Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Một Gánh Xiếc Qua

Đó là một câu chuyện có thể khiến độc giả đọc xong không nhớ được tên nhân vật. Cũng như, các tiểu thuyết của Patrick Modiano không bao giờ đòi hỏi người đọc quá nhiều, ngược lại, chúng mang lại cả một thế giới huyền hoặc và tinh tế của tuổi trẻ, với nỗi hoang mang, kèm theo đó là lòng can đảm, những nỗi đau, và cả niềm hân hoan tràn ngập. Đến cả nỗi buồn, trong văn chương của Modiano, lúc nào cũng như thể sắp nhẹ nhõm bay đi.

Một gánh xiếc qua giống như một chương đặc biệt của bản nhạc dài bao gồm cả Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối và Từ thăm thẳm lãng quên. Một bản nhạc đặc biệt da diết, như để nói lên một điều: Dẫu ở độ tuổi nào, bao giờ người ta cũng quá trẻ khi sống ở Paris.

***

Trước khi bắt đầu đọc Một gánh xiếc qua thì mình đã từng xem trước một số bài đánh giá và cảm nhận về tác phẩm này, vì “đọc sách Modiano để trở thành chúa tể” chứng tỏ những cuốn sách này sẽ rất khó nhai. Thật may trí nhớ hạn hẹp của mình đã không phá hỏng trải nghiệm với Một gánh xiếc qua, ngược lại những thông tin mà mình nhớ được từ các bài review đã giúp mình hiểu được một số chi tiết trong truyện, cũng như tự nghiệm thêm một số thứ mà có lẽ phải nhiều ngày sau mình mới nhận ra được. Bài viết này là những cảm nhận đầu tiên của mình nên sẽ còn thiếu sót. Một ngày nào đó mình sẽ viết một bài cảm nhận đầy đủ hơn, chắc vậy.
Một gánh xiếc đã qua có một câu chuyện đơn giản đến mức làm người đọc cảm thấy khó hiểu vì sao nó có thể tối giản như thế. Cuốn sách là một bản thuật lại diễn biến một chuyện tình xảy ra trong năm ngày liên tục từ một ngày thứ 5 của tháng 11 năm 1963 ở thành phố Paris. Cực kỳ đơn giản, nhưng cũng cực kỳ khó hiểu. Ta hiểu đơn giản đây là một chuyện tình, nhưng khó hiểu vì sao chuyện tình xảy đến quá nhanh và kết thúc cũng rất nhanh. Ta biết đơn giản đây là mối tình chân thành Obligado và Gisele, nhưng rồi sẽ cảm thấy khó hiểu vì trong những lời nói dối liệu họ có thật sự yêu nhau không. Ta đọc cái kết đơn giản nhưng cũng đầy chóng vánh sau 162 trang giấy, và khi suy ngẫm hồi lâu, một loạt câu hỏi sẽ đổ ra vì cái kết quá đỗi đơn giản như thế. Chúng ta được nghe Obligado kể về mối tình năm ngày của anh với Gisele, một cô gái xinh đẹp với quá khứ bí ẩn và sự chuẩn bị cho cuộc đời mới ở Rome. Nàng sẽ dẫn Obligado và người đọc tới một loạt các câu hỏi về thân phận thực sự của nàng, rồi nàng đưa chúng ta gặp gỡ những con người bí ẩn và một loạt câu hỏi khác. Thoạt tiên, ta sẽ tưởng tác giả đang sử dụng cốt truyện đơn giản kia để che lấp hành trình truy tìm danh tính thật sự của Gisele, nhưng khi tất cả sự thật sắp hiện ra trước mắt, bạn nhận ra dòng chữ kết thúc cho mối tình và cả cuốn sách đã hiện lên trước mắt bạn rồi.
