Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Đại Đường Nê Lê Ngục

Trăng sáng giữa trời chiếu xuống cây ngô đồng, in bóng vào cửa sổ khiến cành cây giống như sừng rồng. Có lẽ ngày xưa Thôi phán quan đã treo cổ trên chính cành cây này.

Bóng cành cây trên cửa sổ lay động trong gió, trông như phía dưới có người treo cổ tự sát, thi thể đung đưa, lắc qua, lắc lại…

Đây mới chỉ là khởi đầu khi cao tăng Huyền Trang đặt chân đến huyện Hoắc Ấp. Nơi đây đang có một âm mưu hết sức kỳ quái. Ma trong huyện nha không phải ma. Người vạch kế lại không phải người. Miếu phán quan trở thành đất hung tà. Chùa Hưng Đường như hang hổ hang sói.

***

Bộ sách [81 Án Tây Du](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=81 Án Tây Du) gồm có:

  • [Đại Đường Nê Lê Ngục](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=81 Án Tây Du)
  • [Tây Vực Liệt Vương Ký](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=81 Án Tây Du)
  • [Đại Đường Phạm Thiên Ký](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=81 Án Tây Du)
  • [Đại Đường Đôn Hoàng Biến](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=81 Án Tây Du)

***

review KHÔNG SPOIL

~ 81 ÁN TÂY DU (Đại đường Nê Lê Ngục)
người review Camellia Phoenix
Tác giả: Trần Tiệm. Dịch giả: Losedow
Thể loại: Trinh thám cổ đại TQ
Đánh giá: Xuất sắc
Sau bộ Trâm, bộ Liên Hoa Lâu và “Nữ ngỗ tác họa cốt”, Biển vẫn chờ để gặp được một bộ trinh thám cổ đại hay tương tự như vậy. Cứ đọc sách cũ hoài nên lâu lâu tự thưởng cho mình quyển sách mới tinh, thế là phát hiện một câu chuyện còn hay hơn cả Liên Hoa Lâu. Biển xếp “81 Án Tây Du – Đại Đường Nê Lê Ngục” là sách hay nhất đọc trong tháng 10/2018 và là một trong những quyển sách ưa thích nhất của mình.
Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở đời Đường phồn hoa thịnh thế, Lý Thế Dân đang cai trị, lấy niên hiệu là Trinh Quán – nghĩa là dẹp yên thiên hạ, mở rộng chính đạo. Nhà sư Huyền Trang đã một lần dâng biểu xin đi Tây Trúc thỉnh kinh nhưng vì biên cương còn loạn lạc nên nguyện vọng của ngài chưa được chuẩn tấu. Trước khi dấn thân vào chuyến vân du không biết khi nào trở lại, Huyền Trang muốn truy tìm tung tích nhị ca là Trần Tố, xuất gia chùa Tịnh Thổ ở Lạc Dương với pháp danh Trường Tiệp, đã giết sư phụ Huyền Thành rồi bỏ trốn, sau đó còn dùng lời lẽ yêu mị xúi giục Huyện lệnh Hoắc Ấp là Thôi Giác treo cổ tự vẫn. Manh mối đưa đến huyện Hoắc Ấp, tại đây Huyền Trang được nhờ chữa bệnh cho phu nhân của tân Huyện lệnh Quách Tể. Chưa ở lại nội trạch của Quách Tể được một ngày thì Huyền Trang đã mấy lần gặp nguy hiểm tính mạng, vì vậy quyết định cùng người hầu Ba La Diệp đến chùa Hưng Đường cách huyện Hoắc Ấp vài dặm đường để trú lại. Những sự kiện thần bí cứ liên tục xảy ra xung quanh khiến Huyền Trang không thể không nghĩ rằng mình đang vướng vào một âm mưu rất lớn nào đó…
Trong phần 1 của “81 Án Tây Du”, những độc giả từng say mê “Tây Du Ký” sẽ được thấy một Huyền Trang rất mới mẻ khác biệt, dùng tư duy của một vị cao tăng nhiều năm nghiên cứu kinh luận để làm thám tử, thật là đặc sắc! Ngài luôn bình tĩnh (có lúc cười nhạt lạnh lùng), suy luận nhạy bén, ý chí sắt đá và can đảm có thừa, không hề giống nhân vật Đường Tăng yếu yếu đuối đuối cứ phải trông chờ sự bảo vệ và giải cứu của Tôn Ngộ Không. Tác giả Trần Tiệm cũng không tả nhân vật của mình anh tuấn tiêu sái mỹ mạo tuyệt luân như trong những truyện TQ khác, tuy vậy Huyền Trang vẫn được khắc họa rất rõ nét qua suy nghĩ của các nhân vật khác về ngài: “… vị hòa thượng trẻ tuổi thoạt nhìn ngu ngơ ngốc nghếch này có lòng dạ thâm trầm, ý chí kiên cường, ánh mắt nhạy bén, rất dễ khiến người khác thấy khó xử. Dường như ở trước mặt ngài, người nào cũng không thể che giấu điều gì, dường như hết thảy sự vụ trên đời đều hiển hiện rõ trong đôi mắt từ bi mà bình thản của ngài”. Còn nhiều đoạn tả hay hơn nữa nhưng Biển để dành cho các bạn tự đọc và thưởng thức.
