Namikishi Yunsuke một mình lái chiếc xe Cima bon bon len lỏi trên con đường dài tít tắp dẫn tới Khu biệt thự hồ Himegami. Anh tới nhập hội với nhóm các ông bố bà mẹ tổ chức một trại ôn luyện cho bốn đứa trẻ chuẩn bị kỳ thi quan trọng vào trường trung học nổi tiếng. Khu biệt thự nằm giữa một rừng cây rậm rạp xanh rì, những tưởng là một nơi nghỉ dưỡng yên tĩnh và lý tưởng. Vậy mà máu đã đổ, một cái chết bất ngờ ập đến, một vụ giết người khó hiểu… Bốn cặp vợ chồng đang ấp ủ những mưu tính quái đản. Làm thế nào để kẻ sát nhân lộ diện?
Mặt hồ Himegami phẳng lặng phản chiếu bầu trời xanh kia, có ngày lại gợn sóng… Vụ án mạng bên hồ là tác phẩm trinh thám thể hiện xuất sắc nghệ thuật kể chuyện tài ba của Higashino Keigo. Độc giả thực sự bị cuốn vào trò chơi tâm lý gay cấn, vừa bồn chồn khi gặp những nút thắt này thì lại háo hức trước những manh mối gợi mở khác. Xuyên suốt câu chuyện sẽ là những tình huống móc nối nhau tựa như bí ẩn lồng trong bí ẩn, bất ngờ đến tận những trang sách cuối cùng.
***
Giống như những tác phẩm trinh thám trước đây của Higashino Keigo, yếu tố trinh thám vẫn luôn là cái nền móng vững chắc để ông xây dựng vào đó những khía cạnh về xã hội và tâm lý của con người. Với “Vụ án mạng bên hồ”, đi cùng khả năng kể chuyện tài ba và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tài tình là khả năng tháo gỡ nút thắt trong một câu chuyện với những tình huống đầy nghiệt ngã khiến bất kỳ độc giả nào cũng phải ngả mũ thán phục về cách dẫn dắt người đọc của Higashino Keigo.
Sự sắp đặt vấn đề tài tình chỉ trong bốn chương sách
“Vụ án mạng bên hồ” của Higashino Keigo có nội dung xoay quanh bốn gia đình tổ chức một trại ôn luyện cho bốn đứa trẻ chuẩn bị kỳ thi quan trọng vào trường trung học nổi tiếng ở một khu biệt thự lý tưởng cách xa thành phố. Vụ án không được kể dưới con mắt của người điều tra theo cách thông thường mà được Keigo đi ngay vào câu chuyện kẻ thú tội và cách bốn cặp vợ chồng cùng nhau che giấu tội ác này. Nghệ thuật kể chuyện từ đầu đến cuối cuốn sách là những nút thắt buộc chặt rồi được gỡ và qua vô số những sự bất thường của những nhân vật trong truyện, người đọc cảm giác như mình đang thực sự bị cuốn vào một trò chơi tâm lý gay cấn. Tưởng chừng là cái kết của “Vụ án mạng bên hồ” khi kẻ giết người đứng ra nhận tội lại mở ra một câu chuyện khắc nghiệt hơn nhiều chờ đợi ở phía sau.