Vậy mục đích của tác giả là gì? Patrick Modiano chỉ muốn hé lộ chút thông tin về quá khứ của Gisele, hay tìm cách làm độc giả bàng hoàng và bất ngờ khó tả, hay chỉ đang mượn tay Obligado để kể cho chúng ta nghe một câu chuyện vỏn vẹn 160 trang sách? Chẳng ai biết được ý đồ của tác giả, và có khi chính ông cũng không xác định được ý đồ thật sự của mình là gì. Tác giả bày ra một mê cung với điểm đầu là văn phòng cảnh sát nơi Obligado và Gisele lần đầu gặp nhau, đường đi là năm ngày diễn ra chuyện tình, và điểm cuối ở khách sạn khi cuốn sách kết thúc. Nhiệm vụ của người đọc là băng qua mê cung do Patrick Modiano bày ra kia bằng mọi con đường có trong mê cung. Con đường người đọc đã chọn chính là cách hiểu của họ về cuốn sách, hay chính là cách hiểu về năm ngày diễn ra chuyện tình kia. Năm ngày của Obligado và Gisele về cơ bản là năm ngày của tình yêu, nhưng người đọc chúng ta có thể nhìn ra đó là năm ngày thay đổi trong tâm hồn của hai nhân vật, hoặc năm ngày để Obligado tiếp tục sống ở thành phố anh từng có ý định rời đi, hoặc năm ngày một cô gái điếm như Gisele thực sự được biết hai chữ hạnh phúc. Một gánh xiếc qua hay ở chỗ đó. Sự đơn giản trong cốt truyện là yếu tố để độc giả “phức tạp hoá” mọi thứ theo cách hiểu của họ. Sẽ không có một motif chung để review cuốn sách này, vì mỗi người chúng ta có một con đường riêng để truy tìm ý nghĩa ẩn sâu trong cái mê cung mà Patrick Modiano đã bày ra.
Nhưng mê cung của Patrick Modiano thật quá ngắn. Vào cái lúc cao trào và mọi dự định về một cuộc sống mới sắp được thực hiện thì bùm, câu chuyện kết thúc. Câu chuyện diễn ra quá nhanh và kết thúc cũng thật quá nhanh. Những dòng chữ cuối cùng khiến cho độc giả bị ứ nghẹn bởi thứ cảm xúc khó tả và sự ngạc nhiên vô cùng. Mình sẽ không viết dòng chữ đó ở đây vì đây là chi tiết làm bùng nổ cảm xúc nhất, ít nhất với mình là vậy. Mình chỉ dám tiết lộ đây là một kết thúc không có hậu, một bad ending. Gisele đã rời khỏi cuộc tình năm ngày, để lại trong Obligado tới cả chục năm sau những ký ức tươi đẹp và rõ ràng đến nỗi anh có thể kể lại toàn bộ diễn biến và nội tâm của anh như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Còn với người đọc, ngay cả những người đa cảm nhất cũng không thể rơi được một giọt nước mắt ngay khi họ đọc đến cuối truyện, vì câu chuyện đã kết thúc trước khi họ được chứng kiến một chuyện tình viên mãn. Thật sự quá đột ngột, và ta sẽ liên tục hỏi Patrick Modiano “Ông có nhất thiết phải làm như vậy không?”. Patrick Modiano xây dựng một chuyện tình đẹp đẽ giữa hai con người xa lạ ở Paris, ông để kế hoạch trong sang Rome tiến triển thật thuận lợi, và chỉ một chút nữa thôi, Obligado và Gisele có thể cùng nhau lên đường tiến về cuộc sống mới ở thành Rome lộng lẫy. Và rồi Patrick Modiano bóp vụn nó, chỉ trước lúc khởi hành độ 10 phút.