Vị mỹ nữ Lục La trong truyện khiến Biển nhiều lần nghĩ đến Tử Tây trong “Ngọc xuyến án”. Cùng là thiếu nữ mà hai người một trời một vực, cách biệt không tưởng. Tử Tây xuất thân bần hàn nhưng duyên dáng tinh tế, hiểu người hiểu chuyện, còn Lục La bất kỳ lời nào hành động nào cũng khiến Biển ê buốt cả răng, chỉ hận không thể bỏ qua những đoạn có nàng để đọc tiếp! Tuy hoàn cảnh và cuộc đời Lục La quả thật đáng thương nhưng Biển nghĩ nàng có thể lựa chọn một tâm thế hoàn toàn khác để quyết định số phận của mình. Dù sao thì “một gáo nước chứa ba ngàn phù du, trong hạt cát có thế giới vô tận”, giữ chấp niệm quá sâu thì kẻ đau khổ nhất vẫn là chính mình.
Dù đọc truyện với một tấm lòng hết sức trong sáng vô tư nhưng Biển vẫn nhìn ra chút hint đam mỹ giữa Huyền Trang và Ba La Diệp: tên người hầu Thiên Trúc này nhiều lần bảo vệ che chở, thậm chí là cứu mạng Huyền Trang; còn vị cao tăng này lúc gặp nạn ngã lên người Ba La Diệp thì tay chạm đâu không chạm lại cứ phải chạm trúng điểm nhạy cảm (kaka). Nhưng nghiêm túc mà nói thì Biển nghĩ tác giả không cố tình đưa hint đam mỹ vào, chỉ viết như vậy để tăng thêm độ thú vị cho câu chuyện thôi. ____ Chi tiết cảm động nhất trong truyện là khi một nam nhân vai năm tấc rộng thân mười thước cao, là dũng tướng nơi sa trường giết giặc như rạ lại bằng lòng yêu thương một góa phụ, sau lại bằng lòng thả cho góa phụ đó - cũng là thê tử của mình - chạy trốn cùng tình lang. Đối với Biển, đoạn ấn tượng nhất trong truyện là: “Trời đất bao la, phu nhân của lão tử là lớn nhất! Kẻ nào dám tổn thương phu nhân của lão tử, dù có to lớn đến đâu lão tử cũng một đao chém thành hai đoạn!”. Vẫn biết đó chỉ là nhân vật trong sách, nam nhân như vậy không thể tồn tại ngoài thực tế, nhưng đôi lúc đọc được những chi tiết ngôn-tình-giả-tưởng như vậy thì vẫn có thể mỉm cười.
Tuy biết không được xem nhẹ tài trí của người xưa nhưng những cơ quan mật đạo được miêu tả trong “81 Án Tây Du” quả thật hơi hoang đường: xây những “buồng thang máy” bằng gỗ chạy bằng sức gió + nước để lên xuống núi, hoặc lắp ròng rọc để di chuyển cả những công trình nặng hàng trăm tấn… Tuy nói là hơi hoang đường nhưng trong lúc đọc vẫn không thấy có điểm nào vô lý, chỉ thầm tán thưởng đầu óc của tác giả Trần Tiệm đã tưởng tượng ra và dùng bút lực trác tuyệt để diễn tả lại tất cả những khung cảnh hoành tráng đó. Truyện không có những đoạn khiến người đọc phải cười lăn lộn nhưng vẫn có thể cảm nhận sự hài hước ngấm ngầm, làm dịu đi những yếu tố đáng sợ. Đọc truyện mà Biển nhớ đến bộ phim hoạt hình 3D TQ từng xem là “Họa giang hồ chi bôi mạc đình” và “Họa giang hồ chi bất lương nhân”. Nay mới biết “Bất lương nhân” là một tổ chức tình báo – sát thủ do Lý Thế Dân sáng lập ra.
Trong bộ Trâm từng có câu “Nhất thế Trường An”, trong quyển “81 Án Tây Du” này cũng nhiều lần miêu tả Trường An như một “kinh đô ánh sáng”. Biển thắc mắc không biết thành phố này hoa lệ cỡ nào mà được nhiều người ca ngợi nên đã tìm hiểu được chút thông tin sau: “Trong thời hoàng kim của mình, Trường An từng là thành phố lớn nhất và đông dân nhất thế giới. Dưới thời nhà Đường, kinh đô Trường An là thành phố đông dân nhất bấy giờ” (theo wikipedia).
Đây là lần đầu Biển đọc truyện TQ chứa đựng rất nhiều điển tích lịch sử Trung Hoa mà không chán, đọc nhiều kiến thức Phật pháp mà không buồn ngủ, thậm chí còn hiểu biết thêm nhiều điều mới lạ. Từng câu từng chữ trong quyển sách dày này đều như châu như ngọc, xứng đáng nuốt vào bụng, thu vào tâm. Trong thời gian ngắn (khoảng 11 tiếng) liên tục đọc khá nhiều từ Hán-Việt khiến Biển hơi choáng váng, tuy nhiên vì thích sử dụng từ Hán-Việt nên đã cố gắng đọc và ghi chú lại. Quyển “81 Án Tây Du - Đại Đường Nê Lê Ngục” có thiết kế bìa rất đẹp, giấy sạch chữ rõ, đặc biệt KHÔNG CÓ một lỗi chính tả hay lỗi đánh máy nào. Tuy được biết dịch giả Losedow đã nổi danh trong giới dịch thuật nhưng Biển vẫn xin phép khen ngợi phần chuyển ngữ của bác ấy trong quyển sách này, đọc vô cùng mượt mà dễ hiểu, những đoạn giữ nguyên từ Hán-Việt thì tao nhã thi vị. Mọt sách đọc được quyển sách hoàn hảo cũng giống như người sành ăn được thưởng thức món ăn ngon lành tinh tế. Cuốn sách khổ lớn 542 trang này sẽ là một tuyệt phẩm đối với các bạn thích thể loại trinh thám cổ đại, riêng Biển thì đọc xong sẽ đem tặng. Cái gì mình yêu thích mà không sở hữu được thì sẽ càng thương nhớ nó nhiều hơn.
(Sea, 18-10-2018)
P.S.1: Truyện có đề cập đến cách cứu người chết đuối rất hay ho, không rõ có thể áp dụng ngoài thực tế không.

