Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Giết Chỉ Huy Đội Kỵ Sĩ

“Có thể một ngày nào đó tôi sẽ vẽ được chân dung của thứ không có. Như một họa sĩ đã vẽ được bức tranh Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Nhưng để làm được vậy, tôi cần có thời gian. Tôi phải làm bạn với thời gian.”

Rời khỏi người vợ đã đơn phương đòi ly hôn, “tôi” - chàng họa sĩ vẽ chân dung ba mươi sáu tuổi lang thang khắp nẻo đường rồi dừng chân tại một biệt thự nằm giữa khu rừng âm u trên đỉnh ngọn núi trông về phía biển, và sống tiếp tại đó trong nỗi cô đơn thăm thẳm. Không lâu sau, con cú đại bàng trên gác mái và tiếng chuông kỳ quái lúc đêm khuya đã khơi mào một chuỗi hiện tượng bí ẩn, dẫn dụ “tôi” bước vào chuyến phiêu lưu tâm linh huyền hoặc. Người đàn ông tóc bạc trắng xuất hiện từ bên kia thung lũng xanh biếc, ngôi miếu với căn hầm đá trong rừng, đĩa hát cũ, “Chỉ huy đội kỵ sĩ”… những chi tiết nửa thực nửa hư chậm rãi hiện hình trong bức tranh siêu thực u hoài, lạnh gáy của Murakami.

***

Tác giả

Haruki Murakami sinh ngày 12/1/1949 tại Kyoto, lớn lên ở thành phố Ashiya, tỉnh Hyogo nhưng phần lớn thời thanh xuân lại trải qua ở Tokyo. Murakami từng học về kịch tại đại học Waseda, Tokyo. Khi đang còn là sinh viên tại đại học Waseda, ông mở một quán nhạc Jazz có tên là Peter Cat và bắt đầu viết tiểu thuyết. Văn phong của ông chịu ảnh hưởng lớn từ văn học Mỹ, các tác phẩm của ông chủ yếu miêu tả cuộc sống và con người ở đô thị hiện đại.

Nhà văn Haruki Murakami

Sinh: 12 tháng 1, 1949 (tuổi 66), Fushimi-ku, Kyoto, Kyōto, Nhật Bản

Vợ: Yoko Takahashi (kết hôn 1971)

Giải thưởng: Giải Jerusalem, Giải Franz Kafka

Đề cử: Giải văn học quốc tế Neustadt

Nhiều tác phẩm của ông đã dịch ra tiếng Việt và được người đọc Việt Nam ưa thích, như:

***

"Giết chỉ huy đội kỵ sĩ" ra mắt bản tiếng Nhật năm 2017 và bản tiếng Anh năm 2018. Nhà xuất bản tại Nhật cho biết 1,3 triệu bản sách ra mắt trong lần in đầu.

Tại Việt Nam, đơn vị phụ trách xuất bản đã tổ chức cuộc thi thiết kế bìa cho Giết chỉ huy đội kỵ sĩ của Murakami vào cuối năm 2020. Đến ngày 11/1, sách được phát hành. Cũng giống tại Nhật, cuốn sách gây được ấn tượng với bạn đọc Việt.

Giết chỉ huy đội kỵ sĩ được giới thiệu là cuốn tiểu thuyết sở hữu nhiều chi tiết nửa thực nửa hư trong bức tranh siêu thực đầy u hoài, đậm chất Murakami, thứ đã "hớp hồn" bạn đọc trong nhiều tác phẩm như Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới hay 1Q84.

Đối với Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, mặc dù tác phẩm mang đậm phong cách đậm chất Murakami, lại vẫn đem đến nhiều sự mới mẻ. Điều này giúp cho người đọc có được những trải nghiệm mới ngay trong bầu không khí quen thuộc, hấp dẫn.

Để nói về chất lượng của cuốn tiểu thuyết, có lẽ cần so sánh Giết chỉ huy đội kỵ sĩ với 1Q84, một trong những tác phẩm thành công nhất sự nghiệp của Haruki Murakami.

Tại 1Q84, tác giả đưa người đọc tới một thế giới huyền bí, đan xen giữa thực và ảo. Không chỉ thế, tác phẩm còn được định hình bởi chiều sâu tâm lý, tình cảm của người phụ nữ, trái ngược với sự bạo lực hiển hiện trong truyện.

