Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Thomas Mann, nhà văn Đức đoạt giải Nobel năm 1929. Dù chưa hoàn thành, Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull là bức tranh chi tiết về châu Âu cuối thế kỷ 19, một câu chuyện hài hước với văn phong mượt mà uyển chuyển, mang nhiều suy tư triết lý đậm chất Thomas Mann.
***
Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Thomas Mann, nhà văn Đức đoạt giải Nobel năm 1929.
Câu chuyện dẫn dắt người đọc đi cùng Felix Krull, một cậu bé sinh ra trong một gia đình trung lưu sung túc miền Rhine nước Đức. Sau khi người cha tán gia bại sản và tự sát, cậu sống trong cảnh nghèo khó với mẹ, những vẫn luôn nuôi mộng về một cuộc sống xa hoa. Felix đã lừa các bác sĩ quân y để trốn đi nghĩa vụ quân sự. Rồi, với công việc chạy buồng thang máy và bồi bàn ở một khách sạn sang trọng ở Paris, nhờ vẻ bề ngoài đẹp như nam thần Hy Lạp, cậu kiếm được bộn tiền từ những quý bà khát tình. Sau đó, Felix có bước ngoặc cuộc đời, cú lừa đảo lớn nhất, khi cậu giả danh một hầu tước trẻ Luxembourg làm chuyến du lịch vòng quanh thế giới, trong khi vị hầu tước ở lại Paris với người tình. Felix tới Lisbon trong lộ trình đi tới Nam Mỹ, và ở đây, cậu có những khám phá kiến thức và lạc thú xa hoa.
Nhân vật Felix Krull được giới thiệu lần đầu trong một truyện ngắn của Thomas Mann năm 1901 nhưng mãi đến năm 1936 mới được xuất bản trong tập "Truyện ba thập kỷ", tập hợp các truyện ông viết từ năm 1896 đến 1929. Sau này Thomas Mann viết tiếp và mở rộng câu chuyện, nhưng ông mất năm 1955 khi bản thảo còn dang dở. Dù chưa hoàn thành, Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull là bức tranh chi tiết về châu Âu cuối thế kỷ 19, một câu chuyện hài hước với văn phong mượt mà uyển chuyển, mang nhiều suy tư triết lý đậm chất Thomas Mann.
***
Khi đặt bút viết những dòng này trong cảnh ẩn dật an nhàn - trí óc vẫn hoàn toàn minh mẫn, mặc dù thể chất mệt mỏi, rất mệt mỏi (vậy nên tôi chắc chỉ có thể tiến hành việc viết lách theo từng chặng nhỏ, xen lẫn nhiều khoảng nghỉ ngơi), tóm lại, khi quyết định trao gửi lời thú nhận này vào trang giấy nhẫn nại, bằng nét chữ viết tay gọn gàng đẹp mắt của chính mình, trong lòng tôi đã gợn lên một thoáng lo ngại, sợ mình không đủ kiến thức hàn lâm để đương đầu với thử thách trí tuệ này. Song, bởi tất cả những điều tôi muốn kể đều tập hợp từ kinh nghiệm sống của bản thân tôi, từ những sai lầm cũng như đam mê tôi đã trực tiếp trải qua, nên tôi có thể đoan chắc rằng mình nắm vững cốt truyện một cách tuyệt đối, và như thế nỗi lo của tôi chỉ tập trung vào chỗ chọn lựa hình thức diễn đạt để có được sự tế nhị và lịch lãm cần thiết, mà về mặt này thâm tâm tôi vẫn tin rằng học hành bằng cấp đầy mình cũng không bằng năng khiếu tự nhiên và được giáo dục tốt trong gia đình. Khoản ấy thì tôi không thiếu, bởi tôi xuất thân từ một gia đình khá giả với nếp sống phong lưu, mặc dù có hơi phóng túng. Chị Olympia của tôi và tôi trong nhiều tháng trời đã được hưởng sự kèm cặp của một cô gia sư người Vevey*, cô này tuy nhiên về sau phải cuốn gói vì một sự cạnh tranh mang đặc thù nữ giới với mẹ tôi - mà đối tượng là cha tôi. Thêm vào đó, cha đỡ đầu của tôi, ông Schimmelpreester, một người rất thân thiết, gần gũi đối với tôi, là một nghệ sĩ được đánh giá cao trên nhiều phương diện, tất cả cư dân của cái thị trấn tỉnh lẻ quê hương tôi đều gọi ông là “giáo sư”, mặc dù có lẽ chưa bao giờ ông được chính thức trao tặng cái danh hiệu cao quý rất được ham chuộng ấy. Còn cha tôi, mặc