***

LỜI DẪN 1

Đại Đường, năm Vũ Đức thứ tư, Ích Châu, chùa Không Tuệ.

Vạt tăng bào của hòa thượng quét qua thềm đá phủ rêu xanh, thanh giới đao dài ba xích cọ lên nền đá xanh phát ra âm thanh chói tai. Ánh nắng rực rỡ, bên trong thiền phòng dường như vắng vẻ không người, chỉ có tiếng chim hót từ xa xa vọng lại.

Giới đao là đao của tăng nhân, một trong những dụng cụ được mang theo bên người sau khi xuất gia. Theo giới luật chỉ cho phép dùng để cắt quần áo, không được dùng để sát sinh. Do sử dụng hạn chế, nên gọi là “giới đao”.

Một xích bằng mười thốn, xấp xỉ 33,33 centimet.

Tuy nhiên khi hòa thượng bước lên thềm đá, bên trong thiền phòng lại vang lên một tiếng thở dài già nua: “Trường Tiệp, tuy là gây chuyện giết người, mặc dầu cũng là mở tâm bồ đề, nhưng nếu giữ niệm sát nhân, con sẽ phải chịu đọa sinh vào cõi thấp.”

Hòa thượng khẽ run lên, tay cầm giới đao, chậm rãi mở cửa bước vào.

“Cuối cùng con vẫn nhất định phải xuống tay sao?” Lão tăng ngồi xếp bằng trên bồ đoàn, mỉm cười nhìn hắn.

