trong những ngày nóng nực vẫn có thể có được một cốc trà hoặc cà phê hay một chút cá hoặc khoai tây luộc bất cứ khi nào mình muốn.
Sau khỉ chúng ta tạm biệt bà cụ nhóm lửa, bà cụ cũng đã gật đầu chào lại vẻ hài lòng và nhét mấy đồng bạc được trả vào túi áo ngoài rộng thùng thình, chúng ta lái xe qua những con phố và thỏa thích ngắm nhìn ngày giặt giũ công cộng. Đúng vậy, ở một vài nơi trong thành phố, cách xa những con kênh, là những con phố hết sức nhộn nhịp với những người phụ nữ đang chăm chỉ giặt giũ. Hàng trăm người phụ nữ với những đôi giày gỗ vụng về, tà váy vấn cao, đôi tay trần cùng chiếc mũ ôm vừa khít đầu, họ cúi người trên những bồn giặt bằng gỗ cao đến ngang eo – vừa vò đồ vừa buôn chuyện, vừa giũ nước vừa buôn chuyện chẳng ngại ngần chi giữa chốn đông người, và tất cả đều giặt bằng nước lạnh chứ không dùng nước nóng như chúng ta. Sẽ tuyệt vời cho bà cụ bán lửa biết mấy nếu đột nhiên nước nóng được dùng trong những ngày giặt giũ thế này nhỉ!
Giờ thì ta phải nói lời tạm biệt thôi. Ồ! Ta còn chuyện này cần kể nữa. Hôm nay, chúng ta tìm thấy cuốn sách về Hans Brinker bằng tiếng Hà Lan trong một hiệu sách ở Amsterdam. Cuốn sách dày đến chóng mặt, được in tuyệt đẹp với những bức tranh sặc sỡ, nhưng câu từ lại đáng sửng sốt đến mức ta thật sự thấy tiếc nuối cho những đứa trẻ Hà Lan sắp đọc cuốn sách.
Tạm biệt lần nữa nhé, lần này là với một câu nói cảm động của người phiên dịch Hà Lan mà ta chắc chắn mọi người sẽ đều đồng tình: Tôi rất cảm ơn những người đồng bào đã giúp đỡ tôi thật nhiệt tình bằng thứ tình cảm mà tôi hy vọng mình hân hạnh được nhận mãi.
Thân gửi các cháu,
Tác giả
Mời các bạn đón đọc Câu Chuyện Về Lưỡi Trượt Băng Bạc của tác giả Mary Mapes Dodge & Hàn Băng Vũ (dịch).