Trong tập Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết về cuốn Mặc họcnhư sau:
Từ năm 1977, được nhàn rỗi, tôi lại tiếp tục nghiên cứu hết các triết gia lớn đời Tiên Tần, để thực hiện xong chương trình tôi đã vạch từ sáu năm trước và soạn thêm năm cuốn nữa: Mặc Học, Lão Tử, Luận Ngữ, Khổng Tử, Kinh Dịch.
- Mặc học (gồm Mặc Tử và phái Biệt Mặc)
Đạo Mặc là đạo Khổng của bình dân, do một tiện nhân thành lập. Mặc Tử sinh sau Khổng Tử, chịu ảnh hưởng của Khổng, cũng tôn quân, trọng hiền, đề cao đạo đức và sự tu thân như Khổng, nhưng chống Khổng ở chỗ ghét lễ nghi, cho nó là phiền phức, xa xỉ, ghét ca nhạc, mà lại có tinh thần tín ngưỡng rất mạnh. Đạo Mặc gần như một tôn giáo, tổ chức cũng chặt chẽ như một tôn giáo. Nó chỉ thịnh ở thời Chiến Quốc, các thời sau không một triều đại nào dùng nó vì thuyết kiêm ái và bỏ chính sách mĩ thuật, sống khắc khổ của nó không hợp nhân tình, nhưng nó có ảnh hưởng khá lớn: mở đường cho Lão Tử vì nó chủ trương bình đẳng giữa các giai cấp (không kẻ giàu người nghèo) và trở về lối sống bình dị; mở đường cho cả pháp gia nữa vì trọng quyền lực, trọng lao động và buộc người dưới phải thống nhất tư tưởng với người trên, buộc dân phải cáo gian…
Mặc Tử mất rồi, chỉ trong vài thế hệ, môn đồ không còn giữ chủ trương của ông nữa, bỏ hẳn chính trị, đạo đức, mà suy tư về tri thức, biện luận, khoa học (hình học, lực học, quang học)… khiến cho triết học Trung Hoa có được vài nét của triết học phương Tây thời Hi Lạp. Đó là một cống hiến đáng kể của bọn môn đệ Mặc Tử mà người ta gọi là phái Biệt Mặc.
Gần đây các học giả Trung Hoa rất chú ý tới Mặc học vì họ nghĩ rằng giá triết học đó không bị dìm trong mấy ngàn năm thì chưa biết chừng Trung Hoa đã có tôn giáo, khoa học như phương Tây. Một lẽ nữa là chính sách của Mặc Tử có vài điểm hợp với chế độ cộng sản.
Ở nước ta, mới chỉ có Ngô Tất Tố giới thiệu Mặc Tử trong một tập mỏng. Bộ của tôi dày 350 trang, nửa trên về Mặc Tử, nửa dưới về Biệt Mặc, gọi chung là Mặc học. Tôi lại trích dịch mười chín thiên quan trọng nhất của Mặc Tử. Ông có giọng một nhà truyền giáo: hùng hồn, bình dị, lập đi lập lại để đập vào óc thính giả.
Đọc cuốn Mặc học chúng ta thấy có rất nhiều chỗ cụ dịch lại những đoạn mà trước kia hai cụ và cụ Giản Chi đã dịch trong Đại cương triết học Trung Quốc, và một phần do vậy mà nhận định của cụ về học thuyết của Mặc tử trong tác phẩm đó nhiều chỗ cũng không giống nhau. Ngay trong cuốn Tuân tử cũng có chỗ khác biệt với cuốn Mặc Học. Trong cuốn Tuân tử, hai cụ bảo:
“Tuân Tử rất đề cao nhạc, cho nên ông lấy làm quái về cái chủ trương “phi nhạc” của Mặc gia vì Mặc kết tội nhạc là thứ nhạc của bọn cầm quyền, xa xỉ, không ích gì cho dân, mà tốn của dân. Trái lại, Tuân Tử năm lần, bảy lượt, nhắc đi nhắc lại câu hỏi: “Mặc Tử chê nhạc nghĩa là làm sao?” (Nhi Mặc Tử phi chi nại hà?). Và ông kết luận: Mặc đáng làm tội: “Thế mà Mặc Tử lại cho lễ nhạc là không phải thì thật đáng làm tội” (Nhi Mặc Tử phi chi, cơ ngộ hình dã).
