Một kị sĩ dưới cái lạnh âm hai mươi lăm độ giữa thảo nguyên mênh mông.
Một cô gái điếm giữa căn phòng khách sạn vắng.
Sáu đứa trẻ trong một container tại kho hàng bỏ hoang.
Một phụ nữ dưới đáy hố khai thác sỏi.
Một giáo sư điểu học bên ngoài căn lều giữa mùa dzüüd khủng khiếp.
Họ đều không còn sống khi được tìm ra. Họ được phát hiện gần như cùng thời điểm.
Các cuộc điều tra đưa Yeruldelgger cùng cộng sự đến với lãnh thổ nhiều quốc gia, khiến câu chuyện mở ra một hướng hoàn toàn khác
Sau Công lý thảo nguyên, Ian Manook lại gói gọn những phong cảnh, tập tục, ẩm thực và cả những bí mật của một vùng đất xưa nay vẫn luôn bí ẩn với thế giới vào trong một cuốn “đại” trinh thám, nơi ông một lần nữa tái khẳng định tài năng trong việc xây dựng các tình tiết và soi chiếu sâu sắc vào nhiều vấn đề của xã hội hiện đại.
Giải thưởng Saint-Pacôme cho thể loại trinh thám năm 2015.
***
Bộ sách Yeruldelgger gồm có:
***
Ian Manook (tên thật là Patrick Manoukian) sinh ngày 13/8/1949 tại Meudon, Pháp. Sau khi tốt nghiệp Luật châu Âu và Khoa học chính trị thuộc Đại học Sorbonne và Học viện Báo chí Pháp, ông làm phóng viên độc lập, biên tập viên và nhà văn.Ông là người ưa thích du lịch, và đã đi rất nhiều nơi: Mỹ, Canada, Ấn Độ, Kathmandu, Iceland, Belize, Braxin,…Trong sự nghiệp viết văn, ông đã được nhận giải Gulli 2012 cho tiểu thuyết Anh em Bertignac.
Công lý thảo nguyên là tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của Patrick Manoukian, được viết dưới bút danh Ian Manook, đã đạt nhiều giải thưởng danh giá: SNCF, Elle Polar, Quais du polar (năm 2014) và Audiolib 2015,… và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
***
…và đặt tay lên cò súng.
Rụt cổ trong chiếc áo choàng lót lông có mũ, thanh tra Oyun cố gắng tìm hiểu tổng thể mọi việc. Cô ngồi xổm trên lớp tuyết lạo xạo và cúi xuống để nhìn cho rõ hơn. Cái lạnh rạch đứt hai bên đồng tử của cô, còn không khí giá buốt như cào xoang mũi mỗi lần hít vào. Cảm giác chẳng khác gì đang hít phải những mảnh thủy tinh vỡ. Xung quanh cô, thêm một dzüüd[^b1] khủng khiếp nữa bao trùm lên thảo nguyên trắng xóa. Đây là năm thứ ba liên tiếp nỗi bất hạnh trắng giáng xuống đất nước này. Những mùa đông lạnh giá vùng cực dài dằng dặc nối tiếp bằng những mùa hè nóng hừng hực quá ngắn ngủi. Những cơn bão tuyết kéo dài nhiều ngày khiến người ta không thể nhìn thấy cả căn lều, lạc lối để rồi đứng chết cóng khi chỉ cách lều có một mét. Rồi đến những ngày bầu trời xanh như sơn mài bị xuyên thủng bởi vầng dương nhỏ xíu trắng bệch chiếu lên một vùng đất đông cứng trong băng. Oyun không có chút ký ức nào về những dzüüd như thế trong tuổi thơ của mình. Lần đầu tiên cô còn nhớ là mùa đông năm 2001. Một mùa đông khắc nghiệt và kéo dài tới mức bảy triệu gia súc đã chết trên toàn quốc. Cô nhớ như in trong ký ức hình ảnh hàng nghìn người du mục, mới vài tháng trước còn đầy kiêu hãnh và cứng cỏi, bị đẩy dạt về thành phố để ăn xin và chết trong im lặng, rét cóng dưới cống ngầm ở Oulan-Bator. Đàn ông mất hết ngựa, phụ nữ mất hết bò và dê, trẻ con thì mất hết cừu non, thậm chí cả lũ cún con. Mùa đông năm đó đã cướp đi nhiều sinh mạng ở Mông Cổ hơn cả mấy chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở Manhattan. Và trong hai năm tiếp theo, những dzüüd khác đã tàn sát nốt những gì còn lại của đàn gia súc yếu ớt. Đã từng có những nỗi bất hạnh đen, những mùa hè nóng như thiêu làm mặt đất nứt nẻ bị nung cháy đến tận tầng sâu, lẫn những nỗi bất hạnh trắng khi mà tuyết trùm kín thảo nguyên dưới một lớp vỏ băng giá. Hai nỗi bất hạnh khiến lũ gia súc bị bỏ mặc suốt mùa đông. Những con vật tản mát đi tìm thức ăn, lạc đàn, rồi chết vì đói và lạnh. Chỉ tới mùa xuân người ta mới tìm thấy hàng nghìn cái xác gầy trơ xương, bị tuyết làm chín cả da lẫn thịt. Thậm chí là hàng triệu, khi một dzüüd hội tụ trong nó nỗi bất hạnh còn lớn hơn cả hai nỗi bất hạnh đen và trắng.
