Những nhân vật oai hùng trong “Người quản tượng của vua Quang Trung” được khắc họa một cách sống động, gần gũi, phục dựng các giai đoạn lịch sử sáng chói của tiền nhân.
Bằng ngòi bút tài hoa, nhà văn Ngọc Toàn truyền đến người đọc niềm tự hào về quá khứ quật cường của cha ông cùng tình yêu đất nước quê hương mãnh liệt.
***
Một ngày thu năm Giáp Thân (1824), có một ông già chít khăn đầu rìu, mặc áo vải thanh cát màu hỏa minh[10] giong con voi lớn đi từ miền Thượng Đạo[11] về ấp Tây Sơn. Trên bành voi xếp đầy những lò trầu không và măng khô. Con voi đủng đỉnh bước như trăm nghìn con voi khác của những người đi buôn. Mấy chú lính đồn lẻ thuộc hạt Quy Nhơn lơ đãng nhìn theo.
Trời chiều, con voi đang đi bỗng dừng lại, không chịu đi tiếp. Nó vươn vòi hít hơi, rồi rống lên những tiếng rền vang buồn buồn vọng vào dãy đồi ra xa. Ông già thở dài. Đôi lông mày nhíu lại khi ông nhận ra con voi đã dẫn ông đến một bãi tập voi thời xa xưa. Đây đó còn sót lại một vài chiếc cột lim, thân cột sần sùi, mốc trắng vì thời gian. Những bụi dây gai, dây đại quấn chẳng trên thân cột. Ánh sáng của buổi hoàng hôn rớt lại từng vệt dài trên mình voi. Bỗng đôi mắt ông sáng lên: từ xa, một người mặc quần áo nâu, đầu tóc bạc trắng, cây gậy trúc trong tay, lập cập, vội vàng dẫn hai em nhỏ tóc trái đào đi đến bên voi.
– Cụ Hai! Cụ vẫn còn, người quản tượng của Đức ông vẫn còn - cụ già vừa đến mừng rỡ nói.
– Ai như… Trời!
cụ già mặc áo xanh kêu lên.
– Hơn hai chục năm rồi. Không ngờ lại được gặp cụ, người kỵ mã trong đạo tiền quân của đại tư mã Ngô Văn Sở, nghĩa sĩ Lê Bân!
Hai ông già ôm choàng lấy nhau, nghẹn ngào.
Sau khi vua Cảnh Thịnh[12] bị bắt, phong trào Tây Sơn sụp đổ, cụ Hai lánh vào vùng núi. Hôm nay trở lại quê xưa, gặp lại bạn già đã từng cùng nhau tụ nghĩa dưới cờ vua Quang Trung, hỏi cụ không sung sướng sao được?
– Tôi biết phần mộ Đức ông vẫn được trăm họ giữ gìn, tôi trở về mong được viếng nhà vua ba tuần rượu, rồi lại lên đường đi tìm minh chủ, quyết đem tấm thân đã xế chiều chống lại ngụy triều họ Nguyễn… – giọng cụ ngập ngừng. – Nếu trở về ấp làm ăn, chắc chúng cũng chẳng để cho yên ổn.
– Xin mời cụ về nhà tôi nghỉ chân để tôi được hầu chuyện.
Ngồi bên bếp lửa bập bùng, nhắp một hơi rượu men lá, cụ Lê Bân chậm rãi:
– Hồi đầu, vừa lên ngôi, Gia Long đã rắp tâm trả thù những người tham gia nghĩa quân. Tôi cũng phải nhiều năm chạy trốn. Nhưng trại Tây Sơn, nơi khởi binh của Đức ông, không chịu để chúng động đến.
Khi được biết lệnh của Gia Long bắt dân đem xương của ba Đức ông[13] vứt xuống sông, còn đầu thì xích trong lao Thừa Phủ[14], chúng tôi lo lắm. May sao trăm họ đã mang thi hài vua Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân đi giấu, rồi thay thế bằng những bộ xương của hai người khác. Thế rồi vượt hàng chục dặm đường vất vả, khó khăn, trăm họ đã an táng. Đức ông dưới một ngôi từ đường, và chôn hoàng hậu trong một tòa miếu cổ. Ngày mai, tôi và các cháu sẽ đưa cụ đến viếng Đức ông.
Cụ Hai cảm động để rơi nước mắt xuống chén rượu đang uống.
Ngoài vườn, tiếng xích sắt ở chân voi kêu loảng xoảng. Cu Tít và cu Cận… hai đứa cháu nội của Lê Bân, cùng hỏi:
– Ông ơi! Ông kể chuyện về ông Ầm ở ngoài vườn cho chúng cháu nghe đi.
Cụ Hai ngạc nhiên:
– Sao các cháu biết ?
Cụ Lê Bân mỉm cười, hạ chén rượu đương uống xuống mâm, vuốt chòm râu bạc:
– Cụ tha lỗi, ngày thường tôi vẫn kể cho các cháu nghe những chuyện về Đức ông. Nếu trời thương, có khi hưng nổi cơ đồ thì lớp các cháu đây sẽ là những người thay thế lứa tuổi già. Từ nãy các cháu đã nhắc tôi xin cụ kể cho nghe về con voi chiến của nhà vua.
Người quản tượng già của vua Quang Trung nhìn đăm đăm vào đống lửa, nhớ lại quá khứ oanh liệt một thời xa xăm những lần con voi đã theo nhà vua ra bắc vào nam dẹp giặc. Đã năm chục năm qua rồi…
○ ○ ○
«Trước năm Ất Mùi (1775), Đức ông Nguyễn Huệ cưỡi một con ngựa xích thố đỏ như lửa, hai tay ngài cầm hai quả chùy đồng rất lớn, Khi ngài được vua Thái Đức[15] phong làm Long Nhương tướng quân thì cũng là lúc ngài được người Thượng biếu một thớt voi đực đang tuổi làm việc. Con voi dữ nhưng rất khôn, có cặp ngà dài trắng bóng. Hễ nghe tiếng súng Cự Thuần của quân ta nổ là nó lao lên phía trước, vươn vòi xông vào quân địch. Chiếc vòi đập túi bụi làm nhiều tên giặc bay tung như những chiếc lá gặp cơn giông. Binh lính đặt tên nó là ông Ầm.
Long Nhương tướng quân thích con voi của mình lắm. Ngài thường cưỡi ông Ầm xông pha trận mạc. Con voi có nghĩa có tình đó đã cùng với lão sống bên ngài cho tới khi ngài đột ngột qua đời. Suốt cả cuộc đời gần năm mươi năm điều khiển ông Ầm, lão chưa bao giờ phải dùng búa để bắt nó theo lệnh của mình. Ngày nay, lão chỉ còn một người thân nhất, đó là con voi. Lão quí nó như con. Qua hơn hai chục năm phải trốn tránh kẻ thù, lão cũng không nỡ thả nó về rừng hay chuyển nó về tay chủ khác. Đến cả cái tên ông Ầm khá nguy hiểm, giặc có thể theo vết để bắt lão, lão cũng không nỡ bỏ. Khi vắng người, lão khẽ gọi vào tai nó để nó nhớ đến Đức ông, người chủ của nó.
Cụ quản tượng già chớp chớp mắt cảm động trong lúc cu Tít lúc lắc hai trái đào ở trên đầu chờ đợi:
– Ông ơi! Ông kể về chuyện đánh giặc của ông Ầm đi.
Mời các bạn đón đọc Người Quản Tượng Của Vua Quang Trung của tác giả Ngọc Toàn.