Đầu tiên, theo tư vấn của một ông bạn già thận trọng, tôi đã đủ ngoan ngoãn đến mức đặt điều kiện xuất bản cuốn sách dưới bút danh khác. Tôi không biết mình sẽ có lúc nào đó thấy ân hận là ít lâu sau, do hiểu rõ rằng cái mặt nạ có thể dễ dàng để lộ nguyên cớ của chính tôi như thế nào, tôi lại quyết định ký tên thật cho Lolita. Bốn nhà xuất bản Mỹ — W,X,Y,Z — lần lượt được tôi chào bản đánh máy và đưa cho những người đọc của họ liếc qua nó, đã bị sốc bởi Lolita đến mức mà thậm chí ngài F.P., ông bạn già thận trọng của tôi, cũng không tính đến.
Mặc dù đúng là ở châu Âu cổ đại, và tận cho đến thế kỷ mười tám (những ví dụ dễ thấy đến từ nước Pháp), sự dâm tục cố ý đã không mâu thuẫn với những giây phút lóe sáng trong hài kịch, hoặc văn chương châm biếm đầy khí lực, hoặc thậm chí cảm hứng của một thi sỹ tài hoa đang trong tâm trạng phóng đãng, và cũng đúng là trong thời hiện đại thì thuật ngữ "văn hóa phẩm khiêu dâm" có nghĩa là tầm thường, hám lợi, và những quy tắc kể chuyện chặt chẽ nhất định. Hành động khiêu dâm cần cho bắt cặp với lời lẽ sáo rỗng bởi lẽ mọi kiểu tận hưởng khoái cảm mỹ học phải bị thay thế trọn vẹn bởi sự kích thích tình dục đơn giản, thứ đòi hỏi lời lẽ truyền thống để tác động trực tiếp lên bệnh nhân. Người sáng tác văn hóa phẩm khiêu dâm phải tuân thủ các quy tắc cũ kỹ và cứng nhắc để làm cho bệnh nhân của anh ta được bao bọc bởi cùng một bầu không khí thỏa mãn an toàn, bầu không khí vốn dĩ quen thuộc với những người mê truyện trinh thám — những truyện mà trong đó, nếu bạn không coi chừng, kẻ sát nhân thật sự có thể hóa ra là, trước sự phẫn uất của người hâm mộ, tính độc đáo nghệ sỹ (ai mà lại muốn, tỷ như, một truyện trinh thám không có đến dù chỉ một cuộc đối thoại?) Bởi vậy, trong các tiểu thuyết khiêu dâm, hành động bị giới hạn trong sự giao cấu giữa những lời khuôn sáo. Phong cách, cấu trúc, tính hình tượng không bao giờ được phép làm sao lãng độc giả khỏi thú tính đầm ấm của anh ta. Cuốn tiểu thuyết phải bao gồm sự thay thế luân phiên những cảnh nhục dục. Những đoạn văn ở giữa phải được rút gọn lại thành những đường khâu cảm xúc, những cầu nối hợp lý có thiết kế tối giản, những giải thích và trình bày ngắn gọn, mà độc giả hầu như chắc chắn sẽ bỏ qua nhưng phải được biết là chúng có tồn tại để không cảm thấy bị lừa dối (sự nhồi sọ từ lề thói của các chuyện thần tiên "có thật" ở thời thơ ấu). Hơn nữa, những cảnh nhục dục trong sách phải bám theo một mạch tăng dần, với những biến thể mới, những phối hợp mới, những giới tính mới, và sự gia tăng đều đặn số lượng người tham gia (trong một vở kịch của Sade, họ còn gọi cả người làm vườn vào), và bởi vậy mà phần kết thúc cuốn sách phải thừa mứa những tri thức dâm dật hơn là các chương đầu tiên.
