Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Vụ Chơi Khăm Ngài Triệu Phú

Trong Vụ chơi khăm ngài triệu phú, Arsène Lupin đã dựng lên một kế hoạch tinh vi nhằm lấy trộm chiếc vương miện của ngài Gourney-Martin. Cũng giống như mọi lần, trước khi ra tay, Lupin gửi đến cho ngài triệu phú một bức thư thách thức. Ngài triệu phú đã phải cầu viện đến cảnh sát và cậu con rể tương lai là Công tước Chamerace để chống lại gã đạo chích tinh quái. Liệu Lupin có thực hiện được trót lọt phi vụ táo bạo này? Hay anh ta sẽ phải chịu khuất phục trước lực lượng cảnh sát hùng hậu và không kém phần mưu trí?

***

“Siêu trộm hào hoa”, “Hoàng tử đạo chích”, “Robin Hood của giới tội phạm”, đó là những mỹ danh được dành tặng cho một trong những nhân vật tiếng tăm nhất của dòng văn học trinh thám phiêu lưu nước Pháp: Arsène Lupin. Ra mắt độc giả vào năm 1905 dưới dạng truyện ngắn dài kỳ trên tạp chí Je sais tout, gã đạo chích thông minh, quyến rũ nhưng không kém phần hài hước và láu cá ấy đã khiến cảnh sát khốn khổ vò đầu bứt tai, cánh nhà giàu ngày đêm lo ngay ngáy vì mất của, còn công chúng thì thích thú tán thưởng và hồi hộp dõi theo những màn trình diễn đầy hấp dẫn và không thể đoán trước kết cục.

***

Arsène Lupin là một nhân vật hư cấu xuất hiện trong loạt truyện thám tử, tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Pháp Maurice Leblanc, cũng như một số phần tiếp theo và rất nhiều phim truyền hình, phim điện ảnh như Night Hood, Arsène Lupin, các vở kịch và truyện tranh phỏng theo.

Cùng thời với Arthur Conan Doyle, Maurice Leblanc (1864-1941) đã sáng tạo ra nhân vật Arsène Lupin, một nhân vật có tầm phổ biến rộng khắp và lâu dài ở các nước nói tiếng Pháp, giống như Sherlock Holmes (tải eBook) ở các nước nói tiếng Anh.

Serie Arsène Lupin gồm hai mươi tập truyện được viết bởi chính Leblanc cộng thêm năm phần tiếp đã được ủy quyền cho nhóm viết của Boileau-Narcejac thực hiện, cũng như nhiều tác phẩm khác phỏng theo. Nhân vật Lupin được giới thiệu lần đầu trên tạp chí Je Sais Tout qua một loạt truyện ngắn, bắt đầu từ số thứ 6, ngày 15 tháng 7 năm 1905. Ban đầu nhân vật mang tên Arsène Lopin, nhưng vấp phải sự phản đối từ một chính trị gia trùng tên, kết quả là "Lopin" đã bị đổi thành "Lupin".

Arsène Lupin là một siêu đạo chích có tài hóa trang, một tên trộm quý tộc chuyên trộm đồ của nhà giàu trong khi núp bóng quý ông lịch thiệp. Nhân vật Lupin giống với Marius Jacob nên có khi được cho là dựa trên hình mẫu này.xuất hiện trong 12 tập truyện ngắn đã cho thấy đây là một nhân vật có thể sánh ngang cùng với các nhân vật khác như Holmes cua Conan Doyle, Hercule Poirot cuả Agatha. Hình tượng Lupin đã được nhiều bộ phim nổi tiếng lấy làm mẫu nhân vật như Kaito Kid trong bộ manga nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan (tải eBook).

***

Maurice Leblanc sinh năm 1864 tại Rouen, Pháp. Tên tuổi của ông thực sự được biết tới và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả suốt hơn một thế kỷ qua nhờ series truyện dài kỳ cho tạp chí Je sais tout về nhân vật siêu đạo chích Arsène Lupin. Nhờ những cống hiến không ngừng nghỉ của mình, Leblanc đã được trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Ông mất năm 1941 tại Perpignan.

