Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bố Già

TÁC GIẢ & TÁC PHẨM

Mario Puzo (Mario Gianluigi Puzo, 1920-1999) sinh ra trong một gia đình người Italia nhập cư sang Mỹ. Cha mẹ Mario hoàn toàn mù chữ và tuổi thơ của cậu bé này đã trôi qua “dưới đáy” xã hội ở New York. Trong Chiến Tranh Thế Giới II, Mario Puzo phục vụ trong quân đội Mỹ. Ông từng có mặt trên chiến trường nước Đức và vùng Đông Á. Sau đó Puzo học Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội New York và Đại Học Tổng Hợp Colombia rồi công tác gần 20 năm tại các cơ quan của Chính Phủ ở New York và nước ngoài.

Năm 1955, Puzo cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tên “Đấu Trường Đen”. Đây không phải là một cuốn sách về Mafia mà về cuộc đời một chàng cựu binh Mỹ trong bối cảnh thành phố Berlin hoang tàn sau chiến tranh với những vụ áp phe, buôn lậu, lừa đảo và cả những mối quan hệ nồng ấm tình người. Tuy nhiên, “Đấu Trường Đen” không thuộc số những cuốn sách ấn tượng nhất của Puzo.

Từ năm 1963, Mario Puzo bắt đầu tác nghiệp như một phóng viên tự do, đồng thời coi viết văn là công việc nghiêm túc của mình. Năm 1969, với sự xuất hiện lừng lẫy của “Bố Già”, Puzo đã trở thành nhà văn được cả thế giới ngưỡng mộ. Suốt một thời gian dài, “Bố Già” luôn chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất hành tinh. Nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có con số xuất bản đáng kinh ngạc: 11 triệu bản trong năm 1969 và 21 triệu bản tính đến tháng 7/1999.

Bố Già Don Vito Corleone trong tiểu thuyết của ông và những sự kiện bạo liệt quanh ông ta dường như được bao phủ bởi một màu sắc lãng mạn khiến cuốn sách có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tuy nhiên Puzo không chỉ dừng lại ở việc lãng mạn hóa “Bố Già”. Tác giả đã xây dựng câu chuyện dựa trên những chất liệu có thật, đã tiểu thuyết hóa các nhân vật bằng những nét miêu tả chân chất. Nhiều tư liệu gần đây về Mafia cho biết Bố Già ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh đầu tiên của giới Mafia Italia di cư sang Mỹ. Ông này cầm đầu giới giang hồ ở Sicily (Italia) và sau đó là thống soái của nhóm “Bàn Tay Đen”, tiền thân của Mafia Mỹ.

Tuy nhiên, bản thân Puzo thì nói rằng ông chưa bao giờ tiếp cận với một tay gangster bằng xương bằng thịt, rằng nguyên mẫu cho nhân vật bố già chẳng phải ai xa lạ mà chính là mẹ ông, một phụ nữ Italia nhập cư đã phải làm mọi thứ để có thể nuôi sống con cái và giữ cho gia đình hòa thuận. Trong cuốn “Bố Già” Puzo cũng cẩn thận ghi chú rằng: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có đều là ngẫu nhiên… Độc giả cũng như giới phê bình đều công nhận rằng, Puzo đã miêu tả thế giới của “Bố Già" tuyệt vời đến nỗi có người còn ngờ ông là “tay trong” của Mafia.

Năm 1972 Francis Coppola đã chuyển thể “Bố Già” thành phim. Sau đó vị đạo diễn tên tuổi này lại đề nghị Puzo hợp tác để viết tiếp kịch bản “Bố Già II”. Bộ phim bất hủ này đã đi vào lịch sử Hollywood và điện ảnh thế giới với các giải Oscar cho phim hay nhất và cho kịch bản hay nhất. Vai diễn Bố Già cũng đem đến cho hai diễn viên gạo cội Marlon Brando và Robert De Niro 2 giải Oscar. Kịch bản cho phim “Bố Già III” (xuất hiện trên màn bạc vào năm 1990) cũng được viết chung bởi Puzo và Coppola.