Còn đối với Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, có lẽ, cuốn sách còn cần được nhìn ở góc độ đa chiều hơn. Nhân vật "Tôi" đã phải trải qua nhiều thứ cảm xúc hỗn độn, khó tả. Mọi thứ bắt đầu từ việc cô vợ đơn phương đòi ly hôn, rồi những bước đi lạc lõng, cô đơn sau này. Tất cả được đẩy lên cao trào khi anh ta vô tình bước vào một chuyến phiêu lưu kỳ ảo.

Nhân vật "Tôi" và hành trình tìm về hạnh phúc
Đầu tiên, sự mới mẻ của tác phẩm đến từ hội họa - yếu tố cốt lõi xuyên suốt Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Thông qua nội tâm của nhân vật "Tôi", Murakami không giấu giếm sự khâm phục mà mình dành cho nghệ thuật hội họa cũng như văn chương và âm nhạc.

Xây dựng nhân vật "Tôi" có cá tính, hoàn cảnh như vậy đồng nghĩa việc Murakami có cơ hội để tạo ra các chi tiết ẩn dụ, truyền tải triết lý của mình về hội họa một cách trôi chảy, mượt mà nhất.

Tất nhiên, cuốn tiểu thuyết vẫn có những điểm quen thuộc giống với các tác phẩm trước của Murakami, ví dụ cách ông đưa vào cuốn sách các chi tiết như thú vui tự nấu ăn, âm nhạc, hay những đối thoại hài hước.

Giết chỉ huy đội kỵ sĩ không chỉ tạo ra luồng gió mới đối với người hâm mộ Murakami mà tác phẩm còn xây dựng được chiều sâu trong nội tâm mỗi nhân vật. Ảnh: Midori.

Bên cạnh đó, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ cũng xuất hiện yếu tố thần thoại như trong Kafka bên bờ biển (câu chuyện về Oedipus) là ẩn dụ về dòng sông với người lái đò vô diện được lấy cảm hứng từ sông Styx dưới âm phủ và gã lái đò Charon.

Giống với Rừng Na Uy, các tuyến nhân vật được gói trong mối quan hệ tay 3 như Watanabe Toru - Naoko - Kizuki hay Watanabe Toru - Midori - Naoko, thì Giết chỉ huy đội kỵ sĩ cũng được Murkami xây dựng và phân vai theo mối quan hệ ba người như thế.

Duy có điều khác biệt ở đây là các mối quan hệ này đều được gắn liền bức họa quan trọng, ví dụ "Tôi" - họa sĩ Amada Tomihiko - bức Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, Tôi - Menshiki - bức chân dung Menshiki…

Vì thế, dù liên tục xuất hiện những tình tiết ẩn dụ, siêu thực hay một khái niệm khó hiểu nhưng độc giả vẫn có thể theo dõi mạch truyện một cách khá thuận lợi, không bị chồng chéo.

Rồi tất cả ý tưởng và ẩn dụ xuất hiện trong truyện được xâu chuỗi, liên kết với nhau bằng luật nhân quả. Thậm chí, sự luân hồi phi thời gian đã đưa nhân vật "Tôi" đi qua tất cả không gian hư hư thực thực trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ.

Qua cuộc hành trình ấy, nhân vật "Tôi" đã nhận ra rằng bất cứ ai cũng đều trải qua “ẩn dụ kép” mang tính chất hai mặt. Những sai lầm, nỗi đau và sự sợ hãi có thể còn đáng sợ hơn cả cái chết nhưng đồng thời trong chính những khoảnh khắc tiêu cực ấy, người ta vẫn có thể tìm thấy điều tốt đẹp.