Một vài kỹ thuật ở phần đầu Lolita (giả dụ như Nhật Ký của Humbert) làm cho mấy độc giả đầu tiên của tôi lầm tưởng rằng họ sẽ được đọc một cuốn dâm thư. Họ trông chờ vào chuỗi gia tăng các cảnh gợi tình; khi những cái này ngưng lại, độc giả cũng ngưng đọc luôn, và cảm thấy buồn chán và thất vọng. Tôi ngờ rằng điều này là một trong những lý do tại sao không phải tất cả bốn hãng chịu đọc bản đánh máy ấy đến cuối. Dù họ có thấy nó khiêu dâm hay không thì điều đó cũng chẳng làm tôi quan tâm. Sự khước từ của họ với việc mua sách không dựa trên cách tôi xử lý chủ đề mà dựa trên chính chủ đề, bởi có đến ít nhất là ba chủ đề tuyệt đối cấm kỵ đến mức hầu hết các nhà xuất bản Mỹ đều lo ngại. Hai cái khác là: một cuộc hôn nhân Nhọ-Trắng lại thành công trọn vẹn và mỹ mãn và đơm hoa kết trái thành con đàn cháu đống; và kẻ vô thần tuyệt đối lại sống cuộc đời hạnh phúc và có ích, rồi chết trong lúc đang ngủ, thọ 106 tuổi.
Một số phản ứng rất tức cười: một độc giả gợi ý là hãng của anh ta có thể cân nhắc chuyện xuất bản nếu như tôi biến nàng Lolita của tôi thành cậu bé mười hai tuổi và để cậu ta bị dụ bởi Humbert, một gã nông dân, trong chuồng gia súc, giữa phong cảnh thê lương và cằn cỗi, mọi điều này được trình bày bằng những câu văn ngắn, mạnh, "hiện thực" ("Hắn hành động điên rồ. Tôi nghĩ là tất cả chúng ta đều hành động điên rồ. Tôi nghĩ Chúa cũng hành động điên rồ." Vân vân.). Mặc dù mọi người nên biết là tôi ghét cay ghét đắng những biểu tượng và phúng dụ (một phần do mối thù cũ của tôi với tà phép của Freud và một phần do nỗi kinh tởm của tôi với sự khái quát được sáng chế bởi những người sáng tác văn chương thần thoại và những nhà xã hội học), một độc giả sáng dạ khác thường đọc lướt qua Phần Một rồi miêu tảLolita như "châu Âu già dắt nước Mỹ trẻ vào đời trụy lạc," ấy thế mà một độc giả ba chớp ba nháng khác lại thấy trong nó "nước Mỹ trẻ dắt châu Âu già vào đời trụy lạc." Ông chủ nhà xuất bản X, người có các vị cố vấn chán ngấy Humbert đến nỗi họ không bao giờ đọc được quá nửa cuốn sách, đã ngây thơ viết cho tôi rằng Phần Hai quá dài. Mặt khác, ông chủ nhà xuất bản Y lại lấy làm tiếc, rằng không có người tốt nào trong cuốn sách. Ông chủ nhà xuất bản Z bảo, nếu ông in Lolita, thì ông và tôi sẽ đi tù.