Thật ra, kết tội Mặc thì oan cho Mặc. Không phải Mặc không biết trọng lễ nhạc. Không phải Mặc chỉ thấy cái lợi của cái “hữu” mà không thấy cái dụng của cái “vô”. Cũng không phải Mặc không biết cái lẽ “ngựa kéo mãi không nghĩ, cung dương mãi không buông, giống có huyết khí ai mà chịu nổi” (Lời Trịnh Phồn phê bình chủ trương “phi nhạc” của Mặc trong Tam Biện). Sở dĩ Mặc “phi nhạc” là vì dân chúng đương thời cùng khổ quá mà đối với trăm họ đói rét thì cơm áo cấp thiết hơn âm nhạc, ca vũ và các bộ môn nghệ thuật khác nhiều. Có lẽ chỉ giản dị như thế thôi!”
Còn trong cuốn Mặc học, cụ Nguyễn Hiến Lê bác ý kiến trên. Sau khi dẫn một đoạn trong thiên Công Mạnh, cụ kết như sau:
“Rõ ràng Mặc tử bắt mọi người phải khắc khổ như ông, mạc sát nhạc và mọi mĩ nghệ, không hiểu rằng nhạc, nếu tốt, có công dịch tục, mà có mĩ nghệ thì kinh tế mới phát triển được. Ông bảo nhu cầu của dân mệt thì được nghỉ ngơi, mà ông quên rằng nghe nhạc là một cách nghỉ ngơi rất tốt; ông chỉ lo tận lực làm việc, sản xuất cho thật nhiều, nhưng ca nhạc có thể giúp cho năng suất tăng lên mà quên mệt, tức như các điệu dân ca khi đi cấy, các điệu hò chèo thuyền v.v… Ngày nay tại các xí nghiệp lớn, người ta còn cho thợ vừa làm việc vừa nghe những bản nhạc êm đềm nữa”.
Sau cuốn Mặc học, cụ Nguyễn Hiến Lê còn soạn thêm một số tác phẩm nữa, trong đó có bộ Sử Trung Quốc. Trong Mặc học, cụ nêu thuyết vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn như sau:
“Theo truyền thuyết, vua Nghiêu trị vì 100 năm, từ 2357 đến 2257, rồi nhường ngôi cho vua Thuấn chứ không truyền lại cho con. Vua Thuấn trị vì từ 2255 đến 2207, rồi nhường ngôi cho vua Vũ (nhà Hạ) chứ không truyền ngôi cho con. Hai ông ấy rất thương dân, rất bình dân, được dân coi như cha. Và dân tộc Trung Hoa từ thời Tiên Tần đến thời Thanh, đều coi thời thịnh trị của Nghiêu, Thuấn là hoàng kim thời đại của họ. Truyền thuyết đó đáng tin đến mức nào, chưa ai quyết đoán được; có thể hai ông ấy chỉ là tù trưởng của một bộ lạc lớn thời mà Trung Hoa mới biết canh tác, theo chế độ thị tộc, chưa thành một quốc gia, mà việc “truyền hiền” chứ không “truyền tử” chỉ là tục chung của các bộ lạc chứ không phải là “đức lớn” của Nghiêu, Thuấn: khi họ chết thì lựa người nào có tài, có công lớn hơn cả, đưa lên thay họ, họ không có quyền truyền ngôi cho ai hết”.
Còn trong bộ Sử Trung Quốc, cụ lại nêu một thuyết khác. Cụ bảo:
“Nghiêu và Thuấn chỉ là tù trưởng của một thị tộc. Có thể Nghiêu được nhiều bộ lạc liên hiệp bầu làm thủ lĩnh (mỗi bộ lạc gồm nhiều thị tộc). Nghiêu, Thuấn lên ngôi cách nhau cả trăm năm như truyền thuyết chép lại thì khó có sự Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn được: lúc đó Nghiêu bao nhiêu tuổi, Thuấn bao nhiêu tuổi? Có lẽ Thuấn là thủ lĩnh nhiều bộ lạc khác, sau chiếm được đất đai của Nghiêu, rồi thay Nghiêu mà làm “thiên tử”.
