Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Lời Thú Tội

Sau cuộc phiêu lưu ly kỳ khám phá bí mật Cây Kim Rỗng, tưởng đâu gã đạo chích Arsène Lupin sẽ lui về ở ẩn một thời gian. Nhưng không, với bản tính ưa mạo hiểm, thích khám phá, Lupin sao có thể chịu ngồi yên nhìn cuộc đời trôi qua trong bình lặng. Những phi vụ của “Tên trộm quốc dân” đã được tái hiện đầy đủ và sống động trong Lời thú tội. Đan xen trong tập truyện là những vụ trộm vừa phải, những món lợi khiêm tốn hơn, Lupin đều đặn làm việc xấu và cũng làm cả chút việc tốt nữa, bởi bản tính tự nhiên và vì hắn thích thế, như một Don Quichotte dị thường và đầy trắc ẩn.

***

“Siêu trộm hào hoa”, “Hoàng tử đạo chích”, “Robin Hood của giới tội phạm”, đó là những mỹ danh được dành tặng cho một trong những nhân vật tiếng tăm nhất của dòng văn học trinh thám phiêu lưu nước Pháp: Arsène Lupin. Ra mắt độc giả vào năm 1905 dưới dạng truyện ngắn dài kỳ trên tạp chí Je sais tout, gã đạo chích thông minh, quyến rũ nhưng không kém phần hài hước và láu cá ấy đã khiến cảnh sát khốn khổ vò đầu bứt tai, cánh nhà giàu ngày đêm lo ngay ngáy vì mất của, còn công chúng thì thích thú tán thưởng và hồi hộp dõi theo những màn trình diễn đầy hấp dẫn và không thể đoán trước kết cục.

***

Arsène Lupin là một nhân vật hư cấu xuất hiện trong loạt truyện thám tử, tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Pháp Maurice Leblanc, cũng như một số phần tiếp theo và rất nhiều phim truyền hình, phim điện ảnh như Night Hood, Arsène Lupin, các vở kịch và truyện tranh phỏng theo.

Cùng thời với Arthur Conan Doyle, Maurice Leblanc (1864-1941) đã sáng tạo ra nhân vật Arsène Lupin, một nhân vật có tầm phổ biến rộng khắp và lâu dài ở các nước nói tiếng Pháp, giống như Sherlock Holmes (tải eBook) ở các nước nói tiếng Anh.

Serie Arsène Lupin gồm hai mươi tập truyện được viết bởi chính Leblanc cộng thêm năm phần tiếp đã được ủy quyền cho nhóm viết của Boileau-Narcejac thực hiện, cũng như nhiều tác phẩm khác phỏng theo. Nhân vật Lupin được giới thiệu lần đầu trên tạp chí Je Sais Tout qua một loạt truyện ngắn, bắt đầu từ số thứ 6, ngày 15 tháng 7 năm 1905. Ban đầu nhân vật mang tên Arsène Lopin, nhưng vấp phải sự phản đối từ một chính trị gia trùng tên, kết quả là "Lopin" đã bị đổi thành "Lupin".

Arsène Lupin là một siêu đạo chích có tài hóa trang, một tên trộm quý tộc chuyên trộm đồ của nhà giàu trong khi núp bóng quý ông lịch thiệp. Nhân vật Lupin giống với Marius Jacob nên có khi được cho là dựa trên hình mẫu này.xuất hiện trong 12 tập truyện ngắn đã cho thấy đây là một nhân vật có thể sánh ngang cùng với các nhân vật khác như Holmes cua Conan Doyle, Hercule Poirot cuả Agatha. Hình tượng Lupin đã được nhiều bộ phim nổi tiếng lấy làm mẫu nhân vật như Kaito Kid trong bộ manga nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan (tải eBook).

***

Maurice Leblanc sinh năm 1864 tại Rouen, Pháp. Tên tuổi của ông thực sự được biết tới và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả suốt hơn một thế kỷ qua nhờ series truyện dài kỳ cho tạp chí Je sais tout về nhân vật siêu đạo chích Arsène Lupin. Nhờ những cống hiến không ngừng nghỉ của mình, Leblanc đã được trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Ông mất năm 1941 tại Perpignan.

Dưới đây là một số tác phẩm của Maurice Leblanc được dịch và xuất bản tại Việt Nam:

- Cái chết rình rập - Đối đầu Sherlock Holmes - Sa bẫy địa ngục - Những cú siêu lừa của Arsène Lupin - Những cuộc phiêu lưu của Arsène Lupin - Tám vụ phá án của Arsène Lupin - Ngôi nhà bí ẩn - Báo Thù - Nữ bá tước Cagliostro - Hòn Đảo 13 chiếc quan tài - Hai Nữ Tướng Cướp - Tam giác vàng ma quỷ - Arsene Lupin và Hồi Ức Bí Mật - Vụ Chơi Khăm Ngài Triệu Phú - Cây Kim Rỗng - Lời Thú Tội - …

***

Lupin này!” Tôi gạ. “Kể tôi nghe chuyện gì của anh đi.”