Nước trào qua khóe mắt, hòa thượng nâng giới đao trong tay lên, đờ đẫn nói: “Thanh đao này, đệ tử đã ngâm dưới suối sâu ba đêm, mặt đao bọc ba ngàn phù du, lại phơi nắng ba ngày, trên phủ thêm phật quang trăm thước. Nay đến để đưa tiễn sư phụ.”

Lão tăng chỉ mỉm cười nhìn hắn, nét mặt tỏ rõ nỗi niềm thương tâm không kìm nén được: “Sau hôm nay, đối với lão nạp mà nói, không ngoài một cái chết mà thôi, công đức toàn vẹn, mọi ác nghiệp đều được tịnh trừ. Ba cõi giới trong trần đời thế tục cũng coi nhẹ như không, không để lọt vào trong mắt nữa. Nhưng con, sau hôm nay, thần phật chư thiên sẽ không còn ban phúc cho con, người đời và thân hữu sẽ không còn tán tụng con, thiên hạ Đại Đường này sẽ không còn nơi sống yên ổn cho con. Giới luật trong lòng con cũng theo đó mà sụp đổ, cả đời con sẽ phải ẩn nấp trong bóng tối, trốn tránh nội tâm của chính mình. Đường tu hành của con sẽ vĩnh viễn không thể viên mãn, sau khi chết bị đày xuống Nê Lê đại địa ngục A Tì, chịu ức vạn kiếp khổ, vô cùng vô tận… Những điều này con có thể chịu đựng được không?”

Trong “Thập Bát Nê Lê kinh”, đại địa ngục A Tì là ngục thứ mười ba - Huyết Trì địa ngục là ngục nặng nhất. Đối chiếu với “Bát đại địa ngục/ Bát nhiệt địa ngục” thì đại địa ngục A Tì được xét là một khám lớn, phân tách thành mười sáu địa ngục nhỏ hơn, trực thuộc Vô gián địa ngục. A Tỳ nghĩa là không xen hở, không gián đoạn. Đây chỉ cho cảnh giới địa ngục đau khổ nhất, trong ấy tội nhân bị hành hạ liên tục.

“Đệ tử…” Mồ hôi lạnh chảy ròng ròng trên trán, nhưng hòa thượng vẫn cắn răng nói: “Đệ tử dù chết chín lần cũng không hối hận.”

“Chết là chuyện đơn giản nhất!” Lão tăng lắc đầu, thở dài một tiếng: “Có lẽ đây chính là đường tu hành của con! Tay không, cầm cán cuốc. Đi bộ, ngồi lưng trâu. Trên cầu người đi lại. Cầu trôi, nước chẳng trôi*. Ôi…!”

Trích “Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 27 - Đại sĩ Thiện Tuệ”. Toàn bộ bài thơ này, kỳ thực là điều hòa mâu thuẫn, hướng tới “Tính Không”, chỉ cần thuyết minh một chữ “không” thôi, cũng đã bao hàm toàn bộ vũ trụ vạn hữu rồi. Nghĩa là “không tức thị sắc, sắc tức thị không”.

Hát xong bài kệ, lão tăng từ từ nhắm mắt lại, tựa như nhập định.

Hòa thượng đột nhiên không cầm được nước mắt, quỳ rạp xuống khóc lớn, sau đó giới đao trong tay vung lên, máu bắn cao ba thước, đầu lão tăng đã rơi xuống đất.

Giới đao rơi xuống đất kêu leng keng. Trong một khoảnh khắc này, trên mặt hòa thượng dính đầy máu tươi, lại thoáng lộ ra vẻ nanh ác. Hắn dùng vạt tăng bào bọc lấy đầu lão tăng, loạng choạng đứng dậy, lê từng bước rời khỏi thiền đường.

Thiền đường cổ ngàn năm, bậc đá xanh trăm tuổi, xuất hiện một vệt máu tươi chạy dài…

***

LỜI DẪN 2

Đại Đường, năm Vũ Đức thứ sáu, đạo Hà Đông, huyện Hoắc Ấp.

Đạo là một đơn vị hành chính cổ dùng để phân chia địa giới, tương đương với tỉnh ngày nay.