***

Haruki là tác giả quốc tế chứ không riêng gì của Nhật nữa, phong cách của ông như một tượng đài trên văn đàn, độc đáo riêng biệt. Hiếm có tác giả nào giữ được sức sáng tác đều tay và tốc độ ra sách nhanh như ông (và làm quái nào mà ổng vẫn chưa đoạt giải Pulitzer nhỉ)
Mối duyên độc giả - tác giả của mình và ông thì hơi bị gián đoạn và chỉ mới nối lại gần dây. Sự gián đoạn tính theo chục năm, thời mình đọc 1 lèo Rừng Nauy, Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời, Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót - mà quả thực. bây giờ chỉ nhớ rõ nhất mỗi Rừng Nauy vì nhờ coi phim, 17 - 18 tuổi, thời trẩu tre nên thấy cái gì mà khó hiểu phức tạp là thích nhảy vô lắm, mà cái giá của việc đọc mà không cảm không hiểu là ù cạc và mất luôn sự hứng thú với tác giả suốt một thời gian dài, phải đến khi “già chát” như hiện tại thì mới đọc lại, mà cứ nhẩn nhơ tha thẩn mãi mới xong một cuốn, vì đâu còn quỹ thời gian dồi dào như xưa.
Nhưng thích, cuốn đầu tiền mình đọc lại của ông sau giai đoạn “nghỉ chơi dài hơi” là “Những người đàn ông không có đàn bà” (nghe đồn 1 truyện ngắn trong đó sắp được dựng thành phim 3 tiếng - đạo diễn chắc cũng không phải người thường mà có thể dựng 1 truyện ngắn của ổng chưa đầy 3 trang thành phim 3 tiếng). Lần đó đọc sách mà cảm giác bỡ ngỡ rụt rè đúng kiểu gặp lại 1 người bạn vong niên, thậm chí với đứa có tật đọc nhanh như mình mà lần đó có những trang phải giở lại, hoặc nghỉ 1 2 hôm rồi đọc tiếp.
Cuộc gặp gỡ tiếp theo cách đó cũng khá lâu là bộ tiểu thuyết cực nổi thời gian mới ra mắt, 1Q84mà mình cũng là đứa lỗi thời nên 10 năm sau khi sách ra mới tìm đọc. Sau lần đầu bỡ ngỡ thì lần 2 này Haruki đã khiến mình “té” vô tình yêu sách của ổng lần nữa, thiên thời địa lợi thì đúng hơn là “nhân hoà” vì mình nhịn lâu ơi là lâu mới đọc lại tiểu thuyết (sau 1 thời gian nỗ lực xoá nghèo kiến thức với các sách lĩnh vực khác thì trời ơi lúc đó 1Q84 đã tưới mát cánh đồng khô quéo trong mình bằng ngồn ngộn câu từ và một câu chuyện liêu trai phức tạp đúng phong cách của ông)
Và lần 3 là Giết chỉ huy đội kỵ sĩ
(gớm mở bài lê thê vãi)
Tại sao mình chọn Giết chỉ huy đội kỵ sĩ chứ không phải 1Q84 để viết về, một phần vì mới đọc gần đây nên vẫn nhớ mang máng (ha ha), nhưng phần lớn là vì mình thích …Kỵ Sĩ hơn là ..84. Nếu ví cả 2 với ẩm thực thì 1Q84 là một bữa ăn đêm Phục Sinh cầu kì, đầy ắp các mỹ bị và món nào cũng được đầu bếp chăm chút với kỹ năng tuyệt đỉnh, bữa ăn kéo dài tận 3 tập (dày) (mà ổng hoàn thành chỉ trong vỏn vẹn 1 năm, khủng khiếp) thì Giết chỉ huy đội kỵ sĩ với mình như một bữa Brunch cuối tuần, ngon, chất lượng và đủ nhiều để lấp đầy bụng cho cả bửa sáng lẫn trưa, quan trọng là chữ “đủ”.
Sức hấp dẫn của Haruki mang đến cho mình trong …Kỵ Sỹ thực ra cũng là những điều đã giúp ông nổi tiếng bấy lâu, bút lực dồi dào, trí tưởng tượng tuyệt vời, khả năng xây dựng nhân vật sống động và cực kì tỉ mỉ, nhưng điều mà ông làm mình phải ngả mũ trong tiểu thuyết mới nhất này là kiến thức và sự đầu tư ông đã bỏ ra để làm chất liệu cho sách - vốn sống dồi dào, sự thông tuệ cùa ông thể hiện rõ nét trong các nhân vật và tác phẩm của ông, dù là chính hay phụ hay thoáng qua, họ đều có một tư chất nghệ thuật nhất định, họ có gout nghe nhạc, họ đọc sách, họ theo đuổi thứ mà họ đang theo đuổi một cách nghiêm cẩn. Lần này với Chỉ huy đội kỵ sĩ, ông mang đến cho độc giả một lát cắt nghệ thuật mới, là hội hoạ, nhưng cũng như những gì mình từng biết về ông, hội hoạ chỉ là tấm giấy nền, trên tấm giấy ấy, ông vẽ nên câu chuyện của mình bằng những đường cọ sắc nét, táo bạo, và nhiều tầng lớp - và cũng giống như thưởng tranh, đôi khi thứ níu giữ khán giả là sự kết nối của họ với chính tác phẩm đó - với chính người nghệ sĩ hơn là những gì thể hiện trên bức tranh.