“Ái chà! Chuyện gì là chuyện gì cơ chứ? Đời tôi – ai cũng biết hết rồi mà!” Lupin đang ngồi mơ màng trên chiếc trường kỷ trong phòng làm việc của tôi, đáp lại như thế.

“Nào có ai biết rõ đời anh!” Tôi nói. “Đọc mấy lá thư anh gửi đăng báo, người ta biết đại khái anh dính vào vụ này, anh động vào việc kia… Chứ vai trò của anh, nội tình câu chuyện, diễn biến thế nào, kết thúc ra sao, những cái đó thì đố ai biết được!”

“Xi! Toàn mấy chuyện linh tinh chứ có gì hay đâu!”

“Ô này! Thế chuyện anh gửi năm mươi nghìn franc cho bà góa phụ Nicolas Dugrival thì sao? Anh bảo đấy là chuyện linh tinh không hay á? Còn chuyện anh giải mã câu đố bí ẩn của ba bức tranh đó nữa?”

Lupin phá lên cười. “Đúng, đó là một bí ẩn lạ lùng, hẳn nhiên rồi. Tôi đề xuất một tiêu đề thế này, anh xem có thích không nhé: Mật hiệu bóng kim đồng hồ?”

“Và cả những thành công tuyệt vời của anh trong xã hội và… với phái đẹp?” Tôi nói thêm. “Những cuộc tình chớp nhoáng của Arsène!… Rồi bí mật đằng sau những việc tốt anh đã làm? Mấy câu chuyện mà anh thường bóng gió với tôi bằng những cái tên: Chiếc nhẫn cưới, Tử thần rình rập… đó! Sao phải chậm trễ giãi bày những tâm sự và những thầm kín ấy, hả Lupin tội nghiệp của tôi?… Nào, hãy mạnh dạn lên một chút, làm như tôi bảo đi nào!…”

Hồi đó, Lupin đã nức tiếng giang hồ, nhưng vẫn chưa thực hiện những phi vụ siêu khủng, chưa lao vào mấy trận chiến nảy lửa; là hồi trước các cuộc phiêu lưu để đời Cây Kim Rỗng813.Không mơ tới việc chiếm hữu kho báu cổ xưa mà những nhà vua nước Pháp⦾ tích lũy suốt mấy trăm năm, hay thay đổi bản đồ châu Âu ngay dưới mũi hoàng đế Đức, anh hài lòng với những vụ trộm vừa phải hơn và những món lợi khiêm tốn hơn. Hàng ngày, anh đều đặn làm việc xấu và cũng làm cả chút việc tốt nữa, bởi bản tính tự nhiên và vì anh thích thế, như một Don Quichotte dị thường và đầy trắc ẩn.

Thấy anh im lặng, tôi lại nhắc: “Nào Lupin, mời anh kể…”

Những lời anh đáp làm tôi ngạc nhiên: “Lấy giấy ra đi, anh bạn thân mến, cả bút nữa!”

Tôi sốt sắng làm theo ngay, lòng khấp khởi mừng thầm với ý nghĩ: Cuối cùng, anh cũng chịu đọc cho đôi trang. Anh luôn biết cách kể chuyện. Những câu chuyện của anh bao giờ cũng lý thú và hấp dẫn, đầy khí lực và lôi cuốn, trong khi tôi cứ mải miết sa đà vào những giải thích rườm rà và trình bày nhàm chán.

“Đã xong chưa?” Anh hỏi tôi.

“Giấy bút sẵn sàng cả rồi đây!”

“Anh viết nhé: 20 – 18 – 5 – 14; 8 – 5 – 20.”

“Cái gì đây?”

“Tôi bảo thì anh cứ viết đi.”

Anh ngồi dậy, mắt dõi ra ô cửa sổ mở toang, còn ngón tay về một điếu thuốc lá Thổ Nhĩ Kỳ thượng hạng. Anh đọc tiếp: “Tiếp này: 6 – 1 – 9…”

Ngừng một chút, anh lại đọc: “20 – 18 – 1 – 14 – 8.”

Và sau một lúc im lặng. “24 – 5.”

Anh điên rồi ư? Tôi chăm chú nhìn anh, chẳng mấy chốc đã nhận ra đôi mắt anh không còn lơ đãng như trước nữa, mà sắc sảo và rất tập trung, như thể đang theo dõi đâu đó trong không gian một cảnh tượng khiến anh bị thu hút.

Nhưng, trong lúc đó, anh vẫn đọc và ngắt nghỉ giữa từng con số: “14 – 7 – 21 – 25…”

Chẳng có gì để nhìn ngắm qua khung cửa sổ kia, ngoài mảnh trời màu lam ở phía bên phải và mặt tiền ngôi nhà cũ đối diện, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Ngoài đó, chẳng có gì đặc biệt, cũng chẳng có gì mới giữa những thứ tôi luôn nhìn thấy suốt bao năm qua.