Dưới đây là một số tác phẩm của Maurice Leblanc được dịch và xuất bản tại Việt Nam:

- Cái chết rình rập - Đối đầu Sherlock Holmes - Sa bẫy địa ngục - Những cú siêu lừa của Arsène Lupin - Những cuộc phiêu lưu của Arsène Lupin - Tám vụ phá án của Arsène Lupin - Ngôi nhà bí ẩn - Báo Thù - Nữ bá tước Cagliostro - Hòn Đảo 13 chiếc quan tài - Hai Nữ Tướng Cướp - Tam giác vàng ma quỷ - Arsene Lupin và Hồi Ức Bí Mật - Vụ Chơi Khăm Ngài Triệu Phú - Cây Kim Rỗng - Lời Thú Tội - …

***

N

hững luồng ánh nắng tháng Chín tràn ngập đại sảnh lâu đài Công tước xứ Charmerace, thứ ánh nắng dịu dàng làm sáng ngời những món chiến lợi phẩm hội tụ về đây từ bao nhiêu thời kỳ và bao nhiêu xứ sở, được bài trí hỗn độn với gu thẩm mỹ gớm ghiếc thông thường là căn bệnh cố hữu của những kẻ có tiêu chuẩn giá trị duy nhất là tiền. Ánh nắng óng vàng sưởi ấm những bức tường ốp ván và những đồ đạc cũ kĩ, khiến chúng hắt sáng mờ mờ. Nó trả lại cho nước sơn son thếp vàng đang phai của những chiếc tràng kỷ và những chiếc ghế dựa thời Đế chế thứ Nhất⦾ một chút gì rực rỡ xa xưa. Nó chiếu vào cả một dãy dài các bức tranh treo trên tường, chân dung những thành viên dòng họ Charmerace đã khuất bóng, những gương mặt đàn ông hoặc lạnh lùng hoặc vui vẻ, những chiến binh, những chính khách, những công tử phong nhã hào hoa, những gương mặt phụ nữ với vẻ đẹp hoặc độc đoán hoặc hiền hòa. Nó làm các bộ áo giáp sắt bật ra những tia lấp lóe và làm các bộ áo giáp đồng hắt sáng mờ mờ. Màu sắc của những món đồ sứ quý hiếm, của những chiếc tủ ngăn kéo phong cách phương Đông hoặc Phục Hưng được chạm khảm lộng lẫy lẫn với màu sắc của các bức tranh, các tấm thảm lớn và các tấm thảm nhỏ Ba Tư đặt rải rác khắp mặt sàn bóng loáng, đem đến cho sảnh đường sự phong phú, rực rỡ sắc màu.

Giữa tất cả những thứ đẹp đẽ và giá trị mà ánh nắng ấm áp làm cho vẻ đẹp bộc lộ rõ ràng hơn ấy, gương mặt một cô gái trẻ ngồi viết bên bàn, trước khung cửa sổ trải dài, mở ra bãi cỏ rộng mênh mông tuổi đời đã bao nhiêu thế kỷ nay, là thứ đẹp đẽ và giá trị nhất.

Đó là một vẻ đẹp thanh khiết, gần như mong manh. Làn da trong suốt, láng mịn tựa lớp men sứ cổ, đôi gò má trắng muốt, chỉ hơi phơn phớt hồng. Chiếc mũi thẳng tắp, thanh tú, cái cằm tròn trĩnh tuyệt diệu. Một người yêu cái đẹp sẽ bối rối, không biết nên chiêm ngưỡng cặp mắt xanh trong, thật đáng yêu và dễ khiến trái tim tan chảy, hay nên chiêm ngưỡng cái miệng nhạy cảm, với đôi môi đầy đặn, mọc mời những nụ hôn. Tuy nhiên, anh ta chắc chắn sẽ thấy nhói lòng bởi vẻ buồn bã khôn nguôi trên gương mặt xinh đẹp ấy, cái vẻ u uẩn bâng khuâng của người Slav bị một nỗi bất hạnh, đau khổ riêng tư nhuốm đậm thêm.

Mái tóc vàng mềm mại ôm lấy gương mặt cô gái trẻ. Nắng đậu xuống khiến những món tóc óng ánh. Những lọn tóc quăn nho nhỏ, không tuân theo chiếc lược, lòa xòa trước vầng trán trắng muốt, phủ lớp lông tơ óng ánh vàng.

Cô gái đang viết địa chỉ lên các phong bì, bên tay trái cô là một danh sách dài dằng dặc những cái tên. Cứ viết xong địa chỉ lên chiếc phong bì nào, cô lại nhét nhanh vào đó một tấm thiệp mời đám cưới. Mỗi tấm thiếp in hàng chữ: Ngài Gournal-Martin hân hạnh thông báo với quý vị đám cưới của con gái ngài, tiểu thư Germaine và Công tước xứ Charmerace.