Điểm sáng trong “Vụ án mạng bên hồ” chính là cái cách mà Higashino Keigo lựa chọn và sắp đặt vấn đề đầy sáng tạo, có tính gợi mở rất cao. Hai yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công cho cuốn tiểu thuyết này của Keigo, đó là: Giới thiệu nhóm các ông bố bà mẹ có cùng ước mơ cho con vào học trường chuyên lớp chọn để con cái sau này đều có một tương lai xán lạn và sự kết nối thầm kín giữa họ – Chính hai yếu tố này là động cơ và là sự lý giải phù hợp cho sự phát triển hành động, suy nghĩ của nhân vật Namikishi Yunsuke xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Sự tài tình của Keigo không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một vụ án hay tình tiết ly kỳ, mà còn là sự giằng xé tâm can độc giả. Họ sẽ không tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi chính Keigo đã đặt ra, cũng không tìm thấy sự phán xét cá nhân cách xử lý vấn đề của nhân vật là đúng hay sai từ Keigo. Thứ đọng lại trong lòng độc giả khi gấp lại cuốn sách là sự thấu hiểu mọi đắng cay ngọt bùi mà các nhân vật đã phải trải qua. Tất cả đều được Keigo sắp xếp tài tình, tròn trịa chỉ với bốn chương sách và chắc chắn ông đã giữ chân được độc giả của mình ở lại để đồng hành cùng “Vụ án mạng bên hồ” cho đến những trang cuối cùng.
Một cuốn sách đậm tính thời sự
Tính thời sự trong tác phẩm đáng bàn nhất có lẽ là việc các bậc phụ huynh sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ để con mình có thể đỗ vào trường chuyên lớp chọn. Higashino Keigo một lần nữa khẳng định tài năng đầy sáng tạo với những cốt truyện mới lạ, táo bạo khi lựa chọn một vấn đề tưởng chừng như quá thân thuộc với độc giả và khó để có thể khai thác thêm. Trong “Vụ án mạng bên hồ”, Keigo khai thác triệt để ranh giới khó phân biệt giữa tình thương và sự áp đặt. Bậc làm cha làm mẹ nào cũng hy vọng một tương lai tươi sáng, một cuộc sống ổn định cho con cái mình sau này. Ấp ủ mong muốn này, ở Nhật Bản nói riêng hay các nước phương Đông nói chung ngay từ nhỏ các bậc cha mẹ đều hướng con mình học trường chuyên lớp chọn với những cuộc đua khốc liệt và căng thẳng như “chọi gà’’. Cuối cùng, trên tất cả, phần thưởng cao nhất được vẽ ra trong thời niên thiếu: đỗ vào trường trung học nổi tiếng. Cuộc đua vào trường trung học phổ thông không phải là xem học sinh nào giỏi hơn, mà là so ví tiền của cha mẹ nào dày hơn, sự bất chấp vượt qua mọi rào cản của ai lớn hơn để con có điều kiện đi học chỗ tốt hơn.
Ta tự hỏi bọn trẻ làm sao khác đi được, khi chúng đã được dưỡng dục cẩn thận như thế, được tuyển lựa khắt khe qua vòng này vòng kia và được gọt giũa kỹ lưỡng về mặt tư duy? Bọn trẻ sẽ làm bất cứ việc gì người khác yêu cầu, đạp đổ mọi chướng ngại vật để đạt được điều mà chúng tin là đúng. Qua đó, tác phẩm đã thể hiện một góc nhìn về những lý lẽ của các bậc phụ huynh để bắt con cái sống theo kỳ vọng ích kỷ của bản thân đã vô tình khiến những đứa trẻ bị huỷ hoại ngay từ khi còn nhỏ và có lẽ sẽ khó có khả năng nhận ra mình sai khi mắc lỗi.
Kết:
“Vụ án mạng bên hồ” của Higashino Keigo là một câu chuyện thiên về tâm lý và khiến độc giả phải theo dõi những biến hoá trong từng câu thoại của mỗi nhân vật. Hãy đến với tác phẩm để bạn có thể tự cảm nhận mọi xúc cảm của bản thân khi hòa mình vào câu chuyện của các nhân vật. Để tự vấn chính mình đâu là ranh giới của sự yêu thương bao bọc? Khi ta làm cha làm mẹ sẽ yêu thương con mình như thế nào cho “đúng cách”?
