Đã bao giờ trong cuộc sống này, chúng ta muốn bật ra một câu hỏi tan nát cõi lòng rằng, vì sao chúng ta không được yêu thương như tình yêu chúng ta đã cho đi? Có thể là câu hỏi ấu trĩ, ích kỷ, trẻ con, nông cạn, quá xấu hổ để thốt ra nhưng có lẽ nó thật sự tan nát cõi lòng khi buộc phải vang lên.
Trong Một mùa đông ở Stockholm, Agneta Pleijel có đưa ra một trích đoạn:
“NÀNG CÔNG CHÚA
bị giam trên chòi cao, nàng công chúa trên quả núi thủy tinh của mình, bị vua cha yểm bùa. Không một kẻ cầu hôn nào tìm ra lời giải cho câu đố, không một ai trong số bọn họ đưa nổi con ngựa của mình tới đỉnh những thành vách trơn nhẫy. Đó là điều mà câu chuyện kể khẳng định. Nhưng có phải nàng công chúa đã bị vua cha yểm bùa hay không? Chị không nghĩ như vậy. Cha chị là một con người tốt bụng và hiểu biết lẽ phải.”
Một câu chuyện cổ quen thuộc. Rapunzel? Cha? Hay là mẹ? Có lời yểm bùa nào cản ngăn hạnh phúc? Hay là chính chúng ta?
Khi gấp lại trang cuối cùng của Một mùa đông ở Stockholm, tôi chợt nhận ra trong cơn xao động dữ dội của lòng mình, tôi không những không rơi nước mắt mà còn mỉm cười. Tôi đã muốn kể ngay lập tức về quyển sách này cho một số người thân quen, báo cho họ biết sự tồn tại của câu chuyện trên trang giấy, những dòng chữ bộc bạch chân thành mà một phụ nữ khác đã viết nên: một vài người chị, một vài người em gái và có lẽ cả một vài người bạn gái nữa. Bởi vì họ – tất cả những người phụ nữ dịu dàng ấy – đã bị nghiền vụn trước một thế giới mà tình yêu thương giống như “thế giới bơi trong đàn cá y như đàn cá bơi trong đại dương”.
Một cuốn sách tràn đầy tính nữ. Tính nữ chảy tràn như cách Agneta Pleijei viết về nước tuyết tan tù đọng dưới những bước chân lữ khách của một mùa đông vùng cực bắc lạnh giá. Tinh khiết nhưng lần hồi bị vấy bẩn, bị khuấy lên dữ dội và tung toé nhưng chậm rãi lắng lại trong sự tĩnh lặng soi bóng bầu trời. Những người phụ nữ đã vỡ tan thành từng mảnh từ thẳm sâu đáy lòng nhưng cũng như một trò chơi xếp hình nếu nhìn quá gần hay quá xa đều không thể dễ dàng nhận ra những khớp nối hay mép viền. Mà chúng thì luôn tồn tại.
Một mùa đông ở Stockholm cũng là một tác phẩm có cấu trúc phân mảnh như vậy. Cuốn này là những mảnh vỡ, giống như pha lê, như bụi lân tinh, như những cánh hoa hồng rơi rụng, như những bông tuyết trắng rất mềm rất nhẹ. Tác phẩm đa dạng đến nỗi dưới con mắt nghiên cứu người ta có thể khảo sát nó từ nhiều góc độ phê bình khác nhau, từ phân tâm với những giấc mơ tràn đầy hình ảnh, tái dựng huyền thoại với các biểu tượng kinh điển, những câu chuyện cổ tích, v.v… đến phê bình nữ quyền với quá nhiều những thăm dò tinh tế vào địa hạt của mối quan hệ về giới. Một quyển sách mỏng giống như cánh cửa nhỏ mở vào một thế giới nội tâm trùng điệp, như chiếc hang thỏ đã dẫn bước Alice đến với Wonderland.
Nhưng từ một cách tiếp cận gần gũi hơn, đây là lời tự thuật của nhân vật nữ chính – một nhà trí thức, một giáo sư thành đạt ở độ tuổi trung niên – người đã ly hôn hai lần và có mối quan hệ tình ái với một người đàn ông đã có vợ. Cô kể về tất cả những gì cô có thể kể, dường như không theo một trật tự nào ngoài sự phức tạp ngẫu nhiên của hồi ức. Chính từ các dữ kiện và sự ngẫu nhiên sắc sảo ấy, Một mùa đông ở Stockholm vì vậy không chỉ là câu chuyện tuyến tính giả lập về một đời người. Nó chính là bản vẽ về nội hàm bên trong toà thành của một người phụ nữ. Hay nói cách khác, nó chính là chân dung đa chiều của một người nữ.