Nhưng đó chính là cái tài kể chuyện của Patrick Modiano. Rất nhiều lần trong cuốn sách này Obligado đã tự hỏi và lo lắng Gisele “sẽ biến mất và để lại tôi với cái xe vô tích sự này”. Tác giả dùng những ý nghĩ và cảm xúc của Obligado để người đọc chúng ta cũng cảm thấy tò mò về thân phận bí ẩn của Gisele, e ngại về những người bạn và khoản tiền kỳ lạ trong một căn nhà cũ, lo lắng mỗi khi nàng biến mất trong một góc phố hay một tòa nhà. Đặc biệt nhất là ông sử dụng Obligado của hàng chục năm sau để kể về mối tình năm ngày. Điều đó có ý nghĩa gì? Vì những lời bộc bạch của Obligado trưởng thành trong lúc xen kẽ với lúc Obligado 18 tuổi cho ta biết rằng Gisele bằng một cách nào đó sẽ rời khỏi cuộc tình và từ bỏ kế hoạch trốn thoát tới Rome, để lại một Obligado có thể “òa khóc nức nở một cách ngu xuẩn” khi có người vô tình hỏi “Thế anh vẫn còn gặp cô gái đấy chứ?”. Patrick Modiano nhá trước cho chúng ta một cái kết không mấy tốt đẹp, ông lại lồng thêm cảm giác nơm nớp và sợ sệt một lúc nào đó Gisele sẽ rời đi mất, và rồi tự hỏi nàng có thật sự yêu Obligado hay không. Để rồi khi chúng ta đọc đến những con chữ cuối cùng của cuốn sách, ta mới biết lý do cặp đôi chia lìa và câu trả lời cho nỗi băn khoăn khi nãy. Thế đấy, chúng ta đã sập vào cái bẫy của Patrick Modiano. Cái bẫy của ông tài tình tới mức người đọc cứ đi thẳng vào nó, và họ sẽ chẳng biết mình đang kẹt trong một cái bẫy nếu cuốn sách của họ nằm phủ bụi sau lần đầu đọc đầu tiên.
Tuy thế, đây mới chỉ là bề nổi của Một gánh xiếc qua. Một gánh xiếc qua là một mê cung được tạo bởi kiến trúc xư tài ba Patrick Modiano. Ông tạo dựng một cốt truyện đơn giản đến khó tin bằng những con chữ đen cỡ 14, để khỏa lấp hàng tầng ý nghĩa ẩn sau cuộc tình ngắn ngủi kia. Đó là mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là lý do để Obligado ở lại Paris thay vì trốn tránh quá khứ như cha mẹ; là cái tên thực sự của Obligado và Gisele. Nếu mình còn viết tiếp thì đây sẽ là một bài phân tích chứ không phải là một bài review nữa. Bề sâu của tác phẩm, tốt hơn hết các bạn hãy nên tự khám phá để tìm ra ý nghĩa thực sự mà tác phẩm dành cho bạn. Vả lại, tự tay cầm lên cuốn truyện và thưởng thức nó đến trang cuối cùng mà không biết trước điều gì đang chờ đợi vẫn là cách cảm thụ hay hơn cả. Bài review này chỉ đóng vai trò giúp các bạn xác định được phương hướng khi bước vào mê cung của Patrick Modiano, để các bạn không bị mắc vào cái bẫy vô hình ông đặt ra trước mắt. Và mình tin rằng, sau khi đọc hết 160 trang giấy kia, các bạn sẽ tự mình tìm được ý nghĩa riêng của tác phẩm với bản thân mình mà không phải theo một khuôn mẫu nào. Vì đó là cái tài của Patrick Modiano: tạo ra một cuốn sách giản đơn để độc giả tự bồi đắp cho chính cuốn sách bằng những suy nghĩ của họ.
Đánh giá: 10/10. Tuyệt phẩm của nền văn học hiện đại.