Không có nhà văn nào ở một đất nước tự do lại cho rằng họ phải quan tâm đến ranh giới chính xác giữa gợi cảm và gợi dục; đó là điều hết sức vô lý; tôi chỉ có thể ngưỡng mộ chứ không thể ganh đua với độ chính xác trong cách nhìn của những người tạo dáng các động vật hữu nhũ trẻ trung xinh đẹp để chụp ảnh đăng lên tạp chí sao cho toàn bộ đường viền cổ áo chỉ vừa đủ thấp để khơi gợi một tiếng cười thầm của tay bưởng trưởng và vừa đủ cao để không làm ông bưu cục trưởng phải nhăn mặt. Tôi cho là, vẫn tồn tại những độc giả thấy hưng phấn với sự hiện diện những lời lẽ chợ búa trong những cuốn tiểu thuyết khổng lồ và sáo rỗng đến tuyệt vọng, những cuốn tiểu thuyết được đánh máy bằng những ngón tay cái của những kẻ tầm thường cương cứng và được đánh giá là "có ảnh hưởng lớn" và "nổi bật" bởi những tay phê bình bồi bút. Có những tâm hồn hiền lành tuyên bố Lolita vô nghĩa do nó không dạy họ được bất cứ điều gì. Tôi chẳng phải độc giả mà cũng chẳng phải nhà văn thể loại văn chương hư cấu ra vẻ mô phạm, và, bất chấp xác nhận của John Ray, Lolita chẳng có bài học nào đi cùng. Với tôi thì một tác phẩm hư cấu chỉ tồn tại trong chừng mực nó cho tôi cái mà tôi sẽ gọi huỵch toẹt ra là khoái cảm thẩm mỹ, đó là cảm giác được — bằng cách nào đó, ở nơi nào đó — kết nối với những trạng thái khác của sự tồn tại, nơi mà nghệ thuật (sự hiếu kỳ, tính nhạy cảm, lòng nhân hậu, niềm hoan lạc) là tiêu chuẩn. Không có nhiều cuốn sách như vậy. Tất cả những cuốn còn lại hoặc là lá cải thời thượng hoặc là những thứ vẫn được một số người gọi là Văn Chương Ý Tưởng, những thứ mà trong rất nhiều trường hợp lại chính là lá cải thời thượng cô lại thành các khối thạch cao khổng lồ được truyền cẩn thận từ đời này qua đời khác cho đến khi có ai đó xông lên với cây búa và thử làm một choác ra trò lên Balzac, lên Gorki, lên Mann.
VLADIMIR NABOKOV
***
“Lolita, hay Lời thú tội của một người đàn ông da trắng góa vợ”, là hai nhan đề mở đầu các trang bản thảo kì lạ mà người đang viết những dòng này nhận được. “Humbert Humbert”, tác giả của chúng, đã chết trong trại tạm giam, do bệnh nghẽn động mạch vành, vào ngày 16 tháng Mười Một năm 1952, ít hôm trước khi phiên tòa xét xử dự định diễn ra. Ngài Clarence Choate Clark, hiện thuộc đoàn luật sư Đặc khu Columbia, luật sư của ông ấy, người bạn tốt và cũng là người bà con của tôi, đề nghị tôi biên tập lại bản thảo này dựa trên một điều khoản trong di chúc của thân chủ trao cho ông anh họ xuất chúng của tôi toàn quyền giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc xuất bản “Lolita”. Quyết định này của ngài Clark có lẽ chịu ảnh hưởng từ việc nhà biên tập mà ông ấy chọn vừa nhận được giải thưởng Polling cho một nghiên cứu khiêm tốn (“Có thể đồng cảm với cảm xúc không?”) bàn về một số trạng thái bệnh hoạn và loạn dâm.
Nhiệm vụ của tôi hóa ra đơn giản hơn cả hai chúng tôi đã dự đoán. Ngoại trừ việc sửa những lỗi ngữ pháp dễ thấy và thận trọng lược bỏ vài chi tiết dai dẳng mà bất chấp những cố gắng của “H.H.” vẫn tồn tại trong nguyên bản như những tấm biển báo và bia mộ (để lộ những nơi hoặc những người mà lẽ ra nên giấu đi cho nhã, hoặc nên thương tình bỏ qua), thì tập hồi ký khác thường này được giới thiệu nguyên vẹn. Biệt danh kỳ quái của tác giả hồi ký là sáng chế của chính ông ta; và, dĩ nhiên, chiếc mặt nạ này — mà qua nó, đôi mắt thôi miên của ông ta dường như rực sáng — vẫn được giữ nguyên không cởi bỏ, đúng như ý nguyện của người đeo nó. Trong khi “Haze” chỉ ăn vần với họ thật của nữ nhân vật chính, thì tên của cô ấy lại quyện với từng sợi xơ giấy sâu kín nhất của cuốn sách đến độ không ai được phép thay đổi; và (như độc giả sẽ tự thấy) cũng không có lý do thiết thực nào để làm vậy. Những tư liệu liên quan đến tội ác của “H.H.” có thể dò tìm trong các tờ nhật báo hồi tháng Chín, tháng Mười năm 1952; nguyên nhân và mục đích của tội đó ắt sẽ vẫn tiếp tục là điều hoàn toàn bí ẩn, nếu tập hồi ký này không được cho phép đến nằm dưới ngọn đèn đọc sách của tôi.