Chúng ta sẽ không chỉ thấy Agneta Pleijei tạo nên một bức tranh sống động từ câu chữ. Thay vào đó, bà đổ xuống trang giấy một làn nước lấp lánh, uốn lượn và mềm mại như cực quang Bắc cực. Làn nước ấy vừa sâu hun hút, vừa dịu dàng, ngây thơ lại có lúc hoang dại, bén nhọn, kiến tạo nên sự sống và cũng hàm chứa sức mạnh hủy hoại chính bản thân mình. Thật hiếm có một cuốn sách nào có thể đem đến nhiều sự chia sẻ chân thành đến vậy dành cho phái nữ với những đối thoại thẳng thắn về mối quan hệ trong gia đình, về cách tìm kiếm tình yêu thương. Sự thật cay đắng nhưng sự thật cần được nói ra, để hiểu với nhau rằng, chẳng có ai đơn độc. Cũng chẳng ai là có lỗi.
“MỘT TRUYỆN CỔ TÍCH
Một đứa trẻ khi mới ra đời là một cái bánh xe quay tít. Khi mọi người chất lên nó những gánh nặng, đứa bé trở thành một con lạc đà. Nó đi vào sa mạc. Ở đó nó gặp sự giận dữ của nó: đó là con sư tử. Lạc đà và sư tử giao chiến với nhau. Lạc đà chiến thắng. Đúng lúc ấy, nó bị biến trở lại thành đứa bé. Và đứa bé trở thành một cái bánh xe, xoay tròn lăn đi, tự do, trong thế giới.”
Tôi đã tự hỏi, nếu con sư tử chiến thắng thì sao? Nhưng rồi tôi đã hiểu, chiến thắng đi kèm thất bại và thất bại cũng quan trọng như chiến thắng vậy, bởi vì đó chính là kết quả. Cuộc sống này quan trọng chính vì nó sẽ có và cần có điểm kết thúc.
Chúng ta, là những con lạc đà, khuân trên lưng nỗi đau của tình thương, một món nợ truyền đời, chạy qua chạy lại trên sa mạc, đánh nhau với sư tử, “dọn cho mọi người thịt của chính mình để cho họ ăn chán ăn chê”. Nhưng “nỗi đau là cá thể”.
Và rốt cuộc thì, người ta phải học cách thua trước cuộc đời để được tự do.
Chiễm Phong (c) ReadingCafe.wordpress.com
***
Nguyên Nguyên's review Dec 09, 2016
Một quyển nhật ký, chính xác là vậy.
Tôi vẫn chưa định hình hoàn toàn cảm xúc của mình sau khi đọc về cuộc đời người phụ nữ ấy.
Những câu chữ nhẹ nhàng, lơ lửng, trôi đi nhanh chóng như 1 dòng nước uốn lượn, quanh co có khi rối tung ở 1 chỗ, tưởng như phập, lụa đứt.
Một mùa đông u ám ở Stockholm, cùng với 1 nỗi lòng cũng đầy rẫy những vết nứt tưởng chừng chẳng bao giờ có thể lấp lại.
"Một đứa trẻ khi mới ra đời là một cái bánh xe quay tít. Khi mọi người chất lên nó những gánh nặng, đứa bé trở thành một con lạc đà. Nó đi vào sa mạc. Ở đó nó gặp sự giận dữ của nó: đó là con sư tử. Lạc đà và sư tử giao chiến với nhau. Lạc đà chiến thắng. Đúng lúc ấy, nó bị biến trở lại thành đứa bé. Và đứa bé trở thành một cái bánh xe, xoay tròn lăn đi, tự do, trong thế giới.”
Đứa trẻ ấy bị đè lên vai với cảm xúc của quá nhiều người, oằn mình chịu đựng làm sao cho vừa lòng tất cả. Một gia đình tan vỡ, những vết nứt sâu không thấy đáy. Mà họ, lại đổ nỗi đau ấy lên 1 đứa bé quá đỗi tinh linh. Một đứa bé mang trong mình tình thương vô tận, để rồi nó cứ đi phân phát chỉ hi vọng cũng nhận lấy 1 chút gì đó yêu thương.
Nhưng cuối cùng nhận lại, là sự phản bội, khinh thường, giận dữ, xấu xa.
Tôi lúc trước, vẫn luôn sợ hãi cái cảm giác mình cho đi quá nhiều nhưng người khác lại không thật lòng với mình. Đó là 1 sự đáng sợ, sợ hãi lòng tin bị vùi dập, sợ hãi không vừa lòng, sợ bản thân mình là 1 cái gì đó sai trái.
ừ, chị ấy cũng vậy, cũng phải chịu sự đè nén tâm hồn như vậy.
Tôi cứ nghĩ cái kết sẽ khác. Nhưng không, kết rẽ theo chiều hướng bất ngờ. Nhưng mà nghĩ lại, chính như thế mới đúng, tự do lòng, tự do thân thể, mới là hạnh phúc đích thực.