Huyện nha nằm ở phía đông thành, trước mặt là đường cái quan, lúc nào cũng đông đúc, huyên náo. Cửa nha môn dựng ở hướng nam, hai bên tường xây mở chéo theo hình chữ bát, trên tường dán đủ các loại thông cáo, theo thời gian dầm mưa dãi nắng, chất giấy cũng mục nát, nhòe mực nhìn không ra chữ, một cơn gió thổi qua, mảnh giấy nát bung ra khỏi mặt tường, bị gió cuốn bay đi mất.

Hoắc Ấp là trọng trấn của Hà Đông, muốn một đường vượt sông Hoàng Hà, theo từ bến Bồ Châu đến Thái Nguyên, nhất định phải đi qua chốn này, nơi đây dân ngụ cư đông đúc, khách buôn tấp nập, huyện thành náo nhiệt vô cùng. Hoàng hôn hôm đó, trong dòng người đông vui tấp nập trên đường cái, một hòa thượng đi giày rơm, mặc sa y màu xám từ xa đi tới. Trong tay hòa thượng cầm một chiếc mõ bằng gỗ đàn hương đỏ, tay kia cầm dùi gỗ gõ mõ theo nhịp tụng, tiếng mõ phát ra nhàn nhã, xa xăm, rất không hài hòa với sự huyên náo trên phố lớn.

Hòa thượng này đi đến bên ngoài bức tường kè theo hình chữ bát của huyện nha, liếc nhìn chiếc trống kêu oan kê trên bậc thềm, nhưng không tới gõ trống mà bỗng mỉm cười, có phần kỳ quái, vừa gõ mõ vừa cất bước đi lên bậc thềm.

Trên công đường, huyện lệnh Hoắc Ấp - Thôi Giác, ngồi nghiêng người trên tấm thảm lông cừu nền đỏ thêu hoa, lật xem chỗ công văn đặt trên án kỷ. Bỗng dưng nghe thấy có tiếng ồn ào ngoài cửa, cùng tiếng gõ mõ đều đều bên tai.

“Có chuyện gì thế?” Thôi Giác bực mình hỏi. Vị huyện lệnh này tuổi mới hai mươi tám, tướng mạo nho nhã, trên mặt thoáng ý cười cười nhàn nhạt. Dù mặc áo quan màu xanh, đội mũ cánh chuồn cũng không có vẻ uy nghiêm khí phách mà có phần phiêu dật, rất ra dáng danh sĩ thời Ngụy - Tấn.

Ngoài cửa có một gã tư lại chạy vào báo: “Khởi bẩm đại nhân, bên ngoài nha môn có một gã hòa thượng muốn xông vào, nhất quyết đòi gặp ngài. Hạ quan nói đại nhân đang xử lý công vụ, sẽ vào báo lại sau, nhưng hắn lại gõ mõ rất to.”

Danh từ cổ chỉ chức quan coi việc bắt giặc cướp. Sau chỉ chức quan nhỏ. Còn gọi là thư lại.

Tư lại này còn chưa nói xong, trong tiếng mõ, một tiếng phật kệ vang lên: “Một bát cơm ngàn nhà, thân vượt vạn dặm xa. Chỉ vì chuyện sinh tử, xin độ pháp ngày qua.* Tri phủ đại nhân anh minh, bần tăng vượt vạn dặm xa xôi đến đây, cốt chỉ mong được gặp đại nhân để hóa duyên.”

Bài thơ ca ngợi Đức Phật Thế Tôn, qua hình ảnh người khoác y áo đơn sơ, tay chỉ cầm một chiếc bát mộc, nhưng dáng vẻ lại thanh thoát, vân du tự tại đi hóa độ chúng sinh.

Thôi Giác cười: “Vị hòa thượng này xem chừng cũng thú vị đây, mời vào!”

Hòa thượng được sai dịch dẫn lối, vẻ mặt bình thản đi vào công đường, cũng không cần mời đã khoanh chân ngồi xuống đối diện với Thôi Giác.

“Đại sư pháp hiệu xưng hô thế nào?” Thấy hòa thượng này ngông cuồng, Thôi Giác cũng không đứng lên, chỉ lạnh nhạt hỏi.

“Pháp hiệu là gì?” Hòa thượng trợn mắt, lạnh lùng nói: “Lòng chỉ cầu một cơ duyên đối trước Phật, cần chi đến danh hiệu chốn trần gian nhơ nháp này đây.”