***

Cái tên ấy vô cùng lạ lẫm với đại đa số độc giả ngoài biên giới nước Pháp. Năm ấy, người ta hướng về Svetlana Alexievich, đợi cái tên Murakami Haruki được xướng lên, nhiều hơn là một nhà văn “ít tên tuổi”. Cứ như thể từ thinh không, Modiano xuất hiện, và ngay giây phút “ra đời” ấy, ông đã sừng sững bước lên bậc đá chỉ dành cho những người vĩ đại nhất. Tờ Telegraph trong một bài viết về ông thậm chí đã giật tít thế này: “Patrick Modiano - Chủ nhân giải Nobel Văn học, mà chúng ta chưa ai từng đọc tới”. Dĩ nhiên, đó chỉ là cách nói phóng đại mà nhà báo vui tính người Anh nào đã tạo nên. Nhưng quả thực, trước cái ngày định mệnh ấy, nhà văn của kinh đô ánh sáng Paris hầu như không để lại chút tiếng tăm nào vượt qua mảnh đất mình sinh ra. Ngay cả trong nước Pháp, ông cũng sống như một ẩn sĩ của làng văn, chẳng màng danh lợi, trốn tránh truyền thông.

Dẫu vậy, không ai phải tranh cãi nhau về giải thưởng này, khác với những giải Nobel được trao cho Elfriede Jelinek hay Mạc Ngôn - những nhà văn nổi tiếng hơn ông rất nhiều. Văn chương của ông ngay lập tức được chú ý sau đó, và dĩ nhiên, dễ dàng hạ gục mọi người đọc còn đương nghi ngờ. Dù hiểu thế giới của ông hay không, dù yêu thích không khí Paris trong văn ông hay không thì tất cả đều đồng ý một điều, rằng: Ông xứng đáng là một cây bút ăn giải Nobel. Không cần phải được rọi sáng dưới ánh đa sắc lộng lẫy, bản thân những trang văn giản dị và ngắn ngọn của Modiano đã tiềm tàng sức hút ghê gớm đầy lạ kì. Những tác phẩm của ông là bài ca của nỗi buồn da diết, của những ẩn ức quá khứ bất tử, của những băn khoăn mông lung về bản thể thực sự của một con người. Khi lạc vào văn chương Modiano, ta sẽ bị cái khoảng không nhẹ bẫng, mơ hồ, tinh tế với những nhân dạng nhờ nhợ mắc kẹt trong những tình huống kì lạ - mà người ta gọi là Modianesque, cuốn lấy. Và khi ta gập trang sách cuối cùng và ngơ ngẩn ngước về thinh không, sẽ chỉ còn nỗi buồn ngân vang dừng lại trong tâm trí.

Di sản của ông để lại phần lớn là những tác phẩm chỉ dài hai trăm trang sách trở lại. Thoạt đầu, ta ngỡ rằng rất nhiều cuốn giống nhau, là sự lặp lại nhau. Những suy nghĩ ấy thực ngây thơ, bởi văn của ông nói nhiều hơn độ dài của nó, những câu chuyện của ông đan xen lấy nhau, nhưng không hòa tan vào nhau mà mỗi câu chuyện là một mảnh ghép tạo nên vương quốc của kí ức. Giống như trò chơi Trí Uẩn, với bảy mảnh ghép mà thôi, ta có thể dệt nên cả thế giới. Trong ấy, có một bộ ba “na ná” nhau hơn cả, ba trường đoạn của một bản trường ca. Đó là cuốn “Một gánh xiếc qua”, “Từ thăm thẳm lãng quên” và “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”. Đó là những khúc ca Patrick Modiano dành cho Paris hoa lệ mà ông đã mắc kẹt trong nó như một tù nhân, dành cho những cuộc tình say đắm, và đặc biệt, dành cho những người trẻ đang sống mà chẳng thực sống. Nhưng hãy khoan đi đến hai tác phẩm phía sau, hôm nay, hãy chỉ khám phá và chia sẻ về chương đầu tiên của trường ca ấy: “Một gánh xiếc qua”. Đằng sau cuốn sách, dịch giả Trần Bạch Lan đã tóm lược một điều mà tác phẩm này muốn cất lên: “Dẫu ở độ tuổi nào, bao giờ người ta cũng quá trẻ khi sống ở Paris”.

Đọc một cuốn sách không đơn thuần là tiếp nhận ngôn từ ở bề mặt, mà đó là một hoạt động tinh tế hơn thế rất nhiều. Ta phải bóc tách lớp chữ đen trên mặt giấy để giải mã những chi tiết tế vi, mà đôi khi chỉ thấy được khi ta trôi vào những khoảng không phía sau từ ngữ. Thiên chức của một nhà viết tiểu thuyết, chính Patrick Modiano đã nói trong Diễn từ nhận giải của mình: “…trước cái trang giấy trắng mênh mông của lãng quên để làm bật dậy vài lời đã nửa phần bị bôi xóa, như những tảng băng sơn lạc loài trôi dạt trên bề mặt của biển cả”. Ở tảng băng đó, phần nổi có khi chỉ mang vai trò của một chiếc mặt nạ, còn bề sâu, ấy mới là thứ người đọc phải xâm lấn. Nói dài đến vậy, để ta thấy rằng, tác phẩm của Modiano đích thực là một mê cung mà nếu chẳng tỉnh táo, ta sẽ bị cốt truyện đơn giản đến tối giản lừa lọc, bị lạc lối trong khu phố mà chẳng hề nhận ra, ở góc đường, khuất sau cột đèn vàng vọt thờ ơ, chính là lối thoát mong đợi. Và “Một gánh xiếc qua” là minh chứng rõ rệt hơn cả cho quan niệm ấy.

Hãy mở trang đầu tiên để đi vào thế giới huyền hoặc bí ẩn của Modiano, trong “Một gánh xiếc qua” - một thiên truyện tình mê hoặc, một nỗ lực lần lại sợi dây kí ức để giải đáp về hiện tại, một khao khát hướng người trẻ đến sự sống cao hơn, một lời khuyên về cách ta đọc một cuốn sách.