Puzo tâm sự về việc viết “Bố Già” như sau: Một lần tình cờ có một đồng nghiệp ghé đến chỗ tôi. Tôi đã đưa bản thảo “Fortunate Pilgrim” (bản tiếng Việt là Đất Khách Quê Người) cho anh ta đọc. Một tuần sau anh ta quay lại và tuyên bố: Mario là một nhà văn vĩ đại! Tôi rất phấn chấn và đã thết anh bạn một bữa thịnh soạn tại nhà hàng. Trong khi ăn, tôi kể cho anh nghe những câu chuyện về Mafia và đọc một vài đoạn trong bản thảo “Bố Già”. Bạn tôi đã bị sốc. Một tuần sau anh ấy lại đến và nói rằng đã lên lịch hẹn cho tôi gặp một chủ xuất bản. Tại cuộc gặp đó, tôi cũng kể rất nhiều về Mafia. Ông chủ xuất bản rõ ràng là rất thích. Vì vậy ông ta đặt tôi viết một cuốn tiểu thuyết về những chuyện đó và ứng trước cho tôi 5 nghìn đôla. Chuyện xảy ra như thế đấy. Thật kỳ lạ và không thể hiểu nổi. Tôi đã bắt tay vào viết “Bố Già” nhưng thực lòng không hề thấy hứng thú… Tôi viết cuốn sách trong vòng 3 năm. Thời gian ấy tôi đồng thời còn viết cho Martin Gudman một số truyện phiêu lưu mà không đòi hỏi nhuận bút…

Độc giả Việt Nam hẳn không xa lạ gì với “Bố Già” - cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay nhất về giới giang hồ Mafia ở Mỹ. Nhà văn Mario Puzo, cha đẻ của “Bố Già” lại thú nhận rằng ông không hề hào hứng khi viết cuốn sách bán chạy nhất này, ông chỉ viết nó vì đang… túng tiền!

***

Amerigo Bonasera ngồi ở phòng ba tòa đại hình New York chờ xem công lý được thực thi và lưỡi gươm trừng phạt sẽ bổ xuống đầu mấy thằng mất dạy đã hành hung thành thương tật và toan làm nhục con gái lão. Ngài chánh án uy nghi trang trọng vén tay áo thụng như sắp sửa tự tay mình trị tội hai thằng côn đồ đang đứng trước tòa. Bộ mặt sắt của ngài đầy khinh bỉ, cao ngạo, song ở đây có một cái gì đó giả trá mà Amerigo Bonasera đã nhận thấy bằng trực giác mặc dù còn chưa hiểu ra sự thể.

— Hành động của các người là hành động của bọn cặn bã mạt hạng, - ngài chánh án lớn tiếng.

“Đúng", Bonasera nghĩ bụng, “đúng thế! Lũ súc sinh. Loài dã thú".

Hai thằng thanh niên tóc bóng mượt cắt đúng mốt, mặt mày sáng sủa lộ rõ vẻ ăn năn, hai đứa cúi đầu cam chịu.

Quan chánh án phán tiếp:

— Các người hành động như lũ dã thú trong rừng, may mà cô gái đáng thương chưa bị các người xâm phạm tiết hạnh, bằng không ta phải nhốt các người đủ hai chục năm mới nghe. - Ngài dừng lại một lúc, cặp mắt cáo bên dưới đôi lông mày rậm rì nhíu lại dữ tợn đảo nhanh qua bộ mặt tái ngắt của Bonasera. Rồi càng sa sầm mặt với vẻ dữ tợn hơn, so vai như để kìm cơn giận tự nhiên, ngài kết thúc. - Nhưng xét các người còn trẻ, trước đây chưa có tiền án, vả lại đều là con nhà tử tế, mặt khác luật pháp là cực kì sáng suốt, đặt ra không phải để trả thù, nên ta tuyên phạt mỗi tên ba năm tù. Cho phép các người được hưởng án treo.