**
Trước hết, hãy cứ phải nói rằng tôi là một người đọc đặc biệt không thích trinh thám. Số truyện tôi đọc về thể loại này tính đến hiện tại chắc cũng chỉ xoay quanh đâu đó số 10. Lý do thứ nhất khiến tôi không đọc trinh thám là vì não tôi nhảy số chậm, tôi chẳng bao giờ đoán ra được hung thủ là ai. Lý do thứ 2 là vì đã là trinh thám thì chắc chắn sẽ có kẻ thủ ác, mà đã có điều ác luôn khiến tôi sợ hãi. Tôi sợ không chỉ là hành động tội ác mà hơn hết, là những gì ẩn sâu bên trong lòng người. Thế giới này vốn đã quá phức tạp rồi.
Thực cũng khá lâu rồi tôi không đọc truyện của Higashino Keigo. Biết đến tác giả từ Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, tôi hoàn toàn bị thuyết phục vì những câu chuyện được ghép lại rất mượt và tinh tế. Đến Bạch dạ hành thì Keigo đã trở thành cái tên không thể bỏ qua đối với những người đọc say mê những câu chuyện tâm lý. Thế nhưng trong rất nhiều fan trinh thám thích thú với những tác phẩm của Higashino Keigo thì thật tiếc là tôi lại không thấy có gì đặc sắc cho lắm. Sau Hoa mộng ảo có cái kết khá kì cục, tôi quyết định thử lại một lần nữa với trinh thám của Keigo. Liệu Vụ án mạng bên hồ đây có phải tác phẩm khiến tôi quay đầu hay không?
Vụ án mạng bên hồ của Higashino Keigo có nội dung xoay quanh 4 gia đình cho con tập trung ở khu vực xa thành phố để ôn thi. Vụ án không được kể dưới con mắt của người điều tra thông thường mà được tác giả đi ngay vào đối tượng thực hiện và những hoạt động xử lý sau đó. Từ đầu đến cuối câu chuyện là những nút thắt được buộc, được gỡ và qua vô số những sự bất thường của những nhân vật trong truyện, tôi cũng không bất ngờ với cái kết. Cái kết của Vụ án mạng bên hồ có thể chỉ là bắt đầu cho một câu chuyện khắc nghiệt hơn nhiều chờ đợi ở phía sau.
Trong Vụ án mạng bên hồ, Higashino Keigo không khiến tôi bất ngời bằng những cú twist mà ở các nhân vật ông tạo nên. Những kẻ, vì lý do nào đó, vừa thực hiện hành vi liên quan đến tội ác giết người nhưng vẫn còn nhớ là ở đây (trong biệt thự) hình như không cho hút thuốc hay ngủ ở sofa không tốt. Người ta có suy nghĩ rằng, ngoại tình như một chất bôi trơn để tận hưởng cuộc sống. Khi đọc đến những chi tiết này, tôi đều khựng lại để thử nghĩ xem rốt cuộc mình đang đọc thứ gì. Thế nhưng, xét cho cùng thì sự suy đồi về nhân cách, về lối sống không chỉ có ở đất nước cách chúng ta 6 giờ bay.
Tuy câu chuyện với thời lượng chủ yếu là nói về người lớn nhưng trọng tâm của họ lại xoay quanh những đứa trẻ. Những lý lẽ của họ luôn dựa trên cái trục là tốt cho con của mình. Fujima đã khiến tôi nghĩ “Ồ, có lẽ mình cũng được xếp vào kiểu phụ huynh đúng chuẩn (bình thường) khi luôn nghĩ bọn trẻ có quyền tự do với quyền lựa chọn của chúng”. Tôi ngẫm nghĩ và thấy anh ta nói cũng không quá sai. Thế nhưng, đến cùng thì những bậc cha mẹ cũng chỉ là những kẻ biện minh quá lỗi thời khi dùng những lý lẽ cũ rích để bắt con sống theo kỳ vọng ích kỷ của bản thân. Họ đã vô tình khiến những đứa trẻ bị huỷ hoại ngay từ khi còn nhỏ và có lẽ sẽ không bao giờ nhận ra mình có lỗi. Trong cả câu chuyện này, tôi thương những đứa trẻ thật sự.