Dĩ nhiên là khi gặp những chỗ khác biệt như vậy, ta nên theo tác phẩm viết sau.
Trước đây bạn Dianhvohinh đã gõ được ba chương đầu của phần I. Tôi đã xem lại ba chương đó (có sửa vài chỗ sai sót) và chép tiếp từ chương IV đến cuối sách từ một ebook (về sau gọi là “bản nguồn”) do bạn PNT gởi tặng. Ngoài ra tôi còn chép thêm hai đoạn, một trích trong Đại cương triết học Trung Quốc mà cụ Nguyễn Hiến Lê khuyên là nên xem thêm, và một trích trong Cổ văn Trung Quốc để chúng tôi thấy thêm vài điểm khác biệt giữa cuốn này và cuốn Mặc học.
Chúng tôi dự định dùng cuốn Mặc Kinh hiệu thuyên 墨經校詮của Cao Hanh[1] để sửa lỗi và bổ sung chữ Hán phần III cuốn Mặc học này, nhưng chưa có thời gian.
Xin chân thành cảm ơn các bạn Dianhvohinh và PNT.
Goldfish
Tháng 9 năm 2011
***
Mặc tử là một nhân vật kì dị nhất của Trung Hoa, kì dị từ tên họ, tới tư tưởng và đời sống, kì dị đến nỗi gần đây người Trung Hoa ngờ rằng ông có dòng máu Ấn Độ hoặc Ả Rập (!) chứ không thể là con cháu của Phục Hi, Thần Nông được.
Họ là Mặc, một họ mà trước ông và sau ông cơ hồ không có người thứ hai nào mang tên. Sinh trong giới bình dân, có thể là tiện dân nữa, ông dùng ngôn ngữ của bình dân, lối lí luận của bình dân, dựng lên một triết thuyết cho bình dân, bênh vực quyền lợi của bình dân; lập nên một chính đảng kỷ luật rất nghiêm – Có thể nói là một tôn giáo nữa – rất đông người theo, trên hai thế kỷ ảnh hưởng ngang với Khổng phái, nhưng rồi ảnh hưởng đấy chìm luôn trong non hai ngàn năm, mãi tới đời Thanh mới có người lục các sách cũ để tìm hiểu Mặc học. Kì dị nhất và đáng phục nhất là con người đó có lẽ không vợ không con, suốt đời lo việc thiên hạ, hễ nghe nói một nước nào tấn công nước khác thì dù xa xôi tới đâu cũng gấp rút đi tới – Có lần đi mười ngày đêm không nghỉ (!) từ Lỗ đến Sở – để tìm cách thuyết phục, ngăn cản, ngăn cản không được thì tìm cách bảo vệ giùm nước bị tấn công, bắt mấy trăm môn đệ của mình hi sinh giữ thành cho, chống với kẻ xâm lăng, và họ tuân lệnh ông răm rắp. Đọc lịch sử nhân loại, tôi chưa thấy một người thứ hai nào yêu hòa bình, bênh vực kẻ yếu như ông.
Một nhân vật có công với dân tộc Trung Hoa, làm vẻ vang cho dân tộc Trung Hoa như vậy mà sách vở chép rất ít, khiến cho tới nay, đời của ông còn rất nhiều nghi vấn.
Không ai hiểu tại sao. Tư Mã Thiên trong bộ Sử ký không chép truyện Mặc tử, chỉ viết vỏn vẹn hai mươi bốn chữ phụ vào thiên Tuân Khanh liệt truyện, nghĩa như sau:
“Mặc Địch, một đại phu nước Tống, giỏi chống giữ [thành], chủ trương tiết dụng. Có người bảo là sống một thời với Khổng tử”.
Có phải vì từ thời Hán Vũ Đế (đời Tư Mã Đàm và Tư Mã Thiên) học thuật đã bị nhà Nho lũng đoạn, Mặc học bị coi là tà thuyết, nên Tư Mã Thiên chỉ viết vắn tắt như vậy chăng?[2] Vắn tắt mà lại rất mơ hồ: Không cho biết sống ở thời nào, quê hương ở đâu, còn về học học thuyết thì chỉ nhắc đến chủ trương tiết dụng.