***
Cái tên ấy nghe thật khác lạ ở miệng anh: êm ái hơn, nhẵn nhụi hơn. Lưỡi anh trượt qua những phụ âm chướng ngại, quyện các nguyên âm lại với nhau, trơn tuột như gió lùa qua các cây hạt dẻ. Sau này, khi còn một mình, chị thử lặp lại cách anh đọc tên thành phố đó mà không được. Cả cái tên lẫn thành phố làm chị sợ:
SARAJEVO
Xe buýt ở Stockholm phô ra ghê sợ hình ảnh những đàn ông đàn bà trong cảnh cùng quẫn, những đứa trẻ với ánh mắt tố cáo, và bên dưới là một tài khoản ngân hàng viết bằng những con số lớn, đen sẫm: đó là lời kêu gọi cứu trợ. Hai người đi sang bên kia đường; anh đưa tay che mặt. Anh bảo không thể tưởng tượng được là những hình ảnh nói lên sự khủng khiếp của nạn đói trong thế giới thứ ba kia lại là đến từ chính nước anh. Anh đã nói như vậy: “Đất nước tôi”. Tháng Mười một, tuyết trên hè tan ra bẩn thỉu, xe buýt làm bắn nước lên gấu quần, lên giày khách qua đường. Hai người đi đến chân ngôi nhà nơi anh vẫn ngồi viết, nằm trong khu Vasastan, mé thành phố mà chị rất ít khi lui tới. Gian phòng lạnh lẽo. Mùi khói thuốc phảng phất, lửng lơ, đọng lại. Bên cạnh ghế là một lò sưởi điện. Trên bàn, một chiếc máy xử lý văn bản anh mượn của ai đó, một máy in và một máy fax kiểu cổ. Trên gờ cửa sổ, một chiếc máy cát-xét nhỏ và tiếng đàn viôlôngxen. Nhạc Bach qua tiếng đàn Pablo Casals. Những cát-xét này anh mang từ nhà đến: tôi cần nghe thứ nhạc này khi suy nghĩ. Dải giấy từ chiếc máy in chạy ra. Anh đi lại trong phòng, tay đút túi, vẻ bồn chồn, chị cảm thấy thế. Vậy là chị đã khá hiểu anh để có thể cảm thấy nỗi lo âu đó.
STOCKHOLM THÁNG MƯỜI MỘT:
Một thành phố bắc cực trôi giạt, bầu trời xám nâu, những ngôi nhà nghiêng ngả từ từ lún xuống và mất hút dưới mặt đất. Một vầng đỏ lựng loé lên nhoáng một cái trong cái hẽm giữa mầu đen của mặt đất và mầu đen của bầu trời. Ánh đèn nê-ông nhợt nhạt bên kia cửa kính xe buýt như những lời kêu cứu bi ai. Stockholm tháng Mười một thật khó tả, một tấm khăn liệm quắng vào mùa đông.
I HAVE BEEN CALLING FOR MORE THAN ANHOUR…[1]
Điện thoại chắc đã đổ chuông lâu rồi chị mới nghe thấy và chạy vội đến trả lời, vấp cả vào dây cắm của chiếc máy hút bụi, rồi vào mấy thùng bìa, chồng sách, đôi ván trượt tuyết, gậy hốc-cây, những quả bóng đá, chồng đĩa hát, túi quần áo, đống báo, tất cả những thứ lỉnh kỉnh chị đã lôi ra từ trong tủ, mắc áo, ngăn kéo. Chị rủa to. Bên ngoài, trời đen kịt. Nhưng căn phòng tràn ngập ánh sáng. Thế lại tốt. Rất sáng, các ngọn đèn đều được bật lên hết. Thoạt tiên, chị không nhận ra ai gọi. Một giọng lạ.
BUT IT’S ME! [2]
Chị lấy chân đẩy một thùng bìa sang một bên, lấy ra từ đống lộn xộn một chiếc ghế đẩu rồi ngồi xuống. Nhận được một cuộc điện thoại của ai đó sau bao nhiêu năm trời không gặp mặt. Ai đó mà ta không còn nghĩ được nghe lại tiếng nói trên cõi đời này. Đúng thế, chị đã nói chuyện điện thoại lâu, dễ đến một tiếng đồng hồ. Sau đấy, chị cho chạy máy hút bụi. Anh làm gì ở Stockholm, anh đã nhập cư rồi ư? Anh giễu cợt sự bối rối của chị. Không đâu, anh không nhập cư vào đây. Mấy gã kiểm tra hộ chiếu đã rất cảnh giác khi anh đặt chân tới Thụy Điển, họ đã xem xét giấy tờ của anh rất kỹ và hỏi anh rất nhiều. Trong khi anh nói, chị thấy gương mặt anh hiện lên dần dần, như một bức ảnh hiện dần lên trong khay thuốc hiện hình: đôi mắt trong, có lẽ là mầu xám, chị không nhớ nữa, vành môi sắc nét, khóe miệng nhục cảm hoặc giễu cợt; chị đã sống qua một đêm với người đàn ông này, lâu lắm rồi. Từ bao nhiêu năm nay rồi? Mười một năm, anh nói thế.