“Ơ?” Lúc này Thiền tông còn chưa phát triển rộng rãi, Tịnh độ tông vẫn là tông phái tu chính ở Đại Đường, chưa có nhiều hòa thượng nói chuyện kiểu này. Thôi Giác cảm thấy rất mới lạ, mỉm cười hỏi tiếp: “Đại sư từ đâu đến? Định đi tới nơi đâu?”

Tịnh độ tông là một pháp môn quyền khai của Phật giáo, do Cao tăng Trung Quốc Huệ Viên sáng lập. Mục đích của Tịnh độ tông là tu học nhằm được tái sinh tại Tây phương Cực lạc Tịnh độ của Phật A Di Đà.

Thiền tông là tông phái Phật giáo Đại thừa, sinh ra trong khoảng thế kỉ thứ VI, thứ VII, khi Bồ Đề Đạt Ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc cùng với sự hấp thụ một phần nào đạo Lão. Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lý luận về giáo pháp.

“Từ trong thai mẹ đến, đi tới bình bát của Phật.” Hòa thượng đáp.

Thôi Giác ngán ngẩm: “Vậy… đại sư đến tìm hạ quan có chuyện gì? Cần hóa duyên gì đây?”

“Thứ bần tăng cần hóa, chỉ đại nhân mới có. Nên mới vượt đường xa vạn dặm mà đến, chỉ có điều không biết đại nhân chịu cho hay không thôi.” Hòa thượng nói, có phần ngạo mạn.

Thôi Giác khẽ cười: “Hạ quan có thứ gì mà người khác không có?”

“Cái mạng này của đại nhân!” Hòa thượng vừa cười vừa nói, nét mặt cổ quái: “Cái đầu trên cổ, túi da ngoài thân.”

Thôi Giác mặt biến sắc, ngồi thẳng lên, dùng bộ dáng âm trầm lặng lẽ quan sát, đánh giá vị hòa thượng đang mỉm cười như trêu ngươi người khác kia: “Đại sư hẳn đang đùa ta thì phải?”

“Trên đường tới đây, sương gió đã mài rách của bần tăng ba tấm sa y, đất vàng cào nát của bần tăng chín đôi giày cỏ.” Hòa thượng chậm rãi nói: “Chỉ có chiếc mõ trong tay bần tăng càng mài càng sáng, có thể chiếu rõ tâm bần tăng. Có phải là thật hay không, bản thân bần tăng nhìn thấy rất rõ.”

Thôi Giác cẩn thận quan sát cho kỹ, thấy hòa thượng này tuổi áng chừng khoảng ngoài ba mươi, da mặt sạm đen, thô ráp, lộ rõ vẻ phong sương, sa y mặc trên người vá chằng vá đụp, rách nát như tàu lá chuối gặp mưa rào. Đôi giày cỏ đi dưới chân đã thủng cả đế, gót chân trực tiếp giẫm trên mặt đất. Đôi bàn tay với khớp xương to dài, vết chai sạn dày cộp. Xem ra quả thật đã đi vạn dặm đường, không phải đến đây nói đùa với mình.

“Cái mạng này của hạ quan tại sao lại khiến đại sư cảm thấy hứng thú?” Tâm tình Thôi Giác dần ổn định lại, trên mặt thậm chí còn mang ý cười.

“Đại nhân sinh năm Khai Hoàng Tiền Tùy thứ mười bốn, ba tuổi có thể đọc hiểu sách “Luận Ngữ”, bảy tuổi có thể làm văn thơ, tuổi tròn nhược quán đã nổi danh khắp Tam Tấn, văn chương thi phú được xưng tụng đệ nhất Tiền Tùy, người đương thời khen là con của phượng hoàng, vì vậy đại nhân lấy Phượng Tử làm hiệu. Có điều đại nhân số mệnh trái ngang, đường làm quan không được như ý. Sau khi thành danh, còn chưa kịp thi triển tài năng đã gặp lúc Tùy Dạng Đế ba lần viễn chinh Cao Ly, thiên hạ rối ren, dân chúng lầm than, đành phải vào núi lánh nạn, lánh một mạch năm năm. Đại nhân có cảm thấy chua xót vì chí hướng cao xa khó có thể thực hiện hay không?”

Thời xưa đàn ông hai mươi tuổi đều làm lễ đội mũ (quán), xem như thành niên, nhưng cơ thể còn chưa có tráng kiện, tương đối niên thiếu, nên xưng là “nhược”.

