Trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam ngày nay, từ “kiều hối” hoàn toàn không xa lạ gì với nhiều người. Nói một cách ngắn gọn, kiều hối là tiền do người dân định cư hay làm việc ở nước ngoài gửi về cho thân nhân ở trong nước. Với những quốc gia đang phát triển thì đây là một nguồn lực tài chính không hề nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới càng lúc càng trở nên toàn cầu hóa với những mối liên kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng chặt chẽ hơn bao giờ hết. Hằng năm, tổng lượng kiều hối trên toàn cầu đạt từ 550-600 tỷ đô la, và con số này đã lên tới 700 tỷ đô la trong năm 2018 vừa qua. Riêng với Việt Nam, lượng kiều hối luôn tăng trong những năm gần đây, cụ thể là từ gần 12 tỷ đô la năm 2016 đã lên tới gần 16 tỷ đô la năm 2018, trong khi GDP của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 240 tỷ đô la. Một phần lớn kiều hối mà Việt Nam nhận được có nguồn gốc từ Mỹ, nơi có cộng đồng Việt kiều đông đảo nhất.
Trước kia, người Việt định cư hay làm việc ở nước ngoài thường gửi tiền về nước để hỗ trợ thân nhân trang trải cuộc sống, nhưng gần đây họ còn chuyển tiền về để đầu tư hay góp vốn kinh doanh, khi Việt Nam đang tiến những bước vững chắc trên con đường cải cách nền kinh tế và đạt được tăng trưởng kinh tế khá vững chắc. Các tờ báo kinh tế, tài chính, các cơ quan thống kê trong nước liên tục cập nhật, so sánh các số liệu kiều hối qua từng năm, chia theo địa phương nhận kiều hối, thời gian nhận kiều hối, v.v… Và đó cũng chính là phông nền của câu chuyện mà chúng ta sẽ được đọc trong cuốn sách Thiếu tiền: Văn hóa tiêu tiền trong các gia đình xuyên quốc gia với mức thu nhập thấp này.
Đằng sau những con số thống kê khô khan trên báo chí và những đề tài nghiên cứu, Kiều hối mở ra là bao nhiêu cảnh đời, bao nhiêu câu chuyện của những gia đình “xuyên quốc gia”, tức là gia đình bao gồm các thành viên ở cả Việt Nam và Mỹ. Hơn thế nữa, qua cuốn sách chúng ta biết được rằng, không chỉ cho và nhận tiền, việc chi tiêu tiền của Việt kiều trong những lần về thăm quê hương cũng hết sức thú vị và độc đáo. Những người Việt nhập cư vào Mỹ có nghề nghiệp khá bấp bênh, thu nhập tương đối thấp, nhưng vẫn luôn luôn dành ra một phần thu nhập đáng kể để đều đặn gửi về Việt Nam cho thân nhân. Khi về nước du lịch hay thăm thân nhân, họ không ngần ngại tiêu tiền thoải mái cho các nhu cầu của cá nhân.
Tại sao họ lại làm như vậy, và những hành vi đó, qua nhiều năm, đã ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống và suy nghĩ của cả hai phía - Việt kiều và thân nhân tại Việt Nam?
Qua rất nhiều cuộc phỏng vấn và nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ, Giáo sư Thái Cẩm Hưng đã làm sáng tỏ những vấn đề tưởng như đơn giản nhưng thực ra vô cùng tinh tế đó. Kiều hối rốt cuộc không chỉ là câu chuyện về tiền bạc và hỗ trợ tài chính, mà nó còn có những hàm ý hết sức quan trọng về mặt cá nhân, tình cảm và văn hóa. Hành vi cho, nhận và chi tiêu tiền trong mối quan hệ giữa di dân và người không di cư, khi được nghiên cứu và phân tích dưới lăng kính xã hội học, đã phản ánh những động cơ và kỳ vọng hết sức đặc trưng của cộng đồng Việt kiều cũng như những người thân của họ đang sống tại Việt Nam.
Thông tin về tác giả
Là Giáo sư Xã hội học và Nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Pomona College từ năm 2001, Tiến sĩ Thái Cẩm Hưng tập trung nghiên cứu về các đề tài liên quan tới di dân, các gia đình xuyên quốc gia, hôn nhân và kiều hối của di dân v.v… Sau cuốn sách đầu tiên về đề tài kết hôn giữa Việt kiều và phụ nữ Việt Nam (For Better or For Worse: Vietnamese International Marriages in the New Global Economy - Rutgers University Press, 2008), năm 2014 ông tiếp tục hoàn thành nghiên cứu và cho ra mắt cuốn sách “Thiếu tiền” (Insufficient Funds: The Culture of Money in Low-Wage Transnational Families), như là sự tiếp nối những nghiên cứu về di dân Việt tại Mỹ, nhưng lần này tập trung vào khía cạnh tiền bạc. Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, điều tra, phỏng vấn liên quan đến dòng kiều hối Mỹ-Việt.
Mời các bạn đón đọc Thiếu Tiền của tác giả Thái Cẩm Hưng.