Một số sách thời Tiên Tần như Mạnh tử (thiên Đằng Văn công hạ), Tuân tử (thiên Phi thập nhi tử), Hàn Phi tử (thiên Hiển học) ghi, tuy có nhiều đoạn khen hoặc chê – Chê nhiều hơn khen – học thuyết Mặc tử, nhưng hoàn toàn không cho ta biết chút gì về đời của Mặc tử cả.
Về họ và tên, các sách đều nhất trí ghi là Mặc Địch. Nhưng cái họ “Mặc” đó kì dị quá, cho nên Chu Lượng Công đời Thanh đưa ra thuyết Mặc là tên đạo, chứ không phải tên họ; sau Giang (Tuyên)[3] trong tập Độc tử chi ngôn, rồi Tiền Mục trong cuốn Mặc tử phụ họa vào.
Đại khái Giang bảo trong sách Mặc tử có nhiều chỗ gọi là Tử Mặc tử (thầy Mặc tử), mà thời đó chữ tử dùng để tôn xưng, chỉ đặt trước tên hiệu chứ không đặt trước tên họ, chẳng hạn không ai gọi là Tử Khổng Cấp mà gọi là Tử Tư (Tử Tư là tên hiệu của Khổng Cấp, cháu nội Không Tử). Lí do đó không vững? Trong sách Trang tử có năm chỗ gọi Tống Kiên là Tử Tống tử. Và ngay trong sách Mặc tử cũng có chỗ gọi Cầm Hoạt Li là Tử Cầm tử, không thể bảo Liệt, Tống, Cầm đều không phải tên họ.
Tiền Mục bảo chữ Mặc (nghĩa là mực, đen), chỉ một hình pháp ngày xưa: Tội nhân bị xâm đen vào tráng rồi đày làm nô dịch. Mặc tử chủ trương tiết dụng, để tang ngắn, không dùng âm nhạc, sống một đời cực kì khắc khổ, lao động cực nhọc nên người thời đó gọi ông và môn đệ của ông là Mặc, có ý nghĩa coi như bọn nô dịch. Một chứng cớ là thiên Quí Nghĩa sách Mặc tử chép rằng Mặc tử đem học thuyết của mình trình bày với Mục Hạ, bề tôi của Sở Huệ Vương, Mục Hạ mừng lắm, bảo: “Lời của thầy rất hay, nhưng vua chúng tôi là một đại vương trong thiên hạ, chắc sẽ bảo: “Đó là việc làm của người thấp hèn (tiểu nhân) mà không dùng lời của thầy chăng?”
Mặc tử là một tiện dân, điều đó có thể tin được; ông sống cực khổ như một tiện dân, điều này chắc chắn; còn việc người đương thời vì vậy mà gọi ông là Mặc thì chỉ là một giả thuyết tuy hữu lí (cho nên được Phùng Hữu Lan – trong bộ Trung Quốc triết học sử– chấp nhận) nhưng chưa có chứng cứ gì cả. Chưa biết sự thực ra sao thì chúng ta cứ tạm nhận Mặc là tên họ.
Còn Địch thì là tên tục, không nghi ngờ gì nữa, vì trong bộ Mặc tử, có rất nhiều chỗ Mặc tử tự xưng là “Địch tôi”.
Về quê quán của Mặc tử, Sử ký không ghi; người sau đưa ra nhiều thuyết. Chúng ta gạt bỏ thuyết gần đây nhất đăng trên một số Đông phương tạp chí năm 1929 của Thương vụ ấn thư quán bảo Mặc tử không phải là người Trung Hoa mà là người Ấn Độ vì Mặc tử có nghĩa là mọi đen mà thuyết kiêm ái của của Mặc cũng như thuyết đại bi của Phật. Thuyết đó chỉ là lập dị, đáng cho ta mỉm cười mà thôi.
(Nguồn: http://baochivn.com/images/imported/2011/01/226.jpg)
Còn lại ba thuyết Mặc tử sinh ở Sở, ở Tống, ở Lỗ.
- Thuyết sinh ở Sở do Tất Nguyên đời Thanh đưa ra. Thiên Lữ Gián trong bộ Lữ thị Xuân Thu bảo Mặc tử là người Lỗ, Tất Nguyên hiểu lầm là Lỗ Dương, một miền ở Sở, nên cho quê quán của Mặc tử ở Sở.