dù thân thể to béo kềnh càng nhưng bù lại ông có nhiều nét duyên dáng và đặc biệt là rất sính nói chữ. Cha tôi được thừa hưởng dòng máu Pháp của một người bà, bản thân ông đã sống ở Pháp trong thời gian học nghề, từ đó ông luôn quả quyết rằng mình rành Paris như lòng bàn tay. Trong lúc trò chuyện, ông rất thích xen vào những từ như c‘est ça, épatant hay parfaitement* - mà với một lối phát âm cực chuẩn - hoặc giả ông thường hay nói: “Về phần moi… ”* Đến tận cuối đời ông vẫn được hưởng rất nhiều ưu ái của phái nữ. Nhưng tôi nói trước ra ngoài lề mất rồi. Trở lại năng khiếu trời cho của tôi trong cách diễn đạt, tài ăn nói là cái xưa nay tôi vẫn vận dụng không chút khó khăn, điều này đã được chứng tỏ trong suốt cuộc đời ba chìm bảy nổi của tôi, và tôi tin rằng mình có thể phát huy năng khiếu ấy cả trong việc viết lách. Hơn nữa tôi cũng đã quyết tâm khi chấp bút sẽ tôn trọng sự thật một cách tuyệt đối, dẫu có vì thế mà bị mang tiếng là huênh hoang hay tự đắc. Lời thú tội còn có ý nghĩa và giá trị đạo đức gì nữa, nếu được viết ra một cách không chân thực!
Thành phố Thụy Sĩ thuộc vùng Pháp thoại, hồi thế kỷ XIX nổi tiếng là nơi cung cấp các cô bảo mẫu và gia sư cho toàn châu Âu. (Các chú thích đều là của người dịch, tham khảo thêm lời bình của Thomas Sprecher và Monica Bussmann in trong tập 12.2 bộ Thomas Mann, Khảo luận ấn bản Frankfurt bao gồm tác phẩm - thư từ - nhật ký do S. Fischer Verlag GmbH xuất bản năm 2012.)
Vậy đó, tuyệt vời hay hoàn hảo (tiếng Pháp).
“Về phần tôi…” (dịch lấy ý).
Tôi là một đứa con của Rheingau*, dải đất được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn hòa và đất đai trù phú, thành phố làng mạc đông đúc, dân cư vui nhộn, một trong những vùng tươi đẹp nhất trên quả địa cầu. Nơi đây được dãy núi Rheingau che chắn gió bấc và được mặt trời hào phóng ban nắng ấm, nhờ thế các đô thị mọc lên như nấm với những địa danh nổi tiếng chỉ cần nghe tên các tay đệ tử Lưu Linh đã mở cờ trong bụng, nào Rauenthal, nào Johannisberg, nào Rüdesheim, và cả cái thị trấn nhỏ bé cổ kính nơi tôi mở mắt chào đời vài năm sau ngày thành lập Đế chế Đức vinh quang*. Thị trấn quê hương tôi nằm hơi xế về phía Tây khúc gấp nơi con sông Rhein lượn quanh thành phố Mainz, là bến chính của các chuyến tàu thủy xuôi ngược dọc dòng sông, dân số chỉ khoảng bốn ngàn nhưng nổi tiếng nhờ các hãng rượu vang đóng đô ở đó. Kế bên chúng tôi là thành phố Mainz phồn hoa và các khu suối nước nóng dưỡng bệnh lừng danh của vùng Taunus như: Wiesbaden, Homburg, Langenschwalbach và Schlangenbad, địa điểm sau cùng này đi từ chỗ chúng tôi chỉ mất độ nửa giờ đồng hồ ngồi xe lửa đường ray hẹp lên núi. Vào mùa đẹp trời, gia đình chúng tôi gồm cha mẹ tôi, chị Olympia và tôi đã bao lần du ngoạn khắp bốn phương bằng tàu thủy, xe ngựa hay xe lửa, vì xung quanh đâu đâu cũng có những danh lam thắng cảnh được tạo dựng bởi thiên nhiên và bàn tay con người. Tôi vẫn như thấy trước mắt hình ảnh cha tôi mặc bộ đồ vét mùa hè rộng rãi bằng vải kẻ ca-rô, ngồi cùng chúng tôi ở một tiệm ăn ngoài trời nào đó - cái bụng bự không cho phép ông ngồi sát vào bàn - và với sự khoan khoái vô cùng tận, ung dung thưởng thức món cua bể với chất nước vàng óng của cây nho. Cha đỡ đầu của tôi, ông Schimmelpreester cũng thường hay có mặt trong những chuyến dã ngoại của gia đình, ông ngồi lặng lẽ chĩa cái nhìn soi mói qua cặp kính gọng nhựa trong mắt tròn to tướng, quan sát phong cảnh và người qua kẻ lại, hấp thụ tất cả mọi ấn tượng lớn nhỏ vào tầm hồn nghệ sĩ của mình.