Năm 595 TCN, thời kỳ sơ khai của nhà Tùy, dưới sự cai trị của Tùy Văn Đế - Dương Kiên - Niên hiệu: Khai Hoàng (581 - 600), Nhân Thọ (601 - 604).

Lời nói của hòa thượng gây nên sóng gió ngập trời trong lòng Thôi Giác, vẻ mặt bình thản dần chuyển sắc, nhợt nhạt hẳn đi, một hồi lâu sau mới lẩm bẩm nói: “Quả thật đúng như đại sư nói.”

Hòa thượng cũng không để ý, tiếp tục nói: “Năm năm sau, đương kim hoàng thượng* dời Thái Nguyên, nghe nói đến tài danh của đại nhân nên mời làm quân sư ở lại trấn phủ. Đại nhân vốn cho rằng có thể tiếp tục thăng quan, thực hiện hoài bão của mình, không ngờ năm sau hoàng thượng đã khởi binh phản Tùy. Sau đó hoàng thượng lập nên Đại Đường, nếu không ngoài dự liệu, đại nhân theo hoàng thượng tiến vào Trường An, đến nay dù thế nào cũng là trọng thần trong triều. Nhưng đại quân tiến đánh xuống phía nam, phải qua Hoắc Ấp, đại nhân lập được công lớn, công này lại thay đổi cả cuộc đời đại nhân. Hoàng thượng bị ngăn trở, Thôi đại nhân ngài hiến kế bao vây dụ địch, đánh tan quân Tùy của Tống Lão Sinh. Thế là hoàng thượng lệnh đại nhân làm huyện lệnh Hoắc Ấp, trấn giữ vùng yếu địa. Đại quân của Tống Kim Cương áp sát dưới thành, đại nhân chỉ có ba trăm dân quân mà dám đánh úp ban đêm. Tướng phòng thủ Hoắc Ấp là Tầm Tương định đầu hàng địch, đại nhân liền dẫn theo hai gia nhân chạy tới phủ của hắn hành thích. Hoắc Ấp bị phá, đại nhân dẫn bách tính toàn thành chạy vào núi Hoắc tị nạn, ngay cả một hạt lương thực cũng không để lại cho quân địch. Sau khi Lưu Vũ Chu, Tống Kim Cương bị diệt, đại nhân cai trị Hoắc Ấp, người người không nhặt của rơi, đêm đêm không cần đóng cửa, bách tính ai ai cũng an cư lạc nghiệp. Ta muốn hỏi đại nhân, công lớn như thế, vì sao hoàng thượng đã trị vì bao nhiêu năm mà ngài vẫn chỉ là một huyện lệnh?”

Tống Kim Cương vốn là thủ lĩnh một đội nghĩa quân hơn vạn người ở Dị Châu (nay là Dị Huyện, Hà Bắc) sau quy hàng theo Lưu Vũ Chu (một thủ lĩnh quân phản Tùy) dấy binh đánh nhà Đường.

Danh tướng nhà Tùy, trấn thủ Hoắc Ấp khi quân nhà Lý tiến đánh xuống phía nam. Vốn ỷ thành cao, muốn tính kế dài chờ nhà Lý cạn lương thực mới diệt, nhưng bị Lý Uyên lừa, giả đánh thua rồi chạy, quân Tùy mắc bẫy bị bao vây, nhà Lý cho đồn Tống Lão Sinh đã chết, quân Tùy vì thế mà đầu hàng, Lão Sinh để mất thành nên tự sát.

Tức Đường Cao Tổ Lý Uyên, niên hiệu Vũ Đức.

Nghe hòa thượng này nói tỉ mỉ những chuyện mình đã trải qua suốt nửa cuộc đời, Thôi Giác không khỏi ngây ra như phỗng, tay nắm chặt một cuộn công văn, đến độ đốt ngón tay chuyển sắc trắng bệch: “Xin đại sư chỉ điểm!”

Hòa thượng đột nhiên quát lên: “Bản tâm như lửa địa ngục thiêu đốt, dục vọng không mời gọi cũng tự đó mà khởi sinh. Ba ngàn cõi giới đầy phiền não, tựu trung lại cũng chỉ là một hố lửa hung hiểm mà thôi! Ngài mặc dù tướng mạo thư sinh, nhưng mắt ngài lại bùng cháy dã tâm và dục vọng trần trụi không hề che giấu. Trên đời này, không có cái gọi là mục đích cuối cùng, ngài vĩnh viễn không biết tự thỏa mãn, không biết điểm dừng. Thân là kẻ ngồi ở ngôi cao, nếu không biết mục tiêu mà ngài đeo đuổi là gì, sao hoàng thượng dám tin dùng ngài đây?”