Đống xác nhỏ là chỗ nhô lên duy nhất trong bán kính nhiều kilômét thảo nguyên xung quanh. Oyun tự hỏi điều gì có thể lý giải sự hiện diện của nó, nhưng tránh tìm câu trả lời ở phía chân trời. Không khí lạnh căm khiến đường viền của những chỏm núi trở nên rõ nét tới mức mắt cô nhức như bị xé. Cô tập trung vào đám xác chất đống. Người lính lái chiếc xe bọc thép cổ lỗ từ thời Liên Xô xuống khỏi buồng lái chiếc AT-L cũ kỹ rồi đi tới bên cô. Cô nghe thấy tiếng cửa đóng sập lại, đanh gọn như tiếng một thân cây rỗng bị gãy, rồi tiếng lạo xạo đều đều của tuyết bị ép lún xuống dưới đôi bốt anh ta đi. Không nói một lời, anh ta ngồi xổm cạnh cô, đưa cho cô một cái ca sắt tây rồi lấy bình giữ nhiệt từ trong cái áo vạt dài truyền thống chần bông.
“Ở trên cùng là một con bò Tây Tạng thuần hóa, cái này thì chắc rồi!” người lái xe xác nhận.
“Một con bò Tây Tạng thuần hóa hoặc một con bò lai,” Oyun chỉnh lại. “Người du mục ở đây chỉ có bò lai. Hiếm khi có bò Tây Tạng hoang dã.”
“Hoặc một con bò lai,” người lái xe nhượng bộ trong lúc xoay nắp chiếc bình giữ nhiệt giữa hai bàn tay đeo găng lót lông cừu to tướng.
Anh ta tự rót cho mình một ca trà bơ nóng bỏng trước khi mời Oyun một ca. Là bò thuần hay bò lai, điều đó cũng chẳng làm thay đổi gì nhiều. Cái xác bị phanh bụng của con vật phủ lên những cái xác khác. Băng bện thành những lọn lấp lánh các đốm sương giá trên bộ lông và trong bụng con vật. Con vật phủ phục, bốn chân xoạc ra, nom thật ghê tởm, phủ phần ruột gan đóng băng lên những thứ nằm dưới bụng nó. Ít nhất cũng không có mùi gì. Vào mùa hè, khi nhiệt độ ở cùng địa điểm lên tới hơn bốn mươi độ, đống xác chết này hẳn đã phả ra mùi xú uế không thể nào chịu nổi. Không khí lạnh giá khử trùng cho mọi thứ, kể cả nỗi kinh hoàng. Người lái xe cúi xuống để nhìn qua những rẻ sườn bị gãy của con vật, rồi lách một bàn tay vào giữa khối phủ tạng cứng đơ, rắn chắc…
“Bò cái!” anh ta nói. “Đây là con cái.”
“Cũng chả quan trọng!” Oyun vừa thở dài vừa bấu chặt ngón tay vào ca trà. “Thế còn bên dưới?”
“Bên dưới là một con ngựa,” người lái xe nói không chút do dự.