Vùng trồng nho làm rượu nổi tiếng của Đức nằm ở hữu ngạn sông Rhein.
Đế chế Đức được thành lập năm 1871.
Người cha tội nghiệp của tôi sinh thời là chủ hãng Engelbert Krull, cơ sở sản xuất loại rượu vang “Loreley extra cuvée”*, một nhãn hiệu nay đã biến mất tăm khỏi thị trường. Hãng chúng tôi có các hầm rượu nằm dọc bờ sông Rhein, không xa bến tàu thủy là mấy, và khi còn là một cậu bé, tôi đã không ít lần lẻn xuống dưới các mái vòm mát rượi, rón rén dạo bước trong các hành lang lót đá chạy ngang dọc giữa những hàng giá cao ngất, ngắm nhìn không biết chán đội quân bằng chai xếp nghiêng tầng tầng lớp lớp trên giá, lòng miên man suy nghĩ. Các ngươi nằm đây, tôi nghĩ thầm trong bụng (tất nhiên khi ấy tôi chưa biết diễn tả ý nghĩ của mình bằng những từ ngữ chính xác như thế này), các ngươi nằm đây trong bóng tối nhá nhem dưới lòng đất, và trong bụng các ngươi diễn ra quá trình lên men thầm lặng của thứ chất lỏng màu vàng sủi bọt kia, thứ chất lỏng thần thánh làm những trái tim rộn ràng tăng nhịp đập, làm những cặp mắt rực sáng long lanh! Giờ đây các ngươi còn trần trụi xấu xí, nhưng sẽ đến một ngày các ngươi trang điểm lộng lẫy ngoi lên thế giới bên trên, xuất hiện trong hội hè, đám cưới, lễ lạt, tự hào bật nút văng lên trần nhà với tiếng nổ giòn tan, đem đến cơn say, sự bốc đồng và hứng thú cho con người. Cậu bé con hồi đó đã có những ý nghĩ đại loại như thế, và trong đó chí ít cũng có một điều đúng, đó là hãng Engelbert Krull rất chú trọng việc trang hoàng hình thức bề ngoài của các chai rượu, công đoạn hoàn thiện sau cùng mà từ chuyên môn gọi là coiffure. Chiếc nút bấc được ép chặt vào miệng chai, chụp lên trên một lưới thép nhỏ mạ bạc và chằng buộc bằng một sợi dây đay mạ vàng gắn sáp niêm phong đỏ thẫm, một con dấu tròn trang trọng như dấu sắc lệnh của Giáo hoàng hay chiếu chỉ của Hoàng đế treo toòng teng bằng sợi chỉ vàng nơi cổ chai quấn giấy thiếc sáng choang, và quanh bụng chai nổi bật một nhãn hiệu cầu kỳ do cha đỡ đầu Schimmelpreester của tôi thiết kế riêng cho hãng, trên đó ngoài một mớ huy hiệu, ngôi sao, tên ba tôi và dòng chữ “Loreley extra cuvée” mạ vàng, còn có hình một người đàn bà ngoài vòng tay vòng cổ tịnh không mang thêm một thứ trang phục nào khác trên mình, ngồi vắt tréo chân trên một mỏm đá, vươn tay đưa chiếc lược chải vào mái tóc dài bồng bềnh. Cũng phải nói thêm rằng phẩm chất rượu trong chai không hoàn toàn tương xứng với cái vỏ ngoài hào nhoáng. “Này Krull”, cha đỡ đầu Schimmelpreester của tôi có lần bảo cha tôi, “ông là người đáng kính, nhưng rượu champagne của