Để giúp các độc giả cựu trào có mong muốn dõi theo số phận những người “có thực” bên ngoài câu chuyện “thật”, vài chi tiết có thể được đưa ra dựa theo những gì nhận được từ ông “Windmuller” ở “Ramsdale”, ông này muốn giữ kín nhân thân để “chiếc bóng dài u ám của câu chuyện buồn thảm và nhớp nhúa này” không chạm tới cái cộng đồng mà ông hãnh diện được là thành viên. Con gái ông, “Louise”, hiện là sinh viên đại học năm thứ hai. “Mona Dahl” là sinh viên ở Paris. “Rita” vừa mới kết hôn với một ông chủ khách sạn ở Florida. Bà “Richard F Schiller” đã qua đời ngay trên bàn đẻ, khi đang sinh một bé gái chết non, vào đúng ngày Giáng Sinh năm 1952, ở Gray Star, một khu dân cư miền Tây Bắc vô cùng hẻo lánh. “Vivian Darkbloom” đã viết xong cuốn tiểu sử, nhan đề “My Cue”, sẽ được xuất bản nay mai, và những nhà phê bình đã nghiền ngẫm bản thảo đều cho đó là cuốn sách hay nhất của bà. Những người trông coi các nghĩa trang khác nhau có liên quan tới câu chuyện cho biết không thấy bóng ma nào lảng vảng.
Nhìn đơn giản như một tiểu thuyết, “Lolita” đề cập đến những tình huống và những cảm xúc mà nếu làm úa vàng bằng các thủ pháp né tránh nhàm chán thì sẽ khiến người đọc thấy mơ hồ đến phát cáu. Đúng là không thể tìm được chữ khiêu dâm nào trong toàn bộ tác phẩm; kẻ mọi rợ vai u thịt bắp được những lề thói ngày nay dạy cho quen thói chấp nhận không chút đắn đo hàng loạt từ ngữ tục tĩu trắng trợn trong những cuốn tiểu thuyết ba xu, ắt sẽ kinh ngạc khi không thấy chúng ở đây. Song, nếu người biên tập, vì chiều lòng kẻ đoan chính ngược đời này, phải tìm cách giảm bớt hoặc lược bỏ những cảnh mà loại đầu óc nào đó có thể gọi là “kích dục” (liên quan đến việc này, xin xem phán quyết bất hủ được Ngài John Woolsey đưa ra ngày 6 tháng Mười Hai năm 1933 về một cuốn sách khác còn bộc tuệch hơn nhiều), thì sẽ phải thôi luôn việc xuất bản “Lolita” vì chính những cảnh mà người ta cẩu thả kết tội rằng tự thân chúng mang biểu hiện sắc dục, lại là những yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất trong tiến triển của một bi kịch kiên định hướng đến mục tiêu không gì khác hơn là tôn vinh đạo đức. Kẻ yếm thế có thể nói rằng văn hóa phẩm khiêu dâm thương mại cũng tuyên bố y như thế; người hiểu biết có thể phản bác bằng cách khẳng định rằng lời thú tội đầy nhiệt huyết của “H.H.” chỉ là cơn bão trong ống nghiệm; rằng ít nhất 12% đàn ông trưởng thành ở Mỹ — ước tính “dè dặt” theo tiến sĩ Blanche Schwarzmann (thông báo miệng) — năm nào cũng tận hưởng, bằng cách này hay cách khác, cái trải nghiệm đặc biệt mà “H.H.” mô tả với sự tuyệt vọng đến vậy; rằng nếu người viết nhật ký điên khùng của chúng ta, vào cái mùa hè định mệnh năm 1947 ấy, tìm đến một bác sĩ chuyên khoa tâm thần giỏi tay nghề, thì chắc sẽ không có thảm họa nào xảy ra; nhưng nếu vậy, cũng sẽ chẳng có cuốn sách này.
