Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cuộc Phiêu Lưu Của Văn Ngan Tướng Công

“Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực và lòng nhân hậu. Nhất là sự trung thực và lòng nhân hậu trong mỗi sáng tác dành cho trẻ thơ.” Đó là lời tâm sự của nhà văn Vũ Tú Nam khi nói về việc viết văn cho trẻ em. Và điều này thật đúng với mỗi tác phẩm mà ông viết ra. "Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công" là tác phẩm ghi lại hành trình phiêu lưu của một chú Ngan với đủ cả chuyện vui, chuyện buồn trên những chặng đường mà chú đi qua. Góc nhìn của một người kể chuyện giàu kinh nghiệm sống và có khiếu hài hước như Vũ Tú Nam đã làm nên một tác phẩm dí dỏm mà cũng không kém phần sâu sắc, giàu chất nhân văn. Qua câu chuyện của Văn Ngan tướng công, các bạn đọc hẳn sẽ cũng rút ra được những điều quý giá cho bản thân mình trên bước đường trưởng thành…

***

Nhà văn [Vũ Tú Nam](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=vũ tú nam) tên khai sinh là Vũ Tiến Nam, sinh năm 1929 trong một gia đình tiểu trí thức, quê ở Nam Định. Cha ông là một viên chức nhỏ của Pháp ở Hòa Bình nên ông học tiểu học ở Hòa Bình.

Ngoài người anh trai nổi tiếng nhưng mất sớm là nhà thơ Vũ Cao - tác giả bài thơ Núi Đôi, ông còn là em trai của nhà thơ Vũ Ngọc Bình - tác giả của bài thơ Con mèo mướp từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục tiểu học trước đây.

Vợ ông cũng là một người viết - nhà văn Thanh Hương, nguyên tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam. Siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh chính là cháu nội của nhà văn Vũ Tú Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1947, Vũ Tú Nam tham gia cách mạng. Sau khi học lớp Văn nghệ nhân dân khóa 2 ở Thanh Hóa, ông vào bộ đội, viết báo Vệ Quốc Đoàn ở Khu 4, sau đó ra Việt Bắc tham gia làm tờ báo mà ngày nay là báo Quân Đội Nhân Dân.

Sau Hòa Bình, ông về công tác tại Phòng văn nghệ quân đội của Tổng cục Chính trị với vai trò là một người sáng tác.

Năm 1958, ông được chuyển sang công tác tại báo Văn Học (nay là báo Văn Nghệ) của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong năm sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm vị trí: thư ký tòa soạn báo Văn Học, phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, giám đốc Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà Văn). Ông cũng được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, IV.

Đến Đại hội Hội Nhà văn khóa IV năm 1989 thì ông được bầu làm tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV (tương đương chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay), và ông chỉ làm một khóa, cho đến năm 1994 thì nghỉ hưu.

Ông cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Vũ Tú Nam viết cả truyện ngắn, ký và thơ nhưng sở trường là truyện ngắn. Ông đã viết hơn 10 tập truyện ngắn, ký và thơ, trong đó truyện vừa Bên đường 12 viết năm 1950 theo ông Thỉnh là tác phẩm đặc sắc nhất, đã giúp ông giành giải nhất văn xuôi Văn nghệ liên khu 4, đồng thời cũng là tác phẩm giúp ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá cao nhất hai truyện ngắn mà Vũ Tú Nam viết sau này, khi ông là giám đốc Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, là truyện Sống với thời gian hai chiềuMùa xuân tiếng chim.

Ngoài ra, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đánh giá cao truyện thiếu nhi Văn Ngan tướng công, vốn là "nguồn cơn" khiến bạn bè văn nghệ đặt biệt danh cho ông là "Văn Ngan tướng công".

Về con người của nhà văn Vũ Tú Nam thì cả nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Trần Đăng Khoa đều có chung nhận định rằng ông là một nhà văn, một lãnh đạo văn nghệ đức độ, khoan dung.

"Ông rất điềm đạm, tốt bụng, hiền lành, được anh em yêu mến. Ông lãnh đạo bằng sự đôn hậu, chân thành, lấy sự đôn hậu, khiêm nhường mà thu phục anh em văn nghệ", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Mời các bạn đón đọc Cuộc Phiêu Lưu Của Văn Ngan Tướng Công của tác giả Vũ Tú Nam.