“8 – 9…”

Rồi tôi chợt hiểu… hay đúng hơn, tôi tưởng mình đã hiểu. Bởi làm sao tôi có thể thừa nhận một người bản chất điềm đạm giấu sau chiếc mặt nạ ngông nghênh phớt đời như Lupin lại có thể phí thời gian vào những trò trẻ con vớ vẩn như thế được? Không nghi ngờ gì nữa: Anh đang đếm những tia nắng mặt trời thoắt ẩn thoắt hiện vui đùa trên mặt tiền xám xịt của ngôi nhà đối diện, cao ngang lầu hai⦾.

“5…” Lupin đọc.

Vệt nắng biến mất mấy giây, rồi lại hiện ra trên mặt tiền ngôi nhà, rồi lại biến mất. Những lần hiện ra rồi biến mất ấy cách nhau đều đặn từng quãng.

Tôi vô thức cũng đếm những vệt nắng trên tường và hô to: “13…”

“Đã nắm được rồi à? Khá lắm! Chúc mừng nhé!” Anh cười, có chút giễu cợt.

Anh bước tới khung cửa và nhoài người ra, như muốn tìm xem tia nắng rọi từ hướng nào. Rồi anh quay trở vào và lại nằm dài lên chiếc trường kỷ, nói: “Giờ đến lượt anh. Đếm đi!”

Tôi nghe theo, có vẻ như gã tinh quái này biết chuyện gì đang xảy ra. Với lại, tôi cũng không thể phủ nhận, cách những vệt nắng kia ẩn hiện theo tần số trên mặt tiền ngôi nhà đối diện có gì đó bất thường, khiến ta phải tò mò. Chúng nhấp nháy đều đặn, nối tiếp nhau như tín hiệu đèn pin.

Vệt nắng rõ ràng được chiếu ra từ ngôi nhà cùng dãy với nhà tôi, vì mặt trời chiếu xiên qua cửa sổ nhà tôi. Hình như có ai đó đang đóng – mở cửa kính hay đúng hơn là đang bày trò tiêu khiển bằng cách dùng chiếc gương bỏ túi hắt ánh mặt trời phản chiếu lên tường nhà người khác.

“Là đứa trẻ nào nghịch gương chơi thôi mà!” Tôi gào lên, trong lòng thấy bực bội không nhịn được, sau một lúc căng mắt theo dõi và ghi chép.

“Anh cứ tiếp tục đi!”

Thế là tôi lại đếm… Thế là tôi lại viết những con số thành hàng… Và những tia nắng mặt trời lại tiếp tục nô đùa trước mặt tôi, với sự chính xác toán học.

“Sao rồi?” Lupin hỏi, sau một lúc lâu không thấy những vệt nắng xuất hiện nữa.

“Sao à? Hình như hết rồi đấy… Mấy phút trôi qua rồi mà chẳng thấy gì nữa…”

Hai chúng tôi cùng đợi, do không thấy vệt nắng nào xuất hiện trên mặt tiền ngôi nhà cũ kia nữa, tôi mới đùa: “Theo tôi thấy, chúng ta vừa phí mất hơn chục phút cuộc đời. Chỉ ghi được có mấy con số trên giấy: Thành quả kém ghê!”

Lupin, vẫn nằm yên trên ghế, cãi: “Ông bạn già, ông làm ơn chịu khó thay những con số bằng những chữ cái có thứ tự tương ứng trong bảng chữ cái đi tôi xem nào! Ví như chữ A thay vào số 1, chữ B vào số 2, chữ C vào số 3… cứ lần lượt thế. Làm thử tôi xem!”

“Nhưng làm thế ngốc lắm!”

“Quá ngốc! Nhưng trên đời có ai không làm chuyện ngốc nghếch đâu cơ chứ? Chỉ có người ít, người nhiều mà thôi!”

Tôi đành ngồi xuống và làm cái chuyện ngớ ngẩn đó. Tôi bắt đầu viết những chữ đầu tiên: “T – R – E – N – H – E – T…”

Tôi dừng bút, ngạc nhiên. “Được hẳn một từ có nghĩa đây này!” Tôi kêu lên. “Là từ TRÊN HẾT…”

“Nốt đi, ông bạn già!”

Tôi lại tiếp tục thay các con số bằng chữ cái tương ứng, lần lượt tách các nhóm ký tự ra thành từng tiếng, kinh ngạc hết sức khi chúng tạo thành những từ có nghĩa và một vế câu hoàn chỉnh hiện ra ngay trước mắt tôi.

“Xong chưa?” Một lát sau, Lupin hỏi.

“Xong rồi… À nhưng mà viết không dấu, lại có chỗ sai chính tả…”

“Để ý đến cái đấy làm gì! Ông bạn làm ơn đọc to lên tôi nghe xem nào… Đọc chậm thôi.”

Vậy là tôi đọc lên cho anh câu văn chưa hoàn chỉnh đó, nguyên văn như thế này:

Trên hết, phải tránh xe nguy hiểm, chớ ttấn công, thận trọg tối đa khi tiếp cận đối phưang và…”

Mời các bạn đón đọc Lời Thú Tội của tác giả Maurice Leblanc.