Có thể miễn cho kẻ viết bình luận này việc nhắc lại những gì đã từng được nhấn mạnh trong các cuốn sách và bài giảng của mình, cụ thể là “gớm ghiếc” nhiều khi chỉ là từ đồng nghĩa với “khác thường”, và tác phẩm nghệ thuật vĩ đại dĩ nhiên bao giờ cũng độc đáo, và vì thế, nó phải tạo được, bởi bản chất của mình, ít nhiều bất ngờ gây sốc. Tôi không hề có ý định ngợi ca “H.H.” Không nghi ngờ gì nữa, ông ta kinh khủng, ông ta đáng khinh bỉ, ông ta là một tấm gương sáng ngời về bệnh phong hủi đạo đức, là hỗn hợp của hung bạo và hài hước, những cái, có lẽ, đã để lộ ra nỗi khốn khổ cùng cực của ông ta, nhưng không giúp thu hút được cảm tình. Ông ta đồng bóng nặng. Nhiều ý kiến tình cờ của ông ta về con người và cảnh vật đất nước này tỏ ra rất lố bịch. Sự thành thật tuyệt vọng đập suốt lời thú tội không miễn trách ông ta khỏi những tội lỗi xảo trá quỷ quyệt. Ông ta bất bình thường. Ông ta không phải là người quân tử. Nhưng ma quái làm sao, cây vĩ cầm ngân nga của ông ta có thể gợi nên niềm trìu mến và thương cảm đối với Lolita, khiến ta vừa mê mẩn với cuốn sách, vừa ghê tởm chính tác giả của nó!
Là hồ sơ bệnh án, “Lolita” chắc chắn sẽ trở thành tư liệu kinh điển trong giới tâm thần học. Là tác phẩm nghệ thuật, nó vượt lên trên những khía cạnh sám hối của mình; và đối với chúng tôi, điều còn quan trọng hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn chương, là tác động đạo đức của cuốn sách lên những độc giả nghiêm túc; bởi trong nghiên cứu cá nhân đắng cay này có ẩn náu một bài học phổ quát; đứa bé ương ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã biến thái hổn hển khát dục, họ không chỉ là những nhân vật sống động trong câu chuyện độc nhất vô nhị: họ cảnh báo ta về các khuynh hướng nguy hiểm; họ chỉ ra những cái ác đang sung mãn. “Lolita” khiến tất cả chúng ta — các bậc cha mẹ, các nhà hoạt động xã hội, các nhà giáo dục — phải dốc toàn tâm toàn ý, với tinh thần cảnh giác cao hơn và tầm nhìn xa rộng hơn nữa, cho nhiệm vụ nuôi dạy một thế hệ tốt đẹp hơn trong một thế giới an toàn hơn.
Widworth, Mass. Tiến sĩ John Ray, Jr.
5 tháng Tám năm 1955
Lolita là một trong những kiệt tác văn chương nhân loại, đã được dịch qua hàng chục ngôn ngữ. Với mục đích mang Lolita đến với độc giả Việt Nam, tôi tình nguyện dịch lại toàn bộ tác phẩm.
Mọi trích dẫn đều phải ghi rõ nguồn, và không được dùng vào mục đích thương mại khi chưa có sự cho phép của người dịch.
Thiên Lương
Mời các bạn đón đọc Nàng Lolita (Tiếng Việt) của tác giả Vladimir Nabokov & Thiên Lương (dịch).