“Một gánh xiếc qua” ở bề mặt của nó, ắt hẳn là một câu chuyện về tình yêu. Tình yêu của hai người trẻ. Cậu trai mới mười tám, đã bỏ học, nói dối mình đã hăm mốt, bị cha mẹ bỏ rơi và phải sống cùng “cấp dưới” của cha trong một căn hộ sắp biến mất - Obligado. Nàng là một người đẹp bí ẩn như đứng giữa sương khói - Gisèle. Họ tìm thấy nhau tình cờ, trong một buổi chiều Paris, lần lượt bị tra khảo. Obligado là người đầu tiên, bị hỏi về những cái tên khác lạ lẫm, chỉ vì “tên cậu xuất hiện trong sổ agenda của một người”. Kế đến là Gisèle, với một cuộc thẩm vấn dài hơn rất nhiều. Và Obligado quyết định chờ nàng, chẳng vì lý do xác đáng nào. Có lẽ, anh đã mơ màng nhìn thấy tình yêu, qua cái chạm mắt trong khoảnh khắc đó, khi anh rời đi. Chờ nàng, để rồi nàng nhờ anh cầm chiếc va li nặng mà trong ấy anh nghĩ là có vàng. Và để rồi họ ngủ với nhau, trong căn phòng tạm bợ của Obligado. Đời họ cắt nhau lãng xẹt như thế. Chỉ trong năm ngày bên nhau, năm ngày yêu nhau, mà ngỡ là cả một đời người. Họ lên kế hoạch trốn thoát khỏi Paris, để sang Rome kiếm một cuộc đời khác. Và tình thì si. Chàng trai trẻ sẵn sàng bỏ lại tất cả, dù hầu như anh chẳng còn lại gì, để trốn chạy cùng người mình yêu. Trong những ngày ấy, Gisèle đưa anh gặp những người lạ kì, những kiểu người chỉ lướt qua đời ta như cơn gió tạt vào ta rồi vĩnh viễn chìm vào hư không. Nhưng những người ấy đều được bọc trong bầu không khí của sự bí ẩn. Họ gặp Jaques de Baviere, một người đàn ông có lẽ mang một tình cảm đặc biệt với Gisèle, sẵn sàng cho họ mượn chiếc xe ôtô của mình. Họ gặp Ansart, một gã trung niên luôn có chút nuối tiếc hoặc buồn bã mỗi khi nói về tuổi trẻ, nhưng đồng thời cũng là kẻ có hành tung đáng nghi. Rồi Ansart muốn họ chuyển lời tới một người đàn ông vô danh - người sẽ biến mất, cùng với cả Ansart lẫn Jacques, ngay sau đó. Rồi thì Guelin, cái gã đã nói cho Obligado về tên thật của nàng, Suzanne Kraay, về việc nàng từng đi tù, từng cưới chồng và có lẽ, làm điếm ở ngôi nhà số 34 phố Desaix. Nhưng những cái tên ấy thì có nghĩa gì? Họ thi thoảng sẽ quấy rầy Obligado của tuổi bốn mươi. Nhưng chẳng ai làm anh đau đớn như Gisèle (hay là Suzanne nhỉ?). Nhưng chẳng cái tên nào ngoài tên người anh yêu có thể khiến trái tim anh run rẩy, đầu óc anh quay cuồng, và làm bất chợt có cái gì ươn ướt lướt dài dưới hàng mi anh… Ngay sau phi vụ Ansart, ngay trước khi họ rời bỏ Paris sang Rome tươi đẹp, cô mất. “Bạn gái cậu. Tai nạn. Ngay sau cầu Suresnes” - những dòng kết lại cuốn sách, đầy gấp gáp, đầy đau đớn. Như có gì nghẹn lại trong họng ta, ta chỉ có thể thốt lên vài ba từ, về cái chết của người yêu. Obligado như thể đã đoán ra được cái kết tất yếu ấy, ngay sau phi vụ mà anh tưởng chính mình là tòng phạm, mà ngẩn ngơ: “… tôi đã hiểu hết trước cả khi kịp nghe”. Obligado đã cô đơn hầu như cả phần đời tươi trẻ của mình. Cha anh ắt hẳn là một tội phạm từng làm nhọc lòng nhiều thẩm phán, đã sang Thụy Sĩ. Mẹ anh là một nghệ sĩ, đâu đó ở Nam Tây Ban Nha, chẳng rõ sống chết. Họ rời bỏ anh, để anh lại với Grabley, người đàn ông chung thuyền với người cha đầy những bí mật. Có lẽ chỉ đến khi Gisèle giành một chỗ trong đời anh, Obligado mới không sống như một bóng ma. Bóng ma trong một căn phòng rỗng tuếch, của một khu nhà sắp dỡ. Bóng ma trong trường đại học mà anh chẳng hề là sinh viên, dẫu có bằng chứng giả cho việc anh học tại ấy. Bóng ma ở đời khi Obligado luôn thiếu động lực, mơ màng về tương lai và u uất khi nhìn về quá vãng, luôn nghĩ người khác đúng còn mình sai, thiếu bản sắc riêng của một con người. Chỉ đến khi gặp nàng, anh mới có dũng khí và sức sống, để sẵn sàng rủa vào mặt tên Guelin: “…thằng già đê tiện!”, và dám đưa tiền cho gã gác đêm của khách sạn mà trước đó anh còn ngại ngần đối đầu, để có phòng cho cả hai người họ. Thế mà rồi nàng ra đi. Lời hẹn lát gặp của họ mãi mãi ra đi. Chẳng có Rome, chẳng có đời sống nào khác. Chỉ còn ở lại nỗi tiếc nuối. Những người yêu nhau có lẽ sẽ hiểu cảm giác ấy hơn cả. Dẫu cho người yêu không mất đi, nhưng chỉ cần tưởng tượng nên viễn cảnh ta thả tay nàng một lát, ta khuất bóng nhau vài giây là tuột khỏi nhau cả đời, ta đã có thể nức nở. Còn gì đau hơn việc người ta yêu, sẽ biến mất khỏi đời ta, và chỉ còn lại những kí ức có thể chìm vào lãng quên bất cứ lúc nào. Cái nức nở của Obligado ở độ tuổi bốn mươi, khi được một người hỏi về việc có còn gặp lại nàng không, như một vết chích côn trùng, ta cứ ngỡ là chẳng sao, để rồi khi dấu chấm kết chương đến thì nó hóa thân thành viên đạn bạc, xoáy vào vết thương kia một cách thô bạo: “Tôi kinh ngạc trước câu hỏi đến nỗi phải ấp úng một câu trả lời mơ hồ. Khi chỉ còn lại một mình, ngoài đại lộ, tôi đã òa khóc một cách ngu xuẩn”. Nhưng nước mắt của người đàn ông đã đi qua câu chuyên kia hai mươi năm thì có thể làm gì để vực dậy hiện tại?