ông lẽ ra phải bị cảnh sát cấm mới đúng. Tám ngày trước tôi dại dột uống nửa chai, và cho đến tận hôm nay vẫn còn dở sống dở chết. Ông pha cái chết tiệt gì vào đấy thế? Hay ông trộn xăng dầu vào làm chất phụ gia? Tóm lại, rượu của ông đúng là thuốc độc. Ông nên dè chừng luật pháp!” Nghe vậy, người cha tội nghiệp của tôi tỏ ra rất bối rối, vì ông là người nhu mì và không quen với những lời chỉ trích nặng nề. “Ông chê thì dễ lắm, Schimmelpreester”, cha tôi chống chế, vừa nói vừa theo thói quen đưa mấy đầu ngón tay nhẹ nhàng vuốt bụng, “nhưng tôi buộc phải bán rẻ, vì thiên hạ có thành kiến với rượu nội. Tóm lại, tôi chỉ cung cấp cho công chúng cái mà họ muốn. Đã thế các hãng cạnh tranh còn ngồi trên cổ tôi đây này, ông bạn thân mến, không hạ giá thành thì cầm cự làm sao nổi.” Đó là về cha tôi.
“Rượu vang thượng hạng Loreley” (tiếng Pháp).
Biệt thự của chúng tôi thuộc vào hàng những dinh cơ xinh xắn nằm dựa lưng trên sườn núi thoai thoải, mặt hướng xuống thung lũng sông Rhein. Mảnh vườn dốc thoai thoải được trang điểm một cách hào phóng nào là các chú lùn, cây nấm và đủ loại thú vật bằng sành giống như thật; một quả cầu thủy tinh bóng loáng nằm chễm chệ trên một cái bệ, soi gương vào đó sẽ thấy mặt mũi méo xệch đi rất tức cười; ngoài ra còn có cả một cái chuông gió hình cầy đàn lia, nhiều hòn giả sơn với hang động và một cái giếng phun nước: từ một bức tượng rất mỹ thuật, những tia nước không ngừng được ném lên không trung, dưới bể đàn cá bạc bơi lội tung tăng. Nội thất nhà chúng tôi được trang hoàng đúng theo sở thích của ba tôi, vừa ấm cúng vừa tươi tắn. Các bao lơn kín đặt sẵn ghế như mời mọc người ta ngồi nghỉ, và trong một góc còn dựng cả một cái xa quay sợi thật. Vô số vật trang trí nhỏ: các bức tượng bằng sứ, vỏ sò, vỏ ốc, hộp gương và chai dầu thơm nằm la liệt trên giá kệ và bàn bọc nỉ; gối lông bọc lụa thêu thùa rực rỡ nhiều không đếm xuể, rải đầy trên ghế xô pha và ghế nằm, vì ba tôi thích chỗ ngả lưng phải thật êm ái; rèm cửa sổ treo trên những ngọn kích dài, cửa thông giữa các phòng che bởi những tấm mành mành kết bằng ống trúc và hạt cườm sặc sỡ, nhìn thì kín đáo, nhưng có thể bước qua mà không cần phải nhấc một ngón tay, vì nó tự rẽ ra với tiếng lách cách vui tai rồi tự khép lại. Bên trên cửa trong khoang chắn gió có gắn một thiết bị tinh xảo, mỗi khi cánh cửa từ từ sập vào nó lại tấu lên những âm thanh thánh thót mở đầu bài hát “Hãy yêu đời đi”.
Mời các bạn đón đọc Lời Thú Nhận Của Tay Lừa Đảo Felix Krull của tác giả Thomas Mann & Nguyễn Hồng Vân (dịch) & Trần Đàm Thành (dịch).