Chỉ nhờ thói quen bốn chục năm nghề nghiệp mới giúp ông chủ xe đòn Bonasera đủ sức ghìm cơn giận không để lộ ra ngoài mặt. Đứa con gái trẻ trung tươi tắn của lão giờ này vẫn phải nằm bệnh viện với cái xương hàm gẫy, thế mà bọn súc sinh kia lại được thả rông ngoài đường. Ra người ta diễn trò hề với lão đây. Đám cha mẹ, họ hàng của chúng đang hớn hớ xúm quanh hai cậu quí tử. Bọn họ làm sao mà không hớn hở cơ chứ. Cổ họng Bonasera đắng ngắt, nước dãi chua loét tứa ra đầy mồm đằng sau hai hàm răng nghiến chặt. Lão rút chiếc khăn tay phin nõn ở túi ngực ra bịt mồm, đứng đực giữa lối đi, còn hai thằng khốn nạn thì trâng tráo đi ngang qua mặt lão, mồm nhếch lên cười nhạt, thậm chí còn không thèm nhìn đến lão. Lão để chúng đi qua mà không nói một lời, chỉ áp chặt hơn chiếc khăn vào mồm.

Cha mẹ chúng đi sau, hai bà và hai ông cùng trạc tuổi lão có điều ăn mặc ra dáng Mĩ nòi. Mấy người này nhìn lão có vẻ lúng túng nhưng đầy thách thức và đắc thắng ngấm ngầm.

Không nhịn nổi, Bonasera nhoài người ra hét lớn:

— Các người cứ chờ đấy, rồi các người sẽ được khóc như ta đã từng khóc.

Thấy vậy mấy ông luật sư đi đằng sau vội đẩy các thân chủ tới chỗ mấy thằng con đang dừng lại hầm hừ như chực nhảy vào bênh bố mẹ. Một tay mõ toà to như hộ pháp vội chạy ra đứng chặn lối, sợ Bonasera làm liều. Nhưng rốt cuộc chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Bao nhiêu năm làm ăn sinh sống ở xứ này Bonasera luôn tin ở pháp luật và trật tự kỉ cương. Dựa vào đâu thì ăn nhờ đấy. Ngay cả lúc này, tuy đầu óc lão cứ ong ong vì uất hận ngất trời, căm gan tức ruột chỉ muốn thửa ngay một khẩu súng bắn chết toi hai thằng chó cho hả, nhưng Bonasera vẫn phải cắn răng quay sang bà vợ đang ngớ ra chẳng hiểu ngô khoai gì hết.

— Người ta lỡm vợ chồng mình đấy, - lão nói.

Lão im bặt, máu liều bốc lên. Lão quyết định dứt khoát, muốn đến đâu thì đến: “Muốn có công lý thì phải đến kêu cửa Ông Trùm Corleone".

***

Tại Los Angeles, một mình giữa căn phòng Deluxe sang trọng choáng người trong khách sạn, Johnny Fontane cũng mượn rượu giải sầu như bất kỳ một anh chàng mọc sừng nào. Hắn nằm duỗi dài trên chiếc đivăng đỏ, cầm nguyên cả chai mà tu rồi úp mặt vào cái thố pha lê đựng đá liếm nước lạnh cho thông họng. Lúc đó là bốn giờ sáng, trí tưởng tượng mờ mịt hơi men của hắn đang hình dung cảnh hắn tẩn con vợ đĩ thõa lúc con kia về, nếu như nó còn về. Muộn rồi chứ không thì phôn một cú đến cô vợ cũ hỏi thăm mấy đứa con cho đỡ sầu. Không hiểu sao hắn không muốn gọi tới mấy đứa bạn, nhất là từ dạo công việc của hắn bắt đầu xuống dốc. Có thời được hắn gọi điện vào lúc bốn giờ sáng là bọn kia sướng lắm. Giờ thì chẳng ma nào thèm biết hắn. Mà kể cũng lạ, lúc hắn đang lên, hễ mới hơi khó ở một chút là các minh tinh sáng giá nhất nước Mĩ đã tới tấp hỏi thăm ngay. Hay thật! Hắn lại đưa chai rượu lên mồm, và rốt cuộc cũng nghe thấy tiếng chìa khoá xoay ngoài cửa. Johnny cứ ngậm nguyên chai rượu cho tới khi vợ hắn vào phòng và dừng lại trước mặt hắn: Xinh đẹp, con mắt tim tím mơ mộng lả lơi, gương mặt thần tiên, thân hình thon thả, óng chuốt. Cả triệu đàn ông khắp thế giới mê mệt Margot Ashton, chịu xì tiền ra để được ngắm ả trên màn bạc.