Câu chuyện tình ấy chẳng thỏa mãn bất kì ai. Nó buồn và để ngỏ nhiều điều mãi không được hồi đáp: Nàng thực sự là ai? Có phải nàng làm điếm ở căn nhà số 34 phố Desaix? Có thực là nàng quen Jacques, Ansart, Martine mới ba tuần? Phi vụ đem cho họ một phong bì tiền để tới Rome, thực chất có phải một vụ bắt cóc? Cái chết của nàng có phải một sự sắp đặt, để bịt miệng một nhân chứng cho cuộc bắt cóc kia? Nếu thế thì sao Obligado lại sống sót? Hay nàng tự kết liễu cuộc đời khốn khổ của mình?

Ôi, câu chuyện tình của những điều ta chẳng biết. Modiano đâu có nói cho ta hay? Ta chỉ biết họ đã yêu, đã say, đã cuồng nhiệt. Ta chỉ rõ họ đã mơ, rồi giấc mơ đã tan vỡ. Ta chỉ hay tình yêu tuổi trẻ thì luôn đầy hoang mang - như cái cách Obligado luôn sợ nàng sẽ bỏ anh đi, nhưng cũng đầy bản lĩnh. Ta, sau rốt, thấy nỗi đau của tình yêu có thể ám ảnh mình, dẫu có chạy khỏi nó xa đến cả hai mươi năm.

Mời các bạn đón đọc Một Gánh Xiếc Qua của tác giả Patrick Modiano & Cao Việt Dũng (dịch).