Cô gái viết đều đều, hết phong bì này tới phong bì khác, chồng phong bì mỗi lúc một dày lên trước mặt cô, sẵn sàng để được đưa tới bưu điện. Nhưng thỉnh thoảng, khi mấy người con gái đang chơi tennis ngoài bãi cỏ – mặt mũi ửng đỏ, tươi cười – cao giọng hơn bình thường đọc điểm số, khiến cô mất tập trung vào công việc, ánh mắt cô lại lang thang nhìn ra qua cửa sổ, rầu rầu dừng ở mấy người con gái kia, và khi ánh mắt cô trở về với nhiệm vụ của mình, cô bâng khuâng thở dài, khẽ khàng đến nỗi cô hầu như chẳng biết là mình vừa thở dài nữa. Rồi một giọng gọi to vang lên từ bãi cỏ: “Sonia! Sonia!”

“Vâng, thưa chị Germaine.” Cô gái đang viết trả lời.

“Trà! Em gọi trà, nhé!” Cô gái hét lên, giọng nóng nảy, khá gay gắt đối với tai người nghe.

“Vâng, thưa chị Germaine.” Sonia đáp, viết nốt địa chỉ đang viết dở, rồi đặt chiếc phong bì lên chồng phong bì đã sẵn sàng để được đưa tới bưu điện. Cô đi ngang qua căn phòng, tới trước chiếc lò sưởi lớn lâu đời, rung chuông.

Cô đứng bên lò sưởi một lúc, cắm lại bông hồng bị rơi từ lọ hoa xuống bệ lò sưởi, tư thế của cô với hai cánh tay vươn lên cắm lại lọ hoa bộc lộ nét duyên dáng của cái cơ thể mảnh dẻ. Cô vừa buông tay xuống thì người hầu bước vào.

“Ông làm ơn đem trà ra nhé, Alfred.” Sonia nói bằng giọng trong ngần, thánh thót như chuông, món quà quý giá nhất tạo hóa ban cho chỉ một vài nữ diễn viên xuất sắc nhất.

“Cho mấy người, thưa cô?” Alfred hỏi.

“Cho bốn người, trừ phi ông chủ của ông đã về.”

“Ồ, chưa. Ông ấy chưa về, cô ạ. Ông ấy đi Rennes ăn trưa bằng xe hơi, mà Rennes thì cách đây nhiều dặm đường. Phải một tiếng đồng hồ nữa ông ấy mới về được.”

“Còn Công tước, ngài ấy cưỡi ngựa dạo chơi chưa về, phải không?”

“Vâng, cô ạ.” Alfred đáp rồi quay đi.

“Hẵng khoan.” Sonia nói. “Tất cả gia nhận đã gói ghém xong hành lý để đi Paris rồi chứ? Ông biết đấy, mọi người sẽ phải khởi hành sớm. Tất cả đám hầu gái đã sẵn sàng chưa?”

“À, đám đàn ông con trai đã sẵn sàng rồi, tôi biết, cô ạ. Nhưng còn đám đàn bà con gái, tôi không biết, cô ơi. Bọn họ cứ lăng xa lăng xăng suốt ngày, có điều bọn họ bao giờ cũng mất nhiều thời gian hơn bọn tôi.”

“Ông bảo bọn họ khẩn trương lên, và làm ơn chuẩn bị trà nhanh nhất có thể nhé.” Sonia nói.

Alfred rời khỏi căn phòng. Sonia quay lại bàn viết. Cô không cầm bút mà cầm lên một tấm thiệp mời đám cưới. Đôi môi cô chầm chậm mấp máy đọc, vẻ trầm tư, muộn phiền.

Cái giọng nóng nảy, hống hách khi nãy cắt ngang sự trầm ngâm của Sonia.

“Em đang làm gì thế, Sonia? Em không tiếp tục viết đi à?” Germaine Gournay-Martin cao giọng bực bội, bước qua khung cửa sổ mở sát xuống đến sàn để vào sảnh.

Cô gái thừa kế hàng triệu franc nhà Gournay-Martin cầm chiếc vợt tennis trong tay, đôi má vốn hồng hào càng hồng hào hơn vì vừa chơi thể thao. Đó là một cô gái xinh đẹp theo kiểu đỏ đắn, dễ thu hút sự chú ý, có phần lồ lộ, rất đối lập với vẻ đẹp thanh khiết của Sonia. Môi cô ta hơi mỏng quá, mắt không sâu chút nào, hai điều này kết hợp lại đem đến cho cô ta một vẻ khá khắc nghiệt, hoàn toàn tương phản với gương mặt dễ thương, hiền hậu của Sonia.