“- Nhưng làm thế nào mà cậu phát hiện được bức tranh này? Menshiki hỏi
- Phát hiện?
- Đương nhiên cậu là người vẽ bức tranh này. Cậu đã tự mình sáng tác. Nhưng đồng thời, xét theo một nghĩa khác thì cậu đã phát hiện ra bức tranh. Nghĩa là cậu đã tìm thấy và lấy ra được hình ảnh chôn giấu bên trong cậu. Chắc phải dùng từ khai quật mới đún. Cậu có nghĩ vậy không?
Nói vậy có lẽ cũn đúng, tôi thầm nghĩ. Tất nhiên là tự tôi đã vẽ bức tranh này theo ý mình. Tôi cũng là người chọn màu vẽ, là người dùng cọ, dao và ngón tay để tô màu. Nhưng nếu nhìn theo cách khác thì có lẽ tôi đã dùng Menshiki làm chất xúc tác để tìm và lấy ra thứ được chôn sâu bên trong con người tôi…
Menshiki nói:
- Giống như một trận động đất xuất hiện dưới đáy biển sâu. Thay đổi lớn xảy ra ở thế giới vô hình, thế giới không có ánh mặt trời, nói cách khác là vùng vô thức bên trong. Thay đổi ấy lan truyền tới mặt đất, gây ra phản ứng liên hoàn, cuối cùng mới định hình trước mắt chúng ta…”
Mình có đọc đâu đó không rõ (chắc là lúc search hình sách để chèn vô bài viết) rằng Giết chỉ huy đội kị sỹ không được đánh giá cao bởi đọc giả yêu thích Haruki, nhưng với mình, khi viết những dòng này, mình chợt nhớ đến 1 nhận xét của báo Thanh Niên về phim Đông Tà Tây Độc, rằng ”Đạo diễn Vương Gia Vệ mượn truyện kiếm hiệp Kim Dung để kể về tình yêu”, mình xin lấy ý tứ của câu này để nói về sách của Haruki, những cuộc phiêu lưu viễn tưởng trong sách của ông thực ra cũng chỉ để làm nền để ông kể về những con nguời cô đơn trên thế giới này và cách họ kết nối với chính mình, và với thế giới quan xung quanh, một cách kì lạ, khó tin, huyễn hoặc đến vô lý. Như Aomame nắm chặt tay Tengo đi qua đường hầm thông lên đường cao tốc để trở về lại thế giới của họ trong 1Q84, và anh hoạ sĩ chui vào một thế giới sâu trong lòng đất để hoàn thành một nghĩa vụ anh không hiểu là gì nhưng anh tin bằng trực giác của mình và hành động, để rồi khi ra khỏi ở phía bên kia, tất cả đã khác trừ chính anh.
Đôi khi sự rời rạc và vô lý trong cách hành văn của ông lại chính là sự cố ý sắp đặt, vì mỗi con người sẽ có một cách khác nhau để tìm đến bản thể của mình. Liệu tương lai có thật sự là một bí ẩn, hay nó bắt đầu từ rất lâu trước hiện tại, có lẽ sự băn khoăn về sự vĩ mô của cuộc đời được truyền tải tài tình qua con chữ mới là điều khiến độc giả “ghiền” Haruki lâu và dài đến vậy, sự thoả mãn không nằm ở đáp án hay cái kết nào, màn nằm ở hành trình kì diệu nằm sau mỗi trang sách (và mỗi ngày). Tận hưởng và khám phá thôi.
Thực ra, mình vẫn bị “stuck” khi viết review về sách, có nên miêu tả về nhân vật không, có nên tóm tắt câu chuyện không, có nên điểm qua các tình tiết “key” trong sách không. Bởi sách (hoặc phim) nó khác với món ăn hay địa điểm, nó attach khá nhiều với cá nhân, sự cảm thụ, tính cách, gout, tâm trạng nữa…đều khiến mình phải chùng tay mỗi khi viết về sách hay phim, bởi thực sự các lăn tăn kể trên, với mình thì mình nghĩ “phải tự đọc hay xem thì mới nghiệm ra được”, nên stuck là chỗ đó, không biết viết gì thêm… Hy vọng đến những cuốn sau sẽ đỡ stuck hơn.

Mời các bạn đón đọc Giết Chỉ Huy Đội Kỵ Sĩ của tác giả Haruki Murakami & Mộc Miên (dịch).