Có thể nhận ra điều đó nhờ những chiếc móng đóng vào bốn cái chân bị bẻ trật khớp nằm lẫn lộn với chân của con bò Tây Tạng. Phần thân con vật mà Oyun nhìn thấy có vẻ đã bị gãy ở lưng. Xác một con bò cái Tây Tạng bị phanh bụng phủ lên xác bị đánh gãy của một con ngựa, trong điều kiện âm hai mươi lăm độ và ở cách Oulan-Bator năm trăm kilômét, đây không hẳn là cuộc điều tra thuộc đội cảnh sát hình sự. Có lẽ cô sẵn sàng để lại vụ này cho cảnh sát địa phương. Thế nhưng lại còn cái chân đó. Một cái chân đi ủng, bàn chân vẫn còn mắc vào bàn đạp thúc ngựa, trồi ra giữa phần lưng đóng băng của con ngựa chết và cái bụng mở phanh của con bò Tây Tạng.
“Đó là người kỵ sĩ,” anh lính giải thích.
“Tôi hơi nghi ngờ chuyện đó,” Oyun đáp, hai bên hông đột nhiên đau buốt vì giá lạnh và mệt mỏi. “Vấn đề là tìm xem anh ta làm gì ở đó!”
“Anh ta đã ở trên lưng ngựa,” người lính nhận xét.
“Phải, và bây giờ anh ta ở dưới con bò!” nữ thanh tra bực bội. “Ta đã có manh mối gì về việc đây có thể là ai chưa?”
“Chưa,” người lính trả lời. “Ta mới chỉ có mỗi cái chân.”
“Và anh đã không tìm cách kéo anh ta ra để tìm kiếm manh mối sao?”
“Tôi là quân nhân,” người lính bật ra cụt lủn.
Oyun quay đầu nhìn anh ta chằm chằm không chút e dè. Yeruldelgger đã kể với cô về những người du mục trở thành viên chức nhà nước. Mọi điều tạo nên phẩm chất của người du mục cũng chính là hạn chế của người viên chức. Nhất là nếu anh ta lại là quân nhân.
“Dẫu sao cũng có thể thử tìm hiểu xem người này là ai, phải không?”
Oyun quỳ gối xuống tuyết mà không chờ câu trả lời, rồi nắm lấy chiếc ủng mà băng giá đã gắn chặt phần da vào bàn đạp. Cô cố kéo cái chân của xác chết ra nhưng không ăn thua. Cẳng chân, cứng đơ như một thân cây hóa thạch, không nhúc nhích lấy một li. Cô liền chống người tạo thành đồn bẩy, tì vai vào xác con bò, và trong lúc thực hiện hành động của mình, cô bắt gặp ánh mắt người lính. Anh ta không có vẻ tán thành việc cô làm.
“Sao hả?” cô bực bội, thở hổn hển vì gắng sức.
Cô vã mồ hôi dưới lớp áo khoác, trong khi hai lá phổi của cô như bị băng giá phủ kín từ bên trong. Cô không trong tâm trạng có thể chịu đựng vẻ uể oải cam chịu của người lính.
“Không nên làm thế,” anh ta lẩm bẩm chê trách.
“À vậy hả? Thế sao lại không?” nữ thanh tra vừa đáp lại vừa kéo cái chân như một tên tù khổ sai đẩy mái chèo.
“Vì băng giá.”
“Bởi vì anh tin là nó…”
Có thứ gì đó gãy rắc và Oyun ngã bật ra sau trong tiếng lạo xạo của tuyết bị đè bẹp. Khi cô nhổm dậy, khuôn mặt bị giá lạnh cứa vào, Oyun giật mình kinh hãi vội ném ngay cái cẳng chân ra xa.
“Tôi từng thấy những mùa dzüüd làm thân bạch dương bị đóng băng tới tận lõi khiến chúng trở nên giòn như thủy tinh,” người lính giải thích. “Thế nên một cái chân…”
“Tôi không tin chuyện đó!” Oyun vừa lẩm bẩm vừa nhặt cái chân đóng băng cứng giơ lên.
Cả xương lẫn da thịt bị bẻ gãy ngang đùi, cũng như phần vải của ống quần. Nó không còn chút đặc tính nào của một cái chân người.
“Ít nhất tôi cũng có thứ để yêu cầu xét nghiệm ADN…”
Cô nhìn lần cuối đống xác chết nhỏ, ngẫm nghĩ một lát, rồi ra hiệu bảo anh lính lại gần.
“Theo anh, chúng ta có thể chằng một sợi xích vòng quanh rồi dùng xe của anh kéo bật cả đống này lên được không?”