Hai cô bạn vừa chơi tennis với Germaine theo cô ta vào sảnh: Jeanne Gautier – vóc người cao ráo, làn da tối màu, vàng vọt, có vẻ gì như hiểm độc và Marie Bullier – thấp, tròn, tầm thường và ủy mị.

Bọn họ đi tới trước bàn Sonia đang ngồi viết. Marie chỉ chồng phong bì, hỏi: “Tất cả đây đều là thiếp mời đám cưới à?”

“Ừ. Mà mới tới được vần V.” Germaine nói, cau mày với Sonia.

“Công nương de Vernan… Công tước phu nhân de Vauvineuse… Hầu tước… Hầu tước phu nhân? Cậu mời cả quận Faubourg Saint-Germain ấy nhỉ!” Marie nói, xáo trộn chồng phong bì vẻ ghen tị.

“Cậu hầu như sẽ chẳng biết ai vào với ai ở đám cưới của cậu.” Jeanne khúc khích cười đầy ác ý.

“Xin lỗi các cậu.” Germaine nói vẻ khoe khoang. “Hôm trước, phu nhân de Relzières – chị họ chồng sắp cưới của tớ – đã tổ chức một buổi tiếp khách tại gia để tỏ lòng yêu quý tớ đấy. Ở buổi tiếp khách, bà ấy đã giới thiệu tớ với cả nửa Paris, cái thành phố Paris mà tớ chắc chắn sẽ quen thuộc, cái thành phố Paris mà các cậu sẽ thấy trong phòng khách của tớ.”

“Nhưng bọn tớ sẽ chẳng còn xứng đáng làm bạn cậu khi cậu trở thành Công tước phu nhân Charmerace.” Jeanne nói.

“Tại sao?” Germaine hỏi, rồi vội vã nói thêm: “Việc quan trọng nhất này, Sonia, đừng quên Veauléglise, 33 phố Đại Học… 33 phố Đại Học.”

“Veauléglise, 33 phố Đại Học.” Sonia nói, lấy một chiếc phong bì mới và bắt đầu điền địa chỉ.

“Khoan, khoan. Đừng đóng phong bì vội. Tôi đang phân vân không biết Veauléglise phải được đánh một dấu thập, hai dấu thập hay ba dấu thập.” Germaine nói với vẻ cực kỳ quan trọng.

“Thế nghĩa là thế nào?” Marie và Jeanne đồng thanh kêu lên.

“Một dấu thập có nghĩa là mời tới lễ nhà thờ, hai dấu thập có nghĩa là mời tới đám cưới và ăn sáng, ba dấu thập có nghĩa là mời tới đám cưới, ăn sáng và lễ ký giấy giá thú. Các cậu nghĩ nên dành cho Công tước phu nhân Veauléglise mấy dấu thập?

“Đừng hỏi tớ. Tớ chưa có hân hạnh quen biết bà phu nhân cao quý đó.” Jeanne kêu lên.

“Tớ cũng vậy.” Marie nói.

“Tớ cũng vậy mà.” Germaine nói theo. “Nhưng tớ có ở đây danh sách khách khứa của Công tước phu nhân Charmerace đã quá cố, mẹ Jacques. Hai bà phu nhân này ngày trước hết sức thân thiết với nhau. Ngoài ra, Công tước phu nhân Veauléglise mặc dù đã sức tàn lực kiệt nhưng vẫn rất được ngưỡng mộ vì lòng sùng đạo. Bà ấy đi dự lễ sớm ở nhà thờ mỗi tuần ba lần.”

“Thế thì đánh ba dấu thập.” Jeanne nói.

“Tớ thấy không nên.” Marie nói nhanh. “Ở vị trí của cậu, bạn yêu quý, tớ sẽ không liều lĩnh để xảy ra sơ suất. Tớ sẽ hỏi ý kiến chồng sắp cưới của tớ. Anh ta hiểu biết cái xã hội này mà.”

“Trời đất, chồng sắp cưới của tớ! Anh ta cóc quan tâm đến những chuyện kiểu này đâu. Bảy năm qua, anh ta đã thay đổi nhiều. Chứ bảy năm trước, anh ta coi mọi việc trên đời đều chẳng có gì hệ trọng. Anh ta đã lên đường đi thám hiểm Nam Cực chỉ để gây ấn tượng với mọi người. Ôi, ngày xưa, anh ta đích thực là một bậc công tước.”

“Còn ngày nay?” Jeanne hỏi.

“Ôi, ngày nay, anh ta là một kẻ kề rà kề rề, rất đỗi bình thường. Những chuyện thù tiếp khiến anh ta khó chịu. Anh ta nghiêm trang y như ông quan tòa vậy.” Germaine trả lời.