PHI TRƯỜNG SKOPJE.
Có ai đó, một trong những người chủ trì hội nghị, đã đưa chị ra đấy, hôn lên má chị và trao cho chị một món quà kỷ niệm: một chiếc lọ gốm nhỏ quai khum khum. Qua cửa kiểm soát hộ chiếu xong, chị dựa lưng vào tường nhìn những hành khách khác, khuỷu tay tì lên lan can sắt chạy xung quanh phòng đợi. Nóng ngột ngạt. Nhiều người lao động nhập cư trở lại sau một chuyến về thăm quê hương; hành lý gồm nào là túi xách, thùng bìa, một số ngồi bệt xuống đất, ghế nào cũng có người ngồi cả rồi. Bên kia những tấm kính bụi bậm, có thể thấy cây cối khô cằn, kiệt quệ vì nóng, rễ cây khẳng khiu. Skopje đấy: chị còn nhớ những bài báo đăng sau ngày động đất năm 1963, hình ảnh những đống gạch đổ nát, những con người vô gia cư, những xác chết. Thành phố bị tàn phá trong vài giây đồng hồ. Giờ đây, người ta đã xây dựng lại rồi. Hiện đại, với những khu chung cư rẻ tiền sơn trắng kiểu trại lính. Chị đến từ Struga, nơi diễn ra hội nghị: một khách sạn rộng mênh mông; các nhà thơ từ khắp thế giới đến ngâm thơ vào ban tối, giữa quầng sáng của những ngọn đèn rọi, trên một chiếc cầu bắc ngang giữa sông. Người dân trong vùng, đàn ông lẫn đàn bà, đến nghe thơ, nằm ngồi ngoài bãi cỏ trên bờ sông cao trong đêm tối. Chị cũng vậy, ngồi trên một mảnh báo gấp lại, hai tay bó lấy gối, nghe được cả tiếng nước róc rách, để mặc cho ý nghĩ lang thang và thử nghe hiểu mấy từ tiếng nước ngoài trong lúc lời dịch song song vang lên trong loa phóng thanh.
MƯỜI MỘT NĂM TRƯỚC.
Tuy mọi người có hơi bị mê muội vì cái nóng và rượu vang, người ta vẫn nói chuyện không ngớt xung quanh những chiếc bàn gỗ dưới những vòm cây lớn; tiếng nói cứ rì rào, bay lên trời. Những ngôn ngữ thiểu số là những cái túi ký ức của nhân loại, một vị giáo sư ở Ljublijana đã nói vậy khi so sánh một cách bóng bẩy với đặc điểm địa lý của nơi họ đang ở, cách hồ Ohrid không xa, một trong những vùng trũng nhất thế giới, dấu vết của biển Egée từ thế mioxen muộn, với những chi lưu ngầm trong lòng đất và hệ động vật biển duy nhất của nó: một cái nôi cho những mô hình tiếp hợp nguyên thủy của tự nhiên. Một hôm, cảm thấy cần yên tĩnh, chị đã trốn đi và một mình đi xe ô tô đến tận Ohrid, một thành phố đẹp mà chị nghĩ có lẽ chị sẽ muốn trở lại sau này; những bậc thang dốc đứng bằng đá, những ngôi nhà trắng nhỏ xíu nằm giữa những bụi cây nhỏ tỏa hương từ những bông hoa đỏ và trắng, và ở mé dưới rất xa là mặt hồ xanh thẳm lặng như tờ. Chị đã đến thăm một bảo tàng sàn nhà đen xỉn, trên tường trang trí đầy tranh và tượng thánh: những con mắt u tối với cái nhìn soi mói, bàn tay giơ lên trong một động tác tiêu biểu, ngón giữa và ngón cái chạm vào nhau; có một con bướm vàng bay lạc vào giữa những bức tranh, ở mảnh sân có những chiếc bàn trống trơ, trước một bục biểu diễn bỏ không, chị đã uống một ly rượu vang trắng. Trời ngả về chiều, bóng đổ dài. Vài ba đứa trẻ chơi đá bóng, gió nhè nhẹ thổi, thật dễ chịu.
…
Mời các bạn đón đọc Một Mùa Đông Ở Stockholm của tác giả Agneta Pleijel & Hoàng Cường (dịch).