Vụ án mạng bên hồ của Higashino Keigo vẫn là câu chuyện thiên về tâm lý và khiến độc giả phải theo dõi những biến hoá trong từng biểu cảm của nhân vật. Sách khá mỏng và dễ đọc. Một câu chuyện có nhiều điều để suy ngẫm.
Lá Xanh
***
Đám mây trôi lơ lửng trên bầu trời trước mắt, trông như một vết bẩn bị vạch trên nền trời. Những mảng màu xanh tươi len lỏi giữa đám mây. Namikishi Yunsuke buông bàn tay trái khỏi vô-lăng, đưa lên bóp vai phải, rồi lại đổi tay cầm vô-lăng, bóp vai trái. Sau cùng anh lắc đầu sang hai bên, tạo ra những tiếng lục khục.
Trên làn xe bên phải của đường cao tốc Chuo, chiếc Cima anh lái đang chạy quá hai mươi kilomet so với tốc độ quy định. Radio trên xe ra rả nhắc đến những cung đường bị tắc do dòng người đổ về quê dịp lễ hội Obon. Có vẻ năm nay tình trạng ùn xe đỡ hơn mọi năm.
Chiếc xe xuống hết đường cao tốc, băng qua trạm thu phí, anh lấy điện thoại ra. Rồi anh tìm một số điện thoại lưu trên máy trong lúc dừng xe chờ đèn đỏ. Số điện thoại ấy được lưu dưới cái tên “ET”.
Anh bấm gọi, nhưng đầu dây bên kia để chế độ trả lời tự động. Anh tặc lưỡi, đành cất điện thoại vào trong túi quần.
Theo hướng dẫn trên màn hình chỉ đường, chiếc xe cứ thế mải miết chạy một hồi lâu. Chẳng mấy chốc sau đó, nó đã len vào một con đường nằm lọt thỏm giữa rừng cây. Con đường vẽ ra những đường cong mềm mại; ở những đoạn quang đãng, hai bên vệ đường lại mọc lên bảo tàng hay quán ăn nhỏ như thể thế chỗ của cây cối. Những căn nhà đó đều khoác lên mình dáng vẻ sang trọng theo phong cách của một đất nước xa lạ nào đó.
Tấm biển báo cho biết khu biệt thự hồ Himegami còn cách bao nhiêu cây số hiện ra trước mắt. Trông thấy nó, Yunsuke bất giác thở dài. Con số thể hiện khoảng cách trên tấm biển đã giảm dần. Đến tấm biển cuối cùng với hàng chữ “Khu biệt thự hồ Himegami—rẽ trái ở đây”, anh xoay vô-lăng. Chiếc Cima màu xanh tím than rẽ vào con đường nhỏ bao quanh bởi rừng cây rậm rạp.
Những con đường hẹp trong khuôn viên khu biệt thự nối nhau chạy dài như mê cung. Các căn biệt thự không nằm san sát nhau thành từng cụm, mà rải rác như tô điểm cho khu rừng sâu.
Bên rìa con đường là một bãi đất trống. Ba chiếc xe ô tô đỗ sát nhau ở đó: một chiếc xe Mercedes-Benz màu xám bạc, một chiếc BMW màu tím than và một xe Wagon màu đỏ. Cả ba xe đều quay đèn hậu về phía mặt đường.
Yunsuke cũng đỗ xe vào bãi đất đó, tay cầm túi và áo jacket màu trắng, bước ra ngoài xe. Anh đóng cửa, rồi mặc áo. Ngay bên cạnh bãi đất trống có một cái cầu thang dẫn xuống phía dưới. Một tòa biệt thự màu nâu cháy nằm phía trước cầu thang. Khu rừng trải rộng bao quanh khiến ngôi biệt thự đó trông như thể ngập chìm trong biển cả màu xanh lục.