“Ngài ấy hết sức vui vẻ mà.” Sonia bất ngờ phản đối.

Germaine bĩu môi nói với Sonia: “Ồ, anh ta cũng vui vẻ ra phết đấy, mỗi khi anh ta bỡn cợt mọi người. Nhưng những lúc khác thì anh ta nghiêm trang y như ông quan tòa vậy.”

“Cha cậu ắt hẳn hài lòng với sự thay đổi này.” Jeanne nhận xét.

“Đương nhiên cha tớ thấy hài lòng rồi. Hôm nay cha tớ đang ăn trưa với ông Bộ trưởng, chủ đề bàn bạc duy nhất là tặng thưởng huân chương cho Jacques đấy.”

“Chà, được huân chương Bắc Đẩu bội tinh thì tuyệt.” Marie nói.

“Bạn yêu quý! Huân chương Bắc Đẩu bội tinh đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu thì tuyệt, nhưng đối với một bậc công tước thì không phù hợp đâu!” Germaine kêu lên.

Alfred mang khay trà vào, đặt lên chiếc bàn nhỏ gần chiếc bàn Sonia đang ngồi viết.

Germaine cảm thấy mình quan trọng tới mức không thể ngồi yên, cứ đi đi lại lại xung quanh phòng. Bỗng nhiên, cô ta dừng phắt lại, chỉ một bức tượng bằng bạc đặt trên chiếc đàn piano, hỏi: “Cái gì thế này? Tại sao bức tượng này lại ở đây?”

“Sao vậy nhỉ? Khi chúng ta vào đây, nó ở trên chiếc tủ ngăn kéo, chỗ thường lệ của nó mà.” Sonia nói, có phần kinh ngạc.

“Ông đã vào sảnh lúc chúng tôi chơi ngoài vườn à, Alfred?” Germaine hỏi ông già gia nhân.

“Không ạ, thưa cô.” Alfred đáp.

“Nhưng ắt hẳn một kẻ nào đó đã vào đây.” Germaine khăng khăng.

“Tôi không nghe thấy có ai vào. Còn lúc nãy thì tôi ở dưới bếp ạ.” Alfred nói.

“Chuyện này hết sức kỳ quặc.” Germaine nhận xét.

“Kỳ quặc thật đấy!” Sonia nói. “Tượng không có chân mà tự di chuyển chỗ này chỗ kia được.”

Tất cả mọi người nhìn chằm chằm vào bức tượng, như thể họ chờ cho bức tượng lại ngay tức khắc di chuyển, trước mắt họ. Rồi Alfred đặt nó trở về vị trí cũ trên một chiếc tủ ngăn kéo, đoạn rời khỏi căn phòng.

Sonia rót trà, mấy cô con gái vừa uống trà vừa dông dài bàn luận về đám cưới sắp sửa diễn ra, về việc sẽ mặc váy áo ra sao, về những món quà Germaine đã nhận được. Chuyện này nhắc nhở cô ta hỏi Sonia xem có ai từ ngôi nhà của cha cô ta ở Paris gọi điện đến chưa, Sonia trả lời là chưa có ai gọi cả.

“Thật bực mình quá!” Germaine nói. “Thế tức là hôm nay chưa có ai gửi quà cho tớ.”

Cô ta vừa bĩu môi vừa nhún vai với dáng vẻ của đứa bé vốn vẫn được cưng chiều, chẳng phù hợp với một thiếu nữ hai mươi ba tuổi đã hoàn toàn trưởng thành.

“Hôm nay là Chủ nhật. Các cửa hiệu không giao đồ vào Chủ nhật ạ.” Sonia nhẹ nhàng nói.

Nhưng Germaine vẫn bĩu môi chẳng khác nào đứa bé hư.

“Chàng Công tước hay ho của cậu không đến uống trà với bọn mình à?” Jeanne hơi sốt ruột hỏi.

“Ồ, phải rồi. Tớ đang đợi anh ta tới lúc bốn rưỡi. Anh ta phải cưỡi ngựa dạo chơi với hai anh em nhà du Buit. Họ cũng sẽ đến uống trà đấy.” Germaine nói.

“Cưỡi ngựa dạo chơi với anh em nhà du Buit? Nhưng bao giờ vậy?” Marie hấp tấp kêu lên.

“Chiều nay.”

Mời các bạn đón đọc Vụ Chơi Khăm Ngài Triệu Phú của tác giả Maurice Leblanc.