— Phất phơ đâu về? - Johnny lè nhè hỏi.

— À, đi ngủ với trai, - Ả đáp.

Ả tính hơi nhầm, hắn chưa phải đã say khướt. Hắn nhảy chồm qua cái bàn con để báo, túm ngay lấy cổ áo dài của ả. Nhưng vừa kéo khuôn mặt thần tiên kia đến gần thì bao nhiêu tức giận của hắn trôi tuột đi đâu mất, người hắn nhũn ra. Cô ả tớn môi chế nhạo và lại một lần nữa tính nhầm, Johnny vung nắm đấm lên.

— Cấm đánh vào mặt đấy nhé! - Ả hét thất thanh, - Người ta đang đóng phim đấy, Johnny!

Cú đấm trúng ngay ức làm ả ngã chỏng gọng. Hắn đè lên, đấm như bổ củi xuống vai, xuống hông, xuống cặp đùi mịn màng rám nắng. Hắn quần ả như ngày nhỏ vẫn nện bọn nhãi ranh thò lò mũi ở “Rốn Hỏa Ngục", tức là Khu Ổ Chuột của New York. Đòn của hắn ngấm đáo để tuy không gây thương tích như gẫy răng, vỡ mũi.

Mà nói vậy chứ hắn còn nương tay. Hắn không thể làm khác được. Thế là ả lại cười vào mũi hắn. Ả xoạc cẳng nằm tô hô, lớp váy lụa thêu bên trong lộ ra, tru tréo:

— Đây này, đánh nữa đi, đánh đi… ăn thua mẹ gì!

Johnny chán ngán bò dậy. Tức anh ách mà không đánh được con đĩ, nó đẹp quá.

Margot lật sấp người, nhẹ nhàng nhún mình bật dậy rồi vừa õng ẹo vừa nhè mồm ra trêu như một con bé con:

— Ê, ê… đếch đau. Ê, ê… đếch đau.

Rồi nghiêm mặt, ánh mắt lộ rõ vẻ ngán ngẩm, ả nói thêm:

— Chán mớ đời, mày đè đau cả bụng chị đây này, bé con ạ. Chà! Johnny, mày suốt đời vẫn chỉ là con nghé con, đến cả làm tình cũng chẳng bằng đứa trẻ ranh. Mày tưởng như trong các bài mày vẫn rống ông ổng dạo trước đấy hả? - Ả lắc đầu. - Gà tồ? Thôi, khỏe nhé, Johnny.

Ả vào phòng ngủ và khóa trái cửa lại. Johnny ngồi bệt xuống sàn, tay bụm mặt. Uất ức, nhục nhã, thất vọng ê chề. Nhưng vốn là đứa trẻ lang thang trong Khu Ổ Chuột New York, cuộc đời chìm nổi ngày xưa đã giúp hắn sống sót trong miền rừng hoang Hollywood, bây giờ lại thức tỉnh hắn cầm máy gọi taxi ra sân bay. Còn một người có thể cứu hắn. Miễn là về được New York gặp người ấy, kẻ duy nhất giúp hắn tìm được sức mạnh và sự khôn ngoan mà lúc này hắn đang thiếu, một người thực sự yêu thương hắn. Đó là Bố Già của hắn, Ông Trùm Corleone.