Yunsuke toan bước xuống cái cầu thang trông như thể mấy tảng đá lớn được ghép đại lại, chợt có tiếng phụ nữ loáng thoáng vọng đến tai. Theo phản xạ, anh quay mặt nhìn về hướng giọng nói phát ra, một cái sân tennis xuất hiện trong tầm mắt.
Yunsuke chậm rãi đi về phía cái sân tennis đó. Bốn người cả nam và nữ đang ở bên trong khoảng sân chăng lưới thép. Họ đang hăng say chơi bóng hai chọi hai, hay còn gọi là đánh đôi nam nữ.
Anh đứng ở gần lưới thép, tháo kính râm. Một người đàn ông và một người phụ nữ đứng cạnh nhau, quay lưng về phía anh. Đội bên kia chuẩn bị phát bóng, người phụ nữ mảnh dẻ đứng ở đầu sân bên kia vung vợt lên vào tư thế chuẩn bị.
Cô toan tung quả bóng thì nhìn thấy Yunsuke, liền lập tức dừng lại. Thấy cô dừng tay, ba người còn lại không ai bảo ai đồng loạt hướng mắt nhìn về phía anh.
“Tôi xin phép một chút.”
Cô nói với những người kia, tay cầm vợt và bóng, vòng ra ngoài sân tennis, đi về phía Yunsuke. Hai người đứng đối diện nhau qua tấm lưới thép.
“Anh đến sớm hơn em nghĩ.” Cô thở hổn hển.
“Anh xong việc sớm.”
Ba người kia cũng đi về phía này.
“Chồng cô à?” Người phụ nữ vóc người nhỏ nhắn hỏi. Gương mặt cô ta tròn xoe, trang điểm đậm.
“Vâng.” Người phụ nữ mảnh khảnh khẽ gật đầu.
“Tôi là Namikishi.” Yunsuke cúi đầu. “Cảm ơn mọi người luôn giúp đỡ Minako và Shota nhà tôi.”
“Anh đừng khách sáo, chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau mà.” Người đàn ông áng chừng trên dưới năm mươi tuổi nói. Anh ta đeo trên đầu một món đồ màu trắng nổi bật. Cái băng-đô giữ cho chiếc kính màu xanh vàng không bị tuột ra. “Tôi là Fujima. Còn đây là vợ tôi, Kazue.”
“Chào cô.” Yunsuke cúi đầu chào.
“Đây là anh Sakazaki. Sakazaki Yotaro.”
“Tôi là Sakazaki.” Người đàn ông đánh cặp với Minako ban nãy chào hỏi anh. Anh ta khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, theo ước đoán của Yunsuke. Gương mặt rắn rỏi ngự trên thân hình săn chắc.
Sakazaki quay sang Fujima. “Anh Namikishi cũng đến đây rồi, chúng ta ngừng chơi thôi nhỉ. Với lại cần sửa soạn cho bữa tối nay nữa.”
“Anh nói phải. Để cho mọi người có thời gian tắm táp.” Fujima nói với vợ mình.
“Em thì cần nằm ngả lưng một chút.”
“Em không biết lượng sức gì cả, có tuổi rồi mà còn thế. Đáng lẽ không nên chơi đấu đôi.”
“Nhưng cũng vui mà.” Kazue nhìn sang Minako, ánh mắt như mong mỏi sự đồng tình của cô.
Minako gật đầu hưởng ứng. Sakazaki ở bên cạnh dọn đồ, nhưng không quên buông lời khen ngợi. “Vợ anh tiến bộ nhiều đấy. Động tác của cô ấy hoàn toàn khác trước đây.”
“À, thế ư? Vậy là tôi có thể tự tin thêm một chút rồi.”
“Thôi đi Sakazaki, cô ấy mà lên mặt thì phiền cho tôi đấy.”
Sakazaki và Minako bật cười. Yunsuke đứng ở ngoài sân tennis, mắt nhìn xuống chân mình.
Mời các bạn đón đọc Vụ Án Mạng Bên Hồ của tác giả Higashino Keigo & Nguyễn Phương Chi (dịch).