Thôi Giác chấn động, nhất thời rơi vào trầm tư.

“Ha ha, bần tăng sẽ chỉ cho ngài một con đường sáng.” Hòa thượng cười một tiếng quái dị: “Đại nhân chắc cũng biết, thế giới quỷ ma phương Tây tồn tại một cõi địa ngục Nê Lê?”

“Địa ngục Nê Lê?” Thôi Giác thoáng lộ vẻ kinh ngạc. Hắn đã đọc qua kinh điển của các giáo, đương nhiên không cảm thấy xa lạ, vì thế gật đầu: “Theo cách nói của nhà Phật, địa ngục Nê Lê là một trong sáu đạo dục giới. Đạo Phật có ‘Thập Bát Nê Lê kinh’, nói con người sau khi chết, người làm nhiều việc thiện lên trời, người làm nhiều việc ác vào cõi Nê Lê. Nê Lê tổng cộng có mười tám tầng, tám nóng, tám lạnh, du tăng, cô độc. Có người gọi là Nê Lê, có người gọi là Nại Lạc Ca, cũng có người gọi nó là địa ngục.”

Địa ngục, tiếng Hồ gọi là Nê Lê, tiếng Phạn gọi là Nại La Ca. “Nại Lạc” có nghĩa là người. “Ca” có nghĩa là ác. Người ác sinh ra ở nơi đó nên gọi nơi đó là Nại Lạc Ca. Do những con người ác đó lúc sinh thời đã gây ra những hành động cực kỳ tàn ác về thân, khẩu, ý cho nên phải tái sinh và tiếp tục ở cõi đó. Bởi vậy mới gọi là Nại Lạc Ca.

Hòa thượng bấm ngón tay mỉm cười: “Cái danh Phượng Tử quả không phải ngoa truyền. Bần tăng nguyện đưa ngài tới Nê Lê một chuyến, đại nhân có chịu hay không?”

Thôi Giác bàng hoàng kinh ngạc.

“Có vua Nê Lê tên là Viêm Ma La muốn mở ngục Nê Lê ở Đông Thổ, quản lý luân hồi của Nê Lê, xét xử thiện ác của lục đạo, bây giờ còn thiếu một phán quan. Trí tuệ của đại nhân có thể coi là có một không hai ở Đông Thổ, đôi mắt có thể nhìn thấu lòng người, trăm họ ở Hoắc Ấp đồn rằng đại nhân tra xét thiện ác chưa từng sai lầm, tâm của mười vạn bách tính Hoắc Ấp xét ra vẫn còn thua, thua xa trái tim có bảy lỗ* của đại nhân đây. Nê Lê dơ bẩn, là nơi quy tập tội ác của nhân gian, vừa lúc có thể mượn nghiệp hỏa vô minh ngàn trượng của đại nhân để đè ép tà uế. Không biết ý đại nhân thế nào?”

Ý chỉ người thông tuệ, có lương tâm thuần chất. Tương tự với Tỷ Can trong “Phong thần diễn nghĩa” sở hữu “thất khiếu linh lung tâm”.

Hòa thượng cười nhạt, trong mắt rực lên tia sáng quái dị.

“Bản quan… ta… “ Thôi Giác nghẹn lời, mồ hôi trên trán chảy xuống như mưa, lại không biết trả lời thế nào.

“Uổng mang tài cao, tham vọng khó đạt. Nhân gian này đã không có duyên với đại nhân, ngục Nê Lê có lẽ là nơi để đại nhân thi triển khát vọng.” Hòa thượng cười ha hả: “Bần tăng dừng lời tại đây, duyên này có hóa hay không, đại nhân cứ tự mình suy nghĩ.”

Dứt lời, hòa thượng cười to rồi rời khỏi huyện nha. Trời đã vào đêm, trong nha môn âm trầm u ám, chỉ còn tiếng mõ khoan thai xa dần.

Đêm đó, huyện lệnh Hoắc Ấp Thôi Giác dùng một dải lụa trắng tự vẫn dưới gốc cây trước sân.

Mời các bạn đón đọc Đại Đường Nê Lê Ngục của tác giả Trần Tiệm & Losedow (dịch).