***

Bác thợ bánh Nazorine hồng hào tròn xoay như những chiếc bánh kiểu Italia nở phồng của bác. Người vẫn dính đầy bột mì, bác lừ mắt nhìn bà vợ và cô con gái đến tuổi cập kê rồi quay sang gã giúp việc Enzo, đã kịp đóng bộ quần áo đính băng vải có hai chữ “Tù Binh" viết tắt màu xanh, đang lo ngay ngáy sợ muộn giờ điểm danh tối ở trại trên Đảo Thống Đốc. Giống như hàng ngàn tù binh Italia hàng ngày đến làm cho các chủ Mĩ sau khi đã cam đoan, Enzo sống nơm nớp, chỉ sợ mất cái đặc ân ấy thì meo. Vì thế nên cái màn hài kịch đang diễn ra ở đây đối với anh quá ư là nghiêm trọng.

— Chú định để tai tiếng cho gia đình tôi đấy phỏng? - Nazorine gầm gừ. - Chiến tranh sắp hết, chú định tương cho con bé nhà tôi một món quà kỉ niệm chứ gì? Rồi sau thế nào thì ai còn lạ gì nữa: Nước Mĩ thúc cho chú một gối vào đít là chú mình phới luôn về Sicily đếm rệp ở quê nhà hả?

Enzo, người lùn tịt, chân cẳng ngắn ngủn, vội ấp tay lên ngực như muốn khóc, tuy vậy vẫn tỉnh lắm:

— Padrone, thề có Đức Mẹ Đồng Trinh, nào cháu có dám lấy oán trả ân bác đâu. Cháu yêu thương con gái bác thực bụng, đời nào lại dám sàm sỡ. Tiện đây, xin bác cho cháu lấy cô ấy. Cháu thực không nên không phải, song nếu người ta trả cháu về Italia thì bao giờ cháu mới sang Mĩ được? Nếu vậy ngày nào cháu với Katherine mới nên vợ nên chồng?

Bà Filomena vợ bác không thích dông dài, nói toang toác luôn:

— Đừng có mà ngốc thế, bố nó - Bác ta bảo ông chồng - Làm thế nào thì bố mày biết rồi đấy. Thằng Enzo cứ để nó ở đây, có gì bố mày đưa nó sang chỗ bà con mình bên Long Island gửi gắm ít lâu xem sao đã.

Katherine khóc lên khóc xuống. Người đã béo trục béo tròn, mép lại lấm tấm tí ria, nó có đẹp đẽ gì cho cam. Biết tìm đâu một tấm chồng điển trai bằng Enzo bây giờ. Lấy ai mà xoa bộ ngực tú ụ của nó cho nồng nàn và mơn trớn như chàng?

— Tôi về Italia tôi ở cho bố trắng mắt ra! - Nó giãy nẩy lên với ông bố.- Bố mà không giữ anh ấy lại thì tôi bỏ bố tôi đi? Hư… hư…

Nazorine tinh quái nhìn nó. Con bé nhà mình gớm thật! Bác đã trông thấy: Hễ mỗi lần thằng bé phải lách qua sau lưng nó để xếp bánh vào giỏ là y như rằng con ranh lại miết bàn tọa vào người thằng kia sát sạt.

“Cứ cái đà này không khéo thằng lỏi còn lách vào tận đâu ấy chứ - Nazorine thầm cho phép mình nghĩ bậy. - Phải giữ thằng Enzo lại Mĩ, phải xoay cho nó cái quốc tịch. Và chỉ có một người làm nổi việc ấy: Bố Già. Ông Trùm Corleone".

Mời các bạn đón đọc Bố Già của tác giả Mario Puzo & Đoàn Tử Huyến (dịch) & Trịnh Huy Ninh (dịch).