Nhưng trong Mặc tử có nhiều chỗ chép Mặc tử đi tới Sở, chẳng hạn:
Thiên Quí Nghĩa, bài 3: Tử Mặc tử nam du ư Sở.
Thiên Canh Trụ, bài 5: Tử Mặc tử du Kinh (tức Sở).
Nếu Mặc tử là người ở Lỗ Dương nước Sở thì không thể viết như vậy được, mà phải viết: Tử Mặc tử Dĩnh[4] (Thầy Mặc tử tới Dĩnh, kinh đô nước Sở) cũng như không thể nói một người Việt đi tới nước Việt mà phải nói tới Saigon hay Hà Nội. Vậy thuyết của Tất Nguyên cũng phải gạt bỏ.
- Thuyết sinh ở Tống có lẽ căn cứ vào bốn chữ “Tống chi đại phu” (đại phu của nước Tống) trong Sử kí.
Nhưng thiên Công Thân trong Mặc tử kể chuyện Công Thâu Ban chế tạo cho nước Sở một kiểu thang máy để đánh Tống. Mặc tử từ nước Lỗ đi mười đêm mười ngày không nghỉ để đến kinh đô Sở là Dĩnh, thuyết phục Công Thâu Ban và vua Sở đừng đánh Tống. Vua Sở nghe lời. Trên đường về, Mặc tử đi qua nước Tống, gặp trời mưa, vào một cổng làng để tránh mưa, người giữ cổng ngờ là gián điệp không cho vô. Việc đó đủ chứng tỏ rằng Mặc tử không phải là đại phu nước Tống, cũng không phải là người Tống[5].
- Rốt cuộc, còn lại thuyết sinh ở Lỗ. Thuyết này đáng tin hơn cả. Chứng cớ ở ngay trong sách Mặc tử.
Thiên Quí Nghĩa, bài 2, chép: “Tử Mặc tử tự Lỗ tức Tề” (Thầy Mặc tử từ Lỗ tới Tề).
Thiên Lỗ Vấn, bài 14, chép: vua Việt cho Công Thượng Quá một đoàn năm chục cỗ xe để qua Lỗ rước thầy Mặc tử (…dĩ nghinh Tử Mặc tử ư Lỗ).
Ngoài ra thiên Phi Công trung, có câu: “Phía đông có nước Cử”, thiên Quí Nghĩa bài 18 có câu: Thầy Mặc tử đi lên phía Bắc để tới nước Tề… tới sông Tri… phải về. Mà Cử đúng là ở phía Đông nước Lỗ, Tề đúng là ở phía Bắc nước Lỗ.
Vì những chứng cứ đó mà hầu hết các học giả Trung Hoa ngày nay đều nhận rằng Mặc tử là người nước Lỗ. Phùng Hữu Lan trong Trung Quốc triết học sử bảo thuyết Mặc tử là người Lỗ “cơ hồ có thể coi là định luận”; Đường Kính Cảo trong Mặc tử cũng bảo: “Những thuyết cho Mặc tử là người Tống, người Sở đều đã bị người trước bác, không đứng được; …thuyết người Lỗ đáng coi là đúng; Phương Thụ Sở trong Mặc học nguyên lưu còn quả quyết hơn: “thuyết Mặc tử là người Lỗ… vững như núi, không sao lay động nổi”.
***
Trong di sản đồ sộ của Nguyễn Hiến Lê thì có rất nhiều tác phẩm họ không chịu in lại - chắc vì khó đến được số đông. Nguyễn Hiến Lê dành toàn bộ năm tháng cuối đời để viết về “Bách gia chư tử” và nhiều cuốn sau khi in lần đầu vào năm 1993 chưa bao giờ in lại cả. Nay được tái bản, nhiều bạn quan tâm sẽ lần đầu được tiếp cận.
Tuyển tập viết về câc tác gia Triết học tiên Tần của Nguyễn Hiến Lê, Bách Gia Tranh Minh gồm có:
Mời các bạn đón đọc Mặc Tử và Biệt Mặc của tác giả Nguyễn Hiến Lê.