“Cô sẽ làm gãy con ngựa và có thể là cả người kỵ sĩ nữa…”
“Chúng ta không thể để anh ta lại đó suốt mùa đông được! Sớm muộn gì lũ thú ăn xác chết cũng tìm tới.”
“Cô có thể nán lại hai ngày không?”
“Ở đây á?” Oyun thốt lên.
“Ở chỗ tôi, tại đồn.”
“Làm thế sẽ giúp công việc của tôi tiến triển như thế nào?”
“Nếu cô muốn mang ba cái xác của cô về, cần rã đông chúng, và tôi biết phải làm thế nào.”
“Phải, tôi cũng đã nghĩ tới chuyện đó,” Oyun đáp. “Chúng ta có thể đốt lửa xung quanh…”
“Chúng sẽ không trụ được qua đêm đâu. Ở đồn có một chiếc lều cũ do những người du mục bỏ lại sau một mùa dzüüd. Chúng ta sẽ quây lều xung quanh đống xác. Rồi đốt hai hay ba lò than bên trong, và tôi có hai chiếc máy sưởi điện nhỏ. Tất cả sẽ tan chảy trong hai mươi bốn giờ. Cô có thể ra về với trọn vẹn anh chàng gãy chân của cô.”
“Này, nói năng tôn trọng một chút!” Oyun cắt ngang. “Đó là một nạn nhân.”
“Tôi đâu phải người đã bẻ giò anh ta!” người lính nói đùa.
“Đồng ý. Nhưng dù sao cũng tôn trọng anh ta. Tôi đủ hối tiếc về những gì mình đã gây ra cho anh ta rồi.”
“Cô không phải hối tiếc đâu, cô em. Cô giúp anh ta chán vạn ra rồi!”
“À thế sao?”
“Phải. Tổ tiên chúng tôi nghĩ rằng phải bẻ xương người chết để linh hồn họ có thể thoát ra. Họ để người chết ngoài thảo nguyên mà không chôn cất để cho thú hoang tới gặm xương và giải phóng linh hồn những người này.”
Oyun chợt nhớ Yeruldelgger từng kể cho cô nghe điều tương tự. Cô cũng nhớ lại tất cả những gì ông đã dạy cô về việc tôn trọng lều du mục.
“Nhất trí về chiếc lều, nhưng đừng xúc phạm các linh hồn từng sống trong đó.”
“Cô đừng có lo. Các linh hồn đã rời khỏi căn lều này từ lâu rồi. Hơn nữa chúng ta sẽ không bít kín các khe. Chúng ta chỉ phủ kín nó bằng mái lều lớn thôi. Linh hồn người xưa trú ẩn trong lớp dạ. Chúng ta sẽ không quấy quả họ.”
“Được,” Oyun đáp, cô bắt đầu thấy có cảm tình với anh chàng quân nhân ngày càng ít chất quân nhân và nhiều chất du mục này. “Tôi sẽ quay lại cùng anh. Tôi nợ nạn nhân cụt chân khốn khố này điều đó.”
Trước khi quay trở lại chiếc xe bọc thép, cô đưa mắt nhìn đống xác lần cuối, và người lính đoán ra điều cô đang nghĩ.
“Tôi từng thấy lũ bò Tây Tạng nhảy chồm lên như dê bất chấp trọng lượng của chúng. Người ta nghĩ chúng lờ đờ và điềm đạm, nhưng nếu bị săn đuổi, chúng có thể trở nên nhanh nhẹn và hung hãn. Người kỵ sĩ có thể đã đuổi theo con bò cái để bắt nó về chuồng. Có thể con ngựa của anh ta đã trượt chân, và thế là trong cơn hốt hoảng, con bò cái đã nhảy chồm tới đè lên anh ta trước khi anh ta kịp nhảy khỏi ngựa.”
“Và làm gãy lưng con ngựa sao?”
“Một con bò cái to có thể nặng tới ba trăm kí lô.”
“Nhưng nếu vậy thì vì sao con bò cái lại bị phanh bụng ra?”
“Chúng ta không biết người kỵ sĩ ở bên dưới là người như thế nào. Có khi anh ta có một cây urga. Có thể là cây sào buộc thòng lọng đã gãy trong cú ngã và con bò cái bị xuyên thủng bụng chăng?”
Mời các bạn đón đọc Thời Hoang Dã của tác giả Ian Manook & Lê Đình Chi (dịch).